Anh là niềm tự hào của cán bộ trong trường (*)
Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2011,
Anh Trọng kính mến,
Trước tiên em kính chúc anh sức khỏe dồi dào và thành công rực rỡ ở cương vị quan trọng bậc nhất của nước nhà. Em muốn báo cáo anh một số thông tin mà em nghe trực tiếp được.
1. Rất nhiều Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh tìm gặp em nói rằng: Lần đầu tiên được nghe anh nói chuyện trực tiếp, họ rất phấn khởi và tin tưởng. Họ nói anh không đọc mà nói vo. Họ coi đó như những lời tâm tình, rất giản dị, gần gũi, dễ gần và dễ hiểu. Nhiều người “phỏng vấn” lại em về phong cách đặt câu hỏi “Phải chăng là” đấy. Những hội nghị em được dự, kể cả khi anh đã là Chủ tịch Quốc hội, thì chưa bao giờ anh áp đặt, mà gợi mở cho cấp dưới chủ động tư duy. Ai cũng bảo đó là dân chủ đấy, có người bảo đó cũng là chính kiến của bác, nhưng để mọi người suy ngẫm.
Em bảo họ có cả hai đấy, nhưng một bản chất là để cấp dưới tự đánh giá, hành động theo gợi mở “Phải chăng là”. Theo chủ quan của em, phong cách ấy nay còn hiếm lắm. Giá có nhiều lãnh đạo như thế!!!
Trưa ngày hôm sau, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Hà Nội mời cơm Chủ tịch Mặt trận của 8 tỉnh trong khối thi đua, thì đề tài trao đổi chủ yếu là phong cách, trí tuệ, nội dung anh phát biểu hôm trước. Em còn kể cho họ nghe về năng lực tổng kết hội nghị. Chỉ có 30 phút mà rõ ràng, rành mạch, khúc chiết, đầy đủ, dễ nhớ.
Dư luận chung hôm Hội nghị là tin tưởng đồng chí Tổng Bí thư (em ngồi trên cùng một linh mục và mấy vị Việt kiều ở Mỹ, Đức. Họ đặt nhiều câu hỏi về anh, sau khi em phát biểu, họ phấn khởi lắm).
Dư luận chung hôm Hội nghị là tin tưởng đồng chí Tổng Bí thư.
2. Cán bộ trong trường rất tự hào về anh. Một số thầy cũ của anh và những thầy cùng thời sinh viên với anh, gặp em bày tỏ tình cảm rất hồ hởi tự hào về anh pha chút kiêu hãnh về trường. Những người biết anh về thăm trường trước thềm kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống, lại có dịp khái quát: có 3 đồng chí lãnh đạo cấp cao tới thăm trường trước Đại hội thì đều trở thành Tổng Bí thư kế nhiệm nhau.
Trước đó, đồng chí Phùng Hữu Phú, nói với em: “Chú phải mời bằng được anh Cả về dịp 65 năm, chú tự hiểu vì sao”. Tất cả đều là tình cảm của trí thức trường này đấy anh ạ. Sự kiện anh trở thành Tổng Bí thư vừa là niềm tự hào của cán bộ, sinh viên nhà trường, vừa là tạo thêm nguồn lực giáo dục tư tưởng cho cán bộ, sinh viên trường nữa đấy.
3. Có ý này nữa nhưng xin anh và anh Đông biết thế thôi, kẻo em mang tiếng làm mất đoàn kết. Mặt trận đoàn kết là hàng đầu. Số là, hằng năm, cán bộ trẻ Ban Tuyên giáo đều mời em ra quán ăn tất niên, các cháu có nhiều chuyện về công việc, về chuyện đời nữa.
Họ thông báo: Từ ngày Văn phòng Thành ủy sửa nhà ăn, thì Thường trực ăn riêng một nơi. Với ngữ điệu tỏ vẻ không ủng hộ. Và phỏng vấn em luôn: “Theo chú, bác Trọng sao không làm thế?”. Em nói để làm công tác tư tưởng: một là điều kiện mặt bằng lúc đó chưa có, hai là ăn riêng một chỗ như hiện nay có điều kiện bàn việc của Thường trực, việc nhiều mà. Họ tranh luận: Cả ngày chỉ có lúc đó gần cán bộ theo nghĩa đời thường để “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.
Họ khẳng định bác Trọng không làm thế đâu. Thật lòng, em thầm chia sẻ với họ. Cán bộ-dân kỹ tính thế đó anh. Em không làm anh mất thì giờ nữa. Kính chúc anh khỏe mãi, giành nhiều thắng lợi.
Kính anh
Em Hằng (**)
-------------
(*) Đầu đề do chúng tôi đặt (B.T).
(**) Đồng chí Phạm Xuân Hằng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy khóa XII, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.
Nội dung: PHẠM XUÂN HẰNG
Bài viết trong cuốn sách “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế”, NXB Chính trị quốc gia Sự Thật,
Trình bày: NGỌC BÍCH
Ảnh: Báo Nhân Dân