Văn Cao (15/11/1923 - 10/7/1995) là một trong những nghệ sĩ tài hoa bậc nhất Việt Nam. Ông là tác giả của Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Văn Cao còn là một chiến sĩ cách mạng, họa sĩ, nhà thơ với nhiều tác phẩm giá trị.

 

1. TIỂU SỬ

Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923, tại Lạch Tray, Hải Phòng, nhưng quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình viên chức. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam. Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam.

Ngày 10/7/1995, sau một thời gian mắc bệnh ung thư phổi, nhạc sĩ Văn Cao mất tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội.

Nhạc sĩ Văn Cao năm 1947. Ảnh: Trần Văn Lưu. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Nhạc sĩ Văn Cao năm 1947. Ảnh: Trần Văn Lưu. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Năm 1996, một năm sau khi mất, nhạc sĩ Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba,...

Tên ông cũng được đặt cho nhiều con phố đẹp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định,...

Văn Cao được nhiều người xem là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử phát triển của văn hóa Việt Nam - ở nơi "dòng chảy" của sáng tạo cá nhân một con người có sự "hợp lưu" xuyên suốt của ba nhánh nhạc-họa-thơ trong gần như toàn bộ những sáng tác đa dạng của ông.

2. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Thuở nhỏ, Văn Cao học ở Trường tiểu học Bonnal (nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng), sau lên học trung học tại trường dòng Saint Joseph, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc.

Năm 1938, khi mới 15 tuổi, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành trung. Ông làm điện thoại viên ở sở Bưu điện tại Hải Phòng, nhưng được một tháng thì bỏ việc.

Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời, ông tham gia vào nhóm Đồng Vọng và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là “Buồn tàn thu” vào năm 16 tuổi. Cùng nhóm Đồng Vọng, Văn Cao còn sáng tác một số ca khúc hướng đạo. Năm 1940, Văn Cao có một chuyến đi vào miền nam. Ở Huế, Văn Cao đã viết “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, đây được coi là bài thơ đầu tay của ông.

Năm 1942, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội, theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Văn Cao còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy. Năm 1943 và 1944, Văn Cao hai lần xuất hiện trong Triển lãm Salon Unique tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn dầu: “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, “Nửa đêm”. Đặc biệt tác phẩm “Cuộc khiêu vũ những người tự tử” (“Le Bal aux suicidés”) được đánh giá cao và gây chấn động dư luận.

Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý, một Việt Minh mà ông đã quen biết trước đó. Vũ Quý thuyết phục ông tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một hành khúc. Văn Cao đã sáng tác ca khúc đó trong nhiều ngày tại căn gác số 171 phố Mongrand (phố Nguyễn Thượng Hiền ngày nay) và đặt tên cho tác phẩm là Tiến quân ca. Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11/1944. Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bản thảo bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 590, tờ 3)

Bản thảo bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 590, tờ 3)

Trong năm 1944, Văn Cao được Vũ Quý giao nhiệm vụ thành một lập đội vũ trang, nhiệm vụ của đội chủ yếu làm công tác ám sát và bảo vệ an toàn cho các đội viên tuyên truyền tại các nơi công cộng do Văn Cao làm đội trưởng với tên gọi Đội danh dự Việt Minh.

Đội danh dự Việt Minh được thành lập vào cuối tháng 12/1944 tại căn gác nhỏ của Văn Cao ở 45 phố Nguyễn Thượng Hiền. Những đội viên trong đội đều do Văn Cao tuyển chọn. Đa số là những người bạn hoạt động với ông ở Hải Phòng. Văn Cao thường xuyên tổ chức những khóa huấn luyện ngắn ngày cho đồng đội của mình về võ thuật, sử dụng vũ khí và kỹ năng hóa trang... (Văn Cao học võ từ năm 9 tuổi. Thời trai trẻ ở Hải Phòng, Văn Cao đã nhiều lần lên võ đài thi đấu và biểu diễn võ thuật).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn Cao làm phóng viên và trình bày cho báo Lao động. Năm 1946, Văn Cao được cử cùng đồng chí Hà Đăng Ấn chuyên chở vũ khí và tiền vào mặt trận Nam Bộ. Sau đó chính thức được mời tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc và được bầu là Ủy viên Chấp hành, Văn Cao hoạt động ở liên khu III, phụ trách tổ điều tra của Công an Liên khu và viết báo Độc Lập.

Đầu năm 1947, ông được cử phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt của công an Liên khu 10 ở biên giới phía bắc. Tháng 3/1948, Văn Cao được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1949, Văn Cao thôi làm báo Văn Nghệ chuyển sang phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam. Cuối năm 1954, hòa bình lập lại, Văn Cao trở về Hà Nội, làm việc cho Đài Phát thanh. Ông nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (khóa I và III).

3. QUỐC CA

Quốc ca Việt Nam là bài “Tiến quân ca” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, với những giai điệu thiêng liêng, hào hùng. Bài hát ra đời gắn với những ký ức Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám cùng những kỷ niệm khó quên của tác giả.

Theo lời kể lại vào năm 1976 của tác giả về hoàn cảnh ra đời của bài Quốc ca, đó là vào những ngày mùa đông năm 1944, khi cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc đang sục sôi khí thế. Văn Cao gặp Vũ Quý, là một cán bộ Việt Minh, cũng là một người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của Văn Cao. Ông Vũ Quý hỏi như đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng và giao nhiệm vụ đầu tiên cho Văn Cao là sáng tác một bài hát cho quân đội cách mạng.

Văn Cao lúc ấy, chưa biết đến chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ (Hà Nội) theo thói quen đi và cũng chưa gặp các chiến sĩ quân đội cách mạng trong khóa quân chính đầu tiên và không biết họ hát như thế nào... tác giả “đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được…”.

Ông đã trăn trở, tìm kiếm những âm thanh, hình ảnh trong buổi chiều đi dọc các con phố Hà Nội… và ông đã viết được những nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến quân ca”. Ông đã chỉnh sửa và hoàn thiện bài hát nhiều ngày sau đó tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội trong những ngày đông ảm đạm, đói, rét, khổ cực.

“Đoàn quân Việt Nam đi,

Chung lòng cứu quốc

Bước chân rộn vang trên đường gập ghềnh xa…”.

“…Nhịp điệu ngân dài của bài hát mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng”… Nhạc sĩ Văn Cao nhớ lại, khi bài hát viết xong, ông Vũ Quý đã rất hài lòng: “Da mặt anh đen xạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh”.

“Tiến quân ca” là bài ca cách mạng, với âm hưởng hào hùng, thôi thúc, cổ vũ tinh thần, nhiệt huyết và lòng yêu nước của bộ đội, nhân dân Việt Nam cùng đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Ngày 17/8/1945, bài hát Tiến quân ca đã vang lên giữa bầu trời Hà Nội… hàng ngàn giọng hát cất lên, vang theo những đoạn sôi nổi…

Bút tích chép tay câu chuyện về bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao.

Bút tích chép tay câu chuyện về bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao.

Ngày 19/8/1945, một cuộc mít-tinh lớn họp tại quảng trường Nhà hát Lớn. Dàn đồng ca của Thiếu niên Tiền phong hát “Tiến quân ca” chào lá cờ đỏ sao vàng… Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng thẻ căm thù vào bọn đế quốc, và sự hào hùng chiến thắng của cách mạng”.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, năm 1946, Quốc hội khóa I đã chính thức quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca Việt Nam. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam năm 1946, tại Điều 3, ghi rõ: Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.

Bài Tiến Quân ca “không những chỉ là một bản nhạc hay so với nhiều bài quốc ca của các nước khác mà nó còn có đầy đủ giá trị tiêu biểu, vì nó đã gắn bó tình cảm với nhiều thế hệ nối tiếp nhau trải qua nhiều chặng đường gian nan và vinh quang của lịch sử dân tộc Việt Nam”. Bài hát “Tiến quân ca” ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, với cá nhân tác giả và dân tộc Việt Nam.

Nhiều năm trôi qua, bài hát trở thành hành khúc, đồng hành cùng nhân dân Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh, giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa và là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.

Bản tổng phổ nhạc Quốc ca Việt Nam của nhạc sĩ Văn Cao năm 1969 được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Bản tổng phổ nhạc Quốc ca Việt Nam của nhạc sĩ Văn Cao năm 1969 được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Bài Tiến quân ca - Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác tháng 12/1944. (Bản viết lại có chữ ký của tác giả năm 1994).

Bài Tiến quân ca - Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác tháng 12/1944. (Bản viết lại có chữ ký của tác giả năm 1994).

Bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao trao tặng “Tiến quân ca” cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngày 15/07/2016. (Ảnh: VGP)

Bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao trao tặng “Tiến quân ca” cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngày 15/07/2016. (Ảnh: VGP)

4. HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT

Văn Cao là người chiến sĩ cách mạng nhưng cũng là người nghệ sĩ đa tài, Văn Cao đã từng khẳng định tài năng của mình trên cả ba lĩnh vực thi ca, hội họa và âm nhạc. Ba ngọn nến sáng tạo luôn thắp sáng trong tâm hồn Văn Cao khi ông làm thơ, vẽ tranh và viết nhạc. Và hầu như ở lĩnh vực nào ông cũng là chiến sĩ tiên phong. 

Nói đến Văn Cao, người ta không thể không nhắc đến lĩnh vực HỘI HOẠ. Ở lĩnh vực này, ông là một họa sĩ sử dụng cọ và màu cũng sắc sảo, mặn nồng không thua gì các họa sĩ chuyên nghiệp. 

Với năng khiếu thiên bẩm, ngay từ khi học lớp đồng ấu, Văn Cao đã được thầy học chọn trình bày báo trường và từ bước đi đầu tiên đầy hứa hẹn ấy được học tập, bồi dưỡng đã giúp Văn Cao tiến dài trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Sau khi vào học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương (1943), Văn Cao đã đến với chất liệu sơn dầu. Ông tham gia trưng bày “Triển lãm Duy nhất” (Salon Unique - 1944) với ba bức tranh sơn dầu “Cô gái dậy thì”, “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử”, “ Thái Hà ấp đêm mưa” và lập tức gây chấn động dư luận. Ba bức tranh đều được giải thưởng. Trong kháng chiến chống Pháp, lên Lào Cai, Văn Cao tiếp tục vẽ tranh thể hiện rung động nghệ sĩ của ông trước cuộc sống kháng chiến với các bức tranh “Phố lu”, “Gối mộng”, “Suối tóc”, “Lớn lên trong kháng chiến” được xem là những họa phẩm thành công…

Các tác phẩm tranh minh họa trên báo của Văn Cao.

Các tác phẩm tranh minh họa trên báo của Văn Cao.

Từ sau năm 1956, Văn Cao đi vào hướng thẩm mĩ mới, ông làm bìa sách, vẽ tranh minh họa, kí họa chân dung. Hàng trăm bức tranh minh họa báo Văn nghệ, rất nhiều bìa sách ông làm cho nhà xuất bản Thanh niên, nhà xuất bản Phụ nữ, nhà xuất bản Ngoại văn, một số chân dung bạn bè văn nghệ sĩ thân quen… đã được công chúng đánh giá cao.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường nhận xét tranh minh họa của Văn Cao “mạnh dạn xử lí nét mảng khối theo một tiếp cận lập thể”, còn nhà phê bình mĩ thuật Thái Bá Vân đánh giá: “Cái nhìn hội họa ở Văn Cao có địa vị dẫn đường và chi phối”.

Các tác phẩm hội hoạ của Văn Cao được công chúng yêu nghệ thuật mến mộ nhưng có lẽ ÂM NHẠC mới là lĩnh vực mà Văn Cao được mọi người biết đến nhiều nhất.

Văn Cao bước vào lĩnh vực âm nhạc khi mới 17 tuổi. “Buồn tàn thu” (1940) là ca khúc đầu tay của ông với ca từ đẹp, giai điệu buồn tha thiết.

Mặc dù số ca khúc Văn Cao sáng tác không nhiều, nhưng trong đó có nhiều bài nổi tiếng, từ các ca khúc lãng mạn “Buồn tàn thu”, “Bến xuân”, “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”…, các hành khúc “Thăng Long hành khúc ca”, “Gò Đống Đa”, “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà Nội”, các thôn ca “Làng tôi”, “Ngày mùa”, đến chính ca “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, anh hùng ca “Chiến sĩ Việt Nam”, “Trường ca sông Lô”… đã được bao thế hệ công chúng yêu thích, ngưỡng mộ. Ông còn sáng tác ca khúc và viết nhạc cho vở kịch “Nhật kí địa chất”, “Từ Trường Sơn”, “Hà Nội năm 1946” và các phim “Tiếng đàn diệu kì”, “Thạch Sanh” (phim cắt giấy)…

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng… Âm nhạc của anh là âm nhạc của thần tiên bay bổng”.

Nhạc của Văn Cao tinh tế về giai điệu, phong phú về tiết tấu, sang trọng mà rất đỗi trong sáng. Nhiều bài hát của Văn Cao đã đi vào tâm thức dân tộc, trở thành niềm kiêu hãnh của tâm hồn, trí tuệ con người Việt Nam. Giai điệu hùng tráng của bài “Tiến quân ca”, một tác phẩm không thể thay thế, theo thời gian càng ngày càng vang khắp thế giới. Còn “Thiên thai” với giai điệu thần tiên huyền ảo đã là một bản nhạc trong băng nhạc của các nhà du hành vũ trụ Mỹ mang theo trong hành trình vũ trụ trên con tàu Apollo.

Ca khúc Văn Cao đầy ắp tính dự báo... Từ những ngày đầu cách mạng tháng Tám, nhìn các chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân từ chiến khu về trang bị còn thô sơ, nhưng khuôn mặt vẫn ngời lên ý chí anh hùng, Văn Cao xúc động và mơ đến một ngày nào đó đất nước ta không chỉ có lục quân mà sẽ còn phải có nhiều quân, binh chủng hùng mạnh. Các bài hát “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam” ra đời với lời ca hào sảng lãng mạn vẽ nên một tương lai huy hoàng về sức mạnh Việt Nam: Đôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh/Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng…

Ngay từ những năm 1949, cuộc kháng chiến chống ngoại xâm khó khăn gian khổ, Văn Cao qua nhạc phẩm đã dự báo thắng lợi của cách mạng, những đội quân trùng trùng điệp điệp tiến về giải phóng thủ đô trong trống giong cờ mở, trong hân hoan háo hức của lòng người. Bài hát "Tiến về Hà Nội" ra đời với hào khí: "Trùng trùng đoàn quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng. Cờ ngày nào tung bay trên phố. Trùng trùng say trong câu hát…. ".

Sau đó, ở khúc hoan ca mừng xuân đại thắng, mùa xuân đầu tiên đất nước thống nhất năm 1975, nhân dân ta từ bắc chí nam được sống trong thanh bình yên ấm, Văn Cao đã gửi gắm một ước mơ có ý nghĩa nhân bản, vĩnh hằng: “Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người”…

Viết về nhạc sĩ Văn Cao khi ông qua đời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề: “Chúng ta vô cùng nhớ tiếc người nghệ sĩ tài ba xuất chúng. Những tác phẩm của anh, đặc biệt là bài Quốc ca, những bài ca hùng tráng, những bản nhạc trữ tình, sẽ sống mãi với thời gian, với dân tộc, như một điểm sáng trong nền nghệ thuật Việt Nam”.

Cùng với âm nhạc, hội hoạ, trong lĩnh vực THI CA, Văn Cao cũng đã để lại cho nhân thế những sáng tác nổi tiếng. Thơ Văn Cao in đậm tìm tòi, cách tân trong hình thức, không theo vần điệu mà từ cung bậc của cảm xúc mang tính triết lý, nhưng đầy chất lãng mạn, trữ tình, nhằm tăng cường khả năng truyền cảm.

Năm 1940 trong hành trình viễn du từ bắc vào nam, Văn Cao hoàn thành tác phẩm “Một đêm đàn lạnh trên sông Hương”. Sau đó ông còn công bố những bài thơ gây tiếng vang lớn. Thơ của Văn Cao luôn luôn có sự đổi mới, nhạy cảm với thời cuộc, nhân tình thế thái, luôn tạo cho thơ sức nặng của tầm cao tư tưởng, rũ bỏ những làn điệu êm ái, ông nhìn thảm cảnh đau thương năm Ất Dậu là những nỗi kinh hoàng, tiếng kêu xé lòng của một kiếp người, bài thơ: "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc" khẳng định sự tận số của chế độ cũ, dự báo sự tất thắng của cuộc cách mạng dân tộc vì độc lập tự do, bài thơ "Ngoại ô mùa đông năm 1946" chỉ tạo đà cho khoảnh khắc nhảy vọt trong thơ Văn Cao, đó là sự ra đời của trường ca “Những người trên cửa biển” viết vào mùa xuân 1956, giúp cán cân thơ - nhạc có thành tựu tương đương.

"...Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống
Chúng muốn những em nhỏ mới biết đi phải rụng
Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang
Làm rỗng những con người, lùi dần niềm hy vọng
Héo dần mầm sáng tạo, mất phẩm giá con người
Chúng nó ở bên ta, trong ta, lén lút
Đào rỗng từng kho tiền gạo, thuốc men
Tôi đã thấy từng mặt từng tên xâu chuỗi
Tôi sẽ vạch từng tên lên mặt
Hãy dừng lại
Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
Những tên muốn làm cây to chớ cớm mầm non
Con đường ta đi tự hào lực lượng
Con đường nước nguồn thành sông thành biển
Con đường ta đi tự hào duy nhất
Con đường đi trái đất quanh mặt trời…"

(Trích Trường ca Những người trên cửa biển-1956)

Có thể nói, ở lĩnh vực sáng tạo nào từ nhạc đến hội họa và thi ca, Văn Cao cũng cho ra đời những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật. Như sự đánh giá của dư luận, hoặc ngay cả lời bày tỏ của chính Văn Cao với đồng nghiệp và báo chí: “Ông vẽ và làm thơ như một thôi thúc, còn âm nhạc trước sau vẫn là lẽ sống của đời mình”.

Ngày xuất bản: 1/11/2023
Nguồn: Tổng hợp