Trong số 190 doanh nghiệp gửi 359 sản phẩm đăng ký xét chọn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024, có 17 doanh nghiệp có sản phẩm được xét chọn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 9 kỳ liên tiếp. Đặc biệt, năm nay xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu lớn trên thị trường trong các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo; chế biến thực phẩm; thương mại và dịch vụ... mang thông điệp quyết tâm của doanh nghiệp Việt Nam là chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh”.
Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, Trưởng ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia về những dấu ấn nổi bật của kỳ xét chọn năm nay trước thềm lễ trao chứng nhận sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia (THQG) lần thứ 9 diễn ra vào tối 4/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Nhiều doanh nghiệp thể hiện vai trò tiên phong hướng tới kỷ nguyên xanh
Phóng viên: Lễ công bố sản phẩm đạt THQG lần thứ 9 năm nay có chủ đề: “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh” nhằm hướng các doanh nghiệp chủ động chuyển đổi xanh nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh xu thế sản xuất xanh, sản xuất bền vững bao trùm toàn cầu. Sau 9 tháng phát động và triển khai các hoạt động xét chọn, đến nay, Hội đồng THQG Việt Nam đã có quyết định công nhận sản phẩm THQG Việt Nam năm 2024. Xin ông đánh giá tổng quan về các sản phẩm đạt THQG năm nay?
Ông Vũ Bá Phú: Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, ngày 21 tháng 10 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2776/QĐ-BCT công nhận danh sách sản phẩm đạt THQG Việt Nam kỳ thứ 9 năm 2024.
Với kết quả xét chọn năm nay, chúng tôi ghi nhận: Số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm được xét chọn đạt THQG năm 2024 là 190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm, tiếp tục gia tăng so với kỳ xét chọn lần thứ 8 năm 2022 là 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm. Trong đó có 17 doanh nghiệp có sản phẩm được xét chọn THQG Việt nam 9 kỳ liên tiếp.
Trong số các sản phẩm đạt THQG, năm nay xuất hiện thêm nhiều tên tuổi, thương hiệu lớn trên thị trường trong các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo; chế biến thực phẩm; thương mại và dịch vụ...
Các sản phẩm được xét chọn THQG năm nay ngày càng thể hiện rõ nét hơn giá trị cốt lõi của Chương trình là Chất lượng-Đổi mới sáng tạo-Năng lực tiên phong trên thị trường
Sản phẩm được xét chọn THQG năm nay ngày càng thể hiện rõ nét hơn giá trị cốt lõi của Chương trình là Chất lượng-Đổi mới sáng tạo-Năng lực tiên phong trên thị trường; tiếp cận gần hơn với các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu, tiêu dùng của người tiêu dùng quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững.
Phóng viên: Lễ công bố sản phẩm đạt THQG lần thứ 09 năm 2024 sẽ được tổ chức với chủ đề “Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh” vào ngày 4/11/2024. Điều này khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng THQG, thương hiệu địa phương, ngành và doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững nhằm bắt nhịp chuyển động của thị trường thế giới. Vậy xin Bộ Công Thương cho biết trong thời gian vừa qua, việc hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp để hướng đến ký nguyên xanh đã được triển khai trên thực tế như thế nào?
Ông Vũ Bá Phú: Trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế, nhiều thị trường phát triển đã quan tâm nhiều hơn đến thúc đẩy phát triển thương mại gắn với phát triển xanh, phát triển bền vững. Để làm được điều đó, trong thời gian qua, việc hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp để hướng đến ký nguyên xanh đã được triển khai cụ thể.
Thứ nhất, chúng tôi luôn nêu rõ quan điểm, định hướng và chủ trương đặt ra những mục tiêu phát triển cao của Việt Nam, đó là đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao và đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố và nêu quyết tâm của Chính phủ Việt Nam là đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cam kết và đóng góp của Việt Nam trong giải quyết những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường.
Thứ hai, là hiện thực hóa trong các cam kết quốc tế, Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế xanh được thể hiện thông qua các cam kết về phát triển xanh, phát triển bền vững trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… Theo đó, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bởi những hiệp định thương mại này đều có những quy định khắt khe về tiêu chí môi trường.
Thứ ba, là thể hiện trong Hệ thống tiêu chí lựa chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam được Chương trình THQG Việt Nam đưa ra rất khắt khe, nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có được sự chuẩn bị rất kỹ càng cũng như lồng ghép được những ứng dụng mang tính đổi mới sáng tạo, đi theo các hướng công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường từ nguyên liệu đến máy móc thiết bị, đến sản phẩm và quy trình kinh doanh là thân thiện với môi trường...
Thứ tư, đó là sự hưởng ứng và những nỗ lực của nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp THQG nói riêng trong việc lấy sản xuất-đầu tư-kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh.
Phóng viên: Xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến. Rất nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững. Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia đã thể hiện là những cánh chim đầu đàn trong ngành/lĩnh vực của mình để vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh như thế nào?
Ông Vũ Bá Phú: Các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia đã khẳng định vai trò tiên phong trong ngành, lãnh vực của mình bằng những hành động cụ thể để hướng tới kỷ nguyên xanh. Các doanh nghiêp đã chủ động tìm hiểu và áp dụng công nghệ tiên tiến, giảm thiểu phát thải và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đơn cử như:
Xe điện VinFast tiên phong hiện đại, góp phần giảm thiểu khí thải carbon và giảm ô nhiễm từ giao thông – một trong những ngành gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. VinFast không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng phương tiện bền vững mà còn giúp người tiêu dùng Việt tiếp cận các giải pháp giao thông xanh theo tiêu chuẩn quốc tế.
TH True Milk đã xây dựng hệ thống trang trại theo tiêu chuẩn hữu cơ với quy trình chăn nuôi bò sữa không sử dụng kháng sinh và hormone tăng trưởng. Họ cũng áp dụng công nghệ xử lý chất thải để tạo ra phân bón hữu cơ, giúp bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng năng lượng tái tạo từ các hệ thống điện mặt trời để giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ từ nguồn điện thông thường.
Vinamilk là đại diện duy nhất của Đông Nam Á nằm trong top 5 "Thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu" theo báo cáo của Brand Finance. Theo đó Brand Finance xếp hạng Vinamilk đứng thứ 5 trong top 10 về "Giá trị nhận thức về tính bền vững - SPV".
Công ty CP Nhựa Tái chế Duy Tân là doanh nghiệp đi đầu tại Việt Nam trong việc chuyên thu gom và xử lý phế liệu nhựa từ các nguồn khác nhau. Doanh nghiệp sử dụng phế liệu nhựa tái chế để sản xuất các sản phẩm nhựa mới, như bao bì và vật dụng sinh hoạt, giảm thiểu việc khai thác nguyên liệu từ thiên nhiên. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất.
Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa thực hiện chuyển sang mô hình canh tác hữu cơ và tối ưu hóa giá trị cây mía khi tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu từ các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất.
Những hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng.
Phát triển thương hiệu để nâng tầm doanh nghiệp
Phóng viên: Việc xây dựng và phát triển trở thành Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chiến lược mà bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào cũng muốn hướng tới để phát triển bền vững cũng như khẳng định giá trị thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ đối với thị trường trong nước mà còn có giá trị để vươn tầm quốc tế. Để phát triển thương hiệu quốc gia, theo ông, các doanh nghiệp cần tập trung vào những yếu tố nào để xây dựng thương hiệu quốc gia?
Ông Vũ Bá Phú: Trong khuôn khổ Chương trình THQG cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình THQG. Chính vì vậy, về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi rất mong muốn:
Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhận thức đúng đắn về sự cần thiết về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng, phát triển thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và THQG Việt Nam nói chung, để từ đó dành nguồn lực (thời gian, nhân lực, vật lực) phù hợp, coi việc xây dựng, phát triển thương hiệu là một khoản đầu tư trung và dài hạn giúp nâng cao giá trị và nâng tầm doanh nghiệp.
Thứ hai, chúng tôi rất mong doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đổi mới, sáng tạo và có tính tiên phong trên thị trường.
Đây cũng chính là ba tiêu chí của Chương trình mà doanh nghiệp cần theo đuổi và duy trì khi được công nhận là sản phẩm đạt THQG Việt Nam: Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong, từ đó tăng sức cạnh tranh, lan tỏa cho các thương hiệu. Nếu không thực hiện thường xuyên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng xuất khẩu các sản phẩm lỗi thời, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường các nước phát triển.
Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm kiếm và liên kết với nhau để xây dựng thương hiệu Việt, cụ thể là kết nối cung cầu, kết nối giữa nhà sản xuất trong nước với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài sản xuất để tạo ra các sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phóng viên: Việc các doanh nghiệp THQG nói riêng và doanh nghiệp nói chung chủ động theo đuổi phát triển xanh, phát triển bền vững sẽ tạo điều kiện thuận lợi như thế nào cho doanh nghiệp trong điều kiện thực thi của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới?
Ông Vũ Bá Phú: Việc các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia nói riêng và doanh nghiệp nói chung chủ động theo đuổi phát triển xanh và bền vững sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đầu tiên, việc phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh. Các sản phẩm này thường được thị trường quốc tế ưa chuộng, từ đó mở ra cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là khi các hiệp định thương mại khuyến khích tiêu dùng bền vững.
Ngoài ra, doanh nghiệp thực hiện phát triển xanh sẽ dễ dàng hơn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt về môi trường trong các hiệp định thương mại. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý mà còn tăng cường khả năng thâm nhập vào thị trường quốc tế. Hơn nữa, doanh nghiệp có cam kết phát triển bền vững sẽ có hình ảnh tích cực hơn trong mắt khách hàng và đối tác, từ đó thu hút thêm khách hàng và nâng cao giá trị thương hiệu.
Cuối cùng, thực hiện quy trình sản xuất xanh không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành mà còn tạo cơ hội hợp tác với các đối tác và nhà đầu tư quốc tế. Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đang khuyến khích các doanh nghiệp theo đuổi phát triển bền vững thông qua các chính sách ưu đãi và hỗ trợ.
Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn lực và chia sẻ công nghệ, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng với xu hướng thị trường, bảo đảm sự phát triển lâu dài và bền vững.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông Vũ Bá Phú!
Ngày xuất bản: 4/11/12024
Tổ chức thực hiện: Ngọc Thanh
Nội dung: Thảo Lê - Thiên Lam
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Thành Đạt