Mảnh đất Tây Ninh đầy gian lao mà anh dũng, nhưng đồng thời cũng là vùng đất xinh tươi, màu mỡ thích hợp du lịch và phát triển nông nghiệp xanh-sạch-bền vững. Nếu như trong 30 năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ và nhiều năm bảo vệ biên giới trước tập đoàn phản động, Tây Ninh được xem là tiền đồn của Đông Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh thì trong phát triển kinh tế hiện nay, Tây Ninh cũng là vùng đất đầy tiềm năng...

Theo Lịch sử Đảng bộ Tây Ninh, từ Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Tây Ninh thành công (25/8/1945), Đảng bộ Tây Ninh chỉ với 25 đảng viên đã đoàn kết, chấp hành nghiêm Chỉ thị của Xứ uỷ, tập hợp được đông đảo các tầng lớp quần chúng, nhất là đồng bào tín đồ Cao Đài, kiên quyết chống kẻ thù, đứng lên giành chính quyền từ bọn tay sai phát xít Nhật; biến chiến trường Tây Ninh là một trong những nơi ác liệt nhất của “miền Đông gian lao mà anh dũng” ngay từ phát súng đầu tiên ở địa danh Suối Sâu.

Những ngày đầu xuân nay, Phóng viên Báo Nhân Dân đã tìm về Khu di tích lịch sử Rừng Rong, (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) nhân dịp họp mặt truyền thống kỷ niệm 78 năm Hội thề Rừng Rong. Nơi đây, sau khi thực dân Pháp tái chiếm miền nam và dùng nhiều xe quân sự, xe thiết giáp tiến quân từ Sài Gòn lên Tây Ninh, 27 thanh niên yêu nước và nhân dân đã lập phòng tuyến ở Suối Sâu để nổ súng chặn đánh địch, nhưng vì chúng quá mạnh, phòng tuyến Suối Sâu bị tan rã, các chiến sĩ cách mạng rút lui.

Lúc sinh thời, ông Tô Văn Ri từng kể: “Thời điểm năm 1945, nơi đây là một cánh rừng âm u, rậm rạp. Để có chỗ hội họp, bàn tính đánh đuổi Pháp, chúng tôi dùng dao rong hết (chặt bỏ) các nhánh cây rừng cho trống trải. Từ đó, mỗi lần họp, chúng tôi thường nói nhỏ với nhau gặp ở chỗ rừng rong, dần dần thành địa danh Rừng Rong. Ngày 1/2/1946, trước sự chứng kiến của nhân dân An Tịnh, chúng tôi tập trung tại Rừng Rong, tuyên bố thành lập Đội tự vệ chiến đấu huyện Trảng Bàng. Dưới cờ đỏ sao vàng, 27 chiến sĩ cách mạng trang nghiêm đọc lời thề: “Độc lập hay là chết. Xin thề! Chết tự do hơn sống nô lệ. Xin thề! Dù đầu râu tóc bạc vẫn còn chiến đấu. Xin thề! Dù phải hy sinh đời cha thì con cháu tiếp tục chiến đấu. Xin thề! Ai phản bội, đầu hàng phải bị xử tử. Xin thề!”.

Sau đó, ông Ri và đồng đội đã gia nhập vào Đại đội 3, Chi đội 12 (thuộc Khu bộ 7, nay là Quân khu 7) để tham gia chiến đấu trên địa bàn Đông Nam Bộ. Ngay trong trận chiến đấu đầu tiên ở địa điểm Cây Sồi (huyện Củ Chi, Tthành phố Hồ Chí Minh ngày nay), đã có 5-6 anh từng tham dự Hội thề Rừng Rong hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Sau 30/4/1975, những thanh niên cách mạng dự Hội thề Rừng Rong chỉ còn 7 chiến sĩ trở về, 20 chiến sĩ khác đã anh dũng ngã xuống.

Bày tỏ vinh dự của lớp cháu con, anh Trần Đăng Tiến, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Tây Ninh xúc động: “Chúng cháu là lớp thanh niên sinh sau, không trải qua chiến tranh gian khổ, hy sinh và rất oanh liệt của dân tộc mình. Nhưng qua các trang sử, các bài viết, các hoạt động giáo dục truyền thống, chúng cháu luôn ghi nhớ, tôn trọng và tự hào về truyền thống cách mạng của những người con ưu tú từ Hội thề Rừng Rong”.

Chiến trường Tây Ninh là một trong những nơi ác liệt nhất của “miền Đông gian lao mà anh dũng” ngay từ phát súng đầu tiên.

Đồng chí Trần Thị Đường, người chiến sĩ cuối cùng còn sống (tại Tân Châu, Tây Ninh) của Hội thề Rừng Rong, nói: “Trong những năm qua, đã có thêm 6 vị cán bộ lão thành nữa, vì tuổi cao, sức yếu nối tiếp nhau về cõi vĩnh hằng. Năm ngoái, ông Tô Văn Ri cũng về với đất. Biết mất mát, hy sinh là điều không thể tránh khỏi trong chiến tranh, sinh lão bệnh tử là quy luật, nhưng Hội thề Rừng Rong vẫn là một sự kiện lịch sử có tác động lớn đến ý thức cách mạng của nhiều thế hệ sau. Kế tục sự nghiệp vẻ vang của thanh niên cách mạng Rừng Rong, trong phong trào Đồng Khởi năm 1960, Tiểu đoàn 14 được thành lập, trở thành đơn vị chủ lực của tỉnh Tây Ninh về sau”.

Với vị trí chiến lược quan trọng, Tây Ninh là nơi địch tập trung mọi âm mưu xảo quyệt “chia để trị”.

Trong kháng chiến chống Pháp, với vị trí chiến lược quan trọng, có biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, trấn giữ phía tây bắc Sài Gòn; có căn cứ Phân liên Khu uỷ miền Đông và Trung ương Cục miền Nam; có trung tâm tôn giáo Cao Đài, nên Tây Ninh là nơi địch tập trung mọi âm mưu xảo quyệt “chia để trị” như: dùng người Khmer giết người Việt, dùng bọn phản động trong tôn giáo Cao Đài đánh Việt Minh. Chúng áp dụng chính sách “tam quang”: giết sạch, đốt sạch, phá sạch và dùng đủ các loại vũ khí tối tân lúc bấy giờ nhằm triệt phá vùng căn cứ kháng chiến.

Phía ta, đã củng cố các tổ chức Đảng thành hệ thống lãnh đạo vững mạnh; từng bước thống nhất các lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân: chủ lực, bộ đội địa phương và du kích lớn mạnh; tổ chức giáo dục lập trường, quan điểm quần chúng và luôn giữ vững tinh thần cách mạng tiến công, vừa đánh địch tại địa phương, vừa bảo vệ căn cứ địa kháng chiến của Phân liên Khu uỷ miền Đông, Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo toàn miền giành thắng lợi, chấm dứt cuộc kháng chiến chống Pháp.

Lịch sử Đảng bộ Tây Ninh còn ghi, giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1960), chính quyền Ngô Đình Diệm với những âm mưu thủ đoạn thâm độc nhất ra sức đàn áp các lực lượng yêu nước, tiêu diệt ý chí độc lập thống nhất nước nhà của nhân dân miền nam nói chung và Tây Ninh nói riêng. Kẻ thù không từ bỏ một thủ đoạn độc ác nào để bắt, giam cầm, tàn sát các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước.

Không thể chịu đựng mãi ách thống trị của Mỹ-Diệm, tinh thần Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (01/1959) đã mở đường cho cách mạng miền nam tiến lên bằng chiến thắng Tua Hai (26/01/1960), mở đầu cao trào ở Nam Bộ, khởi đầu cho phong trào Đồng Khởi vũ trang khắp Nam Bộ, đánh bại chiến lược “Chiến tranh một phía” của Mỹ-Diệm, mở ra tình thế cách mạng mới.

Trong hồi ký về sự kiện Chiến thắng Tua Hai của mình, đồng chí Mai Chí Thọ đã ít nhất ba lần nhắc đến cụm từ “binh vận Tỉnh ủy Tây Ninh”. Là một người hoạt động trong lực lượng này, lão đồng chí Lê Cơ (hiện sống tại Định Quán, Đồng Nai) nói với Phóng viên Báo Nhân Dân: “Khi đã có chỗ đứng trong lòng địch, cấp trên giao cho tôi phải báo các loại tin ra ngoài qua hộp thư như: kế hoạch ruồng bố, thời gian di chuyển của địch và quy mô cấp tiểu đoàn, đại đội hay sư đoàn. Ngày đó, với lòng yêu nước và sự trẻ trung nhiệt huyết, tôi làm bằng hai, bằng ba lần khối lượng công việc được các anh, các chú giao.

Thấy được nhiệt huyết và lòng yêu nước của tôi, qua thời gian thử thách, đến tháng 8/1958, tôi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, hoạt động trong chi bộ trong lòng địch ngay tại Tua Hai. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cấp trên phân công chúng tôi vẽ sơ đồ toàn bộ khu vực bố trí quân của địch trong Tua Hai, ghi rõ vị trí chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn; dãy nhà sĩ quan, dãy nhà lính, kho vũ khí, nhà thông tin, điện đài. Sơ đồ này phải chỉ rõ đường vào, đường vòng tránh vọng gác, nơi có gài mìn. Nhờ vậy, tôi biết được ban đêm thì địch thu súng lại hết của binh sĩ cất vào kho, chỉ có bọn gác mới có súng. Cách liên lạc là sử dụng “hộp thư” mật bằng lon sữa bò chôn dưới gốc cây cầy.

Chi bộ chúng tôi còn giác ngộ thêm 235 binh lính ngụy trở thành cảm tình với cách mạng. Nhờ vậy, khi diễn ra trận đánh Căn cứ Tua Hai, số lính này chỉ ngồi yên, không chống trả. Căn cứ Tua Hai với hàng chục vọng gác và ụ chiến đấu, quân số thường xuyên của Trung đoàn 32 lên tới 1.694 tên được trang bị vũ khí hiện đại. Và trận tiến công Căn cứ Tua Hai là trận đánh giành thắng lợi vang dội nhất ở chiến trường miền Đông Nam Bộ từ sau năm 1954 đến năm 1960, có tác động mạnh mẽ, mở màn cao trào Đồng khởi ở Đông Nam Bộ”.

Từ “phát súng lệnh” là chiến thắng Tua Hai, trận chiến đánh vào căn cứ địch cấp trung đoàn ở cách trung tâm thị xã Tây Ninh chỉ 5km vào đêm 26/1/1960, Xứ ủy Nam Bộ lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang trong cuộc Đồng khởi ở Bến Tre, một số tỉnh Nam Bộ và một số tỉnh miền trung. Theo chủ trương của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ uỷ Nam Bộ, cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam ra đời, có cơ quan đại diện tại nhiều nước trên thế giới. Cả miền nam vùng lên dưới ngọn cờ Mặt trận nửa trên màu đỏ, nửa dưới màu xanh, ngôi sao vàng ở giữa.

Người dân Tây Ninh cơm ăn chưa no, áo mặc chưa ấm, nhưng quyết không để cán bộ, chiến sĩ nơi căn cứ ăn đói, mặc rách…

Đồng chí Lê Thị Bân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh đã viết trong sách “Căn cứ địa Bắc Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”: Với ý nghĩa và tầm vóc lịch sử lớn lao của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, trong những năm chiến tranh ác liệt, dù phải chịu đựng gian khổ hy sinh, thiếu thốn trăm bề, song với tinh thần bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”, quân dân Tây Ninh luôn một lòng thuỷ chung, thương yêu đùm bọc, chở che, huy động sức người sức của, vận chuyển vũ khí đạn dược, thuốc men, chăm sóc thương binh, cung cấp lương thực… cho các lực lượng đứng chân tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Người dân Tây Ninh cơm ăn chưa no, áo mặc chưa ấm, nhưng quyết không để cán bộ, chiến sĩ nơi căn cứ ăn đói, mặc rách… Đó là phương châm, là hành động xuất phát từ trái tim và trách nhiệm của quân dân trong tỉnh.  

Đó là việc theo Nghị quyết Trung ương Đảng ngày 23/01/1961, Trung ương Cục được thành lập để trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền nam. Tháng 10 năm 1961, Hội nghị lần thứ I chính thức thành lập Trung ương Cục miền Nam, Lễ công bố quyết định được tổ chức tại Mã Đà - chiến khu D. Ban đầu, Khu căn cứ của các cơ quan Trung ương Cục ở xã Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục, dần dần hình thành các ban, ngành, đoàn thể chung quanh Trung ương Cục như: Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Ban An ninh, Mặt trận, Ban Thanh vận, Ban Dân y…

Với tinh thần bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời” quân dân Tây Ninh luôn một lòng thuỷ chung, thương yêu đùm bọc, chở che, huy động sức người sức của, vận chuyển vũ khí đạn dược, thuốc men, chăm sóc thương binh, cung cấp lương thực… cho các lực lượng đứng chân tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Đồng chí Lê Thị Bân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh

Đối với Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn, họ cũng biết được Trung ương Cục miền Nam, đóng căn cứ trên vùng Bắc Tây Ninh chính là cơ quan đầu não của cách mạng miền nam, nên đã nhiều lần tổ chức hành quân càn quét để “tìm và diệt” Trung ương Cục miền Nam. Trong đó lớn nhất là cuộc hành quân Junction City bắt đầu từ ngày 22/2/1967 đến ngày 15/4/1967. Đây là trận quyết đấu được Mỹ huy động đến hơn 3 sư đoàn với trên 45.000 quân.

Sách “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu” ghi nhận: Ngày 22/2/1967, cuộc hành quân Junction City bắt đầu sau nhiều đợt ném bom, dọn bãi ác liệt chưa từng có của 200 máy bay chiến đấu. Sau đó máy bay vận tải đổ bộ quân chủ lực Mỹ như Sư đoàn Anh Cả Đỏ, Lữ đoàn 1 Sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới, Lữ đoàn 2 Sư 25, Trung đoàn II thiết giáp tham chiến. Còn sách “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Biên” mô tả cụ thể: “Trên diện tích khoảng 1.500km2 Mỹ đã tung ra 45.000 lính tinh nhuệ, giàu kinh nghiệm tác chiến nhất. Có thể nói, nơi này mật độ lính Mỹ như một chiếc hàng rào người với mỗi mét đất là một tên lính Mỹ…”

Trung ương Cục miền Nam, sau bao thăng trầm trong cuộc chiến, cuối cùng vẫn bảo toàn được lực lượng, giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng miền nam.

Sách “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu” mô tả: “Quân Mỹ bị du kích khắp nơi vây đánh, đeo bám tiến công bên sườn, phía sau bắn tỉa, đánh mìn định hướng tiêu hao quân rồi rút nhanh. Sang ngày thứ 5 của cuộc chiến thì quân chủ lực giải phóng mới xuất hiện. Trận đầu đã sử dụng cả vũ khí mới là H12 và DKB tập kích sân bay Suối Đá, phá huỷ 4 máy bay lên thẳng và L19. Một vài trận tiêu biểu như ở Đồng Pan, quân giải phóng tấn công, loại khỏi vòng chiến đấu 500 quân Mỹ, phá huỷ 50 xe quân sự và 12 khẩu pháo; tại Đồng Rùm, phá hỏng 18 khẩu pháo, bắn cháy 70 xe tăng và xe bọc thép, xe ủi, loại khỏi vòng chiến đấu 1.220 lính Mỹ. Đến ngày 15/4/1967, quân Mỹ tuyên bố kết thúc cuộc hành quân sau khi bị loại khỏi vòng chiến đấu là 14.235 tên, bị phá huỷ 992 xe (có 775 tăng, thiết giáp) và 112 pháo, cối. Không quân bị thiệt hại 160 máy bay. Trung ương Cục miền nam, sau bao thăng trầm trong cuộc chiến, cuối cùng vẫn bảo toàn được lực lượng, giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng miền nam.

Lịch sử Bộ đội Biên phòng Tây Ninh ghi rất rõ, sau năm 1975, đơn vị được bổ sung 178 cán bộ chiến sĩ từ bắc vào, cộng với 126 cán bộ chiến sĩ lúc đó, nâng tổng quân số lên 304 nhưng phải bảo vệ 240km biên giới. Và ngay phiên họp đầu tiên, đồng chí Tô Lâm, Phó Ban An ninh tỉnh Tây Ninh đã khẳng định: “Bọn phản động Campuchia có chủ trương phá hoại biên giới và sự đoàn kết giữa hai dân tộc. Từ tháng 5 đến tháng 12/1975, bọn Pôn Pốt đã gây ra 17 cuộc xung đột vũ trang qua biên giới Tây Ninh, bắt dân, đốt nhà, gài mìn, lấn chiếm đất. Sang năm 1976, Pôn Pốt gây ra gần 200 vụ khiêu khích, đặt mìn giết 20 người dân, hàng trăm trâu bò. Trước tình hình này, Tỉnh ủy Tây Ninh xác định “nhân dân Campuchia là bạn ta nhưng nơi nào, bộ phận nào, cá nhân nào khiêu khích, xâm lấn, gây chia rẽ thì đó là kẻ thù”.

Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang chi viện cho Tây Ninh quân số tương ứng 4 đồn để giữ biên giới trước tình cảnh 7-8 sư đoàn và pháo binh Pôn Pốt đang áp sát.

Đỉnh điểm đêm 24 rạng sáng 25/9/1977, chúng dùng một lực lượng tương đối lớn bộ binh chủ lực, lính đặc nhiệm, quân địa phương đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu và Tân Biên; tiến hành tàn sát, đốt phá, cướp bóc một cách dã man, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho đồng bào ta. Riêng xã Tân Lập, huyện Tân Biên, chúng đã sát hại 506 người, làm 135 người bị thương, trong đó có 20 gia đình bị chúng giết hại hoàn toàn.

Ông Phạm Văn Đắc, người còn sống sót và chứng kiến những cái chết bi thảm của bà con xã Tân Lập kể: “Thương nhất là 11 thầy cô giáo Trường tiểu học Tân Thành đều là sinh viên mới ra trường từ Sài Gòn về xóa dốt cho tụi nhỏ. Bà con ở đây ai cũng thương vì tuy khổ cực nhưng không thầy cô nào kêu than, cũng làm ruộng, trồng rau như mọi người. Đêm đó nghe kẻng báo động, 2 thầy và 9 cô vùng dậy chạy nhưng bị bắt. Khi tui về thì thấy bọn ác thú treo lủng lẳng đầu của 2 thầy giáo, còn thân mình thì nằm đằng xa, bị chém hàng chục vết. Cô hiệu trưởng tên Lan cùng những cô giáo khác đều chết, tụi nó cưỡng hiếp xong thì giết bằng cách đâm dao vào chỗ kín, dùng gậy đập đầu, chặt tay. Xác hai cô khác, tui tìm hoài thì thấy dưới đáy giếng”…

Ông Đắc lau nước mắt nhắc nhớ cô Trang, cô Huệ, cô Lan… rồi chỉ chúng tôi ra tấm bia nhỏ, ghi dòng chữ: “Hận thù này, nhân dân Tân Lập ghi nhớ suốt đời” mà ông và bà con khắc trên nền sân trường sau khi chôn cất các giáo viên.

Nguyên Chính ủy Công an nhân dân vũ trang Tây Ninh Nguyễn Hoàng Sa nhớ lại buổi chiều 17/11/1977 ở Đồn Biên phòng Phước Tân: Tôi triệu tập chi bộ đồn họp, sau đó kiểm tra công sự, bẫy chông, khu vực gài mìn rồi nói với Đồn trưởng Dương Văn Nho là “Pôn Pốt sắp đánh đồn, nhưng không biết đánh lúc nào mà thôi”. Năm Nho thề với tôi là “chỉ chịu mất đồn khi Pôn Pốt bước qua xác Năm Nho”. Lúc 24 giờ, nghe tiếng sột soạt, anh Năm Nho bật dậy thì B40 bắn thẳng vào đội hình mình (Sau này mới biết đêm đó giặc tập trung 2 trung đoàn, chia làm 3 mũi tấn công trực diện vào đồn). Tỉnh lại thì tôi thấy anh Năm Nho nằm trên giường, hy sinh khi đầu anh vỡ toác. Tôi và mấy anh em khác nằm dưới đất trong vũng máu, hạ sĩ Tí bị mất một mảng xương đầu, quấn khăn trắng lao ra bắn tiếp. Trung sĩ Phùng Bá Sinh gãy chân vẫn vác đại liên ra bắn đối kháng trong tư thế địch đông áp đảo và bắn như mưa vào đồn. Nhưng nhiều anh em hy sinh ngay đợt bắn đầu tiên của giặc, họ còn trẻ quá.

Trung Đội trưởng Trinh sát Lê Xuân Kinh, thấy hy sinh nhiều nên lao đến giật súng 12,8mm của xạ thủ bắn chớp lửa. Đánh nhau giằng co đến sáng hôm sau, chúng tổ chức thêm hai đợt đánh mạnh vào đồn nhưng bị chúng tôi bẽ gãy hết bằng tất cả lòng căm hận và tất cả vũ khí có được. Như chiến sĩ Trần Bá Quỳnh đã bắn 82 quả đạn ĐK82, ộc cả máu tai. Cả cuộc đời tôi không bao giờ quên được hình ảnh hai chiến sĩ trẻ là Phạm Văn Liêm (Nam Định), Nguyễn Mạnh Phơn (Ninh Bình) được bố mẹ từ ngoài bắc vào thăm. Sau đó, hai anh tranh thủ tiễn bố mẹ ra để về bắc.

Khi cả hai về đơn vị buổi chiều thì đến khuya, Liêm và Phơn đều chiến đấu anh dũng và hy sinh khi mới 19 tuổi. Đó là lần cuối cùng hai anh được gặp bố mẹ. Còn Thượng úy Dương Văn Nho hy sinh khi vợ đang mang thai. Sau khi con ra đời, vì quá thương chồng, vợ anh đã đặt tên cho con trai là Dương Phước Tân để mãi ghi nhớ địa danh Phước Tân, nơi chồng và đồng đội anh dũng hy sinh để bảo vệ biên cương”.

“Chúng tôi thấy nếu trú trong đồn sẽ hy sinh hết, nên cho anh em ra ngoài đào công sự, còn tụi Pôn Pốt cứ tập trung bắn thẳng vào đồn. Khi chúng ngừng bắn, từ công sự tất cả hỏa lực của ta gồm B40, B41, cối 60 khai hỏa phủ lửa lên đầu chúng. Có thằng cháy đen như khỉ. Sau đó, tôi gọi pháo của Tỉnh đội bắn lên đồn nhưng bán kính bắn ngoài 50 mét tính từ tâm đồn, tụi giặc trúng đạn chết như rạ, rút ra bìa rừng. Bị bao vây suốt 7 ngày, chiến đấu trong tư thế lúc nào cũng căn như dây đàn, thấy đồng đội hy sinh đến nửa quân số, số bị thương đau đớn, vũ khí bị tiêu hao đáng kể, đạn nổ vang suốt ngày đêm, khói lửa bốc lên ngút trời… nên nếu ai hỏi tôi sợ không, tôi nói “tôi sợ lắm” nhưng tôi phải bảo vệ đồn.

Rồi đến ngày 24/11/1977, khi có lực lượng chi viện, chúng tôi đã đánh bật được quân Pôn Pốt về bên kia biên giới. Trong trận chiến đấu ác liệt kéo dài 7 ngày đêm đó, Đồn Phước Tân đã đẩy lùi 38 đợt tấn công của địch, tiêu diệt trên 264 tên, thu nhiều vũ khí và 36 liệt sĩ của đồn mãi mãi nằm lại. Một năm sau đó, dù còn trong tình trạng “nóng” nhưng ngày 31/10/1978, Đồn Phước Tân vinh dự được tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Thế nhưng đầu năm 1978, bè lũ Pôn Pốt lại huy động từ 7 đến 8 sư đoàn chủ lực áp sát Tây Ninh, có nơi lấn chiếm biên giới từ 5-10 km, đánh giết dân, gài mìn, dùng pháo tầm xa bắn vào Thị xã Tây Ninh, Gò Dầu, Hoà Thành, Châu Thành, Tân Biên. Tình hình buộc các lực lượng vũ trang Tây Ninh phối hợp với quân chủ lực của Quân khu 7 tấn công truy kích địch trên toàn tuyến biên giới. Bên cạnh đó, giữa năm 1978, Tỉnh ủy Tây Ninh ra Nghị quyết lãnh đạo việc xây dựng hệ thống phòng thủ biên giới, phát động quần chúng tham gia đóng góp 10 ngày công.

Bị bao vây suốt 7 ngày, chiến đấu trong tư thế lúc nào cũng căn như dây đàn, thấy đồng đội hy sinh đến nửa quân số, số bị thương đau đớn, vũ khí bị tiêu hao đáng kể, đạn nổ vang suốt ngày đêm, khói lửa bốc lên ngút trời… nên nếu ai hỏi tôi sợ không, tôi nói “tôi sợ lắm” nhưng tôi phải bảo vệ đồn.
Trung Đội trưởng Trinh sát Lê Xuân Kinh

Qua đây huy động trên 40 vạn ngày công lao động, đào đắp trên nửa triệu mét khối đất, xây dựng tuyến bờ thành bảo vệ biên giới phía Tây Nam trên 50 km, và đắp bờ thành chiến đấu cho 5 xã biên giới. Rào gần 50km tuyến biên giới phía bắc, cắm trên 30 vạn cây chông tre, hàng chục nghìn bàn chông sắt, trồng hàng vạn cây tre, tháo gỡ hàng vạn quả mìn của địch cài bỏ lại. Từ ngày khởi công xây dựng phòng tuyến đến ngày kết thúc có 54 người hy sinh, 92 người bị thương; riêng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia hỗ trợ cũng có rất nhiều hy sinh.

Ngày 2/12/1978, sau một thời gian chuẩn bị, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập. Theo yêu cầu chi viện của mặt trận, các lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh có sự phối hợp của Quân đoàn 4 tiến công đánh thắng 3 sư đoàn quân Pôn Pốt trên tuyến biên giới thuộc huyện Châu Thành. Chiến thắng này mở đầu cho chiến dịch tổng tiến công giải phóng Campuchia. Ngay sau khi Việt Nam giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do Pôn-Pốt gây ra, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh vẫn tiếp tục chi viện sức người, sức của giúp tỉnh Kom-Pong - Chàm (Campuchia) chí tình, chí nghĩa trong 10 năm (1979-1989).

Chức sắc và tín đồ Cao đài Tây Ninh tham gia quyên góp phòng chống dịch, mua vaccine.  Ảnh:  Minh Anh

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh tặng quà lưu niệm lãnh đạo tỉnh Tây Ninh. Ảnh:  Minh Anh

Cột mốc biên giới tại VQG.

Đại lễ.

Hội xuân.

Sau ngày 30/4/1975, thực tế Tây Ninh đã mất gần 5 năm không có hòa bình trọn vẹn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân dân Tây Ninh cùng một lúc vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; vừa ngăn thù trong, vừa cứu đói dân mình, lại cưu mang gần 3 vạn dân Campuchia tị nạn; vừa phải khôi phục và phát triển sản xuất nhằm bảo đảm đời sống nhân dân Tây Ninh trên các mặt, ăn ở, đi lại, chữa bệnh và học hành.

Thời kỳ 1975-1985, quân dân Tây Ninh tập trung vào nhiệm vụ chính là cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng đề ra, chủ yếu lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, cho nên từ chỗ Tây Ninh phải nhận sự chi viện của Trung ương đã phấn đấu không những tự lực được lương thực, mà còn làm nghĩa vụ với Trung ương và từng bước tháo gỡ những khó khăn, đưa nền kinh tế - xã hội đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, tạo ra những vùng chuyên canh lớn: mía, đậu phộng, cao su, lúa. Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng được củng cố kiện toàn, dân chủ được mở rộng, chính trị ổn định, tạo tiền đề cho sự phát triển mới.

Giai đoạn 2010-2015, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân hằng năm 10,5%. Năm 2017, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 45.600 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) từ 1.434 USD năm 2010 tăng lên 2.400 USD trong năm 2017. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền tiếp tục được quan tâm, củng cố; thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức có sự thay đổi tích cực, trách nhiệm, hiệu quả. Quan hệ hợp tác đối ngoại được duy trì thường xuyên và có hiệu quả; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.

Giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của tỉnh tăng bình quân giai đoạn đạt 7,2%, cao hơn mức bình quân của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.135 USD, cao gấp 1,51 lần so năm 2015. Từ một tỉnh thuần nông, Tây Ninh đã tăng trưởng công nghiệp khá, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về điện mặt trời (tỉnh đã đưa vào hoạt động Cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng có tổng vốn 9.100 tỷ đồng). Đến 2020, toàn tỉnh có 350 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 7,77 tỷ USD. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được Trung ương và tỉnh đầu tư, đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh. Diện mạo từ thành thị đến nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn trước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Năm 1985, tổng thu ngân sách của tỉnh chỉ khoảng 3 tỷ đồng, đến năm 2020, con số này là 10.022,4 tỷ đồng, đạt 100,2% so dự toán, tăng 4,4% so cùng kỳ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân dân Tây Ninh cùng một lúc vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; vừa ngăn thù trong, vừa cứu đói dân mình, lại cưu mang gần 3 vạn dân Campuchia tị nạn; vừa phải khôi phục và phát triển sản xuất nhằm bảo đảm đời sống nhân dân Tây Ninh trên các mặt, ăn ở, đi lại, chữa bệnh và học hành.

Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, kể lại: Cơ cấu kinh tế năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp xây dựng, dịch vụ chiếm trên 75%  trong GRDP. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2020 tăng 1,5%, đạt 40,1% GRDP, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng, đạt 114% dự toán Trung ương giao và 100,5% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tăng 4,6% so với cùng kỳ. 

Tốc độ tăng thu ngân sách hàng năm giai đoạn 2016-2020 tăng 9,9% năm. Môi trường đầu tư cải thiện mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố và thứ 3/8 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đã có tác động mạnh mẽ đến thu hút đầu tư. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Sungroup, Vingroup, TTC, Công ty CPĐT Xuyên Á, Saigon Co.op... đều có mặt và đầu tư tại Tây Ninh. Giai đoạn này, tỉnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt 6,284 tỷ USD và 38.572 tỷ đồng. Lũy kế đến 2020, toàn tỉnh có 330 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư đạt 7,570 tỷ USD và 565 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 77.302 tỷ đồng.

Đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt. Ảnh: VGP

Đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt. Ảnh: VGP

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đã trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân. Theo đồng chí Nguyễn Thành Tâm, trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra 4 chỉ tiêu, kết quả thực hiện đạt 4/4 chỉ tiêu, như: tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 96,9% (Nghị quyết: 85%).

Tỷ lệ Đảng bộ xã biên giới hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 98,33% (Nghị quyết: 90%). Bên cạnh đó, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 97,24% (Nghị quyết: 90%). Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn đảng bộ tỉnh đã kết nạp được được 3.105 đảng viên, chiếm 64,29% (Nghị quyết 4.830), nâng tỷ lệ đảng viên so với dân số toàn tỉnh lên 3,24% (Nghị quyết 3,4%); riêng 20 xã biên giới kết nạp mới 321 đảng viên, chiếm 65,51% (Nghị quyết 490), tỷ lệ đạt 2,18% so với dân số (Nghị quyết 2,1%).

Qua nửa nhiệm kỳ, Tây Ninh thu hút thêm dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng, công suất 450MW và đã vận hành 10 nhà máy điện năng lượng mặt trời, công suất 808MW. Tổng công suất phát của các nguồn điện trên địa bàn tỉnh, đáp ứng khoảng 31,7% nhu cầu phụ tải của tỉnh. Đặc biệt, hệ thống thương mại phát triển nhanh và rộng khắp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng bình quân 9,8%/năm (NQ: tăng 10%/năm trở lên); trong đó, ngành bán lẻ chiếm tỷ trọng bình quân trên 80%. Công tác phân giới, cắm mốc đạt kết quả quan trọng, góp phần hoàn chung 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia.

Những năm gần đây, Tây Ninh được xem là điểm đến được nhiều người yêu thích, là hiện tượng du lịch bởi địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các khu du lịch sinh thái, tâm linh. Nổi bật là Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát vì nơi đây đang bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng dày bán ẩm, sự đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Du khách có thể ra đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông để tìm hiểu 934 loài thực vật, 42 loài thú và rất nhiều loài cá sinh sống hai bên bờ sông thuộc hai đất nước Việt Nam-Campuchia. Vườn Quốc gia còn có nhiều di tích lịch sử trong các thời kỳ kháng chiến như: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Căn cứ Ban An ninh Trung ương cục miền Nam, Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam, Ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, Đài phát thanh Giải phóng, Hãng phim Giải phóng, Nhà in Trần Phú, Thông tấn xã Giải phóng.

Hay như Tòa thánh Cao đài Tây Ninh với kiến trúc tòa thánh uy nghiêm, có ý nghĩa về đức tin, tôn giáo và văn hóa cũng tinh thần hướng thiện cũng là nơi tìm về của hàng triệu tín đồ Cao Đài và du khách thập phương. Năm 1956, vị đứng đầu Hội thánh là Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc bị chính quyền đàn áp phải lưu vong sang Campuchia và từ giã cõi đời, gửi di hài ở nước bạn.

Ngày 21/11/2006, thực hiện thoả thuận giữa Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam cùng Bộ Lễ nghi Tôn giáo Campuchia, được sự chấp thuận của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh cùng Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh đã tổ chức lễ di liên đài Đức Hộ pháp hồi hương, nhập bửu tháp trong nội ô Toà thánh. Từ sự kiện thể hiện sự quan tâm sâu sắc ấy của Đảng bộ, chính quyền Tây Ninh, đời sống tinh thần, tín ngưỡng của hơn nửa triệu đồng bào có đạo Cao Đài ở Tây Ninh nói riêng và 2,6 triệu tín đồ Cao Đài cả nước nói chung, khởi sắc hẳn lên.

Những năm gần đây, Tây Ninh được xem là điểm đến được nhiều người yêu thích, là hiện tượng du lịch.

Còn tại ngôi chùa trên đỉnh núi Bà Đen, ngọn núi cao nhất Nam Bộ: chùa Linh Sơn Tiên Thạch (hình thành vào thế kỷ XVIII, do Hoà thượng Đạo Trung Thiện Hiếu đã đặt nền tảng ban đầu cho việc phát triển Phật giáo ở Tây Ninh), là nơi phát tích nên tục thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, những truyền thuyết, sự tích kể về Linh Sơn Thánh Mẫu qua truyền thuyết Lý Thị Thiên Hương đến nay vẫn còn được nhắc đến. Quần thể danh thắng núi Bà Đen, với diện tích khoảng 24km2, gồm 3 ngọn núi tạo thành là núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen, hằng năm, danh thắng này đón tiếp hàng triệu du khách đến hành hương, nhất là vào dịp Hội xuân núi Bà và lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu. Đặc biệt, điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu thuộc khuôn viên chùa Linh Sơn Tiên Thạch cũng được du khách xem là một ngôi chùa và thường gọi với cái tên “chùa Bà”.

Item 1 of 6

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, năm 2023, Tây Ninh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về du lịch khi đón hơn 5,1triệu lượt khách (tăng 13,2% so cùng kỳ, tăng 2%so với kế hoạch). Tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm 2022, tăng 11% so kế hoạch. Doanh thu dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác đạt 23.022 tỷ đồng, tăng 12,17% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất - đạt 12.990 tỷ đồng, tăng 11,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 336,75 tỷ đồng, tăng 30,83%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 16,35 tỷ đồng, tăng 118,63% so với năm 2022.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn từ 2020 đến tháng 6/2023, Tây Ninh đã chuyển đổi 7.640ha cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả, nâng lũy kế tổng số diện tích cây trồng đã chuyển đổi toàn tỉnh đạt 41.000 ha, gia tăng giá trị sản phẩm thu được trên một héc-ta trồng trọt đạt 109 triệu đồng/năm (tăng chín triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ). Chăn nuôi phát triển mạnh với quy mô đàn trên 10 triệu con gia súc, gia cầm, tăng 6,1% so với năm 2020. Tỉnh hiện có 627 trại chăn nuôi gia súc, 107 trang trại chăn nuôi gia cầm, tăng 12,6% so với năm 2020. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng đồng bộ, tập trung trên các cây trồng như lúa, mía, mì. Cụ thể, sản xuất lúa có tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất (100% khâu làm đất, 2,5% khâu gieo, cấy, 65-70% khâu chăm sóc, 95-100% khâu thu hoạch vận chuyển), cây mía (100% khâu làm đất, 50-70% khâu chăm sóc, 40% khâu thu hoạch và 100% vận chuyển), cây mì (100% khâu làm đất, 15-30% khâu chăm sóc, 3% khâu thu hoạch và 100% khâu vận chuyển).

Cạnh đó, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cũng chú ý, tìm hiểu cơ hội đến Tây Ninh. Thí dụ như Tập đoàn De Hues (Hà Lan thuộc EuroCham) đang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất 58 triệu con gà giống, 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh; Công ty Cổ phần Hương Giang đặt mục tiêu sản xuất 120 tấn tinh bột khô/ngày; Công ty Cổ Phần Tây An Khánh sản xuất 30.000 heo thịt và 30.000 heo cai sữa (02 lứa) mỗi năm; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hoà Hiệp Bình xuất chuồng 18.000 con/lứa (02 lứa/năm); Công ty TNHH MTV Ong mật Bảo An Tây Ninh sản xuất 50.000 con gà/lứa (5 lứa/năm); Công ty TNHH Vinapan chế biến 400.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm…

Trong thu hút đầu tư, Tây Ninh đã có bước “chủ động” và tập trung phát triển các khu công nghiệp (KCN) để thu hút các nhà đầu tư. Hiện nay Tây Ninh có 6 KCN đang phát triển mạnh mẽ như: KCN Phước Đông, KCN Chà Là, KCN Bến Củi, KCN Hiệp Thạnh,.. Một số ví dụ cụ thể như: Công ty TNHH Kỹ thuật Điện tử Connector đã đầu tư tăng vốn tổng cộng 5.000.000 USD; Công ty TNHH May mặc Lang Ham đầu tư tổng cộng 9.403.209 USD; Công ty TNHH Caishi International Việt Nam đầu tư tăng vốn tổng cộng 44.000.000 USD; Công ty TNHH Top Sports Textile Việt Nam tăng vốn đầu tư tổng cộng 62.000.000 USD; Công ty TNHH Công nghiệp nhựa Xinsheng đầu tư tổng cộng 12.403.242…

Theo các nhà đầu tư, sỡ dĩ họ chọn đến Tây Ninh vì môi trường đầu tư thông thoáng, được tỉnh “chủ động” tạo điều kiện và bên cạnh đó, Tây Ninh còn là mảnh đất nông nghiệp giàu tiềm năng, nếu được “khai phá” sẽ mang lại nhiều thành quả không chỉ tính bằng “số tiền đầu tư”.

Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức chia sẻ: “Bắt đầu từ năm 2011 đến nay, từ sự “chủ động” mời gọi của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, Saigon Co.op đã đầu tư 9 siêu thị tại Tây Ninh (cao nhất cả nước). Đến cuối năm 2022, tổng doanh số các Co.opmart tại đây đã vượt 1.000 tỷ. So sánh cho thấy, doanh số các siêu thị Co.opmart tại Tây Ninh đóng góp 30% trong tổng doanh số các siêu thị toàn vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng giải quyết việc làm cho 1.000 lao động địa phương với thu nhập 20 triệu đồng/người/tháng. Nhận thấy tiềm năng còn nhiều dư địa, chúng tôi đặt ra mục tiêu phát triển thêm hệ thống tại Tây Ninh; đồng thời xin nâng quy mô thu mua hàng hóa tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 là 1.300 tấn với 250 tỷ đồng".

Nhận thấy tiềm năng còn nhiều dư địa, chúng tôi đặt ra mục tiêu phát triển thêm hệ thống tại Tây Ninh; đồng thời xin nâng quy mô thu mua hàng hóa tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 là 1.300 tấn với 250 tỷ đồng.
Nguyễn Anh Đức
Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh

Kết nối với tỉnh Tây Ninh là hoạt động chiến lược của hai phía nhằm từng bước tham gia thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.