Việt Nam nỗ lực cùng thế giới chống biến đổi khí hậu

Giúp dân. (Ảnh: Hồ Văn Điền)

Giúp dân. (Ảnh: Hồ Văn Điền)

Trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Anh từ 31/10 đến 12/11, chuyên đề “Những bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu” đưa ra cái nhìn toàn cảnh về những nỗ lực của thế giới kiềm chế khí hậu nóng lên, vì sức khỏe của bà mẹ Trái đất, vì tương lai của sự sống trên toàn hành tinh.

Là một nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tuy phát triển sau nhiều quốc gia trên thế giới, song Việt Nam đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp thích ứng, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam còn là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới đưa nghĩa vụ thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết vào hệ thống pháp luật để toàn dân thực hiện. Sự có mặt của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tại Hội nghị thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) thể hiện sự chung tay của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu.

Những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.

Tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.

Đánh giá thực trạng tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam, GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu phân tích: Khi nói đến biến đổi khí hậu chúng ta cần xét đến 2 quá trình là quá trình diễn ra từ từ như nhiệt độ tăng và nước biển dâng, quá trình xảy ra nhanh là sự gia tăng các cực đoan khí hậu.

GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu.

GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu.

“Ở Việt Nam, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,89°C trong thời kỳ 1958-2018, riêng giai đoạn 1986-2018 tăng 0,74°C; mực nước biển tăng 2,74mm/năm. Biến đổi khí hậu làm gia tăng mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương. Theo đó, các hiện tượng khí hậu diễn ra chậm như nhiệt độ tăng, nước biển dâng có xu hướng tác động đến sinh kế và có thể dẫn đến việc di cư lâu dài; điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ phơi bày trước hiểm họa và tính dễ bị tổn thương của người dân địa phương”.

Theo GS Trần Thục, dữ liệu quan trắc cho thấy các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan đã có xu thế gia tăng cả về cường độ và tần suất: mưa cực đoan tăng ở hầu hết các vùng của cả nước; số ngày nắng nóng tăng, số ngày rét đậm, rét hại giảm; hạn hán xảy ra thường xuyên hơn; số lượng các cơn bão mạnh trên Biển Đông có xu thế tăng. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, ở Việt Nam đang chứng kiến những dấu hiệu bất thường của thời tiết, khí hậu.

Một thí dụ đơn cử như, năm 2014 vào tháng Giêng - giữa mùa khô nhưng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi lại có một đợt lũ cao bất thường, thậm chí cao hơn cả mùa mưa năm sau - trong mùa khô có lũ lớn và trong mùa mưa lũ nhỏ. Những năm gần đây, mưa ở miền trung khá bất thường, có năm rất nhiều như 2020, có năm rất ít như năm 2018 - 2019. Năm 2016 xuất hiện đợt mưa tuyết chưa từng gặp ở nước ta, đỉnh Ba Vì - Hà Nội, rừng quốc gia Vụ Khoang - Hà Tĩnh cũng có tuyết - điều chưa từng được ghi nhận trước đây.

Theo phân tích của các chuyên gia, thực tiễn biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong những năm vừa qua diễn ra nhanh hơn so với dự kiến. Nhìn lại đối chiếu với những nhận định trước đây, thời điểm trước năm 2010, khởi đầu của nhiều nghiên cứu về thiệt hại của biến đổi khí hậu trên thế giới, nước ta vẫn là quốc gia chịu tác động rất nặng nề của biến đổi khí hậu.

Trong những năm gần đây, nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề cần phải lưu tâm, chẳng hạn năm 2017 là năm có số lượng các cơn bão ảnh hưởng tới nước ta nhiều bất thường (16 cơn bão), theo tính toán của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Tổng cục Thống kê thiệt hại khoảng 38,7 nghìn tỷ đồng tương đương 2,7 tỷ USD.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất thấy rõ nhất là đối với ngành nông nghiệp. Ở Việt Nam với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa Đông Nam Á, trong sản xuất nông nghiệp, lúa là loại cây trồng chủ lực, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa hàng năm chiếm tỷ trọng lớn nhất. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê năm 2018 trung bình cho giai đoạn 2011-2016 khoảng 66,1%. Riêng năm 2016 hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 527,7 nghìn ha lúa bị thiệt hại, trong đó khoảng 44% diện tích bị thiệt hại hoàn toàn. Đối với các loại cây trồng khác như hoa màu, các loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày cũng bị ảnh hưởng, năng suất cây trồng giảm khoảng 50% do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu còn tác động đến chăn nuôi, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, cháy rừng, các hệ sinh thái đất ngập nước, nuôi trồng thủy sản…

Mũi Cà Mau trước nguy cơ biển xâm thực nghiêm trọng. (Ảnh: Lưu Trọng Đạt)

Mũi Cà Mau trước nguy cơ biển xâm thực nghiêm trọng. (Ảnh: Lưu Trọng Đạt)

Biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng tới hoạt động giao thông vận tải, theo nghiên cứu của kịch bản biến đổi khí hậu nếu mực nước biển dâng cao 1m có khoảng 9% hệ thống đường quốc lộ, 12% hệ thống đường tỉnh lộ, 4% hệ thống đường sắt sẽ bị ảnh hưởng, trong đó tập trung nhiều nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu long chiếm 28% đường quốc lộ và 27% đường tỉnh lộ của cả nước, tiếp đến là các tỉnh ven biển miền trung và đồng bằng sông Hồng.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến phát triển đô thị, các khu công nghiệp và nhà ở, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào từng vùng, từng địa phương và từng vị trí theo địa hình phân bố. Nghiên cứu tổng thể cho thấy khu vực ven biển chịu tác động chính của bão, vùng miền núi chịu tác động của lũ quét, lốc xoáy, sạt lở, vùng trung du và đồng bằng chủ yếu là ngập lụt, lốc xoáy, mưa đá.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến du lịch, thương mại, năng lượng… và nhiều hoạt động kinh tế khác trực tiếp hay gián tiếp. Những ảnh hưởng này trong những năm vừa qua đã biểu hiện khá rõ nét, mỗi ngành, lĩnh vực đều có thể cảm nhận và đánh giá được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đối với công nghiệp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khí hậu sẽ tác động đến ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến những sản phẩm nông nghiệp. Trong trường hợp nhiệt độ tăng sẽ làm tăng tiêu thụ năng lượng kéo theo nhiều hoạt động khác tăng theo như tăng công suất nhà máy phát điện, tăng sử dụng các thiết bị làm mát, ảnh hướng tới an ninh năng lượng quốc gia. Những nghiên cứu theo kịch bản nước biển dâng cho thấy, nếu mực nước biển dâng cao 1m sẽ làm cho hầu hết các khu công nghiệp ven biển bị ngập,mức thấp nhất trên 10% diện tích, mức cao nhất khoảng 67% diện tích.

Đối với bình đẳng giới, những nghiên cứu gần đây cho thấy biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới công việc của phụ nữ, nữ giới là nhóm dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế hộ gia đình và vấn đề di cư. Thực trạng này đã và đang thể hiện ngày càng rõ ở những vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực ven biển, khu vực nông thôn.

Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, chúng ta cũng phải nhìn nhận toàn diện hơn đối với những ảnh hưởng có tính tích cực, chẳng hạn trong sản xuất nông nghiệp đối với lượng mưa, bên cạnh những tác động tiêu cực, cũng sẽ có những vùng có tác động tích cực. Trong sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ do biến đổi khí hậu cần phải được phân tích kỹ lưỡng để thầy được những mặt tích cực và tiêu cực lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí cơ bản để đánh giá.

Và nỗ lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Ảnh: Lưu Trọng Đạt

Ảnh: Lưu Trọng Đạt

Việt Nam tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) từ năm 1994. Là một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu Việt Nam đã tích cực chủ động triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một Bên tham gia UNFCCC, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu. Nhằm góp phần tích cực trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất cũng như thực hiện nghĩa vụ của một Bên nước đang phát triển tham gia UNFCCC, Việt Nam đã sớm gửi Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) vào năm 2015 cho UNFCCC và sau đó đã gửi bản cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định vào năm 2020.

Việt Nam cũng là một trong 20 quốc gia đầu tiên hoàn thành rà soát, cập nhật NDC, đồng thời đã điều chỉnh tăng đáng kể mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 của đất nước.

Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2 và lên tới 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 (bằng tổng phát thải quốc gia của Việt Nam năm 2014) khi có hỗ trợ quốc tế thông qua các hợp tác song phương, đa phương và đầu tư của doanh nghiệp.

So với bản NDC nộp năm 2015, NDC cập nhật của Việt Nam đã tăng nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thêm 2%, phù hợp với mức tăng chung của 75 quốc gia đã nộp NDC cập nhật đến tháng 12/2020 là 2,8%.

Mới đây, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chung nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng dự thảo Đề cương chi tiết Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Các lực lượng tại Yên Bái tham gia Tết trồng cây Xuân Tân Sửu 2021. (Ảnh: THANH SƠN)

Các lực lượng tại Yên Bái tham gia Tết trồng cây Xuân Tân Sửu 2021. (Ảnh: THANH SƠN)

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia chịu tác động nhiều bởi biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang thực hiện một loạt hoạt động để thích ứng, coi thích ứng là vấn đề sống còn, như: vấn đề đồng bằng sông Cửu Long, ven biển, phòng, chống thiên tai, đó là các hoạt động ứng xử trước mắt với thiên nhiên còn ứng xử lâu dài với thiên nhiên thí dụ như nước biển dâng, Việt Nam cũng đã có những chương trình hoạt động được triển khai.

Giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành yêu cầu bắt buộc thực hiện đối với mọi tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam và đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020. Có thể khẳng định rằng Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới đưa nghĩa vụ thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết vào hệ thống pháp luật để toàn dân thực hiện. Việt Nam coi giảm nhẹ phát thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị.

“Đây là điểm khác biệt giữa Việt Nam với quốc gia khác, khi việc ứng phó với biến đổi khí hậu thường dồn vào cho một số đối tượng, còn ở Việt Nam thì toàn bộ hệ thống chính trị, có nghĩa là ai cũng phải có trách nhiệm, cụ thể là với Luật Bảo vệ môi trường mới thì các doanh nghiệp thải khí nhà kính lớn, hiện tại chưa phải giảm ngay nhưng cũng phải đo đếm xem một năm phát thải bao nhiêu, từ đó có kế hoạch để để giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình mà Việt Nam tham gia Thỏa thuận Paris”, ông Phạm Văn Tấn cho biết.

Cùng chung quan điểm này, GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu, cho biết, thế giới đánh giá rất cao Việt Nam khi đưa một chiến lược hay chương trình gì đều sự tham gia của các bộ, ngành rất tích cực.

“Khi xây dựng một chiến lược hay một chương trình về biến đổi khí hậu thì tất các bộ, ngành cùng ngồi với nhau để viết. Qua đó, những vấn đề hay khó khăn, thuận lợi của các bộ ngành được chia sẻ, trao đổi và đưa vào chiến lược hay chương trình đó. Cho nên khi chiến lược hay chương trình được xây dựng xong mà Thủ tướng duyệt thì nhận được sự đồng tâm của các bộ, ngành và như vậy là thực hiện rất thuận lợi, còn đối với các nước hầu như họ chưa được điều này, họ đánh giá rất cao Việt Nam, đó là cái đột phá của mình”, GS Trần Thục chia sẻ.

Đánh giá về những thuận lợi cũng như khó khăn của Việt Nam trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, GS Trần Thục cho rằng, Việt Nam có thể chế chính trị mạnh cho nên sự huy động các bộ, ngành, địa phương tham gia vào nỗ lực chung rất thuận lợi và nhất quán. Bên cạnh đó, thuận lợi thứ hai là, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về biến đổi khí hậu, về môi trường hay phòng, chống thiên tai từ trước đến nay được Việt Nam thực hiện khá tốt. Thứ ba, Việt Nam vốn là một nước chịu nhiều thiệt thòi về thiên tai nhưng chúng ta đã 1.000 năm có kinh nghiệm sống với thiên tai, hiện nay, biến đổi khí hậu có thể làm cho thiên tai ngày càng ác liệt hơn nhưng với những kinh nghiệm đã có, chúng ta có thể vận dụng tìm ra các giải pháp ứng phó.

Tuy nhiên, cũng theo GS Trần Thục Việt Nam cũng còn không ít khó khăn trong nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu.

GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu.

“Người ta ước tính, để thích ứng biến đổi khí hậu cần lượng tiền rất lớn, đặc biệt như là đồng bằng sông Cửu Long nước biển ngập, hạn hán, rồi đến vùng ven biển miền trung chịu nhiều thiên tai, cần tiền rất nhiều để thích ứng. Tuy nhiên, nguồn lực của Nhà nước cho thích ứng mới được khoảng một phần ba so với nhu cầu thích ứng, còn mở ra cho doanh nghiệp để làm thích ứng với biến đổi khí hậu thì khó vì thích ứng với biến đổi khí hậu thường khó mang lại cho lợi nhuận, mà doanh nghiệp làm việc theo lợi nhuận”.

Về việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hiện tại nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển rất nhanh trong mấy thập niên gần đây, muốn phát triển nhanh, theo GS Trần Thục, thì phải có năng lượng, phải có điện mà chính vì thế Việt Nam sẽ phát thải lớn hơn và để giảm xuống, đó là một thách thức. Trong khi đó, công nghệ để giảm phát thải hiện tại khá đắt.

Với những nỗ lực trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu, cả về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu, theo GS Trần Thục, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp.

Thứ nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đồng bộ, cần được rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với bối cảnh hiện nay. Cần có hướng dẫn tích hợp nội dung biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và ngành. Cần tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, nguồn lực quốc gia đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế. Hiện Nhà nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu thích ứng, trong khi nhu cầu tài chính để xây dựng, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu rất lớn. Chi phí cho thích ứng với biến đổi khí hậu ước tính sẽ vượt quá 3-5% GDP vào năm 2030. Nếu trong giai đoạn 2021-2030 Việt Nam thực hiện phương án chi 1,5% GDP cho thích ứng với biến đổi khí hậu thì bình quân mỗi năm cần huy động vốn ngoài ngân sách vào khoảng 3,5 tỷ USD, hay khoảng 35 tỷ USD cho giai đoạn 2021- 2030. Cần có các cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, trong đó có khu vực doanh nghiệp và tư nhân đầu tư vào các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, Việt Nam có nhu cầu lớn về công nghệ, nhất là công nghệ hiện đại phục vụ giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai và hiểm họa; công nghệ phục vụ các giải pháp công trình và phi công trình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, năng lực đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu ở một số lĩnh vực, đặc biệt ở cấp địa phương về biến đổi khí hậu và đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng còn hạn chế. Cần tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường năng lực lựa chọn và quyết định ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Thứ năm, cơ sở vật chất, hệ thống công trình phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cần nâng cấp, tiếp nhận các công nghệ hiện đại để ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Tăng cường cơ sở vật chất và phương tiện sản xuất của người dân phục vụ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam “đi tắt đón đầu” để cùng toàn cầu giảm phát thải

Trên công trình điện gió tại vùng ven biển Bạc Liêu. (Ảnh: TRỌNG DUY)

Trên công trình điện gió tại vùng ven biển Bạc Liêu. (Ảnh: TRỌNG DUY)

Mặc dù các nước trên thế giới có xuất phát điểm khác nhau, có sự phân hóa giàu nghèo nhưng trước vấn đề nhiệt độ nóng lên toàn cầu, tất cả các quốc gia đều phải chung tay, đưa ra những cam kết mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu. Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) khai mạc ngày 31/10 nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ này chỉ tăng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Nói về khó khăn của việc đạt được thỏa thuận chung này, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu ví von: “Nếu coi mỗi quốc gia là một cơ thể thì trên Trái đất có cơ thể béo và gầy, nước giàu và nước nghèo. Nhưng xu thế chung thế giới trong việc giảm phát thải để thích ứng với biến đổi khí hậu tương tự như việc áp chính sách ăn kiêng cho tất cả mọi người”.

Người gầy cũng như người béo, người suy dinh dưỡng cũng như người phát phì… đều phải thực hiện chung một chính sách làm sao phát thải ít khí nhà kính nhất, trong khi việc này đòi hỏi công nghệ cao, giá cả đắt, không mang lại lợi ích trước mắt. Tác động về kinh tế trước yêu cầu giảm phát thải nhìn thấy ngay trước mắt, có thể ảnh hưởng toàn xã hội, toàn thế giới và không dễ dàng để tất cả cùng thống nhất thực hiện. Vì “người đói” phải làm thế nào để no bụng đã rồi mới nghĩ đến tương lai xa xôi hơn.

“Việt Nam là một nước trung bình thấp, còn khoảng cách khá xa so với những nước khác. GDP của Việt Nam bây giờ khoảng hơn 3.000 USD/đầu người, trong khi đó các nước phát triển có thể gấp 10 - 30 lần so với Việt Nam. Nhưng đây là xu thế chung của toàn cầu nên chúng ta không thể đứng ngoài được, buộc vẫn phải theo lộ trình của “người ăn kiêng” nhưng làm thế nào cho nó phù hợp với điều kiện Việt Nam”, ông Tấn khẳng định.

Để làm được điều đó, theo ông Tấn, trước giờ chúng ta vẫn thường “đi tắt đón đầu”, thì trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng phải “đi tắt đón đầu”.

Ông Tấn lý giải, việc để có GDP tăng lên đến 30 - 40 nghìn USD/đầu người như bây giờ thì thế giới đã phải trải qua con đường phát triển “không sạch” như phát triển nhiều điện than.

“Bây giờ chúng ta muốn phát triển không lặp lại như họ nữa, chúng ta phải đi tắt đón đầu bằng cách chuyển ngay sang năng lượng sạch. Năng lượng sạch thì đắt hơn và để làm ra được 1 đồng GDP sẽ khó khăn hơn so với việc sử dụng năng lượng truyền thống ngày xưa. Có thể nói Việt Nam phải nỗ lực cao hơn rất nhiều so với những nước phát triển đã đi trước mình hàng chục năm, hàng trăm năm”, ông Tấn nói.

Là một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, GS Trần Thục đã tham gia 12 Hội nghị COP từ năm 2008 đến 2019. “Qua các lần dự COP, tôi nhận ra điều quan trọng nhất là: Đàm phán về biến đổi khí hậu là một quá trình phức tạp và tiến triển thì rất chậm”, ông Trần Thục nhận xét.

Theo GS Trần Thục, các quốc gia trên thế giới đều thống nhất rằng: biến đổi khí hậu đang diễn ra và sẽ tác động mạnh đến tất cả mọi người, các hệ sinh thái và các quốc gia trên thế giới; biến đổi khí hậu là do con người gây ra do phát thải quá mức khí nhà kính vào bầu khí quyến; con người có thể hạn chế hoặc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính.

Do vậy, cần có đàm phán để xác định trách nhiệm giảm phát thải của mỗi quốc gia. Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được ký kết và năm 1992, nhưng phải mất 20 năm đàm phán mới đạt được Thỏa thận Paris về biến đổi khí hậu vào 2015 và phái mất 6 năm đàm phán về các nội dung chi tiết của Thỏa thuận Paris.

Năm nay, ông Trần Thục không tham gia COP26 nhưng ông hy vọng rằng Hội nghị tại Glasgow, Anh có thể đạt được bước tiến quan trọng với những lý do: Một là, đã có sự chuẩn bị chu đáo trong bối cảnh dịch Covid-19. Hai là, đã có hơn 130 nguyên thủ quốc gia khẳng định sẽ tham dự. Ba là, đến thời điểm này đã có khoảng 140 quốc gia công bố sẽ đạt trung hòa phát thải vào giữa thế kỷ và nhiều quốc gia tăng cam kết về đóng góp tài chính.

Gặp phóng viên Báo Nhân Dân ngay trước ngày bay sang Anh dự Hội nghị COP26, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu cho biết, COP26 trở nên đặc biệt khi biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng như công bố tháng 8 vừa qua của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Nếu không khẩn cấp xử lý thì nhân loại sẽ đạt đến điểm không thể quay đầu. Hậu họa là khôn lường.

COP26 còn là kỳ hội nghị đánh dấu 5 năm Thỏa thuận Paris được thông qua; đồng thời năm 2021 là năm đầu tiên Thỏa thuận Paris đi vào thực hiện. Chúng ta phải kiểm điểm lại việc chuẩn bị cho thực hiện Thỏa thuận Paris còn thiếu gì cần phải hoàn thiện, bao gồm những điểm vướng mắc của Bộ quy tắc hướng dẫn thi hành Thỏa thuận Paris cần phải đạt được đồng thuận.

Về phía Việt Nam, nhiều người đã biết chúng ta được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên điều còn ít người biết, đó là Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính, hiện đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau Indonesia. Đây là thực tế, dù chúng ta không muốn. Thực tế này làm vị thế của Việt Nam tại Hội nghị trở nên quan trọng và sẽ nhận được quan tâm, chú ý của cộng đồng quốc tế.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Tất cả những hoạt động thích ứng của chúng ta trong nước thời gian vừa qua có thể đưa thành những bài học để những nước có điều kiện tương tự học tập. Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ đóng góp đáng kể cho nỗ lực giảm khí nhà kính toàn cầu. Nhiều nước có mức độ phát triển tương đương hoặc thấp hơn chúng ta sẽ nhìn Việt Nam để hành động. Vì vậy sự xuất hiện của Việt Nam, hành động của Việt Nam sẽ có tác động đáng kể cho thành công của Hội nghị và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị COP26, thăm, làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp. Trong các ngày 1 và 2/11 dự kiến có 124 nguyên thủ quốc gia sẽ phát biểu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu ngay ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu.

Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu nhận định: “Đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị lần này với vị thế rất quan trọng. Chắc chắn, sự tham gia và đóng góp của Việt Nam sẽ tương xứng với vị thế quan trọng này”.


Ngày xuất bản: 01/11/2021
Chỉ đạo thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Tổ chức thực hiện: HỒNG VÂN
Nội dung: THẢO LÊ, THANH TRÀ, BÔNG MAI
Trình bày: BÔNG MAI, PHAN ANH
Ảnh: LƯU TRỌNG ĐẠT, HỒ VĂN ĐIỀN, TRỌNG DUY, THANH SƠN