“Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” chủ yếu ở hai thôn Huỳnh Công Tây và Tây Ba của xã Vĩnh Tú, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân ở đây. Chuyện trạng sẽ không thể thất truyền, bởi những người trẻ vẫn đang miệt mài sưu tập những câu chuyện được các nghệ nhân cao niên trao truyền bao đời nay, góp phần làm đặc sắc hơn loại hình văn hóa dân gian độc đáo, riêng có của mảnh đất Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Chị Hoàng Dạ Hương, công chức văn hóa-xã hội của xã Vĩnh Tú đã gieo cho chúng tôi niềm tin như vậy, khi thấy được những nỗ lực bảo tồn, phát triển và tấm chân tình nhiệt huyết của chị, người giữ hồn chuyện trạng.

Kho tàng phong phú về tiếng cười lạc quan của người lao động

“Đãi”chúng tôi bằng một bữa đặc sản khoai lang và câu chuyện trạng “Ăn khoai lang phải đeo kính”, chị Hoàng Dạ Hương kể: “Tôi đi cày đồng, phần cơm trưa là một giỏ khoai lang đã nấu chín. Khi cầm tay bẻ đôi củ khoai, lập tức hai con mắt bị mù, không thấy đường gì hết, mũi họng bị tịt lại, không thở được. Bà con trên đồng thấy vậy khiếp quá, mang tôi đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ đo huyết áp cũng không cao, tim mạch bình thường, nhưng tại sao tôi không thấy đường. Bác sĩ đưa xuống khoa mắt, khi đôi mắt tôi được căng ra thì thấy đầy hai mắt là một thứ bột có màu trắng, không rõ thứ gì. Sau khi đem thứ bột lạ này đi xét nghiệm, kiểm tra, mới té ra đó là... bột khoai lang. Do khoai lang củ to, quá nhiều bột nên vừa mới bẻ đôi củ khoai, bột khoai lang bung ra bay vào mắt. Từ đó mọi người ở làng tôi khi ăn khoai lang đều phải đeo kính cẩn thận”.

Thôn Huỳnh Công Tây và Tây Ba của xã Vĩnh Tú, cái nôi “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” cách thị trấn Hồ Xá chưa đến 3km về phía đông bắc. Trước đây vùng đất xã Vĩnh Tú cùng các xã Trung Nam, Vĩnh Thái thuộc xã Vĩnh Hoàng. “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” được người dân kể khiến ai nghe cũng cười đến ngặt nghẽo, cười đến lúc chảy nước mắt vì… quá vui, như chuyện Bắt cọp cải để cày; Đa bí ngô mần thuyền thúng; Cây khoai bò qua hai tỉnh; Đi bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp; Ớt mà tưởng ngà voi; Cá đô bảy món; Vảy tôm dùng để lợp nhà… Nội dung chuyện trạng liên quan đến đời sống, sản xuất luôn được trao truyền, kể lại cho lớp trẻ, cho du khách đến Vĩnh Tú với niềm tự hào.

Chúng tôi cùng chị Hoàng Dạ Hương về thôn Huỳnh Công Tây, để tìm hiểu chuyện trạng. Vừa dẫn đường, chị Hương vừa bảo, thôn Tây trước đây có khoảng 15-20 cụ giỏi nói trạng, nhưng thăng trầm tuổi tác, giờ cũng không còn mấy ai. Nghệ nhân Võ Văn Nồng (80 tuổi) đón khách bằng giọng đặc sệt của người Vĩnh Tú, ông nói: Mấy eng ả có việc chi không mà đến đây, rồi khiêm tốn tự nhận mình chỉ là học trò, chưa xứng đáng lắm với các cụ. Nói xong, ông nhoẻn miệng cười rồi kể chuyện trạng “Thừa một đứa con”. Hồi ấy đang còn chiến tranh, mẹ ông cùng 4 người con đang nằm hầm thì nghe có tiếng máy bay và tiếp đến là tiếng kêu lạc xạc, là lạ. Bà ngồi dậy, dùng tay sờ mấy đứa con thì thấy một đứa con bị nóng, sốt bất ngờ. Có điều lạ là hồi chiều chỉ có 4 đứa con cùng ngủ trong hầm nhưng sao bây giờ có đến 5 đứa, thừa 1 đứa con? Mẹ tôi nghĩ chắc có đứa nào con hàng xóm chui vào ngủ, nhưng nửa đêm bị sốt nên đưa nó đi cấp cứu. Khi tôi lọ mọ bật đèn xem kỹ đứa bị sốt thì quá bất ngờ, vì đó là một... quả bom mà giặc lái Mỹ vừa thả xuống, rất may nó không nổ”.

“Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” như một kho tàng phong phú về tiếng cười lạc quan mang đậm cá tính mộc mạc lành mạnh, có tác dụng tích cực đối với con người và cuộc sống thôn quê. Đây là tiếng cười của những con người chan chứa một lòng yêu đời, luôn có niềm tin mẫn liệt vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm trong cuộc sống.

Chị Hoàng Dạ Hương nháy mắt chúng tôi bảo: “Cụ lại đang nói trạng đấy” rồi chị bắt tay ông cười hỉ hả. Người dân ở làng này, ai cũng biết ông Võ Văn Nồng là nghệ nhân hiếm hoi còn minh mẫn, “báu vật sống” về chuyện trạng. “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” như một kho tàng phong phú về tiếng cười lạc quan mang đậm cá tính mộc mạc lành mạnh, có tác dụng tích cực đối với con người và cuộc sống thôn quê. Đây là tiếng cười của những con người chan chứa một lòng yêu đời, luôn có niềm tin mãnh liệt vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm trong cuộc sống.

Cuốn sổ về nhiều truyện trạng, có nhiều chuyện từ thời xa xưa cha ông truyền lại được nghệ nhân Võ Văn Nồng sưu tầm viết lại.

Cuốn sổ về nhiều truyện trạng, có nhiều chuyện từ thời xa xưa cha ông truyền lại được nghệ nhân Võ Văn Nồng sưu tầm viết lại.

Lôi cuốn sổ sờn mép vì được lật đi, lật lại ghi chép, kể chuyện bao năm qua, ông Nồng tự hào nói, ông đã sưu tầm viết lại được nhiều chuyện trạng, có nhiều chuyện từ thời xa xưa cha ông truyền lại. Nói rồi, ông giới thiệu về đặc sản dưa đỏ Vĩnh Tú to, ngon ngọt nổi tiếng bằng câu chuyện trạng được cha ông trao truyền. “Đi ra đồng thấy quả dưa hấu to tướng đang nhúc nhích qua lại. Nhìn kỹ thấy đàn quạ đang tranh nhau ăn ruột quả dưa. Tức quá tui bắt bọp, bắt bọp (giết chết) đến 99 con mỏi cả tay, số quạ còn lại bay lên đen trời”. Có nghĩa quả dưa hấu to đến hơn 100 con quạ chui vào lọt thì chỉ có dưa hấu làng trạng mà thôi. Câu chuyện cũng ước muốn người dân trồng được quả dưa hấu thật to. Nghe xong, mọi người cùng cười vang. “Nhờ những truyện trạng, tiếng cười đã giúp người dân chiến thắng mưa gió, bom đạn, có ý chí để lao động, sản xuất, chiến đấu. Dần dần, những câu chuyện trạng trở thành nét đặc sắc, được lưu truyền và phát triển thêm nhiều câu chuyện mới, hợp với thời sự hơn”, ông Nồng kể.

“Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” không những đi theo người nông dân ra đồng ruộng, còn đi theo các chiến sĩ vào nhà tù đế quốc, đi theo cán bộ kháng chiến lên chiến khu, đi theo bộ đội ra chiến trường, đi theo công nhân vào nhà máy, xí nghiệp. “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” còn đi theo các chuyến tàu thống nhất vào nam ra bắc. Ở đâu, lúc nào chuyện trạng cũng đem lại cho mọi người những tiếng cười lạc quan và sảng khoái sau những giờ phút mệt nhọc và căng thẳng.

Là di sản văn hóa phi vật thể

Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử của tỉnh Quảng Trị Lê Đức Thọ cho biết, người Việt có mặt trên vùng đất huyện Vĩnh Linh từ sau thế kỷ 11. Cuộc nhập cư đầu tiên của người Việt vào vùng đất bắc sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh diễn ra dưới thời nhà Lý, đã thiết lập nên hệ thống làng mạc ven các đồi đất đỏ bazan, đồi cát, các vùng thung lũng thấp, vùng ven sông, ven biển. Tại vùng đất xã Vĩnh Tú ngày xưa, trên con đường thiên lý bắc nam có địa danh nổi tiếng, đó là Truông nhà Hồ.

Đây là nơi nổi tiếng về sự khắc nghiệt, nguy hiểm trong cuộc sống tự nhiên cũng như xã hội được nhắc đến với câu ca: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ Truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Trên con đường thiên lý bắc nam ấy, mọi người đều phải đi qua Truông nhà Hồ. Có rất nhiều câu chuyện về Truông nhà Hồ nhiều thổ phỉ, cướp bóc, giết hại làm cho những người qua lại cũng như sinh sống ở vùng đất này vô cùng kinh hãi; cùng với đó là những chuyện anh hùng dùng mưu phá nạn cướp, giữ yên cho mọi người. Nhiều sách sử nhắc đến Truông nhà Hồ. Sách Đại Nam thực lục Tiền biên của triều Nguyễn ít nhất 2 lần nhắc đến Truông nhà Hồ, mô tả với những khắc nghiệt khó lường.

Truông nhà Hồ nổi tiếng về sự khắc nghiệt, nguy hiểm, nhưng có lẽ chính những điều kiện sinh sống như thế đã góp phần tạo nên tinh thần lạc quan để vượt qua những gian nan, thử thách.

Truông nhà Hồ nổi tiếng về sự khắc nghiệt, nguy hiểm, nhưng có lẽ chính những điều kiện sinh sống như thế đã góp phần tạo nên tinh thần lạc quan để vượt qua những gian nan, thử thách.

Có lẽ chính những điều kiện sinh sống như thế đã góp phần tạo nên tính cách, lối sống đặc trưng văn hóa của con người nơi đây, đó là tinh thần lạc quan để vượt qua những gian nan, thử thách.

Từ thị trấn Hồ Xá ngày nay đi trên quốc lộ 1 theo hướng ra phía bắc khoảng hơn 1km, bắt đầu đến địa phận xã Vĩnh Tú, nhìn sang phía phải thấy một dải rú (xưa gọi truông) cây cối khá rậm rạp chạy dài và rộng, đây là phần còn lại của Truông nhà Hồ xưa.

Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian Trần Công Lanh, một người con của Vĩnh Linh, trong tác phẩm nghiên cứu về “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng”, thì chính cái khắc nghiệt của vùng đất này đã làm cho con người trải qua bao thăng trầm, biến thiên trong cuộc sống; trước những thử thách cam go họ vẫn hiên ngang, vững chắc với khí phách kiên cường, đầy thú vị được thể hiện qua những câu chuyện trạng hài hước. Dưới bàn tay và sức mạnh, ý chí và nghị lực, trái tim đầy yêu thương, họ đã xây đắp nên một bề dày lịch sử, nguồn văn hóa vô tận cho quê hương.

“Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” là sản phẩm tinh thần có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống nhân dân, nuôi dưỡng trí tuệ, tâm hồn, giúp người dân vùng quê này biết giữ gìn nhân cách, biết yêu thương, cao hơn là ý thức xây dựng cuộc sống hạnh phúc.

“Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” ra đời cách nay khoảng 700 trăm năm, là hiện tượng văn hóa dân gian độc đáo của Vĩnh Linh, đi vào chiều sâu tình cảm biết bao người, sánh vai cùng làng cười Gabrovo của đất nước Bulgaria, là sản phẩm tinh thần có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống nhân dân, nuôi dưỡng trí tuệ, tâm hồn, giúp người dân vùng quê này biết giữ gìn nhân cách, biết yêu thương, cao hơn là ý thức xây dựng cuộc sống hạnh phúc.

Nội dung các câu chuyện trạng được người dân sáng tác rất vui vẻ, hóm hỉnh. Đặc điểm của người dân Huỳnh Công Tây và Tây Ba là ứng khẩu nhanh và ứng tác rất giỏi nên sáng tác chuyện rất nhanh. Chuyện trạng Vĩnh Hoàng là kho tàng văn học dân gian có một không hai của Việt Nam, được xem như là một di sản văn hóa phi vật thể, cần được bảo tồn và phát huy.

Bàu Thủy Ứ, còn được gọi là bàu Trạng, tọa lạc tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, gắn liền với vùng đất làng Trạng Vĩnh Hoàng thời xưa.

Bàu Thủy Ứ, còn được gọi là bàu Trạng, tọa lạc tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, gắn liền với vùng đất làng Trạng Vĩnh Hoàng thời xưa.

Đau đáu bảo tồn “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng”

Nói trạng và “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” đã ngấm vào máu thịt của người dân nơi đây, cả làng, cả thôn có thể nói chuyện trạng. Sau chiến tranh, hòa bình lập lại có một số nhà nghiên cứu góp phần bảo tồn chuyện trạng, được thể hiện qua các tác phẩm bằng chữ viết. “Tiếp sức” bảo tồn cho “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng: là những sinh viên ngành xã hội của các trường đại học về Vĩnh Tú tìm hiểu, nghiên cứu. Đặc biệt, nội lực của người dân địa phương tham gia bảo tồn chuyện trạng với những cách làm độc đáo như vẽ tranh chuyện trạng để bảo tồn; kể chuyện trạng qua tranh, tổ chức các đêm đối thoại chuyện trạng cho con cháu nghe … Những việc làm ý nghĩa này vơi dần vì các “báu vật sống” chuyện trạng ngày càng vắng bóng do tuổi tác.

Cái khó nữa để đưa chuyện trạng đến rộng rãi hơn với công chúng, là với những người không thuộc vùng đất Bình Trị Thiên cũ, khi nghe câu chuyện được kể đa số không nghe kịp, khó hiểu, vì bản thân câu chuyện sử dụng nhiều từ cổ, ngôn ngữ, thổ ngữ, đặc biệt là khẩu khí mà người kể chuyện thể hiện mang đậm tính địa phương. Vì vậy người nghe cần được giải đáp, phân tích mới hiểu.

Trước thực tế này, chị Hoàng Dạ Hương đau đáu việc bảo tồn chuyện trạng. “Các câu chuyện đã có sự biến thiên cả về nội dung, cách kể chuyện và thế hệ tiếp cận để phù hợp với sự phát triển xã hội nhưng hồn cốt của chuyện vẫn được giữ nguyên”, chị Hương cho biết.

Chị Hoàng Dạ Hương, công chức văn hóa-xã hội của xã Vĩnh Tú, là một trong những người luôn nỗ lức hết mình giữ lửa cho công tác bảo tồn chuyện trạng.

Chị Hoàng Dạ Hương, công chức văn hóa-xã hội của xã Vĩnh Tú, là một trong những người luôn nỗ lức hết mình giữ lửa cho công tác bảo tồn chuyện trạng.

Sự kiện được nhiều người mừng nhất là ra đời Câu lạc bộ “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” vào giữa năm 2022. Ban đầu chị Hương đã vận động một số hạt nhân có năng khiếu và yêu thích chuyện trạng tổ chức hoạt động theo nhóm. Nay câu lạc bộ có 32 thành viên sinh hoạt định kỳ vào 2 tối mỗi cuối tuần. Nhiều câu chuyện xưa của các nghệ nhân, nhiều ý tưởng của người trẻ đã được chị chọn lọc, viết được 14 câu chuyện có cấu tứ, có hình ảnh minh họa. “Để du khách thập phương đến Vĩnh Tú hiểu được chuyện trạng, tôi phải viết mỗi câu chuyện có mở bài, thân bài, kết luận, khi kể thời gian khoảng 3-5 phút, nói dài quá 5 phút thì chuyện sẽ chán”, chị Hương chia sẻ. Hàng năm, các trường học trong huyện phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức thi nói trạng cho học sinh. Những lần thi này chị Hương phải viết nhiều câu chuyện cho phù hợp với độ tuổi các cháu. Từ ngày có câu lạc bộ, có tổ chức sinh hoạt dưới sự chỉ đạo và quản lý của cơ quan chức năng nên chuyện Trạng từng bước được bảo tồn, câu lạc bộ tổ chức đào tạo được thế hệ kế tiếp.

Dù nỗ lực cố gắng, nhưng chị Hoàng Dạ Hương băn khoăn chỉ vài thành viên câu lạc bộ chưa đủ sức vực dậy một kho tàng văn hóa dân gian phi vật thể sống lại mạnh mẽ. Chị mong cấp trên quan tâm hơn nữa trong việc bảo tồn chuyện trạng. “Tôi chỉ còn công tác 6 năm nữa, khi mình nghỉ, không biết ai sẽ là người kế tiếp thực hiện công việc này”, chị Hương bộc bạch.

Điểm du lịch cộng đồng sinh thái bàu Thủy Ứ, xã Vĩnh Tú.

Điểm du lịch cộng đồng sinh thái bàu Thủy Ứ, xã Vĩnh Tú.

Đứng trên bàu Thủy Ứ, một địa điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của Vĩnh Tú, chị Hương cho biết năm 2023, một công ty du lịch của tỉnh Quảng Trị khảo sát đánh giá thực trạng khai thác phát triển du lịch điểm đến này với sản phẩm chính là du lịch “ Chuyện trạng Vĩnh Hoàng”. Nhiều người hy vọng “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” sẽ được quan tâm đầu tư để bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa; cũng là dịp đưa bàu Thủy Ứ thành điểm nhấn du lịch địa phương.

Ngày xuất bản: 6 /9/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: LÂM QUANG HUY - THẢO LÊ - THIÊN LAM
Ảnh: ĐĂNG KHOA
Trình bày: PHƯƠNG NAM