BẠN ĐỌC BỐN PHƯƠNG VỚI
NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp:

Nhân Dân điện tử luôn là một địa chỉ quen thuộc với Việt kiều xa quê

Tôi nhớ rõ rằng Báo Nhân Dân điện tử lên Internet từ năm 1998. Đó là môt sự đổi mới rất quan trọng và kịp thời của tờ báo Đảng để khẳng định vai trò là ngọn cờ chính trị, tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực báo chí.

Đây là bước phát triển mới trong lịch sử phát triển của Báo Nhân Dân vươn ra thế giới, cung cấp những thông tin chính xác cho cho kiều bào ở xa Tổ quốc về tình hình Việt Nam cũng như quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cùng với việc giữ vững bản sắc truyền thống, Báo Nhân Dân đã có một sáng kiến rất táo bạo, đó là xây dựng một tờ báo điện tử để phát huy vị trí quan trọng trong làng báo chí Việt Nam, phục vụ các độc giả Việt kiều trên thế giới một cách nhanh hơn.

Thường xuyên theo dõi, tôi thấy Báo Nhân Dân điện tử liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, đa dạng hóa cách chuyển tải, tạo nhiều tiện ích cho bạn đọc. Báo Nhân Dân điện tử còn có nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Trung Quốc giúp con em Việt kiều sinh trưởng ở nước ngoài không rành tiếng Việt cũng như người nước ngoài nắm bắt kịp thời tình hình ở Việt Nam.

Thường xuyên theo dõi, tôi thấy Báo Nhân Dân điện tử liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, đa dạng hóa cách chuyển tải, tạo nhiều tiện ích cho bạn đọc. Báo Nhân Dân điện tử còn có nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Trung Quốc giúp con em Việt kiều sinh trưởng ở nước ngoài không rành tiếng Việt cũng như người nước ngoài nắm bắt kịp thời tình hình ở Việt Nam.

Tôi xin kể lại một thí dụ về sự lan tỏa thông tin từ Báo Nhân Dân điện tử. Sau khi đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 vào năm 2016, khi trở về đất liền, tôi có viết 2 cuốn sách: Biển đảo quê hương và Biển đảo: Lịch sử và pháp lý bằng tiếng Việt. Phóng viên của Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp đã phỏng vấn tôi về nội dung của 2 cuốn sách này, đăng trên Báo Nhân Dân điện tử tiếng Việt và tiếng Pháp. Nhờ bài đăng trên Báo Nhân Dân điện tử tiếng Pháp, con tôi biết nhiều thông tin về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày càng có nhiều bạn đọc ở nước ngoài xem Báo Nhân Dân trên mạng. Như vậy có thể thấy rõ, Báo Nhân Dân điện tử đã góp phần quan trọng vào việc giới thiệu những thành tựu của đất nước trong công cuộc đổi mới, tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, giới thiệu tới Việt kiều cũng như người nước ngoài về lịch sử, văn hóa đặc sắc của đất nước ta.

Báo Nhân Dân điện tử tiếng Việt cũng như tiếng nước ngoài không chỉ góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của kiều bào ở xa Tổ quốc mà còn thu hút sự quan tâm, chia sẻ quan điểm, rồi ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Báo Nhân Dân điện tử tiếng Việt cũng như tiếng nước ngoài không chỉ góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của kiều bào ở xa Tổ quốc mà còn thu hút sự quan tâm, chia sẻ quan điểm, rồi ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Với cá nhân tôi, một kiều bào sống xa quê hương đã hơn nửa đời người, Báo Nhân Dân điện tử luôn là một địa chỉ quen thuộc để tìm đến. Mấy năm qua, tôi thấy Báo Nhân Dân điện tử đã áp dụng nhiều tiến bộ của công nghệ thông tin-truyền thông để mỗi ngày cung cấp cho bạn đọc ở ngoài nước khối lượng thông tin rất phong phú và có giá trị. Đó là một thành công rất lớn trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên thế giới.

Xin chân thành cảm ơn các nhà báo Nhân Dân đã nỗ lực chuyển tải tin tức chính xác và kịp thời cho độc giả ở nước ngoài, đặc biệt là Việt kiều, giúp chúng tôi gần đất nước hơn, có niềm tin vững chắc vào tương lai tương sáng của Tổ quốc. Xin chúc Báo Nhân Dân điện tử tiếp tục có những đổi mới, xứng đáng với nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó và ngày càng gần gũi với nhân dân ở trong và ngoài nước.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia Trung tâm chiến lược Nga tại châu Á (Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga), Giám đốc Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và Hữu nghị”:


Nhân Dân điện tử nên làm nổi bật chuyên mục “Người Việt Nam ở nước ngoài”

Khi còn nhỏ, tôi đã rất mê đọc sách, báo. Những năm 70, đầu những năm 80 (của thế kỷ trước), mua được một tờ báo giấy rất khó khăn. Mỗi người chỉ được mua 1 tờ. Tôi và một vài người bạn tìm mọi cách làm quen với cô bán báo ở bưu điện. Sau đó, mỗi dịp hè, hằng ngày không kể nắng mưa, chúng tôi giúp cô đẩy chiếc xe đạp cũ kỹ, trên đó chở một bồ thông tin nặng trĩu và cao ngất về đến bưu điện. Nhờ đó, chúng tôi được mua 2 tờ báo. Ưu tiên của tôi là 1 tờ báo thể thao và một tờ báo tin tức. Lựa chọn của tôi thường là Báo Nhân Dân.

Sau này khi làm công tác nghiên cứu khoa học, tôi thường xuyên truy cập Báo Nhân Dân điện tử và coi đó như phương tiện thiết yếu khi làm việc. Đó là nguồn tra cứu, trích dẫn, cập nhật và kiểm chứng thông tin một cách chính thống, nhanh nhạy, chính xác và tin cậy nhất.

Tôi rất nhớ kỷ niệm đầu tiên với Báo Nhân Dân. Hồi đó tôi có dịch bài báo của một học giả nổi tiếng người Nga nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Nga. Khi bài báo được đăng, tôi có cảm giác lâng lâng vui sướng, bởi để có bài đăng trên Báo Nhân Dân, tôi biết rất khó. Câu từ trên báo, nhất là những bài viết chính luận luôn được đánh giá là chuẩn mực, trau chuốt.

Báo Nhân Dân điện tử hiện nay có giao diện đẹp, thân thiện với bạn đọc. Các chuyên mục của báo rất phong phú. Trong đó, tôi rất ấn tượng các chuyên mục, như Tri thức chuyên sâu và nhất là Kiểm chứng thông tin. Trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin tràn lan trên mạng, không ít thông tin thiếu chính xác, thậm chí là xấu, độc, chuyên mục này là vô cùng cần thiết, để những thông tin đó “không còn chỗ đứng” trong xã hội.

Trong bài nói chuyện của mình tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III, diễn ra năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam đã nói: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc”.

Nghĩa là chúng ta phải xác định rõ ràng mục đích và đối tượng của Báo, phải làm việc đó một cách cẩn trọng, chính xác, trong mỗi chuyên mục, mỗi bài báo, mỗi vấn đề đặt ra. Đối tượng của Báo Nhân Dân cũng rất rộng, thuộc đủ mọi tầng lớp và trải dài khắp mọi miền đất nước và cả kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới. Vì thế, nội dung của báo không những chỉ cần chính xác, mà còn phải nhanh, hấp dẫn, mang hơi thở cuộc sống và thời đại.

Báo Nhân Dân điện tử hiện nay có giao diện đẹp, thân thiện với bạn đọc. Các chuyên mục của báo rất phong phú. Trong đó, tôi rất ấn tượng các chuyên mục, như Tri thức chuyên sâu và nhất là Kiểm chứng thông tin. Trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin tràn lan trên mạng, không ít thông tin thiếu chính xác, thậm chí là xấu, độc, chuyên mục này là vô cùng cần thiết, để những thông tin đó “không còn chỗ đứng” trong xã hội.

Theo tôi, Báo Nhân Dân điện tử nên tiếp tục đổi mới toàn diện theo hướng đa phương tiện, tiện ích, gần gũi và thân thiện với bạn đọc, chuyển tải thông tin mọi mặt đời sống trong nước và quốc tế, đồng thời tiếp tục là cầu nối thông tin tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân và kiều bào trên thế giới, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước.

Nhân Dân điện tử nên làm nổi bật chuyên mục “Người Việt Nam ở nước ngoài”, góp phần củng cố mối Đại đoàn kết dân tộc, giúp quy tụ rộng rãi và phối hợp các nguồn lực nhằm hỗ trợ các hoạt động giao lưu nhân dân, gìn giữ, củng cố và phát triển tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với nhân dân các nước.

Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Báo Nhân Dân điện tử, tôi xin chúc Báo luôn xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đặt tên cho Báo Nhân Dân: “Lấy tên là Nhân Dân. Đảng ta chỉ có một mục đích là phụng sự nhân dân thì tờ báo của Đảng lấy tên là Nhân Dân”.

Anh Đỗ Khương My, người Việt Nam công tác tại Bắc Kinh (Trung Quốc):

Cần tăng cường thông tin tư vấn cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam

Tôi là người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Bắc Kinh, Trung Quốc hơn 20 năm qua, đã thường xuyên theo dõi các ấn phẩm của Nhân Dân điện tử trong nhiều năm.

Cá nhân tôi nhận thấy đã có sự cải tiến sâu về hình thức cũng như nội dung của Báo trong vài năm gần đây. Nội dung ngày càng phong phú, các thông tin thời sự trong nước và quốc tế được cập nhật rất kịp thời, qua đó giúp chúng tôi, những người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài nắm được những tình hình phát triển, sự đổi mới của quê hương, đất nước cũng như trên thế giới; đặc biệt là hiểu rõ hơn về các chính sách bảo hộ công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Trung Quốc và nước ngoài.

Ngoài những thông tin về tình hình quan hệ chính trị, còn nhiều thông tin về quan hệ hợp tác, phát triển giữa hai nước; các chính sách về thương mại, xuất nhập khẩu các ngành hàng nông sản, thủy hải sản giữa hai bên.

Bản thân tôi hy vọng trong thời gian tới, Báo Nhân Dân điện tử phát triển nội dung ngày càng phong phú hơn, tăng cường các bài viết liên quan tới các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các thông tin tư vấn, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có mong muốn sang Việt Nam hợp tác, đầu tư.

Chị Hoàng Thị Hạnh Trang, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Đại học Nhân Dân (Trung Quốc):

Tôi tìm thấy một “bách khoa toàn thư về Việt Nam” bằng tiếng Trung trên Nhân Dân

Là độc giả trung thành của Nhân Dân điện tử tiếng Trung Quốc trong suốt 7-8 năm qua, đối với tôi, đây vừa là một nguồn thông tin hữu ích, vừa là một trợ thủ đắc lực cho việc học tập, cũng là một món ăn tinh thần thân quen gắn bó hằng ngày.

Là một người làm nghiên cứu khoa học ở nước ngoài trong lĩnh vực đối ngoại, Nhân Dân điện tử tiếng Trung Quốc đã bền bỉ đồng hành cùng tôi trên hành trình chinh phục tri thức và góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới, là kênh thông tin chính thống uy tín hàng đầu mà tôi thường ưu tiên lựa chọn trích dẫn trong các nghiên cứu của mình.

Bên cạnh đó, đây là nơi tôi tin cậy tìm đọc và tham khảo thông tin mỗi khi giới thiệu đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, tạo cho tôi cảm giác đây chính là một “Việt Nam thu nhỏ” hay “bách khoa toàn thư về Việt Nam” bằng tiếng Trung khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác.

Vài năm gần đây, tôi nhận thấy Báo Nhân Dân điện tử nói chung đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để làm mới chính mình và theo kịp hơi thở của thời đại: Giao diện ngày càng trẻ trung, bắt mắt; nội dung và phong cách đưa tin ngày càng năng động; tận dụng rất tốt xu thế chuyển đổi số và các phương thức truyền thông mới, các trang mạng xã hội có khả năng tương tác cao để tiếp cận gần hơn, nhanh hơn với bạn đọc.

Vài năm gần đây, tôi nhận thấy Báo Nhân Dân điện tử nói chung đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để làm mới chính mình và theo kịp hơi thở của thời đại: Giao diện ngày càng trẻ trung, bắt mắt; nội dung và phong cách đưa tin ngày càng năng động; tận dụng rất tốt xu thế chuyển đổi số và các phương thức truyền thông mới, các trang mạng xã hội có khả năng tương tác cao để tiếp cận gần hơn, nhanh hơn với bạn đọc.

Đặc biệt, những tin tức cập nhật từ hiện trường của nhóm phóng viên thường trú tại nước ngoài luôn thu hút sự chú ý của tôi từ cái nhìn đầu tiên, vì thông tin truyền tải không những đảm bảo tính thời sự mà còn đi kèm với những hình ảnh, thước phim đặc sắc, phong phú, tái hiện sinh động nhịp sống năm châu muôn màu, cho thấy sự tận tâm và nỗ lực to lớn không biết mệt mỏi của đội ngũ phóng viên nhằm không ngừng mang tới bạn đọc những sản phẩm hay hơn, đẹp hơn và nhanh hơn.

Thời gian tới, tôi mong rằng ngoài đối tượng độc giả trong nước có nhu cầu sử dụng tiếng nước ngoài như tôi, sẽ có thêm nhiều hơn nữa độc giả người nước ngoài tìm đến và gắn bó cùng Nhân Dân điện tử như một cầu nối để thêm hiểu, thêm yêu Việt Nam.

Cuối cùng, xin được gửi lời cảm ơn chân thành và lời chúc mừng trân trọng nhất đối với những thành tựu rực rỡ 25 năm qua của Nhân Dân điện tử, từ đó tiếp bước trên chặng đường mới luôn xứng danh là lá cờ đầu của công tác thông tin đối ngoại nước nhà!

Anh Kim Nguyên Bảo, Tiến sĩ Quan hệ quốc tế (Hà Nội):

Tiếng nói của một Việt Nam mới

Tròn 25 năm Báo Nhân dân xuất hiện trên internet là quãng thời gian gắn với quá trình internet tiến vào Việt Nam và góp phần làm thay đổi toàn diện kinh tế-xã hội, đời sống tinh thần cũng như quá trình hội nhập của đất nước ta.

Đó cũng là 1/4 thế kỷ quan trọng trong lịch sử đối ngoại Việt Nam kể từ sau những mốc đáng nhớ như: Năm 1995 (gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ), 1997 (tổ chức hội nghị quốc tế đa phương đầu tiên - Cộng đồng Pháp ngữ) và bắt đầu phần nào bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Do đó, có thể nói, Nhân Dân điện tử là nhật ký quý báu về giai đoạn hội nhập của Việt Nam, cả những thuận lợi, thời cơ lẫn thách thức, nguy cơ.

Ở góc độ một độc giả trẻ quan tâm đến quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, tôi cảm nhận sâu sắc giá trị của Báo Nhân Dân điện tử là điểm tựa thông tin cho những độc giả còn thiếu kinh nghiệm sống và khả năng chắt lọc thông tin.

25 năm qua, thế giới chứng kiến rất nhiều biến động và những sự kiện khó dự báo. Quãng thời gian hội nhập của đất nước ta cũng đối mặt với những cuộc chiến thông tin, tư tưởng mà internet đã trở thành phương tiện nhanh nhất được các thế lực sử dụng để làm phân hóa từ bên trong.

Đó là mảnh đất xuyên tạc cho các thế lực thù địch hướng đến thế hệ X, Z, đặc biệt là người trẻ phân vân hoặc tiêu cực trong đánh giá. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông chính thống thể hiện vai trò, sứ mệnh dẫn dắt và sức chiến đấu của mình.

Và thật đáng tự hào rằng, Báo Nhân Dân điện tử - phiên bản trên không gian số của cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và tiếng nói của Nhân Dân Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ của mình.

Nếu ví Nhân Dân điện tử như một con người thì cô/cậu thanh niên ấy đã bắt đầu bước vào giai đoạn chín chắn sau những thử nghiệm, học hỏi. Dẫu có những thất bại, buồn vui lẫn lộn thì con người đó đã bắt đầu hoàn thiện bản thân, vẫn giữ lại sức trẻ như năm 18, 20 song đã chín chắn, điềm đạm hơn trong từng bước đi của mình.

Chúng tôi thật sự cảm nhận Báo Nhân Dân nói chung và Nhân Dân điện tử nói riêng là nơi bảo vệ nền tảng tư tưởng, giải thích chính sách nhưng cũng là nơi một tiếng nói của Việt Nam mới được truyền tải sinh động, thuyết phục, hiện đại.

Chúng tôi thật sự cảm nhận Báo Nhân Dân nói chung Báo Nhân Dân điện tử nói riêng là nơi bảo vệ nền tảng tư tưởng, giải thích chính sách nhưng cũng là nơi một tiếng nói của Việt Nam mới được truyền tải sinh động, thuyết phục, hiện đại.