Ảnh hưởng của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Cuba
Trong cuốn sách 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, PGS, TS Nguyễn Ngọc Mão thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử nhân loại như một trang chói lọi, làm thay đổi bản đồ chính trị thế giới với gần 20 nước ở châu Phi giành được độc lập dân tộc ở những mức độ khác nhau trong thập kỷ 60 của thế kỷ XX, đồng thời tác động mạnh mẽ đến sự nghiệp đấu tranh cách mạng của đất nước Cuba anh em bên kia bán cầu.
PGS, TS. Nguyễn Ngọc Mão nhấn mạnh: Khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi tháng 5/1954, gióng lên hồi chuông báo động sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống thuộc địa kiểu cũ, thì các nước ở khu vực Mỹ Latin đã giành được độc lập từ thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ thế kỷ trước đó. Khu vực này lúc đó đã được độc lập về chính trị trên danh nghĩa, nhưng trên thực tế, sự phát triển kinh tế vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ.
Thế nhưng, ảnh hưởng của Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam ở những khía cạnh khác nhau, vẫn có sức lan tỏa đến khu vực Mỹ Latin. Đánh giá về tầm quan trọng của sự kiện này, trong tác phẩm Một vài đặc điểm của phong trào giải phóng dân tộc đăng trên Tạp chí Học tập, chuyên gia Gia-ri nhe O viết: “Đứng về mặt ý nghĩa lịch sử, là hiện tượng thứ 2 sau sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới”.
Đặc biệt đối với Cuba, tinh thần của Điện Biên Phủ được nhìn nhận một cách rất cụ thể. Cuốn sách Vì Việt Nam do Viện sách Cuba xuất bản năm 1974 nêu bật chi tiết: Ngay khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đang trên đà thắng lợi trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, thì cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân Cuba nhằm lật đổ chế độ độc tài Batista, tay sai đắc lực và là chỗ dựa của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ, để xây dựng một chế độ mới được bắt đầu vào ngày 26/7/1953, dưới sự lãnh đạo của nhà hoạt động cách mạng chân chính Fidel Castro. Từ những luồng thông tin khác nhau, nhân dân ở khu vực Mỹ Latin nói chung, nhân dân Cuba nói riêng, đã biết được chiến thắng của các lực lượng cách mạng của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ.
Ngay sau khi cách mạng Cuba thành công năm 1959, hai nước Việt Nam và Cuba đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1960. Kể từ thời điểm này, Việt Nam và Cuba sát cánh bên nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tinh thần bách chiến, bách thắng của Điện Biên Phủ được Cuba phát huy ở nhiều góc độ khác nhau.
Có thể nói, Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tin của nhân dân Cuba có thể đánh bại những thế lực thù địch mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Cách mạng giải phóng dân tộc ở Cuba diễn ra từ năm 1953 và giành được thắng lợi vào ngày 1/1/1959. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm ngọn cờ tư tưởng, một trường hợp điển hình ở khu vực Mỹ Latin, thời điểm đó đang đứng trước những thử thách vô cùng lớn lao.
Đến với Việt Nam, Cuba đã tìm thấy sức mạnh tinh thần của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong việc bảo vệ những thành quả của cách mạng và vững bước trên con đường của chủ nghĩa xã hội. Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Héctor Rodríguez Llompart trong chuyến thăm và ký kết Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ với Việt Nam năm 1960 đưa ra nhận xét: “Trong lúc mặt trận Điện Biên Phủ diễn ra ác liệt trên đất nước các bạn thì nhà lãnh đạo cách mạng của nước Cuba chúng tôi cùng với vài trăm người yêu nước đã đoàn kết được xung quanh mình toàn thể nhân dân Cuba để chiến đấu chống lại lực lượng hiếu chiến phản động đang bị các bạn đánh bại. Thắng lợi của các bạn đã chứng tỏ hùng hồn rằng, bất kỳ một dân tộc nhỏ bé nào, nếu đoàn kết kiên quyết đấu tranh cho tự do với một tương lai tươi sáng, đều có thể đánh bại được đế quốc”.
Héctor Rodríguez Llompart
Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ Việt Nam về chiến tranh nhân dân, xây dựng quân đội nhân dân trong kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là những kinh nghiệm rất hữu ích đối với tiến trình cách mạng Cuba, đất nước có địa hình rừng núi, những điều kiện xây dựng quân đội chính quy, dân quân du kích, tự vệ giống như Việt Nam. Trong bối cảnh mới khi phải chống trả lại thế lực thù địch ngay sát nách, mạnh hơn mình gấp nhiều lần cả về tiềm lực quân sự lẫn kinh tế, việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân từ thực tiễn của Điện Biên Phủ đối với Cuba rất phù hợp và bổ ích.
Từ ý nghĩa đó, năm 1964, nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân được dịch ra tiếng Tây Ban Nha và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Cuba yêu cầu Tư lệnh cách mạng Ernesto "Che" Guevara viết Lời nói đầu: “Tác phẩm mà chúng tôi viết Lời nói đầu vượt qua giới hạn của một giai đoạn lịch sử nhất định và có giá trị cho cả khu vực; tuy nhiên, những vấn đề được đặt ra có tầm quan trọng đặc biệt cho phần lớn các dân tộc Mỹ Latin đang bị chủ nghĩa đế quốc Bắc Mỹ thống trị, đó là chưa kể đến lợi ích đặc biệt của tác phẩm đối với các dân tộc châu Phi đang tiến hành cuộc đấu tranh ngày càng gian khổ nhưng cũng thắng lợi liên tiếp chống lại bọn thực dân đủ loại”.
Cùng chung nhận xét khi đề cập đến Điện Biên Phủ, Đại diện Tổng Tham mưu và Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba H. Gácxin Olivêra phát biểu tại cuộc mít-tinh kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại La Habana: “Nhân dân Cuba đang đứng ở trận tuyến tiền tiêu chống chủ nghĩa đế quốc cần học tập những kinh nghiệm của nhân dân Việt Nam và phân tích những hình thức đấu tranh của nhân dân Việt Nam để hoàn thiện những hình thức đấu tranh của mình”.
Chiến sĩ yêu nước huyền thoại Che Guevara chưa một lần đến Việt Nam, song ông từng tiếp xúc và gặp gỡ Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Moscow vào năm 1964. Ngay từ đầu, Che đã có mối thiện cảm với nhân dân Việt Nam, với thắng lợi của một đất nước cách Cuba hơn nửa vòng trái đất trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử ở Điện Biên Phủ. Che Guevara không những muốn áp dụng những kinh nghiệm về chiến tranh nhân dân Việt Nam trong điều kiện của Cuba mà còn muốn tạo ra nhiều Việt Nam ở các châu lục. Từ thực tiễn quá trình cách mạng của chính bản thân, đồng thời tham khảo kinh nghiệm ở một số nơi, trong đó có Việt Nam, Cuba tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng hoàn chỉnh mang tính nhân dân đậm nét.
Tương tự lực lượng vũ trang Việt Nam ban đầu, lực lượng vũ cách mạng Cuba, mà tiền thân là Quân khởi nghĩa được thành lập ngày 2/12/1956 chỉ gồm 82 người. Qua thời gian, lực lượng vũ trang Cuba ngày càng lớn mạnh, trong đó có tổ chức dân quân bộ binh, các tiểu đoàn biên phòng và sau này có cả lực lượng đặc nhiệm tương tự như Đặc công của Việt Nam.
Đề cập đến sự trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng Cuba, trong bức điện chia buồn với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam của Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 5/10/2013 trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có đoạn: “Nhân dân Cuba luôn nhớ tới hình ảnh của tướng Giáp với lòng ngưỡng mộ và tôn trọng sâu sắc, lực lượng vũ trang cách mạng Cuba sẽ luôn trân trọng những đóng góp vô giá của ông cho học thuyết quân sự Cuba”.
Nhân dân Cuba luôn nhớ tới hình ảnh của tướng Giáp với lòng ngưỡng mộ và tôn trọng sâu sắc, lực lượng vũ trang cách mạng Cuba sẽ luôn trân trọng những đóng góp vô giá của ông cho học thuyết quân sự Cuba.
Chủ tịch Cuba RAUL CASTRO
Cuba cũng phát huy tinh thần Điện Biên Phủ để tỏ tình đoàn kết với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam và phát động phong trào thi đua sản xuất trong nước. Xuyên suốt lịch sử, phong trào nhân dân thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ bằng nhiều hình thức độc đáo, như Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp tổ chức “Đêm vì hòa bình ở Việt Nam”, nhân dân Uruguay tổ chức “Đêm Việt Nam”. Đặc biệt ở Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh diễn ra dưới nhiều hình thức như: “Đi bộ vì hòa bình”, “Ngày tạm ngừng hoạt động vì Việt Nam”, đốt thẻ quân dịch, trốn lính...
Để hiểu thêm cuộc kháng chiến chống Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ của Việt Nam, Cuba đã cho dịch hàng loạt cuốn sách từ tiếng Việt sang tiếng Tây Ban Nha như: Thông sử Việt Nam qua các giai đoạn, Việt Nam một thế kỷ đấu tranh, Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc với nhân vật anh hùng Núp mà Cuba ngưỡng mộ nhằm phổ biến rộng rãi trong nhân dân và truyền bá sang các nước khác ở khu vực Mỹ Latin.
PGS, TS Nguyễn Ngọc Mão đánh giá, nhân dân Cuba và đặc biệt là nhà lãnh đạo, Chủ tịch Fidel Castro cho thấy sự nhạy bén với thời cuộc, sớm nhận thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập, tự do và bình đẳng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Cuba nhanh chóng đến với Việt Nam.
Ngày nay, xu hướng phát triển của thế giới đã thay đổi khác với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Song, Cuba vẫn tiếp tục bị phong tỏa và cấm vận từ mọi phía. Sự phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính từ nước ngoài thậm chí ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Thế nhưng, nhân dân Cuba vẫn quyết tâm bảo vệ, phát huy những thành quả cách mạng của mình, vẫn trung thành với lý tưởng của chủ nghĩa xã hội và không lùi bước trước bất kỳ kẻ thù nào. Nhiều thập niên đã trôi qua nhưng tinh thần Điện Biên Phủ của Việt Nam vẫn vẹn nguyên ý nghĩa đối với nhân dân Cuba trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nội dung: HUY VŨ
Trình bày: TRUNG HƯNG