
Năm 1961, ông Phạm Duy Toàn là một trong số 23 cán bộ Việt Nam đầu tiên được cử sang Cuba học tập theo lời đề nghị của Chủ tịch Fidel Castro. Đối với ông, bước ngoặt lớn này đã mang đến cho ông nhiều cơ hội mà đến giờ, khi đã 98 tuổi, ông vẫn luôn trân trọng và ghi nhớ.
“Tôi thật may mắn và hạnh phúc khi được đến Cuba học tập”. Đó là câu nói đầu tiên của ông khi bắt đầu cuộc trò chuyện với tôi về những ký ức đã trôi qua gần 65 năm nhưng dường như mới xảy ra ngày hôm qua. Ông say sưa kể cho tôi nghe về những điều kiện tốt nhất mà Cuba đã dành cho sinh viên Việt Nam sang học tập, từ nơi ở khang trang cho đến khẩu phần ăn hàng ngày. “Nhờ vào chế độ dinh dưỡng tốt và không khí trong lành ở Cuba, sau hai năm tôi đã tăng hơn 20 kilogram và vì thế tôi mới có thể sống đến ngày hôm nay”, ông Toàn cười hóm hỉnh.


Sau khi kết thúc thời gian học tập tại Cuba và quay trở về Việt Nam làm việc, ông có cơ hội được tháp tùng nhiều đoàn lãnh đạo Việt Nam thăm Cuba như chuyến thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1976 và chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1979. Qua các cuộc tiếp xúc, hội đàm giữa các lãnh đạo hai nước, ông Toàn càng cảm thấy nể phục và trân trọng tấm chân tình của Chủ tịch Fidel Castro dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Ông nhận xét: “Fidel chính là nhân vật có tác động sâu sắc nhất đến tình hữu nghị hai nước”. Ngay khi tôi đề nghị ông kể thêm về những kỷ niệm với lãnh tụ Cuba, ông Toàn gần như ngay lập tức nói: “Vậy phải nói đến ngày 30/4/1975”.
Đó là ngày Việt Nam giành được độc lập hoàn toàn, thống nhất đất nước. Ông Toàn, khi ấy là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cuba, đã được nghe tin vui chiến thắng từ một người bạn Cuba thân thiết, Melba Hernández Rodríguez del Rey, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Cuba với Việt Nam. Đón mừng niềm vui hân hoan đón mừng ngày đất nước giành được độc lập hoàn toàn, các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài được phép tổ chức một buổi chiêu đãi quy mô khoảng 300 khách mời, riêng Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba được phép mời 500 khách.
Vào ngày tổ chức buổi chiêu đãi, phía Cuba cho người đến hỗ trợ Đại sứ quán Việt Nam tại La Habana. Thật bất ngờ có hàng nghìn người dân Cuba đã kéo đến cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam. Và càng bất ngờ hơn khi Chủ tịch Fidel đích thân đến dự. Ông đến và ôm hôn những người đồng chí Việt Nam như trong một gia đình chứ không theo nghi thức ngoại giao nào. Tất cả không ai bảo ai vỗ tay vang trời, chúc mừng cho chiến thắng của nhân dân Việt Nam anh hùng. Sau này, ông Toàn mới biết chính Chủ tịch Fidel Castro đã chỉ đạo giúp Việt Nam tổ chức bữa tiệc chiêu đãi chúc mừng này.
Dừng lại vài phút, ông kể cho tôi nghe về một chuyến đi Cuba đặc biệt vào năm 1979: “Sau khi giải phóng Phnom Penh, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia đã thành lập một đoàn gồm những người sống sót sau nạn diệt chủng để đến các nước cộng sản trên thế giới nhằm tuyên bố chiến thắng của cách mạng Campuchia, đồng thời bác bỏ tin đồn rằng Việt Nam đã xâm lược nước láng giềng của mình”.
“Là người từng sống nhiều năm ở Campuchia, biết tiếng Campuchia và một số ngôn ngữ khác, tôi được chọn làm phiên dịch viên chính của đoàn”, ông Toàn giải thích. Sau khi đến Liên Xô, Bulgaria, Hungary và Đức, đoàn đến Cuba và nhận được sự tiếp đón trọng thị từ Tổng Tư lệnh Fidel. Ông nhớ lại: “Khi kết thúc buổi gặp, tiễn đoàn ra về, Chủ tịch Fidel quay sang tôi hỏi: 'Anh là người Việt Nam phải không? Sao anh nói tiếng Campuchia giỏi vậy?'". Ông Toàn rất bất ngờ vì không nghĩ rằng Tổng Tư lệnh vẫn còn nhớ đến mình, dù trước đó ông cũng từng tham gia một số sự kiện quan trọng giữa hai nước. Ông trả lời rằng mình là bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Đông Dương, nên đã học được nhiều ngôn ngữ trong khu vực. "Vừa dứt câu trả lời, ông ấy mừng rỡ nói: 'Thật vậy sao?', rồi ôm chặt tôi như ôm một người bạn cũ", ông Toàn cười kể lại.
Tiếc nuối ông tiếp lời: “Dù những năm công tác sau này, công việc của tôi không còn gắn bó nhiều với Cuba, nhưng tôi không bao giờ quên những 'ân tình' Cuba dành cho tôi”. Vì thế, ông Toàn luôn nung nấu trong đầu suy nghĩ phải làm gì để người dân Việt Nam có thể hiểu rõ hơn về tình cảm mà lãnh tụ Fidel Castro và cả nhân dân Cuba dành cho Việt Nam.
Năm 2016, ông Toàn nảy ra ý định tổng hợp và dịch các bài phát biểu của Fidel về Việt Nam và xuất bản thành sách. “Bản thân mình không muốn đổ tại tuổi già sức yếu nhưng quả thật lực bất tòng tâm, một người không thể làm nên việc”, ông Toàn bùi ngùi kể lại. Đến tháng 10/2017, nhờ sự giúp đỡ của một số bạn bè và các cơ quan, trung tâm lưu trữ thông tin của Cuba, ông đã có trong tay các bài phát biểu của Fidel có nhắc đến Việt Nam. Ngay sau đó, ông phát đi “lời kêu gọi” trên nhóm Facebook “Bạn bè Universidad de La Habana”, cộng đồng của các cựu sinh viên Việt Nam tại Cuba, mong nhận được thêm sự trợ giúp.
Ông Phạm Duy Toàn trò chuyện cùng phóng viên báo Nhân Dân.
Ông Phạm Duy Toàn trò chuyện cùng phóng viên báo Nhân Dân.
Trong lời kêu gọi, ông viết: “Sống đến tuổi quá cửu tuần, nhiều khi nghĩ đến lúc phải nhắm mắt xuôi tay nhưng chưa làm được gì để báo đáp lại ân tình của nhân dân Cuba anh em, quả thật tôi thấy không yên lòng. Ủng hộ tiền bạc, tặng tranh đá quý hay xây tượng đài thì dễ, nhưng làm thế nào để Chủ tịch Fidel và ân tình của nhân dân Cuba sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam ta mới là khó, vậy mong được sự giúp đỡ từ tất cả các thành viên trong Hội”.
Gần như ngay lập tức sau khi được đăng tải, “lời kêu gọi” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của rất nhiều các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam tại Cuba. Ai cũng mong được góp chút “sức mọn” của mình và thậm chí có người còn bày tỏ nguyện vọng được đóng góp kinh phí để xuất bản cuốn sách này. “Xúc động lắm, bất ngờ lắm trước tình cảm của các anh chị em và các cháu cựu sinh viên Việt Nam tại Cuba”, ông Toàn bày tỏ, giọt nước mắt trực trào.
Căn gác nhỏ trên phố Lý Nam Đế, nơi ông Toàn ở, chính là nơi những ý tưởng ban đầu trở thành hiện thực. Những “tình nguyện viên” đã họp mặt nhau lại để bàn bạc kế hoạch chuẩn bị nội dung cho cuốn sách. Tổng cộng đã có 26 người tham gia biên soạn, biên dịch và hiệu đính nội dung các bài phát biểu của Chủ tịch Fidel Castro về Việt Nam. Trong đó, người lớn tuổi nhất là ông Toàn, khi đó 90 tuổi.
Tháng 9/2018, cuốn sách “Fidel Castro: Việt Nam chiến đấu và hy sinh vì tất cả các dân tộc trên thế giới”, tổng hợp các bài phát biểu của lãnh tụ Cuba về Việt Nam, được Nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam xuất bản dưới dạng Tài liệu tham khảo đặc biệt, và được ra mắt đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày lãnh tụ Cuba Fidel Castro lần đầu tiên thăm Việt Nam và thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam (9/1973- 9/2018).
Niềm xúc động một lần nữa ánh lên trong mắt, ông nói: “Cuốn sách được xuất bản là điều sung sướng nhất trong cuộc đời của tôi, bởi đây không chỉ đúc kết cả tinh thần Cuba đối với Việt Nam, mà còn thể hiện tình nghĩa, ý chí của người Việt Nam, trước sau như một, nhớ ơn nhớ nghĩa nước Cuba anh em”.
Khi được hỏi ông mong muốn thế hệ trẻ sau này làm gì để nối tiếp truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, ông bày tỏ: “Tôi chỉ mong con cháu chúng ta giữ gìn truyền thống dân tộc uống nước nhớ nguồn, trọng tình trọng nghĩa bạn bè Cuba, luôn bên nhau, sát cánh ủng hộ nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến lên xây dựng hai đất nước Cuba và Việt Nam hùng cường, ấm no, hạnh phúc”. Dừng lại vài phút, ông nở nụ cười bộc bạch: “Làm sao phát động được phong trào đoàn kết giúp đỡ Cuba cả về vật chất lẫn tinh thần thì quá tốt”.
Khi cùng ông Toàn lục tìm những bức ảnh đen trắng đã nhoè về những năm tháng ở Cuba, tôi thấy trên bức tường nhà, bức tranh vẽ lãnh tụ Cuba, Fidel Castro, được ông treo cùng bức ảnh gia đình mình.
Bức tranh vẽ lãnh tụ Cuba, Fidel Castro, được ông Toàn treo cùng bức ảnh gia đình mình. (Ảnh: Hải Anh)
Bức tranh vẽ lãnh tụ Cuba, Fidel Castro, được ông Toàn treo cùng bức ảnh gia đình mình. (Ảnh: Hải Anh)
Ngày xuất bản: 3/4/2025
Chỉ đạo thực hiện: Quang Thiều - Trường Sơn
Nội dung và trình bày: Tú Khuê
Ảnh: Hải Anh, tư liệu của nhân vật
