Omicron và con đường “mở cửa” của Việt Nam





Chuyên đề Chủ động ứng phó biến thể Omicron và thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh trong giai đoạn mới phân tích trọng tâm của chiến lược đẩy lui làn sóng Omicron tại một số quốc gia trên thế giới, từ đó khái quát xu hướng chủ đạo trong công tác phòng, chống Covid-19 trong bối cảnh thế giới đã hiểu rõ hơn về các biến thể của virus SARS-CoV-2 và độ bao phủ vaccine ngày càng cao.

Số liệu giải trình tự gene số ca dương tính Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vừa qua cho thấy, 80% mang biến thể Omicron. Song song với chính sách mở cửa từ 15/3, Việt Nam có thể đối mặt với làn sóng Omicron thứ 2 trong thời gian tới. Chiến lược phù hợp sẽ giúp Việt Nam thích ứng an toàn, đưa quá trình bình thường hóa với Covid-19 đi đúng quỹ đạo .

Thế giới từng bước mở cửa

Ngày 24/11/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được báo cáo về biến thể có mã số B.1.1.529. Ngày 26/11, WHO đặt tên cho biến thể này là Omicron và phân loại biến thể này. Kể từ đó đến nay, Omicron, trong đó 2 dòng chiếm ưu thế là BA.1 và BA.2 (Omicron tàng hình) đã lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành nguyên nhân của các làn sóng lây nhiễm liên tục lập đỉnh mới tại khắp các châu lục.

Sau gần 5 tháng, dù “bão Covid-19” do Omicron gây ra chưa có dấu hiệu suy yếu, nhưng nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine được cải thiện, nhiều nước và vùng lãnh thổ đang hướng tới việc sống chung với đại dịch và mở cửa hoàn toàn trở lại.

Tại Nam Phi, một trong những nơi đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của Omicron, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đã gần như quay trở lại bình thường. Chính phủ nước này đã dỡ bỏ hầu hết biện pháp phong tỏa từ cuối tháng 12/2021, chấm dứt lệnh giới nghiêm vào ban đêm được thực hiện trong gần 2 năm qua. Cuộc sống và hoạt động đã trở lại bình thường và các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ, chỉ duy trì quy định đeo khẩu trang tại tất cả khu vực công cộng.

Tại châu Âu, Anh là một trong những quốc gia có cách tiếp cận sống chung với dịch bệnh sớm nhất với cách tiếp cận "nhẹ nhàng". Quy định cách ly đối với người mắc Covid-19 -biện pháp phòng dịch cuối cùng tại vùng England của nước Anh - đã hết hiệu lực từ cuối tháng 2. Trước đó, Chính phủ Anh đã bỏ quy định đeo khẩu trang tại những nơi công cộng như cửa hàng, phương tiện giao thông cộng cộng và khuyến cáo người dân làm việc từ xa.

Italia vẫn quyết định nới lỏng các quy định phòng dịch như không bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời dù số ca mắc vẫn tăng cao (Ảnh: REUTERS)

Italia vẫn quyết định nới lỏng các quy định phòng dịch như không bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời dù số ca mắc vẫn tăng cao (Ảnh: REUTERS)

Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/3 đã mở cửa biên giới cho khách quốc tế đã tiêm chủng đủ liều vaccine Covid-19. Nhiều nước trong EU đã dỡ bỏ gần như hoàn toàn các quy định phòng dịch như chứng nhận vaccine, không bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ngày 18/3, Quốc hội Đức đã phê chuẩn Luật Phòng, chống lây nhiễm sửa đổi. Theo đó, các quy định phòng, chống Covid-19 phần lớn sẽ vận dụng các quy định ở mức cơ bản, trong đó yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tại Mỹ, kết quả khảo sát của hãng CBS News với hơn 2.000 người trưởng thành được thực hiện từ ngày 8 đến 11/3 cho thấy, người Mỹ không còn coi đại dịch Covid-19 là mối lo ngại hàng đầu khi có hơn 70% nói rằng họ cảm thấy thoải mái hơn khi được phép ra khỏi nhà và đi làm trở lại… Cuộc sống bình thường đang dần trở lại với việc ngừng áp dụng nhiều quy định phòng dịch. Ngay cả với những nơi từng có quy định nghiêm ngặt về khẩu trang như New York và New Jersey cũng đã bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín.

Trong vài tuần trở lại đây, Omicron khiến tỷ lệ lây nhiễm tại New Zealand lại gia tăng, từ mức 1.000 ca/ngày lên mức hơn 20.000 ca/ngày. Dù vậy, New Zealand đã ngừng áp dụng hầu hết các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt trước đó. Công dân hoặc thường trú nhân New Zealand đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể trở về nước mà không cần cách ly. Du khách đến từ 60 quốc gia đáp ứng đủ điều kiện tương tự và chứng nhân âm tính với virus SARS-CoV-2 có thể nhập cảnh vào nước này.

Thái Lan sẽ bỏ quy định yêu cầu du khách xét nghiệm trước khi nhập cảnh từ ngày 1/4 (Ảnh: REUTERS)

Thái Lan sẽ bỏ quy định yêu cầu du khách xét nghiệm trước khi nhập cảnh từ ngày 1/4 (Ảnh: REUTERS)

Tại Đông Nam Á, các quốc gia trong khu vực lần lượt mở cửa cho khách quốc tế với các quy định thông thoáng như bỏ xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành (chỉ cần có chứng nhận vaccine Covid-19) hoặc chỉ cần có chứng nhận vaccine Covid-19. Việc mở cửa biên giới cho khách quốc tế nhằm vực dậy ngành du lịch – một trong những trụ cột của nền kinh tế khu vực, nhưng cũng là cách các quốc gia Đông Nam Á dần chuyển sang sống chung với dịch Covid-19.

Hàn Quốc đang trong cao trào của làn sóng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch này bùng phát do tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, tỷ lệ tử vong do biến thể Omicron gây ra đã giảm xuống mức của bệnh cúm mùa (0,05-0,1%) và với mức độ diễn biến của số ca bệnh nặng và tử vong như hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc vẫn kiên định điều chỉnh chính sách quản lý đại dịch Covid-19 theo hướng nới lỏng dần các biện pháp cách ly xã hội, phản ứng như đối với dịch bệnh thông thường nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là khôi phục đời sống thường nhật cho người dân. Cũng từ ngày 21/3, khách nhập cảnh vào Hàn Quốc được miễn quy định tự cách ly 7 ngày nếu có chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ và xác nhận PCR âm tính.

Việt Nam: Từng bước “bình thường hóa” với Covid-19

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu như trên tại buổi Gặp mặt cảm ơn các đối tác quốc tế đã hỗ trợ vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam hôm 14/3.

Phát biểu này của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có cơ sở bởi ngay từ khi Omicron đe dọa thành tựu chống dịch của nhiều nước trên thế giới, để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, cuối tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này. Trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.

Việt Nam chính thức ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên vào ngày 19/12/2021 từ một công dân Việt Nam trở về từ nước Anh. Giữa tháng 1/2022, những ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng được phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là Hà Nội.

Kết quả giải trình tự gene gần đây nhất với các mẫu dương tính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy, biến chủng Omicron đã lưu hành chính tại hai thành phố lớn này. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 10-17/2/2022, trong 92 mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố thì có 70 mẫu có kết quả PCR sàng lọc dương tính với biến chủng Omicron, chiếm tỷ lệ 76%. Lấy ngẫu nhiên 26/70 mẫu sàng lọc dương tính này để thực hiện giải trình tự gene thì đã xác định 100% là biến chủng Omicron.

Ngay sau đó, đầu tháng 3, trong 67 mẫu bệnh phẩm nhiễm Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh được giải mã gene virus có 24 mẫu là chủng BA.1 và 43 mẫu BA.2 - Hiệp hội Y khoa Mỹ gọi là "stealth variant" (biến chủng tàng hình). Đây là lần đầu tiên chủng phụ Omicron BA.2 được ghi nhận tại Việt Nam. BA.2 là chủng phụ của Omicron (chủng gốc là BA.1).

Tại Hà Nội, kết quả giải trình tự gene ngẫu nhiên từ ngày 4/12/2021 đến 1/3/2022 cho thấy, 80% số mẫu bệnh phẩm của các ca dương tính (93/109 mẫu) mang biến thể Omicron. Trong đó, chiếm ưu thế là biến thể phụ BA.2 của Omicron (86/93 mẫu). BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần so với biến chủng Omicron gốc là BA.1, đồng thời có thể tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc khoảng 30%. Như vậy, bước đầu đã có những bằng chứng kết luận, chủng Omicron đã là chủng lưu hành chính tại Hà Nội.

Kể từ khi ca nhiễm đầu tiên xâm nhập tới khi biến thể này chiếm ưu thế tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã phân tích số liệu cho thấy, số ca nhiễm trong nước tăng rất nhanh, với trung bình ghi nhận 165 ca nhiễm mới/ngày, tuy nhiên, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong vẫn được khống chế rất tốt. So với tháng 2, số ca mắc mới tăng nhiều trên diện rộng (tăng 197%) nhưng số ca tử vong giảm 47,1%; số ca nặng giảm 43%; số ca phải nhập viện điều trị giảm 24,5%; tỷ lệ ca tử vong trên tổng số ca mắc đã giảm từ 1% của tháng trước còn 0,2%.

Khu vực lấy mẫu test nhanh cho toàn bộ người nhập cảnh tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất sáng ngày 1/1/2022. (Ảnh: HCDC)

Khu vực lấy mẫu test nhanh cho toàn bộ người nhập cảnh tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất sáng ngày 1/1/2022. (Ảnh: HCDC)

Trước diễn biến khó lường của biến thể Omicron trên thế giới và dựa trên dự báo tình hình dịch tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã đặt quyết tâm tăng tốc tiêm vaccine cho toàn dân với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch, Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân đã được triển khai xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Kết quả, Chiến dịch đã mang lại tỷ lệ bao phủ vaccine như đã đề ra và ở mức cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Tính đến ngày 18/3, Việt Nam đã triển khai tiêm hơn 200 triệu liều, lọt top 10 thế giới về bao phủ vaccine. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành thủ tục mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi và sẽ sớm triển khai tiêm chủng trong quý I và quý II khi vaccine về đến Việt Nam. Tiếp đó, ngày 19/3, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản 1722/VPCP – KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 3-5 tuổi.

2103_Vaccine phòng Covid-19
Infogram

Tại buổi Gặp mặt cảm ơn các đối tác quốc tế đã hỗ trợ vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam diễn ra ngày 14/3, Bà Rana Flowers, quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam bày tỏ rất vui mừng được sinh sống tại Việt Nam trong thời khắc lịch sử này. Đại diện UNICEF cho rằng, với những nỗ lực kiểm soát đại dịch rất thành công trong hai năm qua, Việt Nam đã trở thành một tiêu chuẩn trên thế giới, đạt tỉ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu để bảo vệ người dân, bao gồm cả những người dân nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất.

“Thành công của việc tiêm vaccine tại Việt Nam không chỉ là những con số mà còn là những người dân được cứu sống, họ không phải nhập viện, các bệnh viện không bị quá tải, các cộng đồng phục hồi nhanh chóng về kinh tế - xã hội”, bà Rana Flowers nói.

Tiêm chủng cho học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: TTXVN)

Tiêm chủng cho học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: TTXVN)

Trong thông điệp được ghi hình, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng chúc mừng Việt Nam đã bao phủ vaccine cho 90% người trưởng thành và hơn 75% dân số đã được tiêm chủng, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.

Ông cho rằng, việc đạt mục tiêu toàn cầu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào giữa năm nay là vô cùng cần thiết để cứu mạng sống con người, kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới và thúc đẩy sự phục hồi toàn diện toàn cầu. Việt Nam là một ví dụ điển hình cho những điều có thể thực hiện được với cam kết chính trị, cộng đồng gắn kết, sự hỗ trợ quốc tế.

Người dân đã được tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir “made in Vietnam” (Ảnh: TTXVN)

Người dân đã được tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir “made in Vietnam” (Ảnh: TTXVN)

Nhằm đa dạng và bảo đảm nguồn cung vaccine, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước, tích cực đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính song vẫn bảo đảm các yêu cầu, quy trình, quy định về chuyên môn, khoa học, tính an toàn, hiệu quả của vaccine theo quy định.

Hướng dẫn về theo dõi, điều trị F0 tại nhà cũng nhanh chóng được ban hành thích ứng với tình hình có tới 90% F0 hiện nay đều đã tự khai báo y tế online và theo dõi, điều trị tại nhà, không gây quá tải cho hệ thống y tế.

Dựa vào tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả (số ca mắc tăng song tỷ lệ tử vong giảm mạnh, số ca nhập viện giảm), tránh làm đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu lao động, Bộ Y tế đã đề xuất trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến...

Trả lời báo chí gần đây, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) bày tỏ: “Tình hình dịch bệnh đã thay đổi, chúng ta phải tìm các giải pháp thích ứng linh hoạt, đặc biệt Việt Nam đang trong quá trình khôi phục thị trường lao động. Nếu không thích ứng nhanh, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp”.

Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp, cơ quan, bệnh viện đã linh hoạt đưa người lao động là F0, F1 (đủ điều kiện như đề xuất của Bộ Y tế) quay lại làm việc. Long An và Cà Mau là 2 địa phương đầu tiên ban hành hướng dẫn thực hiện cho F0, F1 đi làm.

Tinh thần phòng, chống dịch là không có tiền lệ nên không cầu toàn, không nóng vội, bám sát tình hình để tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nhân viên y tế tới nhà tiêm cho người già có bệnh nền tại Hà Nội (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Nhân viên y tế tới nhà tiêm cho người già có bệnh nền tại Hà Nội (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người nước ngoài sinh sống tại Đà Nẵng (Ảnh: Bộ Y tế)

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người nước ngoài sinh sống tại Đà Nẵng (Ảnh: Bộ Y tế)

Tiêm vaccine phòng dịch cho đồng bào K’Ho ở Lâm Đồng (Ảnh: TTXVN)

Tiêm vaccine phòng dịch cho đồng bào K’Ho ở Lâm Đồng (Ảnh: TTXVN)

Nhân viên y tế xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì đến kiểm tra sức khỏe và phát thuốc cho trường hợp F0 đang điều trị tại nhà. (Ảnh: TTXVN)

Nhân viên y tế xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì đến kiểm tra sức khỏe và phát thuốc cho trường hợp F0 đang điều trị tại nhà. (Ảnh: TTXVN)

Các cô giáo Trường tiểu học Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội chào đón các em lớp 1 đi học trực tiếp trở lại hôm 11/2 (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Các cô giáo Trường tiểu học Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội chào đón các em lớp 1 đi học trực tiếp trở lại hôm 11/2 (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Item 1 of 5

Nhân viên y tế tới nhà tiêm cho người già có bệnh nền tại Hà Nội (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Nhân viên y tế tới nhà tiêm cho người già có bệnh nền tại Hà Nội (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người nước ngoài sinh sống tại Đà Nẵng (Ảnh: Bộ Y tế)

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người nước ngoài sinh sống tại Đà Nẵng (Ảnh: Bộ Y tế)

Tiêm vaccine phòng dịch cho đồng bào K’Ho ở Lâm Đồng (Ảnh: TTXVN)

Tiêm vaccine phòng dịch cho đồng bào K’Ho ở Lâm Đồng (Ảnh: TTXVN)

Nhân viên y tế xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì đến kiểm tra sức khỏe và phát thuốc cho trường hợp F0 đang điều trị tại nhà. (Ảnh: TTXVN)

Nhân viên y tế xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì đến kiểm tra sức khỏe và phát thuốc cho trường hợp F0 đang điều trị tại nhà. (Ảnh: TTXVN)

Các cô giáo Trường tiểu học Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội chào đón các em lớp 1 đi học trực tiếp trở lại hôm 11/2 (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Các cô giáo Trường tiểu học Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội chào đón các em lớp 1 đi học trực tiếp trở lại hôm 11/2 (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Nhờ kinh nghiệm xử lý qua hơn 2 năm chống dịch, cơ sở là tỷ lệ tiêm chủng cao, thành công của chương trình mở cửa thí điểm đón khách quốc tế, Việt Nam đã đẩy nhanh mốc thời gian mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch mà thực chất là mở lại hoàn toàn giao thương quốc tế từ ngày 15/3.

Chia sẻ tại Hội nghị Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả diễn ra vào ngày 15/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tại thời điểm họp bàn để lựa chọn ngày 15/3 là mốc mở cửa hoàn toàn, Việt Nam đang ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục hơn 31 nghìn ca mắc mới (với biến chủng Omicron là chủ đạo). Tuy nhiên, Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch vẫn quyết tâm chọn mốc 15/3, rút ngắn so với các mốc 30/3 và 30/4 như lộ trình dự kiến ban đầu.

Nếu chúng ta cứ triệt để chỉ một phía là chống dịch không thì sẽ tê liệt. Nhìn lại thì đây là một quá trình, những gì xảy ra (diễn biến dịch bệnh) đã nằm trong tính toán. Quan trọng nhất là nhìn vào bản chất kiểm soát dịch.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Ngày 15/3 trở thành ngày đặc biệt có ý nghĩa quan trọng với ngành du lịch Việt Nam sau 2 năm bị “đóng băng” vì Covid-19. Đặc biệt, những quy định rất cởi mở về đón khách du lịch quốc tế của Bộ Y tế được kỳ vọng sẽ tạo ra một bức tranh tươi sáng cho ngành du lịch.

Một loạt biện pháp nhằm thực hiện hóa việc mở cửa đất nước đã được thực hiện. Ngay trong 15/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia nhập cảnh Việt Nam không phân biệt hộ chiếu, mục đích nhập cảnh từ ngày 15/3/2022. Đây là một trong những chính sách kịp thời của Chính phủ nhằm hỗ trợ phục hồi ngành Du lịch Việt Nam, tạo đà thuận lợi cho lộ trình mở cửa du lịch quốc tế.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã có Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh thông thoáng, ngừng áp dụng hộ chiếu vaccine, bỏ cách ly khi đến nhưng vẫn bảo đảm quản lý rủi ro, kiểm soát được rủi ro, có những biện pháp tối thiểu để giữ an toàn cho mọi người, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là: “không phân biệt người Việt Nam với người nước ngoài trên phương diện chống dịch”.

Ngay trong tối 15/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện phương án mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch sau khi có ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan. Phương án mở cửa hoạt động du lịch đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng những người làm du lịch và cả với quốc tế.

Quy định này được đánh giá là hợp lý. Theo Phó Chủ tịch thường trực hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình, quy định có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 72 giờ trước khi xuất cảnh là rất hợp lý bởi vì như vậy là không tính thời gian bay. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho khách du lịch khi vào Việt Nam.

Cùng với việc mở lại du lịch quốc tế, các hoạt động mở cửa du lịch nội địa như việc mở lại các dịch vụ đêm, mở lại tuyến phố đi bộ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các sự kiện cho năm Du lịch Quốc gia Quảng Nam 2022, các lễ hội tại các địa phương trên cả nước cũng cho thấy khả năng thích ứng linh hoạt của ngành du lịch góp phần dần đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bên cạnh đó, sự nhộn nhịp trở lại của ngành hàng không với việc dỡ bỏ các quy định xét nghiệm, cách ly, sự xuất hiện của các tuyến bay mới nội địa và nước ngoài cũng là minh chứng cho khả năng thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong đại dịch.

Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines thông tin, trong 9 tuần đầu 2022, tổng số khách trên nhóm đường bay du lịch tăng 8,6% so 2019, tốc độ phục hồi cao hơn 23 điểm so với các nhóm đường bay còn lại.

“Đặc biệt với thị trường nội địa, đường bay số chuyến bay đều cao hơn so với trước đại dịch. Cụ thể, số chuyến bay cao hơn 20% với 54-55 đường bay nội địa so với mức 44-45 chuyến bay, số lượng chuyến bay đang khai thác trung bình cả năm nay sẽ cao hơn thời điểm năm 2019 khoảng 10%", ông Nguyễn Quang Trung cho hay.

Giải pháp nào để Việt Nam vượt qua làn sóng Omicron năm 2022?

Làn sóng Omicron xâm nhập tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Theo PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, biến chủng Omicron tất yếu sẽ lan nhanh tại Việt Nam vì tốc độ lây mạnh hơn, thời gian ủ bệnh ngắn hơn và đặc biệt các dữ liệu khoa học cho thấy, biến chủng này kháng vaccine. Vì thời gian ủ bệnh nhanh hơn, tốc độ lan nhanh nên chu kỳ lây nhiễm tăng nhanh.

Khi biến chủng Omicron xâm nhập thì giống như các quốc gia khác, với bản tính lây lan nhanh của Omicron, nó không bị hoặc ít bị cản trở việc tiêm vaccine từ trước nên sẽ phát triển nhanh. Omicron tăng nhanh giống như trong quần thể chưa tiêm vaccine nên sẽ tăng theo cấp số nhân trong thời gian đầu.

Theo PGS Dũng, biến chủng Omicron có 2 đặc tính, khả năng lây bệnh nặng thấp hơn so với biến chủng cũ do ít xâm lấn xuống đường hô hấp, vào tế bào hô hấp nên khả năng diễn biến nhẹ hơn. Biểu hiện chủ yếu của nhiễm Omicron là hô hấp trên, ít gây chuyển nặng và tử vong ở người trẻ, người đã tiêm vaccine. Số ca nặng chủ yếu là người già, người chưa tiêm. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra, vaccine không bảo vệ được nhiều người tiêm với biến chủng này vì tốc độ Omicron xâm nhập nhanh, kháng thể tạo ra không chống đỡ kịp với sự tấn công của virus.

Do vậy, khi số ca lây nhiễm tăng, xảy ra 2 khả năng, thứ nhất là luôn luôn trong cộng đồng có những người chưa được tiêm chủng. Vậy nếu làn sóng dịch nhỏ sẽ không “quét” vào nhóm đối tượng này thì số tử vong không gia tăng. Nhưng nếu làn sóng đủ lớn thì nhóm đối tượng nguy cơ sẽ khó “thoát” và dễ trở nặng dẫn tới quá tải hệ thống y tế kéo theo sai sót, nhiễm khuẩn bệnh viện… và tăng tỷ lệ tử vong. Bên cạnh đó, dù Việt Nam đã phủ vaccine mũi một cho tất cả dân số trưởng thành và phủ mũi hai cho gần 97% dân số trưởng thành, nhưng vẫn còn nhóm người cao tuổi và trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm.

Theo các chuyên gia, biến chủng Omicron (B.11.529) với 34 đột biến trên protein gai là yếu tố khiến Omicron có khả năng lây lan nhanh. Biến chủng Omicron lây lan nhanh gấp 500 lần so với chủng Delta nhưng triệu chứng nhẹ hơn hoặc không có triệu chứng. Hiện biến chủng đã lây ra hơn 100 nước và vùng lãnh thổ, chiếm ưu thế chủ đạo tại nhiều quốc gia như Mỹ,Anh, Hàn Quốc.

Theo PGS Dũng, tỷ lệ nhiễm Omicron hiện nay trên dân số Việt Nam chưa phải là vấn đề đáng ngại. Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt. Tuy nhiên, PGS Dũng cũng cảnh báo, mặc dù các nghiên cứu khoa học cho thấy biến chủng nhẹ, rất ít tử vong, một số trường hợp nhiễm Covid-19 có biểu hiện giống như bệnh cúm nhưng không được chủ quan. Nhiều nước đang phải trả giá đắt vì biến chủng này. Nếu tỷ lệ lây nhiễm cao, nhiều người mắc thì vẫn có tỷ lệ cao người nhiễm diễn biến nặng. Khi đó, người cao tuổi rất khó tránh nguy cơ bị phơi nhiễm. Nếu quá tải hệ thống y tế, cũng sẽ gây ra tỷ lệ tử vong cao.

Theo các chuyên gia về mô hình phân tích dịch tễ, sẽ có thể có làn sóng Omicron thứ 2. Các chuyên gia lý giải, trong làn sóng Omicron lần 1, chỉ khoảng 30-40% người dân nhiễm bệnh do số người còn lại vẫn còn miễn dịch nhờ tiêm chủng. Nhưng sau 2-3 tháng, khi miễn dịch đã suy giảm, nếu biến thể Omicron vẫn “ẩn náu” trong cộng đồng, nó sẽ có cơ hội tạo ra làn sóng dịch thứ 2.

Ngày 18/3, bà Margaret Harris, người phát ngôn của WHO tuyên bố đại dịch Covid-19 "vẫn chưa kết thúc," đồng thời cho rằng thế giới "chắc chắn vẫn đang trong giai đoạn xảy ra đại dịch".

Theo WHO, có nhiều nguyên nhân dẫn tới số ca mắc mới trên thế giới gia tăng, trong đó có sự lây lan của biến thể Omicron và dòng phụ BA.2, cùng với việc nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xã hội và y tế.

Để giảm thiểu tổn thất do biến thể Omicron gây ra, một trong những biện pháp cần phải triển khai chính là khống chế tốc độ lây lan nhanh chóng của Omicron, giảm nguy cơ cao quá tải hệ thống y tế.

“Nếu chúng ta không khống chế thì tương tự như Nga, Mỹ, số ca tử vong nhiều bởi chủng Omicron, tăng phơi nhiễm của nhóm của người có nguy cơ cao”, PGS Dũng nói.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, biến chủng này của virus SARS-CoV-2 rất khó lường. Việt Nam chưa bước vào đỉnh của làn sóng Omicron và tương lai có thể phải đối mặt với bất kỳ biến chủng nào khác của virus này. Do đó, việc đạt miễn dịch cộng đồng rất khó khi đã tiêm tới mũi 3, nhiều người vẫn bị nhiễm, thậm chí là tái nhiễm chỉ sau thời gian ngắn. Trước việc miễn dịch tự nhiên không bền vững, Việt Nam cần tính tới phải tiếp tục tiêm vaccine để có được miễn dịch chủ động, tăng hiệu quả bảo vệ.

Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu trên nhóm đối tượng nguy cơ và tái nhiễm để đánh giá về khả năng đáp ứng miễn dịch. Từ đó, ngành y tế tính tới có cần tiêm mũi tăng cường thứ 2 hay không (mũi thứ tư), đặc biệt trên nhóm người có nguy cơ cao như có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, người cao tuổi.

"Giai đoạn cấp tính" của đại dịch có thể kết thúc vào cuối năm 2022, song điều này sẽ phụ thuộc vào tốc độ đạt mục tiêu bao phủ vaccine ngừa Covid-19 cho 70% dân số của mỗi nước.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2022 công bố hôm 14/3, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, những tháng qua nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu và đang phục hồi. Song WB nhận định, các ca nhiễm Omicron đang quét qua cả nước là một trong những yếu tố khiến rủi ro tiêu cực tăng cao đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

“Khi số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng, tiếp tục tiêm liều vaccine tăng cường và ban hành hướng dẫn y tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát làn sóng Omicron”, WB khuyến nghị.

Các công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Thép An Thịnh (KCN Ngọc Hồi, Hà Nội) ngày 12/3. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Các công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Thép An Thịnh (KCN Ngọc Hồi, Hà Nội) ngày 12/3. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Trong chỉ đạo mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị các địa phương phải “Thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong việc tiêm vaccine.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tiêm chủng, không để sót, lọt đối tượng trong chỉ định tiêm; phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý 1/2022; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi trong tháng 3/2022, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi vaccine được phân bổ; tiếp tục nghiên cứu các cơ sở khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiêm mũi 4, mũi 5 khi thấy cần thiết và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế bày tỏ quan điểm, kinh nghiệm từ thế giới cho thấy, phải giám sát dịch tễ tốt, giám sát biến chủng tốt.

Hiện nay, Mỹ là nước đầu tiên có kế hoạch quốc gia về việc này một cách bài bản giám sát dịch tễ, phân tích kỹ về tỷ lệ lây nhiễm đột biến không, vấn đề dịch tễ nổi cộm để có ứng xử phù hợp. Do đó, Việt Nam cần vừa giám sát trong nước vừa liên kết với nước ngoài để có kế hoạch tốt trong phòng, chống dịch. Đồng thời, Việt Nam cần học tập một số quốc gia khác, nhanh chóng đơn giản hóa các thủ tục hành chính khai báo y tế online để xác nhận F0 đang điều trị tại nhà thay vì vẫn phải làm thủ tục bằng giấy như hiện nay.

Ngày 17/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 với mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch Covid-19 và khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình bao gồm các mục tiêu cụ thể về độ bao phủ vaccine phòng Covid-19; kiểm soát sự lây lan của dịch; nâng cao năng lực hệ thống y tế; bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19 và bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và ổn định đời sống của nhân dân.

Trong 12 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu, Nghị quyết đưa ra một nội dung rất quan trọng là: nghiên cứu, đánh giá, căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Đến nay, một số nước đã có lộ trình để hạ cấp dịch Covid-19 thành bệnh đặc hữu và mở cửa hoàn toàn đất nước. Bộ Y tế cho biết, căn cứ tình hình thực tế trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023 hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Giai đoạn này, trách nhiệm của mỗi công dân trong tự bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng quan trọng nhất. Người dân nên tránh rơi vào thái cực, chủ quan cho rằng biến thể Omicron nhẹ nhàng mà bỏ qua các biện pháp phòng,chống dịch, gây ra nguy cơ cho nhóm yếu thế. Nhưng người dân cũng không nên quá hoang mang khi tỷ lệ nhiễm Covid-19 đang lây lan rất nhanh và còn có thể lan rộng khi mở cửa du lịch vì chúng ta đã có vaccine bảo vệ giúp tỷ lệ diễn tiến bệnh nặng và tử vong đã giảm hơn trước rất nhiều. 95% F0 tự điều trị tại nhà cho thấy, chúng ta đang thích ứng một cách linh hoạt và đúng hướng trước đại dịch. Và điều này giúp Việt Nam tự tin khi chính thức mở cửa giao thương quốc tế, khẳng định “Việt Nam là điểm đến an toàn”.

Không có quốc gia nào an toàn cho đến khi tất cả các quốc gia đều được an toàn. Còn quá sớm để nói rằng đại dịch đã kết thúc.

Ở nhiều quốc gia hệ thống y tế tiếp tục quá tải và rạn nứt do số ca bệnh không ngừng tăng. Nhưng chúng ta có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu của đại dịch trong năm nay, chúng ta đã có các công cụ và kiến thức để làm được điều này.

Các quốc gia đang có hướng tiếp cận đúng đắn khi có bước chuyển từ ứng phó với đại dịch sang quản lý bền vững Covid-19 bằng cách điều chỉnh các biện pháp xã hội và y tế công cộng. Tôi cho rằng các quốc gia nên có sự chuẩn bị sẵn sàng dài hạn thay vì từ bỏ luôn các biện pháp hạn chế sự lây truyền của virus. Cần thiết lập sẵn các hệ thống nhằm bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương và ngăn ngừa tình trạng quá tải hệ thống y tế.
Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam
WHO khuyến nghị mỗi cá nhân nên tiếp tục các biện pháp bảo vệ đơn giản để giảm thiểu nguy cơ cho bản thân, bạn bè và gia đình. Bao gồm tiêm phòng Covid-19 đầy đủ, tránh tiếp xúc gần và tránh nơi đông người, giữ thông thoáng các không gian trong nhà, đeo khẩu trang đúng cách, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, vệ sinh tay thường xuyên. Nếu bạn có các triệu chứng của bệnh hoặc xét nghiệm dương tính, tự cách ly bản thân với những người chung quanh cho đến khi khỏi bệnh.
Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam

Ngày xuất bản: 21/3/2022
Tổ chức sản xuất: Việt Anh - Trường Sơn
Nội dung: Thiên Lam - Nguyễn Trang
Trình bày: Nguyễn Trang
Infogram: Diệu Thu
Ảnh: Thành Đạt, TTXVN, HCDC, UNICEF