
Những tháng cuối năm 2005, lúc này toàn Ðảng, toàn dân ta đang tưng bừng chuẩn bị đón mùa Xuân mới Bính Tuất và chuẩn bị để tiến hành Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X. Anh Mân lâm bệnh hiểm nghèo.
Lúc anh nằm trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hoặc khi anh nằm điều trị tại nhà, cứ độ 3-4 ngày tôi lại đến thăm anh. Có hôm tôi sang nhà thăm anh, thấy trên bàn làm việc đặt nhiều tập tài liệu, anh cho biết anh đang chuẩn bị viết về "Chế độ chính ủy trong quân đội", để chuyển đến Tổng cục Chính trị và sau Ðại hội X với Nghị quyết của Ðại hội đã được thông qua, trong đó có nói rất rõ về "Xây dựng, chỉnh đốn Ðảng" khâu then chốt nhất.
Hôm nay, anh đã vĩnh biệt chúng ta đi về cõi vĩnh hằng, tôi viết lại những điều tâm huyết của anh nói với tôi trước lúc đi xa.
“Đại tướng Chu Huy Mân là một nhà quân sự, chính trị tài ba, kiên định, vững vàng trước mọi phong ba bão táp, anh là một tấm gương sáng ở lòng trung thành với lý tưởng, một lòng vì nước, mọi sự vì dân”.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Đại tướng Chu Huy Mân khen ngợi chiến sỹ Hoàng Văn Nhằm, xã đội trưởng xã Oai Ninh, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) 8 năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ quyết thắng có thành tích trong chiến đấu chiến tranh biên giới phía Bắc (1984).
Đại tướng Chu Huy Mân khen ngợi chiến sỹ Hoàng Văn Nhằm, xã đội trưởng xã Oai Ninh, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) 8 năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ quyết thắng có thành tích trong chiến đấu chiến tranh biên giới phía Bắc (1984).
Thượng tướng Chu Huy Mân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ân cần thăm hỏi các cán bộ Quân đội sắp đi công tác về các tỉnh miền núi.
Thượng tướng Chu Huy Mân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ân cần thăm hỏi các cán bộ Quân đội sắp đi công tác về các tỉnh miền núi.
Đại tướng Chu Huy Mân nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tại buổi lễ do Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng tổ chức (3/2/1985).
Đại tướng Chu Huy Mân nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tại buổi lễ do Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng tổ chức (3/2/1985).
Anh nói: "Nghị quyết của Ðại hội Ðảng toàn quốc có rồi. Vấn đề là quyết tâm tổ chức thực hiện thế nào, có làm đến nơi đến chốn hay không, mà không làm đến nơi đến chốn vấn đề then chốt này thì Ðảng sẽ ra sao? Vận mệnh của dân tộc sẽ thế nào đây. Năm nay tôi đã ở tuổi 93, tuổi "mụ" là 94. Như vậy cũng là đại thọ rồi. Tuổi Ðảng của tôi cũng đã 76, tôi vào Ðảng lúc 17 tuổi.
Về cá nhân mình, tôi ra đi cũng rất thanh thản, nhưng tôi cứ băn khoăn, trăn trở, khi cơn đau do bệnh gây nên, không ngủ được, gượng ngồi dậy, lại nằm xuống, lại nghĩ ngay đến sự vĩ đại của dân tộc mình, nhân dân mình, sự vĩ đại của Ðảng ta, của Bác Hồ kính yêu, mà càng nghĩ tới cái vĩ đại ấy bao nhiêu tôi lại nghĩ đến trách nhiệm lớn lao của Ðảng ta và dân tộc ta trước những khó khăn mới, mà khó khăn đó lại là "căn bệnh của chính bản thân chúng ta". Nói đến đây anh rưng rưng nước mắt và anh nắm tay tôi.
Anh nói: "Tôi tâm sự với đồng chí nguyên Tổng Bí thư và tôi đang chuẩn bị đề cương góp ý về: Quyết tâm, kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ then chốt xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh mà Nghị quyết Ðại hội X đã đề ra, đúng như Bác Hồ đã căn dặn trong Di chúc: Ðảng ta là một Ðảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Ðể thực hiện được Nghị quyết của Ðại hội X về vấn đề này, Trung ương cần có kế hoạch, chủ trương cụ thể và tổ chức thực hiện từng bước có hiệu quả. Phải phát động toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân tham gia trong cuộc vận động này để củng cố lòng tin của nhân dân. Với Ðảng và từng đảng viên trong cuộc vận động này phải coi như một cuộc cách mạng về tư tưởng, hành động, vì mục đích lý tưởng của Ðảng, vì Tổ quốc, vì nhân dân...
Bản kế hoạch này (hôm nay là 19/5/2006) tôi sẽ cho đánh máy. Ðồng chí Ðại tá Xuân Thư, là thư ký sẽ viết sạch lại, chiều nay sẽ đánh máy xong và gửi để anh có thể góp ý kiến với Bộ Chính trị và Trung ương khi Trung ương triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội X".
Nghe anh nói xong, tôi có ý kiến: "Anh đang bệnh, cố gắng tĩnh dưỡng, tập trung chữa bệnh cho chóng khỏi, còn việc góp ý với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, khi đánh máy xong bản đề cương và theo yêu cầu của anh tôi sẽ chuyển đến đồng chí Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh và đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư".
Anh Mân nói: "Ðược như thế thì rất tốt, nhưng nếu tôi còn sống, còn tỉnh táo, dù có bản kế hoạch xong chiều nay thì tôi còn tiếp tục suy nghĩ và bổ sung thêm những điều tôi chưa nói hết". Và đúng như anh nói, từ ngày 19/5/2006, những ngày còn tỉnh táo, anh vẫn nói cho đồng chí thư ký ghi lại và bổ sung thêm những điều anh chưa nói hết cho bản đề cương đầy đủ hơn, kể cả bản kinh nghiệm về chế độ chính ủy trong quân đội và xây dựng quân đội về chính trị để gửi Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 25/6/2006, tôi đang ở Thanh Hóa thì đồng chí thư ký của anh Mân điện cho tôi, nói là anh Mân muốn gặp tôi, anh cứ sợ tôi về không kịp... Về Hà Nội, tôi vào thăm anh, đến bên giường anh đang nằm, tôi nắm tay anh, mắt anh mở to và anh nói ngay: "Anh Phiêu đã về, thế là tôi mừng, bệnh của tôi chắc là khó thuyên giảm, những điều tôi nói và thư ký đã viết lại và bản trước hôm 19/5/2006 tôi đã ký (kể cũng lạ, tựa lưng vào đầu giường bệnh và ký chữ Mân vào bản đó) tôi thấy sung sướng, khi mình sắp xa các đồng chí, bạn bè, người thân, mình chỉ còn "lời tâm huyết cuối cùng gửi cho Trung ương". Tôi nói chen lời anh: "Thư anh gửi cũng là lời tâm huyết với dân, với đồng chí, đồng đội nữa đấy anh ạ". Anh Mân cười và nói: "Cảm ơn anh Phiêu". Và anh tâm sự: "Tôi được kết nạp vào Ðảng tháng 11/1930 và ngày kết nạp đứng dưới cờ Ðảng tôi đã tuyên thệ". Anh đọc cho tôi nghe nguyên văn những lời tuyên thệ đó. Anh đọc: "Tôi Chu Văn Ðiều... (đó là tên của anh khi vào Ðảng)... xin thề trước cờ Ðảng, nguyện chiến đấu trọn đời cho Ðảng, cho cách mạng, nếu bị bắt bớ, cực hình, tra tấn quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết quyết không sờn lòng".
Nghĩ lại, chỉ có mấy lời ngắn gọn trước cờ Ðảng như vậy nhưng tôi thấy sao mà thiêng liêng đến thế. Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự nhủ mình từ đây trách nhiệm sẽ nặng nề vì Ðảng chỉ thu nạp những ai tự nguyện hy sinh phấn đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân. Lời hứa đơn giản và thiêng liêng ấy chính lại là động lực chiến đấu và động lực đó đã được chứng minh trong những tình huống thử thách, gian nguy, sống chết nhưng vẫn vững vàng giữ khí tiết cách mạng, khí tiết của một đảng viên cộng sản...
Anh Mân nói tiếp: "Tôi tâm sự với anh và nói lại cái quá khứ và đôi nét quá trình của tôi và anh thông cảm cho". Hai bàn tay anh lại nắm chặt hai bàn tay tôi và anh nhắc lại: "Khi tim tôi ngừng đập, xin anh giúp tôi gửi bức thư của tôi tới đồng chí Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh, đó là tâm huyết của một lão thành cách mạng gửi lên Ðảng và mong Nghị quyết của Ðại hội X, trong đó vấn đề xây dựng, củng cố Ðảng sẽ đạt kết quả cao nhất".
Thượng tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 theo dõi, kiểm tra các mũi tiến công của Quân giải phóng đánh vào thành phố Đà Nẵng (3/1975).
Thượng tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 theo dõi, kiểm tra các mũi tiến công của Quân giải phóng đánh vào thành phố Đà Nẵng (3/1975).
Sau đó vài giờ, cơn đau ập tới làm anh không nói được nữa.
Anh Chu Huy Mân đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Trải qua bao nhiêu thử thách của cuộc đấu tranh cách mạng (87 năm sống, chiến đấu ở thế kỷ 20 và 6 năm đầu ở thế kỷ 21), đảm nhận những cương vị công tác khác nhau, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh là một nhà quân sự, chính trị tài ba, kiên định, vững vàng trước mọi phong ba bão táp, anh là một tấm gương sáng ở lòng trung thành với lý tưởng, một lòng vì nước, mọi sự vì dân; sống giản dị, trong sáng, gần gũi nhân dân, gần gũi đồng chí, đồng đội, trọn nghĩa vẹn tình, anh thường nói với đồng chí - một con người khi làm cách mạng có đúng, có sai ai mà tránh được điều đó, nhưng cũng phải nói rõ cho nhau "đúng sai, phải trái", cần minh bạch, tự phê bình và phê bình cũng phải nắm điều đó, "phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn".
Tôi hứa với anh, những lời anh tâm sự, anh nhắn gửi tôi sẽ thực hiện và bản thân cũng luôn phấn đấu học tập tấm gương cao cả của anh - nguyện mãi mãi xứng đáng là chiến sĩ cộng sản chân chính, tự nguyện hy sinh, phấn đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Bài viết của đồng chí Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam về Đại tướng Chu Huy Mân đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3/7/2006.
Trình bày: Ngọc Bích
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN