UAV "Made in Vietnam"

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, các đơn vị đã giới thiệu nhiều trang thiết bị hiện đại, bao gồm các dòng máy bay không người lái (UAV), qua đó khẳng định tiềm lực công nghệ quốc phòng và năng lực tự chủ của Việt Nam.

Các sản phẩm này phục vụ nhiệm vụ trinh sát, chỉ thị mục tiêu và tấn công chính xác, giúp lực lượng vận hành chủ động trong mọi tình huống.

Đại tá Nguyễn Huy Sơn, Trưởng phòng Tư vấn chuyển giao công nghệ của Viện Cơ khí động lực (Học viện Kỹ thuật Quân sự), chia sẻ về sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện không người lái (UVs), bao gồm UAV, phương tiện mặt đất không người lái (UGV) và phương tiện dưới nước không người lái (UUV).

Theo Đại tá Sơn, các phương tiện này không chỉ phục vụ cho quốc phòng mà còn có ứng dụng rộng rãi trong các ngành như giao thông, nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, trong quân sự, các UVs sẽ là công cụ quan trọng để bảo vệ và hỗ trợ người lính, giúp tăng cường hiệu quả tác chiến. Mặt khác, thị trường UVs hiện đang phát triển mạnh mẽ, theo dự báo, thị trường này sẽ đạt giá trị lên tới 58 tỷ USD vào năm 2027, tăng mạnh so với mức 38,6 tỷ USD trong năm 2024.

Trong ảnh là một mẫu UAV "Made in Vietnam" do Viettel nghiên cứu và sản xuất. Mẫu UAV này đã được giới thiệu tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Trong ảnh là một mẫu UAV "Made in Vietnam" do Viettel nghiên cứu và sản xuất. Mẫu UAV này đã được giới thiệu tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và Israel hiện là những quốc gia dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển UAV, trong khi các khu vực lớn nhất về thị trường UAV gồm Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc trong cuộc cách mạng này. Chuyên gia Nguyễn Huy Sơn nhận định rằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực UAV, nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và nhu cầu ngày càng lớn từ các ngành công nghiệp trong nước.

Đại tá Nguyễn Huy Sơn cũng nêu một số hạn chế của phương tiện không người lái như độ chính xác của cảm biến, khả năng ra quyết định trong tình huống phức tạp, tuổi thọ pin và năng lượng, va chạm và tai nạn, xâm phạm quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu... Đặc biệt là các vấn đề pháp lý, chi phí để triển khai và tác động đến xã hội, việc làm.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự cho rằng phương tiện không người lái đang phát triển mạnh, có tác động đến nhiều ngành. Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển lĩnh vực này nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ và nhu cầu lớn từ các ngành. Ông dẫn chứng có những công ty cho thuê hàng nghìn UAV để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

UAV MADE BY VIETTEL

Tại triển lãm, gian trưng bày của Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) có 3 loại UAV, bao gồm UAV trinh sát, UAV cảm tử và UAV đa năng. Tất cả các sản phẩm UAV này Viettel đều làm chủ công nghệ, tự nghiên cứu, phát triển và chế tạo trong nước 100%.

Ông Đỗ Văn Long (kỹ sư) đến từ Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Tập đoàn Viettel) cho biết, trong chiến tranh hiện đại, UAV được sử dụng cho nhiều mục đích bao gồm giám sát, trinh sát, dẫn đường mục tiêu, nhiệm vụ tự sát và tấn công hỏa lực.

Thế hệ UAV tiếp theo thường được gọi là UAV đối kháng kết hợp các công nghệ tiên tiến, tấn công dựa trên camera và tự động hóa do AI điều khiển. Các chiến lược tấn công thông minh như bay lượn, bay ở độ cao thấp và tấn công theo bầy đàn phối hợp khiến những UAV này khó bị phát hiện, đánh chặn bởi các hệ thống phòng không thông thường.

Theo ông Long, rõ ràng một công nghệ đơn lẻ là không đủ để đối phó với sự đa dạng và chiến thuật thông minh của UAV hiện đại. Tích hợp nhiều cảm biến và trí tuệ nhân tạo sẽ là xu hướng công nghệ chính trong các hệ thống chống UAV.

Ông Long cho biết, Viettel đã thành công trong phát triển nhiều sản phẩm chống UAV áp dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm tác chiến điện tử, radar, quang điện, UAV, EMP và vũ khí hỏa lực.

Các sản phẩm này cho phép cung cấp các giải pháp tích hợp linh hoạt để phát hiện sớm và đánh chặn hiệu quả các UAV thù địch, từ hệ thống giám sát tầm xa đến tầm trung, hệ thống chống UAV tầm ngắn và các giải pháp chống UAV chiến thuật.

UAV trinh sát hạng nhẹ tầm trung VU-R70 nổi bật với khả năng giám sát linh hoạt cả ngày lẫn đêm, thời gian hoạt động kéo dài và tốc độ cao.

Với sải cánh 3,1m, chiều dài 1,7m và trọng lượng cất cánh tối đa 26kg, VU-R70 có thể hoạt động liên tục trong 4,5 giờ và đạt tốc độ tối đa 120km/giờ. Đặc biệt, VU-R70 còn được trang bị khả năng cất cánh và hạ cánh hoàn toàn tự động theo phương thẳng đứng (VTOL), giúp tăng tính linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ.

Hệ thống camera quang điện tử tích hợp cho phép quan sát ngày/đêm, đo xa bằng laser với độ phân giải HD. Công nghệ AI tích hợp trên hệ thống camera cũng cho phép VU-R70 tìm kiếm, phát hiện, nhận dạng mục tiêu tự động hoàn toàn, sau đó chỉ thị mục tiêu cho lực lượng hỏa lực và gửi thông tin về Sở chỉ huy theo thời gian thực.
UAV trinh sát hạng nhẹ tầm ngắn VU-R50 (bên trái) là phương tiện tối ưu cho các nhiệm vụ trinh sát nhanh và chính xác. Sở hữu sải cánh 3,2m, chiều dài 2,2m và cùng trọng lượng cất cánh tối đa 26kg, VU-R50 có thể hoạt động liên tục trong 3 giờ với tốc độ tối đa 120km/giờ.
Thiết kế gọn nhẹ và khả năng hoạt động linh hoạt khiến VU-R50 trở thành công cụ giám sát hiệu quả trong các tình huống chiến thuật.
Đáng chú ý tại triển lãm lần này là sự hiện diện của UAV cảm tử (đạn tuần kích) VU-C2 với khả năng tấn công chính xác vào các mục tiêu chiến trường
Khí tài này có sải cánh 1,5m, chiều dài 1,1m và trọng lượng cất cánh tối đa 8kg, thời gian hoạt động liên tục 40 phút, đạt tốc độ tấn công mục tiêu tối đa lên đến hơn 130km/giờ. Toàn bộ hệ thống bao gồm máy bay và hệ thống phóng có khối lượng nhẹ, có thể tháo lắp nhanh giúp người lính dễ dàng triển khai mang vác và cơ động.
VU-C2 được trang bị đầu đạn và đầu tự dẫn quang điện tử, tích hợp AI, cho phép tìm kiếm, phát hiện và khóa mục tiêu tự động hoàn toàn và tấn công mục tiêu khi có lệnh của người chỉ huy.
Ngoài ra, Viettel còn giới thiệu mô hình UAV đa năng tầm xa VU-MALE với khả năng hoạt động ở cự ly lớn trong mọi điều kiện thời tiết và mang được nhiều loại khí tài tấn công và trinh sát tầm xa. Sản phẩm này thể hiện bước đột phá về công nghệ, mở ra các khả năng tác chiến hoàn toàn mới cho quân đội và tiềm năng phát triển của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong tương lai.
UAV trinh sát VU-QL1 do Viettel nghiên cứu và sản xuất được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Cụm UAV chiến đấu, trinh sát, cứu hộ cứu nạn

Tại khu trưng bày ngoài trời đối với các sản phẩm UAV do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, nhiều mẫu UAV chiến đấu, trinh sát, cứu hộ cứu nạn cũng gây ấn tượng mạnh với người tham quan.

Điển hình là các mẫu máy bay không người lái M400-CT2, MMD-01, DIS-18, và RAV-80... Các sản phẩm này đều được nghiên cứu và sản xuất trong nước, thể hiện sự tiến bộ trong công nghệ và sản phẩm quân sự Việt Nam. UAV M400-CT2, chẳng hạn, được thiết kế để làm mục tiêu bay cho các khí tài tên lửa phòng không tầm trung và tầm gần, với các tính năng như tốc độ hành trình lên tới 220 km/giờ và thời gian hoạt động tối đa 120 phút. Đặc biệt, UAV này có thể mang theo nhiều loại tải khác nhau như hệ thống quang, ảnh nhiệt và khói, phục vụ cho huấn luyện và các hoạt động quân sự khác.

Không chỉ giới hạn trong quân sự, các UAV này còn có tiềm năng phát triển trong các ngành dân sự, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả trong các hoạt động giám sát, khảo sát, và vận chuyển. Các UAV như UAV-100AI và UAV-Z6D, với các tính năng hiện đại như nhận diện mục tiêu và khả năng giám sát trong điều kiện khó khăn, hứa hẹn sẽ tạo ra những bước tiến vượt bậc trong ngành công nghiệp không người lái của Việt Nam.

Những sản phẩm được mang tới triển lãm lần này không chỉ cho thấy năng lực nghiên cứu, phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng mà còn góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác quốc phòng vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế.

Tại khu trưng bày ngoài trời đối với các sản phẩm UAV do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, UAV RAV-80 được giới thiệu với khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng, phù hợp cho các nhiệm vụ trinh sát, hỗ trợ chiến đấu, giám sát hạ tầng và tìm kiếm cứu nạn...
RAV-80 có sải cánh 2,5m, chiều dài 1,3m, chiều cao 0,2m và trọng lượng cất cánh tối đa 15kg. UAV này đạt tốc độ hành trình 80-100km/giờ, tốc độ tối đa 120km/giờ, với cự ly hoạt động 80km và thời gian bay liên tục tối đa là 150 phút. Trần bay tối đa của RAV-80 là 3.500m, được dẫn đường chính xác nhờ hệ thống GNSS và INS. Tích hợp các thiết bị hiện đại như hệ thống quang-ảnh nhiệt, thấu kính phản xạ, mồi nhiệt hồng ngoại, khói,...
RAV-80 là minh chứng cho năng lực tự chủ trong nghiên cứu, sản xuất công nghiệp quốc phòng của Việt Nam, đáp ứng hiệu quả yêu cầu trong quân sự và dân sự.
Trong khi đó, UAV M400-CT2 được thiết kế làm mục tiêu bay cho huấn luyện và thử nghiệm khí tài, tên lửa phòng không tầm trung, tầm gần, đồng thời mô phỏng các nhiệm vụ tác chiến khác nhau.
Với tính năng linh hoạt và hiệu suất cao, M400-CT2 góp phần quan trọng trong công tác huấn luyện và nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng phòng không - không quân Việt Nam, khẳng định sự phát triển của công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
UAV DIS-18 cũng được thiết kế làm mục tiêu bay phục vụ huấn luyện, thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của hệ thống khí tài, tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa. DIS-18 sở hữu sải cánh 2,8m, chiều dài 3,1m, chiều cao 1,3m, trọng lượng cất cánh tối đa 102kg và tải trọng hiệu quả tối đa 5kg.
UAV này đạt tốc độ hành trình 200-250km/giờ, tốc độ tối đa 360km/giờ, bán kính hoạt động 100km, thời gian bay 60 phút và trần bay 5.000m. Hệ thống dẫn đường GNSS và INS bảo đảm khả năng vận hành chính xác, cùng khả năng cất, hạ cánh trên đường băng.
Trong ảnh là mẫu máy bay không người lái UAV VUA-SC-3G do Việt Nam tự sản xuất. Mẫu UAV này có dải tốc độ 70-120km/giờ, bay liên tục trong 3 giờ, trần cao 3km và bán kính hoạt động lê tới 50km.
UAV MMD-01 là máy bay đa nhiệm với khối lượng cất cánh 80kg, hoạt động trong khoảng cách 60km được ứng dụng trong các nhiệm vụ trinh sát, hỗ trợ chiến đấu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn…
UAV-100AI bám bắt mục tiêu ban ngày với kích thước nhỏ, tốc độ tối đa đạt 60km/h và nhận dạng mục tiêu khoảng 150m.
Tại gian trưng bày của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Việt Nam trưng bày 3 loại UAV chiến đấu, trinh sát và cứu hộ cứu nạn. Trong ảnh là mẫu UAV BXL-13 do nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng thiết kế, chế tạo.
Đây là UAV cảm tử, mang đầu nổ lõm xuyên giáp, có thể tiêu diệt các mục tiêu như xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành, trạm radar và phương tiện kỹ thuật bọc thép ở trạng thái cố định với vỏ giáp có độ dày dưới 250mm. Khối lượng cất cánh tối đa 10 kg, mang đầu nổ 1,2 kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120 km/giờ và hoạt động cự ly liên tục 10km.
Mẫu UAV-50 của Nhà máy Z113 có thể thả đạn pháo vào mục tiêu, tăng khả năng chính xác khi tác chiến.
Thiết bị UCAV-Z113 được trưng bày tại Triển lãm.
Item 1 of 5

UAV - QXL.01 sản xuất năm 2024, là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử, mang đầu nổ xuyên lõm tiêu diệt các mục tiêu giống UAV - BXL.01. Khối lượng cất cánh của loại này tối đa 8kg, trần bay 1.000m, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, sai số tấn công mục tiêu nhỏ hơn 2m.

UAV - QXL.01 sản xuất năm 2024, là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử, mang đầu nổ xuyên lõm tiêu diệt các mục tiêu giống UAV - BXL.01. Khối lượng cất cánh của loại này tối đa 8kg, trần bay 1.000m, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, sai số tấn công mục tiêu nhỏ hơn 2m.

Đối với mẫu UAV cảm tử, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đưa ra 2 loại UAV cánh quạt cảm tử và UAV cánh bằng cảm tử. Trong đó, UAV cánh bằng cảm tử có trần bay khoảng 1.000m, tốc độ tấn công 120km/giờ, UAV mang đầu nổ xuyên lõm để tấn công các mục tiêu là xe tăng, xe bọc thép. (

Đối với mẫu UAV cảm tử, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đưa ra 2 loại UAV cánh quạt cảm tử và UAV cánh bằng cảm tử. Trong đó, UAV cánh bằng cảm tử có trần bay khoảng 1.000m, tốc độ tấn công 120km/giờ, UAV mang đầu nổ xuyên lõm để tấn công các mục tiêu là xe tăng, xe bọc thép. (

Du khách thích thú với các sản phẩm UAV "Made in Vietnam".

Du khách thích thú với các sản phẩm UAV "Made in Vietnam".

UAV dân sự và những công nghệ cho tương lai

Bên cạnh khu vực của các khí tài và UAV quân sự, khu trưng bày những sản phẩm phục vụ dân sự cũng thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người tham gia Triển lãm.

Tại không gian trưng bày của Bộ Khoa học và Công nghệ, CT UAV (một thành viên CT Group), giới thiệu mô hình 1:6 của nguyên mẫu chiếc UAV điện chở khách mang tên CT-2W1.

Dự kiến, nguyên mẫu đầu tiên của chiếc UAV điện chở khách CT-2W1 sẽ được hé lộ vào giữa năm 2025 và đi vào sản xuất hàng vào tháng 12 năm tới. Với tốc độ tối đa 200 km/h, khả năng chở 5 người và thời gian bay liên tục lên đến 2 giờ, CT-2W1 được xem là bước nhảy vọt trong giao thông đô thị.

Khách tham quan thích thú với mẫu UAV dân sự "Made in Vietnam".

Khách tham quan thích thú với mẫu UAV dân sự "Made in Vietnam".

Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn CT Group chia sẻ: Với mục tiêu ứng dụng đa ngành, phương tiện bay không người lái của CT UAV (trực thuộc CT Group) hướng tới sử dụng cho việc chở người, ứng dụng trong các lĩnh vực như: hậu cần viễn thông, quảng cáo; tín chỉ carbon (Carbon Credit); cứu nạn cứu hộ, phòng cháy chữa cháy; phục vụ bảo vệ môi trường, nông- lâm-ngư nghiệp; công nghệ dầu khí; truyền tải điện; năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nhiều ngành đặc thù khác…

Đại diện đơn vị sản xuất thông tin, trong quá trình phát triển CT-2W1, đơn vị đã gặp không ít thách thức vì là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Việc tạo ra các sản phẩm UAV chất lượng sẽ là tiền đề mang đến bước đột phá trong ngành giao thông vận tải đô thị và du lịch không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á.

Thượng tướng Trần Đơn tham quan mô hình UAV CT-2W1.

Thượng tướng Trần Đơn tham quan mô hình UAV CT-2W1.

Bên cạnh CT-2W1, một số dòng UAV/Drone dân sự và UAV do các doanh nghiệp tư nhân trong nước nghiên cứu sản xuất cũng đã được giới thiệu tới đông đảo công chúng và các chuyên gia.

Có thể kể đến trường hợp của Drone Hera, một sản phẩm được tạo ra từ trí tuệ Việt Nam và nhận được đánh giá cao từ quốc tế, xuất hiện ở cả khu trưng bày sản phẩm quốc phòng và dân sự cho thấy tính lưỡng dụng của nó.

Gian hàng trưng bày của Bộ Công an có nhiều sản phẩm lần đầu xuất hiện như thiết bị chế áp drone/flycam di động DJH09, hay UAV kết hợp phần mềm thu thập, quản lý dữ liệu an ninh...

Hay như mẫu UAV chuyên dụng phục vụ cho hoạt động trinh sát, giám sát, cứu hộ, cứu nạn mang họ "Horus" do HTI Group nghiên cứu, phát triển.

UAV Horus được phát triển tập trung vào các nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và giám sát/trinh sát. Đây là sản phẩm 100% "Made in Vietnam".

UAV Horus được phát triển tập trung vào các nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và giám sát/trinh sát. Đây là sản phẩm 100% "Made in Vietnam".

Nổi bật với tầm bay lên tới 5km, khả năng bay ổn định (có thể chống sức gió cấp 5), phạm vi điều khiển xa (lên tới 20km), camera tích hợp các công nghệ hiện đại, UAV "họ Horus" thu hút được sự quan tâm đặc biệt của những người tham dự Triển lãm.

Cũng tại sự kiện, HTI Group còn giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ cao do chính đơn vị nghiên cứu và phát triển, được đánh giá cao và áp dụng tại nhiều cơ quan, đơn vị. Nổi bật là các Hệ thống giám sát an ninh giao thông Smart Fusion; hệ thống phân tích dữ liệu video (Video Insight); hệ thống giám sát, định vị mục tiêu di đồng (Themis)...

Đáng chú ý, HTI Group cũng đưa ra các giải pháp an ninh, toàn toàn tích hợp AI. Đại diện đơn vị cho biết, trong bối cảnh các giải pháp truyền thống chủ yếu tận dụng nhân lực đang dần bộc lộ hạn chế, thậm chí quá tải, giải phá ứng dụng trí tuệ nhân tạo được coi là giải pháp đột phá, mang đến những lợi ích vượt trội cho hệ thống an ninh giám sát.

"Với khả năng phân tích dữ liệu lớn, học máy và nhận diện hình ảnh, AI giúp tự động hóa quá trình giám sát, nâng cao độ chính xác trong việc phát hiện các dấu hiệu bất thường và giảm thiểu tối đa sai sót của con người. Nhờ đó, các tổ chức có thể chủ động phòng ngừa rủi ro, ứng phó nhanh chóng với các tình huồng khẩn cấp, bảo đảm an toàn cho tài sản cũng như con người", đại diện HTI nhấn mạnh.

Điển hình như hệ thống phần mềm phân tích video. Đây là phần mềm phân tích và chuyển đổi tất cả các loại video thành dữ liệu thông minh. Bằng cách tận dụng cơ sở hạ tầng giám sát video hiện có, giải pháp mang lại hiệu quả cao, tăng cường bảo mật, giảm yêu cầu nhân sự, phân tích và tìm kiếm trong các video có dung lượng lớn một cách nhanh hơn giúp đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác.

Trong khi đó, Hệ thống nhận dạng khuông mặt HSmart Face cho phép xác minh danh tính của một người trong vòng một vài giây, nhanh hơn nhiều so với các phương pháp truyền thống; từ đó giúp tăng hiệu quả hoạt động, giảm thiểu thời gian, chi phí, tăng cường an ninh và bảo mật.

"Với việc giới thiệu các sản phẩm tự nghiên cứu, phát triển, chúng tôi khẳng định năng lực trong lĩnh vực công nghệ mới, thực hiện theo đúng tầm nhìn trở thành đơn vị tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển, sản xuất và cung cấp những sản phẩm, dịch vụ cho nền công nghiệp an ninh quốc phòng", ông Nguyễn Sỹ Thành - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTI Group chia sẻ.

Đại diện HTI Group chia sẻ với phóng viên về những công nghệ đột phá, hướng tới tương lai tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Đại diện HTI Group chia sẻ với phóng viên về những công nghệ đột phá, hướng tới tương lai tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Những sản phẩm, công nghệ được mang tới triển lãm lần này không chỉ cho thấy năng lực nghiên cứu, phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng mà còn góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác quốc phòng vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế.

Ngày xuất bản: 22/12/2024
Chỉ đạo thực hiện: LÊ HỒNG VÂN
Nội dung và trình bày: SƠN BÁCH - THÀNH ĐẠT