FULRO - BÓNG MA ÁM ẢNH TÂY NGUYÊN
Fulro, dưới bàn tay giật dây của các thế lực thù địch với nước ta, là một tổ chức phản động cực kỳ nguy hiểm. Cái tên của tổ chức ấy gắn với sự đen tối, là bóng ma hãi hùng ám ảnh vùng đất Tây Nguyên trong nhiều thập niên qua. Mặc dù hiện nay, về cơ bản, tổ chức Fulro đã bị xóa sổ, nhưng tàn dư của nó vẫn chưa thực sự chấm dứt, vẫn tồn tại trong “vấn đề Tây Nguyên”, “âm mưu Tây Nguyên” thông qua các hình thức khác với thủ đoạn không kém phần tinh vi và tàn bạo. Cuộc tấn công của những kẻ khát máu với sự chỉ đạo của tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, vào trụ sở chính quyền và công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vào lúc 1 giờ sáng ngày 11/6/2023 vừa qua gây nên sự hy sinh của 9 cán bộ, công an và người dân, gây sự bất ổn nghiêm trọng an ninh chính trị địa phương là một minh chứng rõ nét…
Với loạt bài hồ sơ-tư liệu “Fulro-bóng ma ám ảnh Tây Nguyên”, một lần nữa, chúng tôi xin góp một góc nhìn tái hiện phần nào hoạt động và bản chất của tổ chức tội ác này. Đồng thời xin được tôn vinh những chiến công của quân và dân Tây Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh đầy cam go và mất mát, hy sinh nhằm chống lại những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ sự bình yên cho mảnh đất hùng vĩ trong lòng Tổ quốc…
“Nhà nước Đề Ga” hay “Cộng hòa Đề Ga” là một tổ chức phản động của nhóm người lưu vong với mưu đồ ly khai khu vực Tây Nguyên thành một quốc gia riêng rẽ độc lập. Tổ chức này được sự hỗ trợ của “Quỹ người Thượng” thành lập tại Mỹ do Ksor Kớk cầm đầu đã tiến hành nhiều âm mưu điên cuồng, thâm độc, khuấy động cuộc sống yên lành của vùng đất Tây Nguyên, làm mất an ninh trên toàn Tây Nguyên - Việt Nam…
Như đã nói ở phần trước loạt bài này, khi Liên hợp quốc đưa lực lượng UNTAC vào thực hiện giải pháp chính trị ở Campuchia, Fulro hầu như không còn chỗ dựa. Với sự chấp thuận của Hoa Kỳ, tháng 12/1992, toàn bộ số Fulro còn lại gồm 407 tên (kể cả phụ nữ và trẻ em) do Y Pênh A Yun cầm đầu đã ra hàng UNTAC. Tại lễ hạ cờ đó, Y Pênh A Yun đã chính thức tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang của Fulro, giao nộp vũ khí, và sau đó được người Mỹ đưa đi định cư ở bang Colorado. Tưởng rằng mọi chuyện đến đó là kết thúc.
Thế nhưng, với ảo vọng điên cuồng của nhóm phản động người gốc Tây Nguyên do Ksor Kớk cầm đầu, dưới sự giật dây và hỗ trợ của các thế lực thù địch Việt Nam đã tiếp tục tạo nên sự bất ổn chính trị, trật tự trị an đối với vùng đất Tây Nguyên.
Sau buổi lễ thành lập “Nhà nước Đề Ga” vào năm 2000 mà thực chất là kế hoạch vô vọng phục hồi lại Fulro cũ, từ Mỹ, Ksor Kớk đã chỉ đạo tay chân chuyển tài liệu về nước, tuyên truyền, mở rộng mạng lưới và gây dựng tổ chức. Chúng tôi tạm gọi tất cả những trò chính trị bẩn thỉu này của Kớk và những kẻ nấp phía sau y là một hệ thống mưu đồ đen tối và thù địch - là “âm mưu Tây Nguyên”.
Với ảo vọng điên cuồng của nhóm phản động người gốc Tây Nguyên do Ksor Kớk cầm đầu, dưới sự giật dây và hỗ trợ của các thế lực thù địch Việt Nam đã tiếp tục tạo nên sự bất ổn chính trị, trật tự trị an đối với vùng đất Tây Nguyên.
Để hiểu thêm về cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị” ảo tưởng này, cũng cần nói thêm đôi chút về “ngài tổng thống tự phong” Ksor Kớk. Kớk là ai? Theo một số tài liệu và lời kể của một số nhân chứng, Ksor Kớk sinh năm 1943 tại làng Bon Broai, xã Yatul, huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai. Năm 1958, y gia nhập phong trào BaJaRaKa. Năm 1964, Kớk đi Campuchia để tham gia tổ chức Fulro, lúc đó vừa mới thành hình. Tướng Y’Bham Ênuôl, thủ lĩnh Fulro, đã bổ nhiệm y làm đại diện tộc Jarai của khu vực Pleiku và Cheo Reo.
Trong bảy năm tiếp sau đó, Ksor Kớk đầu quân cho quân đội Mỹ và phục vụ tại Sư đoàn 4 bộ binh đóng ở Pleiku, nhưng y vẫn là người của Fulro. Khi Hoàng thân Norodom Sihanouk bị lật đổ năm 1970, tất cả quân số Fulro ở Campuchia đều bị sung vào các lực lượng của Quân đội Cộng hòa Khmer do Tướng Lon Nol chỉ huy. Bởi biến cố chính trị này của Campuchia mà Fulro đã nằm im trong giai đoạn 1970-1973.
Giữa những năm 1971-1974, chính Tướng Lon Nol đã gửi Ksor Kớk đi học tại Trường Sĩ quan tình báo Mỹ ở Okinawa và Trường Đào tạo sĩ quan phiên dịch tại Mỹ. Lợi dụng tình thế “nhất cử lưỡng tiện” này, Tướng Y Bham Ênuôl đã cử Ksor Kớk làm đại diện của ông ta đối với Chính phủ Mỹ và Liên hợp quốc. Khi Fulro hồi phục, năm 1974, Ênuôl bổ nhiệm Ksor Kơk làm Tổng tham mưu trưởng Fulro…
Để tiếp tục thực hiện ảo vọng đen tối của một kẻ mà suốt cuộc đời làm tay sai ngoại bang, từ giữa năm 1998 đến nay, Ksor Kớk chỉ đạo cho một số cá nhân là người dân tộc thiểu số từ nước ngoài về móc nối với các phần tử phản động, quá khích tại vùng Tây Nguyên, phát tán tài liệu có nội dung kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc.
Năm 2000, y đã cùng một số nhân vật lưu vong thành lập và ra mắt trên đất Mỹ cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị” và tự phong cho mình cái chức “tổng thống”, với mục đích chính là tạo cớ thu hút sự ủng hộ về mặt tài chính của các tổ chức phản động khác.
Sau đó, tháng 2/2001, một bộ phận đồng bào dân tộc tại các địa phương vùng Tây Nguyên đã bị y và tay chân lôi kéo, xúi giục, dọa dẫm bắt tập trung đến trụ sở chính quyền tỉnh Gia Lai đưa ra những kiến nghị vô lý. Tại một số địa phương ở Đăk Lăk và các tỉnh khác tại Tây Nguyên cũng xảy ra các vụ gây rối tương tự. Rồi tiếp đó là sự kiện gây rối năm 2004 tại các tỉnh Tây Nguyên. Ai cũng biết, “tổng thống” Ksor Kớk là người đứng phía sau tất cả những vụ gây bất ổn đó. Và sau lưng Kớk là ai thì thiết nghĩ không cần phải nói thêm…
Ksor Kớk đã tham gia Đảng cấp tiến xuyên quốc gia (TRP) năm 2001. Tháng 8/2001, sau khi tổ chức những cuộc biểu tình, bạo loạn tại Tây Nguyên, Kớk đã mượn diễn đàn phát biểu ý kiến đại diện cho TRP tại tiểu ban Liên hợp quốc về nhân quyền. Tháng 4/2002, Ksor Kớk cũng lại phát biểu trước Ủy ban Liên hợp quốc về nhân quyền tại Geneva rồi sau đó là tại hai cuộc điều trần về tự do tôn giáo tại Thượng viện và Hạ viện Ý tháng 10/2002.
Năm 2003, y lại phát biểu tại Thượng viện Mỹ về vấn đề nhân quyền. Nội dung các cuộc điều trần này là xuyên tạc về tình hình cuộc sống của người dân tộc thiểu số Việt Nam và bóp méo các thông tin về các vùng dân tộc để chứng minh điều mà tên phản động lưu vong này gọi là “sự đàn áp của Chính phủ Việt Nam đối với người dân tộc”.
Trong sự kiện ngày 10/4/2004, Ksor Kớk cũng tranh thủ sự chú ý của công luận để xuất hiện nhằm đánh bóng tên tuổi của mình. Y liên tục xuất hiện trên các diễn đàn quốc tế, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, ra tuyên bố trên các website có tư tưởng thù địch với Việt Nam…
Ksor Kớk là ai? Chúng tôi thiết nghĩ không nên dành thêm ngôn từ để nói về kẻ phản lại chính dân tộc, Tổ quốc và đồng bào của chính mình. Xin trích lời Nhạc sĩ Linh Nga Niek Đăm - một người con Tây Nguyên trong bức thư ngỏ gửi y:
… Một đứa con bỏ amí (mẹ) già và quê hương không ngó ngàng gì đến, đi biệt xứ 40 năm nay như ông, một người khuyến khích toàn thể cộng đồng mình từ bỏ truyền thống văn hóa của ông bà ta xưa - kẻ vi phạm luật tục - có quyền gì? Nhân danh ai mà dám gây nên những xáo trộn trong đời sống buôn làng, đòi hỏi quyền lợi cho người dân tộc thiểu số Tây Nguyên (trong đó có cả mẹ và các em ông) chứ?
*Bài đã đăng trên ấn phẩm Thời Nay - Báo Nhân Dân
Tác giả: Uông Thái Biểu
Trình bày: Ngọc Diệp