Một bệnh nhân bị tai nạn lao động rất nặng, nhập viện trong tình trạng đứt rời hoàn toàn cánh tay phải do tai nạn máy cắt gạch. Qua thăm khám sơ bộ, GS Nguyễn Thế Hoàng biết rằng cánh tay này không thể trồng lại cho người bệnh được nữa vì mạch máu dập nát và toàn bộ đám rối thần kinh cánh tay đã bị nhổ giật sát tủy sống. Nhưng rồi ông chợt lóe lên một ý tưởng: liệu có thể sử dụng phần cẳng tay còn lành lặn của chi bị cụt để ghép cho những người bệnh khác có mỏm cụt ở ngang mức đó hay không?

Đã trải qua ca ghép chi thể từ người cho sống vô cùng thách thức trước đó, nhưng lần này, với Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng, cuộc ghép còn “cân não” hơn khi ê-kíp phải mất thêm 15 ngày nữa để nuôi sống cẳng tay đó trước lúc tìm được một người nhận phù hợp.

Suốt gần 35 năm công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, những kiến thức mà ông học hỏi được ở Trường ĐHTH Munich, CHLB Đức đã được hiện thực hóa tại Việt Nam với 6 chi ghép thành công, đưa bệnh viện quân đội trở thành cơ sở y tế đầu tiên của khu vực Đông Nam Á tiên phong trong lĩnh vực ghép chi thể.

Từ ngày 1/1/2025, Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chính thức trở thành Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS) vì sự tiến bộ khoa học ở các nước đang phát triển. Ông là bác sĩ thứ hai của Việt Nam được tôn vinh danh hiệu danh giá này sau GS, TSKH Nguyễn Huy Phan. Là một bác sĩ đầu ngành về ngoại khoa và vi phẫu, khoa học luôn có nghĩa là không ngừng học tập, nghiên cứu và phát triển vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông luôn rất khiêm tốn khi nói rằng mình đã may mắn được đi trên đại lộ có một nền móng bền vững, đó chính là công sức của các thầy, cô và các thế hệ đi trước.

Từ ca ghép hai cánh tay đầu tiên tại Đức đến thành công của ghép chi thể tại Việt Nam

Năm 2008, GS Hoàng là một trong 5 phẫu thuật viên chính đã cùng các đồng nghiệp Đức tại bệnh viện Rechts der Isar, thành phố Munich, CHLB Đức thực hiện thành công ca ghép đồng thời 2 cánh tay đầu tiên trên thế giới cho một công dân Đức bị cụt cả hai cánh tay trước đó 4 năm. Thành công vang dội ấy cùng với những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học trước đó đã giúp GS Hoàng được thế giới vinh danh qua giải thưởng nghiên cứu khoa học Friedrich Wilhelm Bessel của Quỹ Hàn lâm Khoa học Đức Alexander von Humboldt (2012).

Mang theo thành công ấy, BS Nguyễn Thế Hoàng về nước kèm hành trang là bằng Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học (Dr. med. habil) của CHLB Đức cùng khối “gia tài” khổng lồ là những dụng cụ phẫu thuật chuyên ngành và bộ dụng cụ vi phẫu thuật mà ông tự bỏ tiền ra mua. “Toàn bộ số tiền học bổng, tích trữ suốt nhiều năm được đầu tư vào đây. Nhiều người bảo tôi hâm, mang mớ dụng cụ về chả biết bán được mấy nghìn, có lẽ vì các bạn ấy không thể biết được giá trị của những dụng cụ ngoại khoa này. Ở Việt Nam vào những năm 1990, vi phẫu thuật còn là một khái niệm rất mới mẻ và hầu như không ai có những bộ dụng cụ phù hợp để thực hiện những ca phẫu thuật tinh xảo nhất”, GS Hoàng chia sẻ.

GS Hoàng đã thực hiện thành công ca ghép đồng thời 2 cánh tay đầu tiên trên thế giới cho một công dân Đức bị cụt cả hai cánh tay.

GS Hoàng đã thực hiện thành công ca ghép đồng thời 2 cánh tay đầu tiên trên thế giới cho một công dân Đức bị cụt cả hai cánh tay.

Sau khi hoàn thành luận án Tiến sĩ y học năm 1997 (PhD) với đề tài “Tạo hệ mạch máu mới dạng trục mạch cho các vạt tổ chức được tưới máu ngẫu nhiên”, ông tiếp tục làm và bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học (Dr. of science) năm 2008 với đề tài: “Tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào để tạo các tổ chức sống mới có cấu trúc không gian 3 chiều” với kết quả xuất sắc tại Trường ĐH Tổng hợp Munich. Tại thời điểm đó, GS Hoàng vẫn còn rất trẻ. “Tân tạo tuần hoàn là một hướng nghiên cứu mới trên thế giới nhằm tạo ra được các cấu trúc sống mới phù hợp cho việc phục hồi mọi hình dáng và mọi loại hình khuyết hổng tổ chức”, ông nói.

Để thực hiện và triển khai được những kỹ thuật này ở Việt nam, đương nhiên, ông đã gặp không ít những khó khăn. Vượt qua những thách thức đó, ông đã áp dụng một cách thành công đề tài nghiên cứu đó trên lâm sàng. Nhiều bệnh nhân đã được cứu sống một cách ngoạn mục và những kết quả của nghiên cứu này đã được công bố rộng rãi trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Nhớ lại ca mổ vi phẫu đầu tiên mà ông đã thực hiện với tư cách là phẫu thuật viên chính tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là trồng lại đồng 5 ngón tay bị đứt rời ở 2 bàn tay do tai nạn lao động cho bệnh nhân nam 27 tuổi. Áp lực vô hình đã đè nặng lên ông, không phải vì lo sợ về trình độ hay tâm lý, mà là chính bởi sự hồ nghi của các đồng nghiệp. Sau 12 tiếng phẫu thuật, ca mổ đã thành công như mong đợi, góp phần trả lại sức khỏe và khả năng lao động hoàn hảo cho người bệnh.

Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng xem lại hình ảnh bệnh nhân người Đức đầu tiên ông và các phẫu thuật viên Đức tiến hành ghép chi thể.

Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng xem lại hình ảnh bệnh nhân người Đức đầu tiên ông và các phẫu thuật viên Đức tiến hành ghép chi thể.

Với cương vị là Phó giám đốc phụ trách ngoại khoa, con đường nghiên cứu khoa học của ông liên quan đến lĩnh vực ghép chi thể đã trở nên ngày càng thực tiễn hơn khi năm 2014, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được Chính phủ giao thực hiện đề tài nghiên cứu về ghép đa mô tạng. Mặc dù cho đến năm 2016, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn chưa có tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam, nhưng chỉ chưa đầy một năm sau đó, đến cuối năm 2016, ca ghép thận đầu tiên đã được thực hiện thành công tại bệnh viện và tiếp đó, nhiều tạng ghép khác như: ghép gan, ghép tim, ghép phổi… cũng đã được thực hiện thành công. Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã trở thành một trung ghép tạng hàng đầu trong cả nước.

Năm 2019, GS Nguyễn Thế Hoàng chính là người đầu tiên trên thế giới đã thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên từ người cho sống. Bệnh nhân P.V.V. bị cụt bàn tay trái từ bốn năm trước đã được hồi sinh nhờ ghép bàn tay từ một người cho sống. Điều mà ông cảm thấy vui nhất chính là đã khám phá và chứng minh được một nguồn hiến chi thể dồi dào mới từ phần chi thể bị bỏ đi để ghép lại cho những bệnh nhân khác. “Kết quả tốt ngoài mong đợi và điều đó thực sự là những gì mà chúng tôi mong muốn”, GS Hoàng mỉm cười.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thế Hoàng sinh năm 1965, quê quán ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ông bảo vệ luận án Tiến sĩ y học (Ph.D) năm 1997, được phong học hàm Phó Giáo sư năm 2006, bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học (Dr. of Science) năm 2008 và được phong Phó Giáo sư của Trường Đại học Tổng hợp Munich năm 2009. Năm 2018, ông được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong học hàm Giáo sư.

Ông là tác giả chính của hơn 100 công trình nghiên cứu đã được đăng trong các tạp chí trong nước và quốc tế, chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp bộ. Năm 2020, ông chính là người đã thực hiện ca ghép bàn tay thành công đầu tiên trên thế giới từ người hiến sống.

Từng nấc chinh phục khó khăn, năm 2023, GS Hoàng đã tạo nên một kỳ tích mới, khi thực hiện một ca ghép chi thể vô cùng đặc biệt. “Đây cũng chính là một trong những ca ghép chi thể đặc biệt trong cuộc đời cầm dao mổ của tôi. Đó thật sự là một điều kỳ diệu”.

Anh Phạm Văn Vương (31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) là bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được ghép chi thể năm 2020.

Anh Phạm Văn Vương (31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) là bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được ghép chi thể năm 2020.

Ca mổ được thực hiện vào năm 2023. Một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng dập nát và đứt rời hoàn toàn cánh tay ngang khớp vai do tai nạn lao động. Chi thể bị đứt rời hoàn toàn và không còn khả năng trồng lại do các mạch máu bị dập nát và các dây thần kinh đã bị nhổ giật hoàn toàn. Bằng một tầm lòng vàng và nghĩa cử nhân văn cao đẹp đặc biệt, bệnh nhân đã tình nguyện hiến phần chi thể còn lành của cánh tay bị đứt rời để ghép cho những bệnh nhân khác có mỏm cụt chi thể ở vị trí tương ứng.

Một quyết định táo bạo và một cuộc chạy đua trong suốt 15 ngày diễn ra với đầy sự hồi hộp, lo lắng, khi phần cẳng tay còn nguyên vẹn đó được tạm thời cấy vào cẳng chân của bệnh nhân. Sau khi đã tìm được người nhận phù hợp, ca ghép chi thể đã được thực hiện thành công và an toàn tuyệt đối cho cả người cho và người nhận, GS Hoàng hạnh phúc kể. Chỉ 18 tháng sau mổ, chi ghép đã phục hồi toàn bộ chức năng gần như bình thường, người bệnh đã trở lại với nghề nghiệp cũ và có một cuộc sống lao động và sinh hoạt hoàn toàn bình thường.

“Bạn có thể tưởng tượng như thế này, một người bị cụt cả 2 cánh tay, mọi hoạt động trong cuộc sống đều luôn phải có người trợ giúp, từ ăn uống, đi vệ sinh, tắm gội… và giờ đây, sau khi được ghép đồng thời cả 2 cánh tay, họ lại có thể tự làm được mọi việc, tự lao dộng để tự phục vụ cuộc sống của mình, tự cầm bút để viết, vẽ, gõ máy tính và hiện đã trở thành một chủ doanh nghiệp nhỏ”, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng hạnh phúc khi kể về một ca mổ khác khi ông và các đồng nghiệp ghép đồng thời cả 2 cánh tay cho một bệnh nhân nam 20 tuổi trong bức ảnh mà ông vừa mới chụp cùng bệnh nhân vào tháng 11 năm 2024.

Những ca ghép đặc biệt này đã được ông và ê-kíp viết thành những bài báo khoa học, và tới đây sẽ được đăng tải trong các Tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới. Khi những ca ghép này được chia sẻ và giới thiệu với các bạn bè quốc tế ở châu Âu và châu Á, các bạn bè đồng nghiệp quốc tế đã thực sự rất kinh ngạc với những kết quả đạt được và trình độ khoa học rất cao của các bác sĩ ngoại khoa Việt nam.

Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng khám cho bệnh nhân Vương sau ghép. Hiện bệnh nhân sống khỏe mạnh và chức năng bàn tay sau ghép rất tốt.

Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng khám cho bệnh nhân Vương sau ghép. Hiện bệnh nhân sống khỏe mạnh và chức năng bàn tay sau ghép rất tốt.

Theo ông, do đặc điểm lịch sử của dân tộc Việt nam, cho đến nay vẫn còn có rất nhiều những thương bệnh binh đang mang trên mình những tàn tích của chiến tranh với các di chứng và hậu quả nặng nề. Nếu không được điều trị thì họ sẽ mãi mãi là những người tàn phế. Chính công trình nghiên cứu của ông này đang mở ra những triển vọng mới, những con đường mới giúp cho bệnh nhân lại có được một cuộc sống mới với chất lượng tốt hơn rất nhiều.

Từ những ca ghép chi thể từ người cho sống đầu tiên trên thế giới, đến những ca ghép chi thể từ người cho chết não đã được thực hiện thành công tại Việt Nam, năng lực và những cống hiến, đóng góp có ý nghĩa của các nhà khoa học Việt nam tiếp tục được khẳng định trên bình diện quốc tế, vị thể và tiềm năng dồi dào của nền y học Việt nam thực sự được nâng cao.

Tôi được đề cử danh hiệu Viện sĩ Hàn lâm khoa học thế giới có lẽ là nhờ các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố trong lĩnh vực tân tạo tuần hoàn, nuôi cấy tế bào, dịch chuyển các vạt tổ chức tự do ứng dụng vi phẫu thuật, điều trị các dị tật bẩm sinh phức tạp, cũng như những thành tựu đạt được trong lĩnh vực ghép chi thể.

GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng

Phải tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có được sự tự tin và chỗ đứng để làm nghiên cứu khoa học một cách liêm chính

Sinh ra trong một gia đình đã có 4 thế hệ theo đuổi ngành y, ông lựa chọn theo chuyên ngành chấn thương chỉnh hình sau khi tốt nghiệp đại học. Suốt những năm tháng học tập dưới mái trường của Học viện quân y, được trực tiếp chứng kiến những thương bệnh binh và những người bệnh bị những vết thương tái đi, tái lại nhiều lần, luôn phải chịu đựng sự đau đớn do tàn tích chiến tranh, trong suy nghĩ của GS Hoàng luôn cháy bỏng một niềm ao ước: được chữa trị và giải quyết triệt để những nỗi đau ấy cho người bệnh. “Do vết thương suốt nhiều năm không khỏi, thể trạng của nhiều bệnh nhân chỉ còn da bọc xương” ông nói. Việc điều trị theo những phương pháp cũ, cổ điển thực sự là không thể giải quyết được.

“Vi phẫu thuật chính là là cứu cánh cho các chuyên ngành ngoai khoa hiện đại mà đặc biệt là trong lĩnh vực Chấn thương Chỉnh hình. Những tổn thương viêm loét lan rộng, lộ gân, xương, khớp mà trước đây hầu như là bó tay không thể điều trị khỏi, thì ngày nay với vi phẫu thuật dịch chuyển các vạt tự do, bệnh nhân chỉ phải trải qua một ca mổ từ 6-8 tiếng là đã có thể phục hồi lại một cách hoàn hảo tất cả các cấu trúc giải phẫu và đạt được việc liền vết thương một cách hoàn hảo và vĩnh viễn”, ông nói.

Ngành ngoại khoa đã rèn giũa cho ông có được một trái tim nóng bỏng nhiệt huyết với bệnh nhân, một khối óc tỉnh táo không bị cảm xúc chi phối để lựa chọn được những cách thức điều trị tốt nhất và một đôi bàn tay khéo léo tinh tế trong thực hiện các thao tác phẫu thuật.

Bệnh nhân có đôi chân vòng như ếch được phẫu thuật thành công.

Bệnh nhân có đôi chân vòng như ếch được phẫu thuật thành công.

Không chỉ đạt được những thành tựu vượt bậc trong ghép chi thể, nhóm nghiên cứu của GS Hoàng cũng đã đạt được những thành tựu rất đáng chú ý trong điều trị các dị tật bẩm sinh phức tạp. Những kết quả điều trị ngoạn mục của nhóm nghiên cứu đạt được dưới sự chỉ đạo của GS Hoàng đã giúp rất nhiều bệnh nhân bước sang một trang hoàn toàn mới trong cuộc đời mình mà hoàng tử ếch là một thí dụ.

Đã từng trải qua nhiều nỗi nhọc nhằn và thăng trầm trong nghề nghiệp, GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng tâm sự, ông luôn mong cho lớp trẻ kế cận có cơ hội được học tập, cọ sát và giao lưu quốc tế để xây dựng và phát triển chuyên ngành Chấn thương Chỉnh hình quân đội một cách bền vững.

GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng.

GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng.

“Ai cũng có lần đầu tiên và làm gì cũng phải có lần đầu tiên, nhưng áp lực của lần đầu tiên bao giờ cũng cực kỳ lớn. Các bạn trẻ hãy luôn cố gắng hết sức mình và chúng tôi luôn đứng bên cạnh”, GS Hoàng nói với các đồng nghiệp trẻ là học trò của mình. Ông luôn tin rằng, những luống cầy đầu tiên có thể chưa thẳng, nhưng nếu không được thử sức, sẽ không thể có được một lớp trẻ dám nghĩ, dám làm và xứng đáng tiếp nối thành tựu của những người thầy đi trước.

Ông tự nhận mình là người “có chút may mắn” và “để có được thành công hôm nay, là nhờ được “đi trên đại lộ mà nền móng vững chắc của nó chính là công sức gây dựng suốt nhiều năm qua của các thầy và các thế hệ đi trước”. Trong nghiên cứu khoa học, điều làm ông tâm đắc nhất chính là sự liêm chính và đạo đức. Đây là điều mà ông vẫn luôn nhắc nhở các học trò và đồng nghiệp của mình. Đó là tiêu chí hàng đầu của những nhà khoa học lớn để có thể xây dựng được một đội ngũ khoa học kế tiếp tài năng và có ý chí phấn đấu, và cũng để qua đó không bị tụt hậu so với các nước bạn.

Thành công của tôi hôm nay là do may mắn có được sự giúp đỡ của những người thầy trân quý và vô cùng đáng kính trọng. Đó không chỉ là những người Thầy tài năng trong lĩnh vực y khoa, mà còn là cả những người Thầy trong những chuyên ngành khác nữa. Được đi trên đại lộ khoa học hôm nay chính là nhờ công sức vun đắp của các thầy đi trước.

GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng

Xứng đáng là bệnh viện tuyến đầu của quân y trong chăm sóc sức khỏe quân, dân

Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS) vừa bầu chọn 74 viện sĩ mới. Đây là số viện sĩ được bầu chọn nhiều nhất trong lịch sử, nâng tổng số thành viên của viện này lên 1.444 người.

Hai nhà khoa học Việt Nam được bầu chọn làm viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới lần này là GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và GS, TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng.

GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng.

Đón niềm vui bất ngờ này, GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng bày tỏ, Việt Nam có rất nhiều những khoa học lớn cũng xứng đáng được vinh danh. Ông chỉ tự nhận mình là một người may mắn, được đào tạo trong môi trường quân đội và được sự giúp đỡ, ủng hộ, kề vai sát cánh của lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và của lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Với sự đầu tư cơ sở vật chất quy mô có chất lượng cao, ông và các cộng sự đang có được những điều kiện tốt nhất trong nghiên cứu khoa học. Từ những công trình nghiên cứu khoa học đó, kết quả của nó lại quay trở lại thực tiễn, giúp cho việc điều trị người bệnh đạt được những kết quả tối ưu.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: quankhu2.vn

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: quankhu2.vn

Là người góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của nên y học Việt nam lên một tầm cao mới, GS Hoàng cho biết, trong lĩnh vực ghép chi thể theo những tài liệu được thông báo qua y văn, thì cho đến nay vẫn chưa có nước nào ở Đông Nam Á thực hiện được. Đây là một phẫu thuật rất phức tạp và khó khăn vì chi thể có các cấu trúc giải phẫu rất đa dạng, tinh tế và phức tạp, và cũng chính vì thế mà nó tiềm ẩn những nguy cơ thải ghép rất cao.

“Rất nhiều các đồng nghiệp ở nước ngoài đã ngỏ ý muốn gửi các phẫu thuật viên sang Việt Nam để học hỏi về ghép chi thể. Chúng tôi cũng đang tiến tới ký kết hợp tác khoa học để thúc đẩy và tạo cơ hội cho các chuyên gia hai bên trong việc trao đổi, đào tạo và nghiên cứu khoa học”, GS Hoàng bày tỏ.

Rất nhiều các đồng nghiệp ở nước ngoài đã ngỏ ý muốn gửi các phẫu thuật viên sang Việt Nam để học hỏi về ghép chi thể.

GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng

Hiện tại, ông cùng các đồng nghiệp vẫn đang tiếp tục miệt mài thực hiện đề tài nghiên cứu về nuôi cấy tế bào để tạo các tổ chức sống mới. Theo ông, chúng ta cần phải xây dựng được những nhóm nghiên cứu mạnh. Muốn làm được điều này, các nhà khoa học Việt Nam cần phải hợp tác chặt chẽ với những nước có nền khoa học tiên tiến trên thế giới như: Đức, Nhật, Hàn quốc, Mỹ, Singapore… để tạo tiền đề cho các nhà khoa học trẻ Việt nam đi nhanh và đi xa hơn nữa trên con đường khoa học đầy gian nan, vất vả.

Tự nhận mình có một điểm yếu lớn là rất dễ bị xúc động khi chứng kiến những nỗi đau và hoàn cảnh khó khăn của những bệnh nhân nghèo không có điều kiện kinh tế để phẫu thuật, ông mong muốn sẽ có những chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo để họ cũng có thể được điều trị với chất lượng y khoa cao nhất. Ông và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn đang miệt mài tìm tòi, nghiên cứu và cống hiến để tìm ra những con đường ngắn nhất và tốt nhất trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.

GS, TSKH Nguyễn Thế Hoàng và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn đang miệt mài tìm tòi, nghiên cứu và cống hiến để tìm ra những con đường ngắn nhất và tốt nhất trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.

Ngày xuất bản: 4/12/2024
Tổ chức thực hiện: THẢO LÊ
Nội dung: THIÊN LAM
Ảnh: THIÊN LAM, NHÂN VẬT CUNG CẤP
Trình bày: NGÔ HƯƠNG