Ba lần gặp Bác Hồ
Nhà văn M.GIULÁPXKI (Ba Lan)
* Bài đăng trên báo Cuộc sống Vácxôvi


Tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đã khá lâu. Đó là vào năm 1946 tại Pari khi Người sang Pháp để đàm phán hòa bình.
Trong những ngày ở đấy, Người được Việt kiều ở Pháp đón tiếp rất long trọng. Ảnh của Người được in trên hầu hết các báo xuất bản ở Pháp, nên khi Người bước vào phòng họp, tôi nhận ra ngay. Chỉ có một điều trong thực tế Người trông khác hẳn, vẫn cái dáng gầy, nhỏ nhắn với chòm râu thưa và bộ quân phục nhã nhặn, nhưng không một chiếc ảnh nào thu được ánh sáng long lanh của đôi mắt và lột tả nổi nét đẹp cân đối tuyệt vời của thân hình đó.
Tôi không còn nhớ được cặn kẽ diễn biến của cả hội nghị, nhưng có một việc làm tôi nhớ mãi và rất rõ như vừa mới xảy ra hôm qua.
Một hôm, các cháu thiếu nhi Việt Nam ở Pari tới thăm Bác Hồ. Một cô giáo trẻ người Việt Nam dẫn các cháu tới đó. Đây là lần đầu tiên tôi được may mắn nghe các bài hát Việt Nam. Các cháu thiếu nhi hát cho Bác Hồ, người đại diện cho cả Tổ quốc xa xôi nghe. Bác ngồi nghe rất cảm động. Có lẽ những tiếng đàn hát này đang làm Người sống lại thời thơ ấu của mình ở Kim Liên.
Hát xong, cô giáo định cho các cháu ra về vì sợ quấy phiền Bác, song Bác vui vẻ giữ cả lại. Người đặt tay lên đầu một cháu gái nhỏ nhất rồi hỏi:
- Thế các cháu có biết bài hát Quốc ca của Pháp không?
Tất cả đều đồng thanh trả lời: “Có ạ”. Bác nói: “Thế thì các cháu hát xem nào”.
Những giọng hát thanh, nhỏ nhẹ của các cháu cùng một lúc ngân vang lên bài ca cách mạng mà từ lâu đã trở thành Quốc ca của nước Pháp, Bác khẽ gật đầu nheo đôi mắt lại. Một sự cảm động thật sự choán hết tâm hồn những người Pháp có mặt ở đấy. Rất rõ ràng đây không phải là một cử chỉ ngoại giao của Bác. Chúng tôi ai cũng thấy đó là biểu hiện của một thiện chí hòa bình, một biểu hiện hùng hồn tình yêu của Bác dành cho những truyền thống đấu tranh vì tự do của Pháp, dành cho nước Pháp với cái nghĩa thực sự của nó.
Nhưng chính lúc bấy giờ trên khuôn mặt Bác đã thoáng hiện những điều lo lắng. Mấy tuần sau, Người rời Pháp. Ba tháng sau, thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh mà nhân dân Pháp gọi là “Cuộc chiến tranh bẩn thỉu”.


Lần thứ hai, tôi may mắn được gặp Bác vào 8 năm sau, mùa thu năm 1954. Chính xác hơn là hai ngày sau khi Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào Hà Nội.
Tôi có mặt ở Việt Nam lúc bấy giờ cùng mấy nhà báo châu Âu khác nữa. Đang viết dở bài phóng sự về những ngày đầu giải phóng Thủ đô thì các bạn Việt Nam đưa cho tôi một tờ giấy mời tới gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ đang ở Sơn Tây.
Chúng tôi được dẫn tới một căn nhà lợp rạ, tường quét vôi trắng. Một chiếc bàn nhỏ, giản đơn kê giữa phòng và trên đó là những chiếc cốc thủy tinh dày màu xám. Ngồi xuống ghế, chúng tôi chưa kịp nhấp một ngụm nước thì chiếc rèm che cửa vào phòng bên làm bằng vải dù khẽ mở và có tiếng chào bằng tiếng Nga. Chúng tôi quay lại, “Bác!”

Hàng vạn người dân Hà Nội đổ ra đường hân hoan vẫy chào đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô, sáng 10/10/1954. Nguồn: Tư liệu TTXVN
Hàng vạn người dân Hà Nội đổ ra đường hân hoan vẫy chào đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô, sáng 10/10/1954. Nguồn: Tư liệu TTXVN
Bác vẫn giản dị, gần gũi hệt như 8 năm về trước. Người mặc chiếc áo sơmi đen mỏng, song tôi bỗng cảm thấy Bác đẹp, trẻ hơn ra và tất nhiên là vui hơn trước. Tôi nói với Người điều đó không một chút ngần ngại. Bác cười: “Ai cũng bảo vậy cả. Cuộc sống giữa rừng sâu và trước hết là chiến thắng đã làm tôi rất sung sướng”.
Người ra hiệu cho đồng chí phiên dịch không cần thiết phiên dịch rồi nghe phóng viên báo Sự thật nói, thỉnh thoảng Bác trả lời bằng tiếng Nga.
Sau đó, Người nói chuyện bằng tiếng Italia với phóng viên báo Công nhân. Có lẽ nhận thấy sự ngạc nhiên của chúng tôi, Bác cười vui vẻ nói (Người nói bằng tiếng Pháp):

Cả nhà báo nước ngoài thường hay kể những chuyện phóng đại về tôi. Nhưng cũng có những chuyện đúng. Khi còn trẻ quả thật tôi có làm bồi bếp trên tàu, có đến Mỹ, Anh, Đức. Tôi cũng đã từng sống ở Pari và bắt đầu hoạt động cách mạng cùng các đồng chí Pháp. Nhiều lần tôi qua Liên Xô, Trung Quốc. Ở đâu tôi cũng được công nhân dạy tiếng nước họ. Tôi sống cùng với công nhân ở Italia rồi cả ở châu Mỹ nữa...
Lần thứ ba tôi được gặp Người. Sự việc xảy ra như sau:
Nhân dân Thủ đô Hà Nội bắt đầu bàn tán nhiều về việc đón tiếp trọng thể Bác Hồ từ Sơn Tây trở về. Ủy ban Quân sự tạm thời triệu tập đại biểu các đoàn thể chuyển lời chúc mừng của Bác tới mọi người. Cuộc họp diễn ra ở ngôi nhà cạnh tòa công sứ. Tôi với danh nghĩa một nhà báo nước ngoài cũng được mời tới dự.
Đầu tiên, Ủy ban kêu gọi mọi người làm theo nguyện vọng của Bác là không nên tổ chức gì cả. Bác không muốn tốn kém tiền bạc vì những điều chưa cần thiết và làm mất thời gian của mọi người. Nhưng chưa một ai chịu nghe, họ nhao nhao lên: “Thế là thế nào? Tám năm trời chúng tôi chỉ đợi tới phút này, khi Bác - biểu tượng cho độc lập, thống nhất Tổ quốc - trở về để đón. Vậy mà bây giờ lại phải từ bỏ nguyện vọng đó ư?”.
Cuộc tranh luận kéo dài tưởng không bao giờ chấm dứt. Cuối cùng, đại diện Ủy ban đành đưa ra ý kiến: “Hiện nay bên tòa công sứ các bộ trưởng đang họp, các đồng chí có muốn gặp Bác không?”.

Bác Hồ tiếp các đại biểu nhân dân Thủ đô, ngày 16/10/1954. Nguồn: Tư liệu TTXVN
Bác Hồ tiếp các đại biểu nhân dân Thủ đô, ngày 16/10/1954. Nguồn: Tư liệu TTXVN
Tất nhiên là ai cũng muốn. Chúng tôi kéo nhau sang đó và bước vào phòng tiếp khách. Không một ai được báo trước, chỉ mới kịp ngồi xuống, Bác đã bước vào. Một phút bất ngờ, ngạc nhiên và im lặng. Rồi tất cả reo ầm lên...
Sau đó, Người nói nhiều về tình cảm của nhân dân đã dành cho bộ đội và cách mạng. Bác muốn trở về Hà Nội không cần một nghi thức nào để đỡ tốn kém. Trong lúc đất nước còn gặp nhiều khó khăn, cần phải sống giản dị như mọi người.
Bác kéo cháu bé tặng hoa vào lòng rồi ngồi nép lại nhường chỗ cho cháu. Bác nhỏ nhắn đến nỗi cả hai bác cháu ngồi vào một chiếc ghế bành mà vẫn rất vừa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có một tình cảm đặc biệt đối với thiếu nhi. Đồng chí Nguyễn Văn Tạo kể cho tôi nghe rằng ngày 19/12/1946 khi đại bác bắt đầu gầm lên ở Hà Nội, lời đầu tiên của Bác là: “Các chú đã kịp cho tất cả các cháu thiếu nhi đi tản cư chưa?”.
Đấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người như vậy!
Trình bày: TRUNG HƯNG
E-MAGAZINE
nhandan.vn
