"Không buông tay" và tình yêu phi thường trong khu ICU

Cất giấu những vất vả, hy sinh, dịch Covid-19 đã biến họ thành những “người hùng”, lăn xả vào tâm dịch, tận hiến không biết mệt mỏi. Chuyên đề Những nữ y, bác sĩ “anh hùng” trong đại dịch khắc họa chân dung về những người phụ nữ Việt Nam như thế.
Phải buông tay bệnh nhân là điều vô cùng đau khổ với những bác sĩ hồi sức cấp cứu. Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ không nhớ nổi mình đã nắm bao nhiêu bàn tay, nhận trao gửi lại bao nhiêu ánh mắt của bệnh nhân ở những phút cuối đời. Sau những mất mát quá lớn, niềm vui của nữ bác sĩ chính là được nghe thấy tiếng “càm ràm” của bệnh nhân, được “cưng chiều” những ca vừa rút nội khí quản và được thấm tình người trong cơn loạn lạc.
“Hãy cố mang họ về... đừng buông tay quá vội"
Câu thơ của bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Chợ Rẫy cứ ám ảnh tôi mãi, bởi những gì mà chị kể về cuộc chiến khốc liệt nó không đơn thuần chỉ là sự sang chấn tâm lý. Sự tang thương này, chị bảo sẽ theo chị suốt cuộc đời, “chỉ khi chết mới quên đi được”.
Tháng 7/2021, Bệnh viện Chợ Rẫy rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân Covid-19, 4 khu được mở rộng với sức chứa 300 bệnh nhân vẫn không đáp ứng nổi với tình trạng khẩn cấp. Thời điểm khốc liệt nhất, có khu cấp cứu chỉ chừng 20 giường phải đón 100-150 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Hàng dài bệnh nhân nằm la liệt, oằn mình vì hơi thở không đủ ô-xy nuôi cơ thể. Những tiếng la hét, cầu cứu chạy dọc hành lang như khắc sâu thêm một nỗi sợ hãi. Là tuyến đầu chủ công điều trị Covid-19 của thành phố, nhưng lúc này, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng rơi vào quá tải vì bệnh nhân hầu hết nặng và nguy kịch.
Bác sĩ Anh Thơ nhanh chóng được điều động vào khoa Cấp cứu, tập hợp đội quân các chuyên khoa khác nhau để cùng sẵn sàng chiến đấu tại tiền tuyến nóng bỏng nhất. Hầu hết bệnh nhân phải nằm thở máy. Ngoài mắc bệnh nền, đa số trường hợp nặng được đưa đi cấp cứu tại đây đều trong tình trạng muộn, cơ hội sống mong manh.

Những bệnh nhân nặng nằm hồi sức tích cực đòi hỏi các bác sĩ như Võ Ngọc Anh Thơ phải theo dõi sát sao chỉ số sinh tồn. (Ảnh minh họa)
Những bệnh nhân nặng nằm hồi sức tích cực đòi hỏi các bác sĩ như Võ Ngọc Anh Thơ phải theo dõi sát sao chỉ số sinh tồn. (Ảnh minh họa)
Cuộc chiến này đã không còn nằm trong tầm tay vì số bệnh nhân đã vượt quá mọi sự kiểm soát, cả về số lượng và tình trạng nguy kịch. “Chúng tôi xác định cố gắng hết mức nhưng có nhiều thứ không thể làm hơn được nữa. Bệnh diễn biến rất nặng so với dịch hồi đầu. Những bệnh nhân của đợt dịch trước có tổn thương phổi nhưng còn kiểm soát được. Nhưng ở cuộc chiến này, diễn biến viêm phổi dẫn tới suy hô hấp rất nhanh, bệnh nhân quá tải, vượt tầm điều trị. Có những khi, chúng tôi chỉ đứng nhìn chứ không làm gì được”, chị xót xa nói.
Chứng kiến những tang thương, khốc liệt diễn ra hàng ngày trước mắt mình, bác sĩ Anh Thơ tâm sự, cảm giác lúc đó thật sự bất lực, tuy nhiên với vai trò làm trưởng nhóm, chị bắt buộc phải tìm đối sách. Tùy vào mỗi giai đoạn bệnh, chị và đồng đội phải đưa ra đối sách để giảm thiểu tỷ lệ tử vong thấp nhất có thể và chiến lược thích ứng điều trị. Phải tổ chức hoạt động của khoa để tận dụng năng lực từng người, cứu chữa bệnh nhân với tỷ lệ tử vong thấp nhất. Mỗi ngày bước vào ca trực, chị đều phải đưa ra những quyết định cân não, đưa ra bảng điểm tiên lượng tử vong để tập trung năng lực cứu chữa.
Có rất nhiều ca bệnh, chị và đồng đội phải lén nhìn nhau ngầm hiểu: “Bệnh nhân này chỉ có thể dừng ở đây thôi, không còn hy vọng”. Đó là cảm giác vô cùng đau đớn và khó chịu tới nghẹn thở. Giá như trong điều kiện bình thường, không quá tải, họ còn có thể làm được hơn nữa, nhưng trong hoàn cảnh này... “Làm bác sĩ hồi sức phải buông tay là cảm giác cực kỳ đau khổ. Nhưng lúc đó chúng tôi buộc phải tỉnh táo hơn, phải có hội chẩn chuyên khoa và đưa ra định hướng chung nếu không các bệnh nhân sẽ chết hết khi vượt quá năng lực điều trị”, bác sĩ Thơ nói.
“Có những ca, chúng tôi phải đặt ống thở lại rất nhiều lần. Có những ca béo phì mà bằng sự thần kỳ nào đó, họ vượt qua được, xuất viện về cân nặng chuẩn. Có những ca mắc bệnh lý về máu gần như không can thiệp được gì, chỉ duy trì và chờ vào phép màu thì họ lại được sống như trời cứu”, bác sĩ Anh Thơ tâm sự.
Nhưng đứng trước những quyết định rất khó khăn, có những tình huống, tình người đã vượt lên trên sự tỉnh táo. Đó là khi hai bệnh nhân cùng cao tuổi được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nặng nề. Người vợ đã không thể qua khỏi rất nhanh. “Tôi nói với đồng đội, phải cố gắng để cho cụ ông được sống. Đừng để một gia đình mà cả hai người cùng phải ra đi”. Và rồi với những nỗ lực can thiệp nội khí quản cho ông, chăm sóc tốt nhất, cụ ông đã bình phục. “Ngày cuối cùng khi ông về, được nghe giọng ông nói sang sảng ở thang máy: “Tôi nhớ nhà lắm, muốn về lắm rồi”. Tôi đã bật khóc. Đó là niềm vui không gì có thể so sánh được”.

Niềm vui mỗi ngày chính là được nghe bệnh nhân phàn nàn
Nữ bác sĩ nhỏ nhắn nhưng bản lĩnh, kiên cường đã đi qua rất nhiều mặt trận điều trị Covid-19 khốc liệt từ Bình Thuận, Gia Lai…, đã chiến đấu với virus SARS-CoV-2 từ đầu khi điều trị cho hai cha con người Trung Quốc mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng đứng trước cuộc chiến này, mọi sự chủ động, mọi hiểu biết về Covid-19 đều chậm hơn so với tốc độ tàn phá của biến chủng Delta. Một bác sĩ có kinh nghiệm đầy mình như chị, cũng đã có lúc phải “đứng nhìn bất lực”.
Trong khu điều trị bệnh nhân nặng, nỗi đau của các gia đình đều rất giống nhau, dù lúc này họ giàu hay nghèo. Có những người tỉnh tới lúc họ biết không còn cơ hội sống. Có những gia đình lần lượt chứng kiến từng người ra đi trong thời gian rất nhanh. Khi họ trút hơi thở cuối cùng, chỉ có các y, bác sĩ là người bên cạnh duy nhất, chứng kiến những biến cố cuối cùng trong cuộc đời họ.
Chị kể, nỗi ám ảnh nhất với chị chính là khuôn mặt những người đã mất và “ánh mắt cuối đời họ cố tìm người trao lại”. Bởi cảm giác khi nhìn thấy người bệnh rời khỏi tay mình một cách cô đơn lạnh lẽo không thể nào quên được. “Có nhiều bệnh nhân, chúng tôi đã nắm chặt bàn tay khi họ từ từ ngừng thở. Đó là sang chấn lớn với nhân viên y tế. Mất mát quá lớn này không biết tôi có đủ kinh nghiệm cuộc đời để trải qua chưa”, bác sĩ Anh Thơ xót xa nói.

Mặt trận điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy luôn trong trạng thái căng thẳng, khốc liệt.
Mặt trận điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy luôn trong trạng thái căng thẳng, khốc liệt.
Lần đầu tiên mối quan hệ bác sĩ với người nhà là bài toán rất khó cho bác sĩ Anh Thơ, là khi phải liên tục giải thích cho người nhà về tình trạng nặng của người bệnh. Rồi chỉ cách cuộc gọi trước chừng 2 giờ đồng hồ thông báo về tình trạng nặng của bố, chị phải tiếp tục gọi cho họ thông báo về tình trạng nặng của mẹ, trong khi người con của họ cũng đang nằm điều trị ở một tuyến khác. “Tôi không biết nói cách nào để người nhà dễ chịu mà bản thân họ cũng vượt qua được bệnh tật lúc đó”.
Cũng giống như hàng nghìn nhân viên y tế ở tuyến đầu, những niềm vui vỡ òa khi nhiều bệnh nhân tưởng chừng không thể qua khỏi, thoi thóp thở, phải lọc máu, chỉ chờ rút ống để ra đi thì họ lại hồi sinh. Khi ấy, bệnh nhân được cưng chiều hết mực dù họ mè nheo tới tận ngày về. “Niềm vui mỗi ngày là được nghe cụ bà bệnh nhân càm ràm, đòi tiền, dầu gió xanh và đấm bóp, là được nhìn thấy chỉ số PEEP, FIO2 giảm từng ngày, là thấy HFNC được chuyển ô-xy mũi. Ca nào rút được nội khí quản nghiễm nhiên trở thành cục cưng của đội chúng tôi... Lâu lâu, chúng tôi lén ôm một cục cưng nào đó cho xuất viện”, bác sĩ Thơ viết riêng những dòng nhật ký.
Trong cuộc chiến nhiều nước mắt này, chị Thơ luôn có những niềm riêng để làm động lực cho sự vực dậy. Đó là một sự nhiệt huyết của "đội rồng" (tên gọi thân thương chị đặt cho nhóm hồi sức cấp cứu), là sự lăn xả của đồng đội, là sự không quản ngại gian khó, chấp nhận hy sinh của bất kỳ ai xung phong lên tuyến đầu, là những cố gắng giấu nỗi đau của mỗi bác sĩ.
“Khi họ đã cố gắng hết sức để cứu bệnh nhân nhưng bệnh nhân vẫn tử vong bất đắc kỳ tử, tôi cảm nhận được nỗi đau của những người đồng nghiệp. Đồng đội cố gắng như vậy mình cũng phải cố gắng hết sức. Tôi cũng nhìn thấy điều dưỡng của mình vất vả 12-14 giờ mỗi ngày nhưng vẫn hết sức làm việc, vẫn cố gắng nhẹ nhàng với bệnh nhân. Họ vẫn chăm sóc bệnh nhân ân cần từ thay tã, tắm rửa, gội đầu, không một chút kêu than… Họ còn trở thành người nhà, động viên người bệnh mỗi ngày phải vượt qua thách thức, cố gắng tập thở để sớm trở về với gia đình. Sự kiên nhẫn, yêu thương bằng cả trái tim của những đồng đội là năng lượng tích cực để tôi có thêm niềm tin và bản lĩnh vượt qua thời điểm khó khăn nhất”, bác sĩ Anh Thơ tâm sự.
"Chúng tôi không muốn làm người hùng"
Bác sĩ Anh Thơ mỗi ngày nhận cả trăm cuộc điện thoại, chỉ với cầu cứu xin được một cơ hội vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Họ đặt niềm tin lớn vào cơ sở y tế tuyến đầu của thành phố với suy nghĩ, chỉ có cơ hội sống sót khi được vào đây điều trị. Nhưng điều đau xót nhất với chị là vào tình cảnh vô vàn khó khăn, những người ruột thịt trong gia đình cùng bị nhiễm Covid-19, chị cũng không thể giúp. “Cả gia đình bác ruột tôi đều nhiễm Covid-19 và bác đã lớn tuổi. Ngay cả khi nhận được cuộc gọi của chị họ, tôi cũng bất lực không thể sắp xếp được. Tôi cố gắng nhờ ở tuyến khác nhưng trong lòng canh cánh một nỗi áy náy. Khi người nhà cần mình nhất, mình lại không thể trực tiếp theo dõi, chăm sóc”, bác sĩ Anh Thơ xót xa nói.
Mỗi ngày trôi qua, khi phải từ chối một người bệnh nào đó, dù họ đã từng khuỵu xuống trước mặt chị, khóc nấc lên xin một cơ hội được vào bệnh viện, nhưng hôm sau lại nghe tin người đó đã mất, sự áy náy của chị cứ tăng lên mỗi ngày.
Có nhiều bệnh nhân Covid-19 vì quá đau đớn khi mất đi người thân, vì bị nỗi sợ hãi choán hết tâm trí quyết tâm vượt qua bệnh tật khiến họ bị rối loạn tâm thần dẫn tới trầm cảm, loạn nhân cách, ảnh hưởng rất lớn tới điều trị. Lúc này, ngoài việc hội chẩn tâm thần với bên chuyên khoa, là người điều trị trực tiếp từng người bệnh, chị còn phải động viên, an ủi, nói chuyện, chia sẻ để họ không còn sợ hãi, đòi tự tử. Có không ít bệnh nhân phản kháng, bất hợp tác với điều trị… nhưng không một nhân viên y tế nào phàn nàn. Những người thầy thuốc như chị cảm nhận được nỗi đau khôn cùng của người bệnh trong hoàn cảnh cuộc chiến khốc liệt này.

Bác sĩ Anh Thơ cùng đồng đội ở tuyến đầu điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ Anh Thơ cùng đồng đội ở tuyến đầu điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chị bảo, có nhiều người nói nhân viên y tế là người hùng, nhưng chị không nghĩ cho bản thân mình như vậy. “Trong hoàn cảnh khó khăn, thách thức nhất, các nhân viên y tế như chúng tôi đều luôn sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu. 2 năm qua, khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy chúng tôi chưa có một nhân viên nào từ chối nhiệm vụ. Đó là động lực để người làm vị trí quản lý như tôi được tiếp thêm sức mạnh đi tiếp. Chúng tôi đã xây dựng được nhóm làm việc giống như “một liên hợp quốc đúng nghĩa”, tận dụng mọi thế mạnh để điều trị bệnh nhân "4 tại chỗ". May mắn tới giờ này, chúng tôi vẫn là một đội hoàn thành tốt công việc của mình. Anh em bảo tồn sức cho tới giờ này và sẽ còn tiếp tục chiến đấu nữa”, bác sĩ Anh Thơ bày tỏ.
Được đánh giá là “người có làm việc mới giảm được stress, nếu nghỉ lâu quá chịu không nổi”, 4 tháng qua, ở trong khu điều trị Covid-19, chị làm việc gấp đôi so với bình thường. Ngoài nhiệm vụ của một bác sĩ điều trị, chị còn làm quản lý, tạo động lực cho các anh em vững vàng, lạc quan và đưa ra những quyết định sáng suốt nhất để cứu chữa người bệnh.

Bác sĩ Anh Thơ những ngày này đã thấy khu điều trị bệnh nhân Covid-19 dễ thở hơn.
Bác sĩ Anh Thơ những ngày này đã thấy khu điều trị bệnh nhân Covid-19 dễ thở hơn.
Gác việc riêng, để tập trung cho chuyên môn, trong 2 năm liên tục (2020 và 2021), bác sĩ Anh Thơ không được đón Tết sum vầy bên gia đình. Tết năm 2020, chị và đồng đội bắt đầu đối mặt căn bệnh mới do virus SARS-CoV-2 gây ra với hai bệnh nhân đầu tiên là hai cha con người Trung Quốc. Vừa học, vừa điều trị, bác sĩ Anh Thơ đã cùng đồng nghiệp điều trị khỏi cho bệnh nhân sau gần 3 tuần điều trị, ghi dấu ấn thành công đầu tiên của Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch.
Từ đó tới nay, chị là thành viên nữ hiếm hoi đã cùng các đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia vào các đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh Covid-19 có mặt tại các tâm dịch như: Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Gia Lai. “Tôi may mắn có ba mẹ ủng hộ theo nghề y và lo lắng hết công việc gia đình, chăm con cái, nên tôi yên tâm để sẵn sàng lao vào điểm nóng. Thời gian đầu, ông bà rất xót xa cho tôi, nhưng giờ thì đã quen rồi. Họ chỉ cần tôi luôn bình an là họ vui”, bác sĩ Anh Thơ tâm sự.
ThS, BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Tháng 4/2021, Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh BS Võ Ngọc Anh Thơ là một trong 20 phụ nữ Việt truyền cảm hứng năm 2021. Chị được bầu chọn là gương mặt điển hình cho tinh thần tận tụy của đội ngũ y tế Việt Nam trong công tác phòng chống Covid-19.
Trong đợt dịch này, ngay từ khi nhận thấy diễn biến dịch căng thẳng, chị thu xếp cho bố mẹ và con gái nhỏ về quê tại Bến Tre để tránh dịch. Đó là một quyết định sáng suốt để chị yên tâm 4 tháng đóng quân tại bệnh viện. Mỗi ngày trôi qua, sau giờ trực được đi một đoạn đường ngắn từ bệnh viện về chỗ ở, chị chứng kiến thành phố ốm rất nặng, hoang vắng, không một bóng người. Mỗi ngày sẽ có thêm bệnh nhân qua đời một cách đột ngột, chị ám ảnh nhiều suy nghĩ: “Khi ngày mai mình mất đi, liệu mình đã có đủ thời gian để cạnh người nào đó chưa, liệu đã dành được nhiều thời gian yêu thương cho gia đình, liệu có nuối tiếc gì khi ra đi hay không?”. Vì thế, ngày hôm nay, khi thành phố đã bình phục trở lại, chị thấy yêu cuộc sống hơn khi mỗi ngày chị được về nhà, ngủ giấc bình yên sau mỗi ca trực, được sống và yêu thương những người thân yêu của mình.

Bác sĩ Anh Thơ trong đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường chi viện cho Gia Lai (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp)
Bác sĩ Anh Thơ trong đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường chi viện cho Gia Lai (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp)
Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ đã dẫn dắt đồng đội vượt qua rất nhiều thách thức, chiến thắng rất nhiều cuộc đua tưởng chừng không thể cán đích để giành bệnh nhân từ tay tử thần. Những ngày ngày, cấp cứu giảm nhiệt, cảm giác dễ thở hơn, đỡ ngột ngạt hơn, chị thấy được những ánh sáng cuối đường hầm: “Lúc nào, tôi cũng có cảm giác êm đềm, ngọt ngào khi nhìn thấy các bạn bác sĩ của mình đến khám, trò chuyện, an ủi bệnh nhân, khi nhìn thấy các bạn điều dưỡng của mình tắm rửa, gội đầu, đút ăn... cho từng bệnh nhân. Tôi có thể đứng hàng giờ để xem, để cảm nhận điều đó kỳ diệu đến thế nào... Đó là tình người trong cơn loạn lạc…”.
Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Nội dung: THẢO LÊ, THIÊN LAM, PHAN ANH
Trình bày: ĐỨC DUY
Ảnh: HẢI AN, NHÂN VẬT CUNG CẤP, BỆNH VIỆN CHỢ RẪY