
Thời gian thật nhanh. Chớp mắt tôi đã sống ở thành phố này 50 năm, kể từ mùa hè 1975. Năm mươi năm sống ở Sài Gòn tôi nhớ gì về Sài Gòn “hôm qua” trong sự thay đổi nhanh chóng của Thành phố Hồ Chí Minh ngày hôm nay?
1. Từ những năm đầu tiên sống ở Sài Gòn đến nay có một nơi tôi hay đến, đó là khu vực bưu điện thành phố. Tòa nhà được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 khi dân số đô thị này chưa đến nửa triệu người, vậy mà cho đến nay khi thành phố có hơn 10 triệu dân, nó vẫn đáp ứng được nhu cầu của người thành phố và du khách. Lúc ấy ở Quảng trường Công xã Paris trước Bưu điện và Nhà thờ Đức Bà có nhiều kiot bán văn phòng phẩm: báo chí, giấy viết thơ và bao thơ, tranh ảnh bưu thiếp, nhất là những ngày cuối năm thiệp Giáng sinh, thiệp Năm mới rực rỡ cả khu vực. Tiếc là nay không còn những kiot văn hóa phẩm ở đây và trên đường Nguyễn Huệ - một cảnh quan văn hóa quen thuộc ở nhiều đô thị trên thế giới.
Chợ Bến Thành, một biểu tượng văn hóa du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Đạt
Chợ Bến Thành, một biểu tượng văn hóa du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Đạt
Khu vực trung tâm của Sài Gòn là Nhà thờ Đức Bà và kế bên là bưu điện trung tâm, phía trước quảng trường nhỏ là con đường Đồng Khởi. Từ “tâm” này mở rộng bán kính trên dưới một cây số có Tòa thị chính, chợ Bến Thành, bến Bạch Đằng và cột cờ Thủ Ngữ, bến đò Thủ Thiêm, dinh Thống Nhất và vườn Tao Đàn, Thảo cầm viên, cả khu nghĩa địa “tây” Mạc Đĩnh Chi nay đã thành một công viên lớn, có thể kể đến các nhà thờ và chợ khu vực Tân Định, khu vực Chợ Quán… Các công trình này được xây dựng vào giai đoạn đô thị Sài Gòn mới hình thành, đầy đủ những “thiết chế” chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của một đô thị hiện đại hồi đầu thế kỷ 20.
Trong nhiều nghiên cứu về di sản văn hóa gọi đây là “vùng lõi di sản” của thành phố, cảnh quan làm nên bản sắc của đô thị Sài Gòn. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm qua khu vực này đã có sự thay đổi lớn, quan trọng nhất là sự “biến mất” nhiều công trình kiến trúc là di sản văn hóa đô thị, đồng thời cũng làm biến đổi cảnh quan chung của khu vực trung tâm thành phố. Điều này một mặt làm diện mạo đô thị “hiện đại” hơn, nhưng mặt khác làm cho dấu tích và ký ức lịch sử dần mờ nhạt trong tâm thức cộng đồng cư dân thành phố và du khách. Cho đến nay khu vực này vẫn là những “điểm đến” và “điểm nhớ” của người Sài Gòn kể cả những người đã đi xa.
Chợ Bình Tây tọa lạc tại Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, trong khu vực gọi là Chợ Lớn nên thường được gọi không chính thức là chợ Lớn mới. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Chợ Bình Tây tọa lạc tại Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, trong khu vực gọi là Chợ Lớn nên thường được gọi không chính thức là chợ Lớn mới. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Khu vực Chợ Lớn, tuy sau 1975 có sự biến động lớn về dân cư, nhưng hiện nay còn khá nguyên vẹn dáng dấp cổ xưa của một “trung tâm” kinh tế sầm uất từ trăm năm trước. Nếu lấy chợ Bình Tây làm tâm điểm mở rộng ta sẽ có khu phố cổ Triệu Quang Phục chạy dài tới bến Hàm Tử, cùng với Thất phủ Quan Võ Miếu, Chùa Bà (Miếu Thiên Hậu) và nhiều ngôi miếu cổ. Nơi này còn lưu giữ hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc: các kiến trúc tín ngưỡng như đền miếu hội quán, lễ hội, phong tục tập quán và những quan hệ xã hội đặc trưng, nhất là mối quan hệ làm ăn kinh tế.
Nối liền Sài Gòn và Chợ Lớn là rạch Bến Nghé, kinh Tàu Hũ, Kinh Đôi... hai bên bờ là hệ thống cơ sở công nghiệp của thành phố: từ nhà máy Ba Son đến những bến cảng, nhà máy... Đó chính là tính chất đô thị sông nước - hướng biển của Sài Gòn. Tiếc là từ việc xóa bỏ di tích Ba Son, hệ thống cảng thị ven sông của thành phố cũng dần biến mất làm ảnh hưởng đến yếu tố “thông thương” của một đô thị trung tâm kinh tế.
Chợ Bến Thành nằm giữa trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh có lịch sử hơn trăm năm tuổi. Ảnh: HẢI LONG
Chợ Bến Thành nằm giữa trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh có lịch sử hơn trăm năm tuổi. Ảnh: HẢI LONG
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè gắn liền với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HẢI LONG
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè gắn liền với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HẢI LONG
Nửa thế kỷ đã trôi qua, những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh (được đổi tên từ Sài Gòn vào năm 1976) bừng tỉnh, phát triển xứng tầm với mỹ danh đã gắn liền với tên gọi một thế kỷ qua. Những tòa nhà chọc trời vươn mình trên biển mây đón ánh mặt trời như muốn thể hiện khát khao chinh phục những đỉnh cao mới của con người nơi đây. Ảnh: Thành Đạt
Nửa thế kỷ đã trôi qua, những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh (được đổi tên từ Sài Gòn vào năm 1976) bừng tỉnh, phát triển xứng tầm với mỹ danh đã gắn liền với tên gọi một thế kỷ qua. Những tòa nhà chọc trời vươn mình trên biển mây đón ánh mặt trời như muốn thể hiện khát khao chinh phục những đỉnh cao mới của con người nơi đây. Ảnh: Thành Đạt
2. “Sài Gòn là thành phố sông nước”, đấy là cảnh quan của nhiều thành phố trên thế giới. Và cũng như những thành phố đó, quá trình “hiện đại hóa” của Thành phố Hồ Chí Minh để lại dấu ấn nổi bật nhất là việc cải tạo môi trường và cảnh quan hệ thống kênh rạch quan trọng của thành phố.
Trong thế kỷ 20, do chiến tranh nên dân nhập cư đổ về thành phố ngày càng nhiều, người nghèo lập nên những xóm ven kênh lan dần từ ngoại ô vào trung tâm, nhà cửa chen chúc trên bờ chồm ra kênh rạch. Chất thải, rác rưởi tù đọng dưới sàn nhà, lấp dần kênh rạch, khiến nước không còn lưu thông được nữa. Mỗi ngày, khi thấy có chút gió mát thì biết lúc nước lớn, thấy đứng gió nực nội là biết nước ròng.
Bắt đầu từ rạch Bến Nghé từ trung tâm thành phố vào Chợ Lớn và nối vào đường thủy về miền tây, công trình cải tạo kênh rạch đã mang lại diện mạo mới cho “mặt tiền” thành phố: kênh rạch được kè bờ thẳng thớm, giải tỏa những xóm nhà lụp xụp thay vào đó là công viên cây xanh và đại lộ Võ Văn Kiệt. Việc nạo vét kênh rạch mang lại một dòng nước sạch hơn... Bây giờ vào dịp Tết nơi này tổ chức lễ hội “trên bến dưới thuyền” rực rỡ bông hoa cây kiểng, tấp nập ngày đêm suốt từ rằm tháng chạp đến ngày 30 Tết.
Nhưng công trình cải tạo kênh rạch Nhiêu Lộc-Thị Nghè để lại ấn tượng đổi thay nhiều nhất với người dân thành phố. Suốt những năm thực hiện công trình này, gần như toàn thành phố lâm vào cảnh “kẹt xe tắc đường” triền miên, bất kể giờ giấc thời tiết... Nhưng rồi cũng đến lúc công trình Nhiêu Lộc-Thị Nghè hoàn thành. Bây giờ dòng kênh đã sạch hơn mỗi ngày và gần như không còn tình trạng vứt rác xuống kênh. Nhất là từ khi hai bên bờ đã được dựng hàng rào sắt, vỉa hè lát gạch sạch sẽ, trồng cây, trồng hoa, hàng đèn đường vươn cao thanh thoát… Những chung cư cao tầng mọc lên, dân cư sống tại đây đã quen với việc giữ gìn vệ sinh công cộng, giữ gìn cảnh quan chung.
Cuối năm 2024, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành, đón khách, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Đạt
Cuối năm 2024, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành, đón khách, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Đạt
Mới đây tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đã được khánh thành sau hai tháng vận hành, sau mười mấy năm xây dựng... Đô thị hiện đại không thể thiếu hạ tầng giao thông công cộng. Đây là khởi đầu mới cho sự cải thiện về giao thông và môi trường đô thị, qua đó là nâng cao sức khỏe cho người dân và xây dựng lối sống đô thị, từ việc chấp hành luật lệ và ứng xử văn minh nơi công cộng.
“Thành phố văn minh hiện đại” đâu thể có bằng hô hào suông? Cùng với sự chuyển biến của ý thức cư dân còn cần có những điều kiện vật chất phục vụ cho sự thay đổi ấy, bởi vì điều kiện sống chưa thay đổi thì khó có thể hình thành lối sống mới. Môi trường đô thị và lối sống, nếp sống của cư dân là hai mặt luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, là tiền đề cho nhau tự hoàn thiện. “Phố của người - người của phố” là một mệnh đề của xã hội học đô thị hiện đại.



Dù vật đổi sao dời, người tóc bạc hay người đầu xanh, ai từng sống ở Sài Gòn đều mong muốn những gì tốt đẹp, từ di tích lịch sử đến phẩm chất con người Sài Gòn, được lưu tâm gìn giữ, bởi đó là nguồn mạch nuôi dưỡng tâm hồn người Sài Gòn, bồi đắp tình yêu bền chặt với thành phố.
Du lịch sông Sài Gòn là một nét đẹp độc đáo của Thành phố Hồ Chí Minh. Du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều địa danh lịch sử và hiện đại từ trên sông như Bến Nhà Rồng, cảng Bến Nghé, cầu Phú Mỹ, mũi Đèn Đỏ, cầu Ba Son… Ảnh: Thành Đạt
Du lịch sông Sài Gòn là một nét đẹp độc đáo của Thành phố Hồ Chí Minh. Du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều địa danh lịch sử và hiện đại từ trên sông như Bến Nhà Rồng, cảng Bến Nghé, cầu Phú Mỹ, mũi Đèn Đỏ, cầu Ba Son… Ảnh: Thành Đạt
Nhà hát Thành phố có kiến trúc cổ điển Pháp, được xem là một trong những nhà hát lớn và đẹp nhất ở Đông Nam Á. Ảnh: Thành Đạt
Nhà hát Thành phố có kiến trúc cổ điển Pháp, được xem là một trong những nhà hát lớn và đẹp nhất ở Đông Nam Á. Ảnh: Thành Đạt
3. Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí “Gia Định ở về phương Nam vị trí Dương Minh, người đủ tính trung dũng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, dẫu phụ nữ cũng thế”.
Người Nam Bộ, người Sài Gòn đến nay vẫn bảo toàn được đặc trưng này trong sinh hoạt hằng ngày và cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo của thành phố, của cả nước. Trong quan niệm và hành xử của người Sài Gòn/Nam Bộ thường thể hiện hai phẩm chất: trọng nghĩa khinh tài và sống có tình, có nghĩa. Nghĩa là nghĩa khí, dám làm dám chịu, “thấy sự bất bằng chẳng tha”. Tình là sự khoan hòa, bao dung, “thương người như thể thương thân”. Trọng nghĩa khinh tài còn là sự hào hiệp trong việc tiếp đón giúp đỡ người nơi xa đến, không quan tâm đến nguồn gốc “lý lịch” của người đó. Bất kể là ai đến vùng đất này đều được đón tiếp chia sẻ như nhau. Nếu có chuyện gì xảy ra thì thường đứng về phía người thân cô thế cô, chống lại kẻ ỷ mạnh ức hiếp người khác. Thấy việc đúng thì làm không so đo tính toán vì coi đó là làm việc nghĩa.
Là một đô thị lớn nhất nước, Sài Gòn cũng là nơi chứa đựng sự phức tạp nhất nước, bởi nguồn gốc thị dân và sự biến động dân cư diễn ra hằng ngày, bởi ngành nghề và những cách kiếm sống đa dạng của người dân nơi đây… Bên cạnh những chuyện bất an khiến người ta lo lắng, Sài Gòn còn vô vàn câu chuyện để người ta tin rằng, nghĩa tình ở Sài Gòn không mất đi đâu, nó sẵn sàng hiện ra từ bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Mở lòng với Sài Gòn sẽ nhận được nhiều điều tử tế vì Sài Gòn không dửng dưng và lạnh lùng như thông tin thường thấy trên báo chí.
Đó là những gì mà 50 năm qua thành phố đã “bảo tồn và phát triển” được. Dù vật đổi sao dời, người tóc bạc hay người đầu xanh, ai từng sống ở Sài Gòn đều mong muốn những gì tốt đẹp, từ di tích lịch sử đến phẩm chất con người Sài Gòn, được lưu tâm gìn giữ, bởi đó là nguồn mạch nuôi dưỡng tâm hồn người Sài Gòn, bồi đắp tình yêu bền chặt với thành phố. Bởi vì nếu không có một Sài Gòn với những di sản văn hóa tốt đẹp thì Thành phố Hồ Chí Minh không có nguồn lực phong phú và đa dạng để phát triển mạnh mẽ như hôm nay và trong tương lai.
Nội dung: Nguyễn Thị Hậu
Trình bày: Nam Đông - Phùng Trang
Ảnh: Hải Long; Thành Đạt; TTXVN