VĨNH LINH

Đất và người

Huyện Vĩnh Linh nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Trị, với lịch sử hình thành lâu đời. Đây cũng là nơi có một phần sông Bến Hải thuộc vĩ tuyến 17 được lấy làm ranh giới tạm thời chia cắt nước ta thành hai miền nam-bắc vào năm 1954 theo Hiệp định Geneva. Năm 1955, Khu vực Vĩnh Linh chính thức được thành lập, vừa là đầu cầu giới tuyến, vừa là tiền đồn miền bắc xã hội chủ nghĩa và là hậu phương cho chiến trường miền nam.

Vài nét về mảnh đất, con người Vĩnh Linh

Vĩnh Linh là huyện nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Trị, phía đông giáp Biển Đông và huyện đảo Cồn Cỏ, phía tây giáp huyện Hướng Hóa, phía nam giáp huyện Gio Linh, phía bắc giáp huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình).

Vùng đất này có nguồn gốc hình thành từ rất xa xưa, với lịch sử gần ngàn năm. Ngay từ thời Hùng Vương, nơi đây đã là một phần của nước Văn Lang. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, Vĩnh Linh đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, địa giới hành chính.

Theo sử sách, huyện Vĩnh Linh được hình thành từ năm 1069 dưới thời Lý Thánh Tông, lúc đầu có tên gọi là Ma Linh, sau đổi tên thành Minh Linh, đến năm 1885 (đời Hàm Nghi) đổi tên thành Chiêu Linh, năm 1889 (đời Thành Thái) đổi thành Vĩnh Linh.

Lúc này, Vĩnh Linh được chia thành 5 tổng gồm: Hồ Xá, Hiền Lương, Thủy Ba, Huỳnh Công (Bắc sông Bến Hải) và Xuân Hòa (Nam sông Bến Hải) với dân số khoảng 5.000 người.

Năm 1950, 5 tổng nói trên thành lập 5 xã, gồm: Vĩnh Hồ, Vĩnh Hiền, Vĩnh Thủy, Vĩnh Hoàng (bắc sông Bến Hải) và xã Vĩnh Liêm (nam sông Bến Hải).

Năm 1954, sau khi Hiệp Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, sông Bến Hải thuộc vĩ tuyến 17 được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời.

Ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 551/TTg thành lập một đơn vị hành chính đặc biệt (đặc khu) - “ngang với một tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương”, với tên gọi chính thức là Khu vực Vĩnh Linh - đó chính là vùng đất Vĩnh Linh thuộc bờ bắc sông Bến Hải với vị trí “đầu sóng ngọn gió”, “đứng mũi chịu sào”. Phần Vĩnh Linh phía nam sông Bến Hải thuộc ngụy quyền Sài Gòn kiểm soát.

Thời gian này, Khu vực Vĩnh Linh có 23 xã, thị trấn. Đó là: Hồ Xá, Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung, Vĩnh Nam, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Trường, Hướng Lập, Vĩnh Hà, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim.

Ở thời điểm này, Khu vực Vĩnh Linh là đầu cầu giới tuyến, là tiền đồn miền bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của phong trào cách mạng ở miền nam. Khi giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước vào năm 1975, một năm sau, Vĩnh Linh cùng Gio Linh, Cam Lộ hợp nhất thành huyện Bến Hải thuộc tỉnh Bình Trị Thiên.

Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Đến tháng 5/1990, huyện Vĩnh Linh được tái lập. Thời gian này, huyện Vĩnh Linh có 20 xã, 1 thị trấn. Cụ thể có các xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung, Vĩnh Nam, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim và thị trấn Hồ Xá.

Ngày 1/8/1994, thị trấn Bến Quan được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Vĩnh Hà (phần Nông trường quốc doanh Quyết Thắng).

Ngày 24/8/2009, 4 thôn của xã Vĩnh Thạch sáp nhập với xã Vĩnh Quang để thành lập đơn vị hành chính mới là thị trấn Cửa Tùng.

Đến năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, Vĩnh Linh có 18 xã, thị trấn. Đó là các xã: Trung Nam, Kim Thạch, Hiền Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Hòa, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Ô và 3 thị trấn: Hồ Xá, Cửa Tùng, Bến Quan.

Theo đó, Vĩnh Linh có diện tích tự nhiên 623,7 km². Tính đến cuối năm 2023, dân số của huyện có 87.613 người, gồm 2 dân tộc Kinh và Vân Kiều.

Vĩnh Linh vốn là huyện nông nghiệp. Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, huyện đã xác định được cơ cấu kinh tế: Nông lâm-ngư nghiệp; công nghiệp-thương mại-dịch vụ.

Cùng với vị trí địa chính trị-kinh tế-xã hội, trải qua bao biến thiên của lịch sử đã hun đúc nên những phẩm chất đáng quý của con người Vĩnh Linh mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất miền trung. Đó là: Thật thà, chất phác, đoàn kết, thủy chung; kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; có truyền thống hiếu học; yêu thích hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; có cuộc sống lạc quan, yêu đời với kho tàng văn hóa dân gian và lễ hội phong phú như truyện trạng Vĩnh Hoàng, truyện cổ tích Vân Kiều, các điệu hò cùng nhiều trò chơi, lễ hội văn hóa dân gian, ...

Mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng

 Di tích cầu Hiền Lương được phục chế với cổng chào, nhà liên hiệp, đồn công an giới tuyến, tháp canh thời điểm năm 2022. (Ảnh: THÀNH ĐẠT).

 Di tích cầu Hiền Lương được phục chế với cổng chào, nhà liên hiệp, đồn công an giới tuyến, tháp canh thời điểm năm 2022. (Ảnh: THÀNH ĐẠT).

Theo thống kê từ Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh, toàn huyện có 180 di tích lịch sử văn hóa được Trung ương và tỉnh Quảng Trị xếp hạng.

Cụ thể, huyện có 173 di tích lịch sử, 3 di tích kiến trúc nghệ thuật, 2 di tích khảo cổ, 2 di tích danh thắng.

Trong số các di tích lịch sử-văn hóa này, có 3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt. Đây là những địa danh lịch sử gắn với công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước như:  Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.

3 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, là những địa danh nổi tiếng gắn với công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước:

Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải

Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh

Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh

Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải là những địa danh nổi tiếng trên vùng đất Vĩnh Linh thân thương gắn bó với nhiều người dân Việt Nam. Đây là những cái tên đã đi vào lịch sử dân tộc ta, là những nơi từng ghi dấu nỗi đau chia cắt đất nước trong thế kỷ 20. Hiện tại, những địa danh một thời nay đã trở thành biểu tượng của niềm vui đoàn tụ, khát vọng hòa bình của thời đại.

Quân và dân Vĩnh Linh bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu

Quân và dân Vĩnh Linh bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu

Ngoài ra, trên mảnh đất Vĩnh Linh còn có hai di tích lịch sử cấp quốc gia là bến đò Tùng Luật (bến đò B, nằm ở thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang) và địa điểm trận địa tên lửa bắn rơi máy bay B52 đầu tiên ở Việt Nam (hiện thuộc địa giới hành chính thị trấn Bến Quan).

Vĩnh Linh có 748 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 6 mẹ còn sống; 48 tập thể và 22 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động.

Khu vực Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên ở miền bắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào ngày 1/1/1967. Cùng với đó, quân dân Vĩnh Linh đã vinh dự 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen.

Khu vực Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên ở miền bắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước năm 1967.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Khu vực Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào ngày 1/1/1967.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhân dân và cán bộ huyện Vĩnh Linh ngày 23/11/2011.

Trong thời kỳ đổi mới, Vĩnh Linh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào tháng 11/2011.

Quân và dân Vĩnh Linh đã vinh dự 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen.

Nhiều công dân Vĩnh Linh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý như: Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, …

Vĩnh Linh cũng là nơi sản sinh nhiều trí thức cho đất nước có học hàm, học vị cao như Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ được đào tạo trong và ngoài nước cùng nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ có tên tuổi.

Đặc biệt, Vĩnh Linh có 3 ngôi làng nổi tiếng được nhiều người biết đến. Đó là: làng Thủy Ba (xã Vĩnh Thủy) nổi tiếng với tinh thần thượng võ, truyền thống bắt cọp; làng Huỳnh Công Tây (xã Vĩnh Tú) vang danh gần xa với những câu chuyện trạng độc đáo, hấp dẫn, tạo nên nét đẹp văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống ; làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang) được xem là chiếc nôi sinh ra các nghệ nhân dân ca Bình Trị Thiên.

Nguồn: Tổng hợp từ tài liệu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị); Sách “Lịch sử Đảng bộ Vĩnh Linh”, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.

 

Ngày xuất bản: 15/7/2024
Nội dung: NGÂN ANH tổng hợp
Ảnh: THÀNH ĐẠT, Tư liệu của huyện Vĩnh Linh
Trình bày: MINH ĐỨC