Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh:
Tiếp cận tiếng Việt, hiểu văn hoá Việt
là con đường giải mã tâm hồn mình
Trao giải cao nhất cho bộ sách Chào tiếng Việt (Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam), Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 6 năm 2023 nhận xét “tác giả Nguyễn Thụy Anh đã một mình làm nên một kỳ công đáng ngưỡng mộ”. Còn với chị, đó là hành trình tìm đường đến với tiếng Việt của chính mình. Phóng viên Nhân dân Điện tử đã có cuộc trò chuyện cùng chị trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn.
Con đường tôi đi không đơn độc
Phóng viên: Chúc mừng chị một lần nữa khi bộ sách Chào tiếng Việt (Nhà xuất bản Giáo dục) mà chị là tác giả được tặng giải A tại Giải thưởng Sách Quốc gia 2023. Chị nói, ý tưởng để chị thực hiện bộ sách này từ chính bài hát của nhạc sĩ Lê Tâm, “Tiếng Việt” và nỗi lo sợ, con sẽ mất gốc tiếng Việt?
TS Nguyễn Thụy Anh: Vâng, xin cảm ơn lời chúc mừng của chị, tôi cũng muốn chia sẻ một chút, là bộ sách này tôi ấp ủ dự định viết nó khá lâu, hơn 10 năm nay và có thể còn lâu hơn nữa, từ khi tôi là một sinh viên Đại học Sư phạm Matxcơva, thường xuyên làm gia sư tiếng Việt cho các em bé, sau đó trở thành người mẹ có con sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, tôi hiểu thấu sâu sắc nỗi lo con mình mất đi tiếng Việt, mất tiếng nói thân thương và không thể dùng tiếng Việt để chia sẻ, để kết nối một cách sâu sắc, nói những câu chuyện tâm tình sâu thẳm hơn là những câu chuyện hằng ngày.
Với nỗi lo đó, tôi rất quan tâm đến câu chuyện tiếng Việt cho trẻ em Việt ở nước ngoài. Chị cũng nói rất đúng, bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ và bài hát “Tiếng Việt” của nhạc sĩ Lê Tâm phổ nhạc bài thơ đó luôn mang lại cho tôi cảm hứng và luôn là lời nhắc đối với tôi đến lời hứa, đầu tiên là tôi hứa với chính mình, sau đến là hứa với bà con Việt Kiều là chắc chắn tôi sẽ làm một cuốn sách giáo trình nào đó để hỗ trợ cho quá trình dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.
Bài thơ mà mỗi lần ở bên Nga tôi nghe lại trào nước mắt “Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết/Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi/Như vị muối chung lòng biển mặn/Như dòng sông thương mến chảy muôn đời”. Đó cũng là động lực để chúng tôi sẽ tiếp tục con đường này, tiếp tục làm thêm cho đủ 6 cuốn sách trong Bộ sách Chào tiếng Việt.
Phóng viên: Với khoảng gần 6 triệu người Việt Nam sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ thì việc dạy tiếng Việt cho trẻ em trong các gia đình người Việt cũng luôn được đặt ra. Nhiều gia đình cũng ý thức về việc dạy tiếng Việt cho con em mình để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc nhưng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những nơi số lượng cộng đồng người Việt còn nhỏ và cơ hội tiếp cận với các tài liệu dạy tiếng Việt còn hạn chế. Từ góc độ của một nhà sư phạm, chị đã khắc phục những khó khăn đó như thế nào để bộ sách có thể đến được với nhiều em nhỏ trên thế giới và lan tỏa tình yêu tiếng Việt?
TS Nguyễn Thụy Anh: Câu hỏi này đặt ra rất đúng, bởi vì việc đầu tiên trước khi làm ra bộ sách hay tìm ra phương pháp nào đó để có thể dạy tiếng Việt ở nước ngoài thì chứng ta phải tìm hiểu khó khăn của bà con, không chỉ là khó khăn của cộng đồng, của các thầy cô giáo, của bố mẹ mà còn là khó khăn của người học nữa. Cho nên hơn 10 năm qua, việc đầu tiên của tôi là đi, gặp gỡ, thực nghiệm, đưa ra những hoạt động học liên quan đến tiếng Việt nhưng đồng thời, song song với đó là ghi chép, quan sát để xác lập được những khó khăn của cộng đồng là gì.
Khó khăn thứ nhất là không có cộng đồng sinh ngữ, kể cả những nơi có đông người Việt thì môi trường sinh ngữ cũng thiếu vắng vì các em khi còn nhỏ có thời lượng nói tiếng Việt nhiều hơn trong gia đình. Nhưng khi đi học hòa nhập vào văn hóa bản địa thì các em không có nhu cầu dùng tiếng Việt nữa và nhu cầu trong gia đình chỉ là thông báo, thông tin và nói những câu chuyện đơn giản thôi.
Barie lớn nhất của chúng tôi là làm sao tạo động lực cho các em nhỏ đi học tiếng Việt. Bằng một cách nào đó, đầu tiên có thể là ngoại động lực, sau đó trở thành nội động lực, động lực tự thân của mỗi em để chính mỗi em có nhu cầu học tiếng Việt, sẽ tìm cách học chứ không lệ thuộc vào thầy cô hay 1 bộ giáo trình nào.
Với tư cách là nhà sư phạm và người làm về phương pháp giáo dục, hơn 10 năm qua, tôi cũng đưa ra được một phương pháp trung dung giữa dạy tiếng Việt như tiếng nước ngoài và tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ, nó không hẳn là cái này cũng không hẳn là cái kia. Bởi người học chúng ta là người Việt thật đấy, nhưng các em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, các em tiếp cận tiếng Việt như tiếng nước ngoài, tuy nhiên các em không hẳn là người nước ngoài bởi trong tiềm sức sâu xa, trong nguồn cội của các em có tiếng Việt rồi.
Và việc chúng ta cần làm là làm sao xới xáo lên trong cảm xúc của các em để bằng cách nào đó lôi cuốn cộng đồng, lôi cuốn người thân vào câu chuyện tiếng Việt, tạo cho các em môi trường sinh ngữ trong đất nước mà các em đang sống.
Với cách tiếp cận đó, chúng tôi đã thành công bước đầu khi các em nhỏ cảm thấy tò mò, háo hức, thích thú. Để các em đến với tiếng Việt 1 cách tự nhiên, chúng tôi tiếp cận nhu cầu tâm lý của các em là thích vui, thích những điều thú vị, khác lạ, thích được thể hiện mình, được khám phá.
Những điều đó đều được tôi đưa vào cuốn sách. Đặc biệt là tập 1 với chủ đề là Ra khơi, có một con mèo tên là Miu Nguyễn, con mèo gốc Việt, nó có vai trò rất đáng yêu, rất hài hước, khiến các em nhỏ giảm bớt căng thẳng khi tiếp nhận kiến thức. Nó cũng không rõ độ tuổi bao nhiêu để có thể tạo ra môi trường sinh ngữ như với người lớn hay trẻ em.
Thứ 2 là không gian trong cuốn “Chào Tiếng Việt” đó là không gian bay bổng, không gian của trẻ thơ chứ không phải là đất nước Việt Nam hay đất nước sở tại các em đang sống. Đó là không gian tưởng tượng do các em vẽ nên trong những chuyến phiêu lưu, trong đó có những câu chuyện tình bạn và nhiều chuyện hài hước khác nữa. Cuốn sách cũng được thiết kế rất đặc biệt, những hình ảnh không đơn thuần là minh họa mà còn chuyển tải nội dung, cảm xúc trong đó, giúp các em tiếp xúc với tiếng Việt một cách tự nhiên nhất.
"...việc chúng ta cần làm là làm sao xới xáo lên trong cảm xúc của các em để bằng cách nào đó lôi cuốn cộng đồng, lôi cuốn người thân vào câu chuyện tiếng Việt, tạo cho các em môi trường sinh ngữ trong đất nước mà các em đang sống".
TS Nguyễn Thụy Anh
Phóng viên: Bộ sách Chào Tiếng Việt của chị đã đi ra nhiều quốc gia. Chị chắc hẳn có nhiều kỳ niệm đáng nhớ trong hành trình đi khắp thế giới cùng bộ sách của mình?
TS Nguyễn Thụy Anh: Vô cùng nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ một đêm có điện thoại từ Budapest. Một cô giáo sôi nổi chia sẻ về niềm vui của mình, của các bé học tiếng Việt khi nhận bộ “Chào tiếng Việt!”. Chị bảo, chị không đánh vào chat Messenger vì cảm xúc mạnh quá, chữ đánh máy theo không kịp. Khi tôi tham gia tổ chức trại tiếng Việt ở Paris, một cô bé cứ tỉ mẩn ngồi làm các bài tập trong cuốn sách, nhất là những bài liên quan đến Toán và các con số, các câu đố. Cứ gặp tôi ở đâu, bạn nhỏ lại nói: “Cô ơi, cô đố con đi!”.
Một người bạn ở Matxcơva lại thường xuyên quay clips mẹ dạy con theo “Chào tiếng Việt!” để gửi tôi xem. Ở Việt Nam, nhiều cháu bé cũng hào hứng chơi với “Chào tiếng Việt!” vì trong đó nhiều dạng trò chơi, bài tập khác nhau, có thể đáp ứng nhiều sở thích của các độc giả trẻ tuổi.
Trong năm 2023, “Chào tiếng Việt!” được Ban đối ngoại Đài Truyền hình Việt Nam cho ra mắt phiên bản truyền hình. Càng nhiều phản hồi được gửi về. Có mẹ kể, cháu bé xem say sưa, cô chào tạm biệt lại… khóc ầm lên không muốn thôi. Có hôm tôi nhận tin, một ông bố tích cực dạy con đến nỗi trong một tháng đã xong hết hai cuốn, hỏi đã có cuốn thứ 3-4-5-6 chưa. Khi tôi đi làm trại tiếng Việt ở Đức, cùng xem VTV4, các bạn nhỏ cứ nghi hoặc so sánh người dẫn chương trình với cô Thuỵ Anh bên ngoài. Tất cả những điều đó đều là động lực giúp tôi tiếp tục làm việc say mê hơn. Tôi biết con đường tôi đi không đơn độc.
Đừng để con trẻ mất cơ hội kết nối với quê hương mình bằng tiếng Việt
Phóng viên: Từ hành trình trải nghiệm của mình, chị thấy tiếng Việt có ý nghĩa như thế nào với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài?
TS Nguyễn Thụy Anh: Với các bạn nhỏ ở nước ngoài, tiếng Việt có lẽ là một người thân mà các bạn chưa cảm nhận được sự hiện diện của họ, một người thân vẫn thấp thoáng đâu đó trong cuộc sống của các bạn mà chỉ khi trưởng thành, bạn mới nhận ra họ là một phần làm nên con người mình, con người có gốc gác, nguồn cội. Rất nhiều người sau này tìm cách tiếp cận tiếng Việt, trở lại tìm hiểu văn hóa Việt như là một con đường giải mã tâm hồn mình, để mình yên tâm và hạnh phúc sống trong thế giới này.
Phóng viên: Vậy nhưng, ngay ở Việt Nam bây giờ, tiếng Anh và trào lưu sử dụng tiếng Anh ngày càng phổ biến, thậm chí nhiều bố mẹ tự hào vì con mình nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt. Chị có ý kiến gì về hiện tượng này?
TS Nguyễn Thụy Anh: Tôi cho rằng, đây là một suy nghĩ khá ấu trĩ. Nếu đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nó đã có cơ hội được thấm đẫm văn hoá nguồn cội từ những câu chuyện hằng ngày của mẹ của cha, từ nguồn nước, từ hơi đất quê hương.
Nếu ta dạy đứa trẻ gắng quên gốc rễ mà lựa chọn giá trị bên ngoài thì mọi thành tựu chỉ là nhất thời. Sẽ đến lúc con phải vất vả tìm lại những gì nó lẽ ra có được một cách tự nhiên, là sự kết nối sâu xa với cha mẹ ông bà, là khả năng biết yêu những giá trị đẹp đẽ trong di sản của dân tộc, tự hào về nguồn cội chính mình.
Tôi còn nhớ, một bạn trẻ học trường quốc tế ở Việt Nam đã nói với tôi: “Con mong muốn được diễn đạt ý nghĩ bằng tiếng Việt thật hay chứ không phải nghĩ tiếng Anh rồi dịch ra tiếng Việt thế này!”. Cảm nhận tự hào về xuất thân của mình, hiểu biết sâu sắc về đất nước mình mới là bệ đỡ vững chắc để đứa trẻ đi xa hơn đến với thế giới.
Phóng viên: Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt có lẽ là một vấn đề ‘nóng’ của ngày hôm nay, khi những đứa trẻ lớn lên giữa rừng công nghệ, điện thoại và sự va đập với văn hóa ngoại lai. Theo chị, để nuôi dưỡng tình yêu và ngôn ngữ tiếng Việt từ nhỏ, chúng ta phải làm thế nào?
TS Nguyễn Thụy Anh: Tình yêu cần vun đắp theo thời gian, dần sẽ có độ dày, tầng vỉa từ cảm nhận thông qua gia đình, cha mẹ, từ bài hát câu ca ru bé, từ cuốn sách bé đọc, từ câu chuyện tâm tình với người thân, bạn bè, thầy cô…
Tất cả có thể bắt đầu từ chính tình yêu, sự trân trọng tiếng Việt của người lớn xung quanh. Người lớn có ý thức nói những lời mẫu mực mà không bỗ bã trước mặt con trẻ, thường xuyên kể chuyện, đọc thơ cho bé nghe - đó là những bước đầu tiên giúp bé có cảm xúc tiếng Việt, cảm nhận nhịp điệu, thanh điệu tiếng Việt hài hoà với người Việt, khiến bé có thêm vốn từ phong phú và dần xây dựng phông nền cảm xúc để có thể sử dụng tiếng Việt ở trình độ cao hơn, sâu sắc hơn.
Hành trình thôi thúc từ trong tim
Phóng viên: Ngoài phương pháp tiếp cận của một nhà khoa học, tôi cảm nhận hành trình viết sách cũng như hành trình lan tỏa tình yêu tiếng Việt của chị được dẫn dắt bằng cảm xúc và một tình yêu hồn nhiên, thơ trẻ. Điều gì giúp chị nuôi dưỡng được những giá trị đó trong đời sống bộn bề?
TS Nguyễn Thụy Anh: Ngay trong câu hỏi của chị đã có từ khóa cho câu trả lời của tôi rồi. Đó là tình yêu. Thứ tình yêu không hời hợt đầu môi chót lưỡi mà nó được vun đắp theo tháng ngày. Yêu tiếng Việt của mình, yêu con người quanh mình. Tôi luôn tự hào và hạnh phúc khi có thể dùng tiếng Việt để chia sẻ những điều sâu sắc, nói ra được những lời yêu thương tha thiết với người thân, bạn bè, học trò…
Hành trình của tôi, như đã nói trên kia, là hành trình của sự mong muốn tự thân, thôi thúc trong tim, muốn chia sẻ hết mình, không để báo cáo, không hướng tới giải thưởng. Sự trong sáng luôn giúp ta bền bỉ và nhất tâm, giống như con chim vì hướng bay chứ không vì hoa lá dọc đường.
Thêm nữa, trong hành trình này, tôi đang được đồng hành với biết bao người cho dù mỗi người có một cách tiếp cận riêng.
Phóng viên: Chị nói, hành trình chị sống và những thực hành mà chị dành cho giáo dục, cho Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” hay làm thơ, viết bộ sách Chào tiếng Việt, là tìm đường đến với tiếng Việt của chính mình. Chị có thể chia sẻ về điều này?
TS Nguyễn Thụy Anh: Mỗi người có một con đường riêng để khám phá vẻ đẹp tiếng Việt của mình. Với tôi, quá trình lắng nghe, quan sát, đọc, ghi chép và viết trong nhiều năm qua là quá trình luôn có sự phát hiện mới. Những phát hiện thú vị về phương pháp tạo lập môi trường sinh ngữ linh hoạt cho mỗi cộng đồng có sự đóng góp vẻ đẹp tâm hồn của mỗi người trong cộng đồng; những phát hiện mới mẻ cả về khả năng sư phạm của bản thân mình; những phát hiện đáng ngạc nhiên về sự tương tác, giao lưu giữa các ngôn ngữ, các nền văn hoá - tất cả đều làm nên những hình dung đẹp đẽ, vững chắc hơn về tiếng Việt của mình, tạo thêm động lực làm việc và cho tôi niềm tin vào những gì mình đang có, đang chia sẻ…
Phóng viên: Cảm ơn cuộc trò chuyện thú vị của chị.