Thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay

qua một số công trình biểu tượng

Chợ Bến Thành, Dinh Độc lập, Nhà hát lớn,... là những công trình hình thành và phát triển cùng những thăng trầm của Thành phố Hồ Chí Minh, được xem như "chứng nhân lịch sử" cho sự phát triển của Thành phố.

Bản thân mỗi công trình ấy cũng mang trên mình những giá trị lịch sử, văn hóa riêng và trở thành những công trình mang tính biểu tượng, là điểm đến không thể bỏ qua khi ghé thăm Thành phố mang tên Bác. Cùng nhìn lại những thay đổi của các công trình quan trọng đó để phần nào thấy được lịch sử phát triển của Thành phố, qua bộ ảnh xưa-nay.

Dinh Norodom

Năm 1868, chính quyền Pháp bắt đầu cho thiết kế và xây dựng tại trung tâm thành phố Sài Gòn một Dinh thự làm nơi ở cho Thống đốc Nam kỳ, khi xây xong có tên gọi là Dinh Norodom.

Công trình do viên thống đốc Pháp tại miền nam Việt Nam là La Grandière đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng ngày 23/2/1868 và hoàn tất vào năm 1871. 

Từ 1887–1945, nhiều đời toàn quyền Pháp đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc trong suốt thời kỳ xâm lược Ðông Dương.

Ngày 7/9/1954, Dinh Norodom được bàn giao giữa đại diện chính phủ Pháp, Ðại tướng Paul Ely với đại diện chính quyền Sài Gòn Thủ tướng Ngô Ðình Diệm. Ngô Ðình Diệm đã quyết định đổi tên Dinh thành Dinh Ðộc Lập.

Ngày 26/10/1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa và lên làm Tổng thống. Từ đó Dinh Ðộc Lập trở thành nơi ở của gia đình Ngô Ðình Diệm và là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị.

Dinh Độc lập

Dinh Độc Lập là một chứng tích lịch sử đặc biệt quan trọng, nơi diễn ra và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử lớn, trực tiếp tác động đến tiến trình lịch sử nước nhà. Do vị thế đặc biệt của địa điểm này, di tích đã nhiều lần được đầu tư xây dựng, tôn tạo và trở thành một công trình xây dựng hoàn mỹ - sản phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa công trình kiến trúc hoành tráng với cảnh quan, môi trường của khu vực chung quanh.

Với những giá trị lịch sử văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Dinh Độc Lập - nơi ghi dấu thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước là di tích quốc gia đặc biệt (quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009).

Ngày nay, Dinh Ðộc Lập là di tích quốc gia đặc biệt được đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan

Đây cũng là nơi hội họp, tiếp khách của các cấp lãnh đạo Trung ương cũng như của Thành phố.

Dinh Xã tây

Tòa nhà có tên tiếng Pháp là L'Hotel de ville (người dân gọi là Dinh Xã Tây) xây dựng 1898 đến năm 1909 khánh thành. Công trình do kiến trúc sư Gardès và họa sĩ Ruffier thực hiện. Thiết kế của tòa nhà này được mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp.

Dinh Xã Tây trên giấy tờ gọi là Tòa thị sảnh. Trước năm 1975, nơi này được gọi là Tòa Đô Chánh, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền Sài Gòn.

UBND Thành phố

Năm 1959, chính quyền Sài Gòn ban hành Sắc lệnh về việc tổ chức quản trị Đô thành Sài Gòn, tòa nhà Dinh Xã Tây được đổi tên Tòa Đô Chánh, đứng đầu Đô thành Sài Gòn là Đô trưởng.

Sau ngày 30/4 /1975, tòa nhà được Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn–Gia Định tiếp quản, sử dụng làm trụ sở làm việc. Ngày 2/7/1976, Quốc hội Việt Nam quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn–Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh, tòa nhà vẫn được sử dụng làm trụ sở làm việc của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: VGP)

UBND Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: VGP)

Hiện nay, tòa nhà là trụ sở làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây là địa điểm thường xuyên diễn ra các cuộc họp quan trọng và hội nghị đặc biệt của lãnh đạo thành phố, là nơi tiếp đón các đoàn khách quốc tế đến thăm viếng và làm việc tại Việt Nam.

Tòa nhà trở thành một di tích kiến trúc cổ nổi tiếng thu hút khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng.

Dinh Thống đốc Nam kỳ

Tòa nhà vốn là dinh Thống đốc Nam Kỳ và thường được gọi nôm na là Dinh Gia Long vì nằm trên đường cùng tên, do kiến trúc sư người Pháp – Alfred Foulhoux thiết kế, được xây dựng từ năm 1885 đến năm 1890, theo phong cách kiến trúc gothique với phần mái lại mang dáng dấp Á Đông.

Sau hiệp định Genève năm 1954, Ngô Đình Diệm dùng tòa nhà này làm Dinh Quốc khách.

Năm 1966, tòa nhà này trở thành trụ sở của Tối cao Pháp viện.

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Năm 1978, tòa nhà này trở thành Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 1999 đổi tên thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Không gian bên trong Bảo tàng. (Ảnh: Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh)

Không gian bên trong Bảo tàng. (Ảnh: Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh)

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một di sản kiến trúc đô thị mà còn là một phần lịch sử đầy tự hào của Thành phố Hồ Chí Minh.

Bưu điện Trung tâm Sài Gòn

Bưu điện trung tâm được xây dựng từ năm 1886-1891 bởi kiến trúc sư lừng danh Gustave Eiffel người Pháp - người nổi tiếng với việc thiết kế Tháp Eiffel, Tượng Nữ Thần Tự Do.

Năm 1886, Bưu điện Sài Gòn bắt đầu được xây lại với quy mô lớn hơn theo thiết kế của kiến trúc sư Auguste Vildieu và phò tá Foulhoux.

Đến năm 1891, một trụ sở mới của bưu điện chính thức được khánh thành. Nơi đây ghi lại dấu ấn của nền văn hóa Việt-Pháp, đồng thời chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử.

Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh

Trải qua hơn 130 năm tuổi nhưng bưu điện vẫn giữ được nét cổ kính với thiết kế ban đầu và là điểm tham quan nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 2014 bưu điện khoác lên mình màu áo mới và được tu sửa với quy mô lớn nhất kể từ sau năm 1975.

Trải qua hơn 130 năm, Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh vẫn hoạt động như một bưu điện bình thường, cung cấp các dịch vụ như gửi thư, bưu phẩm, chuyển phát nhanh và bán đồ lưu niệm. Đồng thời, nơi đây đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng và tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc độc đáo của công trình.

Nhà hát Lớn Sài Gòn

Nhà hát Thành phố (Opera House) khánh thành vào đầu năm 1900. Tác giả của tòa kiến trúc này là các kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret.

Tòa nhà xây dựng theo lối kiến trúc “flamboyant”. Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất đều được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua.

Vào thập niên 1920, Nhà hát Thành phố mang tên Nhà hát lớn Sài Gòn.

Được gọi là Nhà hát lớn Sài Gòn, nhưng từ khi đi vào hoạt động, người dân Sài Gòn thường gọi Nhà hát Tây bởi ban đầu Nhà hát chỉ vốn dành cho người Pháp.

Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh

Trải qua bao thăng trầm lịch sử với những vai trò khác nhau, sau khi đất nước thống nhất, Nhà hát lớn Sài Gòn đổi tên thành Nhà hát Thành phố.

Sau năm 1975, Nhà hát được trả lại chức năng ban đầu là tổ chức biểu diện nghệ thuật. Năm 1998, nhân dịp 300 năm khai sinh Thành phố Sài Gòn, Chính quyền thành phố đã cho tu bổ lớn với phương châm bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu, với một số trang trí, điêu khắc nổi ở mặt tiền nhà hát như tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa... được phục chế.

Mặt tiền Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng khá đậm nét lối kiến trúc của Bảo tàng Petit Palais ở Paris - Pháp. (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam)

Mặt tiền Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng khá đậm nét lối kiến trúc của Bảo tàng Petit Palais ở Paris - Pháp. (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam)

Cho đến nay, nơi này vẫn là nhà hát lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà hát Lớn nằm trong khu vực trung tâm Thành phố, là một điểm khám phá lý tưởng đối với du khách. Nhà hát không chỉ là một công trình kiến trúc - văn hóa gắn với những thăng trầm của lịch sử Thành phố, mà còn là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, góp phần làm tăng thêm vẻ duyên dáng và sang trọng cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Tòa nhà Bureau du Chemin de Fer

Trước đây là tòa nhà Bureau du Chemin de Fer của Công ty hỏa xa Đông Dương khánh thành năm 1914. Năm 1952, tòa nhà trở thành trụ sở Hỏa xa Việt Nam dưới sự quản lý của Bộ Công trình Công cộng và vận tải.

Tòa nhà của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Hiện nay, trụ sở Hỏa xa do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, trong đó bố trí chỗ làm việc cho Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, phòng điều hành vận tải đường sắt Sài Gòn, phân ban quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 3, Ban quản lý đường sắt khu vực 3.

Nơi đây chính là một trong những cột mốc ký ức quý hiếm còn lại của một khu vực thương mại - giao thông nhộn nhịp bậc nhất miền nam.

Chợ Bến Thành

Giai đoạn hình thành ban đầu

Ban đầu, chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, nơi có một bến sông để quân lính và người dân ra vào thành Gia Định (Quy Thành, thành Bát Quái), vì thế nên gọi là Chợ Bến Thành.

Chợ Bến Thành thời Pháp thuộc

Tháng 2/1859, liên minh Pháp và Tây Ban Nha đánh chiếm thành Gia Định, chợ Bến Thành bị thiêu hủy. Vì thế khoảng năm 1860-1861, Pháp xây một chợ khác xa bờ sông hơn, nằm cạnh con rạch mà sử gia nổi tiếng Trịnh Hoài Đức gọi là ngòi Sa Ngư. Năm 1870, một trận hỏa hoạn bùng phát đã thiêu rụi một gian trong ngôi chợ và Hội đồng thành phố quyết định xây dựng lại ngôi chợ Bến Thành tại vị trí gần ngòi Sa Ngư.

Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp cho xây lại Chợ Bến Thành mới tại vị trí ngày nay trong khoảng thời gian 1912-1914, cửa nam có gắn chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng. Phía trước cửa chính (cửa nam) là Bùng binh Chợ Bến Thành, còn gọi là Công trường Diên Hồng, Quảng trường Quách Thị Trang...

Đến năm 1952, khi tu sửa chợ người ta cho gắn 12 bức phù điêu của xưởng mỹ nghệ Biên Hòa ở bốn cửa chợ. Từ đó, hình ảnh Chợ Bến Thành trở nên quen thuộc, gần gũi, trở thành một miền ký ức văn hóa đô thị của thành phố.

Sau năm 1975

Sau khi đất nước thống nhất, chợ Bến Thành tiếp tục duy trì vai trò là một trung tâm thương mại quan trọng của thành phố. Chợ thu hút không chỉ người dân địa phương mà còn cả khách du lịch quốc tế, trở thành một điểm đến hấp dẫn để tìm hiểu văn hóa và mua sắm.

Chợ Bến Thành ngày nay

Ngày nay, chợ Bến Thành vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và là một biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh. Chợ không chỉ là nơi giao thương mà còn là một di sản văn hóa, nơi thể hiện nhịp sống sôi động và đa dạng của thành phố.

Với hơn một thế kỷ tồn tại, chợ Bến Thành đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử phát triển của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày xuất bản: 4/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH - HỒNG VÂN
Nội dung và trình bày: NHÓM PHÓNG VIÊN
Ảnh: THÀNH ĐẠT, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh