Ba chữ “An”
cho người lao động
Đã thành lệ nhiều năm, cứ sau mỗi dịp nghỉ Tết truyền thống, doanh nghiệp lại ngược xuôi lo chuyện thiếu hụt nguồn cung lao động. Năm nay, nỗi lo này còn lớn hơn bởi sau những “di chứng” của dịch Covid-19, người lao động không chỉ cần có việc làm. Giờ đây, ba chữ “An”: An toàn-An tâm-An cư là mấu chốt để tạo nên tính bền vững cho thị trường lao động.
Giải pháp “kéo - đẩy” kích hoạt thị trường
Sang năm 2022, nền kinh tế có sớm lấy lại "thăng bằng" và tăng trưởng trở lại hay không, sẽ tùy thuộc một phần không nhỏ vào việc hàn gắn và hợp lý hóa thị trường, cấu trúc lao động vốn đã bị phá vỡ sau làn sóng dịch chuyển lao động do đại dịch Covid-19 gây ra.
Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách vừa chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng, chống Covid-19, vừa thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, nhưng tính chung cả năm 2021, thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp cao hơn năm trước, trong đó, khu vực thành thị vượt mốc 4%. Đó là nhận định nổi bật trong báo cáo "Tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2021" vừa được Tổng cục Thống kê công bố.
Cũng theo báo cáo nói trên, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm qua là hơn 1,4 triệu người, tăng 203,7 nghìn người so năm trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm so năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,42%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 8,48%, tăng 0,52 điểm phần trăm so năm trước. Tỷ lệ này của thanh niên khu vực thành thị là 11,91%, tăng 1,33 điểm phần trăm so với năm trước.
Trước đó, khi khảo sát về thị trường lao động tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhìn nhận, sự thiếu hụt lao động mới diễn ra cục bộ, bởi hiện mới có khoảng 70-75% số doanh nghiệp hoạt động 100% công suất. Số lượng lao động huy động mới ở mức 50-60% so trạng thái bình thường. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp giữ được ổn định nguồn nhân lực vì có chính sách tốt giữ chân người lao động.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt lao động có thể gia tăng trong tháng 1/2022, thời điểm các đơn hàng chạy Tết đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ. Thêm nữa, khoảng cuối quý I và quý II/2022, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao khi các doanh nghiệp được dự kiến hoạt động trở lại với 100% công suất. Nhận định về tình hình lao động, thị trường việc làm trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, kể từ quý II/2022 trở đi xu thế thị trường sẽ "ấm lên", khi tỷ lệ miễn dịch cộng đồng được tăng cao, các doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường.
Dự kiến trong năm 2022, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 lao động, thấp hơn nhiều so các năm trước đó (khi chưa có dịch Covid-19). Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, khi kinh tế tăng trưởng thấp, cầu lao động đương nhiên bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, con số tuyển dụng không nói lên "tổng cầu" mà chỉ phản ánh mức độ dao động của thị trường lao động”.
Năm nay, vì dịch nên rất nhiều công nhân ở lại ăn Tết mà không về quê. Do đó, hiện tượng nhảy việc sau Tết cũng hạn chế đi nhiều. "Muốn xác định "tổng cầu" thị trường phải dựa vào tổng nguồn nhân lực, rồi tỷ lệ tuyển dụng mới, tỷ lệ lao động bị sa thải...
Hóa giải những nghịch lý
Một trong những nội dung quan trọng mà kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV xem xét đó là dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội có tổng quy mô hỗ trợ 340 nghìn tỷ đồng.
Những giải pháp được thiết kế trong chương trình nói trên được trông đợi sẽ giúp khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng với mục tiêu bình quân 6,5%-7% một năm trong 5 năm tới.
Để bảo đảm nguồn nhân lực cho chuỗi sản xuất, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, khuyến nghị, doanh nghiệp cần có các chế độ an toàn phòng, chống dịch để người lao động yên tâm sản xuất. Đối với lao động ngừng việc do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc có người lao động về quê, các doanh nghiệp nên thực hiện các biện pháp nhằm "giữ chân" lao động như chủ động giữ thông tin, liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại. Điều quan trọng, doanh nghiệp cần thực hiện các chế độ hỗ trợ, phúc lợi người lao động như trả lương ngừng việc, hỗ trợ bằng tiền đối với một số ngày nhất định khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương, áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương, hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động để "giữ chân" lao động…
Một điểm mấu chốt nữa chính là hệ thống chính sách được thiết kế để tập trung nâng cao tay nghề cho người lao động, đào tạo ra nguồn lao động đáp ứng sự chuyển dịch trong thị trường lao động. Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, hiện có khoảng 48% số lao động cần đào tạo lại, 53% số doanh nghiệp trong nước không dự báo được tương lai, 68% số cơ sở đào tạo tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho Cách mạng 4.0 và tác động của dịch bệnh. Đó là những con số biết nói cần phải được tiếp thu một cách có trách nhiệm.
Cho sự trở lại
Dịp Tết đến, xuân về, ai cũng xốn xang, mong muốn được đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên không phải công nhân, người lao động nào cũng có điều kiện về quê. Mỗi sự hỗ trợ, chia sẻ, mỗi cặp vé đã tạo nên những chuyến xe nghĩa tình, gắn kết, giúp công nhân được về quê và hào hứng trở lại làm việc.
Một trong những cách chăm lo cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp là lo hỗ trợ phương tiện để họ về quê ăn Tết và trở lại làm việc. Nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan chức năng đã có những cách làm thiết thực. Theo kế hoạch tổ chức chương trình "Tết sum vầy-xuân bình an" năm 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cấp công đoàn chuẩn bị từ 5.000 đến 6.000 suất quà (mỗi suất trị giá 300.000 đồng); chuẩn bị 40 chuyến xe và 1.200 vé xe để tặng công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn; công nhân có quê xa hơn 150 km về quê.
Liên đoàn Lao động Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động "Hỗ trợ phương tiện đưa đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần" năm 2022. Theo đó, Liên đoàn Lao động Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% kinh phí thuê xe, hỗ trợ phương tiện (vé xe, vé tàu hỏa) cho công đoàn cấp trên cơ sở tối đa không quá năm triệu đồng/chuyến. Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được hỗ trợ 30% kinh phí thuê xe, hỗ trợ phương tiện (vé xe, vé tàu hỏa) cho các doanh nghiệp.
Chương trình sẽ được triển khai bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hoạt động "Xe ô-tô Tết", thuê xe, mua và phát vé xe; mua và phát vé tàu… bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, thuận tiện và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Hơn 10 năm qua, TP Hà Nội đã tổ chức hoạt động này. Tại Bắc Ninh, dù nhiều công nhân, người lao động có quê không xa, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng tặng 5.000 vé xe cho đoàn viên làm việc xa quê có nhu cầu về quê.
Còn theo thông tin từ Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, ngoài tổ chức nhiều chương trình chăm lo cho công nhân, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, năm nay, chương trình "Tấm vé nghĩa tình" dự kiến tặng 35.000 vé xe, vé tàu, vé máy bay cho đoàn viên và người lao động khó khăn nhiều năm không có điều kiện về quê, công nhân tiêu biểu trong lao động sản xuất.
Doanh nghiệp nhập cuộc
Ở nhiều doanh nghiệp, hằng năm có chương trình đưa công nhân về quê hoặc hỗ trợ vé để họ đoàn tụ bên gia đình. Tại khu công nghiệp Bàu Xéo (Trảng Bom, Đồng Nai), Công ty TNHH Pousung Việt Nam đã có kế hoạch hỗ trợ vé xe về quê cho công nhân, lao động. Theo đó, công đoàn cơ sở công ty nhận đăng ký xe phục vụ công nhân, khởi hành từ ngày 29/1/2022; vé lượt về quê được công ty chi trả 100%.
Công nhân nhà xa hơn 500 km có thể xin nghỉ thêm hai ngày phép, trẻ em dưới sáu tuổi được miễn phí tiền vé. Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn cũng đã lên chương trình hỗ trợ công nhân, sinh viên. Theo đó, Chương trình "Tết chung một nhà" sẽ hỗ trợ 270 vé máy bay, 1.530 vé xe khách và 200 vé tàu cho 2.000 công nhân, lao động và sinh viên đại học tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai để trở về quê hương dịp Tết Nguyên đán 2022.
Một số doanh nghiệp trước đây thường tổ chức chuyến xe "Xuân nghĩa tình", năm nay thay bằng hình thức tặng quà, tiền mặt để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Chị Bùi Thị Anh, công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Đồng Nai) tâm sự: "Có những người mấy năm không về quê đoàn tụ dịp xuân. Năm nay, tình hình khác nhiều, nhưng em mong có thêm những chuyến xe hỗ trợ, bảo đảm an toàn phòng dịch. Nói gì thì nói, cũng phải về quê để nạp năng lượng, rồi hào hứng làm việc trở lại".
Để xa quê vẫn ấm lòng
Với mỗi công nhân, lao động, thời gian, tâm sức dành cho cơ quan, nhà máy thật nhiều. Nhiều người coi đó là tổ ấm, ngôi nhà thứ hai. Những lúc khó khăn họ được quan tâm, chia sẻ để rồi hăng say hơn trong lao động sản xuất, vượt qua những biến động của đời sống.
Từ ngày 15/9/2021 đến nay, hơn 90% số doanh nghiệp tại Long An hoạt động trở lại, nhưng có tới 154 doanh nghiệp giải thể, 280 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, điều này cho thấy những tổn thương nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra đối với doanh nghiệp. Anh Trần Thanh Vân, làm việc tại Công ty Miền Nam Metro (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), chia sẻ, trong lúc dịch hoành hành, anh còn được làm việc, trả lương thưởng thế này đã là may.
Công ty hiện chỉ mới phục hồi sản xuất 90%, nhưng cũng đã thiếu hụt công nhân. Dự báo là sau Tết, tình trạng này sẽ nặng nề hơn. Để chăm lo Tết cho người lao động, công ty thưởng cho công nhân lương tháng 13 và thưởng thêm cho cán bộ, công nhân viên đã làm việc ba tại chỗ trong lúc tâm dịch. Những cán bộ, công nhân viên ở lại Long An đón xuân, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ công nhân phần quà và một phần sinh hoạt phí trong những ngày nghỉ Tết tại nhà trọ.
Về lâu dài, ông Nguyễn Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Miền Nam Metro cho biết, đơn vị sẽ tăng tiền lương cơ bản lên 10-15% tùy theo vị trí công việc, bộ phận hành chính đang rà soát nhân sự và tăng cường tuyển dụng sau Tết. Còn về chính sách công ty sẽ tăng thêm tiền ăn buổi chiều cho những người ở trọ và thậm chí, xem xét tăng mức hỗ trợ phí xăng xe đi lại.
Với Công ty San Hà (Bến Lức, Long An), dù còn nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo đơn vị vẫn bảo đảm chăm lo cho toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động một cái Tết ấm áp tình người. Song không phải đơn vị nào cũng có điều kiện để hỗ trợ mạnh tay cho người lao động.
Trao đổi với Nhân Dân cuối tuần, bà Lê Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An cho biết: Qua khảo sát của Liên đoàn Lao động, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 20 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết tháng lương 13 (lương cơ bản), một số doanh nghiệp thưởng lương tháng 13 bằng tổng thu nhập năm 2021x10%; có doanh nghiệp thưởng lương tháng 13 và thưởng khuyến khích...
Các doanh nghiệp ngành hạt điều thưởng theo quy chế xếp loại A-B-C của công ty, một số doanh nghiệp chưa hoạt động hết công suất (chưa đủ số lao động) dự kiến hỗ trợ công nhân một phần quà từ 300 nghìn đến một triệu đồng. Bên cạnh đó, còn rất nhiều đơn vị chưa có kế hoạch chi trả lương, thưởng Tết. Một số chi trả đủ lương tháng 1/2022 bình thường và cũng có một số chỉ ứng khoảng 40%-50% lương tháng 1/2022 cho người lao động.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dịp đón xuân năm 2021, đã có gần 1,5 triệu công nhân không về quê đón Tết để phòng, chống dịch. Nhiều công nhân ở lại đã được các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tổ chức đón xuân vui vẻ tại khu công nghiệp, đơn vị, nhà máy… Năm nay, tuy chưa có thống kê nhưng dự kiến cũng không ít công nhân sẽ ở lại địa phương nơi làm việc. Một số tỉnh, thành phố cũng vận động công nhân, người lao động ở lại địa phương đón Tết. Anh Ngụy Hữu Nghĩa, làm việc tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2 (Bình Dương) tâm sự: "Dù được hỗ trợ vé xe nhưng di chuyển về Thanh Hóa cũng mất nhiều thời gian, nên chắc sẽ là Tết thứ hai chúng tôi quyết định ở lại công ty. Nhà cũng đã chuẩn bị sẵn cành mai khô để trang trí cho có không khí xuân".
Để mọi công nhân đều có Tết, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết: Công đoàn tỉnh sẽ tổ chức Chương trình "Tết sum vầy-xuân bình an"… tập trung ở cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở (trong và ngoài các khu công nghiệp), tại các doanh nghiệp, ở nơi có đông đoàn viên, người lao động, phù hợp điều kiện, tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Liên đoàn Lao động tỉnh vận động người lao động cố gắng ở lại tỉnh Bình Dương đón Tết, trường hợp vẫn có lao động có nhu cầu về quê thì hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần vé phương tiện. Nếu có nhiều lao động không về quê đón Tết do tình hình Covid-19 hoặc theo yêu cầu phòng, chống dịch thì tổ chức các hình thức phù hợp trong những ngày Tết với từng địa phương, đơn vị. Cũng theo bà Loan, tính đến nay, có 12 doanh nghiệp đăng ký làm việc trong Tết với tổng số 675 người.
Cú huých cho sự thay đổi căn bản
Đoàn người lao động rời khỏi các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất lớn để về quê tránh dịch được nhiều cơ quan truyền thông lựa chọn là một trong những sự kiện ấn tượng nhất của năm 2021. Thực tế này đã khiến thị trường lao động thay đổi sâu sắc.
Hơn lúc nào hết, nhận thức về việc chăm sóc người lao động cho đúng với vai trò “nguồn lực” của doanh nghiệp, trở thành vấn đề không chỉ tồn tại trên giấy, trong các cuộc họp. Để làm rõ giải pháp bảo đảm vị trí trung tâm của người lao động trong chuỗi sản xuất, Nhân Dân cuối tuần có cuộc trao đổi với PGS, TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính; ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân và Công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; và bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc - ManpowerGroup Việt Nam.
PGS, TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta đã thấy hàng trăm nghìn người lao động đã rời các đô thị lớn về quê. Việc đứt gãy chuỗi sản xuất đã xảy ra rồi. Những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động gặp muôn vàn khó khăn trong thiếu hụt lao động.
Để bảo đảm nguồn lao động, các doanh nghiệp có thể kêu gọi người lao động quay trở lại hoặc tuyển lao động mới, nhưng cần có biện pháp hỗ trợ thiết thực như tiền vé tàu, xe... Để hóa giải nỗi lo lắng về dịch bệnh, doanh nghiệp cần bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Cũng như cần có chính sách ưu tiên tiêm vaccine mũi hai, ba cho người lao động trong các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, và hoạt động trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu. Nên tận dụng hợp lý quỹ đào tạo của công đoàn. Muốn vậy, công đoàn các cấp, nhất là các địa phương phải tổ chức hoạt động đào tạo và đào tạo lại cho người lao động thật tốt. Nếu không phát huy tốt nhất vai trò của mình, các cấp công đoàn sẽ có lỗi với người lao động.
Chúng ta cần quy hoạch các khu công nghiệp sao cho khoa học, có tầm nhìn dài hạn cả trăm năm. Phải trả lời câu hỏi, làm sao để tối ưu hóa việc sống, sinh hoạt và làm việc cho công nhân. Chẳng hạn, ở các địa phương cần quy hoạch các trục công nghiệp thông thoáng, bảo đảm tính kết nối, có các công trình dân sinh, thiết chế văn hóa như trường học cho trẻ em, công viên, chỗ chơi thể thao cho người lao động. Thêm nữa, phải tính toán các khu đô thị sát với khu công nghiệp và đặt trong sự phát triển chung của các vùng kinh tế, có tính kết nối cao để tận dụng lợi thế về nguồn lao động, tạo ra các chuỗi sản xuất liên hoàn, thuận lợi trong vận chuyển. Thật ra, chúng ta đã có những thí điểm phát triển khu đô thị trong các khu công nghiệp, nhưng mới chỉ là các dự án manh mún ở một vài nơi.
Ông Vũ Minh Tiến: Theo tôi, đến 90% số lao động vừa qua rời khu công nghiệp đều mong được quay trở lại làm. Nhưng họ có ba điều cần được an tâm: Thứ nhất, muốn môi trường làm việc bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Thứ hai, muốn nhận được cam kết cụ thể từ doanh nghiệp về việc làm, chế độ đãi ngộ đủ để công nhân có thể sống được. Thứ ba, là nơi gửi con nhỏ. Nếu giải quyết tốt ba điều này, thị trường lao động sẽ tự điều tiết, tránh đứt gãy nguồn lao động.
Qua đại dịch chúng ta thấy, cần đưa nhà máy, khu công nghiệp về nơi có nguồn lao động dồi dào, tức là các địa phương, để “đón đầu” nguồn nhân lực. Rồi mấy chục năm qua, chuyện nhà ở, xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp trở nên rất bức thiết.
Chúng ta đã bàn rất nhiều nhưng tiến triển không bao nhiêu. Dịch bệnh là một cú huých để thay đổi cách bố trí khu công nghiệp, xây dựng nhà ở và xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động. Bởi thế, về lâu dài, chúng ta phải giải quyết vấn đề cuộc sống, vấn đề con người. Chăm lo cho người lao động không chỉ chăm chăm vào tiền lương, mà là cuộc sống rất đời thường.
Bà Nguyễn Thanh Hương: Theo ManpowerGroup Việt Nam, dịch bệnh đã đặt ra yêu cầu nâng cao “đề kháng” cho cả doanh nghiệp và người lao động về lâu dài, và cần có sự chung tay của cả ba bên: chính quyền - doanh nghiệp - người lao động. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của chính phủ, doanh nghiệp cần nâng cao tính linh hoạt, thích nghi của tổ chức mình thông qua việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất; có kế hoạch làm việc linh hoạt phù hợp nhiều kịch bản khác nhau, nâng cao kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm của người lao động... Đặc biệt, với tinh thần “người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp”, doanh nghiệp cần bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho công nhân, duy trì môi trường làm việc an toàn, chăm lo đầy đủ về phúc lợi, sức khỏe thể chất và tinh thần, từ đó giúp họ an tâm và sẵn sàng gắn bó lâu dài.
Trong bối cảnh việc làm của cả thế giới không ngừng thay đổi, vấn đề xây dựng tính bền vững cho thị trường lao động đã được nhắc đến từ lâu và đang ngày càng trở nên cấp thiết. Trong nỗ lực đó, nhiều chính sách hỗ trợ cả doanh nghiệp và người lao động đã được xây dựng và triển khai, nhưng thực tế lại chưa thu được nhiều kết quả. Người làm chính sách cần lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia và nhất là doanh nghiệp, như một điều kiện tiên quyết để xây dựng chính sách sát với thực tiễn, phù hợp các tình huống đặc thù của người lao động và doanh nghiệp thuộc nhiều môi trường kinh doanh khác nhau.
Ngày xuất bản: 17/1/2022
Tổ chức sản xuất: Vũ Mai Hoàng
Nội dung: Lưu Hương Giang, Văn Học, Thu Minh, Minh Anh, Thanh Phong, Hữu Nghĩa, Quang Huy
Trình bày: Phan Anh, Duy Long