Tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến tỉnh chuyển Trung ương chỉ còn 0,85%; là tỉnh duy nhất có tới 5 cơ sở y tế đã triển khai bệnh án điện tử; 94,3% dân trên địa bàn tỉnh được quản lý, theo dõi sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử… Đây là bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành y tế tỉnh Quảng Ninh trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, đưa tỉnh trở thành địa phương đi đầu cả nước trong chuyển đổi số y tế.
“BA KHÔNG” TRONG KHÁM CHỮA BỆNH
Bà Hoàng Thị Hạnh (Giếng Đáy, Hạ Long, Quảng Ninh) được phát hiện có tới 13 polyp đại tràng sau khi có những biểu hiện đau tức bụng, đi đại tiện thay đổi. Mặc dù kết quả sinh thiết lành tính, nhưng bà H. vẫn muốn lên tuyến trên kiểm tra lại. Đầu tháng 10, con gái đưa bà lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám giáo sư đầu ngành tiêu hóa.
Lúc này, bác sĩ yêu cầu cần có các kết quả khám xét ở tuyến dưới để xem có cần chỉ định nội soi lại hay không nhưng bà H. không có giấy tờ gì mang theo người. Con gái bà Hạnh gọi về bác sĩ khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, được bác sĩ giải đây là bệnh án điện tử và gửi kết quả qua Zalo cho bà Hạnh.
“Với bệnh án điện tử được liên thông, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã xem rất kỹ và không có chẩn đoán khác so với địa phương. Bác sĩ chỉ kê đơn thuốc về uống và hẹn tái khám định kỳ”, bà Hạnh cho biết.
Con gái bà Hạnh cho biết, bà bị tiền sử bệnh đại tràng nhiều năm, những lần trước, do không lưu trữ được giấy tờ, mỗi lần đi khám rất vất vả vì không thể nhớ được các lần khám trước, chỉ số và kết quả nội sao xem polyp có to ra không. Nhưng trong hơn 2 năm trở lại đây, nhờ bệnh án điện tử, bà Hạnh không cần phải vất vả ôm giấy tờ hồ sơ giấy. Mọi thông tin, bác sĩ đều nắm rõ trên hồ sơ bệnh án điện tử.
“Kết quả chẩn đoán của bác sĩ tuyến tỉnh trùng với bác sĩ tuyến Trung ương. Lần sau tôi yên tâm cho mẹ theo dõi tại địa phương”, con gái bà Hạnh tâm sự.
Từ năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chính thức áp dụng chữ ký số và bệnh án điện tử thay bệnh án giấy, trở thành bệnh viện đầu tiên của tỉnh tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số này.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh năm 2015-2021), đây là một trong 10 bệnh viện đầu tiên trên cả nước áp dụng bệnh án điện tử. Đến nay, 100% các loại giấy tờ có điều kiện đã được số hóa, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân được ký số liên thông kết quả đến cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Bệnh viện cũng có nhiều phần mềm tiện ích hỗ trợ người bệnh như đặt lịch khám và tra cứu kết quả trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ki-ốt thông minh…
Với sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành y tế, đến nay, tỉnh Quảng Ninh là đơn vị tiệm cận tới tiêu chí “ba không” gồm không xếp hàng, không giấy tờ, không thanh toán tiền mặt. Quảng Ninh hiện có 5 đơn vị đủ điều kiện thực hiện bệnh án điện tử/bệnh viện không giấy tờ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi, Trung tâm Y tế huyện Hải Hà, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên) trên tổng số 58 bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc. Trong quý IV/2023, tỉnh tiến hành thẩm định thêm 2 đơn vị nữa để tỉnh Quảng Ninh có 7 đơn vị đạt bệnh viện không giấy tờ.
Với sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành y tế, đến nay, tỉnh Quảng Ninh là đơn vị tiệm cận tới tiêu chí “ba không” gồm không xếp hàng, không giấy tờ, không thanh toán tiền mặt. Quảng Ninh hiện có 5 đơn vị đủ điều kiện thực hiện bệnh án điện tử/bệnh viện không giấy tờ trên tổng số 58 bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc.
Là Trung tâm Y tế huyện đầu tiên của Quảng Ninh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy, bác sĩ chuyên khoa II Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hải Hà cho biết, việc “khai tử” bệnh án giấy giúp người bệnh đến khám bệnh chỉ cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế, căn cước công dân hoặc điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng VSSID để quẹt mã lấy số và đăng ký khám bệnh tại các ki-ốt phát số tự động thông minh.
Toàn bộ thông tin thứ tự khám bệnh được cập nhật trên màn hình đợi khám tại các phòng tương ứng. Tất cả kết quả khám lâm sàng của bệnh nhân được cập nhật lên hệ thống mạng của bệnh viện kết nối với tất cả các khoa, phòng.
“Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ các loại giấy giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Các bác sĩ cũng thuận tiện trong việc khai thác tiền sử khám, chữa bệnh của bệnh nhân để chỉ định phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả”, bác sĩ Mạnh Hùng chia sẻ.
Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ các loại giấy giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Các bác sĩ cũng thuận tiện trong việc khai thác tiền sử khám, chữa bệnh của bệnh nhân để chỉ định phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả.
Để có được những thuận lợi cho người dân trong khám, chữa bệnh, ngành y tế Quảng Ninh đã có những bước chuyển đổi số mạnh mẽ. Nhiều chỉ số vượt chỉ tiêu toàn quốc.
Kết quả 6 tháng đầu năm đã cho thấy những con số tích cực: Tổng số tiền giao dịch thanh toán không tiền mặt toàn ngành đạt trên 60%. Phần mềm đã được các cơ quan, đơn vị y tế tạo lập, quản lý và lưu trữ thông tin hành chính, sức khỏe cho 1.387.913 người dân (đạt trên 94%). Đã có 3.248.375 đơn thuốc được liên thông, 266 cơ sở được cấp mã liên thông trên hệ thống Kê đơn thuốc Quốc gia cơ sở khám chữa bệnh, 2063 người kê đơn đã được cấp mã để thực hiện kê đơn; 150 cơ sở y tế đã thực hiện kê đơn và liên thông đơn thuốc hàng ngày lên hệ thống đơn thuốc quốc gia.
Đến tháng 6/2023, các chỉ tiêu về y tế của Quảng Ninh hầu hết đều vượt so với chỉ tiêu cả nước:
- Bệnh viện đạt 55 giường bệnh/1 vạn dân (toàn quốc đạt 31,5 giường bệnh/1 vạn dân); 14,9 bác sĩ/1 vạn dân (toàn quốc đạt 12 bác sĩ/1 vạn dân ); 2,7 dược sĩ đại học/1 vạn dân (toàn quốc đạt 3,1 dược sỹ đại học/1 vạn dân); 24 điều dưỡng/1 vạn dân (toàn quốc đạt 14,5 điều dưỡng/1 vạn dân).
- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95,25% (mục tiêu toàn quốc là 93,2%). Tuổi thọ bình quân năm 2023 ước tính đến cuối năm là 73,8 tuổi (bằng chỉ tiêu quốc gia năm 2023).
- 100% trạm y tế được giao nhiệm vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu (143 trạm) có đủ điều kiện triển khai thực hiện, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- 100% trung tâm y tế tuyến huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, điều trị nội trú thực hiện được tối thiểu 80% danh mục kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện, hiện nay 94,3% dân trên địa bàn tỉnh đã được quản lý, theo dõi sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử. Các cơ sở y tế đã thực hiện nâng cấp phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh (HIS/LIS/PACS/EMR) tại các bệnh viện, trung tâm y tế; nâng cấp Hệ thống quản lý thông tin xã, phường, thị trấn trong quản lý thông tin y tế và khám chữa bệnh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán, điều trị trong một số chuyên ngành.
“Đây là những kết quả chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành y tế của tỉnh Quảng Ninh chúng tôi, để quản lý, theo dõi sức khỏe, nhắc lịch khám chữa bệnh và giúp người bệnh liên thông được các dữ liệu một cách tốt nhất cho mỗi lần đi khám chữa bệnh, không cần phải lưu trữ bằng bản giấy”, ông Diện bày tỏ.
Hiện nay 94,3% dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được quản lý, theo dõi sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử.
Một trong số các địa phương đi đầu của tỉnh là Móng Cái đã có 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn được trang bị đầy đủ thiết bị đọc QRcode trên thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VNEID được kết nối với máy tính có sử dụng mạng Internet.
Từ đầu năm đến tháng 8, tỷ lệ lượt người đi khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp là 8.597/11.310 lượt (đạt 76%). Thực hiện thu phí và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt (đạt 24%). Người dân tham gia khám bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế 100% được liên thông sổ sức khỏe điện tử toàn dân, cao hơn chỉ tiêu của tỉnh.
GIẢM TỶ LỆ CHUYỂN TUYẾN,
GIỮ CHÂN NGƯỜI BỆNH BẰNG NHIỀU KỸ THUẬT CAO
Ông Đỗ Duy M. (65 tuổi, Giếng Đáy, Hạ Long) từng một lần điều trị bệnh động mạch vành. Nhưng thay vì phải lên tuyến trên để kiểm tra, lần này, ông đã hoàn toàn yên tâm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khi năm 2019 đơn vị này nhận chuyển gia kỹ thuật ứng dụng y học hạt nhân quan trọng trong chuyên ngành tim mạch. “Khám xét tại chỗ, tôi vừa lưu trữ được hồ sơ, không phải chuyển tuyến kết quả, vừa không phải đi lại xa xôi. Được chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương thì không hạnh phúc nào bằng”, ông M. chia sẻ.
Năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trở thành bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên khu vực phía bắc triển khai kỹ thuật về tim mạch hạt nhân, chuyển giao từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Mới đây nhất, các bác sĩ bệnh viện tỉnh đã đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) Rapid vào điều trị đột quỵ, mang lại hiệu quả can thiệp kịp thời cho người bệnh. Anh H.V.N (50 tuổi, Hạ Long) bị đột quỵ ở giờ thứ 12, vào viện trong tình trạng liệt nửa người, tiên lượng xấu. Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính (CT) và hình ảnh gửi lên hệ thống lưu trữ và quản lý hình ảnh (PACS) của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, có tích hợp phần mềm Rapid để định lượng chính xác vùng lõi nhồi máu và vùng tổn thương. Chỉ chừng hơn 2 phút, Rapid gửi kết quả tính toán cho từng bác sĩ trong nhóm đột quỵ Quảng Ninh.
“Nếu chỉ chụp CT mạch não, không thể đánh giá được nếu can thiệp lấy huyết khối bệnh nhân có khả năng phục hồi hay không. Thông thường, với bệnh nhân đến viện sau 6 giờ hoặc không xác định được thời điểm đột quỵ, bác sĩ sẽ không can thiệp lấy huyết khối vì nguy cơ xuất huyết não cao. Tuy nhiên, dựa vào đánh giá của Rapid, bác sĩ quyết định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết kết hợp lấy huyết khối động mạch não...”, bác sĩ chuyên khoa I Ngô Quang Chức, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh là một trong 2 bệnh viện ở miền bắc tiên phong triển khai phần mềm Rapid trong cấp cứu đột quỵ, và đã triển khai trên 260 bệnh nhân.
Tỉnh dậy sau cơn dư chấn, chưa được hoàn toàn khỏe mạnh, ông M. hạnh phúc nói: “Trong cơn lơ mơ, tôi nghĩ mình đã không thể còn sống. Y học bây giờ thật kỳ diệu. Nếu không được cấp cứu kịp thời ở tỉnh nhà, có lẽ tôi đã là người thiên cổ”.
Trong những năm qua, nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu, kỹ thuật mới của tuyến Trung ương được triển khai áp dụng trong điều trị có hiệu quả, vừa giúp nhân viên y tế làm chủ các kỹ thuật cao, kỹ thuật khó của tuyến trên, vừa giúp cho người dân Quảng Ninh được thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu ngay tại tỉnh nhà, tiết kiệm được chi phí điều trị.
Theo ông Nguyễn Trọng Diện, đến hết năm 2022 tuyến tỉnh đã thực hiện được gần 50% kỹ thuật của tuyến Trung ương, chiếm tỷ lệ 85% danh mục kỹ thuật của Trung ương, tuyến huyện thực hiện được hầu hết các kỹ thuật theo phân tuyến.
”Tỉnh đã phát triển hơn hàng trăm kỹ thuật mới của tuyến Trung ương. Điển hình trong một số lĩnh vực: Hồi sức cấp cứu, phẫu thuật mổ tim hở, can thiệp tim mạch, sản nhi, ung bướu, phẫu thuật sọ não, cột sống, phẫu thuật khớp, nghiên cứu tầm soát và chẩn đoán trước sinh; Trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2020-2021) vừa qua, riêng ngành y tế đạt 15/33 đề tài, giải pháp đoạt giải (3 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba, 5 giải khuyến khích); có 8 cá nhân được vinh danh Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu”, ông Diện nói.
Đến nay, Quảng Ninh đã tiếp nhận chuyển giao trên 2.100 kỹ thuật hiện đại, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
“Các bác sĩ của chúng tôi liên tục được bổ sung phác đồ điều trị mới, tiên tiến phục vụ cho việc điều trị các bệnh lý phức tạp mà trước đây gần như phải chuyển tuyến, góp phần cứu sống rất nhiều trường hợp, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân”, ông Diện nói.
Nhiều công trình khoa học mới được nghiên cứu, ứng dụng thành công tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Tiêu biểu là các đề tài nghiên cứu: “Ứng dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trong hỗ trợ tim phổi cho bệnh nhân nặng không đáp ứng với các biện pháp điều trị hồi sức khác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh”; “Ứng dụng kỹ thuật xạ hình tưới máu cơ tim (SPECT tim) trong chẩn đoán và tiên lượng bệnh tim thiếu máu cục bộ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh”; “Ứng dụng kỹ thuật sàng lọc 3 bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh bằng máu gót chân trên địa bàn tỉnh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh”; “Ứng dụng kỹ thuật vi sóng trong điều trị bệnh lý u gan và u tuyến giáp tại Bệnh viện Bãi Cháy”…
Bệnh viện Bãi Cháy, từ năm 2019 đến nay cũng đã vận hành hiệu quả hệ thống phòng mổ thông minh tích hợp hệ thống định vị Navigation và CT di động phòng mổ trong các ca phẫu thuật cột sống phức tạp…
Ngoài cập nhật các kỹ thuật tiên tiến, các cơ sở y tế cũng liên tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao tác phong, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý chất lượng bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người dân. Trong kết quả xếp hạng bệnh viện năm 2022 theo thang điểm của Bộ Y tế, tỉnh có 5 đơn vị được đánh giá rất tốt, 4 đơn vị đạt mức tốt, 13 đơn vị đạt mức khá, 6 đơn vị đạt mức trung bình khá, không có đơn vị nào đạt mức trung bình.
Ngành y tế Quảng Ninh có 2 đơn vị được công nhận hoàn thành chứng chỉ Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) ISO 9001:2015 và ISO 14001:2015 là Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Tỷ lệ chuyển tuyến giảm dần theo các năm. Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ tuyến tỉnh chuyển Trung ương 6.746 lượt, chiếm tỷ lệ 0,67% so với tổng số lượt khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến huyện. Trong đó bệnh lý thuộc chuyên khoa ung bướu chuyển tuyến 2.843 lượt, chiếm tỷ lệ 42,3% so với tổng số lượt tuyến tỉnh tuyển chuyến trung ương; tiếp theo là nội khoa 1.373 lượt, chiếm tỷ lệ 20,42%; ngoại khoa 622 lượt chuyển tuyến, chiếm tỷ lệ 9,25%; nhi khoa có 509 lượt chuyển tuyến, chiếm tỷ lệ 7,5%.
Tuyến huyện chuyển tuyến tỉnh 15.210 lượt, chiếm tỷ lệ 1,54% so với tổng số lượt khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến huyện. Trong đó bệnh lý thuộc chuyên khoa nội chuyển tuyến 1.844 lượt, chiếm tỷ lệ 12,12% so với tổng số lượt tuyến huyện chuyến tuyến tỉnh; tiếp theo là ngoại khoa 1.581 lượt chiếm tỷ lệ 10,39%; hồi sức cấp cứu và chống độc 598 lượt, chiếm tỷ lệ 3,9%.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN
Hạnh phúc khi ở tuổi già được chăm sóc y tế một cách tận tình, bà Đỗ Thị Lài (Tiên Yên, 75 tuổi, mắc bệnh tiểu đường, huyết áp) không còn phải lo mỗi khi bác sĩ hỏi tới kết quả khám lần trước.
“Thời gian gần đây, tôi không cần phải mang theo giấy tờ cũ khi đi khám bệnh, cũng không cần phải nhớ các chỉ số lần trước của mình. Bác sĩ chỉ cần xem hồ sợ bệnh án là biết hết bệnh của mình. Ở vùng sâu này, bà con dân tộc nhiều, được chăm sóc kỹ lưỡng tận tình, ai cũng thích”, bà Lài cười bỏm bẻm.
Là địa bàn đa dạng về địa hình, có nhiều địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... vì thế, lãnh đạo ngành y tế luôn có những định hướng để xóa nhòa ranh giới y tế giữa các vùng miền.
Ngành y tế tỉnh tích cực tiếp tục triển khai nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telemedicine tại các cơ sở y tế phục vụ công tác đào tạo nghiệp vụ, tư vấn khám, tư vấn điều trị với 11 bệnh viện Trung ương. Trung bình mỗi năm, các đơn vị y tế của tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên theo hình thức đào tạo từ xa khoảng 500 buổi. Số lượt cán bộ y tế được đào tạo lý thuyết khoảng 1.200 người. Số lượng kỹ thuật đã đào tạo chuyển giao trực tuyến khoảng 186 kỹ thuật.
Theo phân công, bệnh viện tuyến tỉnh giám sát, hỗ trợ trực tuyến cho bệnh viện tuyến dưới trong tỉnh 20 cuộc mỗi năm.
“Nhờ chuyển giao kỹ thuật, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại các địa phương được cải thiện rõ rệt. Nhiều kỹ thuật của tuyến tỉnh đã được chuyển giao để bệnh nhân được tiếp cận, áp dụng ngay tại địa phương mà không cần chuyển tuyến như mổ nội soi, tán sỏi ngược dòng hay phẫu thuật tạo hình khớp háng và một số kỹ thuật khác, hướng tới cải thiện hiệu quả cung cấp dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết.
Để hỗ trợ toàn diện y tế cơ sở, ngành y tế giao 4 bệnh viện lớn tuyến tỉnh hỗ trợ toàn diện cho các trung tâm y tế vùng sâu, vùng xa, bình quân mỗi năm cử trên 200 đợt với hơn 380 lượt nhân viên y tế xuống hỗ trợ trực tiếp công tác khám chữa bệnh thường xuyên và công tác cấp cứu tại chỗ các trung tâm y tế.
Một trong những chính sách đặc biệt quan tâm đến sức khỏe người dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh là thực hiện chính sách luân phiên đối với bác sĩ từ đơn vị y tế tuyến tỉnh xuống tuyến huyện và từ tuyến huyện xuống tuyến xã làm việc có thời hạn nhằm bổ sung ngay bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở và triển khai hoạt động chuyên môn theo vị trí việc làm. Với việc tiếp nhận trạm y tế, đến thời điểm hiện tại đã bổ sung hơn 30 lượt bác sĩ luân phiên từ các trung tâm y tế xuống xã còn thiếu bác sĩ (153 bác sĩ/177 trạm) để bảo đảm mỗi trung tâm y tế đều có bác sĩ.
Đến nay, hoạt động cân đo trẻ dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng được cân đo hằng tháng đạt 98,5%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh dưới 2.500 gam dưới 5,48%. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thai kỳ đạt 89,37%; Tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 99,7%; Tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ có kỹ năng đỡ đạt 99,55% (kế hoạch 99,6%); Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được nhân viên y tế chăm sóc tuần đầu sau sinh tại nhà đạt 50,5% (kế hoạch 56%).
Trong năm qua, tỉnh có 2 công trình xây dựng mới nhằm mang lại chất lượng chăm sóc chuyên sâu cho người bệnh gồm Bệnh viện Lão khoa-Phục hồi chức năng Quảng Ninh và Bệnh viện Phổi và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Tiến tới mục tiêu chuyển đổi số, giai đoạn tới, ngành y tế tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu 90% người dân được định danh y tế, 50% các dịch vụ y tế được thanh toán điện tử vào năm 2025. Cùng với đó, mỗi người dân có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, mỗi cơ sở khám chữa bệnh triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa; mỗi bệnh viện, trung tâm y tế triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử; thực hiện quản lý sức khỏe toàn dân đến từng hộ gia đình, bảo đảm liên thông khi khám, chữa bệnh.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, theo ông Nguyễn Trọng Diện, ngành y tế còn rất nhiều việc phải làm đồng bộ chất lượng khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân, mục tiêu cao nhất là chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân tại địa bàn, không cần phải lên tuyến trên, để người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhất ngay tại cơ sở.
Không phải còn “lăm lăm” cầm cuốn sổ y bạ trên tay, không phải lo ôm tiền mặt vì sợ bị móc túi, không cần phải lo tay nghề bác sĩ địa phương không chẩn đoán ra hết bệnh, niềm hạnh phúc của bà Hạnh, bà Lài… khi được chăm sóc sức khỏe tốt nhất ngay tại địa phương, bản làng mình là thành tựu trong việc “giữ chân” người bệnh của ngành y tế tỉnh Quảng Ninh. Niềm tin ấy, sẽ còn được nối dài mãi, khi những kỹ thuật cao nhất vẫn đang liên tục được ngành y tế cập nhật và mang về địa phương…
Hệ thống y tế cơ sở tại các địa bàn vùng sâu, vùng xã được quan tâm đầu tư phát triển toàn diện theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển bền vững để mọi người dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng và hướng tới chất lượng cao. Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống cho nhân dân vùng khó khăn để “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.