Tết Nguyên đán của người Việt

Tết Nguyên đán là kỳ lễ tết quan trọng nhất đối với người Việt trong mỗi năm. Không chỉ là kỳ nghỉ, là những ngày quây quần đoàn tụ gia đình, nhớ về tổ tiên…, Tết Nguyên đán còn như một biểu trưng của văn hóa Việt, mang những bản sắc riêng đậm dấu ấn dân tộc Việt.

Ông Công, ông Táo

Tết thực ra đã bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, ngày Ông Công, Ông Táo lên chầu Trời.

Đó là ngày Táo quân, vị thần trông coi bếp, theo tục truyền, lên Thiên đình tâu trình cụ thể với Ngọc Hoàng về cách ăn ở của gia đình trong năm qua. Táo quân thường được biểu trưng bằng hai vị thần nam và một vị thần nữ, thể hiện ở ba ông đầu rau tức là ba viên gạch kê bếp, sau này là cái kiềng đun bếp.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên, một hòn tượng trưng cho đất nói chung, hòn thứ hai tiêu biểu cho đất trong nhà, và hòn thứ ba là thần bếp.

Bộ lễ cúng ông Công, ông Táo được bày bán khắp nơi trên phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Minh Duy-Thạch Phan)

Bộ lễ cúng ông Công, ông Táo được bày bán khắp nơi trên phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Minh Duy-Thạch Phan)

Ngày 23 tháng Chạp, mọi nhà đều cúng thần bếp bằng mâm cỗ đủ đầy, thể hiện cuộc sống cả năm sung túc. Sử gia Georges Pisier (1910-1986), mô tả: “Ngày 23 tháng Chạp, ông Táo, hay còn gọi là ông Vua bếp, đi lên trời trong bảy ngày để báo cáo với Ngọc Hoàng. Trong dịp này, người ta dâng tặng Táo quân nhiều vật phẩm và các phương tiện đi lại như hia và mũ cánh chuồn.

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên mô tả: “Người ta đốt cho các thần những chiếc mũ đẹp trang điểm hoa sặc sỡ, nhiều thoi vàng và bạc bằng hàng mã. Người ta thả xuống con sông gần nhất những con cá chép dùng làm ngựa cho các thần đó cưỡi trên chặng đường mây dài từ đất lên trời. Chuyến đi lên trời này được nhiều người quan tâm. Bằng những đồ cúng hậu hĩ và bằng lời cầu khấn, họ tìm cách làm vừa lòng những vị thần mang sớ tấu trình hằng năm về các hành động tốt và xấu của người trần”.

Người dân đốt vàng mã. (Ảnh: Thành Đạt)

Người dân đốt vàng mã. (Ảnh: Thành Đạt)

Tùy theo phong tục vùng miền mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo giữa 3 miền bắc-trung-nam có sự khác biệt nhất định. Đồ lễ để cúng ông Công, ông Táo thường có một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo. Ở miền trung, người ta cúng một con ngựa giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

Cá chép vàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo. (Ảnh: Thành Đạt)

Cá chép vàng phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo. (Ảnh: Thành Đạt)

Ngày nay, vào dịp lễ ông Công, ông Táo, các chợ thường bán sẵn cá chép đỏ cỡ nhỏ, người mua chỉ việc thả vào chậu đưa lên mâm cúng. Cúng xong đem ra ao, hồ, mương…, thậm chí là bể cá cảnh công cộng để thả.

Ngoài ra, cũng có rất nhiều hình thức “cá chép” khác thay thế cho cá chép thật, như xôi ép trong khuôn hình cá, bánh thạch hình đàn cá, thậm chí cá chép giấy để cúng xong rồi hóa…

Về quê ăn Tết

Qua ngày 23 tháng Chạp, những người xa quê thường nhớ quê da diết, chỉ mong ngóng được trở về. Và từ xưa đến nay, những cuộc hành hương về quê ăn Tết vẫn diễn ra mỗi dịp Tết đến Xuân về. Vì thế, Tết Nguyên đán còn là cái tết sum vầy, tết đoàn viên.

Những hình ảnh hân hoan, vui mừng của các gia đình chuẩn bị về đón Tết tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Thành Đạt)

Những hình ảnh hân hoan, vui mừng của các gia đình chuẩn bị về đón Tết tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Thành Đạt)

Nhiều người xa quê đến hàng chục năm, vất vả bôn ba kiếm tiền, lập nghiệp, chỉ đợi ngày đủ đầy để chọn một cái Tết trở về quê, để được ăn một bữa cơm gia đình, được ngửi mùi hương khói bếp quen thuộc, được ôm lấy cha mẹ già sau bao năm chờ đợi mỏi mòn…

Một gia đình nhỏ trên hành trình về quê ăn Tết. (Ảnh: Nhật Quang)

Một gia đình nhỏ trên hành trình về quê ăn Tết. (Ảnh: Nhật Quang)

Ngày nay, trong quá trình đô thị hóa, có một cuộc di cư lớn từ nông thôn ra thành thị, và cũng có một cuộc trở về lớn tương tự mỗi dịp cuối năm. Nhưng trái với cuộc di cư ra thành phố chầm chậm, rải rác từ nhiều ngày, nhiều tháng trong năm, về quê ăn Tết lại là cuộc di chuyển đầy biến động trong một khoảng thời gian nhất định của những ngày nghỉ Tết.

Sân bay Nội Bài những ngày giáp Tết Quý Mão 2023. (Ảnh: Thành Đạt)

Sân bay Nội Bài những ngày giáp Tết Quý Mão 2023. (Ảnh: Thành Đạt)

Mặc dù các phương tiện tàu, xe khách, máy bay đều được tăng chuyến, nhưng sự quá tải lượng người đi lại vẫn thường xuyên diễn ra vào dịp Tết. Song ý nghĩa của sự đoàn viên quá lớn nên nhiều người chấp nhận chậm tàu, kẹt xe hàng nhiều giờ để được trở về.

Người dân mang theo quất về quê đón Tết. (Ảnh: Nhật Quang)

Người dân mang theo quất về quê đón Tết. (Ảnh: Nhật Quang)

Về quê ăn Tết ở Việt Nam thường diễn ra từ sau ngày 23 tháng Chạp cho đến ngày 30 Tết, thậm chí có những chuyến bay hay tàu, xe xuyên giao thừa. Chưa có con số thống kê lượt di chuyển vào dịp Tết của người Việt. Còn ở Trung Quốc, mùa “Xuân vận” thường có vài ba tỷ lượt đi lại.

Một bé gái vui vẻ và háo hức khi xe chuẩn bị lăn bánh, đưa cả gia đình về với nơi quê nhà. (Ảnh: Nhật Quang)

Một bé gái vui vẻ và háo hức khi xe chuẩn bị lăn bánh, đưa cả gia đình về với nơi quê nhà. (Ảnh: Nhật Quang)

Chuẩn bị Tết

Nhiều người cho rằng chuẩn bị đón Tết chính là khoảng thời gian háo hức nhất của một cái Tết. Trong sự vội vã, hối hả của những ngày cuối năm, người ta đi chợ Tết để tỉ mỉ sắm sanh từng chiếc lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, cho đến những thứ để chơi Tết như hoa thủy tiên, đào, mai, quất…

Trên chiếc xe thồ nặng trở về sau phiên chợ, người phụ nữ không quên chở theo mớ mùi già về “tẩy trần” trước khi sang năm mới.

Chợ phiên vùng cao ngày Tết ở huyện biên giới Mường Khương, Lào Cai. (Ảnh: Quốc Hồng)

Chợ phiên vùng cao ngày Tết ở huyện biên giới Mường Khương, Lào Cai. (Ảnh: Quốc Hồng)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên mô tả không khí một phiên chợ giữa phố Hà Nội: “Các con đường có bộ mặt mới rất sống động và đẹp như tranh vẽ. Góc đường là chỗ của người bán hoa, cây xanh, tranh dân gian, thực phẩm… Người ta mua cây hoa thủy tiên, cây cho bông hoa đầu tiên chỉ vào đêm giao thửa. cây cảnh trĩu quả đỏ, cành đào hay cây hải đường với muôn vàn nụ hồng, đỏ thắm… Phụ nữ đi chợ tích trữ đủ thứ như thịt cá, trái cây, rau củ… Bởi vì trong ba ngày Tết, các chợ và cửa hàng đóng cửa”.

Chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội những ngày gíap Tết Quý Mão 2023. (Ảnh: Thành Đạt)

Chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội những ngày gíap Tết Quý Mão 2023. (Ảnh: Thành Đạt)

Dường như thói quen tích trữ thực phẩm này vẫn còn đến tận ngày nay, mặc dù điều kiện mua bán thực phẩm bây giờ dễ dàng hơn nhiều, các siêu thị, cửa hàng nhiều nơi cũng mở cửa xuyên Tết, nhưng với nhiều bà nội trợ, một tủ lạnh đầy ắp thức ăn mới là sự chuẩn bị chu đáo nhất cho Tết.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Emart quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy)

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Emart quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy)

Chợ Tết không chỉ là nơi mua bán đồ ăn thức uống. Hình ảnh những ông đồ ngồi viết chữ trên những tờ giấy hồng điều đã trở thành một phần không thể thiếu của không khí Tết.

Xin chữ ông đồ. (Ảnh: Thành Đạt)

Xin chữ ông đồ. (Ảnh: Thành Đạt)

Ngày nay, ở bất kỳ không gian chợ Tết nào, cũng có thể bắt gặp những ông đồ hiện đại, trong bộ trang phục áo the khăn xếp, đang múa bút viết chữ trên giấy điều. Chỉ có điều khác xưa là ông đồ ngày nay không nhất thiết phải biết chữ Nho, chữ Hán, mà chỉ cần những nét chữ thư pháp quốc ngữ thật đẹp, như rồng bay phượng múa là cũng đủ thu hút người xem và người mua chữ.

Chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt)

Chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt)

Để chuẩn bị Tết, thứ quan trọng nhất với người miền bắc là nồi bánh chưng, còn miền trung và nam là bánh tét.

Tượng trưng cho Đất, chiếc bánh chưng có hình dáng vuông vức, đẹp mắt.

Nhân bên trong là thịt mỡ với đậu xanh, bên ngoài là những hạt nếp chắc mẩy được gói cẩn thận bằng lá dong và luộc chín.

Luộc bánh chưng là công đoạn thú vị nhất, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Thường sẽ vài gia đình chung nhau luộc một nồi to, ngon nhất là luộc trên bếp củi. Người ta thường luộc bánh qua đêm, và cùng nhau “canh” nồi bánh, chủ yếu để thêm nước vào và giữ ngọn lửa đủ độ để không cháy và cũng không sượng bánh.

Người lớn, trẻ nhỏ rộn ràng luộc bánh chưng. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Người lớn, trẻ nhỏ rộn ràng luộc bánh chưng. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Quanh nồi bánh chưng, người ta có thể nướng đủ thứ khoai, ngô, sắn, trứng… trong lúc đợi bánh chín. Và những đứa trẻ thường háo hức rủ nhau gắng thức để chờ vớt những chiếc bánh bé đầu tiên của mình.

Gói bánh tét ở xóm bánh tét, ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Gói bánh tét ở xóm bánh tét, ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Nếu bánh chưng có nguồn gốc từ đời vua Hùng thứ 16 theo "Sự tích bánh chưng, bánh dày", thì bánh tét của người miền nam lại gợi nhớ về vị vua tài ba Quang Trung. Ban đầu, món bánh này được vua ra lệnh gói vào dịp Tết và đặt tên là bánh Tết. Tuy nhiên, qua bao năm, được đọc lái thành bánh tét như ngày nay.

Gạo nếp làm bánh tét Nhị Bình được ngâm với nước cốt lá dứa nên có mùi thơm đặc biệt. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Gạo nếp làm bánh tét Nhị Bình được ngâm với nước cốt lá dứa nên có mùi thơm đặc biệt. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bánh tét có điểm tương đồng với bánh chưng về phần nhân bao gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, chỉ khác với lớp lá chuối bên ngoài. Ngoài ra, bánh tét còn được gói chay với nhân đậu xanh, đậu đen hay chuối với đủ mọi kích cỡ khác nhau, vô cùng đa dạng.

(Ảnh: TTXVN)

(Ảnh: TTXVN)

Hoàn thành nồi bánh chưng, bánh tét, với nhiều nhà đã coi như xong cái Tết. Ngày nay, bánh chưng, bánh tét mùa nào cũng sẵn, Tết lại càng nhiều lựa chọn. Nhiều gia đình không có thời gian gói, luộc bánh, chỉ mua một vài cặp để lên bàn thờ ngày Tết.

Luộc bánh chưng. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Luộc bánh chưng. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Không phải tự nhiên mà những ngày giáp Tết được coi như “ngày hội dọn nhà”. Từ xa xưa, việc dọn dẹp nhà cửa trước Tết đã là thói quen của nhiều gia đình.

Cụ Nguyễn Văn Huyên mô tả: “Người ta lau chùi đồ thờ cúng bằng gỗ, đánh bóng đồ đồng hoặc thép. Người ta thay tro trong lư hương, gắn đèn mới vào chân đèn, lau chân đèn, rửa bài vị thờ bằng nước rễ thơm… Trong bếp người ta lau dọn, thay thế những viên gạch cũ dùng làm kiềng ba chân và ném xuống sông gần đó. Ở nhà người giàu, người ta lấy những tấm khăn thêu được cất cẩn thận trong năm để phủ lên mặt bàn, mặt tủ trong nhà, bọc gối, nệm và trải chiếu cạp điều lên giường, ghế và sofa”.

Việc dọn dẹp này cũng được nhà sử học Georges Pisier mô tả: “Người ta cũng sửa soạn nhà cửa, đánh bóng đồ đồng, chà sàn nhà, lau chủi mọi thứ. Lò sưởi được dọn dẹp sạch sẽ, những viên gạch cũ được thay mới. Người ta phủi bụi những ngóc ngách trong nhà, lấy khăn thêu, chiếu, đệm, gối ra. Ngôi nhà như trải qua một sự biến hóa thực sự”.

Trang trí nhà cửa chuẩn bị đón Tết. (Ảnh: Thành Đạt)

Trang trí nhà cửa chuẩn bị đón Tết. (Ảnh: Thành Đạt)

Việc trang hoàng nhà cửa không thể thiếu được cành đào, cành mai, một trong những biểu trưng đặc biệt của mùa xuân, của năm mới. Cảnh đào, theo những phân tích của nhà sử học Georges Pisier: “có ý nghĩa tưởng niệm. Người ta kể rằng phong tục từ xưa là gắn một lá bùa lên cành đào để xua đuổi tà ma. Qua nhiều thời kỳ, lá bùa đã biến mất, nhưng công dụng của cành đào vẫn còn. Nó được bảo quản dễ dàng hơn, cành đào được trang trí rất đẹp và hoa có màu đỏ hồng của hạnh phúc”.

Miền bắc có hoa đào thì miền nam có hoa mai. Màu vàng của hoa mai từ lâu được xem là màu tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Người ta trưng hoa mai vào dịp Tết với mong muốn một năm mới phát tài, giàu sang. Theo quan niệm của nhiều người, nhà nào có hoa mai nở càng nhiều cánh thì nhà đó càng may mắn và sung túc trong năm mới.

Miền bắc có hoa đào thì miền nam có hoa mai. (Ảnh: Anh Đào)

Miền bắc có hoa đào thì miền nam có hoa mai. (Ảnh: Anh Đào)

Cây mai có rễ cắm sâu vào lòng đất, không bị gục ngã trước gió bão. Mai cũng có thể chịu đựng được mọi loại thời tiết, kể cả khắc nghiệt. Bởi vậy mà mai còn tượng trưng cho phẩm đức nhẫn nại và đức hy sinh cao cả, sự bền bỉ của người Việt. Hoa mai còn là biểu tượng cho sự cao thượng, quyền quý.

Giao thừa

30 Tết là ngày mang đậm dấu ấn Tết nhất. Thông thường, ngày 30 là ngày bận rộn nhất, vội vã nhất, nhưng cũng vui và rộng ràng nhất trong gia đình. Ban ngày đi chợ, dọn nhà, buổi chiều cả nhà bắt tay vào làm mâm cơm tất niên, mâm cơm cuối cùng của năm cũ. Mâm cơm truyền thống bao giờ cũng phải có đủ đĩa gà luộc, bát canh bóng, đĩa xào, đĩa giò lụa, bát miến, cùng một vài món khác.

Một tục lệ mà người Việt thời nay vẫn duy trì là tắm lá mùi già. (Ảnh: Thành Đạt)

Một tục lệ mà người Việt thời nay vẫn duy trì là tắm lá mùi già. (Ảnh: Thành Đạt)

Chiều cuối năm còn một tục lệ mà người Việt thời nay vẫn duy trì là tắm lá mùi già. Theo quan niệm xưa, việc tắm lá mùi vào ngày cuối năm là để xua tan những điều xui xẻo, không vui trong năm cũ để sẵn sàng đón một năm mới tốt đẹp hơn.

Giao thừa là thời khắc chuyển giao vô cùng quan trọng từ năm cũ sang năm mới. Đêm giao thừa còn có một tên gọi khác nữa là đêm Trừ Tịch, được bắt đầu từ 11 giờ đêm này 30 đến 1 giờ sáng của ngày mùng 1 Tết năm mới. Đêm giao thừa là đêm linh thiêng nhất đối với mọi gia đình Việt Nam, với quan niệm là thời điểm trời đất giao hòa, âm dương hòa hợp với sức sống mãnh liệt đầy hy vọng mới.

Thời khắc này, các gia đình sẽ cùng làm lễ thắp hương để cúng tổ tiên, ông bà, gia đình cùng quây quần bên nhau, tiễn năm cũ đi để chào đón năm mới. Với mong muốn cầu sức khỏe, may mắn, bình an và tài lộc cho tất cả mọi thành viên trong gia đình.

Nghệ nhân Ánh Tuyết với mâm cỗ Tết truyền thống Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN)

Nghệ nhân Ánh Tuyết với mâm cỗ Tết truyền thống Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN)

Mâm cúng giao thừa, thường gồm một chai rượu, một chiếc bánh chưng, đĩa muối, gạo, đĩa hoa quả gồm nải chuối, một quả bưởi nguyên cành lá, những quả quất nhỏ gài ở kẽ nải chuối… và không thể thiếu con gà luộc ngậm một bông hoa hồng, cùng vàng hương, và lá sớ dâng thần linh.

Khi thời khắc giao thừa đến, người chủ gia đình bước ra thắp hương, đọc lời khấn cầu an, cầu phúc cho gia đình, dâng lễ vật lên tiễn vị thần cai quản năm cũ và chào đón vị thần cai quản năm mới.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên viết: “Quá nửa đêm, người ta kê một cái bàn ở giữa sân cúng Thượng đế cùng Táo quân sắp từ trời trở về sau khi dâng tờ tấu trình hằng năm. Người ta đặt trước các mũ thần bằng giấy nhiều màu, những đĩa kẹo, những chén trà, rượu, hương, nến… Ở nhiều nhà, người ta bày lên bàn thờ một con gà trống mà chân gà sẽ nói cho chủ nhân biết, nhờ sự giải thích của các thầy cúng và thầy bói, điều ông ta phải chờ đợi trong năm mới đang bắt đầu”.

Người Việt có tục cúng giao thừa ngoài trời để đón quan Hành khiển cai quản năm mới. (Ảnh: Trần Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam)

Người Việt có tục cúng giao thừa ngoài trời để đón quan Hành khiển cai quản năm mới. (Ảnh: Trần Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam)

Trước đây, vào buổi tối trước giao thừa, nhất là sau khi cúng gia tiên xong, người ta sẽ đốt một quả pháo. Tiếng pháo trong ngày Tết không chỉ mang ý nghĩa xua đuổi tà ma hay những điều xui xẻo, mà đằng sau ánh sáng lấp lánh trong tiếng nổ giòn ấy là những ước mong về năm mới bình an, may mắn.

Còn ngày nay, người dân đã mất dần thói quen đốt pháo sau khi bị cấm. Thay vào đó, họ nhìn lên bầu trời lấp lánh ánh sáng pháo hoa đêm giao thừa để cầu mong một năm mới may mắn rực rỡ.

Cúng giao thừa xong, nhiều gia đình có thói quen đi chùa lễ Phật. (Ảnh: Thành Đạt)

Cúng giao thừa xong, nhiều gia đình có thói quen đi chùa lễ Phật. (Ảnh: Thành Đạt)

Cúng giao thừa xong, nhiều gia đình có thói quen đi chùa lễ Phật. Chùa nào vào đêm giao thừa cũng nghi ngút đèn hương, mọi người thành tâm khấn những ước nguyện đầu tiên cho năm mới.

Ngày Tết

Mặc dù đêm giao thừa ai cũng thức khá muộn nhưng sáng mùng 1 Tết đều phải dậy sớm để chuẩn bị mâm cúng tân niên. Sau đó, ai nấy đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ, người lớn mừng tuổi trẻ nhỏ.

Trước kia, mừng tuổi chỉ là những đồng tiền có mệnh giá nho nhỏ, để trẻ con để dành và coi như một cách “lấy lộc” cho năm mới. Nhưng ngày nay, tiền mừng tuổi đã ít nhiều bị biến tướng, và đã có sự so kè giá trị của tiền mừng tuổi, khiến cho tục mừng tuổi dần mất đi ý nghĩa tốt đẹp và nhân văn ban đầu.

Chúc Tết ngày đầu năm. (Ảnh: Thành Đạt)

Chúc Tết ngày đầu năm. (Ảnh: Thành Đạt)

Trong ngày đầu tiên của năm mới, việc người khách nào bước chân vào nhà đầu tiên có ý nghĩa khá quan trọng với gia chủ, gọi là xông đất. Thường thì gia chủ mong muốn một người hợp với mình để cầu một năm mới may mắn, phát tài. Có những người cầu kỳ còn đi xem tuổi nào, mệnh nào hợp với chủ nhà để nhờ người tuổi đó, mệnh đó đến xông đất.

Trong ngày đầu tiên của năm mới này, người Việt có khá nhiều điều kiêng kỵ, chủ yếu với mục đích cầu may mắn, an lành cho cả năm, như tục kiêng quét nhà, kiêng làm vỡ đồ vật trong nhà, kiêng khóc lóc, cãi nhau, kiêng nói những lời không hay, làm những việc không hay… Trẻ nhỏ hay những người làm công việc liên quan đến viết lách, chữ nghĩa thường được khuyên “khai bút” trong những ngày đầu năm, để một năm mới thông suốt, thuận lợi, học hành giỏi giang…

Học sinh tại thành phố Hải Phòng tham dự lễ khai bút đầu Xuân tại Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Học sinh tại thành phố Hải Phòng tham dự lễ khai bút đầu Xuân tại Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng mùng 1, sau khi chúc Tết và mừng tuổi trong gia đình, cả nhà sẽ cùng nhau đi lễ chùa, hái một búp lộc nhỏ cầu may. Ngày nay, người ta thay thế những búp lộc bằng cách bán những cây mía có buộc dải vải đỏ để hạn chế việc bẻ cành, phá cây. Sáng mùng 1 cũng có nhiều người rao bán muối trong những túi vải nhỏ màu đỏ, theo tục “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, mong muốn những điều may mắn, đậm đà sẽ đến với mình trong năm mới.

“Mùng 1 Tết Cha, mùng 2 Tết Mẹ, mùng 3 Tết Thầy” – câu tục ngữ này cũng phản ánh phong tục mà cho đến bây giờ nhiều người vẫn giữ: đi chúc tết nhà nội, nhà ngoại và thăm các thầy học của mình.

Tết cũng là dịp mọi người đi thăm họ hàng, bạn bè, gặp gỡ nhau. Nhiều người có thói quen “du xuân”, họ thường đi chơi ở các địa điểm công cộng, như vườn hoa, công viên…, chụp lại những tấm hình kỷ niệm từng năm.

Du xuân, lễ chùa đầu năm. (Ảnh: Thành Đạt)

Du xuân, lễ chùa đầu năm. (Ảnh: Thành Đạt)

Ngày nay, thói quen đón Tết cũng đã có nhiều thay đổi. Thay vì ở nhà cúng lễ đủ từ 3 đến 5 ngày, nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ, đã rút gọn thủ tục cúng lễ của mình để dành thời gian đi du lịch, đi chơi xuân.

Những ngày tết khép lại với lễ cúng gia tiên trở về thế giới bên kia, còn gọi là lễ hóa vàng. Sau lễ hóa vàng, nhịp sống gần như trở lại bình thường, các hàng quán mở cửa trở lại. Những người về quê ăn Tết nhộn nhịp trở lại thành phố.

Tuy nhiên, Tết của người Việt mới chỉ là khởi đầu của một tháng đầy ắp các lễ hội, mà dân gian vẫn gọi là “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…”.

Chơi hội. (Ảnh: Thành Đạt)

Chơi hội. (Ảnh: Thành Đạt)

Xuất bản ngày: 21/01/2023
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH-HỒNG VÂN
Nội dung: TUYẾT LOAN-HỒNG VÂN
Âm thanh: THI UYÊN-TRUNG HIẾU
Video: Truyền hình Nhân Dân
Trình bày: BÔNG MAI-MINH TIẾN
Ảnh: THÀNH ĐẠT, TTXVN