
PHÁT HUY THẮNG LỢI CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN,
QUÂN VÀ DÂN BÌNH ĐỊNH GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG - TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI CỦA TỈNH, GÓP PHẦN VÀO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ
(Nội dung: Đồng chí HỒ QUỐC DŨNG - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định)
Bình Định là tỉnh ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, có lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa đặc sắc. Phía bắc giáp với tỉnh Quảng Ngãi, phía nam giáp tỉnh Phú Yên, phía tây giáp tỉnh Gia Lai và phía đông giáp Biển Đông.
Bình Định có diện tích tự nhiên 6.071km2, gồm 11 đơn vị hành chính với thành phố Quy Nhơn là tỉnh lỵ, đô thị loại I; quy mô dân số hơn 1,5 triệu người. Địa bàn của tỉnh trải dài 110km theo hướng bắc-nam, có bờ biển dài 134km, vùng lãnh hải 36.000km2.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với vị trí chiến lược quan trọng là cửa ngõ nối liền khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Mỹ, ngụy luôn coi Bình Định là vùng trọng điểm trong các chiến lược chiến tranh của chúng.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với nhân dân miền nam, Đảng bộ và nhân dân Bình Định tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai với thử thách chưa từng có.
Phần lớn lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên tập kết ra miền bắc, chính quyền nhân dân và các đoàn thể quần chúng giải thể, Đảng bộ chuyển vào hoạt động bí mật, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng gặp nhiều khó khăn gay gắt; trước âm mưu, thủ đoạn đánh phá cực kỳ phản động, thâm độc và tàn bạo của kẻ thù, trong những năm 1955-1958 lực lượng cách mạng trên địa bàn tỉnh bị tổn thất nặng nề.
Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Định đã phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, phát động phong trào quần chúng, từng bước khôi phục, phát triển thực lực chính trị và vũ trang, chuyển phong trào cách mạng ở địa phương từ thế bị động đối phó sang thế tiến công làm thất bại chính sách “tố cộng” và chiến lược “chiến tranh đơn phương” của đế quốc Mỹ trong những năm 1959-1960.
Trên cơ sở đó tiến hành xây dựng các khu vực miền núi thành căn cứ địa cách mạng vững chắc, tạo hành lang, bàn đạp tiến xuống đồng bằng, tiến hành đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, kết hợp chặt chẽ 3 mũi giáp công trên 3 vùng chiến lược, đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh tiến lên góp phần cùng quân dân miền nam lần lượt đánh bại các âm mưu chiến lược của đế quốc Mỹ từ “chiến tranh đặc biệt” (1961-1965) đến “chiến tranh cục bộ” (1965-1968) và “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1972).
Phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của 3 thứ quân, 3 mũi giáp công và thế trận chiến tranh nhân dân tại chỗ, từng bước đẩy lùi địch, tiến tới giải phóng các địa phương miền núi, mở rộng căn cứ cách mạng của tỉnh.


Tháng 12/1964, ta mở chiến dịch tiến công giải phóng huyện An Lão. Huyện An Lão được giải phóng đã nối liền căn cứ phía tây bắc và khu đông tỉnh Bình Định với hai huyện Ba Tơ, Đức Phổ (Quảng Ngãi), nối liền với Tây Nguyên tạo thành một vùng căn cứ địa vững chắc, liên hoàn của cách mạng, là hậu phương đóng góp tích cực về sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.
Năm 1972, với chiến dịch tiến công tổng hợp Xuân-Hè 1972, ta giải phóng các huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, Hoài Ân và 9 xã Bắc Phù Mỹ. Trong đó, huyện Hoài Ân là một huyện đồng bằng đầu tiên của Khu V được giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời, là một trong những huyện giải phóng hoàn chỉnh trên chiến trường miền nam trong cuộc tiến công chiến lược 1972. Hoài Ân trở thành căn cứ và bàn đạp của Bình Định và Khu V về sau.
Nhân dân Tây Nguyên được đưa về quê cũ sau Chiến thắng Tây Nguyên. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)
Nhân dân Tây Nguyên được đưa về quê cũ sau Chiến thắng Tây Nguyên. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)
Năm 1974, trên chiến trường Bình Định, các lực lượng vũ trang đã tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giành thế chủ động tiến công từ phía bắc vào phía nam tỉnh.
Phong trào quần chúng có bước chuyển đáng kể. Hàng trăm nghìn lượt quần chúng tham gia đấu tranh chính trị và binh vận, bao vây chốt điểm và cơ quan ngụy quyền, chống càn quét, lấn chiếm, chống bắt lính.
Vùng giải phóng được mở rộng với toàn bộ huyện Vĩnh Thạnh và An Lão, đại bộ phận huyện Hoài Ân và Vân Canh, 18 xã, 50 thôn các huyện đồng bằng: Quân và dân tỉnh Bình Định đã căn bản đánh bại kế hoạch phản kích, lấn chiếm và “bình định” của địch, tạo ra những cơ sở tinh thần và vật chất cần thiết, tạo thế và lực nhảy vọt sẵn sàng cùng quân dân miền nam và cả nước tiến hành cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975.
Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các điểm cao ở Pleiku trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. (Ảnh: TTXVN)
Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các điểm cao ở Pleiku trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. (Ảnh: TTXVN)
Nhân dân Tây Nguyên diễu hành trong ngày giải phóng Tây Nguyên. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)
Nhân dân Tây Nguyên diễu hành trong ngày giải phóng Tây Nguyên. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)
Căn cứ chủ trương và kế hoạch chiến lược của Đảng, tháng 12/1974, Tỉnh ủy Bình Định đề ra mục tiêu chủ yếu trong năm 1975 của quân và dân toàn tỉnh là tiếp tục đánh bại kế hoạch “lấn chiếm Bình Định” của địch.
Giữ vững và mở rộng vùng giải phóng và làm chủ đại bộ phận nông thôn đồng bằng; đẩy mạnh hoạt động vũ trang và 3 mũi giáp công, tiêu diệt và làm tan rã lớn quân ngụy, tích cực xây dựng bàn đạp và hành lang vững chắc, đẩy phong trào đấu tranh chính trị công khai hợp pháp lên cao nhằm hình thành quả đấm mạnh trong hậu phương địch, xây dựng và phát triển thực lực cách mạng toàn diện.
Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo tiến hành đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt trong toàn Đảng bộ nhằm tạo sự chuyển biến thật mạnh mẽ về tư tưởng và tác phong công tác, thực hiện cuộc vận động “3 xây 3 chống”: Xây dựng lập trường và quan điểm cách mạng; tinh thần và ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật; phong cách lãnh đạo và chỉ đạo. Chống hữu khuynh, ảo tưởng hòa bình; đại khái, bảo thủ, chủ quan; tùy tiện, quan liêu, mệnh lệnh.
Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến dịch (1975). (Ảnh: TTXVN)
Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sĩ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến dịch (1975). (Ảnh: TTXVN)
Tháng 2/1975, Ban Chỉ huy Tỉnh đội thành lập Trung đoàn 92 gồm các Tiểu đoàn 53, 55, 75, Trung đoàn 93 gồm các Tiểu đoàn 8, 50, 51, 52, 73 bổ sung quân số và tăng cường trang bị vũ khí cho các đơn vị đặc công Đ10, Đ20, Đ30, Đ40, Đ405, Đ598, nâng cao chất lượng bộ đội huyện và du kích nhằm tập trung lực lượng tác chiến.
Đầu tháng 3/1975, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội họp liên tịch với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Sao Vàng thống nhất kế hoạch, phương án, lược đồ chiến dịch theo tinh thần chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, của Thường vụ khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5.
Cùng với Chiến dịch Tây Nguyên, 5 giờ ngày 4/3/1975, Tiểu đoàn 19 công binh đánh sập cầu 12 ở Thượng Giang, các đơn vị của Sư đoàn 3 Sao Vàng đồng loạt tiến công hệ thống chốt điểm địch trên Đường 19 từ Bình Tường đến đèo An Khê, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 trên chiến trường Bình Định và Khu V.


Từ ngày 6 đến ngày 23/3/1975, quân và dân ta đã tiến công địch ở các huyện Bình Khê, An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước; giải phóng hoàn toàn 20 xã, mở ra vùng làm chủ liên xã, liên huyện. Ta đã thực hiện thành công thế chia cắt chiến lược trên Đường 19 và thế chia cắt chiến dịch trong tỉnh, tạo được thế trận mới rất lợi hại, lập được hành lang, bàn đạp vững chắc để tiến công giải phóng các quận lỵ và thị xã Quy Nhơn.
Nghệ thuật quân sự ở Chiến dịch Tây Nguyên chính là thế trận “trói địch lại mà đánh," ta chủ trương: "Chia cắt, vây hãm, vừa hãm vừa tiến công đột phá; vừa bí mật vừa nghi binh." (Ảnh: TTXVN)
Nghệ thuật quân sự ở Chiến dịch Tây Nguyên chính là thế trận “trói địch lại mà đánh," ta chủ trương: "Chia cắt, vây hãm, vừa hãm vừa tiến công đột phá; vừa bí mật vừa nghi binh." (Ảnh: TTXVN)
Ngày 24/3/1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng, thời cơ chiến lược giải phóng toàn tỉnh Bình Định đã đến. Chiều 24/3/1975, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội họp quyết định tổng tiến công, tổng khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh. Khẩu hiệu hành động là: “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, “Tất cả cho đánh đổ chính quyền địch”.
Một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự ở Chiến dịch Tây Nguyên chính là thế trận “trói địch lại mà đánh." (Ảnh: TTXVN)
Một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự ở Chiến dịch Tây Nguyên chính là thế trận “trói địch lại mà đánh." (Ảnh: TTXVN)
Quân giải phóng trong chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)
Quân giải phóng trong chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Thường vụ Tỉnh ủy, từ ngày 25 đến ngày 28/3/1975, các lực lượng vũ trang và quần chúng huyện Hoài Nhơn rầm rộ ra quân, dồn dập tiến công tiêu diệt, bức rút, bức rã, buộc địch tháo chạy.
Đến 10 giờ ngày 28/3/1975, quận lỵ Bồng Sơn (Hoài Nhơn) được giải phóng. Như vậy, Hoài Nhơn là đơn vị huyện được giải phóng đầu tiên của tỉnh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Tiếp đà thắng lợi, quân và dân các địa phương trong tỉnh cùng tổng tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi. 8 giờ ngày 31/3/1975, giải phóng quận lỵ Phù Mỹ; 9 giờ ngày 31/3/1975, giải phóng quận lỵ Phù Cát; 10 giờ ngày 31/3/1975, giải phóng quận lỵ Bình Khê; 12 giờ ngày 31/3/1975 , ta làm chủ quận lỵ An Nhơn; 12 giờ 30 phút ngày 31/3/1975, giải phóng quận lỵ Tuy Phước; 15 giờ ngày 31/3/1975, giải phóng quận lỵ Vân Canh…
Tại thị xã Quy Nhơn, 20 giờ ngày 31/3/1975, đội biệt động Quy Nhơn bắt liên lạc, phối hợp với Tiểu đoàn 50, đặc công Đ30, Đ20 đánh chiếm, cắm cờ trên tiền sảnh Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm tiểu khu Bình Định, cơ quan đầu não về chính trị, hành chính, quân sự của địch.
Đây là thời điểm giải phóng thị xã Quy Nhơn, hơn 200.000 dân và toàn tỉnh Bình Định với hơn 900.000 dân. Như vậy, sau 28 ngày đêm, từ ngày 4 đến ngày 31/3/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng, quân dân tỉnh Bình Định đã tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng toàn tỉnh.
Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 làm chủ Ty Cảnh sát chế độ Việt Nam cộng hòa trong Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)
Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 làm chủ Ty Cảnh sát chế độ Việt Nam cộng hòa trong Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975. (Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Tây Nguyên)
Với chiến thắng ngày 31/3/1975, Đảng bộ và quân, dân Bình Định đã góp phần cùng Đảng bộ, quân, dân các tỉnh miền nam, cùng cả nước thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đồng chí Nguyễn Trung Tín, Khu ủy viên Khu V, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (1972-1975) đọc diễn văn tại buổi Lễ mít-tinh chào mừng Ngày giải phóng tỉnh Bình Định. (Ảnh: Sở Nội vụ tỉnh Bình Định)
Đồng chí Nguyễn Trung Tín, Khu ủy viên Khu V, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định (1972-1975) đọc diễn văn tại buổi Lễ mít-tinh chào mừng Ngày giải phóng tỉnh Bình Định. (Ảnh: Sở Nội vụ tỉnh Bình Định)
Quang cảnh buổi Lễ mít-tinh chào mừng Ngày giải phóng tỉnh Bình Định. (Ảnh: TTXVN)
Quang cảnh buổi Lễ mít-tinh chào mừng Ngày giải phóng tỉnh Bình Định. (Ảnh: TTXVN)
Quang cảnh buổi Lễ mít-tinh chào mừng Ngày giải phóng tỉnh Bình Định. (Ảnh: Sở Nội vụ tỉnh Bình Định)
Quang cảnh buổi Lễ mít-tinh chào mừng Ngày giải phóng tỉnh Bình Định. (Ảnh: Sở Nội vụ tỉnh Bình Định)
Quang cảnh buổi Lễ mít-tinh chào mừng Ngày giải phóng tỉnh Bình Định. (Ảnh: Sở Nội vụ tỉnh Bình Định)
Quang cảnh buổi Lễ mít-tinh chào mừng Ngày giải phóng tỉnh Bình Định. (Ảnh: Sở Nội vụ tỉnh Bình Định)
Tiếp bước sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước hào hùng, trong suốt 50 năm qua, Đảng bộ và quân, dân tỉnh Bình Định tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết một lòng, tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới, đưa tỉnh Bình Định ngày càng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Từ tháng 11/1975 đến tháng 7/1989 là thời kỳ Bình Định và Quảng Ngãi hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình. Trong 10 năm đầu (1975-1985), Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình tập trung lãnh đạo tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Ba năm đầu (1986-1989) thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đề ra, Đảng bộ đã tập trung quán triệt đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, coi đổi mới là yêu cầu bức thiết và có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 1989 trở đi là thời kỳ Đảng bộ tỉnh Bình Định được tái lập, tiếp tục lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, tiến hành và đẩy mạnh chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Giai đoạn này, tỉnh Bình Định đứng trước những tiềm năng và cơ hội lớn, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Kiên trì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng bộ tỉnh Bình Định vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục giành được những thành tựu mới về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị.


Trong những năm gần đây, với vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Bình Định cũng như vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là chủ trương lớn của Đảng, được thể hiện trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn tặng hoa chúc mừng nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn. (Ảnh: binhdinh.gov.vn)
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn tặng hoa chúc mừng nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn. (Ảnh: binhdinh.gov.vn)
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhiều điểm nghẽn đối với phát triển được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Định từng bước được phát huy, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao hơn mức trung bình cả nước. Tốc độ tăng Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) năm 2024 ước đạt 7,78% (kế hoạch năm 2024 tăng 7,5-8%); xếp thứ 26/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và thứ 2/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung bộ.
Quy mô GRDP của tỉnh đến cuối năm 2024 tương đương khoảng 5,3 tỷ USD (đóng góp 1,13% vào GDP cả nước), xếp thứ 25/63 địa phương cả nước, thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và thứ 3/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung Bộ.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu của tỉnh trong năm 2024 đến từ hoạt động sản xuất công nghiệp với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao, ước tăng 10,0% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra (tăng từ 7-7,7%) và là năm có tốc độ tăng cao nhất trong giai đoạn 2020-2024.
Tốc độ tăng Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) năm 2024 của tỉnh Bình Định ước đạt 7,78% (kế hoạch năm 2024 tăng 7,5-8%); xếp thứ 26/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và thứ 2/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung bộ. Quy mô GRDP của tỉnh đến cuối năm 2024 tương đương khoảng 5,3 tỷ USD (đóng góp 1,13% vào GDP cả nước), xếp thứ 25/63 địa phương cả nước, thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và thứ 3/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung Bộ.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được cải thiện. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên được chú trọng; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Văn hóa, xã hội có bước phát triển; chất lượng giáo dục-đào tạo và các chỉ tiêu y tế cơ bản được cải thiện.
An sinh xã hội được bảo đảm, tỉ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững, nhất là an ninh chính trị, an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao.
Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Bình Định đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế.
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước; là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam.
Để đạt mục tiêu này, Bình Định đã mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.
Tỉnh cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho nhà đầu tư từ việc hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đến xây dựng dự án và triển khai hoạt động nhanh chóng, hiệu quả; khẳng định không ngừng cải cách thủ tục hành chính và đổi mới phong cách làm việc; kịp thời nắm bắt, đề xuất giải quyết các yêu cầu và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Bên cạnh việc tập trung phát triển 5 trụ cột kinh tế là: Công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ du lịch, cảng biển-logistics, đô thị hóa; tỉnh còn tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển.
Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm cao của cả nước.
UBND tỉnh Bình Định trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa tỉnh Bình Định và các doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngày 28/3/2025. (Ảnh: binhdinh.gov.vn)
UBND tỉnh Bình Định trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa tỉnh Bình Định và các doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngày 28/3/2025. (Ảnh: binhdinh.gov.vn)
Có thể nói, Bình Định cũng như các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ tuy còn những khó khăn, thách thức, nhưng dư địa cho phát triển, nhất là du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản còn rất lớn, nếu xác định được hướng đi đúng đắn, phát huy được lợi thế riêng có, liên kết, hợp tác chặt chẽ và đặc biệt là được Trung ương hỗ trợ kịp thời, đúng mức về cơ chế, chính sách và nguồn lực thì sẽ sớm có những bước phát triển đột phá, đóng góp quan trọng, thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước.
Để khai thác hiệu quả, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, góp phần phát triển bền vững của vùng, năm 2025 được xác định là năm “tăng tốc”, “bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2020-2025; tỉnh Bình Định đặt mục tiêu tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh và huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) từ 7,6%-8,5%, quyết tâm hoàn thành đạt và vượt mức 8,5%.
Trong đó, tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kế hoạch. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế.
Tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, triển khai hiệu quả công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; chú trọng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực, tạo việc làm; quan tâm công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, các hoạt động văn hoá, thể thao và bảo vệ môi trường; tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ảnh: qdnd.vn
Ảnh: qdnd.vn
Để đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh đang tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá” và “5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu địa phương, của ngành kế hoạch và đầu tư, thống kê; làm việc cụ thể, thực chất, chủ động theo sát cơ sở. Tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, thực hiện đạo đức công vụ.
Thứ hai, tập trung triển khai Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm quy hoạch vùng huyện, quy hoạch quản lý kiến trúc đô thị và quy hoạch chi tiết; phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa An Nhơn lên thành phố trong năm 2025; thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn đến năm 2050, Quy hoạch chung xây dựng đô thị mới Tuy Phước đạt chuẩn đô thị loại IV, Đề án đề nghị công nhận thị xã Hoài Nhơn đạt tiêu chuẩn đô thị III, Đề án đề nghị công nhận huyện Tây Sơn đạt tiêu chuẩn đô thị IV.
Thứ ba, tập trung điều hành, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đối với vốn thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án mới, đặc biệt các dự án lớn, đột phá mang tính dẫn dắt; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án trọng điểm như: Dự án cao tốc bắc-nam qua tỉnh, Đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku và nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Phù Cát, khu công nghiệp, cảng nước sâu... và hoàn thành các công trình trọng điểm của tỉnh như: Các tuyến đường địa phương (An Nhơn và Phù Mỹ) kết nối với đường ven biển; tuyến đường tránh phía nam thị trấn Phú Phong; tuyến đường nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy Nhơn (đoạn tuyến chính); đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân.
Thứ tư, tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng. Xây dựng thương hiệu Bình Định trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.



Biên tập, trình bày: XUÂN BÁCH - ANH NGỌC - HOÀNG LINH
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân, binhdinh.gov.vn, qdnd.vn