Chiều 18/5, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân và Công đoàn Viên chức Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu tham luận "Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò và sứ mệnh của Công đoàn Việt Nam" của Công đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tại tọa đàm "Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm lớn lao, sâu sắc đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Người là người Việt Nam đầu tiên nhận thức đúng đắn vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, là người đặt nền móng về lý luận cũng như thực tiễn cho việc tổ chức công đoàn cách mạng theo quan điểm học thuyết Mác-Lênin ở Việt Nam. Người đã rèn luyện đội ngũ giai cấp công nhân và dìu dắt, giáo dục, tổ chức Công đoàn từ lúc thành lập để có sự trưởng thành như ngày nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam
Hồ Chí Minh đặt nền móng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Công đoàn Việt Nam. Người sớm nhận thức được vai trò của công đoàn: Tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân, là trường học tổ chức, giáo dục, đoàn kết công nhân, trường học quản lý công nghiệp xã hội chủ nghĩa, trường học chủ nghĩa cộng sản.
Người đến với tổ chức Công đoàn khá sớm: Năm 1913 - tham gia tổ chức Lao động hải ngoại, tổ chức nghiệp đoàn của những người thợ thuyền thuộc địa sống trên đất Anh. Năm 1919 - gia nhập Công đoàn kim khí quận 17 Pari, thuộc lực lượng công đoàn vô chính phủ, có xu hướng khuynh tả.
Từ 1921 trở đi, sự nảy nở những tổ chức Công đoàn đầu tiên của người Việt Nam trên đất Pháp càng đẩy mạnh và Nguyễn Ái Quốc đã có mối quan hệ với lực lượng thợ thuyền. Trong cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người đã chỉ rõ: “Việc cần thiết hiện nay là phát động một cuộc tuyên truyền rộng lớn để thành lập các tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và phát triển các công đoàn hiện có dưới hình thức phôi thai”[1].
Vừa hoạt động, Người vừa nghiên cứu các hình thức tổ chức công đoàn ở các nước tư bản chủ nghĩa, ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ đó, Người rút ra những kinh nghiệm cho việc tổ chức công đoàn cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Năm 1927, trong cuốn Đường cách mệnh, Người viết rõ vai trò của tổ chức công đoàn: “Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là, để nghiên cứu với nhau; ba là, để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là, để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là, để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”[2]. Người đưa ra hai mẫu tổ chức công hội là các tổ chức công hội theo nghề nghiệp và theo sản nghiệp.
Như vậy, trên bước đường tiếp cận tới chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh là người đặt cơ sở về lý luận và thực tiễn để thành lập tổ chức công đoàn cách mạng của giai cấp công nhân. Từ khi miền bắc được giải phóng, Người thường nói chuyện và có những chỉ dẫn quan trọng đối với tổ chức Công đoàn, các hoạt động công đoàn cho phù với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.
Một số tham luận của các đại biểu tại tọa đàm
Tham luận của đồng chí Đỗ Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ:
Tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Minh, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tối cao:
Cải tiến lề lối làm việc của các cấp công đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sứ mệnh, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam
Hồ Chí Minh là người luôn quan tâm, chăm lo xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nguyên lý tổng quát được Người nêu lên để xác định sứ mệnh và nhiệm vụ của công đoàn Việt Nam là: “Công đoàn phải thật sự trở thành trường học quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế và văn hóa của giai cấp công nhân”[3]. Do đó, công đoàn phải vận động quần chúng lao động tham gia ngày càng rộng rãi vào toàn bộ sự nghiệp xây dựng nền kinh tế quốc dân, vào các kế hoạch kinh tế, sản xuất, phân phối.
Về sứ mệnh, nhiệm vụ của công đoàn, Người nêu tóm tắt: “Nhiệm vụ của công nhân và công đoàn hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn thế, công đoàn phải tổ chức, giáo dục, lãnh đạo công nhân đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Đảng và Nhà nước đề ra”[4].
Từ sứ mệnh, nhiệm vụ chung đó, Người xác định nhiệm vụ cụ thể:
Về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng: Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, vì Đảng của mình là Đảng của giai cấp công nhân. “Công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được, không thắng lợi được”[5]. Do đó, mọi đường lối, chính sách của Đảng phải được công nhân quán triệt và thực hiện, thông qua tổ chức công đoàn.
Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản. Thế nào là đạo đức vô sản? Người nêu tóm tắt: “Về đạo đức vô sản, công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, hiểu lao động là vẻ vang, phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua làm tốt, nhiều, mau, rẻ”[6].
Công đoàn phải lãnh đạo hướng dẫn công nhân. Đã nói đến lãnh đạo thì phải cụ thể, không quan liêu. Phải dân chủ bàn bạc với anh em công nhân. Phải thường xuyên kiểm tra để uốn nắn kịp thời những sai lệch và biểu dương động viên, khen thưởng những gương người tốt, việc tốt. Đồng thời, cán bộ công đoàn phải “ra sức vận động công nhân, viên chức cố gắng lao động sản xuất, đi đôi với thực hành tiết kiệm, cùng nhau vượt mọi khó khăn để chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”[7].
Về lề lối làm việc của công đoàn: Người căn dặn các cấp công đoàn cần đổi mới cách thức làm việc sao cho mọi hoạt động của công đoàn đi vào chiều sâu và có hiệu quả thiết thực. Người huấn thị: “Công đoàn các cấp cần cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc, kiểm tra. Cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ cấp trên cần thường xuyên đi đến cơ sở để giúp đỡ họ một cách thiết thực hơn”[8].
Công đoàn phải bảo vệ những lợi ích chính đáng của công nhân, viên chức thường xuyên quan tâm đến lợi ích vật chất và tinh thần của công nhân, viên chức. Người căn dặn công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thật sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp, có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống.
Công đoàn tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ của chủ nghĩa xã hội trong việc tham gia quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, để thực hiện tốt ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật, cách mạng tư tưởng, văn hóa. Công đoàn nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, lãnh đạo dân chủ, Người khuyên cán bộ công đoàn cùng công nhân đồng cam cộng khổ, hòa mình với công nhân thành một khối và gương mẫu. Cán bộ công đoàn trước hết phấn đấu trở thành người xã hội chủ nghĩa. Người nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có người xã hội chủ nghĩa. Công nhân phải thành người xã hội chủ nghĩa, cán bộ công đoàn trước hết phải là người xã hội chủ nghĩa”[9].
Cán bộ công đoàn nắm vững đường lối chính sách của Đảng, có lập trường giai cấp vững vàng, thấy hết trách nhiệm trước nhân dân, trước xã hội mà tự rèn luyện, nâng cao ý chí cách mạng tiến công... có thế mới xây dựng một đội ngũ công nhân giác ngộ cao, có lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, có tinh thần làm chủ tập thể.
Cán bộ công đoàn tích cực học tập để không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Người nói: Kinh tế ta ngày càng phát triển, hàng ngũ công nhân ngày càng thêm đông. Muốn làm tròn nhiệm vụ của mình thì cán bộ công đoàn phải cố gắng học tập vươn lên để không ngừng tiến bộ. Có học tập mới hiểu biết được khoa học, có hiểu biết được khoa học mới tổ chức được phong trào.
Bản chất của công nhân là đoàn kết đấu tranh nên Người căn dặn cán bộ công đoàn lại càng phải đoàn kết. Người nói: “Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí. Phải kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong các hệ thống công đoàn... Những phần tử nào biến chất, giáo dục không được thì kiên quyết đưa ra”[10].
Đối với đội ngũ công nhân trẻ, trước lúc đi xa, Người căn dặn cán bộ công đoàn phải đặc biệt chú ý bồi dưỡng cho họ về mọi mặt để trở thành những người có giác ngộ giai cấp, có trình độ văn hóa, khoa học-kỹ thuật cao, đứng lên gánh vác những nhiệm vụ nặng nề mà Tổ quốc giao phó.
Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.
Người nói: “Công nhân trẻ tốt lắm. Họ nghe và làm theo Đảng, công đoàn và đoàn thanh niên. Nhưng chúng ta phải tôn trọng họ, tin vào họ, bồi dưỡng cho họ về phẩm chất, đạo đức cách mạng, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân. Bồi dưỡng văn hóa, khoa học-kỹ thuật và kiến thức quản lý xã hội cho họ, tạo điều kiện cho họ phát huy vai trò làm chủ xí nghiệp là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật. Làm cho họ vừa vừa “hồng” vừa “chuyên”, đó là nhiệm vụ trước mắt và cả lâu dài”[11].
Quá trình hình thành, sự ra đời và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.
Nghiên cứu vận dụng sáng tạo những quan điểm của Hồ Chí Minh về Công đoàn, trong đó có quan điểm về vị trí, vai trò, sứ mệnh của Công đoàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần kíp, góp phần xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
--------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2, tr 137.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr 230.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr 420.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr 119.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr 477.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr 480.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr 681.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr 434.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr 123.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr 683.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr 684.
Xem thêm các bài viết khác cùng chủ đề:
ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN
Ngày xuất bản: 18/5/2023