Nguyễn Hoàng Ðiệp sinh năm 1982, được biết đến rộng rãi với dấu ấn là đạo diễn bộ phim Ðập cánh giữa không trung (2014) ra mắt và giành giải phim hay nhất tại hạng mục Tuần lễ phê bình - Liên hoan phim quốc tế Venice, phim tranh giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế và giúp chị đoạt giải Ðạo diễn xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Bratislava. Ngoài vai trò đạo diễn, Nguyễn Hoàng Ðiệp còn tham gia hỗ trợ nhiều dự án điện ảnh của các nhà làm phim độc lập Việt Nam như phim Bi, đừng sợ (đạo diễn Phan Ðăng Di), Ròm (đạo diễn Trần Thanh Huy), Kfc (đạo diễn Lê Bình Giang)... Chị cũng là người hoạt động rộng sang các lĩnh vực khác như tạo không gian nghệ thuật gắn kết nghệ sĩ với công chúng; ở lĩnh vực sân khấu với vai trò nhà sản xuất, mới đây nhất vở diễn Hồn Trương Ba, da hàng thịt do hãng phim Ơ Kìa Hà Nội của chị hợp tác cùng đạo diễn người Nhật Tsuyoshi Sugiyama đã đoạt 1 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc cho các cá nhân tham gia vở tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc (6/2024) Thái Nguyên.

Chân dung đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Chân dung đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trò chuyện cùng nhà báo Phan Thanh Phong

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trò chuyện cùng nhà báo Phan Thanh Phong

Kể từ Đập cánh giữa không trung đến nay đã trọn 10 năm, công chúng yêu điện ảnh vẫn chờ tác phẩm mới của chị. Trong thời gian đó, chị làm những gì và có ý định để khán giả chờ lâu hơn nữa không?

10 năm, tôi làm nhiều thứ, nhưng không khuây khỏa được mong muốn làm phim. Tôi nợ chính mình một bộ phim như tôi muốn, hy vọng không còn lâu hơn nữa.

Sau Đập cánh giữa không trung, có một dạo công chúng háo hức chờ bộ phim có tên Câu chuyện buồn nhất thế gian mà chị từng chia sẻ, vậy tại sao nó dừng lại?

Đó là kịch bản tôi ấp ủ nhiều năm, rất tâm huyết, nội tại đã rất sẵn sàng, chỉ thiếu mỗi tiền thôi, tôi thường đổ cho như vậy. Nhưng sự thực thì... lý do không đến từ yếu tố khách quan. Có lẽ trong thời gian chờ đợi quá dài, sự hoài nghi về bản thân, hoài nghi về chung quanh xuất hiện rồi ngấm dần. Tự tôi đã không quẫy đạp được, tôi bắt đầu thấy phim này quá sức mình, thấy mình không đủ giỏi, rồi dằn vặt bản thân là không nghĩ được cái gì đủ mới. Và khi đã phạm vào lời nguyền về cái mới thì... tôi không nhúc nhích được nữa. Nhưng cơn thèm làm phim thì càng ngày càng lớn, nên để thoát ra, tôi bắt tay vào viết kịch bản khác.

Hình như chị là người luôn chồng chất ý tưởng mới, vậy nên cũng dễ phủ nhận bản thân, phủ nhận những điều chưa kịp làm?

Có một suy nghĩ ám ảnh lâu đến nỗi giờ tôi không... phản biện nữa, đó là đã làm phim, làm nghệ thuật thì đề tài gì cũng được, nhưng phải khác, nó phải mới. Cái khác, cái mới không phải chủ trương theo kiểu tôi muốn lạ hơn so với người khác, mà là tôi phải khác, phải mới để cái đầu tôi yên tâm rằng, tôi không lặp lại ai cả, không là bản sao của một cái gì.

Đạo diễn

Nguyễn Hoàng Điệp

Kịch bản mà chị đang thực hiện sau khi dừng Câu chuyện buồn nhất thế gian là gì? Chị có thể chia sẻ về nó?

Đó là 1982, một phim gia đình, giản dị, kể về một nữ đạo diễn đã phá sản đang cần tiền làm phim nay phải cùng các em đi tìm người mẹ mất trí nhớ đã đi lạc sau khi bà hứa rằng sẽ bán nhà chia tài sản cho những đứa con đang cực kỳ cần tiền.

Tên phim 1982 có ý nghĩa gì vậy?

Đơn giản chỉ là năm sinh của nhân vật chính, cùng năm sinh với tôi. Tôi muốn kể về một người mà tôi hiểu nhất, thế thôi! Trong phim có cảnh đứa con gái hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có nhớ con sinh năm bao nhiêu không?". Bà mẹ dù quên mọi thứ nhưng vẫn nhớ được ngày tháng năm sinh của người con.

1982 có phải là bước đệm trong lúc chờ một dự án điện ảnh tâm huyết khác của chị?

Thoạt đầu, tôi cũng nghĩ nó như một bước đệm chờ. Nhưng đến lúc bắt tay vào thì nó không còn thế nữa. Khoảng cuối tháng 11 năm 2023, Sven Zellner là quay phim của tôi từ Đức sang, diễn viên Đỗ Thị Hải Yến và Thùy Anh bay từ TP Hồ Chí Minh ra, cả ê kíp xuất hiện ở Hà Nội để đi chọn cảnh... thì tôi đã thấy bộ phim với tất cả những đòi hỏi của nó, không cho phép mình làm một cái gì dễ dễ. Ban đầu tôi muốn một thứ thật đơn giản, nhẹ nhàng, dễ sản xuất, nhưng đến khi làm hóa ra nó không thể như vậy.

Nó không thể như vậy hay do tính cách chị khi đã làm thì một thứ đơn giản nhất cũng lao tâm khổ tứ muốn nó rất riêng, rất khác?

Tôi bị vướng vào cái suy nghĩ rằng, trong nghề nếu được làm một cái gì đấy mới thì mình mới cảm thấy công việc này, nỗ lực này có ý nghĩa và không phải e ngại khi rủ bạn bè, cộng sự làm chung. Còn không, tôi sẽ rất day dứt. Đối với tôi không mới, không khác đồng nghĩa với việc lừa dối. Suy nghĩ đấy khiến tôi hơi bị căng thẳng, áp lực.

Số tôi cũng may, trong 1982, Đỗ Thị Hải Yến, Sven Zellner, Thùy Anh, Chiều Xuân và ekip... không đơn giản là cộng sự tài năng đầu tư hết sức cho phim. Nhất là Hải Yến, nhiều năm âm thầm bên nhau, cô ấy đã trở thành con dế lương tâm - không nói mà vẫn hiểu sâu hiểu kỹ... nâng đỡ tôi rất nhiều trong quá trình sáng tạo, bất chấp tình trạng căng như dây đàn mà tôi tự tạo ra.

Luôn tìm cái mới bằng mọi giá dù điều kiện tài chính luôn là áp lực, chị có thấy mình đang đi trên đường khó?

Đạo diễn Phan Đăng Di luôn khuyên tôi phải thay đổi suy nghĩ, các dự án phim luôn luôn vận hành theo kiểu cần có đầy đủ tiền bạc rồi mới bắt đầu - đừng tự đặt mình vào hoàn cảnh làm gì cũng thiếu tiền, cũng kinh phí thấp... Tôi rất hiểu và cũng muốn có đủ tiền đầu tư để chậm rãi hơn, đầu óc được nghỉ, thoải mái và yên tâm hơn. Nhưng hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, giờ mà bảo chờ tiếp sau 10 năm mòn mỏi thì chắc tôi chịu. Mọi người nghĩ tôi chọn đường khó nhưng thực ra có đường nào để chọn nữa đâu? Và trung thực mà nói, trước nay tôi cũng quen với việc khó rồi, nên thấy cách này cũng thoải mái, mình vẫn được làm mới mình. Nói chung cũng được.

Nhưng khắt khe với chính mình quá, không thỏa mãn với điều mình ấp ủ nhiều khi cũng khiến các dự án trở nên dang dở, không kết thúc được, trong khi công chúng cần là tác phẩm. Chắc chị cũng sốt ruột chứ?

Đúng là tôi luôn bị cảm giác không hài lòng luôn đeo đuổi. Nhà sản xuất cũ của tôi xếp tôi vào nhóm tác giả anti tác phẩm của bản thân. Tôi thú thực là có sốt ruột với sự cứng đầu của chính mình. Đôi khi tôi thấy cần một chuyên gia tâm lý để thoát khỏi tình trạng này.

Nếu luôn tạo ra những áp lực thì chị có nghĩ sẽ ngày càng tự làm khó mình?

Tôi nhận thức được chuyện đó, nhưng nhận thức xong cũng loay hoay. Muốn thay đổi nhưng chưa nổi. Tôi như một cầu thủ khó dứt điểm để ghi bàn, luôn bị chần chừ ở một điểm nào đó. Để quay phim 1982 tôi phải quyết định theo kiểu không cho mình có cơ hội quay đầu nữa, phải ép mình làm mọi thứ, coi như ván đã đóng thuyền rồi. Đôi khi tôi cũng muốn đào sâu bới kỹ xem mình là người như thế nào, nhưng bây giờ thì tặc lưỡi, tốt nhất cũng không nên quá quan tâm đến bản thân nữa, phải kệ nó sang một bên, tôi cố gắng để duy lý hơn. Nhưng tôi không biết có cố được không? (cười)

Chị có thường xem phim Việt không, nhất là những phim làm mưa, làm gió ngoài rạp trong thời gian gần đây?

Tôi thường xuyên theo dõi và rất ủng hộ, thí dụ phim của anh Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành. Đối với tôi, điện ảnh phải có sự đa dạng. Phim thương mại mà hay, mà cuốn, thẩm mỹ ở mức độ trung bình khá trở lên thì chả có lý do gì để phản đối. Điều tôi sợ nhất là những bộ phim dở cứ ùn ùn kéo nhau ra rạp, nó hủy hoại luôn cả thẩm mỹ của khán giả khiến họ cảm thấy bị phản bội.

Hiệu ứng thành công của những phim ăn khách có tác động gì tới chị, khiến chị có cái nhìn thay đổi hoặc điều chỉnh mình trong nghệ thuật?

Có nhiều điều tác động đến tôi. Một trong những điều đó là tôi phát hiện ra cái khao khát được làm một bộ phim thu hút thật đông khán giả Việt Nam mua vé vẫn cháy bỏng, từ lúc vào trường điện ảnh đến nay chưa bao giờ phai nhạt. Kể cả ngày xưa khi làm Đập cánh giữa không trung, mọi người cứ bảo đó là phim nghệ thuật, hàm ý tách rời với phim ăn khách. Nhưng trong quan niệm của mình, tôi chưa bao giờ tách rời hai điều đó.

Bên cạnh điện ảnh, một mảng nghệ thuật cũng được chị dồn tâm sức nhiều năm qua là các dự án sân khấu, đặc biệt là những tác phẩm của hai cố nhà thơ Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ. Có nhiều người còn đùa Nguyễn Hoàng Điệp như bị Quỳnh-Vũ ám?

Ở thi ca hay sân khấu thì thật sự những gì tôi làm, phần nhiều là do tình yêu với Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ dẫn dắt mà thôi (cười).

Chị có thể chia sẻ về dự án dựng vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt hợp tác với đạo diễn người Nhật từng mang lại thành công lớn cho ê-kíp trong Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tháng 6 vừa qua?

Vở Cậu Vanya của đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama đã làm tôi bị sốc. Tôi không thể tưởng tượng được sân khấu Việt Nam có thể kể ra những thứ trừu tượng, nó tế vi, tốt hơn cả điện ảnh. Và tôi thấy lần đầu tiên tất cả các nghệ sĩ của mình hiện lên quá đẹp đẽ trong vai diễn. Nhưng tôi cũng thấy một thực trạng là sân khấu có quá ít khán giả, và thân phận của những vở diễn được đầu tư tâm huyết như thế không khác gì những nhà làm phim độc lập long đong. Trong tôi hình thành một mối thương cảm muốn chia sẻ, giúp đỡ. Thế là tôi rủ đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama làm kịch của Lưu Quang Vũ với một điều kiện là phải mới, phải khác và phải tạo đà để mang Lưu Quang Vũ đi ra ngoài biên giới, để nhiều người được biết tới thậm chí sẽ dựng lại tác phẩm của anh ở một sân khấu khác, một quốc gia khác.

Lúc làm việc với Tsuyoshi Sugiyama, vai trò của tôi là nhà sản xuất nhưng mà nó khác với quan niệm xưa nay ở sân khấu Việt Nam. Mọi người hay nghĩ, nhà sản xuất là người lo lắng về tiền bạc và vận hành cái tiền bạc đấy. Đó chỉ là một phần việc nhỏ. Mang tất cả kinh nghiệm-thời gian-tri thức của tôi từ điện ảnh sang nên tôi không muốn làm một nhà sản xuất như vậy.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và ê kíp vở diễn Hồn Trương Ba da hàng thịt tại Liên hoan kịch nói toàn quốc tháng 6/2024 tại Thái Nguyên

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và ê kíp vở diễn Hồn Trương Ba da hàng thịt tại Liên hoan kịch nói toàn quốc tháng 6/2024 tại Thái Nguyên

Tôi đã xem vở diễn và thấy được dấu ấn của chị trong đó. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một sự hậu thuẫn lớn cho đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama?

Tôi chủ trương hậu thuẫn tối đa những gì một đạo diễn (giỏi) cần. Tôi cũng tin sự hậu thuẫn của một người am hiểu và có tình yêu với các tác phẩm của anh Vũ là một lợi thế rất lớn cho vở kịch. Ở vở kịch này, làm ra được một cái mới có tính thuyết phục và khiến mọi người xúc động là một thách thức, và may mắn ê-kíp đã giành được điều đó, nhờ lao động và tài năng của mọi người.

Chị có nghĩ sẽ lại tiếp tục những dự án sân khấu khác trong thời gian tới?

Tôi đang xây dựng một dự án sân khấu nữa cũng liên quan đến Lưu Quang Vũ. Nhưng tôi muốn làm việc với các bạn trẻ. Vì tôi muốn “khai thác” tài năng và tình yêu Việt Nam của đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama, không phải chỉ ở vai trò đạo diễn mà như một người truyền lửa nghề cho các nghệ sĩ trẻ của sân khấu Việt Nam, những người phải nói quá yêu nghề, quá tâm huyết, quá hy sinh nhưng còn quá thiếu cơ hội. Tôi muốn có các vở diễn mang tính chất đa dạng, nếu có thể thì sẽ tạo ra một bộ ba mang tính chất tương đối iconic (mang tính biểu tượng) cho sân khấu ở Thủ đô. Tức là nếu ai ở nơi khác đến Hà Nội thì họ có thể chọn xem một show diễn giống kiểu mình đến một vùng nào đó sẽ phải thưởng thức một cái gì đó ở đấy.

Các nhà hát bây giờ thường diễn theo mùa, các vở thì cũng không mới và hơi khó tiếp cận. Thế nên làm được điều đó sẽ rất có lợi cho công chúng và mình tạo được một đặc điểm quan trọng cho thành phố sáng tạo Hà Nội.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cùng ê kíp sản xuất phim

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cùng ê kíp sản xuất phim

Cám ơn đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp với những chia sẻ chân tình, thú vị về nghề!

NGÀY XUẤT BẢN: 22/08/2024
NỘI DUNG: PHAN THANH PHONG
TRÌNH BÀY: HOÀI ANH