Bước ra từ nhà chùa, hòa vào chốn nhân gian, tất yếu lễ Vu Lan sẽ thay đổi theo hơi thở của thời đại và những tập tục bản địa khác nhau để tồn tại và phát triển. Thay đổi là tất yếu nhưng tinh thần hiếu hạnh của ngày lễ sẽ trường tồn.
Nhân dịp lễ Vu Lan, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ đã có những trao đổi sâu hơn với Báo Nhân Dân về vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông chia sẻ đôi chút về nguồn gốc ra đời của lễ Vu Lan và quá trình nghi lễ này bước vào đời sống người Việt?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ: Lễ Vu Lan là một nghi lễ xuất phát từ văn hóa Phật giáo, trong chữ Phạn, được viết là “Ullambana”, Hán Việt phiên và đọc thành “Vu lan bồn” (nghĩa là “treo ngược”), nhằm ám chỉ nỗi khổ của vong hồn ở chốn ngạ quỷ như bị treo ngược lên.
Kinh Vu lan bồn kể rằng, một đệ tử của Đức Phật là Mục Kiền Liên, sau khi tu hành đạt đạo đã dùng thiên nhãn tìm mẹ và thấy mẹ mình đang bị đọa đày chốn địa ngục. Thương mẹ và mong muốn tìm cách cứu vong hồn mẹ, ông đã nghe theo lời Đức Phật dạy rằng, đến kỳ chư tăng tự tứ (tức kết thúc mùa đi Hạ), dọn mâm ngũ quả cúng dường chư Phật mười phương, như vậy mới lấy được phước báu cho mẹ, giúp mẹ siêu sinh tịnh độ. Về sau, đây chính là nghi thức cầu siêu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên, thân thuộc nhiều đời và được cử hành vào Rằm tháng Bảy.
Tuy nhiên, theo sách Đại Đường Tây Vực ký của Đường Tăng Trần Huyền Trang thời Đường thì lịch pháp Phật giáo và lịch pháp Trung Hoa chênh nhau một tháng, vì thế ở một số nơi như Nhật Bản, Hàn Quốc,… nghi thức này lại được tiến hành vào Rằm Trung Thu.
Lễ Vu lan là một lễ trọng mà bất cứ tông phái nào của Phật giáo cũng đều thực hành vì nó gắn với đạo hiếu (đạo chí tôn của Phật giáo), gắn với thực hành tu tập (mùa đi Hạ của chư tăng), gắn với kinh sách kinhđiển (kinh Vu Lan bồn),... nên chúng ta có thể suy đoán rằng: cùng với việc Phật giáo lan tỏa vào Giao Chỉ xưa (thế kỷ thứ II sau Công nguyên), chắc chắn nghi thức này đã được thực hành trên đất Việt. Tuy nhiên, ghi chép thời đó để lại không rõ ràng.
Tài liệu ghi chép rõ ràng nhất có được về lễ Vu lan ở Việt Nam hiện nằm trên tấm bia quý hiếm ở chùa Đọi, Hà Nam mang tên là "Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Ling tháp bi" do Nguyễn Công Bật soạn vào năm 1121 thời Lý Nhân Tông. Trong tấm bia có đoạn dài 396 chữ viết về một pháp hội do chínhvua Lý Nhân Tông chủ trì tổ chức và vì lý do "hiếu thành" với cha mẹ mà lập hội.
Còn theo ghi chép của “Đại Việt sử ký toàn thư”, ngày rằm tháng 7 năm 1118, vua Lý Nhân Tông đã cho mở hội Vu Lan để tưởng nhớ mẹ mình là Ỷ Lan Hoàng thái hậu mất một năm trước đó, tức năm 1117.
Như “Phật quang đại từ điển” đã mô tả: “Lễ Vu Lan là một tục lệ báo hiếu đã có từ lâu trước khi Phật giáo ra đời, được kể trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ, rồi được Phật giáo tiếp nhận, sau đó, từ nghi thức nhà chùa, nhập vào cung đình các triều đại, và phổ biến chốn nhân gian trong các tư gia, mỗi nơi mỗi khác”.
Lễ Vu Lan đã bước ra khỏi khuôn viên nhà chùa, phổ biến trong nhân gian như vậy, để nhân lên giá trị đạo lý trọng hiếu trong mỗi người dân, để tôn vinh đức hiếu sinh của Phật giáo.
Phóng viên: Lễ Vu lan và các nghi thức thực hành cốt lõi, nguyên sơ nhất của Rằm tháng Bảy trong đời sống sinh hoạt của người Việt là gì thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ: Cho đến nay, chúng ta không thể tìm ra “các sinh hoạt văn hóa nguyên sơ nhất cho dịp Rằm tháng Bảy” vì ngoài những mô tả không theo chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt trong kinh sách, hầu như không có tư liệu ghi chép cụ thể. Chỉ biết rằng, Vu Lan là trọng lễ nhà Phật được du nhập vào Việt Nam, được đón nhận sâu rộng và được tổ chức đúng dịp Rằm tháng Bảy. Bởi vậy, dù gọi là lễ Vu Lan hay Rằm tháng Bảy thì đó đều là trọng lễ để tôn vinh đức hiếu hạnh.
Phóng viên: Rằm tháng Bảy hay lễ Vu Lan được coi là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần người Việt, sức lan toả của tinh thần hiếu hạnh trong ngày lễ đó như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ: Giá trị cốt lõi và bất biến của lễ Vu Lan là tôn vinh đức hiếu hạnh, là dạy cho con người biết tri ân công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đó cũng là đạo lý làm người căn bản của mỗi người dân Việt Nam. Bởi vậy, lễ Vu Lan đã được đón nhận, hưởng ứng và lan toả trong đời sống tinh thần người Việt.
Tinh thần hiếu hạnh của Phật giáo thể hiện ở lễ Vu Lan thậm chí không chỉ gói gọn trong quan hệ gia đình thân thuộc, mà còn lan rộng tới thập loại chúng sinh, chính bởi vậy Rằm tháng Bảy còn là dịp người dân cầu siêu sinh tịnh độ cho mọi vong linh bị đọa vào đường quỷ đói, nội dung siêu độ bởi thế rộng ra thành “xá tôi vong nhân” như nhiều người nói.
Giá trị cốt lõi và bất biến của lễ Vu Lan là tôn vinh đức hiếu hạnh, là dạy cho con người biết tri ân công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đó cũng là đạo lý làm người căn bản của mỗi người dân Việt Nam.
Và không chỉ giới hạn ở đời sống thực, những giá trị cao đẹp của lễ Vu Lan đã đi vào thi ca như một sự thẩm thấu tự nhiên vào đời sống văn hóa người dân. Lịch sử phát triển của nghi lễ này đã ghi nhận nhiều sáng tạo bản địa đáng trân quý tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc.
Ví như tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinh, tương truyền là của thi hào Nguyễn Du dành cho lễ Vu Lan, đã trở thành tác phẩm bất hủ trong văn học Việt Nam bởi giá trị nhân văn sâu sắc. Hay những bài dân ca Ví dặm như Công cha nghĩa mẹ, Thập ân phụ mẫu cũng được nhân dân yêu chuộng, mang tinh thần hiếu hạnh của Phật giáo phổ biến trong nhân gian.
Phóng viên: Bước vào nhân gian từ một nghi thức của nhà Phật, đồng thời chịu sự tác động từ những thay đổi trong từng hơi thở cuộc sống, lễ Vu Lan ắt có nhiều đổi thay tương ứng. Ông có thể kể đôi điều về sự thay đổi này?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ: Bất cứ một nghi thức nào trong kinh kệ, khi vào một hoàn cảnh cụ thể đều có những thay đổi ứng hợp.
Thí dụ các thực hành tín ngưỡng trong lễ Vu Lan thường được tiến hành ở cả nhà chùa và tư gia, trong đó ở chùa là chính. Tại nhà chùa, các sư sãi tụng kinh, giảng kinh, cầu nguyện và phát lộc. Còn tại các tư gia, gia đình dâng cỗ chay cúng tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính.
Nhưng trong thời kỳ đất nước chiến tranh, do điều kiện thiếu thốn và hoàn cảnh lạc loạn, từng nhà thường làm riêng ở quy mô nhỏ với hình thức khá giản đơn, thậm chí khi ấy người dân còn không có cả gạo để nấu cháo lá đa. Tại chùa chiền, người dân cũng không tập trung đông để nghe giảng kinh Mục Liên được. Mặt khác, mâm ngũ quả vốn xuất phát từ tập tục này lại phổ biến sang dịp Tết hay các dịp cúng quả khác.
Hay gần đây nhất, phong trào “bông hồng cài áo” ngày Vu Lan báo hiếu cũng mới được du nhập về Việt Nam. Phong trào này do Thiền sư Thích Nhất Hạnh phát động từ năm 1962 sau một chuyến hành giáo ở nước Nhật, đã lan tỏa vẻ đẹp của đức hiếu hạnh ra toàn xã hội và được hưởng ứng rộng rãi, trở thành hoạt động nổi bật mỗi mùa Vu Lan báo hiếu.
Những thay đổi ấy diễn ra tuỳ hoàn cảnh, tuỳ nhu cầu của người dân mỗi thời kỳ khác nhau, nhưng tựu chung không làm mất đi giá trị cốt lõi của ngày lễ, thậm chí đôi khi còn làm phong phú hơn các hình thức thực hành.
Không có gì là cố định nhất nhất cả. Thay đổi là tất yếu nhưng tinh thần hiếu hạnh mới là giá trị trường tồn.
Phóng viên: Trong quá trình vận động của mình, lễ Vu Lan có thay đổi nào theo hướng tiêu cực? Quan điểm của ông về thay đổi đó như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ: Bước ra từ nhà chùa, hòa vào chốn nhân gian, tất yếu lễ Vu Lan sẽ thay đổi theo hơi thở của thời đại và những tập tục bản địa khác nhau để tồn tại và phát triển. Quá trình thay đổi đó không tránh khỏi những yếu tố tiêu cực, những biến tướng.
Thí dụ như việc kiêng kị vào tháng Bảy. Văn tế thập loại chúng sinh cho rằng, trong tháng Bảy, “cô hồn thất thểu dọc ngang” khắp nơi mọi chốn, có thể làm hại người sống nên cần có càng nhiều kiêng khem càng yên lòng hơn. Tuy nhiên, những kiêng kị ngày càng thái quá và trở nên bất cập, trở thành mê tín, ngu muội.
Theo tôi, tháng nào cũng như nhau, ngày tốt ngày xấu chỉ là quan niệm, kiêng kị làm việc lớn trong tháng 7 chỉ là chuyện tâm lý, không tính đến đúng sai và không ai có thể kiểm chứng. Con người có niềm tín ngưỡng là để yên tâm về mặt tâm lý, nhưng không nên biến nó thành mê tín tiêu cực, vì thành công hay thất bại phụ thuộc vào chúng ta.
Chính Phật giáo cũng khẳng định không có cái gọi là ngày tháng xấu, đen đủi, cần kiêng kị hay né tránh cả. Chỉ cần mỗi người sống lương thiện, làm nhiều việc tốt, không phạm phải những điều xấu thì tự nhiên vận may sẽ đến.
Hay như câu chuyện về tục đốt vàng mã. Bản chất đây không phải tục lệ xuất phát từ Phật giáo, mà là quan niệm của đạo giáo về việc chia của cho người chết ở thế giới bên kia. Thế nhưng ngày nay, đốt vàng mã đã biến tướng thành một hình thức mê tín dị đoan. Người ta đua nhau đốt ô-tô, nhà lầu, xe hơi... bằng giấy cho người âm... vì cuồng tín, mê muội, tham lam, tranh đua tài lộc. Những chiếc ô-tô, nhà lầu bằng giấy kia không phải thước đo cho lòng hiếu kính, càng không thể đại diện cho đức hiếu hạnh.
Về cơ bản ông cha ta đã dạy, lễ bạc lòng thành. Nhưng người dân có tâm lý có tham, sân, si mà làm ra vậy. Tham là đốt nhiều lên, sân là cạnh tranh nhau, si là người ta không nhớ lời dạy của tổ tiên mà làm theo phong trào. Tôi cho rằng hủ tục này cần phải loại bỏ.
Phóng viên: Và chúng ta nên ứng xử như thế nào với hiện tượng này, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ: Như bất kỳ một nghi thức tâm linh nào khi đi vào đời sống xã hội thì thay đổi là tất yếu, ở đó tín ngưỡng và mê tín, kiêng kị thường nhật và hiệu quả thực tiễn có những giao thoa, những vùng mờ tối khó phân giải. Nhưng điều quan trọng làm nên giá trị trường tồn của Rằm tháng Bảy hay lễ Vu Lan chính ở tinh thần hiếu hạnh luôn được đề cao.
Bởi vậy, theo biến thiên của thời gian, bất luận Rằm tháng Bảy hay lễ Vu Lan có bao đổi thay đi chăng nữa, điều cần phải giữ gìn vẫn là tinh thần hiếu hạnh, sự tri ân cha mẹ, ông bà, tổ tiên và mở rộng hơn là sự tôn trọng thiên nhiên, môi trường sống, bởi tất cả, theo quan niệm Phật giáo, là một kiếp trong luân hồi bất tận của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giữ gìn các giá trị bất biến đó.
Phóng viên: Làm thế nào để nhận diện giữa tín ngưỡng và mê tín, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ: Như tôi đã nói ở trên, giữa tín ngưỡng và mê tín, giữa kiêng kị thường nhật và hiệu quả thực tiễn có những giao thoa, những vùng mờ tối khó phân giải.
Trở lại câu chuyện kiêng kị trong tháng Bảy. Tháng Bảy là tháng của lễ Vu Lan bồn. Vì mở rộng chữ hiếu cho muôn loài chúng sinh, cho muôn loại cô hồn cho nên người ta còn gọi là tháng mở cửa ngục, tức là những vong hồn thoát ra vất vưởng khắp nơi khắp chốn và được cho là có thể làm hại người sống. Một số kiêng kị từ đó mà sinh ra. Song một khi kiêng kị trở nên thái quá thì đó là mê tín.
Rất tiếc là cùng với sự phát triển kinh tế, hiện tượng mê tín đang ngày càng có xu hướng bùng nổ. Sự ngẫu nhiên và bất trắc trong hoạt động kinh tế, lòng tham, sân, si của con người gia tăng, sự cạnh tranh lẫn nhau ngày càng quyết liệt… khiến người ta phải dựa vào yếu tố thần linh làm phương tiện tinh thần. Nhu cầu này làm sản sinh tình trạng buôn thần bán Phật như là một tệ nạn khiến giá trị tinh thần quốc gia xuống cấp.
Phóng viên: Vậy làm sao để chúng ta gìn giữ giá trị cốt lõi của lễ Vu Lan và xóa bỏ các hiện tượng mê tín phát sinh?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ: Mê tín là vi phạm pháp luật Nhà nước, điều này dần dần sẽ được pháp luật điều chỉnh để các giá trị văn hóa được khẳng định.
Rằm tháng Bảy hay lễ Vu Lan báo hiếu là một di sản văn hóa quá khứ, nó nằm trong tổng thể văn hóa truyền thống Việt Nam mà Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 đã đề cập và cần được giữ gìn, phát huy.
Theo đó, các thiết chế văn hóa cần đầu tư vật chất và trí tuệ một cách cụ thể cho văn hóa truyền thống, nhằm phát triển văn hóa vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu cho phát triển đất nước, hướng tới giá trị chân thiện mỹ, góp phần xây dựng nhân phẩm con người Việt Nam, tạo nên hình ảnh tốt đẹp trong cộng đồng thế giới.
Mê tín là vi phạm pháp luật Nhà nước, điều này dần dần sẽ được pháp luật điều chỉnh để các giá trị văn hóa được khẳng định.
-- Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ--
Là những người hoạt động nghiên cứu và thực hành văn hóa, chúng tôi mong hệ thống thiết chế văn hóa có phương hướng cụ thể hơn, thiết thực hơn trên từng giá trị mà văn hóa truyền thống đã trao lại cho chúng ta như một của hồi môn tinh thần, như một tài nguyên tinh thần. Lễ nghi Rằm tháng Bảy cũng là một tài nguyên như thế.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!