Tên gọi “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”
ra đời như thế nào?
“Cụm từ “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã xuất hiện lần đầu trên Báo Nhân Dân, số báo đăng ngày 29/12/1972. Và từ đó, trở thành tên gọi cho Chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ, như một biểu tượng của chiến thắng hào hùng và những ngày đêm khói lửa không thể nào quên…”
Nhà báo lão thành Phạm Thanh, nay đã ở tuổi ngoài 90, chia sẻ với phóng viên báo Nhân Dân về ký ức làm báo 12 ngày đêm mùa đông 1972 lịch sử…
Máy bay rơi ở đâu, phóng viên có mặt ở đó
Phóng viên: Kính thưa nhà báo Phạm Thanh, những ngày cuối tháng 12 này đang nhắc nhớ về Hà Nội 50 năm trước, khi thủ đô và nhiều nơi ở miền bắc đang phải hứng chịu những trận bom B-52 rải thảm. Là phóng viên đã từng có mặt tại các trận địa để cùng các đồng nghiệp viết nên những bài báo nóng hổi khí thế chiến đấu trên Báo Nhân Dân, ông có thể chia sẻ ký ức của mình về những ngày tác nghiệp đau thương và hào hùng ấy?
Nhà báo Phạm Thanh: Tổ phóng viên chiến tranh của Báo Nhân Dân nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Tổng Biên tập Thép Mới. Tôi được phân công làm tổ trưởng. Bên cạnh có đồng chí Lưu Thanh, sĩ quan quân đội được Tổng cục Chính trị gửi về làm việc tại Báo Nhân Dân, là người đưa thông tin từ Bộ Quốc phòng về cho Báo. Trong tổ này có các đồng chí phóng viên Trần Quỳnh, Đỗ Quảng, Chính Yên và các phóng viên nhiếp ảnh Văn Ba, Trịnh Hải.
Sau đó, có thêm 1 số phóng viên nữa tham gia với tổ đi nắm tình hình tại các địa điểm máy bay Mỹ bị bắn rơi và viết bài. Trong đó có các đồng chí Hữu Thọ, Hồng Vinh.
Tổ này được trang bị một xe “Com-măng-ca”, bên Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân cấp cho 1 lá cờ đuôi nheo có chữ Phòng Không – Nhân Dân cắm ở đầu xe. Riêng tôi - Tổ trưởng được có thêm một băng đeo tay Phòng Không – Nhân Dân và một mũ sắt để tác nghiệp.
Hằng ngày tổ phóng viên chiến tranh của Báo đều có người trực tin không kể ngày đêm, phân công nhau trực trên nóc nhà của tòa nhà Ngân hàng Trung ương để bám sát tình hình chiến đấu.
Bắt đầu từ ngày 18/12, hầu như tổ phóng viên chiến tranh đều ăn ở trên cơ quan, trong trạng thái sẵn sàng trực chiến. Những ngày chiến đấu, tổ phóng viên chỉ gặp mặt nhau buổi sáng ở ghế đá nơi Gốc Đa, phân công công việc rồi chia nhau đi các ngả. Nhiều hôm trưa không thể về nhà ăn cơ quan, mọi người mang sẵn bánh “nắp hầm” để ăn ngay ở trận địa. Do có phương tiện đi lại nhanh nên máy bay rơi ở đâu, phi công bị bắt sống ở đâu, ban ngày cũng như ban đêm, phóng viên Báo Nhân Dân đã có mặt ngay ở đó.
Phóng viên: Có thể thấy tổ phóng viên chiến tranh của Báo đã được chuẩn bị rất kỹ ngay từ những ngày đầu. Báo đã có sự chủ động bài bản và luôn trong tư thế sẵn sàng như vậy khi Mỹ bắt đầu mở chiến dịch ném bom miền bắc và Hà Nội. Ông có thể kể lại quá trình tác nghiệp những ngày đó như thế nào?
Nhà báo Phạm Thanh: Cuối năm 1972, Kissinger tuyên bố “hoà bình trong tầm tay”. Ngày 14/12/1972,Tổng thống Mỹ Nixon gửi tối hậu thư tới Chính phủ Việt Nam yêu cầu quay lại hội nghị Paris ký kết theo những điều kiện do Mỹ đề ra. Bốn ngày sau đó dù Chính phủ Việt Nam chưa trả lời, nhưng B-52 của không quân Mỹ đã ném bom rải thảm Hà Nội.
Đúng 19 giờ 30 ngày 18/12/1972, cuộc đối đầu lịch sử chính thức bắt đầu. Tôi nhớ đêm hôm ấy, còi báo động từ Nhà hát Lớn vang lên kéo dài. Đài phát thanh Hà Nội đọc lệnh của Hội đồng phòng không thành phố: “Đồng bào chú ý, giặc Mỹ có âm mưu điên cuồng đánh phá Hà Nội. Khi có báo động mọi người nhất thiết phải xuống hầm, không ai được đi lại đứng ngồi trên mặt đất”.
Nghe đài xong, tôi gọi ngay dây nói lên Đài quan sát phòng không đặt trên toà nhà Ngân hàng Nhà nước xem có thông tin gì mới. Anh Tín, trinh sát của Bộ tư lệnh phòng không Thủ đô trả lời gấp gáp : “Bò đen sắp vào Hà Nội, lên ngay đi”.
Ngay lập tức, nhóm phóng viên chiến tranh chúng tôi nhanh chóng lên xe ô tô có cắm cờ Phòng không - Nhân dân vọt ra khỏi trụ sở báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống. Đường phố lúc này vắng ngắt, bởi vì chúng ta đã dự báo được tình hình, tiến hành sơ tán hơn 500.000 người già, trẻ em và các trường học ra khỏi thành phố. Số người còn ở lại Hà Nội hoặc đã xuống hầm, hoặc đang trực chiến trên trận địa.
Đêm ấy mùa đông rất rét. Điện tắt. Bom đạn đã nổ. Xe chúng tôi bị hơi bom, có lúc xô giạt vào vỉa hè. Vốn quen với đài quan sát, chúng tôi phóng xe đến nhà Ngân hàng, anh bảo vệ nhanh chóng mở cửa cho vào. Anh Tín, rồi cả anh Chính, A trưởng trinh sát Bộ tư lệnh phòng không Hà Nội cho biết : “Bò đen là ám hiệu B52”. Những loạt bom nổ vừa rồi chỉ là của bọn tiêm kích đánh vỗ mặt nhằm làm cho ta lạc hướng. Còn những thiên thần hắc ám, “pháo đài bay” đang bay trên độ cao 10.000m sắp vào.
Trên đài quan sát hôm ấy, chúng tôi nghe những chiến sĩ trinh sát liên tục báo hướng các tốp B-52, liên tục báo tên lửa của ta bay về hướng đông, hướng nam, máy bay ta đã xuất kích, pháo tầm cao đã lên nòng, súng bộ binh dày đặc trên khắp trận địa bắn lên. Đêm 18/12, B-52 đã mang bom rải thảm nhiều đợt xuống khu vực Đức Giang (Gia Lâm), Uy Nỗ - Cổ Loa (Đông Anh). Nhưng trong ngay đêm ấy có 3 máy bay B-52 bị bắn tan xác ngay trên vùng trời chúng vừa gây tội ác.
Đến sáng hôm sau (ngày 19/12), nhóm phóng viên gồm tôi và các anh Đỗ Quảng, Trần Quỳnh, Văn Bang vội lên Uy Nỗ và những nơi B-52 vừa đánh phá. Khó mà tưởng tượng nổi mới buổi chiều hôm trước, những cánh đồng lúa đông xuân và hoa màu của hai xã Uy Nỗ - Cổ Loa còn xanh mơn mởn mà sáng hôm sau đã tan hoang với hơn 5.000 hố bom dày đặc chi chít. Nhà cửa bị phá nát dập vùi san bằng. Hàng chục người chết và bị thương do trận trước còn chưa kịp chôn thì loạt bom thứ 2 và thứ 3 thả xuống làm mất xác.
Được làm phóng viên chiến tranh là điều rất tự hào!
Phóng viên: Như những người lính, nhóm phóng viên chiến tranh cũng xông thẳng vào các trận địa. Khi ấy những phóng viên có lo lắng cho sinh mạng của mình không?
Nhà báo Phạm Thanh: Đương nhiên là không! Phóng viên chúng tôi được phân công viết về chiến sự thì dù gian khổ khó khăn đến mấy cũng vượt qua. Được cử làm phóng viên chiến tranh là điều rất tự hào với mình. Nhiều lần đi trên đường hoặc ở ngay trận địa, bom rơi đạn nổ anh em đều không sợ hy sinh miễn là lấy được tài liệu cho nhanh để về viết bài cho kịp.
Có hôm xe của chúng tôi đi lấy tài liệu từ vùng bị bắn phá ở Uy Nỗ, Cổ Loa về cũng là lúc trời vừa sáng, nhìn thấy bà con mình xếp hàng mua Báo Nhân Dân ở cửa hàng sách báo Tràng Tiền, ai nấy đều vui vì Báo đăng những tin bài của mình viết từ ngày và đêm hôm trước về cuộc chiến đấu với B-52 đã đến được với bạn đọc.
Phóng viên: Ông có thể kể lại những chi tiết đáng nhớ nhất về 12 ngày đêm lịch sử đó?
Nhà báo Phạm Thanh: Trong 12 ngày đêm năm 1972, tổ phóng viên chiến tranh luôn trong trạng thái sẵn sàng. Nhất là trong 2 ngày 26 và 27 tháng 12/1972, những phóng viên ở Hà Nội như chúng tôi ít khi được chợp mắt lắm. Vì chiến sự diễn ra dồn dập, tin tức “pháo đài bay B-52” bị bắn rơi liên tục báo về. Vừa đến Đuôi Cá thấy xác B-52, lại chạy ngay lên nhìn xác B-52 đang nằm vật vã ở đường Hoàng Hoa Thám, cạnh công viên Bách Thảo. Người lái chiếc máy bay này chết ngay trên ghế lái. Ngay sau đó chúng tôi lại chạy xuống hồ Ngọc Hà ghi hình ảnh chiếc B-52 chìm trong ao, chiếc bánh xe của nó chổng ngược lên trời. Không chỉ ghi ngay được hình ảnh máy bay rơi tại chỗ, chúng tôi còn đến những nơi vừa bắt sống giặc lái ở xã Bát Tràng, ở phà Khuyến Lương và ở bãi đá Phương Liệt. Trong những đêm mùa đông Hà Nội rét buốt mà ai nấy đều cảm thấy trong lòng như có lửa ấm.
Nhưng đêm 26/12 năm ấy cũng là đêm đẫm máu và nước mắt khi không lực Mỹ dùng 30 lượt B-52 trút bom rải thảm trong nửa giờ xuống phố Khâm Thiên (dài hơn 1km, rộng hơn 50m) có hơn 60 ngõ hẻm chật chội, mật độ dân cư đông đúc hơn 30.000 người.
Đêm hôm đó, xe phóng viên chúng tôi đến Khâm Thiên phải dừng ở đầu phố vì gạch ngói bê tông lấp kín đường vào. Điện không có, anh Đặng Dung lái xe của Báo bật đèn sáng cho xe gạt, xe cứu thương vào, rồi xe chở quan tài lần lượt chuyển đến. Anh em phóng viên cùng các lực lượng cứu hộ bới gạch đá, khiêng một số người chết và bị thương đưa vào từng khu vực trên vỉa hè mới được dọn mặt bằng trước các số nhà 41 đến 51 phố Khâm Thiên.
Đó là những ký ức đau xót trong cuộc đời làm phóng viên chiến tranh của chúng tôi!
Tên gọi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã ra đời như thế nào ?
Phóng viên: Những ngày tháng lịch sử ấy, Báo Nhân Dân vẫn duy trì được hoạt động xuất bản liên tục 12 ngày đêm dưới bom đạn của địch. Ngoài việc có một nhóm phóng viên chiến tranh cơ động luôn trực chiến 24/24 giờ, còn yếu tố nào khác giúp Báo có thể bảo đảm được hoạt động xuất bản?
Nhà báo Phạm Thanh: Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Báo Nhân Dân vẫn luôn bảo đảm công tác xuất bản kịp thời và chính xác. Thời kỳ đó, Tổng Biên tập Hoàng Tùng, các bộ phận chủ yếu của Tòa soạn đều làm việc ở dưới một căn hầm bí mật được xây dựng ở giữa sân cơ quan.
Nhiều đêm sau khi đi nắm tình hình chiến sự, biết rõ máy bay B-52 rải thảm ở đâu, thiệt hại của ta như thế nào, các trận địa của ta đã bắn rơi bao nhiêu máy bay loại gì, tôi đều xuống hầm báo cáo với Tổng Biên tập Hoàng Tùng.
Tôi nhớ mùa đông năm 1972 là một mùa đông rất rét. Tôi mang 1 cái chăn từ nhà lên cơ quan. Tối ở trận địa về lấy chăn nửa nằm nửa đắp trong hầm.
Những đêm B-52 rải thảm, Tòa soạn có lúc bị mất điện, Ban Thư ký Biên tập phải lấy áo rách quấn vào que tẩm dầu để làm đuốc sáng, kịp làm ma-két sửa bài cho số báo hôm sau. Trong bom đạn bắn nổ, nhân viên Ban Thư ký vẫn phải mang bài sang nhà in ở phố Tràng Tiền để kịp in báo.
Phóng viên: Trong sự kiện 12 ngày đêm, ông là nhà báo có nhiều tác phẩm nhất từ ghi nhanh tại chỗ các trận địa tên lửa B-52, trận địa của tự vệ liên khu Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng bắn rơi F11 cho tới các bài xã luận, bình luận. Những bài báo đó có thể coi là những trang nhật ký sinh động nhất của một thời kỳ bi hùng của Hà Nội, của đất nước. Vậy chúng được lưu lại thế nào, thưa ông?
Nhà báo Phạm Thanh: Sau này, những bài viết của tôi đã được in trong các tập sách: Hà Nội những tháng năm lửa đạn của NXB Hà Nội và một phần trong tập sách ký sự của NXB Hội Nhà Văn với tựa đề: Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.
Đó là tập hợp các bài viết đã mô tả ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta, nhất là của bộ đội tên lửa, không quân và tự vệ. Gần đây, nhân kỷ niệm 50 năm Hà Nội chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, tôi đã chọn lọc biên soạn lại 1 số bài viết đặc sắc của quân và dân ta trong cuộc đối đầu lịch sử với đế quốc Mỹ. Đặc biệt trong cuốn sách của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật này có tựa đề: “Đổi tên giặc lái Mỹ thành nhân viên quân sự Hoa Kỳ”. Tựa đề này cũng là nội dung của bài viết cuối cùng của tôi về việc trao trả giặc lái Mỹ bị bắt sống được đổi thành nhân viên quân sự Hoa Kỳ vào đầu năm 1973. Để có sự đổi tên này, trong 12 ngày đêm năm 1972 ấy, Mỹ đã mất 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52. Chiến dịch tập kích bằng lực lượng không quân chiến lược của Mỹ đã thất bại hoàn toàn dẫn đến việc Mỹ ký kết Hiệp định Paris với Việt Nam, phải chấp nhận những điều kiện của Việt Nam đưa ra.
Phóng viên: Thưa ông, cụm từ “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành tên gọi cho chiến thắng B-52 anh hùng của quân và dân ta trong 12 ngày đêm chiến đấu cuối năm 1972, nhưng ít ai biết được hoàn cảnh ra đời của nó. Sau nhiều năm, người ta xác định được cụm từ này xuất hiện lần đầu trong số báo Nhân Dân ngày 29/12/1972. Ông có thể cho biết hoàn cảnh ra đời của cụm từ mang tính lịch sử này?
Nhà báo Phạm Thanh: Trong suốt chiến dịch đó, mặc dù bom đạn nổ khắp nơi và sự hy sinh mất mát của nhân dân vô cùng lớn, song những chiến công của quân và dân ta cũng dồn dập và khí thế của những người làm báo cũng vô cùng khẩn trương. Hằng ngày, tổ phóng viên chiến tranh của chúng tôi vẫn họp trao đổi công việc.
Tôi nhớ buổi giao ban hằng ngày của tổ phóng viên chiến tranh hôm ấy có tôi, nhà báo Thép Mới, đồng chí Lưu Thanh và 1 số đồng chí khác. Đồng chí Lưu Thanh báo cáo tình hình phía bộ đội, các trận địa pháo, cuộc tập kích thế nào. Trong khi đó tôi báo cáo về sự hào hùng của quân dân ta liên tiếp bắn hạ máy bay B-52 trong hơn 10 ngày qua. Chiến thắng hào hùng giống như trận kết thúc cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, mình đánh thắng B-52 thì giống như chiến thắng trận Điện Biên Phủ vậy.
Trao đổi với nhau như thế, nhà báo Thép Mới với sự nhanh nhạy đã nắm bắt ngay những ý này và đặt tiêu đề cho 1 chuyên mục của số ra ngày 29/12/1972 là “Hà Nội – Điện Biên Phủ”, trong đó có cụm “Hà Nội đang thắng một trận Điện Biên Phủ trên không”. Như vậy, cụm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã xuất hiện lần đầu trên Báo Nhân Dân, số Báo đăng ngày 29/12/1972 ….
Vâng, xin cảm ơn nhà báo Phạm Thanh về những câu chuyện đầy ý nghĩa. Xin kính chúc ông thật nhiều sức khỏe!