GS, TS, NGND Vũ Dương Ninh
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội
Bài viết đăng tại
Kỷ yếu "Hội thảo 60 năm giải phóng Thủ đô thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển" tháng 10/2014, Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ thành phố Hà Nội.
Thủ đô
Hà Nội
cánh cửa giao lưu quốc tế
Thăng Long - Kẻ Chợ
một trung tâm thương mại
Từ thế kỷ XVII - XVIII, Thăng Long đã trở thành một trung tâm thương mại, mở rộng cánh cửa đón nhận người nước ngoài đến từ các vùng xa xôi tận trời Tây. Sự có mặt của đông đảo thương nhân và các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh cùng với những nhà buôn phương Đông như người Nhật, Trung Hoa, Java... làm cho nơi đây trở nên đông đúc, nhộn nhịp.
Đoạn mô tả sau đây của một thương nhân người Hà Lan sống ở Kẻ Chợ nửa cuối thế kỷ XVII cho thấy cảnh buôn bán sầm uất của Thăng Long thời đó: “Quy mô của Kẻ Chợ sánh ngang nhiều thành thị Châu Âu trong khi dân số của Kẻ Chợ lớn hơn nhiều, nhất là vào phiên chợ ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch hàng tháng khi người dân cùng với hàng hóa từ các làng ven đô đổ về đây nhiều không đếm xuể. Những con phố ngày thường vốn rộng rãi và quang đãng giờ đây trở nên chật chội đến nỗi chỉ nhích được 100 bước trong vòng 30 phút đã là tốt lắm rồi. Các loại hàng hóa khác nhau được quy định bán ở các con phố riêng, mỗi con phố gồm cư dân của một hay hai ba làng. Những người dân ở các con phố tổ chức bán hàng theo kiểu phường hội ở các thành thị châu Âu...”.
Rõ ràng là Thăng Long đã mở cánh cửa giao lưu từ những thế kỷ trước, thực sự có vị thế một trung tâm thương mại, chính trị, kinh tế của cả nước cũng như trong khu vực Đông Á.
Giữa phố xá nhộn nhịp đã nổi lên thương điếm của người Anh “tọa lạc một cách yên bình ở phía bắc của thành phố và quay mặt ra sông” cũng như thương điếm của người Hà Lan “giáp thương điếm của người Anh ở mạn nam”.
Rõ ràng là Thăng Long đã mở cánh cửa giao lưu từ những thế kỷ trước, thực sự có vị thế một trung tâm thương mại, chính trị, kinh tế của cả nước cũng như trong khu vực Đông Á. Người Kẻ Chợ đã nhanh chóng tiếp xúc khách lạ với lòng hòa hiếu và sự tế nhị theo nền nếp truyền thống của dân tộc.
Hà Nội
trong không khí hào hùng cách mạng và kháng chiến
Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đánh chiếm Bắc Kỳ, chinh phục Hà Nội thì nơi đây, mặc dầu bộ mặt thành phố ít nhiều thay đổi với những công trình hiện đại nhưng quan hệ với bên ngoài hầu như bị khép mình với số phận một thành phố “nhượng địa” mà người nước ngoài ở đây chỉ có “ông Tây, bà đầm” thuộc tầng lớp cai trị. Trong Thế chiến thứ hai, người Nhật đến, chủ yếu cũng chỉ là đội quân phát xít.
Cách mạng tháng Tám 1945 thổi bùng lên một làn gió mới, Hà Nội được xác lập là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cả Hà Nội rợp trời cờ đỏ sao vàng khiến viên sĩ quan tình báo người Pháp J. Sainteny khi trở lại với âm mưu “tái chiếm Đông Dương” phải ngạc nhiên ghi lại những điều trông thấy sau ngày Tổng khởi nghĩa: “Trong khi máy bay bay lướt thấp trên vùng trời Hà Nội, chúng tôi nhìn thấy những chùm hoa lạ màu đỏ nở rộ rất nhanh trong thành phố như để đón chào chúng tôi. Máy bay xuống thấp hơn nữa, lúc đó chúng tôi mới phân biệt được đó là những lá cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi nhìn nhau kinh ngạc, đây không phải là sự đón tiếp mà chúng tôi hy vọng từ đáy lòng!”. Đúng vậy, họ không biết rằng người Hà Nội chỉ sẵn sàng đón tiếp những người bạn mang đến hòa bình và hữu nghị.
Hà Nội năm 1945 - 1946, chưa bao giờ có người nước ngoài đông và nhiều thành phần phức tạp đến vậy, bạn thì ít mà những kẻ lăm le xâm chiếm nước ta thì nhiều. Lính phát xít Nhật tuy đã đầu hàng nhưng chưa rút hết về nước, quân Trung Hoa Dân quốc dưới danh nghĩa Đồng minh tràn vào phá phách hòng lật đổ chính quyền cách mạng, quân Pháp sau Hiệp định sơ bộ được đóng quân tại một số thành phố lớn, chủ yếu là Hà Nội. Nhân dân Hà Nội theo lời kêu gọi của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh ứng xử với ngoại bang, hết sức tránh bị khiêu khích nhưng vẫn kiên cường chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống xâm lược. Đó là cách ứng xử văn minh nhưng không lùi bước, tế nhị mà rất kiên cường, tạo nên một nét mới trong văn hóa người Hà Nội giữa những ngày đầu cách mạng sục sôi.
Thế rồi, chiến tranh bùng nổ, tối 19/12/1946, “đúng 20 giờ, điện Hà Nội bị cúp trong khi tự vệ tấn công vào các khu vực của người Pháp tại nhiều điểm. Xe của Sainteny, trên đường rời nhà mình đến dinh Ủy viên Cộng hòa, bị trúng mìn, ông ta bị thương nặng”. Dành cho người đại diện nước Pháp thực dân một phát đạn, đó là câu trả lời đầu tiên của người Hà Nội đối với kẻ xâm lược. Và tiếp theo là hơn 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường của Tự vệ Liên khu 1 Hà Nội. Cuộc chiến đấu anh dũng của Trung đoàn Thủ đô đã mở đầu cho cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc để rồi 8 năm sau, tháng 10 năm 1954, “năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về” giải phóng.
Hà Nội lại tưng bừng sống trong khí thế cách mạng tràn đầy. Ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhân dân Thủ đô ra sức xây dựng Hà Nội thành một thành phố văn minh, trật tự, các khu công nghiệp lần lượt xuất hiện, các dẫy nhà lắp ghép dần dần được xây dựng. Công viên Thống nhất và đường Thanh niên là bài ca đầy hào hứng của hàng ngàn thanh niên, học sinh vào mỗi ngày chủ nhật “Lao động XHCN”. Các trường đại học mới thành lập, nổi lên là Đại học Tổng hợp, Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Nông Lâm, cùng Đại học Y Dược và Đại học Sư phạm từ kháng chiến trở về. Một đội ngũ trí thức mới được vun trồng cùng hàng chục ngàn học sinh phổ thông các cấp. Tuy vậy Hà Nội vẫn còn nghèo, cái nghèo trong sự trong sáng, trật tự và vươn tới.
Vị khách nước ngoài đầu tiên đến Hà Nội sau ngày Giải phóng là J. Nehru - Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ, đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến ở Đông Dương (theo Hiệp định Genève), ngay sau đó là Thủ tướng Liên bang Miến Điện U Nu. Nhân dân Hà Nội vui mừng tiếp đón những người bạn của Việt Nam, những chiến sĩ kiên cường của phong trào giải phóng dân tộc. Trong những năm tiếp theo, người Hà Nội luôn được đón chào các vị lãnh đạo, các chính khách và bạn bè đến từ các nước xã hội chủ nghĩa, từ châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh.
Nhưng sau vừa đúng mười năm hòa bình xây dựng (1954 - 1964), Hà Nội lại bước vào cuộc chiến khốc liệt chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Một Hà Nội sơ tán có phần vắng vẻ nhưng vững vàng trong cuộc chiến không cân sức giữa mặt đất và bầu trời. Ngoài những người bạn mang đến tình cảm thân thương và tinh thần ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội còn đón nhận các vị khách không mời “từ trên trời rơi xuống”, trú ngụ tại “khách sạn Hilton Hà Nội”. Đó là những tên giặc lái bị bắn rơi nhưng người Hà Nội vẫn đàng hoàng đối xử trên tinh thần khoan dung, nhân đạo phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc.
Hà Nội đã kiên cường trong những ngày khói lửa chiến tranh, quân dân Hà Nội đã vượt qua bao thách thức thù trong giặc ngoài, vững vàng vươn tới.
Chiến tranh kết thúc, miền nam được giải phóng, non sông liền một giải. Hà Nội trở thành Thủ đô của một quốc gia thống nhất - nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quan hệ quốc tế mở rộng, nhiều nước trên thế giới chính thức đặt quan hệ ngoại giao, trong đó có đủ 5 nước ASEAN. Việt Nam được kết nạp là thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Những thành tựu đó đã đưa nhiều vị khách nước ngoài tới Hà Nội, nhưng ngay sau đó, cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc cùng chính sách cấm vận của các lực lượng thù địch lại gây ra nhiều khó khăn, cánh cửa đối ngoại một lần nữa khép lại.
Hà Nội đã kiên cường trong những ngày khói lửa chiến tranh, quân dân Hà Nội đã vượt qua bao thách thức thù trong giặc ngoài, vững vàng vươn tới. Tuyên dương những chiến công qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Thủ đô, năm 1999 Hà Nội được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, một Thủ đô anh hùng, một thành phố cách mạng.
Người Hà Nội
những đại sứ đối ngoại nhân dân
Đường lối Đổi mới của Đảng đề ra từ Đại hội VI (1986) đã đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cô lập, bình thường hóa và thiết lập quan hệ với tất cả các nước lớn, mở rộng giao lưu kinh tế và văn hóa. Trong làn gió mới đó, Thủ đô Hà Nội đã thực sự trở thành một trung tâm giao lưu quốc tế của đất nước. Hà Nội hằng ngày đón tiếp nhiều người nước ngoài từ chính khách đến thương nhân, từ nhà hoạt động văn hóa, giáo dục đến khách du lịch, thể thao. Trong số đó, có người ở lại làm ăn, sinh sống lâu dài.
Từ ngày Đổi mới, Hà Nội xuất hiện trước thế giới như một thành phố năng động với sự đổi thay hằng ngày, một thành phố hiện đại nhưng vẫn lưu giữ nhiều nét xưa với khu phố cổ và Văn miếu Quốc tử giám cùng nhiều di tích lịch sử và văn hóa, một thành phố hữu nghị qua người dân thanh lịch và mến khách. Ghi nhận những nét nổi bật đó, năm 1999, Hà Nội được vinh danh là “Thành phố vì Hòa bình”, một phần thưởng cao quý của UNESCO; năm 2010, Ủy ban Di sản thế giới công nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt và là trung tâm quyền lực liên tục qua các triều đại.
Hà Nội hôm nay phát triển theo đà chung của đất nước trong công cuộc Đổi mới, cánh cửa rộng mở đón nhận bạn bè từ khắp các châu lục, giao lưu trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, văn hóa, giáo dục, du lịch, thể thao... Khách càng đông, nhà càng vui nhưng để có sự giao lưu đẹp dẽ và hiệu quả, cũng nên thấy những góc khuất, làm cho khách chưa được hài lòng.
Hoạt động đối ngoại ngày nay không chỉ là công việc của các quan chức ngoại giao, không thu hẹp trong hội nghị hay bàn tiệc mà nó diễn ra trên đường phố với mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Một nụ cười tươi, một lời nói lịch sự, một cử chỉ mến khách, một sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân Hà Nội, từ anh lái taxi đến chị bán hàng, từ đồng chí cảnh sát giao thông đến các em học sinh quàng khăn đỏ, từ nhân viên thường trực công sở đến bác đạp xích lô…, tất cả đều mang lại cho khách (kể cả khách trong nước) một niềm vui, một ý nghĩ đẹp về con người Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nhưng ngược lại hình ảnh của chúng ta sẽ xấu đi. Người viết bài này đã được hưởng một niềm vui và chịu một nỗi buồn xoay quanh sự giao tiếp của chúng ta với khách lạ.
Do vậy, vấn đề trước hết là làm sao để mỗi người dân Hà Nội nhận thức được trách nhiệm và vinh dự của người chủ nhà được tiếp những người khách từ phương xa tới. Sự chuẩn bị về nhận thức thông qua các hoạt động tuyên truyền trong các tổ chức dân phố, giáo dục trong các trường học, phổ biến trong cơ sở công đoàn thuộc các ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với khách nước ngoài và cuối cùng là mở rộng ra mọi công dân của Thủ đô. Mở cuộc vận động truyền bá tinh thần đối ngoại đến nhân dân thành phố, trước hết ở các khu trung tâm, là điều rất cần thiết và có tính khả thi. Việc biên soạn những tài liệu đơn giản, thiết thực, với những báo cáo viên hấp dẫn sẽ nhanh chóng đưa sự hiểu biết về đối ngoại nhân dân vào đông đảo quần chúng Thủ đô và sẽ có hiệu quả trong thực tiễn.
Một nụ cười tươi, một lời nói lịch sự, một cử chỉ mến khách, một sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân Hà Nội, từ anh lái taxi đến chị bán hàng, từ đồng chí cảnh sát giao thông đến các em học sinh quàng khăn đỏ, từ nhân viên thường trực công sở đến bác đạp xích lô…, tất cả đều mang lại cho khách (kể cả khách trong nước) một niềm vui, một ý nghĩ đẹp về con người Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Thứ hai, mối quan hệ chỉ thiết thực khi chủ và khách có thể hiểu nhau, nói chuyện được với nhau, nghĩa là khi người Hà Nội có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh. Nên có những lớp học ngoại ngữ và sổ tay ngoại ngữ thông dụng cho từng ngành nghề, từng đối tượng. Chẳng hạn mở những lớp học riêng cho người lái xe taxi và xich lô du lịch, cho người bán hàng, cho nhân viên thường trực, cảnh sát giao thông... Mỗi người chỉ học những từ cơ bản và một số câu đối thoại có tính phổ thông liên quan đến ngành nghề, công việc của mình.
Với kinh nghiệm tổ chức thành công các lớp bình dân học vụ. bổ túc văn hóa trong những năm sau ngày giải phóng Thủ đô, chắc chắn Hà Nội có thể làm tốt việc này. Đương nhiên cần người biên soạn tài liệu đơn giản phù hợp với từng đối tượng, cần những thày cô giáo nhiệt tình và đúng chuẩn có thể chọn từ giảng viên và sinh viên tình nguyện ở các trường ngoại ngữ và những người giỏi về ngoại ngữ trong từng ngành nghề... Tạo thành phong trào và nuôi dưỡng phong trào, ngoại ngữ đem lại lợi ích thiết thân, chắc chắn mọi người sẽ hưởng ứng.
Thứ ba, mối quan hệ chỉ thực sự bền chặt khi chúng ta thể hiện một trình độ văn minh trong nếp sống và trong lao động mà ở đó, điều cần quan tâm đầu tiên là rèn luyện tính kỷ luật. Người nước ngoài nhanh chóng phát hiện tính thiếu kỷ luật trong giao thông đường phố, trong cách ứng xử nơi đông người, trong ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, trong bộ máy hành chính quan liêu. Những nhà đầu tư rất phiền lòng về người lao động vì thói quen không bảo đảm đúng giờ giấc, không tuân thủ đúng quy trình sản xuất và nhiều hành vi gian lận, nhũng nhiễu khác. Vượt qua những thói xấu để vươn lên thành người dân của một thành phố văn minh, một Thủ đô vì hòa bình không những nhận được cảm tình của người nước ngoài mà còn đóng góp thực sự vào việc xây dựng một Hà Nội giàu đẹp, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa theo hướng hiện đại của đất nước.
Hà Nội, với vị thế thành phố Thủ đô có nghĩa vụ làm trọn vai trò đại diện cho cả nước trong việc giao tiếp với nước ngoài. Phải làm sao để mỗi người dân Hà Nội trở thành một đại sứ trong hoạt động đối ngoại nhân dân, đem lại hình ảnh thân thương trong con mắt khách nước ngoài, khắc ghi một ấn tượng đẹp về đất nước và con người Việt Nam.
Ảnh: Báo HàNộiMới
Ảnh: Báo HàNộiMới
Để kết luận, có lẽ không gì hơn là một lần nữa, nhắc lại lời dạy của Bác Hồ 60 năm về trước: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Lời nhắn nhủ đó mãi mãi khắc ghi vào tâm khảm của mỗi người con Hà Nội, cần được thể hiện trong hành động của mỗi công dân Thủ đô.
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: Trung Hiếu, HanoiMoi, TTXVN