Tết Trung thu:

Nét truyền thống giữa biến thiên lịch sử

Trải qua sự biến thiên của dòng chảy lịch sử, Tết Trung thu đã có những thay đổi để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh xã hội của từng giai đoạn. Cho đến nay, ít nhất, những điều cơ bản của Trung thu vẫn tồn tại và được lưu giữ.

Trung thu xưa

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ văn hóa du nhập nhưng qua thời gian, Tết Trung thu đã trở thành một nghi thức lễ tết mang những đặc trưng riêng của văn minh lúa nước, của văn hóa Việt Nam. Từ những nghi thức, lễ vật, ẩm thực… cho đến trò chơi, đồ chơi của Tết Trung thu… đều mang đậm dấu ấn những ước vọng, khát khao, mong muốn bắt nguồn từ nền văn hóa bản địa.

Nguồn gốc Tết Trung thu

Trong sách sử chính thống hoặc tư liệu, tài liệu sử để lại, chưa có thông tin nào xác định rõ nguồn gốc của Trung thu, hay còn gọi là Tết trông trăng. Chỉ biết rằng, Tết Trung thu từ rất lâu rồi không những là ngày Tết của trẻ em, mà còn là dịp thưởng thức những sản vật của mùa thu đang vào độ ngon nhất trong năm, trổ tài nấu nướng, trang trí và cũng là lúc cả gia đình quần tụ, đoàn viên, như hình ảnh mặt trăng tròn vành vạnh.

Không ai biết Tết Trung thu có từ bao giờ, hoặc chính thức từ khi nào người Việt bắt đầu “ăn” Tết Trung thu. Sách “Việt Nam phong tục” của soạn giả Phan Kế Bính, có ghi lại rằng, Tết Trung thu còn gọi là Tết trẻ em, với tục treo đèn bày cỗ xuất phát từ điển tích liên quan đến lễ sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, cả nước treo đèn kết hoa, lâu dần thành tục lệ. Và ở Việt Nam, do những ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, cũng theo tục treo đèn vào đêm rằm tháng Tám.

Cụ Phan Kế Bính còn lý giải, tục rước đèn có từ đời Tống, truyền rằng thời vua Nhân Tôn có con cá chép thành yêu tinh, cứ đêm trăng lại biến thành cô gái làm hại người. Lúc đó ông Bao Công giúp dân làm chiếc đèn hình con cá để soi khi đi ngoài đường, khiến con tinh cá chép sợ mà không dám hại người nữa. Cụ Phan Kế Bính cũng giải thích thêm: “Lời ấy huyền hoặc lắm, vị tất đã thật”.

Sách “Hội hè lễ tết của người Việt” của tác giả Nguyễn Văn Huyên cũng đề cập đến sự tích Trung thu liên quan đến vua Đường Minh Hoàng (thế kỷ VII): “Một đêm rằm tháng Tám, vua ra khỏi cung và được một đạo sĩ chống gậy đến mời lên cung trăng dạo chơi”. Nhà vua đã thấy một thế giới khác hẳn trần gian, cây cối đang trổ hoa, thảm cỏ thơm và mượt như nhung, cung điện nguy nga có chữ “Cung Quảng Hàn”, những nàng thiếu nữ xinh đẹp mặc xiêm hồng và áo trắng múa theo nhạc. Lúc trở về trần gian, nhớ những kỳ quan trên cung trăng, nhà vua đã sai các cung tần múa và đàn ca điệu này”.

Sách “Bắc Kỳ tạp lục” của Henri-Emmanuel Souvignet xuất bản năm 1903 viết ngắn gọn: “Ngày 15 tháng Tám âm lịch, Tết Trung thu, trong ngày này mọi người làm và ăn những chiếc bánh có hình mặt trăng (bánh nguyệt hay bánh mặt trăng)”.

Thậm chí, trong sách “Việt Nam Văn Minh Sử” của tác giả Lê Văn Siêu hồi đầu thế kỷ 20, khi phân tích các hình ảnh trên trống đồng Ngọc Lũ (văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 2.500 năm), cũng đề cập đến tháng Tám trăng sáng nhất, cùng các công việc chuẩn bị hội hè trước ngày đông chí, trùng hợp với khoảng thời gian diễn ra Tết Trung thu sau này.

Ý nghĩa Tết Trung thu

Tết Trung thu diễn ra cũng vào thời điểm kết thúc mùa vụ, công việc nhà nông đỡ bận rộn hơn, các sản vật thu hoạch cũng dồi dào.

Khác với Tết Nguyên đán đầu năm mang ý nghĩa kết thúc năm cũ và đón mừng một năm mới, Tết Trung thu có nhiều ý nghĩa, mang những ước vọng, mong muốn của những tầng lớp xã hội khác nhau, như đoán định mùa vụ năm tới, đoán định vận nước, vận vua, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gửi gắm ước nguyện thành đạt, có vị trí trong xã hội, trong triều đình, thưởng thức những sản vật ở độ ngon nhất trong năm (tổng kết một mùa vụ). Tết Trung thu cũng mang ý nghĩa sự tụ họp, đoàn viên trong gia đình.

Cuốn “Hội hè lễ tết của người Việt” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên đề cập đến khá nhiều ý nghĩa khác nhau của Tết Trung thu.

GS, TS, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Nguyễn Văn Huyên phân tích: “Các lễ hội của người Việt đều theo mùa, nghĩa là có liên hệ với sự nối tiếp của thời gian. Ở nơi nghề nông chiếm vai trò hàng đầu này, mọi người rất coi trọng những trận mưa làm cho đất đai màu mỡ. Ở xứ này, rồng là biểu tượng của mưa và sự phì nhiêu … Trong ý thức dân gian, rồng có vai trò hàng đầu trong sự điều tiết các cơn mưa sinh ra những vụ thu hoạch tốt là nguồn gốc của hòa bình xã hội và chính trị…

Hội rồng thực sự là vào Trung thu. Nó phải bảo vệ các mùa gặt lớn tháng Mười”. Đó cũng là lý do người ta rước rồng long trọng qua các phố, với những tấm biển sáng có hàng chữ “Hoàng Long Thịnh Thế” (mong rồng vàng làm cho cuộc sống phồn thịnh) hay “Thiên Hạ Thái Bình”. Đó là mong ước bảo đảm cho mình có cuộc sống phồn thịnh và sự yên ổn…”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên cũng cũng đề cập đến việc tiên đoán các mùa vụ sau dựa trên dáng vẻ của trăng. Người ta sẽ rút ra các điềm báo trước tương lai của đất nước dựa trên hình dáng và màu sắc của trăng đểm rằm, thí dụ như sẽ có một vụ mùa bội thu, tằm nhả nhiều tơ, đất nước thái bình và đức hạnh, thế gian vui vẻ, hay vua đam mê tửu sắc, bạo hành, hoặc sắp có nổi loạn hay chiến tranh…

Cụ Nguyễn Văn Huyên còn nhắc đến ý nghĩa “Tết dạm hỏi” của Tết Trung thu, do đây là dịp nam nữ gặp gỡ nhau, hò hát đối với nhau, làm quen và nên duyên.

"Trung thu, Tết của mặt trăng, đồng thời cũng là tết dạm hỏi, lúc cả nam và nữ đều tìm cách làm vừa ý người khác và tìm thấy trong đám đông người bạn đời tương lai của mình. Họ tụ tập từng nhóm từ 6-8 người, ngay lúc sẩm tối, trước cửa hay trong sân nhà mình. Họ đứng thành hai phe, một phe nữ, một phe nam. Và họ vừa hát đối vừa ngắm trăng. Tiếp theo những cảnh hát đối dáp này thường là lễ dạm hỏi và cưới xin…" (Hội hè lễ tết của người Việt - Nguyễn Văn Huyên)

Sau này, Tết Trung thu cũng trở thành cái Tết ngắm trăng, thưởng trà và làm thơ của nhiều nhà nho có tính nghệ sĩ. Họ đã nâng thú ăn chơi Tết Trung thu lên thành một loại nghệ thuật, cầu kỳ từ cách thưởng trà, ngắm trăng…

Còn đối với giới học trò, Trung thu như ngày tết của tương lai, mở đầu cho các kỳ đỗ đạt sắp tới. Các biểu tượng cho việc học hành thành tài, đỗ đạt vinh quang và được bổ vào các chức quan cao của triều đình là con cóc ba chân (cóc vàng), cây nguyệt quế, cá chép (cá chép vượt vũ môn, cá chép nuốt trăng). Các đồ chơi mang hình tượng ông tiến sĩ, trạng nguyên… bày trên mâm cỗ Trung thu cũng mang ý nghĩa này.

Đối với trẻ nhỏ, Trung thu là một lễ hội thực sự dành riêng cho mình, với đầy đủ từ đồ ăn đến đồ chơi. Và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trung thu cũng trùng với thời điểm đến trường của trẻ em, vì thế Trung thu còn mang ý nghĩa gửi gắm ước vọng học hành thành tài của cha mẹ đối với trẻ nhỏ, thông qua các món đồ chơi hay vật dụng được bày trên mâm cỗ.

Các tục lệ trong Tết Trung thu

Trong dịp Tết Trung thu, từ gia đình đến ngoài xã hội, mọi người thực hiện những tục lệ đã được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tết Trung thu có những “thành phần” thật đặc biệt, hoặc là chỉ xuất hiện trong dịp này, hoặc là một thứ rất bình thường ở mọi thời điểm khác trong năm nhưng vào dịp Trung thu lại mang một ý nghĩa khác biệt.

Những “thành phần” này của Trung thu, cho đến nay đã trở thành biểu tượng, như mâm ngũ quả, đồ chơi Trung thu, bánh Trung thu… Có những tập tục riêng của Tết Trung thu đến bây giờ vẫn còn tồn tại, như tục rước đèn, trang trí mâm cỗ Trung thu, tục phá cỗ. Cũng có những tập tục đến bây giờ chỉ còn lưu lại trong những trang sách…

Mâm ngũ quả

Tết Trung thu không thể thiếu được mâm ngũ quả. Ngũ quả là 5 loại quả, thường không thể thiếu những thức quả mùa thu đặc trưng như chuối, bưởi, bòng, na, hồng đỏ, hồng ngâm, thị…. Mâm ngũ quả thường bày cùng với bánh Trung thu, các con vật hoặc hoa lá được tỉa từ trái cây hay một số loại củ như cà rốt, củ cải, đu đủ xanh… Có nhà cầu kỳ bày thêm đĩa cốm đặt trên lá sen.

Sách “Việt Nam phong tục” của soạn giả Phan Kế Bính liệt kê khá cụ thể những món đồ ăn trong dịp Tết Trung thu: “Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt giăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sắc sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm, con cá coi cũng đẹp”.

Những món đồ trang trí trong mâm cỗ Trung thu hầu hết đều được những người phụ nữ trong gia đình tự tay làm từ hoa quả, bánh trái…

Sách “Hội hè lễ tết của người Việt” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên viết: “Tết được chuẩn bị từ hai ba tháng trước. Tất cả các cô gái trong gia đình đều bắt tay vào việc làm ra những vật tí xíu dưới sự chỉ dẫn của bà mẹ. Với các quả cây, các cô làm những bông hoa hồng, hoa nhài, bông sen… Những cô gái khác làm hoa bằng giấy, bằng lụa, nhung… Những cô gái khác nữa gọt bằng bột nhuộm nhiều màu những con cá, tôm, tôm hùm, những con vật hoang đường và những cây hiếm có”.

Bàn cỗ Trung thu của một gia đình khá giả, với đủ loại món bánh kẹo, hoa quả và đồ chơi.

Bàn cỗ Trung thu của một gia đình khá giả, với đủ loại món bánh kẹo, hoa quả và đồ chơi.

Một mâm cỗ Trung thu trong một gia đình người Việt thập niên 1940 được mô tả như sau: “Một chiếc bàn được kê giữa nhà. Chiếc bàn được biến thành một khu rộng có tường bao quanh, trong đó có cung điện, vườn, đền chùa và có những cảnh sinh hoạt hoang đường và lịch sử được dựng lại với những đồ vật bằng giấy, bằng bột và quả cây.

Và tất cả những vật đó được trình bày giữa vô số những quả trứng nhuộm ngũ sắc, biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở, các quả dừa được biến thành những con thỏ hiền lành và nhút nhát, những con sư tử và kỳ lân lởm chởm lông làm bằng quả bưởi đã bóc vỏ, các bó mía màu thẫm đẹp, biểu tượng của sự sum họp lứa đôi bền vững, những hiếc bánh dẻo và bánh nướng tiêu biểu cho mặt trăng với đàn thỏ, con cóc hay hai con rồng cuộn quanh vì tinh tú lớn ban đêm…

Phòng lớn được thắp những đèn lồng hình con cá, hình những đèn kéo quân tả những chiến trận lừng danh, những cảnh lịch sử, cảnh một vị anh hùng tiến vào một tòa thành, hay một nhà sư đang tụng kinh trước bàn thờ Phật…”

Ngày nay, cùng với sự sáng tạo được lưu truyền và phát huy qua nhiều thế hệ, mâm cỗ Trung thu được trình bày với rất nhiều hình tượng con vật làm từ trái cây khác nhau như chuột Mickey từ quả bưởi, con cóc làm từ quả su su, con lật đật từ bưởi và cam, con nhím làm từ quả nho và quả lê, con cá từ quả thanh long, cua, bươm bướm làm từ táo…

Nhiều nơi bày cỗ Trung thu cầu kỳ còn ghép các loại hoa quả thành hình rồng, phượng, hoặc tỉa rau củ quả thành hình trang trí, điêu khắc dưa hấu thành những bức tranh rất đẹp.

Bánh Trung thu

Linh hồn của mâm cỗ Trung thu là bánh nướng và bánh dẻo, còn gọi là bánh mặt trăng. Ngày nay, với những quan niệm hiện đại về sức khỏe dinh dưỡng, bánh nướng và bánh dẻo có vẻ như không được ưu tiên trong việc ăn uống, nhưng vẫn là thành phần quan trọng, không thể thiếu được trong mâm cỗ Trung thu. Bánh Trung thu đại diện cho mặt trăng với vẻ đẹp vằng vặc tròn đầy sáng rực rỡ. Một cặp bánh nướng, bánh dẻo tượng trưng cho hai mặt âm và dương, trong đó bánh dẻo tượng trưng cho mặt trăng sáng tròn vành vạnh tinh khôi.

Bánh Trung thu truyền thống của Việt Nam thường có nhân thập cẩm gồm: mỡ đường, hạt dưa, lá chanh, lạp xưởng hoặc gà khô, mứt bí, mứt sen, vừng rang… trộn với rượu Mai Quế Lộ và mạch nha. Những nguyên liệu này và dáng vẻ tròn vành vạnh của chiếc bánh mang ý nghĩa cầu mong mùa màng mưa thuận gió hòa, bội thu nông sản, và cầu mong một sự đoàn tụ gia đình.

Cách thức làm bánh trung thu cổ truyền cũng rất cầu kỳ. Các loại nguyên liệu làm bánh phải được chuẩn bị từ trước đó rất lâu, thậm chí vài tháng. Đường đỏ được nấu với dứa hoặc chanh, mạch nha, nước tro tàu (nước nấu từ tro của rơm, rạ sau vụ mùa), nấu xong đậy kín để om trong hai, ba tháng cho lên màu đẹp rồi mới đem ra làm bánh. Nước đường này trộn vào với bột vỏ bánh để khi nướng lên, bánh có màu nâu đẹp và mềm mại sau khi nướng một ngày.

Hiệu bánh Trung thu nổi tiếng Tùng Hiên tại số 71 phố Hàng Đường, thu hút nhiều vị khách tới mua mỗi mùa Trăng Rằm tháng 8.

Hiệu bánh Trung thu nổi tiếng Tùng Hiên tại số 71 phố Hàng Đường, thu hút nhiều vị khách tới mua mỗi mùa Trăng Rằm tháng 8.

Vỏ bánh dẻo làm từ bột bếp rang chín rồi xay mịn, cũng trộn với nước đường, một chút dầu ăn và nước hoa bưởi cho thơm. Nước đường ở đây khác với nước đường bánh nướng, là chỉ hòa tan đường với nước nóng chứ không phải nấu cầu kỳ và để lâu. Điểm khác biệt của bánh dẻo truyền thống Việt Nam là ở mùi thơm thoang thoảng nhưng vô cùng trong trẻo, tinh khiết và quyến rũ của nước hoa bưởi. Hoa bưởi tháng 3 được hái xuống, đem chưng cách thủy, hơi bốc lên ngưng tụ trên vung nồi được gom lại chính là nước hoa bưởi, sử dụng trong làm bánh, nấu chè, một loại hương liệu đặc biệt của người Việt.

Ngày nay, bánh Trung thu đã được biến tấu, sáng tạo rất nhiều trên cơ sở bánh cổ truyền: Bánh có nhân đậu xanh, đậu đỏ trứng muối, nhân gà quay, nhân yến sào, nhân tiramisu, chocolate, trà xanh, khoai môn, cốm, sữa dừa, vừng đen, cà phê… Hạt dưa cũng có thể thay thế bằng hạt macca, hạt điều, óc chó, hạnh nhân… Vỏ bánh bằng tinh than tre, bột trà xanh, bột cà phê, ca cao… hoặc được nhuộm màu từ nhiều loại cây, lá, quả như lá cẩm, hoa đậu biếc, thanh long…

Hình dáng bánh từ hình tròn nguyên thủy, sau này được biến tấu thành nhiều kiểu hình dáng như con cá, đàn lợn mẹ con. Bánh Trung thu hiện đại ngày nay còn được tạo hình cầu kỳ với các họa tiết nổi kiểu 3D, mang màu sắc rực rỡ như những bức tranh chứ không còn một màu thuần nâu của bánh nướng như trước nữa.

Đồ chơi Trung thu

Đồ chơi Trung thu phổ biến có hai loại là hàng thủ công sản xuất để bán và đồ chơi tự làm. Đồ chơi thủ công gồm các loại đèn, mặt nạ, đầu sư tử, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đồ chơi bằng sắt tây… Đồ chơi tự tạo gồm nhiều loại, từ đơn giản như chiếc ống phốc, đồ chơi gấp giấy… cho đến cầu kỳ một chút như đèn ông sao tự chẻ nan làm khung, tự dán giấy, các loại đèn lồng xếp giấy hoặc tự tạo bằng bìa, vỏ lon…

Tiêu biểu nhất cho đồ chơi Trung thu là các loại đèn. Các loại đèn Trung thu hầu hết đều có cấu trúc chung là có cán dài để cầm hoặc đẩy (đèn ông sư), có khung bằng nan tre, dán giấy bóng kính nhiều màu, bên trong có đế cắm nến để thắp sáng.

Các loại đèn có đèn ông sao (sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có thêm 2 chiếc cờ cắm hai bên để khẳng định độc lập), đèn ông sư, đèn con thỏ, đèn con cá, con tôm…

Ngoài ra còn có đèn lồng, đèn kéo quân. Đèn lồng có nhiều hình dáng, loại có khung nan tre, giấy mờ, cũng có loại đơn giản làm bằng giấy xếp, hình trụ hoặc hình quả bí… Đèn kéo quân là một loại đồ chơi đặc biệt của đêm Trung thu, với những hình ảnh chạy bên trong bóng mờ ảo của giấy đèn do sức nóng của nến, nhìn khá vui mắt. Những quân chạy bên trong đèn kéo quân còn được xây dựng theo các tích, thí dụ như anh học trò vinh quy bái tổ, mục đồng chăn trâu, quân lính ra trận, tứ linh nhảy múa, bác nông dân làm ruộng…

Một cửa hàng bán đèn kéo quân trên phố Hàng Mã, Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt)

Một cửa hàng bán đèn kéo quân trên phố Hàng Mã, Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt)

Còn một loại đèn đặc biệt nữa chỉ còn trong sách vở, đó là đèn xẻ rãnh. Chiếc đèn được mô tả khá kỹ trong truyện ngắn “Đèn đêm thu” (Tập truyện “Vang bóng một thời”) của nhà văn Nguyễn Tuân. Đèn có dáng giống đèn lồng hoặc đèn kéo quân, nhưng cầu kỳ hơn, với nguyên liệu chính là vải nhiễu vụn, giấy màu, dây lạt, que nữa, thêm nến sáp và mai cá mực để đổ và tạc hình các nhân vật trong một tích truyện cổ nào đó.

Đèn được thắp bằng dầu và con bấc, sức nóng của lửa đẩy cho tán đèn chạy, những chiếc “máy gạt” đẩy các nhân vật ra vào theo những rãnh xẻ trên mặt đèn. Đèn được trang trí như một sân khấu tuồng cổ, với các nhân vật được tạo nên bằng phong cách tạo hình của nghệ thuật tuồng. Các tích trò được sử dụng trong đèn cũng là tích tuồng cổ…

Đồ chơi Trung thu ngoài các loại đèn còn có đầu sư tử với tạo hình cổ, có chiếc sừng màu đen, mặt nạ giấy bồi với hình ông địa, các loại con vật thỏ, cáo, trâu, hổ, báo, gấu… và thời hiện đại có cả mặt nạ siêu nhân, người nhện, người dơi, thầy trò Đường tăng… Đầu sư tử và mặt nạ thường đi với nhau và đi kèm với trống. Có nhiều loại trống: trống ếch với đủ loại kích cỡ, trống bỏi với hai viên bi gắn dây buộc hai bên tang trống để mỗi khi quay lại gõ vào trống, phát ra tiếng vui tai.

Đặc biệt, Tết Trung thu còn có loạt đồ chơi bằng giấy dán, mang ước vọng của các bậc cha mẹ về sự nghiệp học hành đỗ đạt của con cái, như các ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy… Ông tiến sĩ giấy và ông đánh gậy đều được làm từ giấy màu cắt dán, với hàng chục công đoạn rất cầu kỳ.

Một cửa hàng bán đồ chơi bằng sắt Tây ở phố Hàng Thiếc.

Một cửa hàng bán đồ chơi bằng sắt Tây ở phố Hàng Thiếc.

Trung thu không thể vắng bóng những món đồ chơi bằng sắt tây. Đây được coi là món đồ chơi “công nghệ” dành cho nhà giàu hồi đầu thế kỷ 20. Trước kia, các món đồ chơi sắt tây rất phong phú, từ con bướm vẫy cánh, con thỏ đánh trống, xe kéo tay, kèn, trống, ô-tô… Tiêu biểu nhất và còn lại duy nhất đến ngày nay là tàu thủy sắt tây, với bình dầu nhỏ được thiết kế để khi đốt lửa lên, tàu có thể chạy được và kêu tạch tạch như tàu thủy thật.

Các bé gái thì không thể thiếu mũ công chúa, lẵng thiên nga, mâm ngũ quả hoặc con giống bột nặn. Lẵng thiên nga được làm bằng giấy, bìa, bông và nan tre. Con thiên nga được tạo hình bằng nắm giấy bản thấm nước, cắm đoạn dây thép vào làm cổ. Mặt lẵng được rắc bông tạo cảm giác như một mặt hồ bồng bềnh sương khói. Cây cối, hoa lá bên hồ được tạo ra từ giấy và que tre. Chiếc lẵng thiên nga từng là niềm mơ ước của nhiều cô gái nhỏ trong những mùa Trung thu từ thời bao cấp.

Lẵng thiên nga bông, một trong những món đồ chơi Trung thu từng rất được ưa chuộng. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Lẵng thiên nga bông, một trong những món đồ chơi Trung thu từng rất được ưa chuộng. (Ảnh: Nam Nguyễn)

Mũ công chúa ngày xưa được làm đơn giản, chỉ bằng giấy, bìa rắc nhũ và trang trí bằng giấy trang kim. Ngày nay, các bé gái có thể thỏa mãn ước mơ trở thành nàng công chúa thực thụ với chiếc vương miện gắn các loại hạt nhựa lấp lánh như thật.

Mâm ngũ quả hay con giống bằng bột nặn được tạo ra từ bột nếp, trộn thêm một số thành phần và nhuộm màu sắc rực rỡ. Cái tài khéo của nghệ nhân làm ra thứ đồ chơi này là sự tưởng tượng và dùng các loại dụng cụ để tạo hình, thí dụ các mắt quả na được tạo từ túi lưới giặt…

Có những món đồ chơi còn tồn tại cho đến ngày nay nhưng cũng có những loại đồ chơi đã mai một hoặc hoàn toàn vắng bóng.

Mũ sư tử được bày bán ở phố Hàng Mã, Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt)

Mũ sư tử được bày bán ở phố Hàng Mã, Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt)

Các loại đèn, mặt nạ, đầu sư tử hiện nay được bày bán khá phổ biến trong dịp Tết Trung thu. Nhưng một số loại đồ chơi đã gần như vắng bóng, như con giống bằng giấy xếp chuyển động trên một con lăn hoặc trục cuốn (trước đây là lõi cuộn chỉ bằng gỗ), đèn xẻ rãnh (hay còn gọi là đèn ngựa chạy), lẵng thiên nga, một số loại đồ chơi sắt tây như thỏ đánh trống, xe kéo tay…

Ngay cả chiếc tàu thủy sắt tây vốn được yêu thích và giới thiệu rất nhiều qua các mùa Trung thu, nay cũng đứng trước nguy cơ mai một vì người thợ thủ công cuối cùng làm tàu thủy đã qua đời, chỉ còn người vợ đã đồng hành cùng anh trong công việc làm ra món đồ chơi độc đáo này.

Sinh hoạt cộng đồng đêm Trung thu

Trong dịp Tết Trung thu, các gia đình hay cộng đồng cũng có những nghi thức, tục lệ sinh hoạt truyền thống, luôn luôn là từ trong gia đình trước rồi mới ra ngoài cộng đồng
Trong gia đình, đêm Trung thu thường cả nhà quây quần bên mâm cỗ ngắm trăng, chờ trăng lên đến thời điểm tròn nhất, đẹp nhất thì cùng nhau “phá cỗ”, ăn các loại bánh trái, hoa quả trên mâm. Trẻ nhỏ kéo nhau đi rước đèn, múa lân, múa rồng, đi qua các nhà lại kéo trẻ con nhà đó đi theo. Đoàn múa lân, rước đèn được nối dài mãi đến tận đêm khuya.

Trẻ con tối hôm ấy, dắt díu nhau từng đàn từng lũ đám thì nhảy vô, đám thì kéo co, đám thì bắt cái hồ khoan, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường, tiếng reo hò, tiếng đùa rầm rĩ. Lại nơi nọ hát trống quân, nơi kia hát trống quýt, tổng chi gọi là cách Trung thu thưởng nguyệt. (Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính)

Múa sư tử mang một không khí phấn khởi vui tươi và no ấm, là niềm say mê cho mọi lứa tuổi.

Múa sư tử mang một không khí phấn khởi vui tươi và no ấm, là niềm say mê cho mọi lứa tuổi.

Trước kia, Tết Trung thu cũng là dịp trai gái gặp nhau hát đối trống quân. Cũng từ tục hát trống quân này, nam nữ gặp gỡ, ưng ý nhau và nên duyên. Cụ Phan Kế Bính ghi lại rằng, tục hát trống quân đêm Trung thu có từ đời Nguyễn Huệ: “Nguyên khi ông đem quân ra bắc, quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Ông ấy mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm giai gái hát đối đáp với nhau, để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm dịp, cho nên gọi là trống quân”.

Từ tục hát trống quân này, Tết Trung thu cũng trở thành “Tết dạm hỏi”, như trong “Hội hè lễ tết người Việt” mô tả: “Trung thu, Tết của mặt trăng, đồng thời cũng là tết dạm hỏi, lúc cả nam và nữ đều tìm cách làm vừa ý người khác và tìm thấy trong đám đông người bạn đời tương lai của mình.

Họ tụ tập từng nhóm từ 6-8 người, ngay lúc sẩm tối, trước cửa hay trong sân nhà mình. Họ đứng thành hai phe, một phe nữ, một phe nam. Và họ vừa hát đối vừa ngắm trăng. Tiếp theo những cảnh hát đối đáp này thường là lễ dạm hỏi và cưới xin…”

Trung thu nay

Trải qua thời gian, Tết Trung thu cổ truyền cũng có nhiều thay đổi cho phù hợp với cuộc sống của mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử. Từ những cái Tết Trung thu tinh tế, cầu kỳ, công phu cổ xưa, cho đến Tết Trung thu thiếu thốn thời bao cấp, phải tự làm hầu hết từ bánh Trung thu cho đến đồ chơi và ngày nay là cuộc sống hiện đại, hội nhập, với quá nhiều tiện nghi, những cách thức đón và chơi, ăn Tết Trung thu cũng đang dần thay đổi.

Ăn Trung thu

Trước kia, “ăn” là một phần quan trọng của Tết Trung thu, với những mâm cỗ được bày biện cầu kỳ, những món ăn trong ngày rằm được chuẩn bị nguyên liệu từ trước cả tháng, những món đồ chơi cũng được chuẩn bị từ trước cả năm.

Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế, công nghệ, việc chuẩn bị cho Tết Trung thu cũng đơn giản hơn nhiều. Hầu hết các gia đình vẫn theo truyền thống, là trong nhà có mâm cỗ Trung thu, với đầy đủ ngũ quả, bánh Trung thu, đĩa cốm…

Sự hiện đại và phát triển của công nghệ giúp cho các bà nội trợ có thể chuẩn bị xong mâm cỗ Trung thu trong vòng chưa đến một buổi, thậm chí không cần phải ra tận chợ.

Bây giờ trẻ em đang ở thời đại công nghệ, yêu thích những trò chơi trong không gian ảo trên những chiếc điện thoại hơn. Các em bị hấp dẫn bởi đồ chơi hiện đại, những thứ bắt mắt hơn. Vậy làm thế nào để có thể lưu giữ những giá trị truyền thống qua Tết Trung thu cho các em, đó là câu hỏi nghiêm túc đặt ra đối với những người làm công tác quản lý và người dân”.
- Nhà thơ Bảo Ngọc, Báo Thiêu niên và Nhi đồng -

Những quan niệm thay đổi về dinh dưỡng, về sức khỏe và mối liên quan tới thực phẩm đã khiến cho người tiêu dùng ít nhiều ngại ngùng với những món ăn truyền thống, thí dụ như bánh Trung thu, giờ đây được cho là quá nhiều đường và tinh bột. Hầu như các nhà chỉ mua một cặp bánh về chưng và thắp hương và thường sau đó có khi không ai đụng đến vì sợ béo…

Các món ăn cầu kỳ của mâm cơm Trung thu ngày xưa cũng dần vắng bóng. Bữa cơm hôm rằm cũng gần như ngày thường, nhà nào cầu kỳ hơn một chút thì biện mâm cơm cúng, không khác mấy so với những ngày rằm tháng trước.

Đối với trẻ nhỏ, Trung thu vẫn là dịp để chơi đùa thỏa thích, cho nên những món đồ chơi hay trò chơi Trung thu cơ bản vẫn còn. Vẫn có đèn ông sao, mặt nạ, rước đèn, múa lân… nhưng với quá nhiều đồ chơi và trò giải trí hiện đại, hấp dẫn, nhất là các món đồ công nghệ, trẻ nhỏ bị phân tâm và không còn chú ý nhiều vào đồ chơi hay trò chơi truyền thống.

Đồ chơi dễ tìm, dễ mua, dễ được cho, tặng, chưa kể đồ chơi nhập khẩu từ các nước bày bán khắp nơi, cũng khiến cho đồ chơi truyền thống càng thêm lép vế.

Các bạn nhỏ chăm chú quan sát tại một quầy bán tò he. (Ảnh: Thành Đạt)

Các bạn nhỏ chăm chú quan sát tại một quầy bán tò he. (Ảnh: Thành Đạt)

Vật chất nhiều lên, đồ chơi Trung thu càng ngày càng đẹp, bánh Trung thu và hoa quả hàng nội hàng ngoại ngày càng ngon. Mọi việc từ bày cỗ Trung thu, trang trí lễ hội đến các đội múa rồng, múa lân, sân khấu loa đài điện tử ngày càng chuyên nghiệp, điêu luyện, hiện đại hơn. Thế mà Tết Trung thu ngày càng nhạt, các cháu thiếu nhi càng ngày càng ít tình cảm với Tết Trung thu. Ở nhiều cơ sở khu phố các cháu ít tham gia sinh hoạt chung. Nguyên nhân vì đâu?"
- Nhà văn Lê Phương Liên -

Các sinh hoạt cộng đồng trong dịp Tết Trung thu thời nay cũng đã thay đổi. Thay vì các trò hát hò giao duyên như ngày xưa, bây giờ các gia đình hiện đại cùng nhau tổ chức Trung thu theo nhóm, theo tổ dân phố, hoặc theo khu chung cư. Mọi người cùng nhau bày biện mâm cỗ chung, với rất nhiều loại hoa quả, có cả các loại trái cây nhập khẩu như táo, lê, nho, cam… Chị em phụ nữ cũng trổ tài khéo tay, tỉa con giống, tỉa hoa từ rau củ quả để trang trí mâm cỗ Trung thu. Tất nhiên không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo, đàn lợn mẹ con hay đàn cá, và cả những chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc màu.

Mâm ngũ quả Trung thu được tạo từ nhiều loại quả tạo hình ngộ nghĩnh. (Ảnh: Thành Đạt)

Mâm ngũ quả Trung thu được tạo từ nhiều loại quả tạo hình ngộ nghĩnh. (Ảnh: Thành Đạt)

Ở trong phố, địa điểm bày cỗ thường đặt tại những nơi có khoảng không gian để ngắm trăng, như khu vực sân chung, hay vỉa hè, thậm chí gác thượng của một nhà nào đó… Ở nhiều khu chung cư, mọi người bày mâm cỗ dưới sân hoặc trên tầng thượng, nhưng để ngắm trăng thì nhất định phải lên sân thượng.

Ở nhiều khu dân cư, mọi người còn tổ chức văn nghệ, sang hơn thì mời ca sĩ chuyên nghiệp đến biểu diễn, cùng với xiếc, ảo thuật, múa…, kết hợp tặng phần thưởng cho học sinh đạt thành tích cao, tặng quà cho trẻ em nghèo…

Chơi Trung thu

Ngày nay, số lượng ngày nghỉ hoặc kỳ nghỉ lễ trong một năm đã nhiều hơn so với trước kia. Trung thu không phải là dịp nghỉ lễ, nhưng lại là lễ hội mà các em nhỏ rất thích vì được vui chơi thỏa thích, khám phá nhiều điều mới mẻ.

Đất nước đã qua giai đoạn khó khăn. Những tập tục ngày xưa đang dần được khôi phục lại. Nhiều trung tâm văn hóa, bảo tàng, đơn vị xuất bản sách… đã tổ chức lại các hoạt động tìm hiểu và thực hành Trung thu truyền thống, như vẽ mặt nạ, giã cốm, làm bánh dẻo, cắt dán các loại đèn Trung thu, nặn bột, làm tò he, tỉa hoa, làm con giống bằng củ quả…

Không chỉ có các hoạt động trải nghiệm dành cho các em nhỏ, tại các sự kiện này còn giới thiệu tới các em những loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, như múa rối nước, rối cạn, hát xẩm, hát chèo…

Tại Hà Nội, các hoạt động này được tổ chức khá phổ biến trong dịp Tết Trung thu, tiêu biểu là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long, Cung thiếu nhi Hà Nội, lễ hội Trung thu trong khu vực phố cổ do quận Hoàn Kiếm tổ chức, không gian Trung thu truyền thống tại Ngôi nhà di sản - 87 phố Mã Mây, đình Kim Ngân - 42, 44 phố Hàng Bạc, Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội - 28 phố Hàng Buồm, Trung tâm Giao lưu văn hoá Phố cổ Hà Nội - 50 phố Đào Duy Từ, một số nhà sách, trung tâm thương mại…

Trẻ em được trải nghiệm nhiều trò chơi truyền thống dịp Tết Trung thu. (Ảnh: Thành Đạt)

Trẻ em được trải nghiệm nhiều trò chơi truyền thống dịp Tết Trung thu. (Ảnh: Thành Đạt)

Tết Trung thu với những không gian rực rỡ sắc màu đã tạo nên thú vui mới cho các bạn trẻ thời nay, như chụp ảnh check in, quay tiktok…, hay chỉ đơn giản là đi chơi để được đắm mình vào bầu không khí lễ hội.

Mỗi em nhỏ, khi lớn lên, trưởng thành, rồi sẽ lại nhận ra những giá trị của Trung thu truyền thống và sẽ tìm cách để gìn giữ những giá trị đó cho con, cháu mình.
- Nhà sử học Dương Trung Quốc -

Tết Trung thu trải qua sự biến thiên của dòng chảy lịch sử, đã có những biến đổi khác nhau để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh xã hội của từng giai đoạn. Cho đến nay, ít nhất, những điều cơ bản nhất của Trung thu vẫn còn tồn tại, được lưu giữ. Sự quan tâm của xã hội và từng cá nhân đến yếu tố truyền thống trong mỗi dịp Tết Trung thu cũng đang nhiều hơn.

Vẫn có những truyền thống được gìn giữ và truyền dạy lại cho thế hệ sau. Phải chăng đó là do chính Tết Trung thu đã là một di sản tinh thần, được lưu truyền nhiều thế hệ và mang sẵn bên trong sức “đề kháng”?

Ngày xuất bản: 10/09/2022
Chỉ đạo thực hiện: VIỆT ANH
Tổ chức thực hiện: HỒNG VÂN
Nội dung: TUYẾT LOAN
Trình bày: BÔNG MAI
Ảnh: THÀNH ĐẠT, NAM NGUYỄN, nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC