Từ dấu mốc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944); tiếp đó đến dấu mốc Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), nhiều hoạt động của công tác tư tưởng, công tác văn hóa, văn nghệ đã được thực hiện. Đây vừa là nhu cầu của đội quân kháng chiến vừa là phương tiện để bộ đội ta, các lực lượng kháng chiến của chúng ta đến với quần chúng nhân dân một cách tự nhiên, thực hiện không chỉ công tác tuyên truyền mà còn học tập, trưởng thành về tư tưởng-văn hóa từ nhân dân để phục vụ nhân dân.

Ngay thời điểm đó, các tờ báo như Tiếng súng reo; Quân giải phóng đã ra đời (tháng 8/1945) với những sáng tác thơ, văn, tiểu phẩm, tranh cổ động,… chính là những bước đi đầu tiên của hoạt động văn hóa-văn nghệ trong kháng chiến. Nhiều hoạt động như ca kịch, diễn thuyết, bích báo, câu lạc bộ học chữ quốc ngữ, viết thư, đọc sách báo được phát động từ tổ đội đến các đại đội và các vùng có bộ đội đóng quân đã trực tiếp góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo nên sức mạnh trong chiến đấu và công tác.

Một dấu mốc quan trọng, đó là Hội nghị Văn nghệ quân đội (tháng 4/1949) đã đánh dấu sự phát triển khá toàn diện của các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong quân đội cùng với hoạt động văn hóa, văn nghệ của cả nước. Ngay sau Hội nghị, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ra Thông tư số 33-TT/CT ngày 8/6/1949 như sau: “Văn nghệ trong quân đội là một hình thức tuyên truyền nhẹ nhàng, hứng thú và sinh động để nâng cao hiệu suất của công tác Chính trị về mọi mặt… Cần xúc tiến việc nâng đỡ các mầm văn nghệ đã có để xây dựng một nền văn nghệ trong quân đội quốc gia Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới”. Đây chính là sự định hướng và chỉ đạo đúng đắn, sâu sắc, nhất quán với sự phát triển, chính là tiền đề, là nền tảng góp phần tạo nên những thành tựu của văn hóa, văn nghệ quân đội trong suốt 80 năm qua.

Văn nghệ trong quân đội là một hình thức tuyên truyền nhẹ nhàng, hứng thú và sinh động để nâng cao hiệu suất của công tác Chính trị về mọi mặt… Cần xúc tiến việc nâng đỡ các mầm văn nghệ đã có để xây dựng một nền văn nghệ trong quân đội quốc gia Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới.
(Trích Thông tư số 33-TT/CT ngày 8/6/1949)

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là khi chúng ta chuyển từ giai đoạn phòng ngự, cầm cự, chuẩn bị tiến tới phản công và tổng phản công năm 1950, tại Hội nghị Tuyên huấn toàn quân (tháng 8/1951), đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã khẳng định: “Chúng ta đang hết sức tăng thêm sức mạnh cho quân đội bằng nhiều phương pháp, trong đó nòng cốt chính là nâng cao trình độ tư tưởng cho bộ đội”.

Trên tinh thần đó, các hoạt động văn hóa-văn nghệ luôn được chú trọng và phát huy sức mạnh. Đã hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo và giàu tính sáng tạo, vừa chiến đấu vừa công tác tại mặt trận, tại trọng điểm, đã góp phần nâng cao sĩ khí và hiệu quả chiến đấu, lao động sản xuất của bộ đội và nhân dân.

Item 1 of 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Triển lãm "Những tài liệu lịch sử của Văn hóa Việt Nam" tại Bảo tàng Louis Finot (Nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), ngày 9/2/1946. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Triển lãm "Những tài liệu lịch sử của Văn hóa Việt Nam" tại Bảo tàng Louis Finot (Nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), ngày 9/2/1946. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Các văn nghệ sĩ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự triển lãm văn hóa tại Nhà Khai Trí-Tiến Đức, Hà Nội (góc phố Hàng Trống-Lê Thái Tổ hiện nay), ngày 7/10/1945. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Các văn nghệ sĩ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự triển lãm văn hóa tại Nhà Khai Trí-Tiến Đức, Hà Nội (góc phố Hàng Trống-Lê Thái Tổ hiện nay), ngày 7/10/1945. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bức tranh vẽ bằng máu "Bác Hồ với thiếu nhi Trung Nam Bắc" của họa sĩ Diệp Minh Châu do đoàn đại biểu Nam Bộ mang ra. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bức tranh vẽ bằng máu "Bác Hồ với thiếu nhi Trung Nam Bắc" của họa sĩ Diệp Minh Châu do đoàn đại biểu Nam Bộ mang ra. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Các văn nghệ sĩ thế hệ đầu trong Hội Văn hóa Cứu quốc. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Các văn nghệ sĩ thế hệ đầu trong Hội Văn hóa Cứu quốc. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Hội nghị văn hóa lần thứ I ở chiến khu Việt Bắc, năm 1949 (Ngồi hàng đầu, từ trái sang phải: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Trần Huy Liệu). (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Hội nghị văn hóa lần thứ I ở chiến khu Việt Bắc, năm 1949 (Ngồi hàng đầu, từ trái sang phải: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Trần Huy Liệu). (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Một điều hết sức thú vị, đó là quân và dân ta từ rất sớm đã biết vận dụng đưa văn hóa, văn học nghệ thuật trở thành sức mạnh chính trị tinh thần to lớn đúng như lời Bác Hồ căn dặn trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa năm 1951: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

(Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Trên tinh thần đó, trước và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi mà cả dân tộc dồn sức mạnh cho chiến trường, lực lượng văn nghệ sĩ ngay lập tức lên đường tham gia chiến dịch, cổ vũ tinh thần chiến đấu hy sinh của các chiến sĩ ngoài mặt trận, đông đảo dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ đều đã hòa mình vào cuộc sống chiến đấu anh dũng của quân và dân trên chiến trường

Tại chiến trường ác liệt, các nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đã cùng sống với bộ đội trong lòng chiến hào, vừa cầm súng vừa cầm bút, phản ánh trực tiếp cuộc sống, chiến đấu gian khổ, khơi dậy tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ.

Qua những áng văn, bài thơ, bức tranh sinh động, bài hát tại chỗ của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đã giúp cho người chiến sĩ Điện Biên thêm lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng tất yếu của đội quân chính nghĩa trước kẻ thù xâm lược.

Những tác phẩm được sáng tác trực tiếp ngoài mặt trận đã thôi thúc, động viên người chiến sĩ quên mình vì Tổ quốc. Những tấm gương chiến đấu, hy sinh như Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn... dưới ngòi bút của các nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ đã có sức lan tỏa, khơi dậy tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của quân và dân ta, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Các nhạc sĩ trong kháng chiến chống Pháp tập dượt biểu diễn. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Các nhạc sĩ trong kháng chiến chống Pháp tập dượt biểu diễn. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Đoàn văn công Long Châu Hà luyện tập trong rừng để chuẩn bị biểu diễn. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Đoàn văn công Long Châu Hà luyện tập trong rừng để chuẩn bị biểu diễn. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Các nhà văn đang duyệt báo Văn Nghệ ở trụ sở Hội Văn nghệ. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Các nhà văn đang duyệt báo Văn Nghệ ở trụ sở Hội Văn nghệ. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Trường âm nhạc đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Trường âm nhạc đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta có đông đảo văn nghệ sĩ tham gia. Từ những vị lão thành như nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Tô Ngọc Vân đến các sinh viên trường Mỹ thuật như Lê Huy Hòa, Nguyễn Mạnh Lân, Ngô Tôn Đệ, Trần Hưu Hậu... đều đồng hành với dân công, với bộ đội. Tô Ngọc Vân đã có các tác phẩm xuất sắc như: Hành quân qua suối; Đèo Lũng Lô; Trên đường Điện Biên; Đường mới mở... phản ánh rõ nét và sinh động hành trình và dấu mốc của bộ đội ta trong chiến dịch.

Từ nền tảng như vậy, các văn nghệ sĩ trong và sau chiến dịch đã có những tác phẩm xuất sắc mà tiêu biểu nhất phải kể đến bức tranh sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng - một danh họa lớn của Việt Nam. Tuy ra đời sau năm 1954, song, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ chính là dấu mốc lớn nhất về hội họa thể hiện mạnh mẽ bản hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam, quân đội Việt Nam với Tổ quốc kính yêu.

Tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng.

Tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng.

Một ví dụ tiêu biểu như tác phẩm Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân đã được sáng tác và ngay lập tức được mang tới các bệ pháo để hát phục vụ bộ đội. Với khúc thức mạnh mẽ, ca từ giản dị, nhịp điệu chắc khỏe, lập tức Hò kéo pháo được bộ đội và nhân dân tiền tuyến cũng như hậu phương nhiệt liệt đón nhận: Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo! Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi! - Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi! Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù! - Hai, ba nào... Lời bài hát chính là nhịp đập trái tim chung đã thôi thúc người chiến sĩ giáp mặt với quân thù trong tư thế của chính nghĩa tất thắng.

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo!
Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi!
Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi!
Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù!
Hai, ba nào...
(Trích Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân)

Một tài năng sau này là tượng đài âm nhạc đã sớm có mặt trong đội hình chiến sĩ Điện Biên, đó là nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ông sớm có mặt trong đội hình Đại đoàn Quân Tiên phong 308 khi hành quân cùng với bộ đội, thấy chiến sĩ ta bàn chuyện với nhau: “Là lính, đâu có giặc là ta cứ đi”. Chính từ câu nói của bộ đội nơi chiến trường ấy, với sự tài hoa của mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có ngay Hành quân xa được bộ đội nhiệt liệt đón nhận: Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ/ Vai vác nặng, chân có đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng, chí căm thù bọn thực dân cướp nước/ Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi...

Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ
Vai vác nặng, chân có đổ mồ hôi
Mắt ta sáng, chí căm thù bọn thực dân cướp nước
Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi...
(Trích Hành quân xa của nhạc sĩ Đỗ Nhuận)

Âm nhạc của Đỗ Nhuận đã nhanh chóng nằm trong bản hòa ca cách mạng, khơi thông sức mạnh, nhất là với người chiến sĩ trên chiến trường. Tiếp sau đó, khi chứng kiến bộ đội chiến đấu vô cùng dũng cảm trong chiến hào tại đồi Him Lam, ca khúc Chiến thắng Him Lam đã ra đời, được bộ đội ta, văn công và dân công cất cao tiếng hát trong hầm hào Điện Biên đầy bùn và máu. Sau này, các ca khúc của Đỗ Nhuận trong đó có Chiến thắng Điện Biên (1954) càng cho thấy sức mạnh của âm nhạc, văn học nghệ thuật là to lớn trong đời sống tinh thần người chiến sĩ, nhất là người chiến sĩ đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Các nhà văn nhiều thế hệ của Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Các nhà văn nhiều thế hệ của Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Những thành tựu và kinh nghiệm của công tác văn hóa, văn nghệ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã cho chúng ta một nền tảng chắc chắn và phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, có chiều sâu về mảng công tác này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Công tác văn hóa, văn nghệ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1955-1975) đã có những đóng góp quan trọng, chủ động thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược cách mạng Việt Nam. Đó là tiến hành xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc đúng theo sự chỉ đạo, dẫn dắt của Đảng ta, của Bác Hồ và nguyện vọng chính đáng của quân và dân ta ở hai miền nam-bắc.

Ngay sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ những ngày hòa bình đầu tiên, Tổng cục Chính trị đã mở Hội nghị Tuyên huấn toàn quân lần thứ 3 (tháng 1/1955) để đánh giá toàn diện và định hướng lâu dài về các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong toàn quân. Một số thiết chế văn hóa từ cấp đại đội đến cấp trung đoàn, đại đoàn, quân khu và toàn quân đã được đặt ra và thực hiện.

Nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa-văn nghệ sinh động, hấp dẫn, thu hút bộ đội đã được diễn ra thường xuyên. Nhiều tác phẩm về báo chí, văn học nghệ thuật đã trực tiếp đến với bộ đội góp phần xây dựng tinh thần, tình cảm, tâm hồn tốt đẹp, phong phú của bộ đội.

“Lãnh đạo tư tưởng bộ đội hiện nay, nếu chỉ có lên lớp, cấp trên giải thích, họp Đảng, họp chính quyền thì không đủ nữa, mà còn phải biết vận dụng nhiều hình thức hoạt động câu lạc bộ phong phú, linh hoạt, được quần chúng ưa thích”. Đó là một thực tiễn, là bài học về vai trò của văn hóa, “là nhận thức cuộc sống, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức mới cho bộ đội và thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của bộ đội”.
(Hồ sơ B327.TH.tr1, Tổng cục Chính trị).

Văn bản của Tổng cục Chính trị thời kì này đã nhấn mạnh: “Lãnh đạo tư tưởng bộ đội hiện nay, nếu chỉ có lên lớp, cấp trên giải thích, họp Đảng, họp chính quyền thì không đủ nữa, mà còn phải biết vận dụng nhiều hình thức hoạt động câu lạc bộ phong phú, linh hoạt, được quần chúng ưa thích”. Đó là một thực tiễn, là bài học về vai trò của văn hóa, “là nhận thức cuộc sống, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức mới cho bộ đội và thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của bộ đội” (Hồ sơ B327.TH.tr1, Tổng cục Chính trị).

Từ nhận thức và định hướng chiến lược về vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật với đời sống tinh thần của bộ đội và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ đã được tiến hành. Đã có một “binh chủng” đặc biệt, đó là đội ngũ các văn nghệ sĩ tòng quân, vào chiến trường, tham gia chiến đấu và công tác tại các mặt trận và cũng từ đó các tác phẩm viết trực tiếp về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã ra đời, phản ánh sâu sắc và toàn diện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước anh dũng của dân tộc ta.

Tiễn các nhà văn đi B trước cổng Nhà số 4, trụ sở tòa soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội, năm 1962. (Ảnh tư liệu: vannghequandoi.com.vn)

Tiễn các nhà văn đi B trước cổng Nhà số 4, trụ sở tòa soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội, năm 1962. (Ảnh tư liệu: vannghequandoi.com.vn)

Càng đặc sắc hơn, các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, các sáng tác thời kì này luôn hướng tới miền nam ruột thịt, những tình cảm tha thiết dành cho đồng bào và chiến sĩ miền nam, ý chí quyết tâm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Đây là một trong những dấu mốc quan trọng, những đóng góp mang tính lịch sử của văn hóa, văn học-nghệ thuật đối với công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta.

Trong cuộc chiến đấu gian khổ ác liệt, đã sản sinh ra thế hệ văn nghệ sĩ tài năng trên các loại hình văn học nghệ thuật.

Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, phóng viên quay phim, diễn viên các đoàn văn công đều có mặt ở chiến trường, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Những tác phẩm về văn học, sân khấu, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, những thước phim nóng bỏng đã phải trả bằng xướng máu chính là thành quả vô cùng quý giá của đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngay ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, nhiều nhà văn, nhà thơ đã xung phong vào chiến trường, trực tiếp cầm súng và cầm bút, trong đó tiêu biểu nhất là nhà văn-liệt sĩ Nguyễn Thi với nhân vật chị Út Tịch và câu nói nổi tiếng “còn cái lai quần cũng đánh”. Nhà văn Nguyễn Thi hy sinh tại chân cầu Chữ Y trong Tết Mậu Thân 1968. Nhân vật anh hùng đồng thời nhà văn cũng trở thành anh hùng là một điều hết sức đặc biệt, chỉ có thể có được ở đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội trong chiến tranh.

Sau dấu mốc 1975, tiếp đó là dấu mốc đổi mới 1986, đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội tiếp tục có sự trưởng thành mạnh mẽ với những cống hiến và thành tựu rất đáng ghi nhận.

Những dòng văn học nghệ thuật chủ lưu đã được hình thành, là đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng với nhiều tác phẩm sâu sắc, tạo ấn tượng và thẩm mỹ sâu rộng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Đây là một thành quả tất yếu của đường lối văn hóa văn nghệ đúng đắn của Đảng ta, Nhà nước ta.

Chỉ tính riêng đội ngũ các nhà văn công tác tại Văn nghệ quân đội đã có 8 người được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, đó là:

Nguyễn Thi với các tác phẩm: Người mẹ cầm súng; Ở xã Trung Nghĩa; Trăng sáng; Đôi bạn.

Nguyễn Minh Châu với các tác phẩm: Dấu chân người lính; Cửa sông; Cỏ lau; Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành.

Nguyễn Khải với các tác phẩm: Gặp gỡ cuối năm; Xung đột; Cha và con…

Hồ Phương với các tác phẩm: Ngàn dâu; Những cánh rừng lá đỏ.

Hữu Thỉnh với các tác phẩm: Thương lượng với thời gian; Trường ca biển.

Hữu Mai với các tác phẩm: Đêm yên tĩnh; Người lữ hành lặng lẽ.

Xuân Thiều với tác phẩm: Huế mùa mai đỏ.

Thu Bồn với các tác phẩm: Chớp trắng; Vùng pháo sáng; Dưới tro.

Bên cạnh đó, tạp chí Văn nghệ quân đội đã có tới 33 nhà văn, nhà thơ đạt Giải thưởng Nhà nước. Đó là: Thanh Tịnh, Vũ Tú Nam, Phạm Ngọc Cảnh; Vũ Cao, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Chí Trung, Dũng Hà, Mai Ngữ, Nhị Ca, Triệu Bôn, Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Nam Hà, Nguyễn Thị Như Trang, Vương Trọng, Anh Ngọc, Lê Thành Nghị, Duy Khán, Lưu Trùng Dương, Ngô Văn Phú, Thanh Quế, Nguyễn Xuân Khánh, Hồng Diệu, Nguyễn Bảo, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, Thanh Quế, Trung Trung Đỉnh.

Nhà văn-liệt sĩ Nguyễn Thi. (Ảnh: cand.com.vn)

Nhà văn-liệt sĩ Nguyễn Thi. (Ảnh: cand.com.vn)

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989). (Ảnh: Hội nhà văn Việt Nam)

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989). (Ảnh: Hội nhà văn Việt Nam)

Nhà văn Nguyễn Khải. (Ảnh: cand.com.vn)

Nhà văn Nguyễn Khải. (Ảnh: cand.com.vn)

Các nhà văn quân đội không chỉ có mặt trên trang viết mà còn có mặt nơi bão lốc, cháy rừng, lũ quét. Nhiều nhà văn quân đội từng nhiều lần đến Trường Sa. Có người đi hằng tháng như Duy Khán. Có người ở nhiều năm như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Xuân Thủy. Mùa sóng gió, mùa biển lặng, các nhà văn đều đến nơi biên giới, hải đảo với tấm lòng của nhà văn-chiến sĩ.

Hằng năm, các nhà văn quân đội đến Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ ăn cùng, ở cùng và lắng nghe nhịp đập của trái tim người chiến sĩ. Những tập ghi chép, bút ký, truyện ngắn mang đậm hơi thở người lính là món ăn tinh thần bổ ích của bộ đội ta. Và cũng chính người chiến sĩ đang ngày đêm miệt mài với từng nhiệm vụ được giao nơi biên giới hải đảo đã tiếp thêm sức mạnh, là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn trong và ngoài quân đội.

Để có được những thành tựu về văn học nghệ thuật trong hành trình 80 năm qua, trước hết phải thấy rằng, các văn nghệ sĩ luôn ý thức sâu sắc và bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, đời sống thực tiễn của nhân dân và nhất là các cuộc chiến tranh vô cùng gian khổ. Đây chính là sự dấn thân quyết liệt, sự đồng hành với người chiến sĩ và nhân dân của văn nghệ sĩ từ buổi đầu kháng chiến.

Bài học được rút ra từ việc văn học nghệ thuật luôn đồng hành và góp phần trong các dấu mốc lịch sử đã có những thành tựu đáng trân trọng chính là để thế hệ văn nghệ sĩ các thế hệ ý thức được trọng trách và niềm tin của mình, thực hiện và hoàn thành tốt sứ mệnh mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Các nhà văn là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Các nhà văn là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Những thành tựu trong hành trình và các dấu mốc của văn học nghệ thuật trong 80 năm qua càng cho thấy niềm tin và sự đón đợi của người chiến sĩ và nhân dân với đội ngũ văn nghệ sĩ mọi thời kỳ, mọi lứa tuổi, nhất là thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay là hết sức gắn bó, tin tưởng và yêu thương, luôn đón nhận những sáng tác mới, thành tựu mới, dấu mốc mới.

Đội ngũ các nhà văn, đặc biệt là lớp nhà văn trẻ xuất hiện và được khẳng định. Nhiều tác phẩm gây tiếng vang và là những tác phẩm văn học đặc thù, truyền thống, là những thanh âm trong trẻo, hữu ích đến với bộ đội, đến với nhân dân.

Bộ Tổng tập Nhà văn quân đội đoạt giải thường Sách Quốc gia năm 2023.

Bộ Tổng tập Nhà văn quân đội đoạt giải thường Sách Quốc gia năm 2023.

Đảng ta đã chỉ rõ rằng, trong thời đại hiện nay, chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Mục tiêu cao nhất là đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ hòa bình, sẵn sàng đánh thắng quân thù khi đất nước bị xâm lược. Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ độc lập tự chủ; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân; tích cực tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đó là những nhiệm vụ rất toàn diện, và cũng hết sức nặng nề.

Các nhà văn quân đội trẻ tuổi đang viết đều, viết khỏe, tiếp bước thế hệ cha anh.

Các nhà văn quân đội trẻ tuổi đang viết đều, viết khỏe, tiếp bước thế hệ cha anh.

Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại phát huy cao độ rất nhiều giá trị cốt lõi nhân văn. Một trong những biểu hiện đặc sắc là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Cả thế giới dường như chưa có được hình ảnh nào sâu sắc và gần gũi, nhân văn như thế. Vậy tư duy xây dựng con người mới về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới hiện nay phải như thế nào? Người chiến sĩ hôm nay, anh Bộ đội Cụ Hồ hôm nay phải luôn xác định sâu sắc rằng “người trước, súng sau”. Đó là nhân tố quyết định mọi vấn đề. Bản chất của con người mới Bộ đội Cụ Hồ chính là con người mang văn hóa Việt Nam, văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta phải vừa khơi gợi vừa tin tưởng vào mỗi người chiến sĩ đã và đang làm tốt mọi nhiệm vụ để có được hình ảnh cao đẹp về Bộ đội Cụ Hồ. Từ thực tiễn ấy, từ bầu trời và ô cửa ấy, các tác phẩm văn học nghệ thuật cần khai thác và biểu hiện thiết thực để góp phần tạo dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Dẫu còn phải phấn đấu nhiều, phấn đấu liên tục, nhưng chúng tôi cũng tin tưởng nhất định, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ sẽ mãi là niềm cảm hứng để đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội có những tác phẩm xứng với kỳ vọng của nhân dân.

Nội dung: Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội
Trình bày: BIỆN DIỆU