
Trong nền báo chí cách mạng Việt Nam 100 năm qua và hơn 95 năm sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta, hiếm nhà lãnh đạo nào có đóng góp to lớn vào sự nghiệp báo chí như đồng chí Trường Chinh.
1Khởi đầu năm 1929, đồng chí làm báo Búa liềm và tạp chí Người cộng sản. Năm 1931, đồng chí làm chủ bút báo Con đường chính của chi bộ Đảng Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), đồng chí làm Giám đốc chính trị các báo Đời nay và Tin tức của Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí cũng là thành viên chủ chốt trong Ban Biên tập một số tờ báo công khai lớn nhất của Đảng thời điểm ấy như tờ Le Travail (Lao động), Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Rassemblement, Enavant (Tiến lên), rồi chủ bút báo Giải phóng (1936-1939).
Đồng chí Trường Chinh trao đổi công tác báo chí với cán bộ Báo Nhân Dân ở Việt Bắc.
Đồng chí Trường Chinh trao đổi công tác báo chí với cán bộ Báo Nhân Dân ở Việt Bắc.
Sau đó, trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí làm Chủ nhiệm chính trị, hoặc phụ trách các tạp chí lý luận của Đảng, như: Tạp chí Cộng sản năm 1941 (ra được 1 số), Tạp chí Cộng sản năm 1943 (3 số), Sinh hoạt nội bộ các năm 1947-1950 (20 số), Tạp chí Cộng sản năm 1950 (2 số); trực tiếp phụ trách báo Cờ Giải phóng (tháng 10/1942) - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Đảng; báo Cứu quốc (tháng 1/1942) - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt minh, báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân). Từ tháng 12/1955, đồng chí làm Chủ nhiệm rồi phụ trách Tạp chí Học tập (từ năm 1977 đổi tên là Tạp chí Cộng sản) cho đến giữa những năm 80 thế kỷ 20.
2Trong bài “Việc xuất bản Tạp chí Học tập và công tác xây dựng Đảng” đăng số đầu tiên của tạp chí, đồng chí Trường Chinh viết: “Tạp chí Học tập phải đóng một vai trò xứng đáng trong công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng”.
Nói chuyện với cán bộ tạp chí về công tác lý luận ngày 15/12/1965, đồng chí nhấn mạnh: “Phải coi trọng việc tổng kết những kinh nghiệm lịch sử và kinh nghiệm hiện tại của Đảng, để đi đến những kết luận có tính lý luận. Trong khi tiến hành công tác nghiên cứu lý luận, phải nắm vững phương châm “kết hợp lý luận với thực tiễn”, nghiên cứu có trọng điểm, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ. Tiếp thu có nghiên cứu, có chọn lọc những thành quả nghiên cứu lý luận của người khác, kết hợp việc nghiên cứu trước mắt với nghiên cứu lâu dài”.
Trong dịp làm việc với Ban Biên tập Tạp chí Học tập, đồng chí Trường Chinh đã phát biểu nhiều ý kiến về công việc của tạp chí, trong đó nhấn mạnh một số điểm về công tác biên tập như tạp chí phải bảo đảm tính chủ động, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, tránh đi vào học thuật, có phương hướng phát huy vai trò của cộng tác viên trong việc nghiên cứu các vấn đề nhằm đáp ứng yêu cầu do Trung ương đề ra.
Đặc biệt, khi vạch ra chương trình biên tập, phải định phương hướng biên tập chung, sau đó mới định ra các đề mục biên tập cho các ban. Không nên làm cách ngược lại. Đồng chí nhấn mạnh: “Viết báo phải rất thận trọng, phải có thái độ nghiêm túc. Cái gì chưa chắc chắn thì không nên viết. Tính đảng và tính khoa học của báo chí là nhất trí. Không nên vì muốn tỏ ra độc đáo mà đưa ra những cái chưa thật chắc chắn. Khi viết phải đi thẳng vào vấn đề. Bài phải có tính phê phán mạnh mẽ”.


3Nhà báo Quyết Tiến hồi tưởng, ngày 23/12/1959, trong một buổi đến thăm và nói chuyện, đồng chí Trường Chinh từng nói: “Muốn làm tốt công tác ở một cơ quan lý luận, tư tưởng của Đảng, chúng ta phải chú ý rèn luyện về 3 mặt: Một là, củng cố lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, cũng chính là lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin, nâng cao tư tưởng của mình lên. Hai là, học tập lý luận, đường lối chính sách của Đảng. Có hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, hiểu chính sách thì viết bài mới tốt. Ba là, gần gũi phong trào quần chúng. Phải gần gũi quần chúng đảng viên cũng như quần chúng ngoài Đảng để nghe ý kiến quần chúng đối với bài báo của mình, để phục vụ quần chúng, để quần chúng hiểu được mình”.
Đồng chí nhắc nhở: Phải nhớ câu Hồ Chủ tịch căn dặn: “Phải viết sao cho quần chúng hiểu được, làm cho họ hiểu ta, tin ta và theo ta”. Đồng chí phân tích: “Văn của Hồ Chủ tịch giản dị, dễ hiểu, đi sâu vào lòng người, tính tư tưởng cao. Chúng ta phải học tập Bác”. Đồng chí nói: “Viết lý luận phải dày công tu luyện. Ta phải khiêm tốn, chân thành học hỏi lẫn nhau. Phải có nhiệt tình cách mạng và đạo đức cách mạng, vì có hai cái đó thì có thể có những cái khác”.
Nhà báo Vũ Tiên, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhớ lại, nhờ sự chỉ đạo tận tình, chu đáo của đồng chí, cán bộ tạp chí hăng hái học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, học tập nghiệp vụ báo chí, học tập văn hóa, đi sâu vào đời sống quần chúng nhân dân để rèn luyện, nâng cao chất lượng của ấn phẩm.
Nhà báo Hà Đăng cũng kể, vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, với những danh nghĩa khác nhau, đồng chí thường đi thăm và làm việc với nhiều địa phương và cơ sở, cả thành thị, nông thôn và miền núi, cả công nghiệp và nông nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang. Hầu như mọi chuyến đi đó đều có phóng viên Báo Nhân Dân đi theo. Có những chuyến đi của đồng chí, cho đến nay nhà báo Hà Đăng vẫn còn nhớ, chẳng hạn như thăm và chỉ đạo công tác sửa sai ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc, xem xét phong trào làm thủy lợi ở Hưng Yên hay khảo sát phong trào hợp tác hóa ở Thanh Hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang) với nhóm phóng viên báo chí phục vụ Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960). Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang) với nhóm phóng viên báo chí phục vụ Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960). Ảnh: TTXVN
4Mấy chục năm phụ trách Tạp chí Học tập rồi tới Tạp chí Cộng sản, hầu như năm nào đồng chí cũng có bài viết cho tạp chí, có năm hai, ba bài. Đồng chí viết rất nhiều bài báo về tất cả các lĩnh vực công tác của Đảng và các lĩnh vực hoạt động xã hội. Nhiều bài báo trong đó, sau này được biên soạn thành sách, trở thành những tác phẩm lý luận quý báu về cách mạng Việt Nam.
Trong gần 30 năm được Bộ Chính trị phân công phụ trách Tạp chí Học tập, đồng chí dành tâm huyết và quan tâm rất lớn, và tạp chí luôn nhận được sự chỉ đạo tập thể của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Nhà báo Quyết Tiến kể, chỉ riêng trong mấy tháng cuối năm 1961 đầu năm 1962, Ban Bí thư có cuộc họp bàn về Tạp chí Học tập. Đáng quý nhất là cuộc họp Bộ Chính trị, ngày 3/3/1962, có Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự. Các cuộc họp đó, cùng với việc khẳng định nhiệm vụ tuyên truyền còn chỉ rõ các đồng chí lãnh đạo của Đảng đều phải viết bài cho tạp chí.
Tổng Bí thư Trường Chinh - người “anh cả” của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư Trường Chinh - người “anh cả” của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, tưởng nhớ đồng chí Trường Chinh không chỉ là tôn vinh một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam thế kỷ 20 mà còn ngưỡng mộ một cây bút lớn của báo giới nước nhà, người “anh cả” của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Nội dung: TS NHỊ LÊ (Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản)
Trình bày: NGÔ HƯƠNG
Ảnh: TTXVN