Từng là vựa than lớn nhất cả nước, Quảng Ninh đã và đang kiên định với mục tiêu chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, tận dụng tối đa tiềm năng lợi thế nhưng gắn chặt với phát triển bền vững.
QUYẾT SÁCH MẠNH CỦA QUẢNG NINH
Tăng trưởng xanh được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều khu vực trên thế giới trong nỗ lực để đạt được sự phát triển bền vững. Đối với Việt Nam, điều này cũng đã được thể hiện rất rõ trong chiến lược của đất nước, thông qua Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, hay Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Kiên định mục tiêu tăng trưởng xanh, Quảng Ninh đã quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; gắn nhiệm vụ thực hiện Chiến lược với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các cấp, ngành và toàn thể nhân dân tập trung thực hiện.
Kiên định mục tiêu tăng trưởng xanh, Quảng Ninh đã quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; gắn nhiệm vụ thực hiện Chiến lược với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cụ thể hóa thành các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các cấp, ngành và toàn thể nhân dân tập trung thực hiện.
Tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 với mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp “xanh”; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến một nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính. Đồng thời, trong các quy hoạch quan trọng của tỉnh, đặc biệt là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh; Quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, nội dung tăng trưởng xanh coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, tầm nhìn dài hạn.
Tại các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (2010-2015), XIV (2015-2020), Quảng Ninh kiên định với mục tiêu tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh". Trong đó xác định: Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền bắc với hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững; bảo vệ và cải thiện rõ rệt môi trường sinh thái; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các khu danh thắng, di tích lịch sử…
Tại Nghị quyết 236/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành ngày 12/12/2015 về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh đã ban hành Bộ quy chuẩn địa phương phù hợp với điều kiện, đối tượng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công tác quản lý môi trường tập trung vào 7 nhiệm vụ: Quản lý môi trường nước; quản lý chất lượng không khí; quản lý chất thải rắn; quản lý rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu và giám sát môi trường.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 236 của HĐND tỉnh, công tác quản lý bảo vệ môi trường đã được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã được nâng lên rõ rệt. Môi trường trên địa bàn tỉnh nhìn chung được cải thiện, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực được kiểm soát… Các phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân, các đơn vị, doanh nghiệp.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 236 của HĐND tỉnh, công tác quản lý bảo vệ môi trường đã được các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt.
Quảng Ninh cũng tăng cường chỉ đạo các đơn vị khai thác than có hoạt động trên địa bàn bảo đảm kinh phí cho bảo vệ môi trường. Tính riêng đối với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường hằng năm là hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó 50% dành cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, 50% dành cho các công việc bảo vệ môi trường thường xuyên.
DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT VÀO CUỘC THỰC HIỆN TĂNG TRƯỞNG XANH
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, đối với chính sách phát triển công nghiệp, tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ di chuyển hàng trăm cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị vào Cụm công nghiệp ở các địa phương. Đồng thời, chính sách đầu tư của tỉnh cũng ưu tiên đặc biệt cho các dự án xanh.
Đặc biệt, năm 2020, Quảng Ninh đã thu hút Tập đoàn Thành Công đến đầu tư, triển khai Dự án Nhà máy sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Việt Hưng với tổng vốn đầu tư trên 4.500 tỷ đồng và Dự án Trung tâm Dịch vụ và hạ tầng ô tô Thành Công Việt Hưng có tổng nguồn vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng. Đây là hai dự án công nghiệp công nghệ cao được Quảng Ninh mong chờ và kỳ vọng sẽ đem lại luồng gió mới cho phát triển công nghiệp của tỉnh.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng kiên định mục tiêu phát triển xanh. Ông Vũ Hữu Tuyến, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ mỏ (Công ty Than Thống Nhất) nhấn mạnh: Thời gian qua, Than Thống Nhất đã thực hiện chủ trương “xanh hóa” tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, trong đó chú trọng áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường; đồng thời áp dụng nhiều giải pháp về công nghệ hiện đại.
Thời gian qua, Than Thống Nhất đã thực hiện chủ trương “xanh hóa” tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, trong đó chú trọng áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường; đồng thời áp dụng nhiều giải pháp về công nghệ hiện đại.
Cụ thể, Than Thống Nhất đã thực hiện một loạt “bước chuyển” công nghệ trong các khâu đào/khoan lò; thay thế dần sức người bằng cơ giới hóa; áp dụng hệ thống thông gió hiện đại từ châu Âu; qua đó vừa giúp nâng cao năng suất sản xuất cũng như hệ số an toàn lao động.
Bên cạnh đó, hiện công ty cũng đang quy hoạch lại toàn bộ các sân công nghiệp, trồng cây phủ xanh ngoài mặt bằng; thường xuyên vệ sinh chất thải, bùn đất vương vãi.
Ngoài ra, để giảm thiểu ô nhiễm bụi, tại các vị trí lò khô, có nồng độ bụi cao, Than Thống Nhất đã lắp đặt 20 máy phun sương dập bụi tự động. Mỗi máy bao gồm hệ thống dẫn nước và dẫn khí và không phát sinh tia lửa điện, phù hợp với điều kiện hầm lò có nguy cơ cháy nổ cao. Kết quả quan trắc cho thấy, hiệu quả mà các hệ thống mang lại rất tốt.
Đối với bài toán giảm ô nhiễm tiếng ồn, Than Thống Nhất cũng triển khai lắp đặt 40 bộ chống ồn, qua đó giảm được 70-80% tiếng ồn.
Đặc biệt, để hướng tới nền kinh tế xanh, hiện nay, công ty cũng đang nghiên cứu, áp dụng và thay thế các loại vật liệu có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường. Điển hình như dầu nhũ hóa. Đây là loại dầu có nguồn gốc thực vật, không màu, không mùi. Trong trường hợp rò rỉ ra môi trường vẫn rất dễ xử lý do có khả năng tự tiêu.
“Bên cạnh đó, các loại hóa chất, dầu mỡ cũng được chúng tôi thu gom và xử lý theo đúng quy định”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Trưởng phòng Hành chính, Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (100% vốn Hàn Quốc), đặt tại Khu Công nghiệp Đông Mai (thị xã Quảng Yên) - cho biết:
"Quảng Ninh là một tỉnh rất quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường, tỉnh ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư công nghệ cao, ít phát thải và ít tác động đến môi trường. Trong quá trình đầu tư xây dựng, công ty chúng tôi cũng phải bảo đảm tỷ lệ cây xanh nhằm tạo không gian xanh trong khuôn viên nhà máy theo đúng cam kết với địa phương. Đồng thời, công ty cũng đã dừng hoạt động của xưởng đúc - lĩnh vực được xem là có nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nhằm ủng hộ chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ninh trong mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”".
Quảng Ninh là một tỉnh rất quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường, tỉnh ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư công nghệ cao, ít phát thải và ít tác động đến môi trường.
ĐẦU TƯ MẠNH CHO CƠ SỞ HẠ TẦNG DU LỊCH
Một trong những mục tiêu mà Quảng Ninh đặt ra khi thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” là giảm dần khai khoáng, hướng mạnh sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ, cùng với đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sáng tạo, Quảng Ninh đã phát triển thành một trung tâm du lịch đẳng cấp, chuyên nghiệp của cả nước và quốc tế. Để du lịch, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, tỉnh đã đầu tư, kêu gọi đầu tư hàng loạt những công trình, dự án trọng điểm, hiện đại tạo lực đẩy cho ngành “công nghiệp không khói” tỏa sáng.
Chính sách đầu tư của Quảng Ninh cũng sẽ ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Ðồng thời kết hợp chặt chẽ phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng.
Ðến nay, tỉnh đã đưa vào hoạt động nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường cao tốc Vân Ðồn-Móng Cái kết nối liên thông tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Vân Ðồn, đường ven biển Hạ Long-Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 nối hai bờ thành phố Hạ Long, góp phần hoàn thiện hạ tầng, tạo cơ hội để các ngành công nghiệp, kinh tế có bước phát triển mới…
Ðến nay, tỉnh đã đưa vào hoạt động nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường cao tốc Vân Ðồn-Móng Cái kết nối liên thông tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Vân Ðồn, đường ven biển Hạ Long-Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 nối hai bờ thành phố Hạ Long, góp phần hoàn thiện hạ tầng, tạo cơ hội để các ngành công nghiệp, kinh tế có bước phát triển mới…
Đơn cử như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với đường băng dài 3,6km, rộng 45m, có khả năng đón những loại máy bay chuyên chở hàng hóa và hành khách lớn, hiện đại nhất hiện nay.
Đặc biệt, đường cất, hạ cánh được trang bị hệ thống dẫn đường bay ILS Cat II, bảo đảm chỉ dẫn cho máy bay hạ cánh an toàn trong mọi điều kiện thời tiết. Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đánh giá là phi trường phức hợp hiện đại bậc nhất ở Việt Nam hiện nay với thiết kế đạt 2,5 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa/năm. Nhà ga có 2 khu vực quốc tế và nội địa riêng biệt. Trong sảnh check-in có hai khu vực phòng chờ với không gian mở, bao quanh bởi những lớp kính dày nhìn ra cảnh quan xung quanh, giúp du khách có chỗ nghỉ chân, cà phê thư giãn trong thời gian chờ làm thủ tục.
Đánh giá về hiệu quả chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” tại Quảng Ninh, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã xác lập được một vị thế mới, vượt trội và hàm chứa những cảm hứng phát triển đặc biệt.
Các mặt nổi bật tích cực khi nhắc đến Quảng Ninh là: Bước chuyển dần từ “nâu” sang “xanh” và vai trò dẫn dắt của du lịch đối với sự phát triển của tỉnh ngày một rõ nét hơn; hạ tầng khá đồng bộ với những công trình không-thủy-bộ hiện đại; thể chế, chính quyền số, môi trường đầu tư kinh doanh, nỗ lực cải cách của Quảng Ninh được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.