Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Singapore Halimah Yacob, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Singapore từ ngày 24 đến 26/2. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trong năm 2022 của Chủ tịch nước, cũng như của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng và ASEAN. Đây cũng là lần Singapore đón nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm cấp Nhà nước kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thể hiện sự coi trọng của Singapore dành cho Việt Nam.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore vào năm 2023, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là dịp quan trọng để các nhà lãnh đạo hai nước thảo luận các biện pháp nhằm củng cố tin cậy chính trị, tăng cường tình hữu nghị, thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực.
Hai bên sẽ thảo luận mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực then chốt của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối hai nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam và Singapore cùng tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cũng như tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN về kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, bền vững.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở Singapore, góp phần tiếp tục củng cố, phát huy khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc.
“Đảo quốc sư tử”
vươn mình phát triển
Là một quốc gia có diện tích và quy mô dân số nhỏ, song Singapore đã từng bước vươn mình, trở thành một quốc gia phát triển hàng đầu ở khu vực và là một trong những trung tâm sản xuất và tài chính của thế giới. Singapore nằm trong nhóm những nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới.
“Đảo quốc sư tử” có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ với các ngành mũi nhọn như công nghiệp, giao thương và dịch vụ. Các ngành công nghiệp như đóng và sửa chữa tàu biển, kinh doanh cảng biển của Singapore phát triển mạnh. Những năm qua, Singapore luôn giữ vai trò là một trong những trung tâm vận tải biển hàng đầu của thế giới. Singapore cũng có thế mạnh trong xuất khẩu thiết bị điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin, dược phẩm…
Trong thời gian qua, với tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao, Singapore đã chuyển sang giai đoạn phát triển và thích nghi với dịch bệnh. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, nhờ đà hồi phục tốt của ngành sản xuất và dịch vụ, kinh tế Singapore tăng trưởng ở mức 7,6% trong năm 2021. Singapore cùng nhiều nước thúc đẩy cam kết mở cửa, vận hành ổn định cảng biển; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, bảo đảm các chuỗi cung ứng, duy trì hoạt động logistics hàng hải, hàng không, sớm khôi phục các hoạt động đi lại xuyên biên giới.
Về đối ngoại, Singapore tiếp tục triển khai chính sách trên cơ sở các nguyên tắc độc lập, tự chủ, ưu tiên phát triển kinh tế. Là một trong những nước thành lập ASEAN, Singapore luôn đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như quan hệ với các nước thành viên của Hiệp hội, trong đó có Việt Nam. Singapore tiếp tục duy trì đà quan hệ với các nước láng giềng, giữ cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, ủng hộ xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, giải quyết hòa bình tranh chấp và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.
Bên cạnh đó, Singapore cũng đẩy mạnh ngoại giao y tế chia sẻ thông tin, tham gia nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19…, hỗ trợ các nước đối tác quan trọng ứng phó dịch bệnh.
Hợp tác Việt Nam-Singapore
thực chất và hiệu quả
Quan hệ chính trị tốt đẹp
Việt Nam và Singapore chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Sau khi nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2013, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng và đạt hiệu quả cao. Trải qua nửa thế kỷ, quan hệ Việt Nam và Singapore càng trở nên gắn bó, với độ tin cậy cao và hợp tác giữa hai nước thu được nhiều kết quả tích cực.
Hai nước có quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác trên kênh Đảng và Nhà nước không ngừng được mở rộng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, các cấp được duy trì một cách linh hoạt, các cơ chế hợp tác song phương phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững đà phát triển quan hệ, cũng như định hướng hợp tác trên các lĩnh vực.
Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (SuperPort)” đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bấm nút khởi động ngày 14/11/2020 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, qua hình thức làm việc trực tuyến.
Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (SuperPort)” đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bấm nút khởi động ngày 14/11/2020 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, qua hình thức làm việc trực tuyến.
Hợp tác kinh tế là điểm sáng
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore với những thành tựu đạt được trong thời gian qua là điểm sáng tiêu biểu tại khu vực Đông Nam Á. Về thương mại, dù chịu ảnh hưởng đại dịch, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt 8,3 tỷ USD năm 2021, tăng 23,3% so với năm 2020. Ước tính tháng 1/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 783,9 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong nhiều năm qua, Singapore luôn nằm trong nhóm những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Singapore hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN; đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 2/2022, Singapore có 2.860 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD. Quy mô đầu tư bình quân một dự án của Singapore là trên 23 triệu USD, cao hơn mức đầu tư trung bình là 11,9 triệu USD/dự án. Singapore hiện có các dự án đầu tư tại 51 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa.
Nền kinh tế Việt Nam không chỉ phục hồi mà sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Nhiều công ty, tập đoàn Singapore sẽ tiếp tục nắm bắt cơ hội tại thị trường Việt Nam và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam cũng có 118 dự án đầu tư vào Singapore còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 498 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực: khoa học công nghệ, bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô-tô, xe máy, thông tin truyền thông; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh bất động sản.
Các khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước, góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Singapore đứng thứ 3/70 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào các khu công nghiệp tại Việt Nam. Lũy kế đến cuối năm 2021, các khu công nghiệp trên cả nước thu hút được 588 dự án sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,3 tỷ USD.
Tính đến cuối năm 2021, các nhà đầu tư Singapore đã tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 13 khu công nghiệp ở Việt Nam, với tổng diện tích khoảng 7.517 ha. Các khu công nghiệp có vốn đầu tư của các nhà đầu tư Singapore đều đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy cao, thu hút được gần 1.000 dự án, trong đó khoảng hơn 80% là dự án đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho gần 300.000 lao động trực tiếp.
Hỗ trợ thiết thực phòng, chống dịch Covid-19
Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam và Singapore phối hợp chặt chẽ trong hợp tác phòng, chống dịch Covid-19; dành cho nhau những hỗ trợ thiết thực về vật tư và thiết bị y tế.
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Singapore là một trong những nước ASEAN đầu tiên hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho Việt Nam. Tháng 9/2021, Singapore đã tặng Việt Nam nhiều trang thiết bị y tế quan trọng, trị giá gần 5 triệu USD. Hai bên đang tiến hành thủ tục tiếp nhận hơn 120.000 liều vaccine AstraZeneca của Chính phủ Singapore hỗ trợ Việt Nam.
Về phía mình, Việt Nam cũng đã hỗ trợ Singapore nhiều vật tư y tế, 30.000 khẩu trang và 200 máy thở sản xuất tại Việt Nam.
Hợp tác trong nhiều lĩnh vực được tăng cường
Về quốc phòng-an ninh, hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế đối thoại và hợp tác thường niên hiện có. Cùng hiệp định ký năm 2009 tiếp tục được triển khai, hiệp định về hợp tác quốc phòng sắp tới ký kết sẽ giúp tạo khuôn khổ thúc đẩy tin cậy và hợp tác quân sự, quốc phòng giữa hai nước, đóng góp tăng cường đoàn kết ASEAN.
Hợp tác trên các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, giáo dục-đào tạo, môi trường giữa hai nước tiếp tục được tăng cường.
Về giao thông vận tải, Singapore là một trong những thị trường hàng không có tầm quan trọng đặc biệt với Việt Nam. Dù chịu gián đoạn do đại dịch, song hiện các hãng hàng không của hai nước đã khôi phục các chuyến bay thương mại trên đường bay Hà Nội-Singapore và thành phố Hồ Chí Minh-Singapore. Điều này tạo điều kiện khôi phục ngành du lịch của hai nước, đóng góp vào tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương
Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam và Singapore cũng phối hợp chặt chẽ và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC… Hai bên khẳng định quyết tâm đóng góp tích cực, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm và tiếng nói chung của Hiệp hội trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam và Singapore nỗ lực tận dụng hiệu quả những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, góp phần ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và đóng góp vào quá trình hồi phục kinh tế của khu vực hậu đại dịch.
Việt Nam và Singapore mong muốn tăng cường quan hệ song phương về chính trị, kinh tế và chiến lược để cùng trở thành một trong những điểm tựa của khu vực Đông Nam Á
Tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại nhất quán của Đại hội XIII của Đảng, ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng và ASEAN, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược với Singapore. Kết quả tốt đẹp trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ góp phần đưa Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore tiếp tục đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam tháng 3/2017.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam tháng 3/2017.
Ra mắt Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam-Singapore khóa II, nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: TTXVN)
Ra mắt Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam-Singapore khóa II, nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: TTXVN)
Lối vào Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh.
Lối vào Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh.
Chỉ đạo thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - NGỌC THANH
Nội dung: SƠN NINH - MINH ANH
Tổ chức thực hiện: XUÂN BÁCH
Trình bày: PHƯƠNG NAM - DIỆU THU
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN, VGP, Reuters, STB.