Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang:

PHÁT HUY TIỀM LỰC CON NGƯỜI ĐỂ ĐƯA VĨNH LINH THÀNH TRUNG TÂM KINH TẾ PHÍA BẮC TỈNH QUẢNG TRỊ

Di tích quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải 70 năm sau Hiệp định Geneva. (Ảnh: Thành Ðạt)

Di tích quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải 70 năm sau Hiệp định Geneva. (Ảnh: Thành Ðạt)

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Linh chỉ có hai bàn tay trắng và mặt đất nham nhở hố bom. Vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, cán bộ và nhân dân Vĩnh Linh đã nhanh chóng phục hồi nền kinh tế của địa phương để bước vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo. Hiện nay, huyện đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế phía bắc của tỉnh Quảng Trị.

Nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh, đồng chí Trần Nhật Quang - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh chia sẻ những tình cảm, trăn trở và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện trong việc phát huy truyền thống, định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới.

Vĩnh Linh xác định ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp và coi đó là định hướng phát triển kinh tế.

Phóng viên: Phát huy truyền thống anh dũng trong xây dựng và bảo vệ quê hương, Vĩnh Linh hiện nay đang đặt ra chiến lược phát triển kinh tế-xã hội về mọi mặt như thế nào, thưa ông?

Đồng chí Trần Nhật Quang: Là một huyện có xuất phát điểm thấp, lại chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, của thiên tai, Vĩnh Linh xác định ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp và coi đó là định hướng phát triển kinh tế.

Huyện tập trung phát triển toàn diện ngành công nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực có lợi thế. Triển khai có hiệu quả quy hoạch và quản lý quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện gắn với đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật. Phối hợp thu hút các dự án đầu tư vào các Cụm công nghiệp, nhất là Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá để tạo ra động lực thúc đẩy cho toàn ngành.

Bên cạnh đó, là huyện thuần nông nên nông nghiệp đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của huyện. Bởi vậy huyện đã thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và coi đó là chìa khóa để tạo ra những bước chuyển biến tích cực, đột phá cho nhóm ngành này.

Trên cơ sở định hướng của Trung ương và của tỉnh, năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 huyện Vĩnh Linh phấn đấu tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có 33% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1-2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến cuối năm 2030, huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Ngoài ra, huyện tiếp tục thực hiện đề án “Phát triển Thương mại-Du lịch Huyện Vĩnh Linh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”. Huyện sẽ tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch, xây dựng các sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện, ưu tiên cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: du lịch biển, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng,… Huyện phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế phía bắc của tỉnh Quảng Trị,

Item 1 of 1

Phóng viên: Huyện gặp khó khăn gì trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội?

Đồng chí Trần Nhật Quang: Bên cạnh những khó khăn chung của cả nước và cả tỉnh, như địa chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, sản phẩm phục vụ sản xuất bất ổn định và tăng cao, thiên tai, dịch bệnh,… Vĩnh Linh cũng gặp một số khó khăn riêng như:

Thứ nhất, Vĩnh Linh và Quảng Trị không thuận lợi về địa kinh tế. Địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là mùa mưa. Điển hình như khoảng tháng 10/2020, tỉnh Quảng Trị và huyện Vĩnh Linh chịu thiệt hại nặng nề do một trận “đại hồng thủy” gây ra, gây thiệt hại cho huyện ước tính là trên 300 tỷ đồng,… Điều này ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư và nguồn thu huyện bởi vậy gặp khó khăn. Toàn huyện hiện có khoảng 400 doanh nghiệp, nhưng đa số là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tập trung chủ yếu vào đầu tư, xây dựng, các lĩnh vực phụ thuộc vào đầu tư công.

Thứ hai, Quảng Trị là tỉnh còn nhiều khó khăn, bởi thế sự hỗ trợ từ cấp tỉnh về cấp huyện so với các huyện thuộc các tỉnh, thành phố khác chưa nhiều…

Bên cạnh đó, gánh hậu quả chiến tranh nặng nề, hiện huyện phải dành một phần nguồn lực chăm lo gia đình chính sách. Ngoài ra, Vĩnh Linh không chỉ có xã đồng bằng mà còn có 3 xã miền núi, với cơ sở hạ tầng, điều kiện đi lại, trình độ dân trí và đời sống đều khá thấp. Bởi vậy, huyện cũng phải tập trung nguồn lực vào các xã này.

Mặc dù vậy, chúng tôi vừa đón nhận một thông tin rất vui. Ngày 15/8, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 834/QĐ-TTg công nhận huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

Đây là thành tích thiết thực để chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh. Ngoài ra, huyện cũng hy vọng sẽ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì lần thứ tư dịp này.

Phóng viên: Xin chúc mừng huyện nhà với niềm vui về đích nông thôn mới. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về quá trình phấn đấu đạt nông thôn mới của huyện?

Đồng chí Trần Nhật Quang: Xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ và chính quyền huyện xác định là chủ trương lớn, là nhiệm vụ trọng tâm trong cả 3 nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và 2020-2025. Để xây dựng nông thôn mới thành công, huyện xác định nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm theo từng giai đoạn, trong đó lấy phát triển kinh tế làm khâu đột phá, từ đó làm nền tảng cho việc thực hiện các tiêu chí khác.

Từ những mục tiêu cụ thể, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nhân dân, cơ quan, ban, ngành trong toàn huyện Vĩnh Linh đã vào cuộc một cách tích cực; chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới đến các tầng lớp nhân dân.

Vừa qua, huyện đã hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới và được UBND tỉnh và các bộ ngành thẩm định. Có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn xã văn minh. Trong đó 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, và đang tiến hành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Quan trọng là sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Qua khảo sát, có 99% người dân đồng thuận việc thực hiện và xây dựng nông thôn mới.

Quảng Trị có 10 huyện, thị xã và thành phố, nhưng tới đầu năm 2024 mới chỉ có Cam Lộ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Rất vui là Vĩnh Linh vừa mới cán đích nông thôn mới. Cùng với huyện Thiệu Phong cũng được công nhận đợt này, tỉnh Quảng Trị hiện đã có 3 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngày 15/8, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 834/QĐ-TTg công nhận huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

- - - - - -
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang

Phóng viên: Theo ông, người dân có vai trò như thế nào trong việc đưa huyện trở thành địa phương thứ ba của tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn huyện nông thôn mới?

Đồng chí Trần Nhật Quang: Trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử dân tộc, Vĩnh Linh nhiều lần thay đổi tên gọi, địa giới hành chính, trong đó giai đoạn 1955-1976 Vĩnh Linh là khu vực - đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, đặt dưới sự chỉ đạo của Trung ương; là đầu cầu giới tuyến, tiền đồn của miền bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp chi viện sức người, sức của cho cách mạng và chiến trường miền nam.

Dù ở bất cứ giai đoạn hay bất luận trong hoàn cảnh lịch sử nào, đất và người Vĩnh Linh luôn thể hiện một sức sống mãnh liệt; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Vĩnh Linh luôn thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong xây dựng nông thôn mới, người dân là chủ thể thực hiện và là người thụ hưởng chính sách về nông thôn mới. Ý thức của người dân góp phần đưa xã, huyện về đích. Chính bởi vậy, vai trò của người dân là hết sức quan trọng.

Từ năm 2011, huyện Vĩnh Linh bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ một xuất phát điểm khá thấp.

Khi mới bắt đầu thực hiện, bình quân các xã trên địa bàn huyện mới đạt 7,21 tiêu chí/xã, các nhóm tiêu chí về quy hoạch, hạ tầng kinh tế-xã hội, kinh tế và tổ chức sản xuất có rất ít xã đạt; tăng trưởng kinh tế của huyện đạt thấp, kết cấu hạ tầng còn yếu, thu nhập bình quân đầu người mới được 18,2 triệu đồng/người, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao 12,1%.

Những vườn tiêu xanh bạt ngàn, hiệu quả kinh tế cao góp phần giúp đời sống bà con Vĩnh Linh ngày một khấm khá.

Những vườn tiêu xanh bạt ngàn, hiệu quả kinh tế cao góp phần giúp đời sống bà con Vĩnh Linh ngày một khấm khá.

Song nhờ biết phát huy truyền thống của mãnh đất anh hùng, khơi dậy được khát vọng trong mỗi người dân, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, tranh thủ sự ủng hộ, chung tay của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn, đến thời điểm này sau gần 14 năm nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, tới nay Vĩnh Linh đã có 15/15 xã đạt nông thôn mới. Trong các yếu tố làm nên thành tích này thì yếu tố người dân đóng vai trò rất quan trọng. Chính người dân là nhân tố quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thực hiện khát vọng của mỗi người dân Vĩnh Linh.

Người dân sẵn sàng hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa thôn, sẵn sàng góp công, góp của làm nguồn đối ứng để xây dựng các công trình trên địa bàn, cố gắng xây dựng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, văn minh.

Quý nữa là người dân sẵn sàng chia sẻ với đồng bào ở vùng khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Thí dụ có giai đoạn, người dân ở 15 xã vùng đồng bằng và trung du đã góp tiền hỗ trợ giúp 3 xã đặc biệt khó khăn (Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà) trong xây dựng nông thôn mới. Ngay cả ở xã Vĩnh Thái, tuy rằng điều kiện kinh tế không khá giả gì, nhưng người dân vẫn sẵn sàng hỗ trợ đồng bào 3 xã miền núi. Qua đó, tạo được phong trào thi đua giữa các địa phương, tinh thần chung tay cống hiến trong dân.

Sự chung tay của các địa phương cũng giúp người dân ở 3 xã miền núi thấy được trách nhiệm của mình trong vươn lên thoát nghèo để xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đến nay 3 xã nêu trên đã được công nhận xã nông thôn mới và cũng là 3 xã miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt được thành tích này.

Tất nhiên, huyện cũng có nhiều chính sách để khích lệ và động viên phong trào xây dựng nông thôn mới, như thưởng cho các địa phương về đích nông thôn mới, hay xây dựng khát vọng của người dân bằng cách tuyên truyền, động viên tinh thần của người dân, doanh nghiệp,...

Phóng viên: Từ quá khứ anh dũng, bất khuất trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, đến hiện tại cần cù, đoàn kết xây dựng quê hương, người dân Vĩnh Linh luôn thể hiện tinh thần cách mạng, đoàn kết, sáng tạo. Huyện có chiến lược gì trong việc bồi dưỡng và xây dựng con người Vĩnh Linh?

Đồng chí Trần Nhật Quang: Đại hội Đảng bộ lần thứ 19 xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm và 2 nhiệm vụ đột phá. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là xây dựng nguồn nhân lực đạt yêu cầu giai đoạn mới.

Sau hơn nửa nhiệm kỳ, có thể khẳng định, cán bộ Đảng viên Vĩnh Linh đông về số lượng, phù hợp về cơ cấu, chất lượng từng bước được nâng lên.

Ngoài phát triển đội ngũ cán bộ công chức, huyện chú trọng xây dựng con người Vĩnh Linh đoàn kết, cách mạng, văn minh, hào sảng, thông qua giải pháp đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa để có địa điểm, phong trào, hoạt động cho người dân sinh hoạt, trao đổi, học tập. Thí dụ Vĩnh Linh hiện đang đầu tư xây dựng nhà văn hóa trung tâm huyện với vốn đầu tư hơn 100 tỷ.

Huyện cũng tiếp tục triển khai tốt Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nay là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Gắn với đó là tổ chức hiệu quả Ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Duy trì truyền thống văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao,…

Đặc biệt, nhà thi đấu huyện là một trong số không nhiều các nhà thi đấu cấp huyện sáng đèn quanh năm, duy trì theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ địa điểm, người dân tham gia đóng góp để chi các chi phí phát sinh như điện nước,... Qua các phong trào đó, giáo dục truyền thống, nâng cao năng lực, phẩm chất của người dân.

Tôi còn nhớ, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng đề nghị cho quay hội thi cắt tỉa hàng rào ở địa phương của Vĩnh Linh để giới thiệu với một số huyện phía nam làm phong trào mẫu. Đây là hội thi do các thôn tổ chức trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, thu hút được nhiều người dân tham gia, qua đó giáo dục người dân về đời sống văn minh, sạch đẹp.

Đến với Vĩnh Linh, mọi người sẽ nhận thấy ý thực tự giác cộng đồng rất cao. Thí dụ, khi nói đến rừng nguyên sinh, thường mọi người sẽ nghĩ tới khu vực miền núi và được Nhà nước quản lý chặt chẽ, nhưng ở Vĩnh Linh cũng có rừng nguyên sinh, nằm sát biển, và đặc biệt là do người dân tự giữ gìn.

Đến với Vĩnh Linh, mọi người sẽ nhận thấy ý thực tự giác cộng đồng rất cao. Thí dụ, khi nói đến rừng nguyên sinh, thường mọi người sẽ nghĩ tới khu vực miền núi và được Nhà nước quản lý chặt chẽ, nhưng ở Vĩnh Linh cũng có rừng nguyên sinh, nằm sát biển, và đặc biệt là do người dân tự giữ gìn.

- - - - - -
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang

Phóng viên: Thưa ông, Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình” tại Kỳ đài bờ bắc sông Bến Hải-cầu Hiền Lương hướng tới kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh vừa khép lại với nhiều cảm xúc của đông đảo khán giả, đặc biệt là với  người dân Quảng Trị ở đôi bờ giới tuyến 70 năm trước. Xin ông chia sẻ cảm xúc sau sự kiện trọng đại này?

Đồng chí Trần Nhật Quang: Kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lớn đối với chính quyền và nhân dân địa phương. Huyện đã đặt ra 4 mục tiêu là: Tri ân; Ôn lại truyền thống hào hùng; Quảng bá tiềm năng, lợi thế địa phương để kêu gọi nhà đầu tư; Khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết trong nhân dân.

Trên cơ sở đó, huyện đã triển khai hàng loạt hoạt động như: Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về "Mảnh đất, con người và truyền thống Vĩnh Linh"; Hội thi "Tuổi trẻ với Bác Hồ và quê hương Vĩnh Linh anh hùng-đổi mới" lần thứ IV; Ngày hội Văn hóa-Thể thao huyện Vĩnh Linh, triển lãm ảnh, tư liệu với chủ đề "Đất và người Vĩnh Linh"; hội thảo khoa học về Vĩnh Linh;…

Cầu Hiền Lương rực rỡ cờ đỏ sao vàng 70 năm sau Hiệp định Geneva.

Cầu Hiền Lương rực rỡ cờ đỏ sao vàng 70 năm sau Hiệp định Geneva.

Trong đó, điểm nhấn của chuỗi hoạt động là Chương trình truyền hình chính luận về Vĩnh Linh với chủ đề “Vĩ tuyến 17 - khát vọng hòa bình” do Huyện ủy phối hợp Báo Nhân Dân, Truyền hình Nhân Dân thực hiện. Chương trình đã đưa khán giả đến với những câu chuyện về những huyền thoại đôi bờ Hiền Lương, nơi vĩ tuyến 17 chỉ có thể chia cắt được về mặt địa lý, nhưng lại là sợi dây nối liền tình yêu nước, tình yêu quê hương của những con người vùng “đất thép”.

Ngày 25/8 tới, sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh do Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị và Bộ Thể thao, Văn hóa phối hợp tổ chức.

Đặc biệt, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, đã diễn ra Lễ hội Vì hòa bình 2024 do tỉnh Quảng Trị phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao tổ chức. Đây là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị. Chúng tôi tự tin khẳng định rằng, nếu nơi nào đó trên mảnh đất Việt Nam xứng đáng tổ chức Lễ hội vì hòa bình thì đó chính là Quảng Trị.

Ngoài ra, chúng tôi phối hợp các cơ quan báo chí truyền thông thực hiện vệt bài viết về K8 và K10 - những cuộc trường chinh đưa 3 vạn đồng bào con em Vĩnh Linh ra sơ tán tại 26 huyện thuộc 9 tỉnh, thành phố phía bắc. Và một vệt bài về K15 - hình ảnh Vĩnh Linh viết tiếp truyền thống ôm con em đồng bào miền nam vào lòng.

Phóng viên: Cuộc trường chinh K8 và K10 thực sự là những hành trình đầy cảm xúc. Ngoài việc thực hiện những vệt bài về hành trình này, huyện có hoạt động nào nổi bật khác không?

Đồng chí Trần Nhật Quang: Tất nhiên là có. Mỗi người Vĩnh Linh hôm nay đều sẽ không bao giờ quên ơn của đồng bào các tỉnh, thành phố miền bắc đã từng ôm con em Vĩnh Linh vào lòng trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Để chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh, huyện cũng đã thành lập 6 đoàn công tác, giao mỗi đồng chí thường trực Huyện ủy đảm nhận 2 đoàn, đến 26 huyện của các tỉnh, thành phố - nơi đã từng nhận nuôi dưỡng, chăm sóc con em đồng bào Vĩnh Linh khi xưa để gửi lời tri ân; để thông tin cho nhau về tình hình mỗi địa phương, qua đó động viên nhau vượt qua khó khăn; để kết nối lại truyền thống, tình cảm giữa các địa phương “hữu duyên” với nhau và đồng thời để gửi lời mời trân trọng tới dự Lễ kỷ niệm. Chúng tôi đã đích thân đến để thể hiện tấm lòng biết ơn và sự trân trọng của nhân dân Vĩnh Linh đối với những mảnh đất nghĩa tình này.

Phóng viên: Chuyến đi ấy chắc chắn để lại thật nhiều cảm xúc?

Đồng chí Trần Nhật Quang: Đúng vậy. Khi tới các địa phương này, dù chúng tôi không phải những người trải qua giai đoạn lịch sử đầy ân tình đó, nhưng vẫn cảm nhận trọn vẹn tình cảm của những người từng dang rộng vòng tay với đồng bào Vĩnh Linh và con em của họ. Điều này thể hiện qua việc khi họ biết có đoàn công tác từ Vĩnh Linh ra, họ tới đón chúng tôi như đón người thân, người nhà. Khi được nghe chúng tôi thông báo một số thông tin về Vĩnh Linh, dù chỉ là những thông tin khiêm tốn, nhưng từ ánh mắt nụ cười của họ, chúng tôi nhận thấy họ đang mừng cho Vĩnh Linh.

Hay như một câu chuyện nhỏ thế này, hôm đó đoàn đến thăm xưởng đúc đồng Quảng Hà. Tới đó nói chuyện, chúng tôi gặp một chị đang làm ở xưởng, biết đoàn từ Vĩnh Linh ra, chị lập tức gọi ngay cho mẹ để “thông báo tin vui” và kể rằng, trước gia đình chị cũng từng bao bọc, chăm sóc cho 2 cô ở Vĩnh Linh ra. Chuyện đi chuyện lại, bịn rịn như cuộc trùng phùng của những người thân trong gia đình. Thật sự rất xúc động.

Chúng tôi đều hy vọng rằng, sau này gặp nhau, chúng tôi sẽ không chỉ nói về K8, K10 của lịch sử, mà sẽ nói K8, K10 của hôm nay và trong tương lai.
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh Trần Nhật Quang

Càng xúc động hơn khi biết, những gia đình cưu mang con em Vĩnh Linh khi ấy cũng không khá giả gì, nhưng họ vẫn dành tình thương và sự chăm sóc hết lòng cho đồng bào Vĩnh Linh. Mỗi người Vĩnh Linh đã từng đi K8 hay K10 đều có bố nuôi mẹ nuôi, và hễ ngoài đó có việc gì là họ lập tức ra chung tay giải quyết như việc của nhà mình.

Kết thúc mỗi chuyến công tác ấy, chúng tôi và những người lãnh đạo các địa phương, người dân sở tại đều khẳng định rằng cho dù có đi nơi đâu, ta cũng mãi không quên nhau, kỷ niệm ngày xưa ấy vẫn còn mãi… Và chúng tôi đều hy vọng rằng, sau này gặp nhau, chúng tôi sẽ không chỉ nói về K8, K10 của lịch sử, mà sẽ nói K8, K10 của hôm nay và trong tương lai.

Toàn cảnh đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải năm 1964. (Ảnh:Tư liệu Bảo tàng đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải)

Toàn cảnh đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải năm 1964. (Ảnh:Tư liệu Bảo tàng đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải)

Cầu Hiền Lương hiện tại được phục dựng lại với màu sơn xanh của bờ nam và sơn vàng của bờ bắc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) 

Cầu Hiền Lương hiện tại được phục dựng lại với màu sơn xanh của bờ nam và sơn vàng của bờ bắc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) 

Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải hôm nay. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải hôm nay. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Phóng viên: Nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh, với tư cách là người con, là lãnh đạo huyện, đồng chí có thể chia sẻ đôi điều suy nghĩ về mảnh đất lũy thép, lũy hoa Vĩnh Linh?

Đồng chí Trần Nhật Quang: “Lũy thép anh hùng” - Vĩnh Linh là khu vực tiền tiêu của chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và là hậu phương số một của chiến trường miền nam trong những năm đánh Mỹ.

Vĩnh Linh có cầu Hiền Lương, nơi giới tuyến phân đôi hai miền nam-bắc trong suốt hơn hai mươi năm dằng dặc nỗi đau chia cắt. Có thể nói, Vĩnh Linh là mảnh đất có lịch sử hào hùng, nhưng cũng chịu không ít mất mát, đau thương.  

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, khu vực Vĩnh Linh - đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh trong giai đoạn 1955-1976 - đã là địa phương đầu tiên của cả nước được Quốc hội và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Đặc biệt, quân và dân Vĩnh Linh 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen.

Khu vực Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên của cả nước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Khu vực Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên của cả nước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Bước ra khỏi cuộc chiến, Vĩnh Linh chỉ có hai bàn tay trắng và mặt đất nham nhở hố bom. Vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, cán bộ và nhân dân Vĩnh Linh đã nhanh chóng phục hồi nền kinh tế của địa phương để bước vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo.

Ngày 23/11/2011, Vĩnh Linh đã vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Là người con Vĩnh Linh, cũng là người lãnh đạo của huyện, tôi thấy may mắn khi được sinh ra và công tác trên mảnh đất được lịch sử thử thách, mà qua đó chứng minh là lũy thép trong chiến đấu và lũy hoa trong thời kỳ đổi mới.

Đồng thời, tôi thấy mình có trách nhiệm cùng cán bộ đảng viên hôm nay giữ gìn và viết tiếp truyền thống cha anh, không những vậy phải khơi dậy truyền thống mới để đóng góp nhiều  hơn, tốt hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương mà cha ông ngay trong gian khó đã làm được.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Ngày xuất bản: 19/8/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - XUÂN BÁCH
Thực hiện và trình bày: LÂM QUANG HUY - SONG THU - NGỌC BÍCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT - HÀ NAM