Trong năm 2024 và 2025,  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Linh sẽ long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954-2024) và 70 năm thành lập Khu vực Vĩnh Linh 16/6 (1955-2025). Đây là những sự kiện chính trị quan trọng với mảnh đất lịch sử đặc biệt này. Huyện Vĩnh Linh đang tập trung mọi nguồn lực nhằm triển khai chuỗi hoạt động chào mừng các dịp kỷ niệm một cách trọng thể, thiết thực và hiệu quả.

LŨY THÉP TỪNG BƯỚC HỒI SINH

Năm 1972, Quảng Trị được giải phóng, đất lửa Vĩnh Linh anh hùng dần hồi sinh sau lửa đạn chiến tranh.

Từ thời khắc đó, cả nước đã chứng kiến quân và dân Vĩnh Linh anh dũng từ dưới chiến hào, địa đạo bước lên. Và những người dân Vĩnh Linh từ Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh phía bắc cũng trở về quê hương, bắt đầu xây dựng cuộc sống mới.

Hầu như tất cả mọi thứ đều phải làm lại từ đầu. Với hai bàn tay trắng, những người con kiên cường của mảnh đất Vĩnh Linh bắt tay gây dựng lại sự nghiệp để từng bước hồi sinh sau cuộc chiến tranh vô vàn đau thương và khốc liệt.

Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương nhìn từ bờ bắc nơi cắm cột cờ giới tuyến. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương nhìn từ bờ bắc nơi cắm cột cờ giới tuyến. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Mười ba năm cùng các huyện Gio Linh, Cam Lộ trong ngôi nhà chung Bến Hải, cho đến ngày được lập lại vào tháng 5 năm 1990, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, các tỉnh, huyện bạn, Vĩnh Linh đã nhanh chóng ổn định đời sống và tổ chức sản xuất, rà phá bom mìn, san lấp hố bom, khai hoang phục hóa đưa hàng ngàn héc-ta ruộng, đất vào sản xuất.

Từ ngút trời lửa đạn, khói bom, từ trong những đống đổ nát hoang tàn, vùng đất đặc biệt Vĩnh Linh đã từng ngày thay đổi diện mạo, hồi sinh sau chiến tranh, vững bước đi lên cùng đất nước.

KHẮC PHỤC NHỮNG HẬU QUẢ NẶNG NỀ CỦA CHIẾN TRANH

Chiến tranh đi qua đã để lại cho mảnh đất Vĩnh Linh những hậu quả hết sức nặng nề. Tất cả những thành quả được Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh xây dựng được trong 10 năm hòa bình (1954-1964) đã bị bom đạn phá hủy hoàn toàn.

Một con số ước tính khủng khiếp cho thấy, mỗi người dân Vĩnh Linh phải gánh chịu 7 tấn bom đạn của Mỹ-ngụy. Chiến tranh, bom đạn đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng của 5.581 người dân, làm bị thương 8.351 người khác.

Theo một thống kê chưa đầy đủ của huyện Vĩnh Linh, trong thời gian xảy chiến tranh ở địa phương, đã có khoảng 2.760 trẻ lâm vào cảnh mồ côi. Cụ thể, 1.474 trẻ mồ côi cha, 1.006 trẻ mồ côi mẹ và 280 em phải gánh chịu nỗi đau mất cả cha và mẹ. Quả thực, không gì xót xa hơn khi bình quân cứ 7 người dân Vĩnh Linh lại có 1 người thuộc diện chính sách xã hội.

Không dừng lại ở những nỗi đau đó, mảnh đất này còn tiếp tục chứng kiến những nỗi xót xa đầy ám ảnh thời hậu chiến. Nỗi đau thương của chiến tranh dường như chưa dừng lại ngay cả khi chiến trường đã im tiếng súng. Sau chiến tranh, lại tiếp tục có cả nghìn người dân thiệt mạng, hoặc chịu nỗi đau thương tật suốt đời vì vấp phải bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Rất nhiều người dân bị mắc các chứng bệnh hiểm nghèo do di chứng độc hại lâu dài của bom đạn và chất độc hóa học.

Sau hơn 50 năm sau ngày hòa bình lập lại, đặc biệt là sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Vĩnh Linh đã giành được nhiều thành tựu hết sức to lớn, vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động của tỉnh Quảng Trị. Kinh tế của huyện Vĩnh Linh có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông-lâm-ngư nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ.

Đến cuối năm 2023, tỷ trọng nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 22,4%; công nghiệp-xây dựng chiếm 31,6%; thương mại-dịch vụ chiếm 46% trong tổng giá trị sản xuất.

Trong thực tế, xuất hiện thêm ngày càng nhiều những mô hình sản xuất mới có ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã xuất hiện ở nhiều địa phương.

Cụ thể như: mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh, dưa lưới trong nhà màng, lúa hữu cơ, nuôi tôm theo công thức 2, 3 giai đoạn,... Một số sản phẩm hàng hóa của Vĩnh Linh như: cao-su, hồ tiêu, lạc, môn khoai từ tía, dưa hấu, đậu xanh, …đã được đăng ký thương hiệu, nhãn mác phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện rất được quan tâm. Hằng năm, địa phương tạo việc làm mới cho hơn 2.400 lao động, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo của địa phương.

Huyện Vĩnh Linh đã hoàn thành và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục bậc tiểu học, trung học cơ sở và trẻ mầm non 5 tuổi, hoàn thiện việc sáp nhập, sắp xếp lại các trường học ở các cấp học theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả theo nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Công tác quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được chú trọng, công tác kiểm định và đánh giá cơ sở giáo dục được thực hiện nghiêm túc, chất lượng giáo dục đại trà ổn định, thực chất, chất lượng mũi nhọn đã có bước đột phá với những kết quả nổi bật.

Cột cờ giới tuyến ở bờ bắc hiện tại. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Cột cờ giới tuyến ở bờ bắc hiện tại. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Hệ thống di tích Lịch sử văn hóa gắn liền với truyền thống hào hùng của mảnh đất Vĩnh Linh như: Hiền Lương-Cửa Tùng-Vịnh Mốc-Rú Lịnh đang từng bước được kết nối, đầu tư hình thành các tour, tuyến du lịch quan trọng của huyện, tỉnh. Các thiết chế văn hóa được xây dựng hoàn chỉnh ở hầu hết các địa phương. Các công trình xây dựng như đập Bảo Đài, Sa Lung, La Ngà, cầu Cửa Tùng và khu dịch vụ nghề cá Cửa Tùng, hệ thống các chợ đầu mối, công viên văn hóa huyện, nhà thi đấu và luyện tập thể thao, trụ sở hành chính, nhà văn hóa trung tâm của huyện được đầu tư xây dựng khang trang; hệ thống giao thông nông thôn, thị trấn với hàng trăm ki-lô-mét đã được bê-tông hóa, nhựa hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa, tô thêm vẻ đẹp của bộ mặt nông thôn mới, đô thị văn minh.

Trên những trận địa đạn bom ác liệt ngày nào, giờ đây đang là những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những trang trại, cơ sở sản xuất, chăn nuôi tập trung mang lại thu nhập cao cho người dân.

Hai chương trình lớn của Chính phủ triển khai ở Vĩnh Linh trong thời gian gần đây là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Những kết quả nổi bật có thể kể đến như, đến cuối năm 2023, huyện Vĩnh Linh có 14/15 xã về đích nông thôn mới, 4/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; sản lượng lương thực ước đạt 42,177 nghìn tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt 59,4 triệu đồng/người/năm. Trên địa bàn,  tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,99%. Hơn 99,8% người dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh và hơn 97,8% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Công tác chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công cách mạng, chính sách đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tốt.

Hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh từ huyện đến cơ sở, đến nay toàn huyện có 58 tổ chức cơ sở Đảng, 285 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, gần 9.100 đảng viên. Mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân thường xuyên được chăm lo vun đắp. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị đã trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và thực sự lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân,...

Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đổi mới, tháng 8/2007, cán bộ và nhân dân huyện Vĩnh Linh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Tới tháng 11/2011, cán bộ và nhân dân huyện Vĩnh Linh được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

TỰ HÀO 70 NĂM LŨY THÉP - LŨY HOA

Đồng chí Trần Nhật Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh cho biết, năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Đối với Đảng bộ huyện Vĩnh Linh, đây còn là năm tổ chức hai sự kiện chính trị rất quan trọng. Đó là tổ chức kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh (25/8/1954-25/8/2024) và phấn đấu về đích huyện nông thôn mới.

Từ tháng 12/2022, Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh đã ban hành Kế hoạch khung tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh gắn với phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo đó, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức gắn với các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong hai năm 2023, 2024 và Lễ hội vì hòa bình.

Huyện cũng đã phát động phong trào 20 tháng cao điểm thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh từ tháng 1/2023 đến tháng 8/2024.

Với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, thi đua lập thành tích chào mừng 70 năm truyền thống Vĩnh Linh, phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới”, huyện Vĩnh Linh tập trung vào các hoạt động chính. Đó là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh các hoạt động, các phong trào thi đua, xây dựng công trình chào mừng 70 năm truyền thống Vĩnh Linh; tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, an sinh xã hội và tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh.

Phong trào thi đua yêu nước trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần nhân lên niềm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang, khơi dậy khát vọng đổi mới, quyết tâm xây dựng quê hương Vĩnh Linh ngày càng phát triển.

Địa phương cũng huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng lộ trình.

Phong trào toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ cũng được chú trọng. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến, thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt, tạo sức mạnh lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội để cán bộ và nhân dân học tập, noi theo.

Bước sang năm 2025, cùng với kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Linh cũng long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập Đặc khu Vĩnh Linh 16/6 (1955-2025).

Cùng với kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh, đây là những sự kiện chính trị quan trọng với vùng đất lửa đặc biệt này. Vì vậy, huyện Vĩnh Linh đang tập trung mọi nguồn lực nhằm triển khai chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm một cách trọng thể, thiết thực và hiệu quả.

Những năm tháng trước đây, khi mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt, Vĩnh Linh là địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề về người và cơ sở vật chất.

Từ trong hoang tàn đổ nát, dù ở trong ngôi nhà chung Bến Hải (tỉnh Bình Trị Thiên), hay khi về với tên gọi cũ thuộc tỉnh Quảng Trị, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh luôn thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Ðảng và Nhà nước, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ trong quá trình tái thiết và xây dựng quê hương.

Từ vùng đất bị bom đạn cày xới, đất và người Vĩnh Linh đã và đang đổi thay từng ngày.

Trải qua quá trình đấu tranh gian khổ trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, đồng hành cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, Vĩnh Linh đã vinh dự và tự hào được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Những thành tựu đã đạt được trong suốt chặng đường 70 năm qua là sự tiếp nối từ truyền thống anh hùng của một mảnh đất miền trung giàu bản sắc văn hóa, cách mạng; là sự chịu thương, chịu khó, tinh thần hy sinh quả cảm không tiếc máu xương của bao thế hệ người con “Lũy thép”. Từ đó, tạo dựng nên hình ảnh một Vĩnh Linh tươi đẹp, năng động, sáng tạo -  được ví như “Lũy hoa” trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Nguồn: Tổng hợp từ tài liệu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; Sách “Lịch sử Đảng bộ Vĩnh Linh”, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000.

Ngày xuất bản: 17/7/2024
Nội dung: NGÂN ANH tổng hợp
Trình bày: DIỆC DƯƠNG
Ảnh: THÀNH ĐẠT, Tư liệu của huyện Vĩnh Linh

Năm 2008, chiếc cầu phục chế được khánh thành, được sử dụng như một chứng tích lịch sử của giai đoạn chia cắt hai miền bắc-nam Việt Nam. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Năm 2008, chiếc cầu phục chế được khánh thành, được sử dụng như một chứng tích lịch sử của giai đoạn chia cắt hai miền bắc-nam Việt Nam. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ghé thăm Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải là dịp để mỗi người dân Việt Nam ôn lại những ký ức hào hùng, bi tráng, để tôn vinh và tri ân sâu sắc sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Ghé thăm Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải là dịp để mỗi người dân Việt Nam ôn lại những ký ức hào hùng, bi tráng, để tôn vinh và tri ân sâu sắc sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Item 1 of 2

Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”. Tượng đài nằm ở bờ nam sông Bến Hải, phía Đông quốc lộ 1A, có diện tích 2.700m2, gồm hai phần: phần bệ đài, với mặt cạnh là mảng phù điêu, được ghép từ nhiều khối đá, có kích cỡ khác nhau; phần tượng đài là hình tượng bà mẹ miền Nam (cao 7,70m) và người con trai (cao 5,50m), được tạo trên chất liệu đá xanh Thanh Hóa.

Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”. Tượng đài nằm ở bờ nam sông Bến Hải, phía Đông quốc lộ 1A, có diện tích 2.700m2, gồm hai phần: phần bệ đài, với mặt cạnh là mảng phù điêu, được ghép từ nhiều khối đá, có kích cỡ khác nhau; phần tượng đài là hình tượng bà mẹ miền Nam (cao 7,70m) và người con trai (cao 5,50m), được tạo trên chất liệu đá xanh Thanh Hóa.

Năm 2001, chiếc cầu sắt được phục chế lại nguyên bản theo thiết kế của chiếc cầu cũ. Chiếc cầu phục chế dài 182.97m chia làm 7 nhịp với mặt cầu chuyển sang lát gỗ lim.

Năm 2001, chiếc cầu sắt được phục chế lại nguyên bản theo thiết kế của chiếc cầu cũ. Chiếc cầu phục chế dài 182.97m chia làm 7 nhịp với mặt cầu chuyển sang lát gỗ lim.