Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ...

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên luôn là người chiến sĩ cộng sản tài năng, kiên cường, có đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự đến kinh tế, xã hội. Trong đó, gần 10 năm trên cương vị Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cùng với Bộ Tham mưu Trường Sơn đã chỉ huy lực lượng hùng hậu với quy mô 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc sự nghiệp chi viện to lớn cho các hướng chiến trường. Chính thời gian này đã làm tỏa sáng tên tuổi của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với tên gọi: Tư lệnh đường Trường Sơn huyền thoại.

TIỂU SỬ

TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh ngày 1/3/1923, tên thật Nguyễn Hữu Vũ, quê ở xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, xuất thân trong một gia đình trung lưu, ông sớm đã có tinh thần chống thực dân Pháp.

Năm 12 tuổi, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng; gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 16 tuổi và lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng. Những hoạt động của ông sớm bị chính quyền thực dân theo dõi. Vì vậy, khi đang học năm thứ 3 bậc Thành chung, ông bị thực dân Pháp truy nã và phải chuyển vào hoạt động bí mật tại Lào và Thái Lan trong phong trào Việt kiều yêu nước để gây dựng cơ sở.

Năm 1944, ông bí mật trở về Việt Nam hoạt động, sau Cách mạng tháng Tám, ông được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm Chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình. Năm 1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Khi chiến tranh Đông Dương nổ ra, ông được phân công làm Chính trị viên kiêm Tỉnh đội trưởng Quảng Bình. Trong thời gian 1947-1948, ông chỉ huy nhiều trận tấn công quân Pháp, vì vậy, để tránh liên lụy đến gia đình, ông dùng tên mới là Đồng Sỹ Nguyên, cái tên về sau gắn bó với ông trong cuộc đời còn lại. Năm 1950, ông được rút về Việt Bắc học lớp trung cao quân sự, sau đó được điều về Tổng cục Chính trị làm phái viên, biệt phái tham gia Bộ Tư lệnh cánh phối hợp Trung-Hạ Lào trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954.

Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, ông được điều về Bộ Tổng tham mưu, phụ trách Cục Động viên dân quân, được cử sang Trung Quốc học Trường Cao cấp Quân sự Bắc Kinh. Năm 1964, ông về nước và được đề bạt giữ chức vụ Tổng tham mưu phó một thời gian ngắn, sau đó được điều về làm Chính ủy Quân khu 4 năm 1965, rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Trung-Hạ Lào. Đầu năm 1966, ông được cử giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần tiền phương. Đầu năm 1967, ông được điều làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559, ông giữ chức vụ này đến năm 1976. Ông đã có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn, đưa con đường vận tải chiến lược này thành một huyền thoại, góp phần quan trọng đến thành bại cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được giới truyền thông mệnh danh là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”.

Năm 1976, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng, phụ trách Tổng cục Xây dựng kinh tế, rồi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Năm 1979, ông được điều trở lại quân đội, giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Từ năm 1982, ông làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, Ủy viên Chính thức Bộ Chính trị khóa VI (1986-1991), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Sau khi thôi chức Bộ trưởng, ông được giao nhiệm vụ Đặc phái viên Chính phủ đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, rồi là cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về quốc lộ Hồ Chí Minh (Quốc lộ Trường Sơn).

Với những cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý khác.

TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN

NGƯỜI VIẾT NÊN “HUYỀN THOẠI ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN”

Để đáp ứng yêu cầu chi viện từ miền Bắc cho cách mạng miền Nam, ngày 19/5/1959, Đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) được thành lập. Từ khi thành lập đến đầu năm 1962, Đoàn 559 vừa mở đường, tổ chức giao liên hành quân, vừa tổ chức gùi thồ hàng quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam; đến năm 1962-1964, vận chuyển ô tô trên đường Trường Sơn được tổ chức, chạy theo đội hình nhỏ lẻ.

Từ năm 1965, với chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân vào tham chiến ở miền Nam, mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Trên tuyến Trường Sơn, chúng tiến hành “chiến tranh ngăn chặn”, sử dụng vũ khí công nghệ cao, thủ đoạn tàn bạo, kể cả chất độc hóa học đánh phá rất quyết liệt, gây nhiều khó khăn, tổn thất về sinh mạng và vật chất, hòng cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của quân và dân ta cho chiến trường miền Nam. Hoàn cảnh đó, đòi hỏi Đoàn 559 phải thay đổi cơ cấu tổ chức, đặc biệt là phải chuyển từ gùi thồ lên vận chuyển cơ giới mới có thể vận chuyển khối lượng người và hàng hóa vào các chiến trường xa, đáp ứng yêu cầu chiến trường đánh to thắng lớn. Nhưng mùa khô 1965-1966, lần đầu tiên Bộ Tư lệnh 559 tổ chức vận tải cơ giới tập trung quy mô tiểu đoàn đã không thành công, do địch tập trung đánh phá ngăn chặn; công tác tổ chức, chỉ huy của ta còn hạn chế, đường sá chưa đáp ứng yêu cầu vận chuyển cơ giới quy mô tập trung. Vận chuyển cơ giới chưa thành công, chịu nhiều tổn thất, Bộ Tư lệnh 559 tổ chức rút kinh nghiệm. Luồng ý kiến chủ đạo cho rằng chiến tranh ở miền Nam đã phát triển lên giai đoạn mới, Bộ Tư lệnh phải lấy vận chuyển cơ giới tập trung làm phương thức chủ yếu, đồng thời tùy từng thời điểm, từng tuyến, tổ chức vận tải thô sơ cho phù hợp. Và đã có một luồng ý kiến nên quay về vận chuyển thô sơ (gùi thồ) chậm nhưng chắc.

Nhưng với quyết tâm đánh Mỹ, giải phóng miền nam, đầu năm 1967, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo Bộ Tư lệnh 559 tiếp tục tổ chức vận chuyển cơ giới, tăng cường lực lượng, phương tiện cho tuyến; điều đồng chí  Đồng Sỹ Nguyên - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đặc trách Tổng cục Hậu cần tiền phương ở tuyến nam Quân khu 4 được chỉ định kiêm Tư lệnh Đoàn 559.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (đội mũ vải) nghe báo cáo về kế hoạch triển khai tuyến xăng dầu khu vực 471.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (đội mũ vải) nghe báo cáo về kế hoạch triển khai tuyến xăng dầu khu vực 471.

Ngay khi nhận chức, với tinh thần sâu sát, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên có mặt trên hầu khắp mọi nơi, từ binh trạm đến các đơn vị binh chủng thuộc Đoàn 559, cùng các cấp lãnh đạo, chỉ huy thấu hiểu và trực tiếp chỉ đạo giải quyết mọi nhiệm vụ của Bộ đội Trường Sơn. Để khắc phục khó khăn, xoay chuyển tình thế, đồng chí cho rằng trước hết phải nhận thức đầy đủ tầm chiến lược của Đường Trường Sơn, đánh giá đúng tình hình địch, ta, địa hình, thời tiết... Nếu không đánh giá đầy đủ các yếu tố nêu trên thì chỉ thấy sức mạnh tuyệt đối của Mỹ mà không thấy được sức mạnh của ta, dẫn đến hoang mang dao động, thụ động trong tổ chức thực hiện. Đối tượng tác chiến chủ yếu trên Đường Trường Sơn là không quân Mỹ, mặc dù với phương tiện, kỹ thuật tối tân, hiện đại nhưng chúng vẫn có những nhược điểm, cần phải nắm lấy nhược điểm của chúng để tiến công. Cùng với nắm chắc địch, cần xây dựng thế trận cầu đường, thế trận vận tải, xây dựng lực lượng bộ đội hợp thành và bộ đội binh chủng, tồ chức chiến dịch vận chuyển... để bảo đảm sự vận hành của ta ổn định, nhịp nhàng, luôn nằm trong tầm kiểm soát. Nếu biết được mặt mạnh, mặt yếu và sự vận động có tính quy luật của địch, ta sẽ có niềm tin và tổ chức thắng lợi mọi nhiệm vụ. Kết quả, sau 3 tháng trên cương vị Tư lệnh Đoàn 559, đồng chí đã chỉ đạo đơn vị hoàn thành khối lượng kế hoạch của cả năm[1].

Nhằm cắt đứt đường chi viện của ta, quân đội Mỹ và đồng minh đã tìm mọi cách từ thô sơ đến hiện đại nhất nhằm mục đích cắt đứt con đường vận tải chiến lược này. Các khí tài điện tử được lập thành “Hàng rào điện tử Mc Namara”, cây nhiệt đới, pháo đài bay B-52, vũ khí thời tiết, hóa học... đến các cuộc hành quân càn quét lớn đến biệt kích phá hoại đều được quân đội Mỹ sử dụng. Những tổn thất do kẻ thù gây ra cho chúng ta không hề nhỏ, song tuyến đường vẫn luôn được bảo đảm thông suốt.

Dưới sự chỉ huy tài tình của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, đường mòn Trường Sơn từ một con đường nhỏ đã trở thành một tuyến giao thông vận tải lớn với cả hệ thống đường được giới truyền thông mệnh danh là “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”. Tầm quan trọng của con đường chiến lược này thể hiện rõ nhất với quân số lúc cao điểm hơn 12 vạn chiến sĩ, trong đó có hơn 1 vạn là lực lượng Thanh niên xung phong, biên chế thành 8 sư đoàn và một sư đoàn cao xạ, tên lửa phối thuộc. Về hệ thống đường chiến lược này khi ông vào tiếp nhận chỉ có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe, chia thành 4 binh trạm; đến năm 1975 đã phát triển thành 2 sư đoàn vận tải với 10 nghìn xe. Đường Trường Sơn không còn những con đường đơn lẻ, mà phát triển thành một hệ thống đường vận tải phức tạp với hơn 16.700km đường bộ, trong đó có hơn 800km đường kín, 1.500km đường rải đá, 200km đường nhựa. Bên cạnh đó, còn có 1.500km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350km đường dây cáp thông tin, 3.800km đường giao liên, 500km đường sông.

Xe vận tải quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam trên tuyến đường Trường Sơn. 

Xe vận tải quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam trên tuyến đường Trường Sơn. 

Cùng với đó, công tác bảo đảm xăng dầu cho vận chuyển cơ giới là yếu tố sống còn của công tác vận tải. Đầu năm 1969, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đưa ra kế hoạch xây dựng tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400km, thành một hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn; đồng bộ với đó là hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn, nhỏ có trữ lượng 27 nghìn m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600-800m3/ngày đêm trên một hướng. Đặc biệt, trong chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu về xăng dầu cho tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch một cách thuận lợi, kịp thời và nhanh chóng. Từ khi có tuyến đường ống xăng dầu, lực lượng vận tải của Trường Sơn chấm dứt một lực lượng lớn vận tải xăng dầu bằng xe téc và xe chở phuy xăng. Và trên mỗi xe ô-tô vận tải của Bộ đội Trường Sơn không còn phải mang thùng phuy xăng dầu dự phòng để dồn trọng tải cho việc chở hàng chi viện...

Như vậy, có thể khẳng định: Với những chiến công oanh liệt, tên tuổi của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên sẽ sống mãi với thời gian, sống mãi trong những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, sống mãi với Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Item 1 of 2

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn. 

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn. 

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng đoàn công tác khảo sát tuyến đường biên giới phía bắc.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng đoàn công tác khảo sát tuyến đường biên giới phía bắc.

NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ

TƯ LỆNH ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ. Toàn bộ cuộc đời của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Quân đội… Đối với tôi, Tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến”[2].


“Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên - nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; người chiến sĩ cộng sản kiên trung, sáng tạo, có nhiều công lao và đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3].


PHÁT NGÔN KINH ĐIỂN

Bộ đội Trường Sơn là phải luôn luôn nghĩ rằng mình làm được khi người khác không làm được. Không được phép nói “không làm được”[4]

Chú thích:
[1] Phan Hữu Đại, Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, Hà Nội, 2012, tr. 32.
[2] Phan Hữu Đại, Vị Tư lệnh chiến trường Trường Son – Đường Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, Hà Nội, 2012, tr.5-6.
[3] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết lời tiễn biệt trong sổ tang Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
[4] https://tuoitre.vn/tuong-dong-sy-nguyen-va-duong-ong-xang-dau-vuot-truong-son-bao-lua-20190406151435387.htm

Ngày xuất bản: 18/12/2024
Nội dung: Đại úy, ThS Nguyễn Ngọc Toán, Viện Lịch sử Quân sự
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN
Tranh chân dung nhân vật: Hoạ sĩ Đỗ Hoàng Tường
Trình bày: Ngọc Bích