
VIỆT NAM GIẢI PHÓNG QUÂN: LỰC LƯỢNG NÒNG CỐT TRONG TỔNG KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN THÁNG TÁM NĂM 1945
Đầu năm 1945, nhân đà thắng lợi của quân Đồng minh, thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị kế hoạch gạt bỏ Nhật, giành lại quyền thống trị Đông Dương. Ngược lại, Nhật cũng gấp rút chuẩn bị hành động. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính, truất quyền Pháp, chiếm Đông Dương làm thuộc địa riêng. Cuộc đảo chính này đã tạo thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam.

Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ngày 13/8/1945. (Ảnh tư liệu BTLSQG)
Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ngày 13/8/1945. (Ảnh tư liệu BTLSQG)
Trước tình hình diễn biến rất mau lẹ, ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định rõ kẻ thù chính là phát-xít Nhật. Đảng đặt ra nhiệm vụ phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Về nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Chỉ thị nêu rõ: “Tổ chức thêm nhiều bộ đội du kích và tiểu tổ du kích” và “thành lập Việt Nam Giải phóng quân”, “thành lập những căn cứ địa mới. Thống nhất các chiến khu và thành lập Việt Nam cứu quốc quân. Tổ chức Ủy ban quân sự cách mạng (tức Ủy ban khởi nghĩa) để thống nhất chỉ huy du kích các chiến khu” [1].
Để đẩy mạnh hơn phong trào kháng Nhật, từ ngày 15-20/4/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại Hiệp Hòa (Bắc Giang), do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng chủ trì. Hội nghị ra quyết định hợp nhất Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cùng các tổ chức vũ trang khác thành một lực lượng vũ trang thống nhất mang tên là Việt Nam giải phóng quân để cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa. Hội nghị vạch ra những quan điểm cơ bản về xây dựng Việt Nam giải phóng quân:
1. Thống nhất biên chế.
2. Thống nhất việc huấn luyện chính trị, quân sự.
3. Tổ chức công tác chính trị trong bộ đội, trau dồi kỷ luật, chống khuynh hướng thổ phỉ hoá và chủ nghĩa địa phương.
4. Mở trường quân chính chống Nhật để đào tạo cán bộ.
5. Ra sức thu nhật và mua sắm vũ khí, lập xưởng sửa chữa vũ khí và chế tạo súng ống, bom đạn.
6. Tích trữ lương thực, lập kho thóc Giải phóng.
7. Phát triển bộ đội giải phóng [2].
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ngày 15/5/1945, Lễ thống nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng khác được tổ chức ở bãi Thàn Mát (tên một loại cây), đình làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Tham dự buổi lễ có lực lượng của Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân từ Cao Bằng tiến xuống, lực lượng Cứu quốc quân 2, do đồng chí Chu Văn Tấn phụ trách, từ Bắc Sơn Võ Nhai, Đại Từ lên và lực lượng Cứu quốc quân 3, do các đồng chí Song Hào, Tạ Xuân Thu phụ trách, từ Tuyên Quảng sang.
Tại buổi lễ, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các đơn vị Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân cùng các tổ chức vũ trang cách mạng tập trung của cả nước thành Việt Nam giải phóng quân, đội quân chủ lực của cách mạng, do Đảng lãnh đạo.
Việt Nam giải phóng quân là quân chủ lực của cả nước, có chỉ huy thống nhất và hệ thống tổ chức chặt chẽ. Bộ Tư lệnh của Việt Nam giải phóng quân gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh và Chu Văn Tấn. Tổ chức biên chế của Việt Nam giải phóng quân gồm 13 đại đội được tổ chức thống nhất từ tiểu đội, trung đội đến đại đội. Mỗi tiểu đội 12 người, 3 tiểu đội thành một trung đội và 3 trung đội thành một đại đội [3]. Về vũ khí trang bị, Việt Nam giải phóng quân có hàng nghìn khẩu súng các loại, trong đó có súng máy, súng cối 60mm, hàng chục tấn đạn thu được của địch và có một số xưởng sửa chữa, chế tạo vũ khí thô sơ. Việt Nam giải phóng quân ra đời của đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực về quy mô tổ chức, từ phân tán đến tập trung.
Giữa tháng 8/1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã đến. Ngay sau khi nhận được tin Nhật Bản gửi công hàm cho các nước Đồng minh đề nghị mở cuộc đàm phán ngừng bắn, Thường vụ Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh họp ngày 12/8/1945, quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. 23 giờ cùng ngày, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Theo lời kêu gọi của Đảng, của Tổng bộ Việt Minh và chấp hành mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, lực lượng vũ trang cách mạng nòng cốt là Việt Nam giải phóng quân đã phối hợp với quần chúng nhân dân đứng lên giành chính quyền.
Cuộc chiến đấu của Việt Nam giải phóng quân cùng lực lượng vũ trang các địa phương và nhân dân cả nước có bước nhảy vọt, từ khởi nghĩa từng phần giành chính quyền ở địa phương, chuyển lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Mục tiêu tiến công của Việt Nam giải phóng quân lúc này không còn là những đồn bốt, châu lỵ mà là những căn cứ chính của địch, các thị trấn, thị xã, thành phố.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945. (Ảnh tư liệu BTLSQG).
Đồng chí Võ Nguyên Giáp thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945. (Ảnh tư liệu BTLSQG).
Nhận được mệnh lệnh khởi nghĩa, các đơn vị Việt Nam giải phóng quân đóng ở Chợ Chu, Tuyên Quang chuyển gấp về tập trung ở Tân Trào. 14 giờ ngày 16/8/1945, một đơn vị chủ lực của Việt Nam giải phóng quân, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy xuất phát từ Tân Trào tiến đánh thị xã Thái Nguyên. Trên đường hành quân, đơn vị Việt Nam giải phóng quân được bổ sung lực lượng, phát triển thành 3 đại đội. Quân số 3 đại đội khoảng 450 người, được tổ chức thành 1 chi đội, mang phiên hiệu Chi đội 3 Giải phóng quân, do đồng chí Lâm Cẩm Như (tức Lâm Kính) làm Chi đội trưởng.
Tiến công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên, Chi đội Giải phóng quân chia làm 3 mũi tiến công. Sáng 20/8, các mũi đồng loạt tiến công và nhanh chóng thu được thắng lợi. Chiều cùng ngày, ta tổ chức mít-tinh tại sân vận động thị xã. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, tuyên bố bãi bỏ chính quyền của Nhật và tay sai, thành lập chính quyền nhân dân trong thị xã và toàn tỉnh.
Trong khi đơn vị chủ lực Việt Nam giải phóng quân tiến đánh thị xã Thái Nguyên thì ba trung đội Việt Nam giải phóng quân, do đồng chí Song Hào và Tạ Xuân Thu chỉ huy tiến đánh thị xã Tuyên Quang, một cứ điểm mạnh của quân Nhật. Theo kế hoạch, 2 giờ ngày 17/8/1945, quân ta chia làm hai hướng nhanh chóng chiếm các công sở trong thị xã. Đến sáng ngày 21/8, thị xã Tuyên Quang được giải phóng.


Trên địa bàn các tỉnh còn lại thuộc Khu giải phóng Việt Bắc, các đơn vị Việt Nam giải phóng quân tiếp tục phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.
Ở Cao Bằng, các đơn vị Việt Nam giải phóng quân và tự vệ phục kích địch trên các ngả đường và tiến công vào châu lỵ giành thắng lợi ở Hà Quảng (19/8), Hòa An, Quảng Uyên (20/8).
Ở Nguyên Bình, trong hai ngày 20 và 21/8, Giải phóng quân và tự vệ bao vây chặn đánh quân Nhật, tiến công tước khí giới của bảo an binh. Sau khi giải phóng một số châu lỵ, đêm 21/8, một đơn vị Việt Nam giải phóng quân tiến về thị xã Cao Bằng, phối hợp tự vệ đánh chiếm dinh tuần phủ, tịch thu kho khí giới của Pháp do Nhật canh giữ.
Tại Lạng Sơn, ngày 19/8/1945, ở Đồng Mỏ (Ôn Châu), một đơn vị Việt Nam giải phóng quân cùng tự vệ tiến công quân Nhật, làm chủ châu lỵ Ôn Châu. Cùng ngày, lực lượng Việt Nam giải phóng quân và tự vệ tiến công quân Nhật làm chủ Mẹt (châu lỵ Hữu Lũng).
Tại Thất Khê (Tràng Định), ngày 21/8, lực lượng Giải phóng quân cùng tự vệ chiến đấu, tiến công bao vây tước vũ khí quân Nhật, làm chủ phố Thất Khê, giải phóng hoàn toàn huyện Tràng Định. Ngày 22/8, lực lượng Giải phóng quân và tự vệ tiến công quân Nhật làm chủ Na Sầm, giải phóng hoàn toàn châu Thoát Lãng. Đêm 24/8, tại chiến khu Ba Xã, hai đại đội quân giải phóng cùng tự vệ chia làm hai bộ phận theo hai hướng: đường số 1 và đường Kéo Tấu qua Thanh La, Kỳ Lừa, tiến công quân Nhật, chiếm thị xã (25/8), giải phóng hoàn toàn tỉnh Lạng Sơn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Nhật lệnh trong buổi mít-tinh chào mừng tỉnh Bắc Kạn được giải phóng. (Ảnh tư liệu/Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Nhật lệnh trong buổi mít-tinh chào mừng tỉnh Bắc Kạn được giải phóng. (Ảnh tư liệu/Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn)
Ở Bắc Kạn, quân ta tiến công bao vây tỉnh lỵ, kết hợp dùng sức mạnh quân sự và chính trị buộc địch phải đầu hàng. Kết quả, ta thu 1.800 khẩu súng, 500 két đạn và 21 vạn đồng tiền Đông Dương. Ngày 21/8, quân ta tiến vào thị xã chiếm giữ các công sở. Tiếp đó, ngày 22/8, ta giải tán trại bảo an binh và tuyên bố xóa bỏ chính quyền dịch. Toàn tỉnh Bắc Kạn được giải phóng.
Ở Hà Nội, ngày 15/8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã chỉ thị cho Hà Nội tiến hành khởi nghĩa. Ngày 17/8, Thành ủy Hà Nội lãnh đạo quần chúng đấu tranh, biến cuộc mít-tinh ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim thành diễn đàn tuyên truyền 10 chính sách lớn của Việt Minh, thông báo việc phát-xít Nhật đã đầu hàng Đồng Minh và kêu gọi nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa. Ngay sau đó, cuộc mít-tinh chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành của lực lượng cách mạng trên đường phố Hà Nội, lôi cuốn một số lính bảo an, cảnh sát tham gia.
Sáng ngày 19/8/1945, hơn 10 vạn nhân dân nội ngoại thành và các huyện lân cận mang cờ, khẩu hiệu và các loại vũ khí thô sơ tập trung tại Quảng trường Nhà hát lớn dự mít-tinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Sau cuộc mít-tinh, quần chúng cách mạng có các đội tự vệ dẫn đầu làm xung kích tỏa đi chiếm Phủ khâm sai, trại bảo an binh, sở cảnh sát và các công sở của chính quyền địch. Ngày 20/8, Ủy ban Nhân dân cách mạng Hà Nội được thành lập, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ cũng được tổ chức. Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội đã động viên mạnh mẽ các địa phương nổi dậy giành chính quyền trên toàn quốc.
Ở chiến khu Trần Hưng Đạo, các đơn vị Việt Nam giải phóng quân phối hợp tự vệ chiến đấu hỗ trợ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 20/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hải Dương được thành lập.
Tại Hải Phòng, nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 23/8/1945. Trước đó, vào ngày 18/8, nhân dân ở 4 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công. Đây là các tỉnh giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Tại Hải Phòng, nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 23/8/1945. Trước đó, vào ngày 18/8, nhân dân ở 4 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công. Đây là các tỉnh giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Ở Hải Phòng, sáng ngày 23/8/1945, lực lượng vũ trang chiến khu Trần Hưng Đạo chia làm hai cánh tiến về Hải Phòng, bao vây trại lính khố đỏ. Đến 10 giờ ngày 23/8, ta tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của địch, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng Hải Phòng. Được các đơn vị Giải phóng quân của chiến khu hỗ trợ, sau Hải Phòng, Hòn Gai và các huyện còn lại của năm tỉnh vùng Đông Bắc Bắc Bộ lần lượt giành được chính quyền.


Trên địa bàn miền trung, các lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành chính quyền diễn ra sôi nổi.
Ở Hà Tĩnh, từ ngày 15/8/1945, các đội tự vệ trang bị bằng gậy gộc, giáo mác làm xung kích cho nhân dân từ khắp các vùng nông thôn đập tan chính quyền phát xít Nhật và tay sai, giải phóng các huyện Cẩm Xuyên (17/8), Thạch Hà (17/8). Đêm 17 rạng ngày 18/8/1945, các đội tự vệ vũ trang trên 7 chiếc xe hơi cùng đông đảo quần chúng vũ trang tiến vào thị xã chiếm nhà ngân hàng và các công sở, tiếp nhận sự đầu hàng của bảo an binh và tên tỉnh trưởng. Chính quyền nhân dân tỉnh Hà Tĩnh được thành lập.
Tại Quảng Nam, ngày 17/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh lãnh đạo quần chúng vũ trang, có lực lượng tự vệ làm xung kích chiếm tỉnh lỵ, đưa lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Điện Bàn (18/8), Hòa Vang (22/8) và thành phố Đà Nẵng (26/8).
Ở Thừa Thiên Huế, lực lượng tự vệ hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở các huyện Phong Điền, Phú Lộc (18/8), Hương Thủy (22/8), Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền. Từ ngày 21/8, lực lượng cách mạng tổ chức mít-tinh, sau đó chuyển thành cuộc tuần hành biểu dương lực lượng, giành chính quyền ở Huế (23/8). Ngày 25/8, Đoàn đại biểu Chính phủ ta vào Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại.
Tại Sài Gòn, đêm 24/8/1945, các đội xung phong công đoàn, đội tự vệ, các tổ chức quần chúng của Đảng như công đoàn, thanh niên... được lệnh tập trung để hành động. Từ các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Thủ Dầu Một... từng đoàn công nhân, nông dân, thanh niên vũ trang bằng giáo mác, tầm vông tiến về Sài Gòn.
Sáng 25/8, các đội xung phong công đoàn, tự vệ chiến đấu tiến vào chiếm Nam Kỳ soái phủ (Dinh Khâm sai), tòa Xã tây (dinh Độc lý), sở mật thám, các đồn bốt, trại lính và các công sở, làm chủ thành phố. Ủy ban hành chính Nam Bộ được thành lập và ra mắt trước đông đảo nhân dân dự mít-tinh.
Thắng lợi của sự kết hợp giữa lực lượng quân sự và lực lượng chính trị giành chính quyền ở Sài Gòn đã có tác động trực tiếp đến việc phát huy vai trò đấu tranh giữa lực lượng quân sự và lực lượng chính trị trong quá trình khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Bằng các đòn tiến công quân sự của các đơn vị Việt Nam giải phóng quân, du kích, tự vệ chiến đấu và các đòn nổi dậy của quần chúng có tự vệ vũ trang hỗ trợ, từ ngày 14 đến 28/8/1945, Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã thắng lợi trong cả nước. Chính quyền cách mạng của nhân dân được thành lập từ Trung ương đến khắp các thôn, xã. Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời ra lời hiệu triệu quốc dân đồng bào cả nước và công bố danh sách của Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chính phủ lâm thời gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Quốc phòng. Từ đây, Bộ Quốc phòng từng bước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tổ chức xây dựng, chỉ đạo, chỉ huy Việt Nam giải phóng quân và lực lượng du kích, tự vệ nhằm phát huy sức mạnh của tổ chức quân sự cách mạng ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc
Ngày 30/8/1945, Chi đội 3 và một đại đội thuộc Chi đội 4 giải phóng quân vừa từ Khu giải phóng Việt Bắc về cùng lực lượng tự vệ và đông đảo nhân dân dự lễ ra mắt của Việt Nam giải phóng quân ở Quảng trường Nhà hát thành phố Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Việt Nam giải phóng quân ra mắt trước quần chúng nhân dân Thủ đô.
Ngày 28/8/1945, đoàn Giải phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/TTXVN phát)
Ngày 28/8/1945, đoàn Giải phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/TTXVN phát)
Đặc biệt, ngày 2/9/1945, Việt Nam giải phóng quân, tự vệ chiến đấu hàng ngũ chỉnh tề cùng 50 vạn nhân dân dự mít-tinh lớn mừng thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trên cơ sở các đơn vị Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân được xây dựng, phát triển ở các chiến khu Cao-Bắc-Lạng, Thái-Tuyên-Hà, cùng các đội du kích, tự vệ chiến đấu xây dựng, phát triển ở các chiến khu, căn cứ vũ trang cách mạng khác trong nước, Đảng và đồng chí Hồ Chí Minh quyết định thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân chủ lực của Khu giải phóng Việt Bắc.
Việt Nam giải phóng quân ra đời có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tổ chức quân sự cách mạng về quy mô tổ chức, biên chế, trở thành nòng cốt cùng lực lượng vũ trang các địa phương hỗ trợ toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.
Nội dung: Trần Quốc Dũng
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; TTXVN; Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn