Du xuân đón Tết cùng đồng bào Tày ở xóm Thu Lu:
Những hạt lúa nếp căng bóng được vo sạch trên giá chờ để đồ xôi, một tốp đàn ông đang khệ nệ khênh con lợn đen được vỗ béo hơn 2 năm từ trong chuồng ra, bên bập bùng bếp lửa trên nhà sàn, những người phụ nữ cùng nhau đong gạo gấp lá gói bánh chưng… Tất cả đang tất bật chuẩn bị làm cơm cúng tổ tiên - một buổi lễ quan trọng mở đầu cho cái Tết đầm ấm ở gia đình ông Xa Văn Vì và đồng bào dân tộc Tày nơi xóm núi Thu Lu, xã Giáp Đắt, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
Hương vị của núi rừng và tình thân
Nếp nhà sàn cổ 5 gian mà mấy chục năm qua 3-4 thế hệ gia đình ông Xa Văn Vì cùng nhau sinh sống, hôm nay bỗng đông vui nhộn nhịp hơn hẳn, bởi anh chị em họ hàng và cả gia đình thông gia đều tới để giúp ông làm lễ cúng tiễn năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về cùng ăn Tết. Đây là một buổi lễ quan trọng trong phong tục đón Tết của người Tày ở Đà Bắc.
Người làm thịt lợn, người mổ gà, đồ xôi, làm bánh… mọi công việc đều được làm nhanh chóng, tiếng nói cười rộn ràng khắp nhà.
Ông Xa Hữu Thức - Phó Chủ tịch UBND xã Giáp Đắt, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Theo phong tục tập quán, từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hằng năm, người Tày sẽ tổ chức lễ cơm mới. Đảng, chính quyền địa phương luôn vận động bà con không được bỏ phong tục này vì đây là một nét đẹp, một tập quán cần được giữ gìn và phát huy”.
Tuy nhiên, hiện nay, do giao lưu với nhiều nguồn văn hóa khác nhau, để giản tiện các hình thức lễ nghi, người Tày nhiều nơi đã kết hợp Lễ cơm mới với Tết Nguyên đán của dân tộc.
Theo đó, hôm nay, gia đình ông Xa Văn Vì cũng chuẩn bị mâm cỗ với đầy đủ các món ăn truyền thống của cả ngày Tết và lễ cơm mới để dâng cúng tổ tiên - một mâm cơm cúng gói gọn trong đó nhân sinh quan, thói quen, tập tục truyền thống và cả mong ước của người dân nơi đây.
Theo lời giới thiệu của ông Vì, mâm cỗ hôm nay sẽ có thịt lợn, thịt gà vịt, nhà nào khá giả hơn có thể có cả thịt trâu bò. Các loại thịt được đặt ở giữa mâm, chung quanh bày cơm mới (lúa nếp non được gặt về, hấp lên rồi phơi khô, sau đó sát thành gạo dùng để đồ xôi) được gói trong lá dong, bánh chưng, bánh dáy, sắn luộc, khoai sọ, quả cọ, mía, hoa chuối,…
Ngoài ra, từ nhiều tháng trước buổi lễ, người dân thường lên rừng bẫy nhím, sóc, chuột,… đem về sấy khô đến khi làm lễ mang ra đồ lên làm vật cúng. Hôm nay, gia đình ông Vì chọn cúng món chuột đồng.
Anh Xa Văn Nguyên, Trưởng xóm Thu Lu, xã Giáp Đắt, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Trong mâm cỗ cúng, có những món bắt buộc phải có, bởi nó gắn với quan niệm tâm linh của người bản địa. Thí dụ như mâm cơm không thể thiếu quả cọ, bởi người dân quan niệm rằng mùi hương của quả cọ rừng là mùi thơm quen thuộc, gần gũi giúp các cụ về và chứng cho lòng thành của con cháu…”.
Theo phong tục tập quán, từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hằng năm, người Tày sẽ tổ chức lễ cơm mới. Đảng, chính quyền địa phương luôn vận động bà con không được bỏ phong tục này vì đây là một nét đẹp, một tập quán cần được giữ gìn và phát huy.
Là mâm cúng ngày Tết bởi vậy không thể thiếu bánh chưng. Nhưng người Tày không gói bánh chưng vuông mà gói bánh tròn và bánh dài, hay còn gọi là bánh ống và bánh tép, nhân bánh chưng thường không có đỗ xanh, mà chỉ có thịt lợn, hạt tiêu và rau thì là. Cũng có quan niệm cho rằng, bánh chưng là sản phẩm rất linh thiêng của người Tày, nếu khách đến chơi mà không ăn bánh, nghĩa là bánh chủ nhà làm không ngon, và chủ nhà sẽ gặp xui xẻo cả năm.
Chen lẫn trong những tiếng nói cười rôm rả là âm thanh đều đều của tiếng giã nguyên liệu làm bánh dáy – một món ăn độc đáo khác của người Tày Đà Bắc. Bánh dáy được làm từ lá cây dáy mọc trên rừng kết hợp cùng với các loại thực phẩm và gia vị như gạo tấm, rau thơm, lõi cây chuối, hoa chuối rừng, gừng, rau răng cưa,… để tạo nên một món ăn với hương vị rất riêng.
Ở một góc khác trong gian nhà, bên bếp lửa vẫn bập bùng cháy, làn khói nóng bốc lên từ mẻ xôi vừa được dỡ mang theo hương thơm ngọt ngọt của gạo nếp nương, bùi bùi của quả rừng khiến mọi người chung quanh đều bất giấc quay lại nhìn thích thú. Đó là món xôi củ nâu – một loại củ được đào trên rừng.
Tuy rằng, xôi củ nâu là món ăn thông dụng khi nghèo đói xưa kia, nên người Tày không dùng để dâng lên tổ tiên, nhưng lại là món quen thuộc gợi nhắc về một thời khó khăn. Do vậy, trong những ngày lễ như thế này, đồng bào vẫn thổi xôi củ nâu và cùng nhau thưởng thức.
Mâm cơm cúng có thịt, có rau và tất yếu không thể thiếu chai rượu sắn được người nhà ủ từ lâu và dành dụm cho lễ quan trọng này. Tất cả đã sẵn sàng để dâng cúng tổ tiên.
Trong mâm cỗ cúng, có những món bắt buộc phải có, bởi nó gắn với quan niệm tâm linh của người bản địa. Thí dụ như mâm cơm không thể thiếu quả cọ, bởi người dân quan niệm rằng mùi hương của quả cọ rừng là mùi thơm quen thuộc, gần gũi giúp các cụ về và chứng cho lòng thành của con cháu…
Nghi thức cúng lễ từ lòng thành
Người Tày ở Đà Bắc nói riêng và hầu hết người dân trên đất Việt Nam nói chung đều coi trọng việc cúng tổ tiên vào dịp lễ Tết. Chính bởi vậy nghi thức này được chuẩn bị rất chu đáo, tỉ mỉ với tất cả lòng thành kính của con cháu.
Gia đình ông Xa Văn Vì cũng vậy. Khi các thành viên khác tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng, thì ông cùng một vài người trong gia đình chuẩn bị dọn dẹp “ban thờ”. Nói là ban thờ, thực chất đó là một khu vực dùng để sửa soạn bày hương án, đặt lễ cúng mang tính không cố định.
Khu vực bày biện ban thờ là nơi cao nhất và quan trọng nhất trong nhà sàn theo quan niệm của người Tày Đà Bắc. Ở đó, tùy từng nhà sẽ đặt 3 hoặc 4 “bàn thờ”.
Thực tế bàn thờ là các chồng vải do chính người nhà dệt nên. Các chồng vải này sau khi làm lễ xong sẽ được cất đi cẩn thận để dùng cho lần làm lễ sau. Chồng vải được xếp từ cao xuống thấp, từ phải sang trái theo thứ bậc tôn ti của các vị tổ tiên.
Anh Xa Văn Nguyên giải thích: “Chồng vải cao nhất là bàn thờ gia tiên nội của chủ nhà, thường đặt ở vị trí trong cùng bên tay phải, tiếp theo là đến gia tiên ngoại. Gia đình ông Xa Văn Vì mới có người mất nên sẽ đặt thêm một bàn thờ thứ ba, thấp hơn bên cạnh đó. Còn ở ngoài cùng là bàn thờ để cúng ma”.
Lý giải thêm về điều này, anh Nguyên cho biết: Người Tày tin rằng dù đi làm nương hay vào rừng săn bắt, đi đâu cũng luôn có ma bên cạnh. Bởi vậy mình cần cúng ma để con ma đó bảo vệ mình được bình an, thuận lợi.
Phía sau mỗi chồng vải, người Tày đặt một cây mía với quan niệm đó là cây gậy để tổ tiên chống vượt rừng vượt núi về với cháu con. Trên mỗi chồng vải được đặt một bát nhỏ bên trong có trầu cau, chiếc vòng bạc và tờ tiền. Đó đều được coi là những đồ vật kết nối tâm linh của người sống với người đã khuất.
Phía trước mỗi bàn thờ sẽ được bày một mâm cơm, và tất nhiên mâm cơm quan trọng nhất sẽ được bày trước bàn thờ ở “bậc tôn ti cao nhất”.
Một trong những tập tục khiến chúng tôi khá ngạc nhiên khi chứng kiến buổi lễ đó là việc ông Xa Văn Vì lấy áo thường ngày mặc của tất cả các thành viên gia đình đang sinh sống trong ngôi nhà sàn và cuốn thành 1 bọc, đặt lên khu vực thờ cúng.
Nhận thấy ánh mắt tò mò của chúng tôi, anh Nguyên giải thích: “Anh Vì đặt áo (áo chứ không có quần nhé) của các thành viên trong gia đình lên đó để khi ông bà tổ tiên về họ có thể nhận ra con cháu của mình, để biết về đúng nhà, và nhận diện, phù hộ cho con cháu khi đi học, đi làm,… được bình an”.
Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Tày cũng thờ cả thần bếp, thổ công.
Trong nghi thức cúng lễ, vai trò của thầy mo là rất quan trọng. Nếu trong gia đình có người biết cúng thì có thể tự cúng, nếu không thì phải mời thầy. Tuy nhiên, trong trường hợp người nhà của thầy mo mới mất thì thầy cũng không được đi cúng cho nhà khác. Sau 1-2 năm, hoặc nhanh nhất là 100 ngày sau tang lễ thầy mới được đi cúng mo.
Các bài mo thường kéo dài 1-2 giờ hoặc lâu hơn tùy từng gia đình. Thầy mo mặc quần áo truyền thống của người dân tộc Tày và sử dụng một chiếc quạt phe phẩy khi mo, hoạt động cúng lễ sẽ diễn ra dưới sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình.
Nói về nội dung bài mo hôm nay, thầy mo cho biết: “Bài mo để mời người đã mất về chung vui đón Tết cùng gia đình. Tôi giải thích lý do có mặt ngày hôm nay, giới thiệu cho họ về mâm cơm, về từng món ăn và mời họ ăn, gửi lời cầu nguyện của con cháu tới họ”.
Anh Xa Văn Nguyên chia sẻ thêm: “Thí dụ khi nói về món thịt chuột là thầy mo phải kể từ lúc đặt bẫy thế nào, sấy khô ra sao rồi hấp thế nào để tổ tiên biết…” - nhoẻn miệng cười anh khẳng định: “Mình đặt đây mà không nói rõ là các cụ không ăn đâu…”
Với nội dung đơn giản như vậy, trong suốt gần 1 giờ đồng hồ, thầy mo dường như đang thay mặt cho gia đình ông Vì “tâm sự” với ông bà tổ tiên, những lời tâm sự từ “cái bụng”, “cái tim”, những lời mời mộc mạc, chân thành như nụ cười, ánh mắt của người dân nơi rẻo cao này.
Là bởi mỗi bài mo tựa như một lời tâm sự, nên tùy từng gia đình mà “lời tâm sự” ấy có độ dài ngắn khác nhau.
Là bởi mỗi bài mo tựa như một lời tâm sự, nên tùy từng gia đình mà “lời tâm sự” ấy có độ dài ngắn khác nhau. Lấy thí dụ để giải thích điểm này, anh P.L. Khánh, Phó trưởng Phòng văn hóa huyện Đà Bắc cho biết: “Thí dụ như thầy mo sẽ hướng dẫn cụ thể từng người đã mất cách đi từ mộ về nhà gia chủ như thế nào, đi từ đâu, đến đâu thì rẽ trái rẽ phải ra sao... Người nào chôn gần nhà thì hướng dẫn ngắn hơn, chôn xa nhà thì hướng dẫn lâu hơn vì thế bài mo sẽ dài ngắn khác nhau”.
Sau khi thầy mo hoàn thành phần cúng, mâm cỗ được dọn ra, gia chủ cùng họ hàng, anh em vừa thụ lộc vừa hàn huyên về một năm đã qua, rộn rã những lời chúc tụng bước sang năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong bữa cơm sum vầy ấy, người Tày còn hát cho nhau nghe những điệu “khắp Tày” mang hơi thở của núi rừng và con người chân chất và hồn hậu nơi đây.
Ở ngoài kia, khí xuân đã tràn xuống từng nhành cây ngọn cỏ; cái giá lạnh của mùa Tết năm nay cũng len lỏi qua những ô cửa, khe hở của căn nhà gỗ đã nhuốm màu thời gian, nhưng bếp lửa vẫn bập bùng cháy theo nhịp hát điệu cười, cái nóng của than hồng hòa quyện cùng hơi ấm của tình thân, tình làng nghĩa xóm xua tan giá lạnh của đất trời, khiến gian nhà trở nên ấm áp, ngập tràn sắc xuân. Tết đã gõ cửa nhà đồng bào Tày ở xóm núi Thu Lu như vậy.
TỔ CHỨC: HỒNG MINH-XUÂN BÁCH
THỰC HIỆN: SONG THU-NGỌC BÍCH
ẢNH: HÀ NAM, VIDEO: TRUNG HIẾU