QUẢNG NINH TRONG THỜI PHONG KIẾN
(năm 939-1945)

Thời Ngô, Đinh-Tiền Lê từ năm 939-1009 (70 năm):

(nhà Ngô năm 939-967, 28 năm; Thập nhị sứ quân năm 966-968, 2 năm; nhà Đinh năm 968-980, 12 năm; nhà Tiền Lê năm 980-1009, 29 năm). Đời Đinh Tiên Hoàng, năm Giáp Tuất, năm 974, Thái Bình năm thứ nhất, chia nước thành 10 đạo. Đời Lê Đại Hành, năm Nhâm Dần, năm 1002, đổi đạo làm lộ, phủ, châu, vùng Quảng Ninh thuộc trấn Triều Dương (cũng gọi là lộ), vùng Đông Triều thuộc lộ Nam Sách Giang.

Thời Lý từ năm 1010-1225 (215 năm), quốc hiệu Đại Việt:

Đời Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 14, năm 1023, đổi trấn Triều Dương thành châu Vĩnh An.

Đời Lý Anh Tông, năm Kỷ Tỵ, năm 1149, Đại Định năm thứ 10, lập trang Vân Đồn làm nơi buôn bán với nước ngoài.

Thời Trần từ năm 1225-1400 (175 năm), quốc hiệu Đại Việt:

Đời Trần Thái Tông, năm Nhâm Dần, năm 1242, Thiên Ứng Chính Bình thứ 11, đổi châu Vĩnh An thành lộ Hải Đông, có 8 huyện: Yên Bang, Chi Phong (thế kỷ X là huyện Tư Phong), Yên Lập, Yên Hưng, Tân An, Đại Độc, Vạn Ninh, Vân Đồn. Ngoài 8 huyện thuộc lộ Hải Đông còn có huyện Đông Triều thuộc châu Đông Triều, phủ Tân Hưng.

Đời Trần Nhân Tông, năm Ất Dậu, năm 1285, Thiên Bảo năm thứ 7, đổi lộ Hải Đông thành lộ An Bang.

Đời Trần Anh Tông, năm Đinh Sửu, năm 1397, Quang Thái năm thứ 10, đổi lộ An Bang làm lộ phủ Tân An.

Thời Hồ từ năm 1400-1407:

Đời vua Hồ Hán Thương, năm Đinh Hợi, năm 1407, Khai Đại năm thứ tư, đổi huyện Yên Hưng thành huyện An Hòa, đổi huyện An Bang thành huyện An Đông, đổi lộ phủ Tân An thành châu Tĩnh An. châu Tĩnh An có 8 huyện: An Đông, Văn Phong, Tân An, An Hòa, An Lập, Đại Độc, Vạn Ninh, Vân Đồn.

Thời thuộc Minh từ năm 1407-1427 (14 năm):

(trong thời thuộc Minh có Trần Giản Định, Trần Quý Khoáng lập nhà Hậu Trần, năm 1407-1413, trong 7 năm):

Đời vua Trần Quý Khoáng, năm Tân Mão, năm 1411, Trùng Quang năm thứ ba: huyện Đại Độc và huyện Tân An; nhập huyện An Lập vào huyện An Hòa. Châu Tĩnh An còn 6 huyện. Huyện Đông Triều vẫn nằm trong châu Đông Triều.

Đời vua Minh Thành Tổ năm Kỷ Hợi, Vĩnh Lạc năm thứ 27: đặt huyện Thủy Đường của châu Đông Triều thuộc Bản Châu, huyện Chi Phong (Văn Phong) nhập vào huyện An Hòa.

Thời Lê sơ từ năm 1428-1527 (99 năm), quốc hiệu Đại Việt:

Đời Lê Thái Tổ, năm Mậu Thân, năm 1428, Thuận Thiên năm thứ nhất: Chia nước thành 5 đạo, dưới đạo có lộ, trấn, phủ, huyện. Vùng Quảng Ninh thuộc Đông đạo gồm trấn An Bang (có 1 phủ, 3 huyện, 4 châu) và huyện Đông Triều thuộc hủ Kinh Môn, trấn Hải Dương.

Đời Lê Thánh Tông, năm Bính Tuất, năm 1466, Quang Thuận năm thứ 7: chia nước thành 12 đạo thừa tuyên và 1 phủ Trung Đô, dưới đạo thừa tuyên có phủ và châu, dưới phủ có huyện. Vùng Quảng Ninh là đạo thừa tuyên An Bang (năm 1469 và năm 1490 đều có định lại bản đồ, tách nhập một số đơn vị). Đại thể, thời Lê, vùng An Bang có 1 phủ (Hải Đông), 3 huyện (An Hưng, Hoành Bồ, Chi Phong) và 4 châu (Vạn Ninh, Vĩnh An, Vân Đồn, Tân An). Có sách chép: Trước thời Lê, huyện Hoành Bồ có tên là huyện Hoành Phố. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi ghi An Bang còn có phủ Dương Tuyền gồm 3 huyện (Yên Phố, Hoành Cừ, Yên Nhiên) và hai châu (Như Tích, Thiếp Lãng) với 201 xã.

Thời Mạc từ năm 1527-1595 (68 năm):

(nhà Mạc thực sự nắm quyền có 68 năm. Từ năm 1533 khi có nhà Lê Trung Hưng thì nhà Mạc thành ngụy triều, đến năm 1677 mới mất hẳn).

Năm 1527-1529, Mạc Đăng Dung cắt nộp cho nhà Minh 5 động (Tê Phù, Kim Lặc, La Phù, Cổ Sâm, Liễu Cát) gồm 20 dặm vuông (Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi chép Đăng Dung nộp 2 châu Như Tích và Thiếp Lãng. Có sách ghi Đăng Dung nộp 6 động thuộc châu Vĩnh An. Phan Huy chú lại ghi có 4 động).

Thời Hậu Lê từ năm 1533-1788 (255 năm): (còn gọi là thời Lê Trung Hưng hoặc thời Lê -Trịnh):

Đời Lê Anh Tông, năm Đinh Tỵ, năm 1557, Thiên Hựu năm thứ nhất, vì tránh tên vua tên thật là Lê Duy Bang nên trấn An Bang đổi thành trấn An Quảng. An Quảng có 1 phủ ( Hải Đông), 3 huyện (Chi Phong, An Hưng, Hoành Bồ), 3 châu (Vạn Ninh, Vĩnh An, Vân Đồn).

Đời vua Lê Dụ Tông, năm Kỷ Sửu, năm 1709, Vĩnh Thịnh năm thứ 5, chúa Trịnh Cương được phong tước An Đô Vương nên các địa danh đều phải tránh chữ An và đọc là Yên, trấn An Quảng đọc thành Yên Quảng (tương tự như vậy, An Tử đọc thành Yên Tử, Tân An đọc thành Tân Yên, An Hưng đọc thành Yên Hưng).

Đời Lê Phế Đế (Lê Duy Phường), năm Tân Hợi, năm 1731, Vĩnh Khánh năm thứ ba, chuyển các huyện Thủy Đường, Kim Thành, An Dương từ trấn Hải Dương về trấn Yên Quảng. Yên Quảng có 1 phủ (Hải Đông), 6 huyện (Chi Phong, Yên Hưng, Hoành Bồ, Thủy Đường, Kim Thành, An Dương) và 3 châu (Vạn Ninh, Vĩnh An, Vân Đồn).

Thời Tây Sơn từ năm 1788-1802 (14 năm):

Đời Quang Trung (1788-1792), Nguyễn Huệ chuyển cả phủ Kinh Môn của trấn Hải Dương vào trấn Yên Quảng (thời Lê, phủ Kinh Môn có 7 huyện: Giáp Sơn, Đông Triều, An Lão, Nghi Dương, Kim Thành, Thủy Đường, An Dương).

Thời Nguyễn từ năm 1802-1945 (143 năm):

quốc hiệu Việt Nam (từ Minh Mạng là Đại Nam). (Năm 1858, quân đội thực dân Pháp nổ súng xâm lược. Năm 1883, quân Pháp chiếm vịnh Hạ Long, Bãi Cháy, Hòn Gai và tỉnh lị Quảng Yên. Năm 1884, thiết lập chế độ thuộc địa Pháp ở cả nước):

Đời vua Gia Long, năm Nhâm Tuất, năm 1802, Gia Long năm thứ nhất và năm Kỷ Mão, năm 1819, Gia Long năm thứ 18, đều định lại bản đồ, trả phủ Kinh Môn về trấn Hải Dương. Trấn Yên Quảng còn một phủ (Hải Đông) trong đó có 3 huyện (Yên Hưng, Hải Đông, Hoành Bồ) và 3 châu (Tiên Yên, Vạn Ninh, Vân Đồn) với 16 tổng, 123 phường, phố, vạn, xóm.

Đời vua Minh Mạng, năm Nhâm Ngọ, năm 1822, Minh Mạng năm thứ 3, đổi trấn Yên Quảng thành trấn Quảng Yên. Năm Tân Mão, năm 1831, Minh Mạng năm thứ 12, đổi trấn Quảng Yên thành tỉnh Quảng Yên. (Cả nước có 30 tỉnh và 1 phủ là Thừa Thiên. Tỉnh Quảng Yên thuộc loại nhỏ nên chung một quan tổng đốc với tỉnh Hải Dương, gọi là tổng đốc Hải - Yên).

Năm Bính Thân, năm 1836, Minh Mạng năm thứ 17, đặt thêm phủ Sơn Định, bớt châu Vân Đồn. Châu Vân Đồn chuyển thành tổng Vân Hải trong huyện Hoa Phong (là huyện Chi Phong thời Lê). Tỉnh Quảng Yên có 2 phủ (Hải Ninh, Sơn Định). Phủ Hải Ninh có 2 châu: Tiên Yên, Vạn Ninh. Phủ Sơn Định có 3 huyện: Hoành Bồ, Yên Hưng, Hoa Phong.

Đời vua Thiệu Trị, năm Tân Sửu, năm 1841, Thiệu Trị năm thứ nhất, đổi huyện Hoa Phong thành huyện Nghiêu Phong.

Đời vua Đồng Khánh, năm Mậu Tý, năm 1888, Đồng Khánh năm thứ 3, chuyển các xã Định Lập, Bích Xá, Kiên Mộc từ châu Tiên Yên phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên về tỉnh Lạng Sơn.

Đời vua Thành Thái:

Năm Canh Dần, năm 1890, Thành Thái năm thứ 2: Lập xã Dương Huy gồm ấp Hà Đông, làng Dương Huy, động Dương Huy.

Ngày 10/11/1890, Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định lập phủ Nghiêu Phong. Phủ Nghiêu Phong có 2 huyện: Cát Hải, Vân Hải.

Ngày 20/8/1891 (Tân Mão, Thành Thái năm thứ 3), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định tách phủ Hải Ninh khỏi tỉnh Quảng Yên, lập khu quân sự Móng Cái (Khu quân sự Mong Cái cùng với Khu quân sự Phả Lại và Khu quân sự Thái Nguyên nằm trong Đạo quan binh thứ nhất.

Ngày 24/8/1891 (Tân Mão, Thành Thái năm thứ 3), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định tách huyện lục Ngạn và huyện Yên Bác từ tỉnh Lục Nam (tỉnh Lục Nam mới thành lập ngày 5/11/1889, trong đó có huyện Yên Bác tách từ tỉnh Lạng Sơn sang), hợp với một phần huyện Hoành Bồ của tỉnh Quảng Yên và huyện Đông Triều, huyện Chí Linh lập thành Khu quân sự Phả Lại thuộc Đạo quan binh thứ nhất.

Ngày 10/10/1895 (Ất Mùi, Thành Thái năm thứ 7), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định xóa bỏ Khu quân sự Phả Lại, sáp nhập huyện Yên Bác vào tỉnh Quảng Yên, trả huyện Đông Triều về tỉnh Hải Dương, thành lập hai làng người Việt Nam ở đảo Cái Bầu.

Năm 1896 (Bính Thân, Thành Thái năm thứ 8): Sáp nhập 7 làng của tổng Bí Giàng thuộc huyện Đông Triều, tỉnh hải Dương vào huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên.

Ngày 5/5/1900 (Canh Tý, Thành Thái năm thứ 12), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định chia Đạo quan binh thứ nhất thành ba khu quân sự: Lạng sơn, Móng Cái, Vạn Linh.

Năm 1901 (Tân Sửu, Thành Thái năm thứ 13): Lập tổng Minh Cầm thuộc huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên.

Năm 1902 (Nhâm Dần, Thành Thái năm thứ 14): Lập 3 phường thuộc huyện Yên Hưng: Uông Giang, Bắc Giang, Nhị Giang.

Ngày 8/4/1903 (Quý Mão, Thành Thái năm thứ 15): Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định xóa bỏ khu quân sự Vạn Linh. Đạo quan binh thứ nhất chia làm ba khu quân sự: Lạng Sơn, Móng Cái, Thất Khê.

Ngày 20/7/1904 (Giáp Thìn, Thành Thái năm thứ 16), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định chuyển khu quân sự thất Khê sang Đạo quan binh thứ hai. Đạo quan binh thứ nhất còn hai khu quân sự: Móng Cái, Lạng Sơn.

Ngày 20/6/1905 (Ất Tỵ, Thành Thái năm thứ 17), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định xóa bỏ Đạo quan binh thứ nhất, trả Móng Cái về tỉnh Quảng Yên. Móng Cái thành một phủ có ba châu: Móng Cái, Hà Cối, Tiên Yên.

Ngày 10/12/1906 (Bính Ngọ, Thành Thái năm thứ 18), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định tách phủ Móng Cái gồm ba châu Móng Cái, Hà Cối, Tiên Yên của tỉnh Quảng Yên, thành lập tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hải Ninh.

Đời vua Duy Tân:

Ngày 13/02/1909 (Kỷ Dậu, Duy Tân năm thứ 3), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định tách một số xã của tỉnh Quảng Yên sang tỉnh Bắc Giang để lập huyện Sơn Động (ngày 25-9-1919, huyện Sơn Động đổi là châu Sơn Động).

Ngày 14/12/1912 (Nhâm Tý, Duy Tân năm thứ 6), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định xóa bỏ tỉnh Hải Ninh, lập Đạo quan binh thứ nhất.

Ngày 13/4/1915 (Ất Mão, Duy Tân năm thứ 9), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định tách huyện Yên Bác khỏi tỉnh Quảng Yên sáp nhập vào tỉnh Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang thành lập 10/10/1895, trước đó là tỉnh Lục Nam thành lập 5/11/1889).

Đời vua Khải Định: Ngày 16/12/1919 (Kỷ Mùi, Khải Định năm thứ tư), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định cắt hai tổng Bình Liêu, Vô Ngại của châu Tiên Yên lập thành châu Bình Liêu thuộc phủ Hải Ninh trong Đạo quan binh thứ nhất. Đến đây Đạo quan binh thứ nhất gồm một phủ Hải Ninh trong đó có bốn châu: Móng Cái, Hà Cối, Tiên Yên, Bình Liêu.

Đời vua Bảo Đại:  khoảng năm 1940 (chưa tìm được văn bản gốc), Phủ Toàn quyền Pháp ra nghị định lập châu Cẩm Phả (gồm thị xã Cẩm Phả, đảo Cái Bầu - hồi đó là xã Đại Độc và một phần huyện Ba Chẽ, một phần huyện Hoành Bồ, trong đó có vùng Hà Tu hiện nay).

Một khu dân cư năm 1920, ngày nay thuộc thị xã Quảng Yên. Phía xa là vịnh Hạ Long trùng điệp núi đá vôi. Ảnh tư liệu

Một khu dân cư năm 1920, ngày nay thuộc thị xã Quảng Yên. Phía xa là vịnh Hạ Long trùng điệp núi đá vôi. Ảnh tư liệu

Ngày xuất bản: 25/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND