Nhạy bén, kịp thời, chính xác, mang hơi thở của thực tiễn, có giá trị lâu dài
Đây cũng là những yêu cầu rất cao và khó luôn đặt ra với mỗi tờ báo nói chung, với mỗi nhà báo nói riêng. Nhà báo cách mạng - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thể hiện rõ những điều này trong các bài viết của mình.
Những bài viết của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên Báo Nhân Dân đều bám sát phản ánh thực tiễn cuộc chiến đấu và xây dựng của nhân dân. Ông vừa đảm nhận vai trò là người lãnh đạo quân đội và nhân dân trong cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm và sau này là công cuộc xây dựng nông thôn ở miền bắc rồi lãnh đạo cuộc chiến đấu ở miền nam, vừa kịp thời có nhiều bài viết nêu cao thắng lợi, phổ biến những kinh nghiệm hay, những điển hình tốt trong chiến đấu, trong lao động với đông đảo độc giả.
Sau khi Báo Sự Thật đổi tên thành Báo Nhân Dân (11/3/1951), dấu mốc đầu tiên của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên báo Nhân Dân là bài viết (đăng ngày 15/11/1951, ký tên Nguyễn Chí Thanh): Để phá tan âm mưu của giặc dùng người Việt đánh người Việt-Đẩy mạnh công tác vận động ngụy binh. Trong bài viết, ông nêu lên kinh nghiệm là: “Do có nhân dân tham gia, việc tuyên truyền thiết thực (chữ in nghiêng trong nguyên bản - N.V.A) và có hiệu quả nhiều hơn. Đó là phương pháp tuyên truyền theo đường lối quần chúng vì biết vận dụng năng lực của nhân dân vào công tác... Đó là phương pháp vận động đấu tranh theo đường lối quần chúng: hợp với trình độ của quần chúng, biết căn cứ vào lợi ích thiết thân của quần chúng, để dần dần đưa quần chúng đến chỗ tích cực chống giặc”. Những quan điểm này của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ bài viết cách đây đã hơn 66 năm vẫn chưa hề cũ trong bối cảnh hôm nay.
Trước mỗi chuyển biến mới của tình hình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều kịp thời có các bài viết, trong đó ông đưa ra những đánh giá, bình luận chính xác. Sau khi đọc bài báo Một hợp tác xã gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đăng Báo Nhân Dân ngày 11/1/1961, ký tên T.L) biểu dương những thành tích và kinh nghiệm của Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - khi đó là Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương - dẫn đầu đoàn cán bộ, chuyên viên nông nghiệp vào Quảng Bình, mời Bí thư Tỉnh ủy cùng về cơ sở năm ngày để tìm hiểu thực tế. Ông trực tiếp trao đổi với nông dân và cán bộ thôn xã, rút kinh nghiệm từng chi tiết việc tổ chức sản xuất và đời sống ở đây. Sau đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo tổ chức Hội nghị tổng kết, có cán bộ toàn tỉnh Quảng Bình tham dự.
Kìa, Tết đến rồi! Xuân sang. Hoa nở! Tất cả những cảnh vật huy hoàng bày ra không còn để mỉa mai, chọc tức chúng mình mà là để trang trí cho một cuộc đời tuy còn khó khăn nhưng tràn đầy hạnh phúc, và hạnh phúc ấy sẽ vững chắc lâu dài vì nó bắt nguồn từ một chế độ xuân xanh với cái tên vô cùng trìu mến: Xã hội chủ nghĩa.
---Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết về Cảm nghĩ Tết của một nông dân xã viên vào dịp Tết Quý Mão (1963)---
Sau Hội nghị này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết một bài dài trên Báo Nhân Dân Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong đăng ba kỳ liên tục các ngày 26, 27 và 28/2/1961. Sau cuộc Hội nghị ở Quảng Bình và bài báo lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên Báo Nhân Dân, nhiều cán bộ ở các địa phương khác trực tiếp đến Đại Phong để học hỏi kinh nghiệm rồi về triển khai tổ chức thực hiện ở địa phương mình đã tạo nên một phong trào học tập và thi đua với Đại Phong rộng rãi trên khắp miền bắc. Chỉ sau ba tháng đã có gần 1.000 Hợp tác xã thi đua với Đại Phong. Gió Đại Phong được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh “thổi” lên từ đó đã khơi nguồn cho nhiều phong trào thi đua sản xuất khác trên miền bắc sau đó: Sóng Duyên Hải, Cờ Ba Nhất...
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rất sâu sát thực tiễn. Sinh thời đã có người gọi ông là “anh bám đội lội đồng” dù lúc đó ông đã là Ủy viên Bộ Chính trị. Trên Báo Nhân Dân, ông viết nhiều bài về cải tiến quản lý Hợp tác xã, về Thâm canh lúa, về Phát huy vai trò tích cực của phụ nữ trong phong trào Hợp tác hóa và phát triển sản xuất nông nghiệp... Tết Quý Mão (1963), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết về Cảm nghĩ Tết của một nông dân xã viên bằng những lời reo vui sinh động: “Kìa, Tết đến rồi! Xuân sang. Hoa nở! Tất cả những cảnh vật huy hoàng bày ra không còn để mỉa mai, chọc tức chúng mình mà là để trang trí cho một cuộc đời tuy còn khó khăn nhưng tràn đầy hạnh phúc, và hạnh phúc ấy sẽ vững chắc lâu dài vì nó bắt nguồn từ một chế độ xuân xanh với cái tên vô cùng trìu mến: Xã hội chủ nghĩa”(1).
“Đói ư ?
- Đói cũng đánh
Rét ư ?
- Rét cũng đánh
Ốm ư ?
- Ốm cũng đánh”
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết về các chiến sĩ trong bài viết cho Báo Nhân Dân Đảng là người tổ chức, lãnh đạo quân đội ta (1959).
Sâu sắc và độc đáo, sắc sảo mà tài hoa
Cách dùng từ ngữ báo chí của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh uyển chuyển, sáng tạo. Với nhân dân, chiến sĩ, ông sử dụng ngôn ngữ của quần chúng - bình dị, dễ hiểu, từ đó mà dễ nhớ, dễ làm theo. Với kẻ địch, từng chữ, từng dòng của ông lúc thì trực diện đanh thép, quyết liệt, khi thì thâm thúy, sâu cay lột tả bản chất âm mưu và hành động của kẻ thù. Chúng ta có thể thấy phong cách này của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có sự tương đồng với nhà báo lớn Hồ Chí Minh và nhiều nhà báo cách mạng khác.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có cách diễn đạt rất riêng, làm cho người đọc cảm nhận mạnh mẽ tinh thần của người viết. Trong bài viết cho Báo Nhân Dân Đảng là người tổ chức, lãnh đạo quân đội ta (1959), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết về các chiến sĩ:
“Đói ư ? - Đói cũng đánh
Rét ư ? - Rét cũng đánh
Ốm ư ? - Ốm cũng đánh”(2).
Nhiều khi chỉ cần một dòng title của ông cũng đủ để nêu và khái quát hóa vấn đề: Chiến lược sai lầm và những sai lầm có tính chất chiến lược của Mỹ ở miền nam Việt Nam (1965, bút danh Trường Sơn).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm Sư đoàn 312 ngày 1/1/1964.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm Sư đoàn 312 ngày 1/1/1964.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Chiến khu Việt Bắc năm 1951.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Chiến khu Việt Bắc năm 1951.
Vĩ thanh
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không phải là nhà báo chuyên nghiệp với nguyên nghĩa đầy đủ của từ này nhưng ở ông hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một nhà báo lớn. Học tập được tinh thần và giống như người thày Hồ Chí Minh và những học trò gần gũi khác của Người, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh “dùng” báo, viết báo cho những nhiệm vụ cách mạng. Trên mỗi chặng đường trong cuộc đời cách mạng tuy không dài nhưng chói sáng của ông, đồng hành bên cạnh một Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, một Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một Bí thư Trung ương Cục miền nam, có một Nhà báo cách mạng Nguyễn Chí Thanh và chúng ta có thể “đọc” được một Phong cách báo chí Nguyễn Chí Thanh qua những bài viết của ông - trên các báo nói chung và trên Báo Nhân Dân nói riêng.
Ngày 6/7/1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột ra đi. Ông không kịp hoàn thành nhiều công việc và ước nguyện còn dang dở. Nhưng ông vẫn sống trong tâm trí của nhân dân, của chiến sĩ. Cuộc đời và sự nghiệp, các luận điểm cách mạng được thể hiện qua các bài viết, bài nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để lại nói chung, trong đó có nhiều bài đăng trên Báo Nhân Dân nói riêng, đã trở thành tài sản quý giá của Đảng, của quân đội và của Nhân Dân, tô đẹp thêm truyền thống, làm phong phú thêm lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, khơi dậy cái đẹp trong tâm hồn và cốt cách con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
---------
Chú thích:
(1) Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nxb Thời đại, Hà Nội, 2013, tập 1, quyển 1, tr. 587
(2) Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - tập 1, quyển 2 - Sđd, tr. 15