Ai Cập - Nơi “thời gian phải sợ Kim tự tháp”
“TRĂM NGHE KHÔNG BẰNG MỘT THẤY” …
AI CẬP LIỆU CÓ AN TOÀN ?
Khoảng 4.600 năm trước, Đại Kim tự tháp Giza - nơi an nghỉ của Khufu, vị pharaoh của Vương triều thứ tư trong lịch sử Ai Cập cổ đại được hoàn thành và nhanh chóng lọt vào danh sách “Bảy kỳ quan của thế giới cổ đại”. Trải qua bao biến thiên “vật đổi sao dời”, mặc cho sáu kỳ quan còn lại bị xóa sổ không còn chút dấu vết, Đại Kim tự tháp vẫn uy nghi trường tồn, vẫn sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt, vẫn được coi là biểu tượng của một nền văn minh cổ đại vĩ đại nhất, hấp dẫn nhất và cũng bí ẩn nhất trong lịch sử nhân loại. Bởi thế, người Ai Cập vô cùng tự hào về đất nước mình, nơi “mọi thứ đều sợ thời gian, nhưng thời gian phải sợ Kim tự tháp”.
Tìm lời đáp cho hàng loạt câu hỏi
Tôi đã mất tới dăm năm chuẩn bị cho hành trình khám phá Ai Cập. Không chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm tiền bạc đơn thuần, lượng sách mà tôi đã đọc, những tựa phim tài liệu - khoa học mà tôi đã xem, kinh nghiệm chia sẻ của những phượt thủ may mắn đi trước mà tôi đã nghe đủ khiến thư mục Ai Cập được lưu trữ dữ liệu trong não tôi trở nên quá tải.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, nhiều lắm. Và hành trình khám phá hơn chục ngày theo kiểu “trăm nghe không bằng một thấy” đã mang lại nhiều câu trả lời - dĩ nhiên là dưới góc nhìn cá nhân hạn hẹp mà tôi rất mong được chia sẻ với độc giả, trong loạt bài này. Bởi thế, tôi chọn phương án mỗi tít bài luôn là một câu hỏi. Của tôi - của bạn - của bất cứ ai đang và sẽ ấp ủ giấc mơ được chạm vào nền văn minh kỳ vĩ này. Mà số ấy đông lắm, tôi biết thế bởi đã được chứng kiến tận mắt dòng thác du khách quốc tế đang từng ngày chen chúc đến ngộp thở tại các điểm đến di sản quyến rũ, trong số liệu thống kê lượng khách tham quan tăng chóng mặt từng tuần, từng tháng hậu đại dịch.
Bất chấp những phản hồi không mấy tích cực về cách làm du lịch kiểu tận thu “mài di sản ra mà ăn, đào quá khứ lên mà sống”, về biệt danh “thủ phủ của lũ cò quấy nhiễu” nhiều năm gắn với Khu phức hợp Kim tự tháp Giza, về những bất ổn chính trị - tôn giáo khiến xứ sở của các vị Pharaoh chưa bao giờ thật sự bình yên, Ai Cập vẫn luôn là “điểm đến đời người”, luôn là cái gạch đầu dòng đầu tiên trong danh sách “phải đến trước khi chết” của số đông khách ngoại quốc. Bởi thỏi nam châm này luôn dư thừa sức hút nội tại khiến người khó tính nhất cũng phải mềm lòng. Gạt sang một bên những khó chịu, bực bội gặp phải đâu đó trên suốt lộ trình, ai từng đến đây đều có chung cảm giác “trở về khác xưa”, như slogan mà một đơn vị lữ hành uy tín từng nhiều năm khai thác thị trường hấp dẫn này lựa chọn.
Ai Cập liệu có an toàn?
Đó là một câu hỏi rất phổ biến của nhiều du khách, khi bắt tay xây dựng lịch trình thăm thú Ai Cập. Đó cũng là nỗi băn khoăn lớn nhất của tôi, phải tiếp nhận quá nhiều luồng thông tin trái chiều sau khi tò mò gõ cụm từ khóa này vào công cụ tìm kiếm Google.
Bạn tôi, một nhà báo có tiếng từng kể về hành trình thót tim mà chị từng trải qua, khi vừa đặt chân đến Cairo là lập tức rơi tõm vào giữa đám đông người biểu tình hỗn loạn trên quảng trường Tahrir trong làn sóng “Mùa xuân Ả-rập”. Báo giới từng phẫn nộ đưa tin về vụ đánh bom của lực lượng IS vào một nhà thờ Cơ đốc giáo tại miền bắc với hàng trăm nạn nhân thương vong vào tháng 4/2017. Rồi vụ tấn công kép vô cùng đẫm máu vào một thánh đường Hồi giáo tại bán đảo Sinai khiến hàng trăm người thiệt mạng trước đó ba tháng…
Không chỉ nhắm vào đối tượng dân thường cùng giáo dân thuộc các tôn giáo khác nhau, khách du lịch nước ngoài cũng đã liên tục trở thành mục tiêu tấn công của các lực lượng khủng bố. Có thể kể tới thảm kịch rơi máy bay tại bán đảo Sinai khiến 224 du khách quốc tế thiệt mạng do một chi nhánh của Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS thực hiện vụ tấn công vào tháng 10/2015. Cũng những phần tử Hồi giáo cực đoan của tổ chức này đã lao vào một khu nghỉ dưỡng bên bờ Biển Đỏ, đâm chết hai du khách đầu năm 2016 và gây thương vong cho 6 du khách khác, vào tháng 7/2017.
Gây ám ảnh nhất với tôi chính là vụ kích bom gây nổ xe chở khách du lịch ngay gần khu vực Kim Tự tháp những ngày cuối năm 2018 khiến ba du khách Việt cùng một hướng dẫn viên bản địa thiệt mạng, 12 người bị thương. Nhiều tháng sau đó, dự định tới Ai Cập của chúng tôi vẫn nhận về cái lắc đầu ngần ngại của vài đơn vị lữ hành, bởi “sau vụ khủng bố ấy, khách Việt sợ tới Ai Cập lắm”.
Vài năm về trước, khu sa mạc phía Tây được coi là điểm nóng của hoạt động buôn lậu. Chính quyền từng tỏ ra bất lực khi không thể ngăn chặn hiệu quả các lực lượng phiến quân từ Lybia vượt biên tràn vào Ai Cập. Rồi dòng người Ai Cập di cư bất hợp pháp sang Lybia luôn chọn ốc đảo Siwa - nơi chỉ cách biên giới có 40 km làm nơi đánh cược cả mạng sống để thoát nghèo. Bởi vậy, Văn phòng Đối ngoại và Khối thịnh vượng chung Vương quốc Anh từng phải khoanh vùng một số khu vực không an toàn tại Ai Cập mà du khách cần tránh. Danh sách bao gồm bán đảo Sinai, đặc biệt là phía Bắc (ngoại trừ các khu nghỉ mát trên Biển Đỏ thuộc Sharm el-Sheikh và Hurghada) do hoạt động tội phạm và các cuộc tấn công khủng bố; Ai Cập tới biên giới Gaza (phần lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng) và bất kỳ khu vực biên giới đất liền là khu vực quân sự; sa mạc Tây phía tây thung lũng sông Nile gần biên giới với Sudan và Libya; Tam giác Hala’ib - vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ai Cập và Sudan. Đương nhiên là cảnh báo chỉ giành cho khách lẻ, lịch trình do các hãng lữ hành thiết kế thì luôn chọn cách…tránh xa!
Bởi vậy, việc bảo đảm tuyệt đối an toàn cho du khách nhằm vận hành trơn tru huyết mạch kinh tế quốc gia lớn bậc nhất đã được chính phủ Ai Cập đặc biệt coi trọng. Nói như hướng dẫn viên của đoàn, “du khách luôn được đặt ở vị trí tối thượng”. Điểm đến nào cũng dày đặc sắc phục an ninh, cũng mang lại cho khách ghé thăm cảm giác an tâm, được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhờ thế, Ai Cập mang lại cho tôi cảm giác cực kỳ an toàn suốt cả hành trình. Ngoài đôi chút khó chịu vì liên tục bị đội ngũ bán hàng rong đeo bám, làm phiền, chúng tôi chưa phải chứng kiến vụ trộm cắp, cướp giật nào, dù không ít lần phải chen chúc trong những đám đông vốn là môi trường lý tưởng cho tệ nạn hoành hành.
Du khách luôn ở vị trí tối thượng
Ai Cập chào đón tôi bằng rất nhiều điều ấn tượng được bắt đầu bằng cụm từ “lần đầu tiên”, dù tôi là người chịu đi, chịu quăng mình vào đủ loại trải nghiệm đa sắc màu. Nếu sân bay Cairo là nơi “lần đầu tiên” thời gian làm thủ tục nhập cảnh cho du khách nhanh đến mức không tưởng, với tốc độ trung bình 1 phút/người thì đoàn chúng tôi phải mất cả tiếng đồng hồ chờ đợi xe đón khách khởi hành về khách sạn, dù khoảng cách giữa cửa ra sân bay và chiếc xe chỉ cỡ chục mét là cùng. Sau khi xếp gọn hành lý, đoàn lặng lẽ yên vị trên xe và đợi chờ một toán cảnh sát vũ trang súng ống “tận răng” kèm máy dò kim loại và chó nghiệp vụ tác nghiệp bên dưới. Khâu dò tìm vật nổ, vũ khí, kiểm tra hành lý được thực hiện tỉ mỉ, kỹ lưỡng, như thể đoàn khách sắp đi vào vùng chiến sự giao tranh.
Mệt rũ sau hành trình bay hơn chục giờ đồng hồ cùng vài tiếng quá cảnh, đợi chờ, khách sạn đón chúng tôi bằng một hệ thống soi chiếu an ninh y hệt tại sân bay, túi lớn túi nhỏ, va-li to bé lần lượt được mấy nhân viên mặt lạnh như tiền săm soi. Chỉ ngạc nhiên lần đầu, sau đó tuân thủ yêu cầu có vẻ nhiêu khê này nhanh chóng trở thành thói quen của cả đoàn, khi đặt chân tới bất kỳ địa điểm nào, trong suốt hơn chục ngày khám phá Ai Cập, từ nhà hàng tới resort, từ điểm tham quan cho đến các lăng mộ, đền đài…
Và ngay từ Cairo, một chiếc xe cảnh sát cần mẫn theo sau, bám sát chúng tôi suốt mấy ngày trời đến khi rời khỏi ốc đảo Siwa. Một nhân viên cảnh sát du lịch (tên gọi đầy đủ là Cảnh sát Du lịch và Cổ vật - Tourist&Antiquities Police) đã trực tiếp theo sát, tháp tùng đoàn khách Việt Nam suốt cả hành trình. Nhờ sự mẫn cán, đầy trách nhiệm của nhân viên cảnh sát du lịch này, số lần kiểm tra hành lý, soát xét hộ chiếu của chúng tôi được giảm thiểu tối đa. Được cả xe cảnh sát hộ tống đi du lịch cũng là trải nghiệm “lần đầu tiên” khiến chúng tôi đặc biệt ấn tượng! Một điểm cộng khiến tôi đánh giá cao, cũng là điều khiến tôi cảm giác mình được đặt ở vị trí tối thượng chính là họ không hề mặc đồng phục khi làm việc trực tiếp với du khách. Nhân viên cảnh sát kể trên hay nhân viên tại các trạm kiểm soát ven đường trực tiếp lên xe xét hộ chiếu đều mặc thường phục, đều nói năng hòa nhã, thái độ nhẹ nhàng như một cách trấn an khách du lịch, sau những đề phòng căng thẳng được bài binh bố trận trên khắp lộ trình.
Được cả xe cảnh sát hộ tống đi du lịch cũng là trải nghiệm “lần đầu tiên” khiến chúng tôi đặc biệt ấn tượng! Một điểm cộng khiến tôi đánh giá cao, cũng là điều khiến tôi cảm giác mình được đặt ở vị trí tối thượng chính là họ không hề mặc đồng phục khi làm việc trực tiếp với du khách.
Tại mọi điểm đến tập trung đông người, bên ngoài các công trình tín ngưỡng, mạng lưới an ninh được thắt chặt, với số lượng cảnh sát cùng quân nhân nhiều đến mức khiến người yếu tim dễ xuất hiện cảm giác bất an. Không biết do đoàn may mắn hay lực lượng bảo vệ đang làm quá lên so với tình hình thực tế mà chúng tôi thấy chuyến đi an toàn và rất đỗi yên bình. Bất ổn chính trị, mâu thuẫn tôn giáo ở đâu không biết, những hậu duệ Pharaoh mà chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện đều có điểm chung hiền lành, chất phác và thân thiện. So với nhiều quốc gia phát triển mà tôi từng tới, Ai Cập của năm 2023 còn an toàn hơn nhiều bậc. Chắc chắn thế!
DU KHÁCH ẤN TƯỢNG NHẤT VỚI ĐIỀU GÌ?
Nếu gửi tới 10 du khách quốc tế từng đặt chân tới miền đất của Pharaoh câu hỏi này, dám chắc cả 10 sẽ đồng thanh đưa ra cùng một đáp án, “one dollar”. Nhiều thành viên trong đoàn chúng tôi còn thú nhận, họ vẫn nghe văng vẳng trong đầu âm thanh lảnh lót đầy ám ảnh này cả tuần sau khi kết thúc hành trình, như thể đang bị ảo giác chi phối vậy.
Nỗi ám ảnh luôn đeo bám mọi lúc, mọi nơi
“One dollar” (một đô-la) là câu cửa miệng thông dụng nhất, luôn vang lên với tần suất dày đặc nhất trên suốt dọc hành trình hơn chục ngày khám phá Ai Cập của chúng tôi. Dù vừa bước ra khỏi ô tô hay đang thả bộ lang thang trong di tích, dù lãng mạn thả hồn ngắm dòng sông Nile tuyệt đẹp trên thuyền buồm felluca hay chòng chành trên chiếc xe ngựa lọc cọc hướng về phía ngôi đền Luxor, dù ngồi chênh vênh trên lưng lạc đà ở khu phức hợp Kim tự tháp Gizza hay lạc lối trong một khu chợ huyền bí nào đó, mạch cảm xúc hoài cổ của mọi du khách đều có thể bị ngắt quãng theo một cách thức đầy phũ phàng, bởi cụm từ tương tự câu thần chú “vừng ơi, mở cửa” này.
“Giá tốt, một dollar” là lời quảng cáo hấp dẫn nhất mà đội ngũ bán hàng rong nhiệt thành và kiên nhẫn ngoài sức tưởng tượng luôn dành cho khách du lịch. Và phiên dịch thông điệp của “one dollar” thành lời chào hỏi nồng ấm, lời mời thăm thú cửa hàng hay mánh lới chèo kéo khách dừng chân là tùy vào cảm nhận của từng cá nhân, trong từng hoàn cảnh và trạng thái cảm xúc cụ thể. Mọi món đồ lưu niệm bắt mắt, đẹp đến mức choáng váng tại xứ sở được mệnh danh là “thiên đường quà tặng” này đều liên tục được giúi vào tận tay bạn, với giá khởi điểm đồng hạng "one dollar". Nhận được sự quan tâm của bạn rồi, nó leo thang giá trị gấp bao nhiêu lần là “tùy duyên”, giá tốt hay không phụ thuộc vào trình độ mặc cả của từng khách. Đã nhìn, đã cầm, đã trả giá là mặc định phải mua. Nếu khách liều mình bỏ đi giữa chừng, nguy cơ bị quấy rầy cả chặng đường dài luôn hiện hữu.
Và “one dollar” cũng là chủ đề quen thuộc được hướng dẫn viên bản địa liên tục nhắc nhở du khách, trước khi khám phá những điểm đến vô cùng nổi tiếng trên hành trình dằng dặc từ miền hạ - miền trung tới miền thượng Ai Cập. Ở ngôi đền nghìn tuổi này là đừng dại hỏi han, mặc cả vì đó là điểm nổi tiếng chặt chém, ép khách mua hàng bằng mọi giá. Ở di tích kỳ vĩ kia là đừng đặt lòng tin, đừng nghe theo yêu cầu của bất kỳ nhân viên đeo thẻ nào vì đó đều là đối tượng lừa đảo. Ở điểm đến nọ là đừng xiêu lòng trước lời mời sử dụng dịch vụ như đi xe ngựa hay cưỡi lạc đà, đừng đồng ý cho người lạ hỗ trợ mình bất cứ điều gì, nếu không muốn chuốc lấy kết cục phiền toái…
Nhiều người bạn của tôi từng gặp phải những trải nghiệm tồi tệ, khi bị đòi tiền thù lao “one dollar” mọi lúc mọi nơi, cho những hành động tưởng như rất nhân văn, thân thiện của một số người dân địa phương như buộc hộ tấm khăn, chụp giùm tấm ảnh... Nỗi hoảng sợ khiến họ co mình lại sau đó và vô tình từ chối cả những biểu hiện nồng hậu vô tư của nhiều người dân thuần phác khác, bởi chẳng thể phân biệt rạch ròi tốt - xấu, thật - giả giữa ma trận bủa vây.
Hiếm điểm đến hút khách bậc nhất thế giới nào mà nạn đeo bám, quấy nhiễu du khách trở thành nỗi ám ảnh lâu bền như Ai Cập. Cũng hiếm nơi nào mà người đi trước phải đúc kết một danh mục “những điều cần biết để tránh bị mất tiền vô lối” làm mẹo mực phòng thân cho kẻ tới sau như Ai Cập. Thay vì tìm cách hòa nhập và tìm hiểu đời sống văn hóa của cư dân bản địa như một điểm nhấn thu hút làm nên chất lượng của mỗi hành trình, du khách quốc tế được nhắc nhở liên tục, rằng phải luôn đề cao cảnh giác.
Phải cẩn trọng với những người bày tỏ lòng nhiệt tình muốn giúp đỡ, đừng tỏ ra thân thiện hoặc tìm cách kết bạn trên suốt lộ trình, nên hạn chế giao tiếp để tránh bị lừa đảo, phải học cách mặc cả kiên quyết nếu không muốn bị chặt chém phũ phàng…là một phần nhỏ trong danh mục đáng buồn kể trên. Chúng khiến bức tranh tổng thể lộng lẫy của một quốc gia sở hữu nền văn minh cổ đại vàng son phải điểm xuyết đôi vệt màu lem nhem không đáng có.
Đợi chờ những quyết sách mạnh tay
Theo tạp chí du lịch Lonely Planet, các cơ quan chức năng của Ai Cập thường xuyên phải nhận những lời phàn nàn của du khách vì tình trạng chèo kéo, đeo bám không ngừng nghỉ của đội ngũ bán hàng rong và kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ trong lòng di sản. Không chỉ người trưởng thành, trẻ em cũng góp mặt trong đám đông quấy nhiễu này. Bán hàng, xin xỏ đồ đạc, thuốc lá …là những gì mà những đứa trẻ lang thang nơi hè đường nhếch nhác này đang hồn nhiên thực hiện mỗi ngày, thay vì đến trường và đi học. Một bé trai lẽo đẽo theo tôi vài trăm mét, chỉ để khen cái nhẫn trên tay tôi rất đẹp và ngỏ lời xin. Nhận cái lắc đầu kiên quyết của tôi, cậu sẵn sàng hét toáng lên để thu hút sự chú ý của đám đông chung quanh, rằng tôi là người xấu.
Tháng 5/2022, cảnh sát phải mạnh tay xử lý một nhóm gồm 13 thành viên đã có hành vi quấy rối hai nữ du khách nước ngoài tại khu vực Giza. Việc lừa khách đưa vé tham quan rồi chiếm đoạt, ép khách sử dụng dịch vụ hướng dẫn - cưỡi ngựa - cưỡi lạc đà rồi hét giá trên trời, thống nhất mức tiền rồi nuốt lời đòi hỏi, kỳ kèo lấy thêm…khiến kỳ quan cuối cùng của thế giới cổ đại Giza từng nhiều năm mang tiếng xấu là “thủ phủ của lũ cò quấy nhiễu” (The world’s capital of hassle), thậm chí có những năm nhận đánh giá là một trong tám địa danh gây thất vọng nhất hành tinh.
Trước thực trạng đáng buồn đó, từ năm 2018, Điều 53 của Luật bảo vệ cổ vật cho phép chính quyền nghiêm khắc xử phạt vi phạm hành chính đối với “bất kỳ ai quấy rối hoặc làm phiền du khách viếng thăm các địa điểm khảo cổ học, di tích, bảo tàng với chủ ý ăn xin, quảng cáo, bán hàng hoặc mời chào hàng hóa hay dịch vụ”. Tuy vật, mức phạt tiền 10 nghìn EGP (khoảng 8 triệu đồng, theo tỷ giá quy đổi hiện hành) cho hành vi này hiện vẫn được xem là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Bởi nói như cựu Bộ trưởng Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập Zahi Hawass, “phải vừa phạt tiền vừa áp dụng án tù, bởi những người này đang làm xấu đi hình ảnh và giảm nguồn thu từ du lịch của đất nước”. Luật đã có, chế tài xử phạt đã tăng nhưng mức độ áp dụng vào thực tế có vẻ không mấy hiệu quả. Bằng chứng là những phiền nhiễu mà tôi được chứng kiến không giảm thiểu được bao nhiêu, so với những trải nghiệm mà bè bạn chia sẻ từng phải nhận vài năm trước đó.
Thế nhưng, may mắn làm sao, bất chấp những phản hồi không mấy tích cực kể trên, Ai Cập vẫn luôn là “điểm đến đời người”, luôn là cái gạch đầu dòng đầu tiên trong danh sách “phải đến trước khi chết” của số đông khách nước ngoài. Trong khi rất nhiều quốc gia phải nỗ lực không ngừng nghỉ để định vị thương hiệu điểm đến “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” mà tăng trưởng du lịch vẫn chật vật. Lý do là nhờ thụ hưởng một kho tàng di sản kỳ vĩ, với số lượng di tích, di vật khảo cổ hấp dẫn nhiều không đếm xuể mà một nền văn minh vĩ đại bậc nhất gìn giữ và trao truyền, thỏi nam châm này luôn dư thừa sức hút nội tại khiến người khó tính nhất cũng phải mềm lòng.
Bất chấp những phản hồi không mấy tích cực kể trên, Ai Cập vẫn luôn là “điểm đến đời người”, luôn là cái gạch đầu dòng đầu tiên trong danh sách “phải đến trước khi chết” của số đông khách nước ngoài.
Thậm chí, tạp chí Time uy tín số tháng 3 năm nay đã chọn Đại Kim tự tháp Giza cùng khu di tích khảo cổ Saqqara là một trong những điểm đến tuyêt vời nhất thế giới để tham quan năm 2023. Gạt sang một bên những khó chịu, bực bõ gặp phải đâu đó trên suốt lộ trình, ai từng đến đây đều có chung cảm giác “trở về khác xưa”, như slogan mà một đơn vị lữ hành từng nhiều năm khai thác thị trường hấp dẫn này lựa chọn.
Theo dự báo của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, lượng khách quốc tế đến với cái nôi của nền văn minh nhân loại này sẽ đạt mức 15 triệu lượt, tăng trưởng 28% so với năm 2022. Sở hữu kho báu lịch sử - văn hóa vô giá, quốc gia châu Phi này đặt mục tiêu vào năm 2028 sẽ đón từ 25-30 triệu du khách. Một đích đến khả thi, nếu vấn nạn “one dollar” được hóa giải hiệu quả và xử lý triệt để, tôi nghĩ vậy!
BÍ QUYẾT TỐI ƯU HÓA MỎ VÀNG DI SẢN?
Ai Cập là cái nôi của một trong số ít nền văn minh cổ đại kỳ vĩ bậc nhất mà nhân loại từng sở hữu. Bởi thế, Ai Cập đang lưu giữ trong mình một mỏ vàng di sản - di tích - di chỉ với trữ lượng tài nguyên dường như vô tận. Và chỉ cần nhìn những đám đông du khách quốc tế đông nghịt, chen chúc đến ngộp thở trong mọi không gian đền đài hay lăng mộ, bảo tàng hay kim tự tháp bất chấp mức giá vé vào cửa cao ngất là đủ mường tượng, ngành du lịch mang lại cho xứ sở này lợi nhuận khổng lồ tới mức độ nào.
Trữ lượng tài nguyên vô tận
Khoảng 4.600 năm trước, Đại Kim tự tháp Giza - nơi an nghỉ của Khufu, vị pharaoh của Vương triều thứ tư trong lịch sử Ai Cập cổ đại được hoàn thành và nhanh chóng lọt vào danh sách “Bảy kỳ quan của thế giới cổ đại”. Trải qua bao biến thiên “vật đổi sao dời”, mặc cho sáu kỳ quan còn lại bị xóa sổ không còn chút dấu vết, Đại Kim tự tháp vẫn uy nghi trường tồn, vẫn sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt, vẫn được coi là biểu tượng của một nền văn minh cổ đại vĩ đại nhất, hấp dẫn nhất và cũng bí ẩn nhất trong lịch sử nhân loại. Bởi thế, người Ai Cập vô cùng tự hào về đất nước mình, nơi “mọi thứ đều sợ thời gian, nhưng thời gian phải sợ Kim tự tháp”.
Tính cả hai cái tên đã vĩnh viễn biến mất - Đại thư viện cùng ngọn hải đăng hùng vĩ tọa lạc tại thành phố biển xinh đẹp Alexandria, xứ sở của các Pharaoh đã sở hữu tới 3/7, tức là non nửa danh sách kỳ quan mà thế giới cổ đại từng tự hào vinh danh.
Từ dấu mốc năm 3.150 Trước Công nguyên (TCN), khi nền văn minh cổ đại nằm ở phía Đông Bắc châu Phi chính thức thống nhất cả hai miền Thượng - Hạ Ai Cập lần đầu dưới thời vị Pharaoh đầu tiên, miền đất chạy dọc theo hạ lưu sông Nile đã nhanh chóng phát triển rực rỡ, với những thành tựu nghiên cứu - sáng tạo vượt bậc về cả chữ viết, văn học, kiến trúc, mỹ thuật - điêu khắc cùng các kiến thức khoa học - tự nhiên như thiên văn học - y học - số học… Nền văn minh phát triển cực thịnh ấy đã để lại cho muôn đời hậu thế biết bao công trình tầm vóc, biết bao kiến thức vĩ đại, biết bao tác phẩm nghệ thuật quy mô và cả biết bao bí mật ẩn giấu vẫn đang đợi chờ lớp hậu sinh tìm ra lời giải đáp.
Chỉ lướt qua cuốn guide-book All About Egypt, danh mục rút gọn những điểm đến cần ghé thăm tại Ai Cập cũng đã đủ khiến du khách bối rối. Miền Hạ Ai Cập có Đại Kim tự tháp và tượng Nhân sư; Kim tự tháp Djoser (Step Pyramid of Djoser) tại Saqqara; Bảo tàng Mở (The Open Museum) tại Memphis… Miền trung Ai Cập có Đền thờ Seti I tại Abydos, Đền thờ Nữ thần Hathor tại Dendera… Lên tới Thượng Ai Cập có hai ngôi đền khổng lồ Luxor và Karnak, Đền thờ thần Horus ở Edfu, Đền thờ thần Cá sấu và Chim ưng Kom Ombo, Khu phức hợp đền thờ Abu Simbel, Đền thờ Nữ thần Tình yêu Isis ở Philae… Vùng đồng bằng và ven biển phía Bắc có Đại thư viện Alexandria, Pháo đài Quaitbay… Đó là còn chưa kể tới những thiên đường trải nghiệm - khám phá thiên nhiên như các sa mạc và ốc đảo, vùng bán đảo Sinai và Biển Đỏ… Ghé thăm hay bỏ qua chỗ nào cũng là bài toán cân não, bởi nơi nào cũng hấp dẫn, địa danh nào cũng khó có thể chối từ!
Thu phí giá cao - Bí quyết tối ưu hóa nguồn thu từ du lịch
Ai Cập có mức phí sinh hoạt khá rẻ. Lại thêm đồng nội tệ EGP đang đà mất giá (thời điểm giữa tháng 3/2023, 100 USD đổi được 3.000 EGP, 1 EGP = 800 đồng) nhưng chi phí cho một hành trình khám phá 12 ngày 11 đêm mà du khách Việt phải trả khá cao (trung bình từ 85-95 triệu đồng). Lý do rất đơn giản, vé thăm quan di tích rất đắt!
Tấm ảnh chụp lượng vé mà người viết lưu giữ làm kỷ niệm dưới đây sẽ giúp độc giả mường tượng dễ hơn chi phí tối thiểu mà mỗi du khách phải bỏ ra trên suốt lộ trình dọc theo Ai Cập. Vé dưới 100 EGP rất hiếm, chỉ có 3 điểm (Lăng mộ La Mã Catacomb - 80 EGP, Thư viện Alexandria- 70 EGP và Pháo đài Quaitbay - 60 EGP). Số còn lại dao động từ 100 EGP-260 EGP, 80% trong số đó trên 200 EGP. Cá biệt trong bảng giá vé công bố trên trang chủ của Bộ Du lịch và Cổ vật, có những điểm đến bị thu phí cao đến mức…khó hiểu, như Đền thờ Seti I (Temple of Seti I) ở Abydos có giá vé 1.000 EGP hay Hầm mộ Nefetari (Tomb of Nefetari) thuộc Thung lũng các Hoàng hậu (Valley of the Queens) tại Luxor có mức phí lên tới…1.400 EGP!
Không chỉ tính phí vào cửa cao ngất, những công trình riêng lẻ bên trong quần thể có sức hấp dẫn nhất sẽ tiếp tục được tách ra để thu thêm một lần tiền. Ví dụ, trả 260 EGP, khách sẽ được khám phá 3 hầm mộ bất kỳ trong Thung lũng các vị vua (Valley of the Kings). Nhưng để được đặt chân vào lăng mộ Tutankhamun, khách phải bỏ thêm 18 USD chỉ để ngắm xác ướp của vị Pharaoh trẻ tuổi, còn kho báu được tùy táng theo ông đang hiện diện tại Bảo tàng Ai Cập. Cũng như thế, 240 EGP là giá tiền tham quan toàn bộ khu phức hợp Kim tự tháp Giza, nhưng nếu muốn chiêm ngưỡng chiếc quan tài đá trong lòng Đại Kim tự tháp, khách phải chi thêm một khoản 15 USD. Và để có thể thăm thú Đại bảo tàng Grand Egyptian Museum hiện vẫn trong quá trình hoàn thiện và chưa hề có ngày khai trương chính thức, 35 USD là số tiền mà mỗi du khách phải bỏ ra.
Chưa hết, có lẽ chỉ riêng tại Ai Cập, vé thăm quan cho khách nước ngoài còn tiếp tục được chia nhỏ thành ba mức. Tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, chụp hình bằng điện thoại: 200 EGP, chụp bằng máy ảnh chuyên dụng không dùng đèn flash: 250 EGP, quay phim bằng máy chuyên dụng không dùng đèn flash: 500 EGP. Và dù có nộp bao nhiêu tiền thì lệnh cấm chụp hình vẫn áp dụng tại Phòng Xác ướp và Phòng trưng bày kho báu Tutankhamun. Sẽ có người nghĩ, quy định thế thôi, cứ liều mang vào và lén sử dụng, ai kiểm tra? Nhưng không, lực lượng nhân viên dày đặc trong các điểm đến sẽ bảo đảm không khách nào, dù khôn lỏi tới đâu có thể trốn vé, gian lận!
Tất cả những chi phí kể trên, dù rất cao, chỉ đúng đến thời điểm hết tháng 4/2023. Từ 1/5/2023 (và một số hạng mục còn lại từ 1/6/2023), giá vé thăm quan đột ngột được điều chỉnh, với mức tăng trung bình tới 50% mà không hề được thông báo trước khiến các doanh nghiệp lữ hành “khóc ròng” vì thường đã chốt xong tour trước đó cả năm, với mức giá cũ.
Ai Cập đã chứng kiến du lịch bùng nổ kể từ đầu năm 2023. Nước này dự kiến sẽ đón lượng khách du lịch hằng năm lớn nhất trong lịch sử vào cuối năm nay. Theo Bộ trưởng Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập Ahmed Issa, nước này đã đón tới 1,3 triệu khách du lịch trong tháng 4. Trong quý 1/2023, số lượng du khách đến Ai Cập đã tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Issa cũng dự đoán rằng, vào cuối năm nay, Ai Cập sẽ đón 15 triệu khách du lịch, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái và phá kỷ lục 14,7 triệu du khách của năm 2010.
Nhẩm tính số tiền vé mà mỗi khách quốc tế phải bỏ ra (tối thiểu là 2.500 EGP theo giá cũ và xấp xỉ 4.000 EGP theo giá mới, mức tối đa lên tới 6.000-7.000 EGP) rồi nhân với 15 triệu lượt khách, ta sẽ thấy các hậu duệ Pharaoh hôm nay hoàn toàn có thể sống khỏe, nhờ khai thác tối đa những tinh hoa chắt lọc được cha ông bao đời gìn giữ và trao truyền. Và sẽ hiểu tại sao, du lịch - dầu mỏ và kênh đào Suez trở thành ba lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế xứ sở này, trong đó ngành công nghiệp không khói vẫn chiếm vị trí số một!
Là quốc gia châu Phi, Ai Cập phải chung sống với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nắng nóng, độ ẩm thấp nên khí hậu hanh khô. Nhưng ở chiều tích cực, những sa mạc cằn cỗi, thiếu vắng màu xanh sự sống cùng những cơn bão cát đáng sợ đã cần mẫn phủ kín, che giấu mọi lăng mộ, đền đài và giúp bảo quản những di chỉ, những công trình kiến trúc kỳ vĩ trong điều kiện lý tưởng.
Một kho tàng mở, khi sau mỗi mùa khai quật (thường kéo dài 9 tháng mỗi năm), giới chuyên gia khảo cổ hàng đầu thế giới lại hoan hỉ công bố những phát hiện mới gây chấn động, những xác ướp, tác phẩm điêu khắc cùng những lăng mộ, kim tự tháp bí ẩn vừa được đánh thức sau hàng nghìn năm say ngủ.
Đó cũng là lý do khiến quốc gia này trở thành “thiên đường của giới khảo cổ” và những kho báu đã phát lộ chỉ có thể chiếm 30% ít ỏi trong mỏ vàng di sản mà miền đất này may mắn được sở hữu. 70% kho tàng vô giá còn lại đang ẩn mình giữa mênh mông cát bỏng sa mạc hay chìm sâu dưới đáy đại dương.
Một kho tàng mở, khi sau mỗi mùa khai quật (thường kéo dài 9 tháng mỗi năm), giới chuyên gia khảo cổ hàng đầu thế giới lại hoan hỉ công bố những phát hiện mới gây chấn động, những xác ướp, tác phẩm điêu khắc cùng những lăng mộ, kim tự tháp bí ẩn vừa được đánh thức sau hàng nghìn năm say ngủ.
Ngày đăng: 15/8/2023
Bài và ảnh: HỒ CÚC PHƯƠNG
Trình bày: HẢI BÌNH