
Thế kỷ 15, sau khi Lê Lợi dẹp giặc Minh, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu…”. Nếu muốn tìm đến một địa chỉ ở Thủ đô Hà Nội tiêu biểu cho văn hiến nghìn năm của nước nhà thì không đâu khác chính là di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đó là trường đại học đầu tiên của nước ta, đó là nơi đào tạo ra nhiều danh nhân, cũng là nơi vinh danh các nhà khoa bảng. Hôm nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là địa chỉ tham quan hấp dẫn, mà còn là một không gian văn hóa - sáng tạo, lấy việc khơi nguồn đạo học là chủ đạo.
Nghìn năm đạo học
Cùng với việc dời đô ra Thăng Long vào năm 1010, vương triều Lý chú trọng đến xây dựng một quốc gia hùng cường.
Để có một quốc gia hùng mạnh, tất cần người học cao, hiểu rộng. Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 dưới thời Vua Lý Thánh Tông (1054-1072), khi ấy, Văn Miếu được tạc tượng Chu Công, Khổng Tử cùng các bậc tiên Nho, tiên hiền. Chỉ sáu năm sau đó, Vua Lý Nhân Tông cho xây nhà Quốc Tử Giám kề sau Văn Miếu làm trường học cho hoàng gia và các bậc đại thần trong triều.
Cùng với sự ra đời của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, những khoa thi Nho học được tổ chức, để từ đó triều đình tuyển chọn người tài. Đây chính là nền móng cho truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng của Đại Việt.
Sang thời Trần, Vua Trần Thái Tông cho mở rộng Quốc Tử Giám và thu nhận cả con cái thường dân có học lực xuất sắc. Quốc Tử Giám trở thành cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước.
Từ thời Hậu Lê, Nho giáo trở thành dòng tư tưởng chủ đạo của các triều đại. Các khoa thi được tổ chức quy củ hơn.
Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp
Vào năm 1484, Vua Lê Thánh Tông cho dựng bia Tiến sĩ của những người đỗ Tiến sĩ từ khóa thi năm 1442 trở đi.
Trong tấm bia đầu tiên được dựng, Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã trở thành chân lý không chỉ trong thời đại phong kiến, mà còn nguyên tính thời sự đến ngày nay.
Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục bắc – nam, nằm trên diện tích hơn 54.000 m2.
Cổng chính Văn Miếu xây kiểu Tam quan, trên có 3 chữ Hán cổ “Văn Miếu Môn”. Văn Miếu có tường bao quanh xây bằng gạch. Bên trong có những bức tường ngăn ra làm năm khu, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng qua lại.
Qua cổng Văn Miếu Môn, du khách đến cổng Đại Trung Môn. Từ đây, nhìn thẳng vào sẽ thấy Khuê Văn Các.



Khuê Văn Các là công trình kiến trúc tuy không đồ sộ, song có tỷ lệ hài hòa và đẹp mắt. Kiến trúc gồm 4 trụ gạch bên dưới đỡ tầng gác phía trên. Tầng trên là một lầu vuông tám mái, bốn bên tường gác là cửa sổ tròn hình mặt trời tỏa tia sáng. Tuy có niên đại muộn, vào thời Nguyễn, nhưng nhờ ý nghĩa và vẻ đẹp tinh tế, Khuê Văn Các đã được chọn là biểu tượng của thành phố Hà Nội.
Qua Khuê Văn Các là hồ nước Thiên Quang Tỉnh (nghĩa là giếng soi ánh mặt trời), hai bên hồ là những tấm bia tiến sĩ. Mỗi tấm bia được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Các tấm bia đặt trên lưng rùa đá.
Hiện còn 82 tấm bia về các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779. Đó là những di vật quý nhất của khu di tích.
Khu tiếp theo là khu vực thờ cúng Khổng Tử, các tiên Nho, tiên hiền với hai công trình lớn bố cục song song và nối tiếp nhau. Tòa nhà ngoài là Bái đường, Tòa trong là Thượng cung. Lớp trong cùng là khu Thái Học, vốn được thành phố Hà Nội xây dựng lại vào năm 1999.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới vào ngày 9/3/2010.
Khơi nguồn sáng tạo
Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) được giao quản lý, khai thác, phát huy giá trị Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Mỗi năm di tích đón hàng triệu lượt khách du lịch.
Để tạo nên sức sống mới cho di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám trên nền tảng những giá trị của mình, hoạt động của Văn Miếu – Quốc Tử Giám không thể chỉ dừng lại ở bán vé tham quan.
Chúng tôi rất vinh dự khi được trông nom một di tích đặc biệt như Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi được trông nom một di tích đặc biệt như Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Giá trị của di tích không chỉ nằm ở những công trình kiến trúc, những tấm bia, những họa tiết, hoa văn trang trí… Một trong những giá trị nổi bật của Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi thể hiện truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng hay nói ngắn gọn là “đạo học” của đất nước. Định hướng của chúng tôi là đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo, những sáng tạo phải được phát huy trên nền tảng đạo học, nền tảng di sản của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Qua đó, không chỉ thu hút những người làm văn hóa, sáng tạo, mà còn lan tỏa giá trị di sản, lan tỏa tinh thần sáng tạo đến cộng đồng”.
Cụ thể hóa định hướng này, Trung tâm đang tích cực triển khai theo hướng đưa di tích trở thành không gian tạo cảm xúc cho sáng tạo, không gian tổ chức các hoạt động sáng tạo, không gian trưng bày các sản phẩm sáng tạo... để hình thành nên những giá trị mới cho cộng đồng, cho xã hội, đưa giá trị di sản mang hơi thở của cuộc sống đương đại.
Những chương trình giáo dục di sản giúp các bạn nhỏ hiểu thêm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Những chương trình giáo dục di sản giúp các bạn nhỏ hiểu thêm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám bây giờ không chỉ là một địa chỉ tham quan, mà đang từng bước trở thành một không gian văn hóa với nhiều hoạt động phong phú, sinh động. Điển hình như các chương trình giáo dục di sản, các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về thầy giáo Chu Văn An - người thầy tiêu biểu của đất nước Việt Nam, những cuộc triển lãm thư pháp truyền thống – đương đại…
Một trong những sự kiện độc đáo nhất là dự án “Đối thoại Thư pháp và Graffiti”. Thư pháp là môn nghệ thuật lâu đời của phương Đông, được biết đến như một thú chơi tao nhã của giới có học thức, giỏi ngôn ngữ và đam mê văn chương. Trong khi đó, graffiti lại là một bộ môn nghệ thuật truyền thống của phương Tây, bắt đầu từ việc vẽ lên tường của giới trẻ, bộ môn nghệ thuật đại diện cho thế hệ trẻ, những người có tính “nổi loạn”, khao khát được thể hiện và khẳng định mình. Hai loại hình nghệ thuật một của phương Đông, một của phương Tây, một cũ, một mới, tưởng như rất khó có điểm chung. Song Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia đã triển khai dự án. Để rồi, từ đó, các nhà thư pháp, các nghệ sĩ graffiti tạo ra những tác phẩm có sự tương đồng với nhau, tương tác với nhau, và trong nhiều trường hợp, có những tác phẩm sử dụng chung ngôn ngữ thư pháp và graffiti.
Sáng tạo của các nhà thư pháp trong triển lãm Nghiên bút còn thơm.
Sáng tạo của các nhà thư pháp trong triển lãm Nghiên bút còn thơm.
Trong những ngày tháng 9 này, triển lãm “Nghiên bút còn thơm” tại khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng bởi đây là lần đầu tiên một triển lãm thư pháp vượt khỏi những quy tắc trong việc sử dụng bút lông, mực Tàu để viết chữ, thư pháp chữ quốc ngữ xuất hiện như những tác phẩm thư họa đầy tính nghệ thuật.
Chia sẻ về triển lãm này, thư pháp gia Ngẫu Thư (Nguyễn Thanh Tùng): “Người viết phải khai thác được vẻ đẹp riêng trong từng ký tự rồi ghép lại thành một tác phẩm với những nhịp điệu như một bản giao hưởng. Ở triển lãm “Nghiên bút còn thơm”, ngoài khai thác tính nhịp điệu đơn thuần của từng con chữ, các thư pháp gia còn làm cho chúng trở nên lung linh hơn nhờ hiệu ứng ánh sáng và màu sắc. Nhờ đó, các con chữ không đơn thuần đi theo hàng lối nữa mà đã trở thành những bức thư họa phá cách, mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Người ta có thể bắt gặp một Thăng Long phủ đầy huyền tích, một Hà Nội bảng lảng trong sương hay lãng mạn trong tiết thu dịu dàng...”. Triển lãm như một “tuyên ngôn” của những nhà thư pháp đối với sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa.
Triển lãm như một “tuyên ngôn” của những nhà thư pháp đối với sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa.
Thực hiện kế hoạch “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục tuyên truyền về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, Trung tâm đã xây dựng hơn 30 chủ đề giáo dục di sản và tổ chức cho hàng trăm đoàn học sinh các cấp đến trải nghiệm tại đây. Trung tâm cho ra đời Phòng Trải nghiệm cùng di sản, là địa điểm hoạt động, trải nghiệm của nhóm học sinh đi theo lớp hoặc trẻ em đi theo gia đình, cũng là nơi khách tham quan có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu chuyên sâu...
Kể chuyện ngàn năm bằng công nghệ hiện đại

Số hoá là lộ trình tất yếu của các cơ quan, đơn vị. Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Gíam đã đưa vào hoạt động hệ thống thuyết minh tự động 12 ngôn ngữ, xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa 3D cho toàn bộ di tích, nhất là những hạng mục quan trọng của di tích, những hiện vật, đặc biệt là 82 bia tiến sĩ và cả những giá trị phi vật thể, những tài liệu nghiên cứu liên quan, những tác phẩm về Văn Miếu- Quốc Tử Giám...
Đặc biệt trong lộ trình số hoá là ứng dụng công nghệ trong tour trải nghiệm đêm “Tinh hoa đạo học”. Đến với tour “Tinh hoa đạo học”, ngay khi bước qua cổng chính của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, khách tham quan được chìm đắm vào một không gian đầy huyền ảo với việc sử dụng công nghệ ánh sáng và công nghệ 3D Mapping (kỹ thuật trình diễn kết hợp ánh sáng và ảnh động để tạo hiệu ứng 3D trên bề mặt phẳng, giúp các khối hình ảnh tương tác trong không gian ba chiều) trên nền của âm nhạc truyền thống.
Bất ngờ đầu tiên đón chờ khách tham quan chính là một luồng sáng từ ô cửa sổ trên công trình Khuê Văn Các, ánh sáng này chiếu thẳng về đỉnh mái của cổng Đại Trung. Luồng sáng này cũng biến Khuê Văn Các trở thành một “ngọn hải đăng”, với ý nghĩa đây là ngọn hải đăng của trí tuệ.
Khu vực vườn bia tiến sĩ và giếng Thiên Quang đem lại những thú vị mới. Toàn bộ các tán cây viền quanh khuôn viên khu vực này đều được chiếu sáng đổi màu khiến cho các dãy nhà che các tấm bia tiến sĩ ở hai bên giếng như được đặt trong một không gian kỳ ảo.
Khu Bái đường tái hiện lại toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước trong gần 800 năm dưới thời phong kiến với phong cách thiết kế mang hơi thở đương đại, song vẫn in đậm dấu ấn của các giá trị truyền thống. Tại đây, khách tham quan còn được trải nghiệm sản phẩm công nghệ mới lạ, thí dụ như việc viết thư pháp bằng công nghệ thực tế ảo.
Điểm nhấn chính của chương trình Trải nghiệm đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám là hoạt động trình chiếu 3D Mapping. Toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường trong khu Nhà Thái học được biến thành một màn hình khổng lồ giúp cho khách tham quan khám phá những giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt.
Đó là những câu chuyện liên quan đến trường đại học lâu đời nhất của Việt Nam khi thể hiện các chủ đề: Trường thi, các sĩ tử ngày xưa, liên quan đến ý chí, ước mơ đỗ đạt, học hành, cá chép hóa rồng, rồi những khó khăn, thách thức mà mỗi người cần phải vượt qua... hay các công trình kiến trúc của di tích sẽ hiện diện trong sản phẩm giới thiệu tới khách tham quan. Ngoài ra, khách du lịch còn được thưởng thức tiết mục nghệ thuật truyền thống độc đáo.
Tour đêm Văn Miếu mang đến cảm giác rất tuyệt vời. Công nghệ 3D mapping lần đầu tiên được sử dụng cho không gian di tích ngoài trời đã tạo hiệu ứng đặc biệt cho di tích.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đánh giá: “Tour đêm Văn Miếu mang đến cảm giác rất tuyệt vời. Công nghệ 3D mapping lần đầu tiên được sử dụng cho không gian di tích ngoài trời đã tạo hiệu ứng đặc biệt cho di tích”. Thực tế cũng cho thấy, tour đêm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám tiếp tục duy trì sức hút trong suốt thời gian qua.
NGÀY XUẤT BẢN: 18/09/2024
TỔ CHỨC THỰC HIỆN: KIỀU HƯƠNG, NAM ĐÔNG
NỘI DUNG: DÃ LIÊN
ẢNH: DÃ LIÊN, THÀNH ĐẠT, BÁO NHÂN DÂN
TRÌNH BÀY: HOÀI ANH