Có lẽ giống như tôi, ai đã một lần lên với Sơn La đều không quên được những cung đường quanh co xanh mướt tuyệt đẹp của vùng đất xinh tươi vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Tuy nhiên, con đường đó cũng đầy hiểm trở với những ai mới lần đầu đến đây.

Đến Sơn La đã khó, đến bản Sam Ta còn khó hơn. Từ thành phố Sơn La, phải đi qua thật nhiều những con dốc cao cheo leo, hiểm trở, mất mấy tiếng đồng hồ mới đến khu vườn trồng sâm Ngọc Linh. Bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, nằm ở độ cao trên 2.000m so mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, ẩm ướt và mát lành cũng là nơi có điều kiện thuận lợi để cây sâm sinh trưởng và phát triển.

Chia sẻ với chúng tôi về hành trình không đơn giản đưa cây sâm về đất Sơn La, ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Thành Long - chủ vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh trên đỉnh Sam Ta cho biết, cách đây gần 20 năm, ông Nguyễn Chí Long vốn là nghệ sĩ nhiếp ảnh, rất lãng tử, nhưng lại bị cuốn hút bởi cây sâm Ngọc Linh trong một lần tình cờ ngồi trò chuyện cùng một người bạn về loài cây này.

Trao đổi với mấy người bạn ở Quân đoàn 3 nơi tôi từng công tác, chiến đấu, các bạn ấy bảo cây này tốt lắm, ngày xưa nhiều cụ tham gia ở chiến trường B3 (đóng quân ở Tây Nguyên) được đồng bào đào cho ăn, sau đó các cụ toàn thọ 96 tuổi trở lên.

--Ông Nguyễn Chí Long--

“Trao đổi với mấy người bạn ở Quân đoàn 3 nơi tôi từng công tác, chiến đấu, các bạn ấy bảo cây này tốt lắm, ngày xưa nhiều cụ tham gia ở chiến trường B3 (đóng quân ở Tây Nguyên) được đồng bào đào cho ăn, sau đó các cụ toàn thọ 96 tuổi trở lên”, ông Nguyễn Chí Long kể lại. Thấy rằng đây là cây thuốc quý, ông đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để vào Quảng Nam, lặn lội, lang thang, ăn ngủ cả tháng trên núi Ngọc Linh để tìm hiểu, học cách trồng, chăm sóc, rồi mua cây giống, hạt giống về gieo trồng thử nghiệm tại các triền núi vùng cao thuộc huyện Sốp Cộp, Sông Mã, Bắc Yên, Thuận Châu và Mai Sơn.

Thời điểm ban đầu, không ít người ngạc nhiên bởi sự “liều” của ông khi bỏ ra số tiền quá lớn cho loại cây này. Bởi để cây sâm Ngọc Linh sống được ở vùng đất Sơn La, ngoài việc đòi hỏi kỹ thuật, công chăm sóc thì vấn đề vốn đầu tư và thời gian cũng là câu chuyện đáng để nghĩ tới mà không phải ai cũng dám đầu tư. Chưa kể, thời điểm ban đầu, cây cứ trồng lại chết.

Không nản lòng mà vẫn kiên trì vừa làm vừa học, cho đến khi lên đến bản Sam Ta, cây sâm Ngọc Linh bắt đầu “quen đất, quen sương” và chính thức bén rễ đất Sơn La với tỷ lệ nảy mầm, sinh trưởng lên đến trên 90%. Dưới tán rừng già ẩm ướt sau lưng bản Sam Ta, khu trồng sâm Ngọc Linh với đủ các loại, từ 1-8 năm tuổi đang được chăm sóc, che chắn cẩn thận, chia lô theo từng khu. Thảm thực vật phong phú và tầng đất màu mỡ là điều kiện để sâm Ngọc Linh phát triển được ở Sơn La.

Cây nảy mầm đã khó, giữ được cây lại càng khó hơn. Lý do là bởi việc giữ gìn an ninh đối với cây sâm là rất khó khăn, do cây giá trị kinh tế cao nên dễ bị trộm. Rồi khó khăn về vốn, ông phải đi vay tiền bạn bè, vay ngân hàng để đầu tư vào dự án. Đặc biệt, khi thực hiện dự án đã không nhận được sự đồng thuận của người dân bản địa, do khi đó họ chưa hiểu về giá trị của cây sâm Ngọc Linh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cùng với việc thường xuyên giải thích cho người dân hiểu và sau đó là thuê chính người dân địa phương trông coi, đến nay dự án trồng sâm đã thành công nên được bà con tin tưởng. Từ cây sâm quý, Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Thành Long đã sản xuất ra nhiều sản phẩm để đa dạng hoá sản phẩm cho người tiêu dùng. Với chất lượng vượt trội và giá trị lớn trên thị trường, các sản phẩm của công ty từ củ sâm, cao sâm, rượu sâm đều được chứng nhận OCOP 4 sao và đang trên hành trình công nhận OCOP 5 sao.

Đối với hành trình đưa sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Chí Long cho biết: “Chúng tôi muốn tham gia vào chương trình vì muốn chung tay cùng OCOP Sơn La làm nên những thương hiệu lớn, giá trị, vì tương lai mai sau của mỗi người”.

Thực tế, khi được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, khách hàng tìm đến với công ty ngày càng nhiều hơn. Khách hàng ưa chuộng sản phẩm không chỉ bởi tốt cho sức khỏe, mà còn là ngưỡng mộ câu chuyện gần 20 năm kiên trì đưa sản phẩm sâm quý về với bản làng của người đứng đầu Công ty Thành Long. Đồng thời, kiên trì với kỳ vọng nhân rộng cây thuốc quý cho bà con nghèo.

Chúng tôi muốn tham gia vào chương trình vì muốn chung tay cùng OCOP Sơn La làm nên những thương hiệu lớn, giá trị, vì tương lai mai sau của mỗi người.

--Ông Nguyễn Chí Long--

 

Với phương pháp gieo giống bằng hạt có tỷ lệ nảy mầm 100%, đến tháng 7/2022, sâm giống Ngọc Linh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng đối với sâm Ngọc Linh Sơn La, thời gian bảo hộ 20 năm. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cho phép lưu hành giống sâm Ngọc Linh của Sơn La tại các tỉnh phía bắc.

Chia sẻ về giá trị của cây sâm Ngọc Linh tại Sơn La, ông Nguyễn Chí Long cho hay, Công ty đã gửi sâm tới Viện Dược liệu để phân tích và kiểm nghiệm đối với sâm 5 năm tuổi. Ngày 12/4/2023, kết quả của Viện Dược liệu cho thấy, hoạt chất Majonosid R2 (hợp chất chính đặc trưng cho sâm Việt Nam) trong mẫu sâm Ngọc Linh của Công ty đạt tới 5,74%.

Ngoài ra, Công ty cũng gửi mẫu cao sâm Ngọc Linh Thành Long tới Viện Công nghiệp thực phẩm phân tích hàm lượng 17 ACIDAMIN có trong cao sâm.

Kết quả, phân tích hàm lượng 17 ACIDAMIN có trong sản phẩm cao sâm Ngọc Linh Thành Long đều đạt chỉ số rất cao so với cao sâm có trên thị trường. Trong đó, có hàm lượng Cystein lên tới 36,82; hàm lượng Lysine đạt 1501,58.

Với hàm lượng hợp chất quý ở mức cao như vậy, cây sâm mang lại giá trị rất lớn cho bà con trồng sâm. Đánh giá thêm về hiệu quả kinh tế cây sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La, ông Nguyễn Chí Long nhấn mạnh: "Đến thời điểm này, tôi khẳng định cây sâm Ngọc Linh đang phát triển rất tốt, mang lại giá trị kinh tế cao. 1ha sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần ha bà con trồng cây ngô, dong riềng...".

Hiện nay, bản Sam Ta có 6 người được công ty nhận vào làm công nhân với mức lương trung bình 8 triệu đồng/người/tháng; còn nhân công thời vụ có đợt huy động cả bản, lúc cao điểm có đến hơn 50 người làm việc cho Công ty để kịp tiến độ. Thông qua hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hầu hết các hộ trong bản đăng ký trồng sâm Ngọc Linh.

Trước đây, bà con chỉ trồng ngô, sắn, chăn nuôi trâu, bò; nhà có điều kiện hơn thì khai hoang thêm ruộng bậc thang, mùa nối mùa, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng, cuộc sống khó khăn. Nhưng bây giờ, cả bản đã có cơ hội thay đổi cuộc sống, có việc làm, có thu nhập ổn định từ việc chuyển đổi sang trồng cây sâm Ngọc Linh trên chính mảnh đất của mình.

Hiện nay, nhiều huyện của tỉnh Sơn La đề nghị Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long thực hiện mô hình để bà con địa phương học tập, làm theo. Hiện tại và trong tương lai gần, Công ty sẽ mở thêm mô hình ở Bắc Yên, Thuận Châu, Mường La với mục đích để nông dân có thêm một loại cây, thêm một giống cây, có thêm mô hình để học tập phát triển kinh tế.

Đến thời điểm này, tôi khẳng định cây sâm Ngọc Linh đang phát triển rất tốt, mang lại giá trị kinh tế cao. 1ha sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần ha bà con trồng cây ngô, dong riềng

--- Ông Nguyễn Chí Long---

Ông Nguyễn Chí Long chia sẻ, sâm Ngọc Linh vốn nằm trong danh sách những đại bổ dưỡng của tự nhiên nên nó không hề có giá rẻ. Nhưng không có giá rẻ thì chỉ có người nhiều tiền mới có thể mua được. Qua theo dõi danh sách khách hàng hiện nay, ông Long thấy, người có tiền thì một lúc có thể mua tới cả trăm triệu đồng từ những sản phẩm Sâm Ngọc Linh.

Thế là ông nghĩ đến chuyện chế biến ra nhiều sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, cốt để cho bất cứ ai, dù giàu hay nghèo cũng có thể tiếp cận và thụ hưởng những dưỡng chất từ cây sâm Ngọc Linh quý báu này.

Bằng những kiến thức khoa học công nghệ mới tiếp thu được, ông Long nhanh chóng ứng dụng vào công nghệ chế biến những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh: Sâm Ngọc Linh củ tươi, rượu sâm Ngọc Linh, Cao sâm Ngọc Linh, rượu cao sâm Ngọc Linh. Sự đa dạng sản phẩm này là nhằm làm phong phú mặt hàng từ sâm Ngọc Linh và nâng cao hiệu quả sử dụng sâm Ngọc Linh. Có người uống được rượu, nhưng cũng có người không uống được rượu nên nhiều sản phẩm không có rượu sẽ thuận tiện hơn cho người tiêu dùng. Việc đa dạng về trọng lượng thành phẩm từ sâm Ngọc Linh trong mỗi loại hàng cũng nhằm mục đích ấy.

Đơn cử, cao sâm Ngọc Linh là một trong những sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh trồng trên đất Sơn La. Cao sâm được chế biến từ các củ và lá sâm Ngọc Linh từ 7-10 tuổi. Qua 12 ngày đêm nấu và được cô đặc thành cao sâm. Hàm lượng 17 Acid Amin có trong cao sâm Ngọc Linh Thành Long Sơn La đều đạt giá trị cao, trong đó, hàm lượng Cystein lên tới 36,82; hàm lượng Lysine đạt 1501,58.

Cao sâm Ngọc Linh có tác dụng rất tốt, đặc biệt là hỗ trợ tăng cường thể lực, nâng cao khả năng miễn dịch, tăng cường sức khỏe.

Cao sâm cũng là sản phẩm mà ông Long tâm đắc nhất nhưng cũng nhiều gian nan không kém gì việc đưa cây sâm Ngọc Linh về trồng trên đất Sơn La. Ông Long kể, khi bắt tay vào nấu cao, tôi nghĩ đơn giản như nấu các loại cao khác. Nhưng rồi, sau những thất bại đau đớn, tôi mới hiểu ra rằng, với hàm lượng chất Saponine (chất quan trọng nhất của sâm Ngọc Linh) cao hơn nhiều lần với một số loại sâm khác thì việc nấu cao sâm Ngọc Linh không dễ chút nào, phải có những giải pháp khác biệt thì mới thành công. Chất lượng tốt và quá trình sản xuất kỳ công nên đây là sản phẩm OCOP 4 sao và đang phấn đấu trở thành OCOP 5 sao của tỉnh.

Chế biến ra nhiều sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, cốt để cho bất cứ ai, dù giàu hay nghèo cũng có thể tiếp cận và thụ hưởng những dưỡng chất từ cây sâm Ngọc Linh quý báu này.

---Ông Nguyễn Chí Long ---

Với sự đa dạng của các sản phẩm sâm, đến nay, không chỉ người giàu mà người nghèo muốn bồi bổ sức khoẻ cũng có thể tiếp cận với các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh Sơn La Nhưng tôi đang trăn trở bởi những khách hàng nghèo vẫn còn rất ít. Mà mong muốn của tôi là làm sao để nhiều người, kể cả người không có nhiều tiền cũng có thể được sử dụng những sản phẩm bổ dưỡng này. Chính vì thế, tôi phải chia các sản phẩm ra thành nhiều trọng lượng khác nhau, nhiều sản phẩm khác nhau để mọi người đều có thể mua và sử dụng những bổ dưỡng của đất trời cho mình và người thân”, ông Nguyễn Chí Long nhấn mạnh.

Từ cây “thuốc dấu” của đồng bào Xơ Đăng trên những đỉnh núi ẩm lạnh của “khúc ruột” miền Trung xa xôi, cây sâm Ngọc Linh đã bén duyên miền bắc. Từ loại dược liệu quý, bằng tấm lòng thơm thảo của những người trồng và sản xuất ra thành phẩm, cây sâm quý đã và đang đến với từng người, từng nhà, trở thành liều thuốc giữ gìn sức khỏe. Giống như ý định của người đã đưa cây sâm về đất bắc-sản phẩm OCOP chỉ quý, chỉ tốt nhất khi được cho đi…

Ngày xuất bản: 3/3/2025
Nội dung: XUÂN BÁCH-HÀ ANH
Trình bày: NGỌC BÍCH
Ảnh: HÀ ANH, Sâm Ngọc Linh Sơn La