Thầy và trò Hà Nội phấn khởi bước vào năm học mới
Năm học 2024-2025, thành phố Hà Nội có thêm 39 trường học mới được xây dựng đáp ứng chỗ học cho học sinh của thành phố, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, giữ vững vị thế đơn vị dẫn đầu ngành Giáo dục và đào tạo cả nước.
Năm học 2024-2025, thành phố Hà Nội tiếp tục là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, với tổng số 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp và một trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục. Quy mô học sinh lên tới 2.238.000 học sinh, 70.150 lớp (tăng 48.000 học sinh so với năm học trước) và 130.000 giáo viên; có 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu, lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 được tổ chức gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, bảo đảm ngày khai trường trở thành ngày hội của các em học sinh.
Ngay sau lễ khai giảng, các cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập; chú trọng xây dựng văn hóa học đường, bảo đảm an ninh an toàn trường học ngay từ những ngày đầu năm học. Các nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.
Mở rộng mạng lưới trường lớp
Với số lượng học sinh lớn nhất cả nước, mỗi năm, thành phố Hà Nội có thêm từ 50.000 đến 60.000 học sinh, tương ứng với số học sinh của khoảng 30-40 trường học. Do đó, công tác mở rộng hệ thống trường lớp luôn được thành phố quan tâm.
Năm học 2024-2025, trên địa bàn Thủ đô có thêm 39 trường mầm non và phổ thông so với năm học trước.
Trong đó, có 2.310 trường công lập (tăng 26 trường so với cùng kỳ năm trước) với 1.905.000 học sinh, 51.000 lớp (tăng khoảng 38.000 học sinh so với cùng kỳ năm trước).
Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho 130 dự án trường học trực thuộc cấp thành phố quản lý. Trong đó, xây dựng mới 16 trường; cải tạo nâng cấp 114 trường.
Trong năm học 2024-2025, dự kiến sẽ có năm Trường trung học phổ thông (THPT) hoàn thành đưa vào sử dụng gồm: Trường THPT Ngọc Hồi, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, Trường THPT Minh Phú, Trường THPT Tự Lập, Trường THPT Nguyễn Trãi-Thường Tín.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, để giải bài toán quá tải trường học tồn tại nhiều năm qua, Sở đã tham mưu thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường nguồn lực đầu tư, ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học; đề xuất cơ chế đặc thù cho các địa bàn đông dân cư; rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học; điều chỉnh tuyến tuyển sinh hằng năm cho phù hợp với số lượng học sinh gia tăng ở từng địa bàn...
Trong đó, Hà Nội quyết liệt thực hiện thu hồi đất các dự án chậm triển khai, hoặc các khu đất sử dụng không hiệu quả để xây dựng trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Hà Nội quyết liệt thực hiện thu hồi đất các dự án chậm triển khai, hoặc các khu đất sử dụng không hiệu quả để xây dựng trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Khu đất số 6 Đào Duy Anh (quận Đống Đa), vốn được giao cho doanh nghiệp xây dựng Dự án trụ sở giao dịch và khách sạn, nhưng vì chủ đầu tư chậm triển khai cho nên thành phố ban hành quyết định thu hồi 1.901m2 đất tại địa chỉ này giao cho Ủy ban nhân dân quận Đống Đa đầu tư dự án xây dựng Trường mầm non Phương Liên và Trường tiểu học Phương Liên.
Đơn cử như khu đất số 6 Đào Duy Anh (quận Đống Đa), vốn được giao cho doanh nghiệp xây dựng Dự án trụ sở giao dịch và khách sạn, nhưng vì chủ đầu tư chậm triển khai cho nên thành phố ban hành quyết định thu hồi 1.901m2 đất tại địa chỉ này giao cho Ủy ban nhân dân quận Đống Đa đầu tư dự án xây dựng trường học.
Sau khi tiếp nhận ô đất, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công công trình xây dựng.
Trong đó, trên diện tích 1.900m2 được giao, sử dụng 1.400m2 để xây dựng Trường mầm non Phương Liên cao 4 tầng và 1 tầng hầm. Dự án còn sử dụng 500m2 còn lại để cải tạo, mở rộng Trường tiểu học Phương Liên.
Hoặc như dự án xây dựng Trường THCS Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, để xây dựng Trường THCS Đồng Trúc, huyện Thạch Thất đã thực hiện giải phóng mặt bằng 1,54ha, gồm 87 thửa đất của 71 hộ gia đình.
Mặc dù quá trình thu hồi đất cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của các cấp, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công.
Dự án Trường THCS Đồng Trúc sau khi hoàn thành đã góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh trên địa bàn, đưa Trường THCS Đồng Trúc thành Trường chuẩn Quốc gia mức độ 2…
Nâng cao chất lượng dạy và học
Bên cạnh việc mở rộng quy mô trường lớp, ngành Giáo dục Thủ đô cũng từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đạt được những kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm.
Trong đó, chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh thành phố năm nay tiếp tục có chuyển biến mạnh với 99,81% học sinh tốt nghiệp, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11). Học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.
Thành phố cũng là đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai Học bạ số cấp Tiểu học với 97,6%. Ðáng chú ý, năm học 2023-2024, các trường THPT đã kết nạp đảng cho 200 học sinh, cao hơn hai lần so với năm học trước. Công tác đầu tư cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường. Thành phố có gần 80% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo đang phấn khởi, tích cực triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 với 10 nhiệm vụ trọng tâm, tập trung khắc phục những hạn chế của năm học trước, tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường.
Trong đó, ngành Giáo dục triển khai thực hiện các giải pháp lan tỏa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương châm đối với giáo dục: Học sinh là trung tâm - Thầy cô là động lực - Nhà trường là bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng cũng lời nhắn nhủ của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo: “Học trò đến trường phải được an toàn - Thầy cô giáo phải được an lành - Phụ huynh đưa con đến trường thì được an tâm”.
Bên cạnh việc mở rộng quy mô trường lớp, ngành Giáo dục Thủ đô cũng từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Trường mầm non - tiểu học - THCS - THPT tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên mới hoàn thành, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm học 2024-2025.
Năm học mới này, các cơ sở giáo dục trên địa bàn sẽ tăng cường kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, theo dõi, đôn đốc về việc thực hiện kế hoạch cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17 đã đề ra. Hà Nội sẽ tiến hành xây dựng bảy trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích từ 5ha trở lên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tích cực, chủ động tham mưu cho thành phố về cơ chế chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo hướng bảo đảm tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, nhất là những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô.
Tổ chức sản xuất: Kiều Hương
Nội dung và ảnh: Bình Nguyên, Thành Đạt, Thảo Linh
Trình bày: Ngọc Bích