THÁO GỠ "NÚT THẮT"

TRONG MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cải cách thể chế nhất quán theo thị trường sẽ là khâu đột phá chiến lược, giúp khôi phục lại niềm tin thị trường và của nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường quản lý, điều tiết thị trường bằng các giải pháp thị trường, không bằng mệnh lệnh hành chính hoặc không thay đổi thể chế, luật pháp theo lối “giật cục”, khó đoán định sẽ làm cho môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục có sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Đến nay, khi những bất ổn toàn cầu kèm theo nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu, khiến sự phục hồi tăng trưởng và hiệu quả thị trường của Việt Nam cũng gặp thách thức nghiêm trọng. Do đó, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ giúp Việt Nam tăng cơ hội thu hút đầu tư mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Tuy môi trường kinh doanh ở nước ta liên tục được cải thiện với thái độ và trách nhiệm của các địa phương đang ngày một tăng lên, nhưng tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính.

Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là: thuế, phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng.

Chất lượng thực thi chính sách ở cấp chính quyền cơ sở vẫn là một hạn chế đáng chú ý và cần thêm nhiều cố gắng hơn nữa ở các địa phương để kết quả cải thiện chất lượng điều hành có kết quả đồng bộ.

Chất lượng thực thi chính sách ở cấp chính quyền cơ sở vẫn là một hạn chế đáng chú ý và cần thêm nhiều cố gắng hơn nữa ở các địa phương để kết quả cải thiện chất lượng điều hành có kết quả đồng bộ.

Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” lại tăng đáng kể trong năm 2022 lên mức 71,7% (tăng so mức 54,1% năm 2021).

Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “việc chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” mới chỉ giảm nhẹ từ mức 36,8% năm 2021 còn 36,3% trong năm 2022.

Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế đã gia tăng đáng quan ngại, từ mức 33,8% của năm 2021 lên mức 54,54% năm 2022.

Những hiện tượng này cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Còn nhiều phiền hà trong tiếp cận nguồn lực đất đai

Tình trạng phiền hà trong thực hiện thủ tục đất đai còn phổ biến và đang là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Theo đó, vấn đề các doanh nghiệp cần tiếp tục tháo gỡ là tình trạng ách tắc, thời gian giải quyết hồ sơ về đất đai thường xuyên kéo dài hơn so với quy định.

Hiện có khoảng 42,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI 2022 đã cho biết, thủ tục đất đai khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2022. Dù kết quả này tích cực hơn so năm 2021 (53,8%), song tác động tiêu cực của nó lại cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực thủ tục quan trọng khác.

Có tới 60,81% doanh nghiệp nhận định “Thời gian giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với quy định”, đây cũng là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp gặp phải nhất.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI

Tiếp cận đất đai dễ dàng là một trong những điều kiện tiên quyết để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả khảo sát PCI 2022 lại cho thấy, việc tiếp cận đất đai hiện nay được đánh giá vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều doanh nghiệp; các chỉ tiêu đo lường khía cạnh tiếp cận đất đai nhìn chung chưa có cải thiện đáng kể. Dù đây là vấn đề từng được chỉ ra trong các báo cáo PCI trước đây, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.  

Kết quả khảo sát PCI 2022 cho thấy, việc tiếp cận đất đai hiện nay được đánh giá vẫn đang là điểm nghẽn lớn với nhiều doanh nghiệp.


Có 30,2% doanh nghiệp mất nhiều thời gian để xác định giá trị quyền sử dụng đất; 29,31% cho biết quy trình giải quyết hồ sơ đất đai không đúng so với quy định; 29,15% doanh nghiệp không nhận được hướng dẫn đầy đủ từ cán bộ giải quyết thủ tục hành chính và 14,73% doanh nghiệp phản ánh giá đất không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định.

Từ những con số trên cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều trở ngại, trong đó có vấn đề tiếp cận đất đai và đất đai lại đang là một loại tài sản thế chấp quan trọng trong các thỏa thuận tiếp cận tín dụng.

Do đó, việc dễ dàng tiếp cận đất đai hơn đồng nghĩa khả năng tiếp cận tín dụng sẽ dễ dàng hơn. Khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai dễ hơn, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngược lại, nếu tình trạng doanh nghiệp gặp trở ngại với tiếp cận đất đai như hiện nay còn tiếp diễn, thì sẽ hạn chế rất nhiều tiềm năng phát triển lâu dài của các doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ gỡ bỏ nhiều nút thắt về thể chế và khung khổ pháp luật, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong đó, cần xác định rõ đất thực hiện dự án xây dựng cơ sở y tế tư nhân thuộc loại đất xây dựng công trình sự nghiệp, thuộc đối tượng dự án được Nhà nước hỗ trợ thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia và cộng đồng. Ðồng thời, phải giao đất, cho thuê không thu tiền sử dụng đất trong suốt thời gian thực hiện dự án, không phải thực hiện trình tự đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất như đang áp dụng với các cơ sở y tế công lập.

Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng

Muốn tạo môi trường bình đẳng, không phân biệt trong đầu tư xây dựng cơ sở y tế công lập và tư nhân, Chính phủ phải phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho UBND các địa phương chủ động lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực, uy tín, trách nhiệm để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế trên địa bàn, góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, nâng số lượng bệnh viện và giường bệnh trên cả nước.

Với những trường hợp các nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết dự án, sẽ bị chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi dự án theo quy định mà không đền bù cho nhà đầu tư.

Có như vậy mới tạo ra động lực cho các doanh nghiệp triển khai những dự án vì cộng đồng xã hội, tránh phân biệt đối xử công-tư như hiện nay.”
Ông Nguyễn Văn Ðệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam

Ngoài khó khăn trong tiếp cận đất đai, doanh nghiệp đang chật vật trong tiếp cận tín dụng khi “khó đáp ứng điều kiện cho vay” đang là rào cản chính khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa như kỳ vọng.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay và các ngân hàng thương mại, việc xác định tiêu chí “có khả năng phục hồi” lại chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận “ngại” phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp nhận hỗ trợ khi có tới 59% doanh nghiệp cho biết “thủ tục vay vốn phiền hà và bị áp đặt những điều kiện tín dụng bất lợi”.

Khảo sát PCI 2022 đã xác nhận tiếp cận tín dụng đang là vấn đề khó khăn lớn nhất gặp phải trong năm 2022.

Khảo sát PCI 2022 đã xác nhận tiếp cận tín dụng đang là vấn đề khó khăn lớn nhất gặp phải trong năm 2022, khi có tới 75% doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Có tới 79% doanh nghiệp không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp; 56% doanh nghiệp cho biết có hiện tượng “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng.

Ngoài ra, cũng có 12% doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục, 5,6% doanh nghiệp cho biết thời hạn cho vay ngắn và 7,5% doanh nghiệp gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Tỷ lệ doanh nghiệp có các khoản vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng trong năm 2022 cũng giảm còn hơn một nửa so năm 2017.

Có thể thấy, những nỗ lực cải cách của các địa phương thời gian qua đã đem lại nhiều thay đổi tích cực đến chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam qua cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp.

Song xu hướng cải cách vẫn còn mang nặng tính hình thức, tình trạng “cài cắm” điều kiện kinh doanh trong các thông tư do cấp bộ ban hành vẫn còn nhiều,…

Việc cắt giảm danh mục điều kiện kinh doanh là có, nhưng chủ yếu dưới hình thức gộp tên ngành nghề hoặc sử dụng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, để rút gọn về số lượng.

Thủ tục về đất đai còn rất khó khăn, có nhiều sự mâu thuẫn, chồng chéo của quy định pháp luật, làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Có hiện tượng hừng hực khí thế cải cách ở cấp Trung ương nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và trực tiếp là Thủ tướng, với những cải cách thể hiện một dụng ý chính sách tương đối rõ ràng, xuyên suốt, nhưng ở nhiều địa phương dường như vẫn chưa thực sự muốn cải cách một cách thực tâm; chưa triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ.

Có hiện tượng hừng hực khí thế cải cách ở cấp Trung ương nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và trực tiếp là Thủ tướng, với những cải cách thể hiện một dụng ý chính sách tương đối rõ ràng, xuyên suốt, nhưng ở nhiều địa phương dường như vẫn chưa thực sự muốn cải cách một cách thực tâm, chưa triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ.

Tuy doanh nghiệp luôn than khó, nhưng có lúc có nơi, việc giải quyết các khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp chỉ là lời hứa. Nhiều địa phương thực hiện cải cách vì sức ép chứ không thực tâm; chưa “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực”; chưa “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả thực hiện”.


Thực tế này đã thể hiện trong PCI 2022, ở trong nhóm “đội sổ” ghi nhận một “gam màu tối” kmột số địa phương nhiều năm liền vẫn nằm ở nhóm cuối bảng xếp hạng hoặc thậm chí còn tụt hạng so các năm trước.

Tuy PCI tuy chỉ là bộ chỉ số được đánh giá trên cảm nhận của doanh nghiệp, có giá trị tham khảo, nhưng các địa phương phải coi đó là “chỉ số hành động” nhằm đưa ra những giải pháp, quyết tâm cải thiện thứ hạng, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Người dân và doanh nghiệp thăm quan Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh.

Người dân và doanh nghiệp thăm quan Không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ hạng PCI thường được người ta nhìn ngắm để ngẫm ra chất lượng năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương, tuy nhiên việc các chính quyền “vượt lên chính mình” còn quan trọng hơn “vượt qua tỉnh bạn”.

Thứ hạng cao hơn so với năm trước là cần thiết để phấn đấu, nhưng quan trọng hơn hết là môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương phải được cải cách thực chất theo hướng tốt hơn, hấp dẫn hơn với năng lực cạnh tranh được nâng cao hơn. Đó là một chuỗi những nỗ lực không ngừng, là động lực có ý nghĩa để tăng cường “năng lực cạnh tranh chính quyền cấp tỉnh”.

Hành trình thay đổi thứ hạng PCI phải là nỗ lực liên tục nhiều năm, đòi hỏi tiếp tục và liên tục thay đổi tư duy - hành động, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm kiến tạo một môi trường tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ hạng PCI thường được người ta nhìn ngắm để ngẫm ra chất lượng năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương, tuy nhiên việc các chính quyền “vượt lên chính mình” CÒN QUAN TRỌNG HƠN “vượt qua tỉnh bạn”.


Vì vậy, thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, các tổ chức, hiệp hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những bất cập, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật.

Quan điểm phải tạo mọi điều kiện để có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, an toàn nhất và minh bạch nhất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Cùng với đó, vai trò của các chính quyền địa phương phải được chú ý nhiều hơn với những kỳ vọng lớn hơn về tạo thuận lợi môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định.

Đồng thời, triển khai nghiêm túc, đầy đủ những nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã ban hành, tạo ra những đột phá cho môi trường kinh doanh giai đoạn tới với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Từng bước đưa nền kinh tế Việt Nam đi lên phát triển nhanh và bền vững.

Hành trình thay đổi thứ hạng PCI phải là nỗ lực liên tục nhiều năm, đòi hỏi tiếp tục và liên tục thay đổi tư duy - hành động, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm kiến tạo một môi trường tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp.

Ngày xuất bản: 21/4/2023
Chỉ đạo thực hiện: THU HÀ
Nội dung: MINH DŨNG
Trình bày: BẢO MINH
Ảnh: TRẦN HẢI, VCCI và CTV