Bài đăng trong sách "Thiên sử vàng của nhân dân Thủ đô anh dũng", Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
20 giờ 3 phút 19/12/1946, công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ phá máy làm hiệu lệnh cho quân dân Thủ đô chủ động tấn công thực dân Pháp xâm lược. Điện trong nhà máy phụt tắt, đó cũng là hiệu lệnh chiến đấu. Từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, pháo binh bắn vào các vị trí địch trong Thành (Citadel). Các lực lượng vệ quốc quân, công an, tự vệ đồng loạt tiến công các vị trí giặc theo kế hoạch đã định.
Hà Nội vinh dự, tự hào đã được Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy chọn “Là chiến trường chính trong trận tổng giao chiến đấu tiên. Trận đánh ở Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phải tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của cả nước. Hà Nội cần giam chân địch ít nhất là một tháng tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến tranh”.
Đêm 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, vang dội khắp non sông!
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Ở thủ đô Hà Nội, cuộc “tổng giao chiến” giữa Quân đội nhân dân Việt Nam (gồm 5 tiểu đoàn Vệ quốc đoàn có 2.500 chiến sĩ) và 9.000 tự vệ chiến đấu, tự vệ Thành Hoàng Diệu với thực dân Pháp xâm lược đã diễn ra quyết liệt ngay trong đêm 19/12/1946 trên các vị trí chiến lược: cầu Long Biên, Bắc Bộ phủ, trụ sở Bộ Quốc phòng (40 Hàng Bài), Sở Chỉ huy tự vệ chiến đấu (107 Trần Hưng Đạo), Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội, khu Đấu Xảo (nay là Cung Hữu nghị Việt-Xô), Cửa Nam, Đồn công an Hàng Trống (nay là trụ sở công an quận Hoàn Kiếm), Nhà hát Lớn...
Trong lúc cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở nội thành thì ở ngoại thành tự vệ của các khu Lãng Bạc, Đại La, Đống Đa, Mê Linh, Đề Thám tập trung thành từng đại đội, xung phong đi chiến đấu trên các cửa ô: Cầu Giấy, Bưởi, Yên Phụ, Kim Mã. Nhân dân các làng xã thực hiện “vườn không nhà trống” và tiêu thổ kháng chiến. Đường giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh bị quân dân các địa phương triệt phá để chặn bước tiến của của địch. Sân bay Gia Lâm liên tiếp bị quân ta đột kích. Trung đoàn 35 và 37 của Hà Đông cùng một số đơn vị cảm tử quân ở ngoại thành đã sát cánh cùng quân dân Thủ đô chiến đấu trên các trận địa ven nội thành: Trường Bưởi, Bạch Mai, Yên Phụ, Ô Chợ Dừa... Hàng trăm công nhân phục vụ chiến đấu và làm nhiệm vụ tháo dỡ, vận chuyển máy móc, hàng hóa, kho tàng từ Hà Nội qua Trung Hà (Sơn Tây) để lên Việt Bắc hoặc đưa vào vùng rừng núi Hòa Bình. Một số nơi khác như Khúc Thủy, Sơn Đồng, Yên Sở... là các trạm điều trị thương binh. Nhân dân Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Quốc Oai lập “Hũ gạo kháng chiến”, “Quỹ mua sắm vũ khí”, “Hội mẹ chiến sĩ”,... tích cực giúp đỡ các cơ quan, đơn vị, đồng bào Hà Nội về tản cư.
Hình ảnh chiến sỹ cảm tử quân, đoàn vien Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Hà Nội ngày 23/12/1946 mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sỹ và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/Tư liệu TTXVN
Hình ảnh chiến sỹ cảm tử quân, đoàn vien Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Hà Nội ngày 23/12/1946 mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sỹ và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/Tư liệu TTXVN
Kế hoạch “Chiến tranh chớp nhoáng” chiếm Hà Nội trong vòng 24 giờ của thực dân Pháp bước đầu bị phá sản; do đó, chúng chủ trương tập trung lực lượng tiêu diệt lực lượng ta ở nội thành, sau đó mới đánh tỏa ra ngoại thành. Địch mở liên tiếp những trận tiến công vào Hàng Da, Chợ Hôm, Lò Lợn, Hàng Bông, Đại Cổ Việt. Từ ngày 19/12 đến 29/12/1946 đã diễn ra 47 trận đánh quyết liệt, trong đó có các trận tập kích vào vị trí quan trọng: Hàng Đậu, nhà Phái bộ Anh, Stai-ke (Stai Quai), Ô Cầu Dền, nhà dầu Shell (phố Khâm Thiên), nhà Đề-lê-vô (phố Cát Linh).
Trong lúc chờ quân tiếp viện từ Hải Phòng lên, từ ngày 30/12/1946 đến ngày 6/1/1947, giặc Pháp cố dồn sức đánh ra các cửa ô. Quân ta đã chặn đánh địch quyết liệt giành đi giật lại từng tấc đất trên vành đai bao quanh thành phố: Ô Chợ Dừa (30/12/1946), Vĩnh Tuy (3/1/1947), Giảng Võ (6/1/1947).
Quân ta đã chặn đánh địch quyết liệt giành đi giật lại từng tấc đất trên vành đai bao quanh thành phố
Trong khói lửa chiến đấu, ngày 6/1/1947, các lực lượng vũ trang đang chốt giữ Liên khu I thống nhất lại, lấy tiểu đoàn 101 Vệ quốc quân làm nòng cốt, thành lập trung đoàn Liên khu I do đồng chí Lê Trung Toản, Phó bí thư Đảng ủy Liên khu I trực tiếp làm Chính ủy trung đoàn. Ngày 12/1/1947, Hội nghị quân sự toàn quốc họp tại Chúc Sơn (Chương Mỹ) đã quyết định đặt tên trung đoàn Liên khu I là Trung đoàn Thủ Đô. Ngày 14/1/1947, đại đội quyết tử của Trung đoàn Thủ Đô được thành lập và làm lễ tuyên thệ “Quyết tử” tại rạp Tố Như (nay là rạp Chuông Vàng) trước khi bước vào đợt chiến đấu mới.
Tháng 1/1947, sau khi đánh thông đường số 5, chúng có thêm quân từ Hải Phòng chi viện nên quyết tiêu diệt lực lượng ta ở Hà Nội. Từ ngày 15/1/1947, địch liên tiếp mở những đợt tiến công mới trên con đường vòng cung: Vĩnh Tuy, Ngã Tư Trung Hiền, Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy. Đến ngày 25/1/1947, chiếm được Nhật Tân, địch đã kiểm soát được con đường vòng cung bao quanh thành phố. Tháng 2/1947 bộ đội địa phương và tự vệ đã chiến đấu dũng cảm, chặn đánh địch ở Nam Dư Thượng, Yên Duyên, Cổ Nhuế, Chèm, phủ Hoài Đức. Theo dõi từng ngày diễn biến cuộc kháng chiến của quân dân Thủ đô, ngày 27/1/1947, tại Cần Kiệm (Thạch Thất)., Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô, biểu dương và động viên cán bộ, chiến sĩ “Các em cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu các tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy ngàn năm để lại... Nay các em gan góc các tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống muôn đời về sau”.
Các em cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu các tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy ngàn năm để lại... Nay các em gan góc các tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống muôn đời về sau.
Từ ngày 6/2/1947, giặc Pháp huy động một số lực lượng lớn bộ binh có xe tăng, trọng pháo, máy bay yểm trợ mở đợt tổng công kích vào Liên khu I. Trong vòng vây của địch, quân dân Liên khu I không sờn lòng trước mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu liên tục bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch.
Năm giờ sáng ngày 14/2/1947, 400 lính Pháp có xe tăng yểm trợ từ đầu cầu Long Biên đánh vào chợ Đồng Xuân. Lực lượng của ta đã đánh giáp lá cà với địch ở từng quầy hàng, từng phản thịt.
Ngày 15/2/1947, Ban Chỉ huy Liên khu I nhận được chỉ thị của Bác Hồ và lệnh của Bộ Tổng chỉ huy yêu cầu Trung đoàn Thủ Đô rút khỏi Hà Nội trở về hậu phương xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đêm 17/2/1947, Trung đoàn Thủ Đô có Đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại dẫn đường đã bí mật rút quân từ đình Phất Lộc ra cột Đồng Hồ, vượt đê sông Hồng, vượt gầm cầu Long Biên men theo bờ lở rồi lội qua khúc sông cạn sang Bãi Giữa. Từ đây, bộ đội đi đò lên Từ Tổng, Tam Lạc, Tàm Xá, vượt sông sang bến Dâu (Đông Anh) để ra vùng tự do. Rạng sáng 19/2/1947, phát hiện quân ta rút ra khỏi Liên khu I, địch huy động cả thủy, bộ, không quân truy lùng hòng tiêu diệt trung đoàn. Đội liên lạc do đồng chí Nguyễn Ngọc Nại chỉ huy đã anh dũng chiến đấu chặn địch trên bãi dâu Tàm Xá và 8 đồng chí đã hy sinh oanh liệt.
Trong ảnh: Bộ đội sẵn sàng chiến đầu bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, tháng 12/1946. Anh: TTXVN
Trong ảnh: Bộ đội sẵn sàng chiến đầu bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, tháng 12/1946. Anh: TTXVN
Sáu mươi ngày đêm chiến đấu, giữ từng góc nhà, từng đường phố; tiêu hao và giam chân địch suốt hai tháng trong thành phố, tiêu diệt 2.000 tên địch, Đảng bộ và quân dân Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương Đảng giao: bảo vệ được các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ rút lên Việt Bắc an toàn, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến. Lực lượng chủ lực từ năm tiểu đoàn Vệ quốc đoàn phát triển thành năm trung đoàn: Trung đoàn Thủ Đô, Trung đoàn 80 (sau này là Trung đoàn Thăng Long, Trung đoàn 35, Trung đoàn 37 (sau này là Trung đoàn 66); Trung đoàn Tây tiến (sau này là Trung đoàn 52). Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu rõ ý nghĩa sâu sắc của chiến thắng oanh liệt của quân dân Thủ đô trong 60 ngày chiến đấu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. “Đây là một bước mở đầu oanh liệt của cuộc kháng chiến vĩ đại, chống thực dân Pháp, góp phần làm rạng rỡ truyền thống Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội”.
Trung đoàn Thủ Đô đã tượng trưng cho bộ đội của một dân tộc nhược tiểu quyết tâm không muốn làm nô lệ và đã ngang nhiên chống lại bộ đội nước lớn, bộ đội hùng mạnh của chủ nghĩa đế quốc.
Ngày 22/2/1947, 1.200 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô đã chuyển quân về thôn Phan Long, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Bộ Tổng chỉ huy tổ chức lễ mừng chiến thắng, tuyên dương công trạng đoàn quân chiến thắng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá cao tinh thần quyết chiến quyết thắng của Trung đoàn: “Trung đoàn Thủ Đô đã tượng trưng cho bộ đội của một dân tộc nhược tiểu quyết tâm không muốn làm nô lệ và đã ngang nhiên chống lại bộ đội nước lớn, bộ đội hùng mạnh của chủ nghĩa đế quốc”.
Thắng lợi của quân dân Thủ đô trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã chứng tỏ đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn đúng đắn, từ đó giữ vững niềm tin, tăng thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn quân tiếp tục tiến hành kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn.