Tết con thỏ
ở Trung Quốc

Năm Quý Mão 2023, là năm con mèo ở Việt Nam, nhưng lại là năm con thỏ ở Trung Quốc. Hình tượng thỏ có nhiều ý nghĩa trong văn hóa Trung Quốc, và cách đón Tết con thỏ của người dân nước này cũng có nhiều nét độc đáo.

Thỏ trong văn hóa
Trung Quốc

Từ xưa đến nay, thỏ là loài động vật gần gũi, thân thiết trong đời sống của người Trung Quốc. “Thi kinh” - tập thơ đầu tiên trong lịch sử cổ đại Trung Hoa (từ thế kỷ thứ X đến VI trước Công nguyên), đã có những ghi chép về loài thỏ. Từ thời Tiên Tần, thỏ đã trở thành một trong “lục súc” - 6 loài động vật chính được săn bắt và chăn nuôi. Không chỉ là loài vật gắn bó với cuộc sống con người, thỏ còn đi vào thi ca, thần thoại, nghệ thuật, trở thành một hình tượng văn hóa với nhiều ý nghĩa phong phú.

Em bé bên bức tranh và câu đối về thỏ ở tỉnh Chiết Giang. (Ảnh: People.cn)

Em bé bên bức tranh và câu đối về thỏ ở tỉnh Chiết Giang. (Ảnh: People.cn)

Trong xã hội nông nghiệp Trung Quốc xưa, xuất phát từ tâm lý cần nhiều con cái để lao động, sản xuất, người ta coi thỏ, một loài động vật có khả năng sinh sản rất cao làm đối tượng để tôn thờ; dùng hình tượng thỏ để biểu đạt mong ước giản đơn là có thể sinh con đẻ cái, “nhiều con nhiều phúc”. Theo truyền thống, khi trang trí phòng tân hôn cho các cặp vợ chồng mới cưới, người ta thường dán nhiều tranh, ảnh có hình tượng thỏ, với mong muốn vợ chồng hòa hợp, con cháu đầy nhà. Một số nơi, còn có lệ cưới vợ, làm nhà vào năm Mão, để cầu nhiều con cháu, gia đạo hưng thịnh.

Tạo hình thỏ trên nghệ thuật cắt giấy truyền thống.

Tạo hình thỏ trên nghệ thuật cắt giấy truyền thống.

Thỏ gắn liền với vẻ đẹp nết na, thùy vị và nhanh nhẹn của người phụ nữ, thường được coi là biểu tượng của nữ giới. Theo truyền thuyết, trên cung trăng có Hằng Nga và Thỏ Ngọc, là những hình ảnh đẹp, gắn với nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương và ước vọng đoàn viên, tụ họp với gia đình của những người xa nhà, xa xứ.

Nghệ nhân tỉnh Sơn Tây nặn tò he hình thỏ. (Ảnh: People.cn)

Nghệ nhân tỉnh Sơn Tây nặn tò he hình thỏ. (Ảnh: People.cn)

Với vẻ ngoài đáng yêu, nhanh nhẹn, đặc tính ôn hòa, thỏ được coi là loài vật mang đến sự may mắn, cát tường, rất được người dân Trung Quốc ưa thích, do vậy thường xuất hiện trên các tác phẩm hội họa, thủ công mỹ nghệ, thêu thùa, trở thành vật trang trí của nhiều gia đình hoặc trang sức mang theo người để cầu bình an, may mắn.

Dân gian còn coi hình tượng thỏ là một vị thần bảo hộ, trừ tà ma và bệnh tật, đem lại bình an cho con người. Nhiều nơi có phong tục mùng 1 Tết treo bức tranh đầu thỏ để trấn tà trừ tai, tặng trẻ con tranh thỏ để cầu phúc; mang đèn thỏ dạo chơi ngày Tết Nguyên tiêu để cầu may mắn; mang túi thơm hình thỏ ngày Tết Đoan ngọ để tiêu trừ độc khí, bảo vệ sức khỏe; cúng bái hình tượng Thần thỏ nặn bằng bột hoặc đất sét ngày Tết Trung thu để trừ bệnh tiêu tai…

Thỏ trên các tác phẩm gốm xứ thời xưa. (Ảnh: Sina.com)

Thỏ trên các tác phẩm gốm xứ thời xưa. (Ảnh: Sina.com)

Trong văn hóa Trung Hoa xưa, thỏ trở thành một biểu tượng của đạo đức, nhân nghĩa, gắn với các phẩm chất của người quân tử, nhất là sự hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Tiếng Hán có không ít thành ngữ, tục ngữ dùng hình ảnh thỏ để biểu đạt những nét nghĩa tích cực như thông minh, nhanh nhẹn, giỏi giang, năng động…

Theo giáo sư Trương Chấn Trung, Hội Thư pháp Trung Quốc, nói đến năm con thỏ là nói đến văn hóa con giáp có lịch sử lâu đời, thỏ tương ứng với "Mão" trong 12 địa chi, với ý nghĩa là vạn vật tốt tươi, sinh sôi nảy nở, cũng tượng trưng cho mùa xuân, bình minh tràn đầy sức sống.

Hiện vật thỏ trắng bằng ngọc thời Minh. (Ảnh: Sina.com)

Hiện vật thỏ trắng bằng ngọc thời Minh. (Ảnh: Sina.com)

Là một trong 12 con giáp, thỏ xếp ở vị trí thứ 4 trong các địa chi, sau chuột (Tý), trâu/bò (Sửu) và hổ (Dần). Đặc tính ôn hòa, đáng yêu, hồn nhiên, sôi nổi, tự do, năng động của thỏ, dường như cũng phản chiếu nét tính cách của những người sinh năm Mão. Người Trung Quốc quan niệm những ai sinh năm Mão, sẽ có tính cách rất tốt như hiền lành, khiêm tốn, lễ độ; nhanh nhẹn, tỉ mỉ, kiên nhẫn; tốt bụng, giản dị. Trong công việc, người sinh năm Mão thường cần cù chịu khó, nghiêm túc, cẩn thận, tỉ mỉ, có tinh thần trách nhiệm cao và lòng yêu nghề.

Người Trung Quốc
đón Tết con thỏ

Trong tâm thức của người Trung Quốc, thỏ là loài vật đem lại nhiều may mắn và bình an. Năm Quý Mão 2023 được người dân Trung Quốc chào đón và gửi gắm nhiều kỳ vọng tốt lành, nhất là trong bối cảnh ngay từ đầu năm, dịch bệnh Covid-19 vốn bùng phát và kéo dài trong suốt 3 năm qua, đã được Chính phủ Trung Quốc hạ cấp quản lý từ loại A xuống loại B, tối ưu hóa các biện pháp phòng, chống; theo đó, các biện pháp quản lý nghiêm ngặt, hạn chế đi lại ở trong nước và với nước ngoài đã được dỡ bỏ, tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế-xã hội và việc trao đổi, đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa.

Các cửa hàng bận rộn chuẩn bị các đồ trang trí dịp Tết. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Các cửa hàng bận rộn chuẩn bị các đồ trang trí dịp Tết. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Khác với Tết nguyên đán của 3 năm trước, khi phần lớn người dân lựa chọn “đón Tết tại chỗ” vì dịch bệnh, Tết Quý Mão 2023 được đánh giá sẽ là một cái Tết bùng nổ nhu cầu đi lại, du lịch, vui chơi giải trí và tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Dự báo, trong đợt “xuân vận” - cao điểm di chuyển về quê đón Tết, có khoảng hơn 2 tỷ chuyến đi của người dân với nhiều loại hình giao thông vận tải như đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ,… Chính quyền các địa phương và các cơ sở văn hóa, du lịch có nhiều hình thức phong phú, sáng tạo để tạo không khí đón Tết con thỏ vui tươi và ý nghĩa cho người dân.

“Thỏ như ý” trên đèn lồng treo dịp Tết. (Ảnh: HỮU HƯNG)

“Thỏ như ý” trên đèn lồng treo dịp Tết. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Ngày 14/1, ngay trước thềm Tết nguyên đán Quý Mão 2023, tại sự kiện triển lãm "Thỏ vũ trụ thám hiểm Mặt trăng" tổ chức tại Thủ đô Bắc Kinh, tên gọi và tạo hình biểu tượng Chương trình Thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc chính thức được công bố. Theo đó, Thỏ vũ trụ thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc (tên tiếng Anh là "To star") là hình tượng lấy cảm hứng từ "Thỏ ngọc trên Cung trăng" trong thần thoại Trung Quốc cổ đại, kết hợp với hình ảnh các nhà du hành vũ trụ thời hiện đại, với các màu sắc mang đậm dấu ấn của khoa học-công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc là đỏ, xanh lam và trắng, thông qua phương thức nhân hóa đã thể hiện một cách cụ thể tinh thần hàng không vũ trụ nỗ lực không ngừng, dũng cảm khám phá không gian.

Thỏ vũ trụ thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc ra mắt công chúng ngay trước thềm năm mới. (Ảnh: CRI)

Thỏ vũ trụ thám hiểm Mặt trăng Trung Quốc ra mắt công chúng ngay trước thềm năm mới. (Ảnh: CRI)

Thỏ vũ trụ thám hiểm Mặt trăng là biểu tượng quan trọng của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc, mang theo niềm mơ ước của con người về việc khám phá Mặt trăng đầy bí ẩn. Nhờ kết hợp với các yếu tố văn hóa thịnh hành trong xã hội, linh vật của chương trình hàng không vũ trụ thám hiểm Mặt trăng này đã được đông đảo bạn trẻ yêu thích, giúp hàng không vũ trụ đến gần hơn với công chúng.

Để chào đón năm con thỏ, ngành bưu chính Trung Quốc phát hành bộ tem thỏ mừng xuân Quý Mão, với số lượng khoảng 77,5 triệu chiếc. Hình ảnh thỏ trên tem được thiết kế rõ nét và sinh động, tạo hình chú thỏ hài hòa, tự tin, đầy sức sống, gửi gắm lời chúc năm mới tốt lành, sinh sôi nảy nở, hạnh phúc đoàn viên. Ngay trong ngày đầu phát hành bộ tem thỏ, đã có rất đông người dân đến xếp hàng chờ mua làm kỷ niệm, cầu chúc năm mới bình an, may mắn.

Học sinh tham quan Triển lãm hiện vật thỏ khảo cổ ở Sơn Tây. (Ảnh: sxrb.com)

Học sinh tham quan Triển lãm hiện vật thỏ khảo cổ ở Sơn Tây. (Ảnh: sxrb.com)

Bảo tàng khảo cổ Sơn Tây, Trung Quốc tổ chức Triển lãm hiện vật thỏ khảo cổ, trưng bày hơn 50 hiện vật thỏ được khai quật, trong đó có những mẫu xương thỏ từ thời kỳ đồ đá mới cách đây hơn 5.000 năm, bức tượng thỏ bằng đồng xanh khai quật trong mộ Tấn Hầu thời Tây Chu, bức chạm khắc thỏ đời Thanh..., giúp công chúng cảm nhận rõ văn hóa thỏ thể hiện qua các hiện vật, nhất là sự gắn bó giữa con người với thỏ trong xã hội xưa. Triển lãm thu hút rất đông du khách, nhất là các gia đình, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống; dự kiến mở cửa cho đến hết dịp nghỉ Tết nguyên đán.

Hình tượng thỏ đứng giữa các con vật trong 12 con giáp. (Ảnh: CCTV)

Hình tượng thỏ đứng giữa các con vật trong 12 con giáp. (Ảnh: CCTV)

Đón năm mới Quý Mão 2023, người dân Trung Quốc vẫn giữ những phong tục cổ truyền như tặng quà người thân, bạn bè, trang trí nhà cửa bằng câu đối, tranh Tết hay các đồ vật có tạo hình chú thỏ ngộ nghĩnh, đáng yêu; nô nức tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống tái hiện nét đẹp ngày Tết, cầu chúc một năm mới bình an, may mắn. Trên khắp các phố phường, làng quê, tràn ngập không khí vui tươi, phấn khởi mừng xuân mới, với dự cảm và kỳ vọng tốt lành cho cuộc sống trong giai đoạn phục hồi và phát triển “hậu Covid-19”.

Múa lân chào đón năm mới ở Trung Quốc. (Ảnh: Gmw.cn)

Múa lân chào đón năm mới ở Trung Quốc. (Ảnh: Gmw.cn)

Một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh trang trí đón Tết bằng các chú thỏ ngộ nghĩnh, đáng yêu. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh trang trí đón Tết bằng các chú thỏ ngộ nghĩnh, đáng yêu. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Quà tặng lưu niệm dịp Tết chủ yếu gắn với hình ảnh thỏ. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Quà tặng lưu niệm dịp Tết chủ yếu gắn với hình ảnh thỏ. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Người dân Trung Quốc đón năm Quý Mão khi nhiều hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ. (Ảnh: Gmw.cn)

Người dân Trung Quốc đón năm Quý Mão khi nhiều hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ. (Ảnh: Gmw.cn)

Item 1 of 4

Múa lân chào đón năm mới ở Trung Quốc. (Ảnh: Gmw.cn)

Múa lân chào đón năm mới ở Trung Quốc. (Ảnh: Gmw.cn)

Một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh trang trí đón Tết bằng các chú thỏ ngộ nghĩnh, đáng yêu. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh trang trí đón Tết bằng các chú thỏ ngộ nghĩnh, đáng yêu. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Quà tặng lưu niệm dịp Tết chủ yếu gắn với hình ảnh thỏ. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Quà tặng lưu niệm dịp Tết chủ yếu gắn với hình ảnh thỏ. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Người dân Trung Quốc đón năm Quý Mão khi nhiều hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ. (Ảnh: Gmw.cn)

Người dân Trung Quốc đón năm Quý Mão khi nhiều hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ. (Ảnh: Gmw.cn)

Ngày xuất bản: 23/01/2023
Nội dung: HỮU HƯNG
Trình bày: BẢO MINH