Tết không chỉ là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt Nam, mà đó còn là dịp những người con xa quê trở về quê hương, sum vầy cùng người thân, để sẻ chia và trao gửi yêu thương, để thắp nén nhang tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên, để truyền lại cho thế hệ mai sau những giá trị bất diệt của gia đình, tình thân.
Tết Việt, đặc sắc và độc đáo. Ăm ắp trong ấy là giá trị nhân văn sâu sắc của một dân tộc cần cù siêng năng lao động, là bản sắc văn hóa độc đáo của quốc gia là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, là những triết lý nhân sinh giản dị mà sâu sắc của người Việt Nam.
Cùng ăn Tết âm lịch giống Việt Nam có một số quốc gia như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc,… Tuy nhiên, có nhiều điểm tương đồng với Tết Việt nhất có lẽ là “Xuân tiết” – tết cổ truyền lớn nhất của Trung Quốc. Cùng điểm qua một số nét tương đồng và khác biệt chính giữa hai cái Tết ấy, để thấy hơn những giá trị rất riêng, rất Việt của Tết Nguyên đán.
Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất trong năm của người Việt Nam và Trung Quốc.
ĐÓN TẾT
Để chuẩn bị đón lễ tết này, người Việt Nam cũng như người Trung Quốc phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Những người phụ nữ thì lo chuẩn bị thực phẩm cho những mâm cỗ cúng quan trọng ngày tết, người đàn ông trong gia đình thì cùng các thành viên khác dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa.
Vào dịp tết, người Việt Nam thường mua quất, đào, những cây tượng trưng cho ngày tết để bày trong phòng khách, hoặc chơi hoa hải đường-những loài hoa đặc trưng của mùa xuân. Còn người Trung Quốc lại chơi hoa thuỷ tiên (tượng trưng cho tài lộc), hoa hướng dương (tượng trưng cho một năm mới tốt lành), cây kim quất (tượng trưng cho tài lộc), hoa mơ (tượng trưng cho may mắn),…
Người Trung Quốc còn đặc biệt rất thích treo chữ ‘Phúc’ ngược trước cửa nhà, bởi lẽ từ ‘ngược’ trong tiếng Hán đồng âm với từ ‘đến’, theo đó khi khách đến chơi nhà nhìn thấy chữ phúc treo ngược sẽ thốt lên rằng “Phúc ngược rồi!”, song ai cũng hiểu thành “Phúc đến rồi!”, đại diện cho một lời chúc may mắn, an lành cho gia chủ vào năm mới.
Bữa cơm tất niên chiều ba mươi Tết ấm cúng và thiêng liêng, với cả hai dân tộc, đó là bữa cơm sum họp, là bữa cơm mà con cháu đi làm ăn xa cũng cố gắng về quây quần chung vui.
Với nhân sinh quan, bản sắc văn hoá và môi trường sống của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc khác nhau, bữa cơm tất niên tuy có chung một ý nghĩa nhưng các món ăn lại rất riêng, thấm đậm nhân sinh quan và phản ánh rõ nét cuộc sống của người dân hai nước.
Mâm cơm ngày tết của người Việt Nam không thể thiếu bánh chưng. Bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho đất. Lá xanh bọc ở ngoài và nhân bên trong ruột tượng trưng cho công ơn sinh thành, tình cha mẹ luôn yêu thương và đùm bọc con cái. Món ăn cũng thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta. Đồng thời, hương vị bánh cũng thay lời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước. Ngoài ra còn có thịt gà, thịt lợn, măng, miến, giò chả, bóng bì, thịt bò kho gừng, cá kho, thịt đông,… đều là những món ăn mang đặc trưng của hương vị quê hương, của một đất nước lấy nông nghiệp là chính.
Mâm cỗ Tết có ý nghĩa đặc biệt với mọi gia đình người Việt mỗi độ Tết đến Xuân sang. Bởi nó không chỉ thể hiện nét đẹp về Công trong tứ đức của người phụ nữ trong gia đình, mà mỗi món ăn đều là sự gửi gắm những mong ước cho một năm mới tốt lành hơn, và đặc biệt ăm ắp trong đó là bản sắc văn hoá của người Việt.
Ý nghĩa các món ăn ngày Tết
Bánh chưng: Biết ơn cha ông
Bánh chưng là linh hồn của ngày Tết và là món ăn có lịch sử lâu đời trong nền ẩm thực Việt Nam. Những chiếc bánh vuông vức, được gói một cách khéo léo không chỉ tượng trưng cho trời đất mà còn thể hiện lòng thành của con cháu đối với tổ tiên. Gạo nếp, thịt lợn, lá dong,... những nguyên liệu làm bánh ấy đều là sản phẩm của một nền nông nghiệp đặc trung của Việt Nam.
Những ngày cận tết, các thành viên trong gia đình lại quây quần bên nồi bánh chưng ấm áp, cùng kể cho nhau nghe những dự định tương lai và nhiều câu chuyện khác của cuộc sống, tiếng nói cười giòn dã theo tiếng lửa bập bùngcùng tiếng củi cháy lách tách như chào đón một mùa lễ sum vầy đang chuẩn bị gõ cửa.
Thịt đông: May mắn cả năm
Thịt đông là món ăn không thể thiếu được trong mâm cơm Tết. Sự hòa quyện của các nguyên liệu trong món thịt đông thể hiện sự hòa hợp, gắn kết, yêu thương của các thành viên trong gia đình.
Không những vậy, màu sắc trong trẻo của phần thạch còn mang ý nghĩa hy vọng một năm mới may mắn, thuận lợi sẽ đến với cả gia đình.
Thịt gà: Ấm no, an khang
Theo truyền thống, gà luộc thường để nguyên con. Sau khi cúng, thịt gà sẽ được chặt nhỏ, dùng chung với muối tiêu, lá chanh.
Nhiều người tin rằng, gà luộc tượng trưng cho sự ấm no, an khang và mong muốn có được một năm mới đủ đầy.
Giò chả: Phúc lộc đầy nhà
Theo quan niệm dân gian, giò chả là món ăn tượng trưng cho sự phú quý, sang trọng, cho phúc lộc đến nhà. Vì vậy, không biết từ bao giờ, món ăn này đã được chọn để khởi đầu cho một năm mới.
Giò chả thường được ăn kèm với dưa hành, chấm nước mắm, chắc chắn đây sẽ là món ăn được nhiều người mong chờ trong những ngày Tết.
Củ kiệu: Thăng quan tiến chức
Củ kiệu ngâm là món ăn đặc trưng riêng trong Tết cổ truyền của người miền Nam. Củ kiệu ngâm tượng trưng cho tiền bạc, sự vinh hoa phú quý trong năm mới.
Củ kiệu ngon đúng điệu là khi được ăn kèm với bánh chưng, bánh tét, thêm chút dưa món sần sật.
Tương tự, người Trung Quốc cũng có rất nhiều món ăn đặc trưng của ngày tết, như bánh cảo (phổ biến ở miền bắc Trung Quốc). Theo quan niệm, bánh gói nhân vào trong tượng trưng cho việc gói ghém may mắn rồi ăn vào người để hưởng may mắn đó. Ngoài ra, Trung Quốc còn có món “niên cao” (món bánh này phổ biến nhất ở miền Đông Trung Quốc). Tên của nó đọc giống cụm “niên niên cao” (nghĩa là mỗi năm một cao hơn, tốt hơn), bởi vậy món ăn này như gửi gắm thêm mong ước của người dân vào một năm mới với nhiều điều tốt đẹp hơn. Một đặc trưng nữa rất nổi bật trên mâm cỗ ngày Tết của người Trung Quốc, đó là không thể thiếu món cá. Vì từ "cá" trong tiếng Hán đồng âm với từ "dư" trong cụm từ "dư giả", nên trong quan niệm của người Trung Quốc, ăn cá là để mong được dư giả, giàu có…
ĂN TẾT
Sau thời khắc giao thừa linh thiêng, hoàn thành việc cúng lễ tại gia, người Việt Nam thường ra khỏi nhà, gọi là xuất hành đầu năm, và chọn hướng xuất hành tốt với mệnh mình để mong khởi đầu một năm mới vạn sự hanh thông.
Thông thường xuất hành đầu năm, người ta sẽ tới chùa, để cầu xin trời phật phù hộ cho một năm mới tốt lành, an khang, khi về không quên ngắt một cành cây tượng trưng cho việc hái lộc về nhà, với mong muốn năm mới nhiều lộc.
Ngược lại, theo truyền thống, người Trung Quốc sẽ không ra khỏi nhà ngày đêm giao thừa, bởi tục truyền ban đêm sẽ có một con quái thú là Tịch thú xuất hiện, vì thế để không gặp xui xẻo, tốt nhất không nên ra ngoài. Bởi vậy, người Trung Quốc thường quây quần quanh mâm cơm đoàn viên, sau đó chỉ ở nhà.
Sáng ngày mùng một Tết, người dân hai nước đều bắt đầu những chuyến thăm thân, chúc tết đầu năm. Con cháu sẽ tới nhà ông bà cha mẹ, người thân họ hàng để chúc tết, để biếu tiền mừng tuổi kèm những lời chúc sức khoẻ, bình an. Đây cũng là dịp ít ỏi trong năm được gặp gỡ người thân, bởi trong năm công việc bận rộn, mọi người ít được gặp mặt.
Theo quan niệm của người Trung Quốc, khi con dâu con rể về chúc tết bố mẹ, nếu mang quà về phải mang số chẵn, tuy nhiên lại không mang theo 4 món quà, vì số 4 trong tiếng Hán đồng âm với từ “tử” (nghĩa là chết), một từ không may mắn.
Một tục lệ rất thú vị và dường như không thể thiếu trong dịp tết, đó là Lì xì. Trước tết, người lớn sẽ chuẩn bị những phong bao nhỏ (thường là màu đỏ), đặt trong đó là một ít tiền, để mừng tuổi đầu năm cho trẻ nhỏ.
Tiền lì xì được bỏ trong phong bao màu đỏ tượng trưng cho sự cát tường và may mắn. Số tiền bỏ vào bao nhiêu không quan trọng. Quan niệm dân gian cho rằng, việc cho hay nhận lì xì đều ngụ ý của việc phát tài phát lộc, nhận lì xì sẽ thêm may mắn, cho lì xì cũng chính là phát đi lộc lá để nhận về nhiều điều thuận lợi, hanh thông hơn.
Người Trung Quốc thì tin rằng, phong bao đỏ có thể xua đuổi ma quỷ, đem lại bình an, vì vậy mừng tuổi cũng là để đem đến bình an và may mắn cho người nhận.
Trong những ngày Tết, người dân còn được tham gia rất nhiều lễ hội lớn nhỏ khác nhau, hoặc các hoạt động vui chơi giải trí vui nhộn, các trò chơi dân gian,...
Tết Nguyên đán kết thúc bằng lễ hóa vàng. Hóa vàng là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Lễ cúng hóa vàng thường được gọi là lễ tiễn ông bà tổ tiên hay lễ tạ đầu năm mới. Vào ngày này, nhà nhà chuẩn bị mâm cơm thành kính dâng lên ông bà tổ tiên, để kính cáo kết thúc Tết Nguyên đán và đánh dấu chính thức bước vào một năm làm việc và học tập mới.
Đây thực sự là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học tập và làm việc mệt mỏi, là lúc trở về trong không khí đầm ấm của gia đình sau một năm bôn ba kiếm sống, là khi ta nhìn lại được mất, để cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Có lẻ bởi những ý nghĩa sâu sắc đó, ai cũng rất mong tới Tết, háo hức với không khí ngày Tết và chuẩn bị thật nhiều cho những ngày Tết tuy không dài nhưng vô cùng ý nghĩa.
BẠN BÈ QUỐC TẾ
HÀO HỨNG VỚI
TẾT VIỆT
Bạn bè quốc tế từng có cơ hội trải nghiệm Tết Việt đều cảm thấy vô cùng thú vị bởi những phong tục độc đáo hàm chứa bao nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Không khí của ngày tết, cách con người giao tiếp với nhau, những phong tục của ngày tết cho họ một cái nhìn sâu sắc hơn về con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
BẠN ẤN TƯỢNG GÌ NHẤT Ở TẾT VIỆT?
Julien Bazil (quốc tịch Pháp) được trải nghiệm không khí Tết Nguyên đán khi qua Việt Nam học chương trình Thạc sĩ năm 2017. Đây là lần đầu tiên anh trải nghiệm một cái Tết âm lịch của người Phương Đông, bởi vậy có rất nhiều phong tục, quan niệm của ngày Tết khiến anh thấy bất ngờ và thú vị.
Anh chia sẻ: "Trải nghiệm tết ở Việt Nam, tôi nhận ra rằng, các bạn Việt Nam rất coi trọng vào những gì xảy ra và những người gặp gỡ trong những ngày đầu tiên của năm mới, vì theo họ, những gì xảy ra và những người đầu tiên mà họ gặp sẽ ảnh hưởng đến những gì xảy ra trong năm. Quan niệm này thật thú vị."
Được trải nghiệm Tết Đinh Dậu tại Việt Nam, Julien thực sự rất ấn tượng với số lượng hình ảnh gà trống mà các bạn Việt Nam mua về bày trí. Anh cảm thấy việc này có ý nghĩa hơn khi được giải thích rằng, mỗi cái tết ở Việt Nam được đại diện bằng một linh vật, và năm ấy là Tết con gà, bởi vậy, mọi người mua tranh gà hoặc những vật trang trí hình chú gà trống về để mong muốn may mắn, an lành cho năm mới.
Bản thân anh cũng mua vài bức tượng nhỏ xinh có hình chú gà trống để mang lại may mắn cho mình trong ngày Tết năm đó và để mang về tặng cho bạn bè, gia đình (một trong số những bức tượng này hiện vẫn được bố mẹ anh trân trọng giữ gìn ở Pháp).
Julien còn đặc biệt cảm thấy thú vị với tục lì xì ngày tết của người Việt. Anh kể lại rằng, ban đầu, anh không hiểu mọi người định làm gì với một chiếc phong bì nho nhỏ màu đỏ đó. Sau đó, nhờ các bạn Việt Nam giải thích anh mới biết đó là phong bao lì xì, trong đó đựng một khoản tiền nho nhỏ dùng để mừng tuổi và gửi những lời chúc tốt đẹp tới người nhận.
Ở Pháp, tuy mọi người không tặng tiền, nhưng tặng quà cho nhau nhân dịp năm mới. Julien cảm thấy rất vui khi khám phá ra điểm tương đồng này giữa văn hóa 2 nước Việt Nam và Pháp.
Còn với Nang Vongbouasy (quốc tịch Lào), cũng được trải nghiệm Tết Nguyên đán khi sang Việt Nam học thạc sĩ năm 2017, song với cô, điều đặc biệt ấn tượng lại chính là không khí sôi động và ngập tràn sắc xuân của đường phố Hà Nội những ngày Tết, một không khí rất xuân, sắc đỏ tràn ngập khắp nơi. Dường như nó làm cho lòng người thêm ấm áp.
"Nếu ai đó đến thăm Việt Nam trong kỳ nghỉ Tết, tôi chắc chắn họ sẽ hiểu hơn rất nhiều về văn hóa Việt Nam, về con người Việt Nam qua cách họ ăn Tết”, Nang Vongbouasy chia sẻ.
Từng đến Việt Nam đúng độ Tết đến Xuân về, Sovannkiry Khoeun (cán bộ Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia) có cơ hội được lang thang phố phường những ngày giáp Tết và sau Tết, được đắm mình trong không khí đất trời Việt Nam ngày xuân. Và anh cũng đặc biệt ấn tượng với hình ảnh vắng vẻ của đường phố Hà Nội ngày Tết-một khung cảnh khác hoàn toàn thường nhật.
Đầu tiên là vào những ngày cận Tết, tôi thấy những dòng người hối hả rời Hà Nội để về quê. Và sau đó Hà Nội trở nên yên tĩnh đến lạ thường, đặc biệt là ở quanh các khu trường học, chợ và các cơ quan công sở. Nó giống như hai cảnh đối lập mà sự thay đổi diễn ra rất nhanh chóng vậy.
Anh miêu tả về những con đường lớn được trang hoàng đẹp đẽ và hình ảnh những chợ hoa tạm trên vỉa hè - những hình ảnh báo hiệu Tết về ngay trên đường phố. Sovannkiry Khoeun rất thích không khí tết ở Hà Nội vì dịp này, thành phố không quá đông đúc, không kẹt xe mà lại rất đẹp, tràn ngập không khí của mùa xuân.
Không ăn Tết Việt ở Hà Nội nhưng Larnoy (sinh viên Lào đang du học tại Đại học Thái Nguyên, Việt Nam) cũng có những cảm nhận rất riêng về nét đẹp của Tết Nguyên đán.
"Em ấn tượng nhất về đêm giao thừa ngày tết của người Việt. Có lẽ đó là buổi đêm nhộn nhịp và tấp nập nhất trong năm. Mọi người ra chùa để cầu nguyện, mọi mong ước sẽ trở nên hiện thực. Thật thú vị!", cô chia sẻ.
Tết Nguyên đán, Larnoy và một số bạn sinh viên khác được nghỉ học, nhưng các bạn cũng không về nước, một phần bởi dịch bệnh đi lại nhiều thủ tục, một phần khác vì các bạn muốn được trải nghiệm không khí Tết lớn nhất trong năm của người Việt Nam, qua đó để hiểu hơn về văn hóa, về tâm linh, về nhân sinh quan và nhiều giá trị khác của người Việt.
Những người bạn trẻ đặc biệt cảm thấy thích thú với tục mừng tuổi đầu năm của người Việt.
BẠN THÍCH NHẤT MÓN NÀO?
Không cần suy nghĩ quá lâu, ngay khi được hỏi về món ăn ngày Tết nào bạn thích nhất, Julien lập tức trả lời: đó là bánh chưng.
Món bánh chưng của Việt Nam rất ngon. Tôi không phải là người thích ăn cơm nếp, nhưng món bánh chưng thì quá ngon, đến nỗi giờ tôi yêu luôn món ăn đó. Món ăn ngày Tết của các bạn rất ngon, rất bổ mà không khó tiêu. Thật tuyệt!
Đồng quan điểm với Julien, Nang Vongbouasy cũng thích bánh chưng.
"Tôi ấn tượng nhất là Bánh chưng vuông của Việt Nam, không chỉ bởi bánh ăn rất ngon, lạ lạ mà có lẽ bởi đó là loại bánh đặc biệt, một lại bánh truyền thống chỉ xuất hiện vào ngày Tết ở Việt Nam", cô chia sẻ.
Larnoy, cô sinh viên Lào tại Việt Nam thì lại đặc biệt thích món củ kiệu của Việt Nam. "Món này ăn kèm với bánh chưng, thịt kho, cơm nóng thì còn gì tuyệt vời hơn. Nó không chỉ giúp người ăn đỡ ngán lại vừa đem lại cảm giác thèm ăn bởi vị chua đặc trưng". Đó là chia sẻ của cô sau khi được ăn món củ kiệu kèm bánh chưng khi ăn Tết tại Việt Nam
Em rất thích Tết Nguyên đán, tết đem đến không khí thân tình và ấm cũng. Ăn tết xong, mà trong lòng vẫn còn nỗi tết da diết cùng bao cảm xúc ngọi ngào. Em lại tự hỏi mình: Sao tết lại ngắn đến vậy!
Với Yohan-một người đến từ đất nước cách Việt Nam "nửa vòng trái đất rẽ tầng mây" - Cuba khi lần đầu trải nghiệm Tết Việt đã rất ngạc nhiên và vẫn luôn tự hỏi, tại sao người Việt ăn nhiều gà luộc tới vậy trong ngày Tết. “Chỉ sau 1 đêm mà sáng hôm sau bạn phải đối mặt với 3 chú gà”, anh vui vẻ chia sẻ. Ở Cuba mọi người chỉ ăn gà rán, gà nướng hoặc gà nấu cùng nước sốt, do đó, món gà luộc cũng trở thành một trải nghiệm có phần khó khăn với Yohan trong quãng thời gian đầu. Tất nhiên là sau đó, gà luộc đã trở thành một món ăn quen thuộc và không thể thiếu mỗi khi anh đón Năm mới.
Từ không khí ấm áp, tới phong tục độc đáo, và cả những món ăn đơn giản mà đặc biệt, tất cả dường như để lại ấn tượng thật khó quên cho bất kỳ ai từng có cơ hội được "ăn Tết" tại Việt Nam.
Tổ chức thực hiện: Hồng Minh
Nội dung: Biện Diệu, Ngọc Diệp
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Thành Đạt