Giáo sư Võ Tòng Xuân:

Nhà khoa học Việt Nam đầu tiên vừa được vinh danh tại Giải VinFuture 2023 - Giáo sư Võ Tòng Xuân tâm sự, ông sẽ trích phần thưởng để lập quỹ học bổng, mục tiêu thứ nhất là hỗ trợ các em theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu về nông nghiệp để tiếp tục giúp người dân Việt Nam bớt khổ và mục tiêu thứ hai sẽ phổ cập song ngữ tại các trường phổ thông Việt Nam.

Dành cả đời để giúp người nông dân bớt khổ do thiếu lương thực, nhà khoa học luôn đau đáu với nghiên cứu tìm giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu Việt Nam đã tạo ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp, không chỉ với người nông dân Việt Nam mà còn lan tỏa thành công cho nhiều nước trên thế giới, góp phần củng cố an ninh lương thực hàng đầu. Ông cùng người bạn của mình là Giáo sư Gurdev Singh Khush, Đại học California, Davis, Hoa Kỳ vừa được vinh danh với Giải đặc biệt VinFuture cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

ĐÓNG CỬA TRƯỜNG, CÙNG SINH VIÊN ĐI DIỆT RẦY NÂU VỚI BÀ CON

Phóng viên: Giáo sư đã dành cả đời nghiên cứu giống lúa mới, tạo ra cuộc cách mạng nông nghiệp, góp phần làm ổn định an ninh lương thực. Giáo sư đã theo đuổi hành trình này như thế nào?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Tôi yêu nghề nông từ nhỏ. Thuở học trung học, mỗi khi ra xem dì dượng làm ruộng, tôi thấy cuộc đời người nông dân rất cực khổ. Tôi muốn học thật tốt để có thể làm được gì cho chính quê hương mình.

Lớp 10, khi trúng tuyển vào trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, tôi lại thích ngành cơ khí, mơ ước được ra nước ngoài như Mỹ, Đức để học. Nhưng bấy giờ chỉ có thông báo đi học tại Philippines và ngành học là nông nghiệp. Vẫn mang theo mơ mộng học ngành cơ khí, tôi cũng tìm hiểu xem có thể ứng dụng được gì cơ khí vào nông nghiệp. Ngành mía đường là ngành tôi theo đuổi học đầu tiên. Học cách làm đường mía, học cách làm giấy từ bã mía, chờ ngày về áp dụng tại quê nhà.

Nhưng một bước ngoặt đến với cuộc đời tôi vào năm 1969, khi Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế được xây dựng tại ngôi trường tôi học tại Phillipines. Khi đó, các anh chị làm lĩnh vực thủy nông có sang trường gặp tôi đều nói, học mía đường giờ không phải là thời điểm phù hợp, trong khi lúa tại Việt Nam đã bị “tan nát” bởi dịch bệnh, không xuất khẩu từ năm 1968. “Ở đây có sẵn lúa, cậu học đi”, một người anh nói với tôi.

Dù cũng gặp nhiều khó khăn khi xin học tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế chấp nhận, nhưng sau khi thuyết phục bằng quá trình thử giảng dạy về lĩnh vực đất đai, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế chấp nhận. Đây là một bước ngoặt, tôi được giảng dạy và tham gia nghiên cứu ứng dụng các giống lúa.

Năm 1971, tôi về nước, công tác tại trường Cao đẳng Nông nghiệp (thuộc Viện Đại học Cần Thơ). Sau 9 tuần, tôi mang giống lúa mới về Việt Nam ứng dụng. Bấy giờ, năm 1972, rầy nâu phát triển mạnh, tàn phá giống của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế. Tôi lại xin Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế thêm một số giống lúa mới, kháng được rầy nâu. 1973, tôi xác định được giống IR26, IR30 có khả năng kháng rầy nâu và phổ biến cho dì dượng tôi sử dụng. Lúa rất tốt, đứng thẳng và nhiều bông. Giống IR26 và IR30 từ đó được nhân rộng.

Một cơ hội nữa đến với tôi vào năm 1974 được làm việc với các giáo sư Nhật Bản và tôi tiếp tục sang Nhật làm nghiên cứu sinh và lấy bằng Tiến sĩ nông học. Tháng 4/1975 tôi về Việt Nam, mang những kiến thức về đào tạo cán bộ nông nghiệp và giúp cho bà con nông dân.

Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân

Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân

Phóng viên: Hành trình trở về Việt Nam, giúp cho người nông dân có giống lúa mới gặp nhiều khó khăn gì không? Nhất là khi mình nhìn sang nước bạn là Thái Lan đang có nhiều lợi thế?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Lúc tôi về, những người làm ở Sở Canh nông đã di tản hết, trụ sở trống trơn. Bấy giờ, tôi thấy vai trò của trường Cao đẳng Nông nghiệp (thuộc Viện Đại học Cần Thơ) rất quan trọng. Tôi thấy mình phải đẩy mạnh đưa giống lúa cho tốt tới nơi bà con chưa sử dụng.

Sau giải phóng miền nam vài tháng, các sinh viên tại Tân Châu, An Giang lại trao đổi với tôi các giống lúa IR26, IR30, IR32 đều bị rầy nâu tàn phá. Bà con mua đủ thứ loại thuốc nhưng con rầy kháng thuốc, thậm chí phải bán đồ trong nhà để mua thuốc trị rầy. Không có gạo, bà con phải đi ghe xuống Bạc Liêu, Cà Mau mua gạo về ăn. Tôi lên tận Tân Châu tìm hiểu, phát hiện đây là rầy nâu tuýp mới. Tôi liên hệ sang Philippines xin giống lúa mới, họ gửi về một số giống mới thì phát hiện IR36 phát triển rất tốt, không bị rầy nâu ăn.

Tôi đề xuất Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Nông nghiệp (thuộc Viện Đại học Cần Thơ) xin đóng cửa trường 2 tháng, tổ chức cho sinh viên các ngành đi tới nơi nào có rầy nâu thì xuống với nông dân. Tôi dạy các em 3 bài: Cách chuẩn bị đường mạ cho tốt; cách chuẩn bị đất cho thật tốt cấy; cấy một rãnh một bụi, để nhân giống cho nhanh, giúp tăng năng suất.

Sau 2 tháng, lúa phát triển tốt, sinh viên rút về trường, bàn giao cho bà con nông dân và cán bộ địa phương trực tiếp cấy lúa. Khi tôi báo cáo ở các hội nghị quốc tế về lúa, các chuyên gia quốc tế rất ngạc nhiên và họ bảo, chỉ có Việt Nam mới đóng cửa trường cho sinh viên đi cấy lúa.

Nhưng nhờ vậy, với giống lúa IR36, chỉ sau một vụ lúa, nông dân cũng nhân được nhiều giống, hoàn toàn diệt được rầy nâu. Tuy nhiên, giống này ăn chưa ngon cơm, chất lượng chưa tốt, phải tiếp tục nghiên cứu.

Tôi vẫn luôn nói với các em sinh viên, Việt Nam có 3,5 triệu ha trồng lúa, trong khi Thái Lan có hơn 10 triệu ha. Giống lúa của Thái Lan ngon cơm, dài, một năm trồng một lần, bán giá cao. Những năm 1980-1990 khi xuất khẩu gạo, giá một tấn gạo của Việt Nam chỉ 250 USD còn Thái Lan tới 800 USD hoặc hơn. Tôi nói với các em sinh viên nếu muốn thắng Thái Lan phải tập trung làm lúa ngắn ngày, cấy 3 vụ/năm, sẽ được 9 triệu ha diện tích trồng lúa.

Thu hoạch lúa tại Đồng Tháp. Ảnh: Hữu Nghĩa

Thu hoạch lúa tại Đồng Tháp. Ảnh: Hữu Nghĩa

Phóng viên: Lúc bấy giờ, Việt Nam chưa phải là một nước có nhiều nghiên cứu thành công về lai tạo giống, điều gì giúp ông và các cộng sự có được sự bám đuổi bứt phá như vậy?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Một giống lúa ổn định phải lai tạo từ 1 đến 8 đời. Trong khi mình chưa rành lai tạo giống, tôi chủ trương nghiên cứu ứng dụng. Do đó, tôi tập trung vào giống lúa IR36, giống 5404. Sau đó, mình xin Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế giống lúa đời thứ 4-5 để mình tự lai tạo giống lúa mới. Dần dần, mình cũng có giống gạo ngon cơm, nhưng không thơm.

Đam mê cây lúa của tôi sâu xa là làm thế nào làm cho người nông dân đỡ khổ nên lựa chọn giống lúa nào người nông dân sử dụng được, cho đời sống khá hơn. Khi lợi tức nông dân cao hơn, doanh nghiệp lợi tức cao, cả hai sẽ đóng góp cho GDP dồi dào hơn, đất nước giàu hơn.
Giáo sư Võ Tòng Xuân

Năm 1989, xuất khẩu gạo tăng trở lại, nhưng tiền không nhiều. Tôi thấm thía lời nói Bác hồ nói năm 1947 “Nhân dân ta giàu thì đất nước ta giàu”. Tôi tâm niệm nông dân giàu thì đất nước mới giàu được. Tôi khuyến khích nông dân càng làm nhiều giống lúa, xuất khẩu nhiều sẽ đạt chỉ tiêu GDP.

Năm 2019, tôi mạnh dạn đề đạt nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng giống lúa theo điều kiện sinh thái, thiên nhiên. Khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Phải trồng lúa thích nghi với sinh thái, miễn là năng suất của bà con nông dân tăng lên. Điều này tôi rất mừng.

Tuy nhiên, giá gạo của mình thấp hơn của Thái Lan vì không ngon. Vì thế, chúng tôi cũng cố gắng nghiên cứu hướng đi. Rất may trong số các em sinh viên có Hồ Quang Cua rất thích nghiên cứu giống lúa nên có bàn với em mang giống lúa mới ở Thái Lan về. Ở Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế, chúng tôi có quyền lấy giống có gene thơm nhưng giống này không kết hợp với gene ngắn ngày. Chúng tôi mất hơn 10 năm không lai tạo được giống. Khi chúng tôi thử lấy nếp cái hoa vàng kết hợp với giống lúa gene trồng ngắn ngày, thấy có khả thi. Năm 2017, chúng tôi chọn được giống ST24 và đánh giá chất lượng xuất sắc nhất.

Sau khi thua cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới, chúng tôi tìm tiếp dòng lai ra được ST25 và đưa đi thi vào năm 2019. Và năm đó, gạo ST25 xuất sắc được công nhận là gạo ngon nhất thế giới.

Trong bài phát biểu tại lễ công bố Gạo ngon nhất thế giới, tôi có chia sẻ: “Tôi biết phần lớn các bạn chuyên đi mua gạo của các nơi khác để phân phối cho khách hàng các bạn. Tôi cũng muốn các bạn công nhận giống của Việt Nam ngon nhất. Giống gạo của Việt Nam khác Thái Lan chút, vì Thái Lan trồng một vụ/năm, đạt 4 tấn/ha còn Việt Nam trồng 3 vụ/năm, đạt 6 tấn/1 ha, nên một năm trồng ít nhất đạt 15 tấn". Bấy giờ nước bạn Thái Lan mới nể.

TRĂN TRỞ VÌ GIỐNG GẠO NGON CƠM, THƠM, NĂNG SUẤT CAO

Phóng viên: Chọn được giống gạo ngon cơm, thơm, năng suất cao lại còn phải tính tới giá để người nông dân thực sự được thay đổi cuộc sống. Điều này cũng khiến Giáo sư trăn trở thế nào?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Chúng ta đã sản xuất bằng Thái Lan, nhưng làm sao để giá cao được. Tôi đã nói chuyện với thương lái sừng sỏ ở Hồng Kông (Trung Quốc), Ma Cao (Trung Quốc) thì họ có chia sẻ hiện thế giới có hai loại gạo, trong đó gạo ST25 Việt Nam không chỉ ngắn ngày, năng suất cao mà còn ăn thơm nên họ sẽ nghiêng về phân phối gạo Việt Nam hơn, nhưng không phân phối được liền mạch. May mắn năm nay, khi gạo ST25 của Việt Nam được công nhận thì thế giới cũng sử dụng nhiều gạo ST25, OM18.

Về triển vọng gạo Việt Nam, hiện nay đang đứng nhất thế giới, sản lượng rất ổn định. Quy hoạch để trồng lúa là thiết kế theo kiểu sống chung với biến đổi khí hậu. Tôi thấy mình mãn nguyện thực hiện được lời nói của Bác Hồ.

Thu hoạch lúa ST25 tại Sóc Trăng.

Thu hoạch lúa ST25 tại Sóc Trăng.

Nhưng điều tôi trăn trở là nông dân làm còn manh mún, thương lái nhỏ lẻ chộp giật.  Mình ở vị trí độc quyền, đáng lẽ mình nên kiểm soát giá. Nhưng khó khăn cho người dân Việt Nam chính là không có đầu ra, phụ thuộc vào thương lái điều khiển giá thị trường.

Tôi muốn chúng ta có phương pháp nào đó như dồn điền, xây dựng ruộng quy hoạch để kiểm soát nông dân trồng lúa gạo theo đúng tiêu chuẩn, đẩy mạnh phân vi sinh hữu cơ, dùng đất phân hóa học. Từ đó, cây lúa của mình mới phát triển tốt, đồng thời kháng được sâu bệnh phần lớn, tránh được dùng nhiều phân hóa học, tránh được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất được nguồn gốc. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ thực hiện được theo đúng tinh thần đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Khi mình giảm phân hóa học, thuốc hóa học thì mình thực hiện đúng nghị quyết COP28.

Máy cấy lúa hoạt động tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hữu Nghĩa

Máy cấy lúa hoạt động tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hữu Nghĩa

Phóng viên: Hành trình Giáo sư và các đồng nghiệp mang giống lúa mới như IR36 ra thế giới như thế nào?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Đến những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu héc-ta. Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn.

Ngoài IR36, IR64 đã được trồng rộng rãi trên 10 triệu ha trong vòng hai thập kỷ kể từ khi được đưa ra thị trường, tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới.

IR64 được phổ biến lần đầu tiên ở Philippines vào năm 1985, ngay sau đó là ở Bhutan, Burkina Faso, Campuchia, Trung Quốc, Ecuador, Gambia, Ấn Độ, Indonesia, Mauritania, Mozambique, Việt Nam và các vùng Sahelian của Tây Phi. Đến năm 2018, IR64 và các thế hệ con cháu đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia và là giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới châu Á, chứng minh tính ưu việt và khả năng thích nghi đặc biệt của chúng.

Cuộc cách mạng trong nông nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nỗ lực của Giáo sư Võ Tòng Xuân trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu. Giáo sư Xuân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến. Nhờ các sáng kiến này, Giáo sư Xuân đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại. Đến những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu héc-ta. Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn. Ngoài IR36, IR64 đã được trồng rộng rãi trên 10 triệu ha trong vòng hai thập kỷ kể từ khi được đưa ra thị trường, tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới. IR64 được phổ biến lần đầu tiên ở Philippines vào năm 1985, ngay sau đó là ở Bhutan, Burkina Faso, Campuchia, Trung Quốc, Ecuador, Gambia, Ấn Độ, Indonesia, Mauritania, Mozambique, Việt Nam và các vùng Sahelian của Tây Phi. Đến năm 2018, IR64 và các thế hệ con cháu đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia và là giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới châu Á, chứng minh tính ưu việt và khả năng thích nghi đặc biệt của chúng.

“TÔI KHÔNG CHẠY THEO MONG MUỐN CHUYÊN MÔN MÀ BỎ QUÊN NGƯỜI NÔNG DÂN”

Phóng viên: Trong khi cơ hội ở thế giới vẫn luôn rộng cửa chào đón, ông lại chọn trở về Việt Nam vào thời điểm khó khăn nhất, đặc biệt khó trong lĩnh vực nông nghiệp? Điều gì khiến ông chọn cách quay trở về?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Trước khi trở về Việt Nam năm 1975, tôi cũng có kế hoạch vào siêu thị mua quà cho 3 con của tôi. Nhưng tôi nghĩ đến còn cháu mình, con bạn mình nữa, không nhẽ cái gì mình cũng nhập khẩu, Việt Nam phải làm chứ. Tôi đã không mua gì lúc đó vì lòng tự ái dân tộc.

Việt Nam chưa phát triển vì ít người có dịp may như mình được đi học. Do đó, tôi nghĩ mình không thể sử dụng kiến thức được học một mình mà phải lan tỏa cho nhiều người. Giờ 83 tuổi, tôi chưa nghỉ ngơi, thấy còn nhiều việc phải làm.

Trong Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) nói về tam nông, có nói về mô hình công ty cổ phần nông nghiệp. Tôi mơ tới ngày đó, khi ấy, nông dân mình mới an tâm tham gia vùng quy hoạch sản xuất nguyên liệu nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng.

Trong Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) nói về tam nông, có nói về mô hình công ty cổ phần nông nghiệp. Tôi mơ tới ngày đó, khi ấy, nông dân mình mới an tâm tham gia vùng quy hoạch sản xuất nguyên liệu nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng.
Giáo sư Võ Tòng Xuân

Giáo sư Võ Tòng Xuân (Ảnh: VinFuture)

Giáo sư Võ Tòng Xuân (Ảnh: VinFuture)

Phóng viên: Giải thưởng VinFuture năm nay đã vinh danh tên tuổi Giáo sư Võ Tòng Xuân và một người bạn của ông là Giáo sư Gurdev Singh Khush, Đại học California, Davis, Hoa Kỳ. Cảm xúc của ông lúc này như thế nào?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Ban tuyển chọn sơ bộ và Hội đồng giải thưởng VinFuture có nhìn rất tốt. Tôi rất kính trọng tầm nhìn của giải thưởng, không phải chờ công trình được nhiều trên tạp chí khoa học mới đánh giá mà thật sự đánh giá từ chỗ ý nghĩa thực tiễn của sáng kiến, mang lại lợi ích cho xã hội. Công việc của tôi là nghiên cứu thực tế, ứng dụng vào thực tế và những ứng dụng ấy phải đáp ứng đúng yêu cầu của người nông dân.

Sức thuyết phục của tôi với những người nông dân chính từ việc sau khi thầy trò tôi ở Cần Thơ gặt hái được thành quả, chúng tôi đưa kết quả về cho bố mẹ các em sinh viên thấy, sau đó mình phát triển kết quả ấy ở nhiều địa phương. Từ năm 1980, tôi bắt đầu chương trình Khoa học nông nghiệp trên Đài Truyền hình Cần Thơ và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Tôi thấy cách mình dạy không những giúp cho những nhà lãnh đạo nông nghiệp địa phương mà còn giúp cho nhiều nông dân. Tôi không chạy theo mong muốn chuyên môn của mình mà không vì người nông dân. Lãnh đạo Hội đồng giải thưởng đã nhìn thấy điều đó và tôi vô cùng cảm kích.

Giáo sư Võ Tòng Xuân gặp lại người bạn đã gửi cho ông giống lúa để cứu đói cho người dân Việt Nam

Giáo sư Võ Tòng Xuân gặp lại người bạn đã gửi cho ông giống lúa để cứu đói cho người dân Việt Nam

Phóng viên: Với việc được vinh danh tại giải thưởng VinFuture, điều này có ý nghĩa thế nào giúp Giáo sư tiếp tục phát triển nghiên cứu của mình và lan tỏa cảm hứng cho các bạn trẻ?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Giải thưởng VinFuture công nhận cách làm này của chúng tôi sẽ giúp các nhà khoa học khác Việt Nam mình tin hơn và bắt chước để lo cho dân, cho xã hội.

Với tiền giải thưởng VinFuture, tôi sẽ lập thành quỹ Học bổng Nông nghiệp Võ Tòng Xuân. Quỹ đã lập từ năm 2022 bởi các học trò của tôi, nhưng chưa có kinh phí để duy trì quỹ. Tôi thấy, hiện giờ nhiều nhà khoa học giờ chạy theo cái mới mang tính thách thức toàn cầu. Nhưng tôi nghĩ, chính điều nội tại của dân mình mới cần phải lo. Nhất là lĩnh vực nông nghiệp hiện đang thiếu các nhà nghiên cứu quan tâm. Tôi muốn lập quỹ học bổng, mục tiêu thứ nhất là hỗ trợ các em theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu về nông nghiệp và mục tiêu thứ hai là để phổ cập hóa song ngữ tại các trường phổ thông Việt Nam.

Hiện giờ nhiều nhà khoa học giờ chạy theo cái mới mang tính thách thức toàn cầu. Nhưng tôi nghĩ, chính điều nội tại của dân mình mới cần phải lo. Nhất là lĩnh vực nông nghiệp hiện đang thiếu nhà nghiên cứu quan tâm.
Giáo sư Võ Tòng Xuân

Phóng viên: Giáo sư nhận định thế nào về tương lai giá trị lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Mình phải tiếp tục đưa năng suất của một hécta lên. Mình đi từ giống lúa dài ngày, nhưng cây dễ đổ ngã, năng suất không cao. Nên sau khi tìm giống ngắn ngày như IR36 nhưng giống này cũng không còn thơm nữa. Các nhà lai tạo giống muốn lai giống ngắn ngày, bông dài, hạt lớn, tăng trọng lượng hạt lúa trên mỗi diện tích đất. Khi đó, đưa tới năng suất cao hơn trên cùng diện tích đất.

Một số nhà lai tạo giống đưa gene nhiễm mặn nhưng tôi phản đối, tôi đề nghị dùng gene năng suất cao. Ở tại Úc, Nhật Bản không nhập gạo nước ngoài nhưng họ cần bột gạo, trong khi giống lúa thơm bột không tạo ra nhiều bột, thì giống IR50404 của Việt Nam dễ trồng, cho ra bột tốt hơn.

Giải đặc biệt cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển được trao cho hai Giáo sư: Giáo sư Gurdev Singh Khush, Đại học California, Davis, Hoa Kỳ và Giáo sư Võ Tòng Xuân, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Việt Nam.

Giải đặc biệt cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển được trao cho hai Giáo sư: Giáo sư Gurdev Singh Khush, Đại học California, Davis, Hoa Kỳ và Giáo sư Võ Tòng Xuân, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Việt Nam.

Phóng viên: Ông sẽ tiếp tục phát triển nghiên cứu của mình thế nào, để giữ vững vị trí có gạo ST25 ngon nhất thế giới.

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Hiện giờ, thế hệ lúa mới giúp Việt Nam có đủ chất lượng lúa gạo. Việt Nam đã có giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, ngon cơm và thơm nhưng đang tiến tới mức cao hơn để tăng năng suất bằng cách đưa loại gene trồng bông lúa lớn hơn. Các nhà lai giống lúa đang cố gắng tìm gene cho năng suất cao. Diện tích lúa không nở ra, nên mình phải tìm giống cây lương thực có năng suất cao hơn trên mỗi diện tích đang có. 

Xin cảm ơn Giáo sư Võ Tòng Xuân!

NGÀY XUẤT BẢN: 21/12/2023
TỔ CHỨC THỰC HIỆN: HỒNG VÂN
NỘI DUNG: THIÊN LAM
ẢNH: THÀNH ĐẠT, VINFUTURE
TRÌNH BÀY: BẢO MINH